Tôi sợ rằng chàng trai trẻ, người nhận những lá thư của cô Amelia, là một nhà phê bình tàn nhẫn.
Trung úy Osborne bị một đống thư như thế đuổi theo mình khắp chốn, khiến cho anh chàng gần như xấu hổ khi nghe bạn đồng ngũ nói đùa mình về chuyện ấy; anh ta ra lệnh cho người hầu chỉ được trao thư cho mình trong phòng riêng. Có lần mọi người thấy anh ta đốt một lá thư để châm thuốc làm cho đại úy Dobbin sợ quá; tôi tin rằng Dobbin sẵn sàng bỏ ra một tờ giấy bạc đánh đổi lấy tờ thư.
George cố gắng giấu kín tên người yêu của mình trong một thời gian khá lâu; anh ta chỉ nói đại khái “có một người đàn bà” trong việc này. Viên sĩ quan cầm cờ Spooney bảo viên sĩ quan cầm cờ Stubble: “Mà không phải là người đàn bà đầu tiên đâu nhé. Tay Osborne này đến là quỷ sứ. Ở Demerara, có một cô gái con một luật sư gần phát điên vì yêu anh ta; thế rồi đến cô thiếu nữ xinh đẹp hai đời lai da đen, là cô Pye ở St. Vincent, anh biết đấy; và từ khi trở về đây, anh ta khét tiếng là một tay Don Juan, lạy Chúa”.
Stubble và Spooney cho rằng “khét tiếng là một Don Juan” tức là đức tính đẹp đẽ nhất của người con trai. Tiếng tăm Osborne nổi như sóng cồn khắp trung đoàn. Anh ta nổi danh về tài săn bắn, nổi danh hát giỏi, nổi danh trong khi diễu binh, lại là tay ăn tiêu hào phóng, vì ông bố cho anh ta rất nhiều tiền. Áo của anh ta may khéo hơn áo của bất cứ sĩ quan nào trong trung đoàn. Anh ta lại có nhiều áo hơn mọi người. Ai cũng quý mến anh ta. Về tửu lượng anh ta có thể chấp tất cả mọi sĩ quan trong câu lạc bộ, kể cả viên đại tá già Heavytop. Anh ta đấu quyền giỏi hơn cả Knuckles, một anh lính trơn (anh này nếu không có tật say rượu thì đã được thăng chức hạ sĩ rồi, lại cũng đã từng đấu quyền tranh giải); trong câu lạc bộ của trung đoàn, George là tay chơi “batter” và “bowler” cừ nhất. Anh ta cưỡi con ngựa riêng của mình, con “Chớp nhoáng”, và đã cướp được giải của nhà binh trong cuộc đua ở Quebec. Ngoài Amelia còn vô khối cô gái mê tít anh chàng. Stubble và Spooney coi anh ta là một thứ thần Apollo () Dobbin coi anh ta là một Crichton (); còn bà thiếu tá O’Dowd thì công nhận anh ta là một thanh niên lịch sự, làm cho bà nhớ lại anh chàng Fitzjurld Fogarty, thứ nam của bá tước Castlefogarty quá. Tha hồ cho Stubble và Spooney cùng mọi người đoán phỏng về người đàn bà gửi thư cho Osborne...người bảo chính là một nữ công tước ở Luân đôn phải lòng anh chàng, kẻ đoán là con gái một đại tướng đã đính hôn với người khác nhưng vẫn điên cuồng gắn bó với anh ta ... có người lại nói chính là vợ một nghị sĩ quốc hội đang rủ anh ta đi trốn biệt tích một nơi... hoặc là một cô gái nào đó đang bị cuốn hút vào trong một mối tình mê ly kích thích, lãng mạn, bị mọi người ruồng bỏ; Osborne không hề rọi một chút xíu ánh sáng nào vào những lời phỏng đoán mơ hồ kia, cứ để mặc cho bè bạn và những người mê mình tưởng tượng, sắp đặt mọi tình tiết của câu chuyện. Và nếu đại úy Dobbin không tiết lộ thì cả trung đoàn không sao biết được sự thực trong câu chuyện yêu đương này.
Một hôm, viên đại úy đang ăn sáng trong phòng ăn chung của sĩ quan thì Cackle, một sĩ quan phụ tá quân y, cùng Stubble và Spooney bàn tán về chuyện yêu đương của Osborne; Stubble tuyên bố rằng người đàn bà chính là một vị nữ công tước hầu cận Nữ hoàng Charlotte, còn Cackle thì thề rằng cô ta là một nữ ca sĩ ở rạp Opera, tính tình cực kỳ bợm bãi. Nghe thấy thế, Dobbin bị xúc động mạnh quá đến nỗi quên phắt rằng mồm mình hãy còn đầy bánh mì phết bơ và trứng, và không nên tiết lộ câu chuyện làm gì; anh ta buột mồm nói:
- Cackle, anh là một thằng ngu xuẩn: bao giờ anh cũng ăn nói láo lếu toàn chuyện bậy bạ. Không phải Osborne sắp đi trốn cùng một nữ công tước, hay sắp làm hại cuộc đời một cô gái làm các đồ trang sức phụ nữ đâu. Cô Sedley là một thiếu nữ duyên dáng nhất đời xưa nay chưa từng thấy. George đã đính hôn với cô ấy từ lâu lắm rồi; và trước mặt tôi, xin đừng có ai nói xấu gì cô ấy mà không xong đâu.
