Hội Chợ Phù Hoa

Chương 42

NHỮNG VIỆC XẢY RA TRONG GIA ĐÌNH OSBORNE

Tính từ buổi ta gặp ông già Osborne ở khu phố Russell đến nay, cũng đã khá lâu. Ông lão không được sung sướng lắm; những việc xảy ra đã không khiến được tính tình ông vui vẻ hơn; chuyện đời mười phần, chín chẳng được như ý muốn. Sở thích nào có cao xa gì, mà cũng không thoả mãn được, hỏi sao ông lão chẳng bực dọc; lại còn bệnh tật giày vò trong cảnh già nua trơ trọi. Con trai mới chết được ít lâu mà bộ tóc rễ tre đen nhánh của ông đã bạc trắng. Da mặt ông già xám lại; bàn tay rót rượu ngày một thêm run. Đến khu City, ông lão hành hạ bọn nhân viên đến khổ, gia đình ông ở nhà cũng chẳng sung sướng gì hơn. Rebecca thèm khát tiền bạc thật, nhưng chưa chắc đã muốn đánh đổi đời sống nghèo khó đầy những mưu mô táo bạo của mình lấy sự giàu có và cảnh sống ủ dột rầu rĩ của ông Osborne. Ông già đã đánh tiếng hỏi cô Swartz làm vợ nhưng gia đình cô này khinh khỉnh từ chối; sau cô ta lấy một anh chàng trẻ tuổi thuộc dòng dõi một gia đình quý tộc xưa Scotland. Ông Osborne thuộc loại người đáng lý nên cưới một người vợ con nhà hạ tiện, để tha hồ mà hành hạ mắng mỏ, nhưng chẳng gặp được ai vừa ý. Ông bèn quay ra hành hạ cô con gái chưa đi lấy chồng. Cô này có một chiếc xe ngựa riêng, xe cũng đẹp, ngựa cũng đẹp; cô ngồi chủ toạ những bữa tiệc ê hề toàn cao lương mỹ vị; cô có sổ ngân phiếu riêng, đi đâu một bước cũng có người theo hầu. Ai cũng tín nhiệm cô; bọn cung cấp hàng ra sức mà trọng vọng cô gái thừa tự, gặp đâu cũng thi nhau mà chào hỏi, nịnh nọt. Nhưng cô sống rất khổ. Cô tiểu thư quá lứa nhỡ thì ấy chẳng được sung sướng bằng những đứa bé trong trại mồ côi, những chị quét đường, hoặc chị phụ bếp nghèo khổ nhất trong phòng ăn của đầy tớ.

Frederick Bullock, tôn ông, trong hãng Hulker vf Bullock, đã cưới Maria Osborne, điều đó cũng không phải là không gặp khó khăn, vì ông lão Bullock không hài lòng lắm. Bây giờ George đã chết, lại đã bị gạch tên trong di chúc, Frederick khăng khăng đòi ông bố vợ chia cho Maria một nửa số của cải; nếu không thoả mãn điều kiện ấy, anh ta cương quyết không chịu “tiếp cận một sự thoả thuận nào cả” (theo cách nói của chính Frederick). Ông Osborne rút ngay tiền vốn ra khỏi công ty Hulker và Bullock, và một bữa xách roi ngựa đến phòng hối đoái doạ rằng sẽ quật nát mặt thằng khốn nạn mà ông không muốn nói rõ tên. Trước sự xung đột của hai gia đình, Jane an ủi em: “Maria, chị vẫn bảo rằng nó có lấy em đâu, nó chỉ lấy tiền của em đấy thôi”.

Cô Maria vênh mặt lên đáp:

- Anh ấy lấy tiền của tôi thật, nhưng anh ấy chọn tôi chứ có chọn chị và tiền của chị đâu.

