Hoàn Châu Cách Cách

Chương 9

Mấy hôm sau, vua Càn Long cho triệu các vi đại thần tâm phúc trong triều, thảo luận về chuyện của Tiểu Yến Tử.

- Trẫm thật không ngờ chuyện xảy ra đã khá lâu rồi và bây giờ trẫm lại có thêm một cô cách cách vô cùng xinh đẹp! Ha ha! Rõ là ai ai cũng có định số. Lúc đó, chẳng qua tại trẫm nhận được lệnh khẩn của Thái hậu nên không thể không rời Tế Nam ngay để quay về Bắc Kinh. Trước lúc chia tay, trẫm còn hứa với Vũ Hà là sẽ phái người quay lại rước nàng về kinh, không ngờ khi về đây rồi. Biên cương lại hỗn loạn, trẫm phải thân chinh cầm quân đi đánh hơn một năm mới dẹp xong giặc, rồi chuyện quốc sự nhiêu khê, làm trẫm quên bẵng đi. Mười chín năm nhanh chóng trôi qua. Hạt châu đánh rơi trong biển đời rồi cũng tìm lại được… Ha ha!

Phước Luân đại học sĩ cúi người, bẩm:

- Điều này chứng tỏ chân tình của Hoàng thượng đã làm cảm động trời đất, vì vậy hợp gia mới được đoàn viên. Đó là chuyện đáng mừng, đáng ca ngợi. Cách cách mạng lớn gặp nạn mà vẫn bình an sau này hẳn là đại phước.

Chúng thần đồng loạt kính cẩn:

- Cung hỷ Hoàng thượng! Chúc mừng Hoàng thượng!

- Trẫm hôm nay triệu tập các hiền khanh đến đây là muốn trưng cầu ý kiến các khanh. Đó là đứa con gái mới nay của trẫm tuy dân dã, nhưng cũng cần chính thức tuyên bố cho thiên hạ biết chứ?

Đại thần Kỷ Hiểu Phong bước ra nói:

- Hoàng thượng, thần nghĩ là câu chuyện ở Tế Nam đó tuy là có thật. Nhưng để giữ uy tín cho bệ hạ, tránh những lời dị nghị trong dân. Bệ hạ không cần phải nói rõ sự thật chỉ công bố cho mọi người biết là Hoàng thượng có nhận một nghĩa nữ ở chốn dân gian làm con nuôi, như vậy thì cách cách cũng đã được danh chánh ngôn thuận!

Vua Càn Long hơi do dự:

- Bảo là con nuôi vậy có thiệt thòi cho Tiểu Yến Tử lắm không?

Phước Luân đại học sĩ tiếp lời:

- Sự thận trọng của Hiểu Phong không phải là không có lý. Bởi vì khi xưa bệ hạ di hành trong dân gian. Đâu phải là người nào cũng biết? Nếu đem câu chuyện Tế Nam này công bố ra thì kẻ xấu mồm xấu miệng thêu dệt thêm. Có thể làm bất lợi cho cả Hoàng thượng lẫn Cách cách. Nói là con nuôi thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn

- Ý của hai khanh trẫm thấy cũng được. Vậy thì trẫm phong cho Tiểu Yến Tử làm Thạc Cách cách. Các ngươi thấy thế nào?

- Tâu Hoàng thượng, vậy cũng không được ổn, gọi là Thạc Cách cách thì phải là con của Vương Phi, còn cách cách này đến từ dân gian, mẹ là người Hán, thân thế đặc biệt, nếu phong là Thạc Cách cách sợ sẽ gây nên dị nghị và đố kỵ. Vì vậy tốt hơn hết là nên phong một chức vị đặc biệt nào đó khác người một chút.

Kỷ Hiểu Phong nói, vua Càn Long nghĩ ngợi:

- Kỷ hiền khanh lý luận xác đáng, nhưng như vậy thì ta nên gọi là gì?

Kỷ Hiểu Phong suy nghĩ một chút, dập đầu thưa: nguồn Trà Truyện

- Hạ thần thấy thì đặt là Hoàn Châu Cách cách Hoàng thượng thấy thế nào?