Mặt Dobbin đỏ tía lên; anh ngưng lại, uống vội một tách nước trà, suýt nghẹn. Nửa giờ sau, khắp trung đoàn ai cũng biết chuyện; và ngay tối hôm ấy bà thiếu tá O’Dowd vội gửi thư cho cô em chồng là Glorvina ở thị trấn O’Dowd, nhắn đừng rời Dobbin vội chàng trẻ tuổi Osborne đã đính ước quá sớm rồi.
Tối hôm ấy, bà ta nâng một cốc rượu whisky lựa lời chúc tụng viên trung úy; anh chàng cáu quá trở về nhà gây sự với Dobbin (anh này không nhận dự tiệc với bà thiếu tá O’Dowd, ngồi trong phòng riêng để thổi sáo, và tôi tin rằng để làm cả những câu thơ buồn hiu hắt). .. gây sự vì Dobbin đã tiết lộ bí mật.
Osborne tức giận quát:
- Ai mượn anh dính vào chuyện riêng của tôi? Bây giờ khắp trung đoàn đều biết tôi sắp cưới vợ, thế là cái quái gì? Làm sao mà cái mụ già ngồi lê đôi mách Peggy O’Dowd ấy lại có thể ăn nói dông dài với tôi ngay trên bàn ăn của mụ, rồi tuyên bố việc đính hôn của tôi với khắp bàn dân thiên hạ? Nói tóm lại, anh có quyền gì mà bảo tôi hiện đã đính hôn, và dính dáng vào việc của tôi, hử Dobbin?
Dobbin đáp:
- Tôi thấy rằng...
Anh bạn ít tuổi hơn ngắt lời:
- Thấy cái con khỉ. Dobbin. Tôi mang ơn anh nhiều, tôi biết rõ lắm, rõ quá lắm; nhưng tôi không thích anh cậy hơn tôi năm tuổi mà lúc nào cũng dạy khôn tôi. Từ giờ, tôi cóc chịu để cho anh giở mãi cái thái độ thương xót trịch thượng, đàn anh với tôi nữa. Thương xót với chả che chở? Tôi muốn biết tôi là đàn em của anh về cái gì?
Đại uý Dobbin hỏi:
- Thế có phải anh đã đính ước không?
Tôi đã đính ước thì có quan hệ cóc gì đến anh hoặc đến người nào khác ở đây?
Dobbin lại hỏi:
- Anh có xấu hổ vì điều ấy không?
George hỏi lại:
- Tôi muốn được biết anh lấy quyền gì mà hỏi tôi câu ấy?
Dobbin đứng phắt dậy:
- Lạy Chúa, anh không định nói muốn cắt đứt việc đính ước ấy chứ?
Osborne giận dữ đáp:
- Nói một cách khác, anh muốn hỏi tôi có phải là một người biết trọng danh dự hay không phỏng, có đúng ý anh như vậy không? Gần đây, đối với tôi, anh có cái giọng...khiến tôi không thể nào chịu đựng được nữa.
- Tôi làm gì anh? George, tôi chỉ bảo anh rằng anh bỏ rơi một thiếu nữ dịu dàng, hiền hậu; tôi chỉ bảo anh rằng khi nào về tỉnh, anh nên đến thăm cô ấy đừng đến cái sòng bạc ở phố St. James nữa.
George cười khẩy, nói:
- Tôi đoán rằng, anh muốn đòi nợ tôi.
Dobbin đáp:
- Dĩ nhiên, tôi muốn đòi nợ...tôi vẫn đòi luôn, đúng không? Anh nói như mình rộng rãi lắm ấy.
Đến đây George hối hận nói:
- Không, chết cha! William, anh tha lỗi cho tôi. Anh đã tốt với tôi rất nhiều, có thượng đế chứng giám. Anh, đã giúp tôi thoát khỏi nhiều chuyện rắc rối. Lúc thằng Crawley trong đội ngự lâm quân được của tôi món tiền ấy, suýt nữa thì tôi đi đứt, nếu không nên ác với tôi thế, không nên lúc nào cũng giảng đạo cho tôi nghe. Tôi vẫn yêu Amelia lắm, tôi thờ phụng cô ấy và cả những thư từ này nữa. Xin anh đừng giận; cô ấy không có lỗi gì hết, tôi hiểu lắm. Nhưng anh biết đấy; không đánh bạc thì được cái gì, tôi cũng không thấy thú. Trung đoàn vừa mới ở Tây Ấn về, cũng phải cho tôi “sống” một chút chứ. Bao giờ cưới vợ tôi sẽ tu tỉnh lại. Tôi lấy danh dự mà cam đoan như vậy. Và tôi bảo...Dob ạ...đừng giận tôi nữa: tháng sau tôi sẽ trả anh một trăm đồng, khi nào tôi biết ba tôi vớ được món lãi gì bở. Tôi sẽ xin ông Heavytop cho nghỉ phép; ngày mai, tôi về tỉnh và đến thăm Amelia... nào, bây giờ anh đã bằng lòng chưa?