Tuy nhiên hai nhà cũng không cãi nhau lâu. Bố Fred, và bọn bè bạn nhiều tuổi cũng khuyên anh ta nên lấy Maria, với số hồi môn hai vạn đồng, một nửa đưa ngay, một nửa bao giờ ông Osborne chết sẽ trả nốt, bởi lẽ Fred vẫn có hy vọng được chia thêm gia tài cơ mà. Thế là “ngã giá”, vẫn theo lối nói của Fred, anh ta nhờ lão Hulker đến điều đình lại với ông Osborne. Lão kia bảo rằng tại bố Fred không thuận nên tìm cách làm khó dễ, chứ thực tâm anh con chỉ muốn giữ lời hứa. ông Osborne tuy bực, nhưng rồi cũng ưng thuận. Hãng Hulker và Bullock là một hãng buôn lớn ở khu City, giao dịch nhiều với những tay giầu sụ ở khu West End. Ông già nghĩ kể cũng dễ chịu mỗi khi được giới thiệu với người khác thế này: “Thưa ngài, đây là con rể tôi, chủ hãng Hulker và Bullock; thưa ngài, công nương Mary Mango đây gọi con rể tôi là anh họ, tức là lệnh ái bá tước Castlemouldy tiên sinh đấy ạ”. Ông đã tưởng tượng ngay gia đình ông đầy những bậc giàu sang; cho nên ông tha thứ cho Frederick và đồng ý cho cưới.

Hôn lễ thật là linh đình...Họ nhà trai mở đại tiệc ngay tại nhà thờ ở quảng trường Hanover, gần nhà thờ St. George. Các ngài tai mặt trong khu West End đều đến dự; nhiều người ký vào sổ vàng kỷ niệm. Ngài Mango cùng công nương Mary Mango cũng đến, hai cô con gái là Gwendoline và Guinever Mango đóng vai phù dâu. Đại tá Blơtđaiơ thuộc đội Ngự lâm quân (con cả ông chủ hãng Blơđaiơ và anh em ở đường Min xinh) là anh họ chú rể và vợ là bà Bludyer cũng có mặt. Rồi cả ngài George, con trai bá tước Lane, và vợ tức là cô Mango cùng ngài tử tước Castletoddy, ngài James McMull và bà McMull (nguyên là cô Swartz khi trước), cùng vô số những người danh giá, người nào cũng lấy vợ lấy chồng ở phố Lombard cả.

Hai vợ chồng trẻ có một ngôi nhà riêng gần quảng trường Berkeley và một biệt thự nhỏ ở Roehamton, khu vực ngân hàng của thành phố. Có mấy bà trong họ cho rằng Fred lấy vợ con nhà hạ tiện, quên khuấy rằng chính ông nội các bà xưa kia cũng từng được nuôi dưỡng trong trại mồ côi; về sau nhờ lấy chồng sang, các bà mới biến thành quý tộc. Maria hiểu rằng bây giờ mình đã là người sang trọng, khách khứa ghi tên trong sổ tiếp tân toàn bậc tai mặt, phải biết quên dòng dõi tầm thường nhà mình đi thì mới đúng phép; cho nên, để làm tròn nhiệm vụ, cô ta bắt đầu thưa đi lại thăm bố và chị gái.

Nhưng để cho vợ cắt đứt quan hệ với ông nhạc vẫn còn trong két hàng chục vạn đồng thì có hoạ là loạn óc, đời nào Fred Bullock chịu thế. Nhưng cô vợ còn trẻ người non dạ quen nghĩ sao làm vậy. Cô ta chỉ mời bố và chị gái đến dự buổi tiệc tiếp tân loàng xoàng của gia đình mình, tiếp đãi rất lạnh nhạt, không thèm bước chân đến khu phố Russell, lại còn trắng trợn khuyên bố nên dọn nhà đi khỏi cái chỗ ở bần tiện ấy nữa. Cô ta làm quá, tài ngoại giao của Frederick kéo lại không kịp; xem ra không khéo đến mất phần gia tài sau này.