Vua Càn Long ngẫm nghĩ rồi cười lớn:

- Hay! Hay! Ha ha… Hoàn Châu Cách cách Trẫm thấy thích cái tên này lắm, ý nghĩa lắm! Được rồi, ta chọn nó! Tiểu Yến Tử sẽ là Hoàn Châu Cách cách của trẫm vậy!

Và như vậy, danh xưng cho Tiểu Yến Tử đã được quyết định. Dù Tiểu Yến Tử có thích hay không, sự việc cũng không thay đổi.

Tiểu Yến Tử trở thành Hoàn Châu Cách cách từ đó!

Trước khi được sắc phong chính thức, Tiểu Yến Tử còn phải qua một cửa ải nữa.

Hôm ấy Tiểu Yến Tử được đưa đến Càn Long Cung để gặp Hoàng hâụ của vua Càn Long có họ là Ô Lai Na Lạ Đây là vị Hoàng hậu thứ hai, vì vị hoàng hậu thứ nhất có biệt danh là Hiếu Hiền Hoàng Hậu. Một người đàn bà trung hậu, được nhân dân mến thương nhưng tiếc lại không được thọ, nên đã qua đời năm vua Càn Long thứ mười ba.

Vua Càn Long đau buồn vì chuyện đó nên đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, làm thơ truy niệm người vợ yêu. Và đã tưởng là không còn có ai tiếp được vị trí Hoàng Hậu. Nhưng rồi, lục viện không thể không có người thống lãnh, nên với sự chỉ thị của Thái hậu, Hoàng hậu thứ hai đã được lập nên.

Vì đã có một Hiếu hiền Hoàng Hậu rồi, nên người ta rất dễ làm một sự so sánh và thế là vị Hoàng hậu mới Ô Lai Na La không làm sao bì lại. Chính bản thân vua Càn Long có vẻ yêu quý người vợ trước của mình hơn. Chính vì thế vị Hoàng Hậu này rất thất ý, nên hay nổi cáu với mọi người và để chứng tỏ mình là người có năng lực, quyền uy bà thường hay ra lệnh nghiêm khắc. Một người rất khó hòa đồng.

Tiểu Yến Tử đâu biết điều đó nên thản nhiên đi vào.

Nhà Vua và Hoàng hậu ngồi cạnh nhau, nét mặt nhà vua thì rất vui vẻ trong khi Hoàng hậu rất nghiêm nghị. Tiểu Yến Tử vừa trông thấy Hoàng hậu, trống ngực đã đập mạnh. Nàng bắt đầu cảm thấy lo lắng. Đến trước mặt hai người, Tiểu Yến Tử chỉ gập người xuống rồi hỏi:

- Quý vị cho gọi tôi có chuyện gì?

Hoàng hậu nhíu mày:

- Thế này là thế nào? Không lẽ đến bây giờ chuyện vấn an ngươi cũng không biết? Gặp Vua và Hoàng hậu, nói quý vị là sao?

Tiểu Yến Tử ngẩn ra:

- Vậy chứ… không gọi quý vị thì gọi là gì?

Vua Càn Long vội vã cứu nguy:

- À!… À!… Thủng thẳng rồi sẽ dạy. Lệnh Phi, nàng chịu khó một khó một chút, dạy cho nó hiểu nhé.

Lệnh Phi gật đầu:

- Xinh tuân lệnh Hoàng thượng.

Vua Càn Long bảo:

- Tiểu Yến Tử hãy ngồi xuống đây!

Trước đó đã có một cung nữ mang đến một chiếc ghế cho Tiểu Yến Tử ngồi gần nhà vua:

- Hôm nay trẫm và Hoàng hậu bảo con đến đây là bởi muốn hỏi cho rõ. Vì lý lịch con, còn có nhiều điều chưa minh bạch, sau khi làm rõ ràng con sẽ là Hoàn Châu Cách cách của trẫm.