Viên đại úy tốt bụng đáp:
- George, không ai giận anh được lâu; còn về chuyện tiền nợ thì anh hiểu đấy, nếu tôi thiếu tiền, chắc anh sẵn lòng cho tôi tiêu chung đến đồng xu cuối cùng của anh.
- Lạy chúa, tôi sẵn lòng, Dobbin ạ.
George đáp có vẻ rất hào phóng, tuy rằng anh ta không bao giờ để dành được lấy một xu.
- George, tôi hy vọng rằng anh chơi bời thế cũng đã đủ rồi. Nếu anh được nhìn thấy mặt cô Emmy đáng thương khi cô ấy gặp tôi hỏi thăm tin anh hôm nọ thì anh sẽ vứt phăng cái bàn bi-a đi rồi. Về mà an ủi cô ấy đi, đồ tồi. Hãy viết cho cô ấy một lá thư thật dài; hãy làm một việc gì cho cô ấy được sung sướng; tôi chỉ mong ước có thế thôi.
Viên trung úy có vẻ tự mãn, đáp:
- Tôi tin rằng cô ấy yêu tôi lắm.
Rồi anh ta lại chuồn đi đàn đúm suốt buổi tối hôm ấy với mấy anh bạn chơi bời trong câu lạc bộ nhà binh.
Trong lúc ấy thì ở khu phố Russell, Amelia đang ngước nhìn mặt trăng; mặt trăng đang soi tỏ chốn lặng lẽ này cũng như đang soi tỏ trại lính ở Chatham, nơi Osborne đóng quân; cô đang tự hỏi không biết người yêu đang làm gì. Cô nghĩ thầm: “Có nhẽ anh ấy đang đi kiểm tra các vọng canh, có lẽ anh ấy đang tạm trú quân ở đâu đấy; có lẽ anh ấy đang săn sóc bên giường bệnh của một người bạn bị thương, hoặc đang ngồi lẻ loi trong phòng riêng nghiên cứu chiến thuật quân sự”. Và những ý nghĩ êm ái của cô bay lên không, như những thiên thần có cánh, dọc theo dòng sông bay đến Chatham và Rochester, cố nhòm ngó vào trại lính, chỗ George đang...
Ngẫm cho kỹ, tôi cho rằng cổng trại đóng chặt, lính canh không cho phép ai ra vào như thế lại tốt cơ đấy; thành ra vị thiên thần bé nhỏ đáng thương mặc áo trắng không thể nghe thấy những bài hát bọn trai trẻ đang gào lên bên những cốc rượu mạnh.
Sau hôm xảy ra câu chuyện ở trại lính Chatham, anh chàng Osborne muốn tỏ ra mình đã nói là làm, bèn sửa soạn về tỉnh; đại úy Dobbin tỏ ý rất tán thành. Osborne muốn mua một món quà mọn tặng Amelia; chết nỗi chẳng còn xu nào, mà ông cụ lại chưa cho tiền.
Nhưng Dobbin không chịu để cho con người tốt bụng và hào phóng ấy phải thất vọng vội đưa ngay cho Osborne mấy tờ giấy bạc; sau vài câu từ chối gọi là lấy lệ, Osborne cầm đút túi. Tôi dám cam đoan rằng anh ta cũng muốn mua một món quà gì thật đẹp tặng Amelia; có điều, khi bước xuống xe ở phố Fleet, anh ta thấy một cái cặp áo sơ-mi đẹp quá bày trong một hiệu kim hoàn, nó quyến rũ không sao cưỡng lại được. Trả tiền xong, chả còn bao nhiêu mà tính đến chuyện mua quà tặng người yêu nữa. Nhưng không sao, xin các bạn yên trí rằng Amelia không đợi quà của anh ta đâu. Lúc George đến khu phố Russell, mắt cô sáng bừng lên như nắng rọi. Bao nhiêu nỗi lo lắng, sợ hãi, những dòng nước mắt, những sự phỏng đoán rụt rè, những nỗi trằn trọc ròng rã không biết bao đêm ngày, chỉ trong một phút tiêu tan hết cả, trước nụ cười hấp dẫn quen thuộc kia. Đứng trong khung cửa phòng khách, người yêu cô như tỏa sáng...nguy nga với bộ ria mép màu hổ phách, đẹp như một vị thần. Sambo vào báo tin có đại úy Osborne đến (bác thăng cho viên sĩ quan trẻ tuổi thêm một trật); bác nhăn răng cười thông cảm, mặt tươi hẳn lên khi thấy cô thiếu nữ đỏ mặt, từ chỗ ngồi ngóng trông cạnh cửa sổ vội vàng nhảy bổ ra; Sambo kín đáo lùi ra ngoài. Cánh cửa vừa đóng lại, cô khấp khởi nép mình vào ngực trung úy Osborne dường như đó là nơi duy nhất ủ ấp tâm hồn mình.