Một buổi tối, ông Osborne và con gái đến dùng cơm tại nhà bà Frederick Bullock về; ngồi trên xe ngựa, ông lão mở tung cửa xe, bảo con:

- Thế ra bà Maria bây giờ coi thường cánh khu phố Russell chúng ta thật, hả? Nó lại mời bố đẻ ra nó và chị nó đến dự bữa tiệc thừa! Hôm qua, nó mà không mời bọn quý phái chúng nó tiệc tùng riêng với nhau rồi thì tao chớ kể làm người! Nó ngồi với những bá tước, những phu nhân, toàn những người sang trọng, để cho bố con mình uống rượu với mấy thằng nhà buôn ở khu City và mấy lão rác rưởi. Mẹ kiếp, sang với chả trọng! Ông chỉ là một thằng nhà buôn tầm thường, có thế thôi; vậy mà ông cũng đủ tiền nuôi cả đống ăn mày đói rã họng chúng nó đấy. Bá tước à? Úi dào ôi! Một buổi dự tiệc tối, tao thấy một thằng nói chuyện cả với tên nhạc công tao vẫn khinh xưa nay. Các ông các bà ấy không thèm đến khu phố Russell à? Được lắm. Tao có rượu ngon uống, mà trả tiền ngay không thèm chịu; tao có bộ đồ ăn bằng bạc đẹp hơn cả chúng nó, bầy trên bàn ăn bằng gỗ mun; tao có thể đãi tiệc còn sang hơn chúng nó nhiều. Cái bọn hèn mạt chúng nó! James, đánh xe nhanh lên. Tao muốn về ngay khu phố Russell, ha ha!

Ông lão giận giữ cười ầm lên, ngồi phịch xuống góc đệm xe. Ông ta vẫn có thói quen đem cái hơn người của mình ra để tự an ủi mỗi khi bất như ý.

Tất nhiên là Jane Osborne hoàn toàn đồng ý với cha. Khi bà Frederick sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Frederick Augustus Howard Stanley Devereux Bullock, bà mời ông già Osborne đến dự lễ rửa tội và đỡ đầu cho thằng bé! Ông lão chỉ gửi cho nó một chiếc cốc bằng vàng, đựng hai mươi đồng ghi nê làm quà chứ không đến.

Ông bảo: “Cái bọn quyền quý chúng mày có cho con cháu được ngần ấy tiền, ông chớ kể”. Món quà giá trị thay, cả nhà Bullock ai cũng lấy làm hài lòng, Maria cho là bố quý mình lắm; còn Frederick đã hý hửng nay mai hai bố con có hy vọng nhờ vả ông ngoại nhiều.