Tiểu Yến Tử nghe vậy càng thêm lo lắng, có nghi vấn cần làm rõ? Nhưng ta nào có cần Hoàn Châu Cách cách hay Tống Châu Cách cách gì gì đâu? Vậy thì phải làm sao đây. Hay là… đem tất cả ra nói thật. Tiểu Yến Tử đang nghĩ ngợi, mắt đảo tới đảo lui, bất chợt nó chạm ngay vào ánh mắt của Hoàng Hậu, cái ánh mắt thật sắc, ý như muốn nói

- Để xem rồi ta sẽ lột trần mi ra, coi cái đầu ngươi có còn được ở trên cổ nữa không thì rõ…

Tim Tiểu Yến Tử đập mạnh, sự phản kháng tự vệ để được sống, khiến nó bạo dạn nói với vua:

- Vâng, Hoàng A Ma cứ hỏi

Vua Càn Long suy nghĩ một chút nói:

- Mẹ con có nói cho con biết là… Ta và người quen nhau ra sao không?

Tiểu Yến Tử nhớ lại lời của Tử Vy nói như trả bài:

- Dạ có. Người có nói là để tránh mưa… Hoàng thượng đã vào nhà tạm nghỉ… Nhưng rồi khi tạnh mưa, Hoàng thượng lại không đi. Tránh mưa trở thành tạm trú luôn ạ.

Lời của Tiểu Yến Tử làm vua Càn Long bối rối. Vì trước mặt hai hậu phi mà kể lại chuyện phong lưu lúc trẻ của mình thì cũng ngượng. Người giả vờ tằng hắng một tiếng rồi gật gù:

- Đúng! Đúng! Tránh mưa! Đúng!

Nhưng Hoàng hậu thì vẫn lạnh lùng:

- Này Tiểu Yến Tử, ngươi đã rời Tế Nam lúc nào? Và khi nào thì đến được Bắc Kinh?

Tiểu Yến Tử đảo mắt cố nhớ lại lời của Tử Vy:

- À!… À!… Tháng tám năm ngoái con rời Tế Nam và tháng hai năm nay đến được Bắc Kinh.

- Vậy ư? Sao ngươi mới đến Bắc Kinh mấy tháng mà nói giọng Bắc Kinh này chuẩn thế, nghe chẳng có một tí gì lai tạp giọng Sơn Đông cả?

Tiểu Yến Tử vội trả lời:

- Tại Hoàng Hậu không biết, chứ ngay từ nhỏ mẹ đã mướn một ông thầy đến nhà dạy con nói tiếng Bắc Kinh. Vì vậy con mới nói hay vậy, đến tận bây giờ con mới biết tại sao lúc đó mẹ con lại làm thế. Đúng rồi! Con sẽ phải đến Bắc Kinh, nên phải học tiếng Bắc Kinh.

Vua Càn Long có vẻ cảm động, gật gù, còn Lệnh Phi nương nương thì vuốt đuôi:

- Người mẹ nào chẳng phòng xa cho con?

Hoàng hậu quay qua trừng mắt với Lệnh Phi, sau đó quay qua Tiểu Yến Tử:

- Thì ra là vậy. Nhưng mà đã là dân Sơn Đông thì chắc hẳn ngươi không thể không biết tiếng Sơn Đông, đâu nói vài câu cho ta nghe thử xem?

Tiểu Yến Tử hơi bối rối một chút, nhưng rồi nó lấy lại bình tĩnh ngay. Tiếng Sơn Đông ư? Nào có khó khăn gì. Huynh muội nhà họ Liễu là dân Sơn Đông, họ cũng thường dùng tiếng địa phương kia đùa với nhau, nghe riết rồi quen cơ mà và thế là Tiểu Yến Tử lấy hơi xổ một tràng tiếng Sơn Đông của ông rao bán bánh bao.

- Ai mua bánh bao, bánh bò, bánh tiêu… Bánh vừa ngon vừa to lại vừa nóng này. Mua vô… mua vô…

Tiếng rao của Tiểu Yến Tử làm mấy cung nữ đứng gần đấy muốn nín cười cũng không được.

Vua Càn Long và Lệnh Phi nhìn nhau nháy mắt trong khi Hoàng hậu có vẻ lúng túng, nhưng lại bảo:

- Thôi đủ rồi, đủ rồi, nói cái khác đi!

- Nói những điều khác ư?