Ôi hỡi tâm hôn bé nhỏ đáng thương đang hồi hộp kia! Cái cây đẹp nhất trong cả cánh rừng, thân cây thẳng tắp, cành mạnh khỏe, lá rườm rà , mà người chọn làm nơi dựng tổ ấm và líu lo ca hát, không bao lâu đâu có thể bị người ta chú ý tới, và bị đốn gãy, kêu “rắc” một cái là xong. Đã từ lâu lắm rồi, người ta vẫn lấy hình ảnh một cái cây để ví với người đàn ông!
George rất dịu dàng hôn Amelia vào trán, vào đôi mắt long lanh, và vẫn tỏ vẻ rất tình tứ, rất đáng yêu; còn Amelia thì khen chiếc cặp áo sơ-mi nạm kim cương của người yêu (mà trước kia chưa hề bao giờ thấy anh ta dùng) là một vật trang sức đẹp nhất xưa nay.
Bạn đọc hẳn chú ý đến tính tình của viên trung úy trẻ tuổi khi đọc đoạn miêu tả câu chuyện ngắn ngủi giữa anh ta và đại úy Dobbin; rất có thể bạn đã muốn có ý kiến kết luận về tư cách của Osborne. Một anh chàng người Pháp tồi tệ nào đó đã nói rằng trong một “vụ” yêu nhau, phải có hai bên: một bên yêu, và một bên thì hạ cố chịu để cho người ta yêu mình. Tình yêu có thể là ở phía đàn ông, mà cũng có thể là ở phía đàn bà. Rất có thể một anh chàng si tình nào đó đã lầm lẫn, thấy vô tình tưởng là e lệ, trong sự đần độn lại ngỡ là tính nhút nhát của gái trinh, gặp người ngốc nghếch lại yên trí là kín đáo dịu dàng, tóm lại, trông gà cứ nghĩ là cuốc. Cũng rất có thể một bạn nữ độc giả nào đó đã khoác cho một con lừa tấm áo huy hoàng lộng lẫy theo trí tưởng tượng, kính phục sự ngu xuẩn của nó như là tính giản dị cao thượng, thờ phụng thói ích kỷ của nó coi như thái độ của kẻ cao sang kiêu hãnh, lầm sự đần độn của nó với sự sang trọng đường bệ, và đối đãi với nó như là cô Titania trong câu chuyện tiên đối đãi với một anh thợ dệt ở thành Athens. Tôi đã từng được chứng kiến những màn hài kịch về sự lầm lẫn như vậy vẫn tiếp tục diễn ra trong đời sống. Song, chắc chắn cô Amelia yên trí rằng người yêu của mình là một trong số những con người giỏi giang, nổi tiếng nhất trong nước và trung úy Osborne rất có thể cũng nghĩ như thế.
Tính anh ta hơi bừa bãi một chút; có biết bao thanh niên tính tình như vậy; và phải chăng thà rằng bừa bãi, con gái họ lại thích hơn là ngờ nghệch? Anh ta chưa hết tuổi chơi bời đâu; nhưng cũng sắp đến lúc tu tỉnh rồi; bây giờ chiến tranh đã hết, anh ta sẽ giải ngũ. Con quỷ đảo Corse đã bị nhất ở đảo Elba, do đó, cũng hết cả thăng trật, mà anh ta cũng không còn hy vọng gì thi thố khả năng quân sự của mình nữa. Với số tiền bố cấp cho, cộng với tiền vốn riêng của Amelia, hai vợ chồng rất có thể sống một cuộc đời ấm cúng tại một nơi thôn quê nào đó, cảnh vật xung quanh thuận tiện cho việc giải trí. Anh ta sẽ săn bắn chút ít, làm trại chút ít, và hai vợ chồng sẽ sống rất hạnh phúc... còn như có vợ rồi mà cứ tiếp tục tại ngũ thì không được. Cứ tưởng tượng xem, bà George Osborne mà phải thuê nhà sống ở tỉnh lẻ, hoặc tai hại hơn, sống ở Đông Ấn hay Tây Ấn, giữa một xã hội toàn là những sĩ quan, và bị bà thiếu tá O’Dowd lên mặt bề trên? Nghe Osborne kể chuyện về bà thiếu tá O’Dowd, Amelia suýt chết vì cười.
George yêu cô quá, không nỡ bắt cô phải chịu phụ thuộc vào mụ đàn bà khủng khiếp ấy và những cử chỉ thô lỗ của mụ; anh ta cũng không muốn cô phải sống cảnh sống vất vả của vợ một quân nhân. Anh ta không lo cho thân mình đâu, nhưng cô thiếu nữ bé bỏng thân yêu kia cần phải có địa vị trong xã hội mà cô sẽ sống xứng đáng với tư cách là vợ anh ta. Chắc chắn là cô sẽ ưng thuận tất cả những đề nghị ấy, như cô sẵn sàng ưng thuận bất cứ điều gì George đề nghị.