Chẳng nói thì ta cũng thừa biết rằng cô Jane Osborne ngồi lẻ loi một mình ở công viên Russell tức tối đến thế nào khi đọc báo “Tin tức buổi sáng” thỉnh thoảng lại thấy tên em gái được nhắc tới trong những bài thuộc mục “Những cuộc họp mặt của giới thượng lưu” Một lần cô thấy báo đăng tin em gái được Frederica Bullock phu nhân đưa vào Hoàng cung triều kiến, lại mô tả cả bộ áo Maria bận bữa ấy. Bao giờ cho cô Jane được hưởng những vinh dự lớn lao như thế? Cuộc đời cô thực khổ sở. Mùa rét, cô phải dậy từ lúc trời còn tối mịt để sửa soạn bữa sáng cho ông bố cau có bẳn tính. Tám giờ rưỡi mà chưa được ăn sáng thì cứ gọi là ông phá tan hoang nhà cửa. Cô ngồi im lặng trước mặt bố, nghe nước trong ấm reo sôi, rồi nhìn bố vừa ăn bánh, uống cà phê vừa đọc báo mà cứ thấp thỏm trong dạ. Chín giờ rưỡi ông đứng lên, đi đến khu City. Cô được tương đối tự do cho tới giờ ăn chiều để vào bếp coi sóc và mắng mỏ đầy tớ, để đánh xe ngựa ra phố và được bọn bán hàng tỏ vẻ rất kính nể. Cô còn đến thăm các gia đình quen thuộc trong khu City, để lại danh thiếp của bố và của mình; nếu không thì cô ngồi trơ trọi trong căn phòng khách mênh mông chờ có ai đến chơi thì tiếp; cô thường ngồi trên ghế xô-fa cạnh lò sưởi đan một mảnh len to tướng, ngay mé dưới chiếc đồng hồ có tượng Iphigenia, suốt ngày cứ kêu tích tắc và gõ chuông trong căn phòng buồn tẻ. Đối diện với tấm gương dựng trên mặt lò sưởi là một tấm gương lớn khác treo trên tường. Cả hai cùng phản chiếu hình những chiếc túi da Hà-lan màu nâu bọc những chùm đèn treo trên trần, thành vô số túi đèn xếp thành những dãy dài, và phòng khách cô đang ngồi như là trung tâm của vô số phòng khách bao bọc xung quanh. Đôi khi cô lật cái nắp bọc da đậy chiếc dương cầm lên dạo vài tiếng nhạc; những âm thanh rầu rĩ vang lên, đánh thức những tiếng vọng ghê rợn khắp nhà. Bức chân dung George nhưng không hề bao giờ nghe ai nhắc đến tên anh ta trong gia đình.

Năm giờ chiều, ông Osborne mới trở về. Hai bố con lặng lẽ ngồi ăn tối; chỉ nghe tiếng ông lão gắt chửi rầm rĩ khi món ăn làm không vừa miệng. Mỗi tháng hai lần, gia đình thết tiệc mấy ông bạn cùng tuổi, cùng địa vị với ông: hai vợ chồng bác sĩ Gulp ở công viên Bloomsbury, hai vợ chồng ông biện lý Frowser ở Bedford Row, một tay rất có thế lực, và do nghề nghiệp rất ăn cánh với với bọn tai mặt ở khu West End, viên đại tá già Livemore ở khu quảng trường Thượng Bedford; hai vợ chồng viên trung sĩ già Toffy, thỉnh thoảng có cả hai vợ chồng ngài Thomas Coffin ở khu quảng trường Bedford cũng đến. Ngài Thomas là một viên quan tòa khét tiếng bạo tay treo cổ phạm nhân; mỗi khi ông ta đến chơi dùng cơm, phải có thứ rượu đặc biệt đưa ra thết.

Bọn này lại tổ chức những bữa tiệc long trọng đãi lại nhà thương gia ở khu phố Russell. Uống rượu tráng miệng xong, họ đưa nhau lên gác chơi bài; khoảng mười giờ rưỡi tối thì gọi xe ngựa đánh về nhà.

Bọn túng đói chúng ta vẫn có cái thói thèm muốn cuộc đời của nhiều người giầu có. Họ đã sống rất thoả mãn cuộc đời như vừa miêu tả ở trên. Ít khi Jane Osborne có dịp được gặp một người đàn ông dưới sáu mươi tuổi; và hầu như trong số khách khứa đi lại với gia đình thì ông Smirk là người đàn ông chưa vợ duy nhất; ông này là một thầy thuốc nổi danh về phụ khoa.

Cũng không phải là không có chuyện gì xảy ra trong cuộc sống tẻ nhạt đơn điệu này. Thật ra, trong đời cô Jane có mang một điều u uẩn khiến cho ông bố vốn kiêu ngạo và hay bẳn tính lại càng dễ cáu gắt hơn nữa. Câu chuyện bí mật này có liên quan đến bà Wirt; bà này có một người em họ tên là Smee, một hoạ sĩ nổi danh chuyên vẽ chân dung; bây giờ anh ta đã là hội viên của hàn lâm viện nghệ thuật Hoàng gia: nhưng đã có một thời gian được làm nghề dạy vẽ cho các bà các cô để sinh nhai anh ta cũng đã lấy làm sung sướng lắm rồi. Bây giờ chắc Smee chẳng còn nhớ khu phố Russell ở chỗ nào, nhưng vào khoảng năm 1818, anh ta thích đến đấy lắm; hồi ấy anh đang dạy cô Jane đang học vẽ.