Tiểu Yến Tử suy nghĩ một chút, rồi lại giả giọng Sơn Đông tiếp

- Tại hạ là Tiểu Yến Tử. Người Sơn Đông thị. Vì muốn tìm thân nhân mới dến bửu địa. Không ngờ chẳng tìm thấy cha lại ngã bệnh nặng, suýt đưa ma. Tiền trên người xài đã hết, nên xin được trổ tài hèn, múa một vài đường quyền, cho bá tánh xem. Mong là bà con cô bác ở xứ Bắc Kinh này rộng lượng nhân từ, giúp đỡ để tôi có tiền làm lộ phí về quê. Ơn đức của quý vị. Tiểu Yến Tử này hẹn kiếp sau sẽ làm thân trâu ngựa đáp đền…

Hoàng hậu châu mày:

- Bài vè này hay lắm, lưu loát lắm, giống bọn Sơn Đông mãi võ.

Tiểu Yến Tử trong phút đắc ý, lỡ lời:

- Tôi phải luyện tập dữ lắm mới nói được như vậy đấy, đó cũng là nhờ…

Hoàng hậu lập tức hỏi:

- Luyện những câu đó để làm gì chứ?

Tiểu Yến Tử giật mình, nhưng lanh trí đáp:

- Dạ… Con đã tính rồi nếu không tìm được cha, tiền túi đã cạn, thì phải còn nước ra phố hát Sơn Đông thôi.

Lời của Tiểu Yến Tử làm vua Càn Long càng đau lòng, Lệnh Phi cũng thấm chỉ có Hoàng hậu là vẫn chưa hết thắc mắc:

- Ngươi biết võ nữa cơ à? Cái đó cũng là do mẹ ngươi truyền cho đấy phải không?

Tiểu Yến Tử là tay nói dóc chuyên gia, lúc đó cũng không còn gì để sợ, nên nói:

- Vâng, mẹ nói con gái mà chẳng chịu họ võ, nữa sau dễ bị người ức hiếp. Vì vậy con được học võ, nhưng tiếc là con lười quá, nên chẳng có gì học nên.

Hoàng hậu lạnh lùng nhìn Tiểu Yến Tử:

- Mẹ ngươi có vẻ chăm sóc ngươi kỹ quá, vậy thì việc văn chương của ngươi cũng khá. Hoàng A Ma của ngươi đây giỏi văn lẫn võ, làm thơ hay lắm, thế còn ngươi? Đâu đọc thử một bài thơ hay cho ta nghe xem?

Lần này thì Tiểu Yến Tử giật mình. Bởi vì từ nào đến giờ có biết cái chữ ra sao đâu? Cô nàng hết nhìn Hoàng hậu, đến nhìn vua Càn Long, rồi lúng túng nói:

- Thơ ư? Mẹ tôi không có dạy tôi làm thơ.

Hoàng hậu cao giọng:

- Sao lạ vậy? Mẹ ngươi dạy ngươi tiếng Bắc Kinh được, dạy ngươi đánh võ được, mà chẳng dạy văn chương? Thế ngươi có học qua tứ thư ngũ kinh chưa?

Tiểu Yến Tử suy nghĩ rồi mừng rỡ nói:

- Đúng rồi… tôi có đọc qua Tam Tự Kinh.

- Sao chỉ có Tam Tự Kinh còn nữa chứ?

Trán Tiểu Yến Tử lấm tấm mồ hôi hột. Vị Hoàng hậu này sao khó quá vậy? Và chợt nhiên tức giận nàng đứng thẳng lưng dậy, nói:

- Tôi không có học hành gì hết đó! Hoàng hậu sao lại chất vấn tôi kỹ như vậy? Có phải là vi1 Hoàng A Ma không muốn nhận tôi làm con không? Nếu vậy thì tốt thôi! Tôi không làm cách cách nữa, vậy đủ rồi đừng lôi thôi gì cả!

Hoàng hậu vừa kinh ngạc vừa tức giận:

- Hoàng thượng! Người xem đây, thế là thế nào? Chẳng lẽ thiếp cũng không có quyền hỏi han gì nó cả ư?