Đôi tình nhân cứ tiếp tục trò chuyện với nhau như vậy cùng nhau say sưa xây dựng bao nhiêu lâu đài trong mộng tưởng suốt trong hai tiếng đồng hồ (Amelia thì ra sức mà trang hoàng cho những lâu đài ấy đủ thứ: nào vườn hoa, lối đi chơi, nhà thờ làng, trường học v.v...trong khi George chỉ nghĩ đến những chuồng ngựa, cũi chó, và hầm rượu); anh chàng trung úy chỉ có mỗi một ngày nghỉ để về chơi tỉnh mà có bao nhiêu là việc phải giải quyết, bèn đề nghị cô Emmy dùng bữa với cô chị chồng và cô em chồng tương lại. Amelia vui vẻ nhận lời ngay. Anh chàng bèn dẫn người yêu đến gặp hai cô thiếu nữ, rồi bỏ mặc cô đó mà đi lo công việc riêng của mình; Amelia chuyện trò ríu rít làm cho hai cô kia ngạc nhiên quá, không biết George làm thế nào mà cô ấy biến đổi vậy.
Tóm lại, anh ta đi ăn kem trong một hiệu bánh ở Charing Cross, đến Pall Mall thử một tấm áo mới, rẽ vào tiệm của lão Slaughters một chút, sai người đi mời đại úy Cannon, cùng chơi một ván bi-a, anh ta được tám ván rồi mới quay về khu phố Russell để ăn chiều chậm mất nửa giờ nhưng rất vui ve.
Riêng ông lão Osborne thì không vui vẻ tý nào. Lúc ông ta từ khu City trở về nhà, qua phòng khám gặp hai cô con gái và bà Wirt, thấy mặt ông ta xệ ra, nghiêm trang và vàng khè; cứ nhìn mặt ông lão và đôi lông mày rậm đang cau lại, họ cũng rõ ông đang có điều gì phiền muộn lắm. Lúc Amelia bước ra chào ông.
Bao giờ cô cũng run run sờ sợ khi phải chào ông ta.
Ông chỉ sẽ “hừ” một tiếng trả lời và cái bàn tay to tướng đầy lông lá của ông buông rơi bàn tay bé nhỏ của cô không muốn giữ lại. Ông ta ngoái cổ gườm gườm nhìn cô con gái lớn; cô này hiểu thầm cái nhìn của bố ý muốn hỏi “Thế quái nào mà con bé kia lại đến đây nhỉ?” Cô vội đáp:
- Ba ạ, anh George về chơi; anh ấy đến trại ngự lâm quân sắp về đây ăn cơm đấy.
- Hừ, nó về hả? Jane, tao không muốn chờ cơm nó đâu.
Vừa nói ông già vừa ngồi phịch xuống chiếc ghế bành riêng của mình; từ lúc ấy một sự im lặng hoàn toàn bao trùm căn phòng khách lịch sự; chỉ nghe tiếng chiếc đồng hồ kiểu Pháp to tướng kêu tích tắc tích tắc.
Lúc chiếc đồng hồ trên có tượng Iphigenia bị hiến tế bằng đồng nặng nề ngân vang năm tiếng như chuông nhà thờ, ông Osborne giơ tay phải kéo mạnh dây chuông; bác quản lý chạy vội vào. Ông quát:
- Dọn ăn?
Bác quản lý đáp:
- Thưa ngài, cậu George chưa về à.
- Cậu George chết tiệt? Tao có phải là chủ nhà này không? Mặt ông Osborne cau lại, Amelia run bần bật. Ba người phụ nữ kia thầm đưa mắt hỏi nhau. Tiếng chuông báo giờ ăn đã vang lên dưới nhà. Chuông dứt, ông chủ gia đình thọc hai tay vào hai cái túi to kếch trên tấm áo khoác màu xanh có khuy đồng, và không chờ ai vào mời, một mình rảo bước xuống thang gác, còn ngoái cổ lại cau mặt nhìn Wirt và ba cô thiếu nữ.
Bốn người đứng dậy rón rén bước theo ông già; một cô hỏi:
- Này có chuyện gì đấy nhỉ?
Bà Wirt đáp:
- Tôi đoán cổ phần sụt giá rồi.
Cứ thế đám đàn bà con gái im lặng sợ hãi run rẩy bước theo ông chủ gia đình đang lầm lì đi trước.
Họ lặng lề ngồi vào chỗ. Ông ta lầm bầm cầu kinh, nghe như chửi ai, và những cái vung lớn bằng bạc úp trên mặt đĩa được cất đi. Amelia ngồi trên ghế mà run quá; cô ngồi sát cạnh ông Osborne, lại chỉ có một mình không có ai ngồi cạnh cô mé bên này vì George chưa về.
- Xúp?
Ông Osborne nắm chặt chiếc thìa lớn vừa hỏi vừa nhìn chằm chằm vào mặt cô, giọng nói như vang từ đáy mồ, ông đổ xúp vào đĩa cho cô và cho mọi người rồi lặng yên một lúc lâu. Cuối cùng ông nói:
- Dọn đĩa của cô Sedley đi. Cô ấy không ăn được xúp. Tôi cũng thế. Xúp nấu tồi quá. Dọn món xúp đi, Hicks; ngày mai tống cổ thằng bếp, nghe không, Jane .