Smee trước kia là học trò của ông Sharpe ngụ ở phố Frith, một hoạ sĩ trác táng, tính tình bất thường, tuy không thành công trong đời, nhưng thật là người có tài lớn, vì anh ta là em họ bà Wirt nên được bà chị họ giới thiệu với cô Osborne. Sau mấy vụ thất bại trong đường tình ái, trái tim anh ta sẵn sàng rung động vì cô thì phải. Riêng bà Wirt được cả hai bên bày tỏ nỗi lòng u uẩn của mình. Không rõ đang khi hai thầy trò bận dạy nhau vẽ, bà Wirt có hay rời bỏ gian phòng đi chỗ khác, để hai bên có dịp ngỏ cùng nhau những tình cảm mặn nồng không tiện nói trước mặt người thứ ba hay không? Cũng không biết bà ta có tính toán rằng giả sử em họ mình với được cô con gái nhà thương gia giầu sụ, hắn có nhớ kẻ dắt mối dắt manh mà chia cho mình một phần bổng hay không. Điều chắc chắn là câu chuyện yêu đương đến tai ông Osborne; một bữa ông ở khu City về rất đột ngột, vác một cái gậy trúc xồng xộc bước vào phòng vẽ, thấy nhà hoạ sĩ, cô học trò và bà tỳ nữ, cả ba mặt tái như gà cắt tiết. Ông tống cổ ngay họa sĩ ra khỏi nhà, dọa sẽ dần gãy từng đốt xương một; nửa giờ sau, ông đuổi nốt bà Wirt, đá hòm xiểng của bà này lăn lóc xuống thang gác, dẫm bẹp rúm cả cái hộp đựng đồ vặt; bà này đã leo lên xe ngựa đi rồi, ông còn giơ nắm tay theo mà doạ.

Cô Jane Osborne nằm lỳ trong phòng ngủ suốt mấy ngày liền.

Từ đó ông bố không thuê ai làm bạn với con gái. Ông thề rằng sẽ không cho con gái một xu nào, nếu cô Jane đính ước với người không được ông ưng thuận; vả lại, ông đang cần một người đàn bà coi sóc gia đình cho nên ông không muốn con gái đi lấy chồng; cô đành thôi không đám tơ tưởng gì đến chuyện yêu đương. Thế là, cho đến khi bố chết, cô đành sống một cuộc đời như đã miêu tả ở trên, nghĩa là cuộc đời một cô gái già. Trong khi ấy, em gái cô cứ sòn sòn năm một, đặt cho con toàn những tên xinh như mộng... hai chị em lại càng thưa gặp mặt nhau hơn. Vợ Bullock nói: “Chị Jane và tôi, hai người sống hai cuộc đời hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên tôi vẫn coi chị ấy là chị ruột”... Người đàn bà trẻ tuổi này nói rằng “vẫn coi Jane là chị ruột”, không biết như vậy nghĩa là thế nào nhỉ?