Lên án món xúp xong, ông Osborne đưa ra mấy nhận xét cộc lốc về món cá, vẫn cứ cái giọng thô bạo giễu cợt, và chửi Billingsgate bằng một câu thô tục không thích hợp lắm với hoàn cảnh. Đoạn ông lại ngồi yên lặng, nốc cạn mấy cốc rượu vang liền, mỗi lúc trông càng thêm đáng sợ. Mãi khi nghe tiếng George về gõ cửa, mọi người mới bắt đầu trở lại vui vẻ.
- Tôi không về sớm hơn được. Tướng Daguilet bắt tôi đợi mãi ở trại Ngự lâm quân. Không cần xúp và cá, cho tôi ăn gì cũng được...tôi không khó tính đâu. Thịt cừu cũng ngon... ăn gì cũng ngon.
Anh ta vui tính quá, trái hẳn với ông bố cứ lầm lầm lỳ lỳ. Suốt bữa ăn, anh ta chuyện trò tíu tít, ai cũng thích...đặc biệt có một người thích nhất; không nói, ta cũng đã rõ.
Những bữa tiệc trong gia đình ông Osborne thường kết thúc bằng món tráng miệng là cam và rượu vang; mấy cô thiếu nữ vừa bàn tán với nhau xong về hai thứ này thì nghe chuông báo hiệu đi lên phòng khách, bèn đứng dậy rời khỏi phòng ăn. Amelia hy vọng George cũng sẽ lên ngay phòng khách; cô bắt đầu chơi vài bản “valse” (điệu này mới du nhập) trên chiếc đàn dương cầm lớn bốn chân có chạm trổ, có nắp đậy bọc da kê trong phòng khách trên gác. Nhưng tiếng đàn cũng không gọi được anh chàng: dễ thường anh ta không muốn nghe điệu “valse” thì phải; và tiếng đàn lắng xuống tắt dần. Lúc này, người nhạc công thất vọng đã rời khỏi cây đàn đồ sộ. Mặc ba người bạn đang biểu diễn mấy bản nhạc mới nhất họ vừa học, chơi rất to rất hay, cô không nghe thấy một tiếng nào, chỉ ngồi buồn rầu nghĩ ngợi phỏng đoán toàn chuyện không hay.
Vẻ mặt cau có của Osborne xưa nay vẫn đáng sợ, nhưng chưa bao giờ đối với cô lại có vẻ khủng khiếp đến thế. Mắt ông rõi theo cô lúc bước ra khỏi phòng, dường như cô đã phạm tội gì ấy. Lúc người nhà bưng cà phê lên, cô giật nẩy mình như thể bác Hicks có ý định mời mình uống một chén thuốc độc. Có chuyện bí mật gì đang lởn vởn quanh đây thì phải? Ôi, những người đàn bà. Họ nuôi nấng, nâng niu những linh cảm, ôm ấp cả những ý tưởng đen tối nhất như họ ôm ấp những đứa con đẻ xấu xí của họ.
George Osborne thấy dáng điệu cha lầm lỳ cũng lấy làm lo lắng. Cứ nom đôi lông mày cau lại và cái nhìn giận dữ rõ rệt như thế thì hy vọng gì moi được tiền của ông già, mà George thì đang túng tiền quá. Anh ta bắt đầu bằng việc khen rượu của cha rất ngon. Thường thường dùng cách ấy để lấy lòng ông già vẫn có kết quả tốt.
- Ba ạ, ở Tây Ấn chúng con không bao giờ được uống thứ rượu Madeira ngon như vậy. Bữa nọ số rượu ba gửi cho con bị đại tá Heavytop lấy mất ba chai.
- Cha có bán lại sáu ghi-nê một tá không nào? Có một bậc tai mặt nhất trong nước muốn dùng một ít dấy.
Ông bố lầm bầm:
- Thế hả? Mong rằng ông ta tìm mua được.
- Ba ạ, hồi tướng Daguilet ở Chatham, đại tá Heavytop có mời ăn sáng, và hỏi xin con vài chai vang. Đại tướng thích loại rượu ấy lắm...đang cần một thùng để biếu ngài Tổng tư lệnh. Ông ta là cánh tay phải của Hoàng tử.
- Rượu ấy thì ngon tuyệt.
Đôi lông mày cau có đáp, và từ đó nom có vẻ tươi tỉnh hơn chút ít. George sắp sửa lợi dụng cơ hội ngỏ lời xin cha ít tiền, thì vẻ mặt ông già trở lại nghiêm trang như cũ, tuy có phần thân mật hơn. Ông bảo con trai rung chuông gọi đem rượu nho:
- George, thử xem có ngon bằng các loại rượu Madeira mà Hoàng tử đã thưởng thức không. Vừa uống rượu, ta vừa bàn với nhau một câu chuyện quan trọng.
Đang ngồi nóng ruột đợi trên gác, Amelia nghe tiếng chuông kêu vang. Không rõ tại sao cô nghĩ ngay rằng tiếng chuông bí mật ấy báo hiệu điều gì không may. Người ta thường có những sự linh cảm đôi khi cũng rất đúng.
Sau khi từ từ nốc cạn chén đầu tiên, ông già nói:
- George, điều tôi muốn biết rõ là anh và...à...và cái con bé trên gác kia bây giờ ra sao?
George mỉm cười tự mãn đáp:
- Thưa ba, con tưởng khó gì mà không biết. Rõ quá, ba ạ gớm, rượu ngon tuyệt!
- “Rõ quá”, thế là thế nào?
- Sao nữa, chết cha? Thôi đừng dồn con đi. Tính con đứng đắn lắm. Con...ạ...con không được là tay “điển trai cho gái phải lòng”, nhưng con dám tin rằng, cô ấy mê con như điếu đổ. Chỉ thoáng qua là ai cũng phải thấy như thế.
- Còn anh thì sao?
- Còn sao nữa; thưa ba, hồi còn bé không phải chính ba ra lệnh cho con lấy cô ấy làm vợ sao? Các cụ đã đính ước với nhau từ đời thủa nào rồi còn gì?
- Ông ngoan lắm. Tôi cũng đã biết ông đi lại chơi bời với bá tước Tarquin, với đại úy Crawley trong đội Ngự lâm, với ngài Deuceace và những người tương tự ra sao rồi. Ông cứ liệu hồn, cứ liệu hồn đấy.
Ông già nhắc đến những cái tên quý phái bằng một giọng vô cùng khoái trá. Bất cứ khi nào gặp một người có danh vọng, ông ta cũng khúm núm, một điều bẩm quan, hai điều bẩm quan, như tất cả mọi người dân Anh có tư tưởng tự do khác. Đoạn ông ta quay về nhà, giở cuốn: “Danh bạ quý tộc” ra tra tiểu sử người ấy và cố xem bằng được tên người ấy vào trong câu chuyện hàng ngày, hoặc khoác lác với mấy cô con gái về vị quý tộc ông quen biết. ông ta phủ phục xuống và tưởng như được sưởi ấm khi gần gũi người quyền quý, y như những kẻ hành khất người xứ Naples hay sưởi ấm dưới ánh mặt trời. Nghe đến mấy cái tên ấy George hoảng quá; anh ta sợ rằng có thể ông già đã nghe ai mách chuyện con trai rong chơi bài bạc. Nhưng anh chàng yên tâm ngay vì nhà luân lý lão thành chỉ bình thản nói.
- Được, được lắm. Trẻ tuổi là tuổi trẻ và, anh George, điều tôi lấy làm an ủi là thấy anh sống giữa giới thượng lưu của nước Anh; tôi mong và tin rằng anh sẽ sống như vậy, cũng như tôi có điều kiện cho phép anh sống như vậy.
George lập tức bắt lấy cơ hội:
- Cảm ơn cha; nhưng sống giữa những bậc tai to mặt lớn không tiền không được; thế mà túi tiền của con thì cha xem đây này. Anh ta giơ cái túi của Amelia đan hộ cho cha coi, trong túi chỉ còn lại đúng một tấm giấy bạc vay của Dobbin.
- Anh sẽ không thiếu tiền. Con trai một thương gia người Anh sẽ không thiếu tiền tiêu. George, tiền của cha cũng quý như tiền của người khác, con ạ; và cha cũng không hẹp hòi đâu. Ngày mai, anh đi qua khu City nhớ ghé vào thăm ông Chopper; ông ấy sẽ đưa cho anh một ít tiền. Nếu tôi biết anh đi lại với những người có danh vọng, tôi sẽ không tiếc tiền cho anh tiêu, vì tôi hiểu rằng trong xã hội thượng lưu không thể có điều gì xấu. Tôi không kiêu hãnh; tôi sinh ra là con nhà tầm thường, nhưng anh thì có nhiều thuận lợi. Hãy lợi dụng những thuận lợi đó. Hãy đi lại giao thiệp với bọn trai trẻ con nhà quý phái, Rất nhiều người trong bọn họ không có nhiều tiền để tiêu pha bằng anh đâu. Còn như về chuyện những cái mũ chùm màu hồng (nói đến đây, dưới chòm ông mày rậm của ông, sáng lên một cái nhìn đầy ý nghĩa nhưng không tươi tỉnh lắm) ...thì, hừ; rồi những chuyện trẻ con ấy sẽ đi qua... Tôi chỉ ra lệnh cho anh cần tránh một điều; nếu anh không nghe, tôi thề sẽ không cho anh một đồng xu nào nữa, tức là đừng có đánh bạc.
George đáp:
- Ồ, điều đó thì dĩ nhiên rồi, thưa cha.
- Nhưng ta hãy quay lại câu chuyện về cô Amelia. Tại sao anh lại không muốn lấy vợ con nhà sang trọng hơn con gái một nhà buôn tín phiếu... anh cho tôi biết?
George vừa cắn hạt dẻ vừa đáp:
- Thưa ba, đó là việc chung của gia đình. Ba và ông Sedley đã đính ước với nhau hàng thế kỷ nay rồi còn gì.