Ta biết mấy cô con gái nhà Dobbin sống với bố tại một biệt thự xinh đẹp ở Denmark Hill; ở đây có vườn nho và nhiều cây đào mà chú bé George rất thích. Mấy chị em cô Dobbin thường đánh xe ngựa đi Brompton thăm Amelia; thỉnh thoảng họ cũng rẽ vào khu phốRussell thăm bạn cũ là cô Jane Osborne. Có lẽ ông anh thiếu tá ở Ấn Độ ra lệnh cho mấy cô em gái ở nhà phải săn sóc luôn đến Amelia thì phải (ông bố cũng nể Dobbin lắm); viên thiếu tá, cha đỡ đầu của thằng bé Georgy, vẫn hy vọng ông nội nó vì thương con trai sẽ nghĩ lại mà nhận nó làm cháu. Chị em cô Dobbin kể lại với cô Osborne chuyện Amelia bây giờ về ở với bố mẹ, gia đình rất túng thiếu; họ tỏ ý ngạc nhiên không rõ ông anh trai yêu quý của họ là thiếu tá Osborne yêu cái cô gái vô vị kia về nỗi gì. Người mẹ thì vẫn có cái thói đa cảm một cách vô vị và kiểu cách như xưa, nhưng thằng con trai thì quả thật là một đứa trẻ thông minh đĩnh ngộ chưa từng thấy... Trời sinh ra đàn bà ai cũng quý trẻ; ngay những cô gái không chồng bẳn tính nhất cũng phải vồ vập chúng.

Một bữa, nể lời chị em cô Dobbin quá, Amelia phải cho phép Georgy đến Denmark Hill chơi một ngày. Nhân dịp con đi vắng, cô cặm cụi ngồi viết cho thiếu tá Dobbin ở Ấn Độ một lá thư dài. Cô gửi lời mừng bạn nhân tin vui vừa được hai chị em cô Dobbin cho biết, ngỏ ý chúc anh ta và cô vợ chưa cưới được hưởng nhiều hạnh phúc. Cô cảm ơn anh đã giữ vững tình bạn và đã giúp đỡ mình rất nhiều trong cơn hoạn nạn. Cô kể cho anh ta nghe về thằng Georgy, lại báo cho biết chính ngày hôm ấy nó về quê chơi với hai em gái Dobbin. Trong thư cô gạch dưới nhiều chữ, cuối cùng lại đề: “Người bạn thân mến của anh, Amelia Osborne”. Lần này cô quên không gửi lời hỏi thăm bà O’Dowd... cũng không gọi thẳng tên Glorvina ra như mọi khi, mà chỉ viết là “vị hôn thê của thiếu tá” bằng chữ ngả.

Tin Dobbin lấy vợ khiến cho Amelia có dịp bỏ cái thái độ thận trọng giữ kẻ của mình đối với bạn từ trước đến nay. Còn như ghen với Glorvina thì... giả sử có vị thiên thần nào xúi giục cô đều này cô cũng sẵn sàng xua đuổi ý nghĩ ấy đi ngay.

Đêm hôm ấy thằng Georgy ngồi xe ngựa về nhà có bác xà ích già của ngài William Dobbin giong cương hầu; thằng bé đeo ở cổ một cái đồng hồ vàng có dây đeo cũng bằng vàng. Nó kể với mẹ nó, bà ấy vừa khóc vừa ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để. Nhưng nó không thích bà ấy. Nó chỉ thích ăn nho và nó chỉ thích mẹ! Amelia giật nẩy mình, biết rằng họ hàng nhà chồng đã gặp mặt con trai, người đàn bà nhút nhát này đột nhiên cảm thấy hãi hùng.

Cô Osborne trở về nhà lo bữa cơm tối cho bố. Ông già vừa phất được một món lớn ở khu City, hôm ấy coi bộ vui vẻ; ngẫu nhiên ông nhận thấy con gái có vẻ bị xúc động mạnh, bèn hỏi:

- Có chuyện gì thế hử?

Cô gái khóc oà lên, đáp:

- Ba ơi, con vừa gặp thằng con trai cậu George, nó xinh như một thiên thần ấy ba ạ... mà giống cậu ấy như đúc!...

Ông già ngồi trước mặt không nói không rằng, nhưng mặt bỗng đỏ nhừ, chân tay run lẩy bẩy.