- Tôi không chối cãi điều đó, nhưng cũng tùy từng hoàn cảnh, anh hiểu không? Tôi không chối cãi rằng ông Sedley đã giúp tôi làm nên; đúng hơn, ông ấy dẫn tôi đi vào con đường làm ăn phát đạt, và nhờ tài trí riêng của tôi, tôi đã chiếm một địa vị đáng kiêu hãnh trong giới buôn sáp và trong khu City ở Luân-đôn. Tôi đã tỏ lòng biết ơn đối với ông Sedley; và gần đây, anh nên biết ông ấy đã rõ tấm lòng tôi; cứ xem con số, ngân phiếu của tôi thì đủ biết. George, tôi nói riêng cùng anh rằng coi tình hình kinh doanh của ông Sedley, tôi không vui lòng lắm; lão Chopper thư ký riêng của tôi cũng thấy thế, mà lão là một tay cáo già, hiểu thấu tình hình Phòng Hối đoái hơn bất cứ người nào ở Luân- đôn này. Hulker và Bullock cũng phải kém tài ông ta. Tôi sợ ông ta muốn chơi lối “được ăn cả ngã về không” đấy. Họ đồn rằng chiếc tầu “Thiếu nữ Amelie” ngày trước là của ông ta về sau bị chiếc tầu cướp bể “Molasses” của Mỹ bắt. Điều đó thì chắc chắn rồi...trừ phi mắt tôi nom thấy con Amelia có một vạn đồng hồi môn, anh không được lấy nó làm vợ. Con gái một anh phá sản không thể làm dâu nhà tôi được. Thôi, uống nốt rượu đi...hoặc gọi nó lấy cà-phê.
Nói đoạn ông Osborne mở rộng tờ báo buổi tối ra; George hiểu rằng cuộc hội ý đã xong và bố sắp sửa đánh một giấc ngủ.
Anh ta rất hồi hộp, vội vàng leo lên gác chỗ Amelia ngồi chơi. Tối hôm ấy, anh ta tỏ ra săn sóc đến người yêu nhiều hơn mọi lần, muốn làm cho cô vui lòng hơn, cử chỉ trừu mến hơn, nói chuyện có duyên hơn, đã lâu lắm không được như vậy. Vì sao thế, phải chăng vì thấy trước sự không may đe dọa người yêu mà tấm lòng độ lượng của George xúc động? Hoặc phải chăng vì nghĩ rằng mình sắp mất người đàn bà thân yêu ấy mà anh ta càng quý báu hơn?
Amelia còn nhớ rất lâu những kỷ niệm của buổi tối hạnh phúc ấy, nhớ từng lời người yêu nói, từng cái nhìn, từng bài hát, từng dáng điệu của người yêu, nhớ lúc anh ta ghé sát xuống bên hoặc từ xa đứng nhìn lại. Đối với cô, chưa có buổi tối nào sống trong gia đình Osborne lại trôi qua nhanh chóng như tối hôm ấy. Và lần đầu tiên có thiếu nữ gần như tức giận khi thấy bác Sambo đem tấm khăn san của cô đến quá sớm.
Sáng hôm sau, George đến âu yếm từ biệt người yêu rồi vội vã đến khu City. Anh ta tìm đến ông Chopper, người thư ký riêng của cha; ông này đưa cho anh ta một tờ giấy, đem đến Công ty Hulker và Bullock lĩnh được một túi tiền đầy. Lúc George bước vào hãng này thì ông già Sedley cũng vừa từ phòng thủ quỹ của ngân hàng bước ra, trông rất tiều tụy. Nhưng anh đang khoái trí quá, không kịp nhận thấy vẻ rầu rĩ của ông già buôn cổ phiếu và cặp mắt âu sầu của ông lão đang nhìn mình. Con trai ông Bullock cũng không vừa cười vừa tiễn ông ta từ phòng khách ra ngoài như những lần trước nữa.
Cánh cửa quay của hãng Hulker và Bullock đóng lại sau lưng ông Sedley rồi, thì ông Quill, người thủ quỹ (công việc đáng quý của ông này là mở ngăn kéo giao cho người ta những tấm giấy bạc nhầu nát và nhặt những đồng tiền vàng trong một cái chậu đồng đếm cho người ta) bèn nháy mắt với ông Driver cũng nháy mắt lại. Ông Driver thì thầm:
- Không xong rồi.
Ông Quill đáp:
- Không có tiền thì xong thế nào được. Ông George Osborne thưa ông, ông nghĩ thế ạ?
George hối hả tống vội nắm giấy bạc vào hai túi; tối hôm ấy gặp Dobbin ở câu lạc bộ nhà binh, anh ta trả ngay năm mươi đồng bảng tiền nợ.
Cũng tối hôm ấy, Amelia viết cho George một lá thư dài, lời lẽ âu yếm nhất. Tâm hồn cô tràn trề những tình cảm êm dịu, song cô vẫn cứ linh cảm thấy có điều gì bất trắc. Cô tự hỏi tại sao ông Osborne nhìn mình lạnh lùng như thế. Hay là giữa ông và ba cô có điều gì xích mích với nhau? Ông bố đáng thương của cô từ khu City về nhà, dáng điệu quá buồn bã, làm cho cả nhà ai cũng lo lắng cho ông...Tóm lại, suốt bốn trang thư toàn những yêu đương, lo lắng, hy vọng và phấp phỏng. George vừa đọc thư vừa nói: - Emmy bé bỏng đáng thương của anh...Emmy thân mến của anh. Nàng yêu tôi biết bao? Ôi, trời, mấy cốc rượu pha ấy làm cho mình nhức đầu khiếp quá!