Hoa Tường Vy Mùa Hạ

Chương 37: 37 Chương 36


Sau khi về nhà được một tháng, con Vy đã hoàn toàn bình phục, hoặc có thể cho là vậy.

Nó không còn mộng mị hay chán ăn nữa.

Chúng tôi vẫn đang trong kỳ nghỉ hè, nhưng vì đã bỏ lỡ mất kỳ thi cuối năm nên nó phải làm bài kiểm tra bù lại cho từng môn, nếu muốn được lên lớp.

Để có được bài kiểm tra đó, cô Hà đã hứa sẽ tặng cho trường một khoản tài trợ học bổng trong ba năm.

Tôi không biết con số cụ thể nhưng chắc cũng không nhỏ.

Mặc dù biết bọn họ sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng con Vy vẫn ôn tập rất nghiêm túc và hoàn thành bài kiểm tra với kết quả gần như tuyệt đối.

Thời gian ít ỏi còn lại của mùa hè, tôi và con Vy lại có những chuyến đi biển vào buổi sáng.

Chúng tôi cùng nhau chơi đuổi bắt, chơi té nước, thi bơi, xây lâu đài cát, vừa lắng nghe tiếng hát của biển vừa ngắm bình minh.

Mỗi ngày, chúng tôi lại dành ít thời gian để đến thăm con Maxi.

Được gặp lại con Vy, con chó cũng vui vẻ hơn là khi chỉ có mình tôi.

Mọi thứ đã bắt đầu bình yên trở lại, nhưng sự yên bình đó cũng chỉ được trong một khoảng thời gian ngắn.
Ngày khai giảng, cả sân trường nhộn nhịp bởi những chiếc quần xanh, áo trắng và những tà áo dài.

Khắp nơi là những gương mặt vẫn luôn háo hức vào ngày đầu năm học, và sẽ nhanh chóng chuyển sang trạng thái chán ngán chỉ sau vài tuần.

Hội trường sặc sỡ trong sắc cờ và hoa, một đám học sinh đứng sau sân khấu dượt lại bài gõ trống, trong khi hai nữ sinh đang tập kéo lá Quốc Kỳ cho khớp với thời gian của bài Quốc Ca.

Ông thầy Bạch Giang lên trước sân khấu, gõ gõ vào chiếc micro và đọc đi đọc lại câu thần chú "alô, alô, một hai ba bốn" để nó không kêu ré lên nữa.

Sự huyên náo trong sân trường dần trật tự trở lại khi ông thầy ấy nhắc nhở các học sinh im lặng để bắt đầu buổi lễ.
Sau khi tiến hành chào cờ, hát ba bài hát là Quốc Ca, Đoàn Ca và Hành Khúc Lý Tự Trọng, chúng tôi mới được ngồi xuống.

Trong lúc thầy hiệu trưởng đọc diễn văn chào đón đám học sinh mới, bọn học sinh cũ vẫn mạnh dạn nói chuyện râm ran bên dưới.


Chỉ có khu vực của đám lớp Mười, vì mới chân ướt chân ráo vào trường, hoặc vì chúng chẳng quen biết ai để bắt chuyện, là còn giữ được trật tự.

Dù sao thì ngôi trường này cũng có chút danh tiếng về kỷ luật, vì vậy việc lớp đàn anh tỏ ra thờ ơ với bài diễn văn của ông thầy khiến bọn chúng có chút nghi hoặc.

Hồi mới vào trường, tôi cũng giống hệt như vậy, nhưng giờ thì quen rồi.
Những tiếng nói chuyện vẫn vang lên đều đều xung quanh tôi, nhưng không quá lớn để làm mất mặt thầy hiệu trưởng.

Tôi không quan tâm đến những câu chuyện xung quanh mình lắm, cho tới khi nghe thấy những lời bàn tán về con Vy.

"Ê mày, con Vy đi học lại kìa", "Nghe nói con nhỏ đó bị hiếp dâm đúng không?", "Nhìn mặt tươi tỉnh thế kia mà bị hiếp gì", "Hiếp gì mà hiếp, nó loạn luân với cha dượng, xong còn giết người nữa", "Đúng rồi, nhìn như hồ ly tinh ấy"..

và nhiều lời độc ác khác nữa.

Nắm chặt nắm đấm, tôi định mặc kệ bọn chúng là con gái hay con gì cũng sẽ cho một bài học, nhưng một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi để ngăn lại.
- Em không sao.

- Con Vy nhìn tôi khẽ lắc đầu, nở một nụ cười đắng ngắt.
Tôi mím môi và nghiến chặt hàm răng, nhìn sự đau khổ giấu trong ánh mắt nó rồi cúi gằm mặt xuống, nhìn những hạt cát dưới chân mình.

Chúng tôi chẳng khác nào những hạt cát ấy, còn cuộc đời thì sẵn sàng giẫm đạp lên bất cứ khi nào nó muốn.

Cảm giác khó thở bủa vây lấy tôi khi những âm thanh ấy vẫn cứ vang lên, nhưng tôi biết con Vy còn đau đớn hơn gấp trăm lần.

Nó đã làm gì sai chứ, sao bọn chúng có thể nói những lời như vậy.

Không, nó không làm gì sai cả, chỉ có cuộc đời này sai mà thôi.

Con Vy càng mạnh mẽ bao nhiêu, cuộc đời càng muốn vùi dập nó bấy nhiêu.

Nó càng im lặng chịu đựng, những lời đồn càng lan nhanh.

Suốt một tháng phải đến trường trước những ánh mắt dòm ngó và những tiếng xì xầm sau lưng, sức khỏe của con Vy lại bắt đầu yếu đi.

Tôi biết mình không thể để nó phải chịu đựng thêm nữa, nhưng lại không thể làm được gì.
Một buổi tối đầu tháng Mười Một, mẹ tôi nhận được một cú điện thoại nói rằng chú Bảy tôi mất.


Mặc dù không có nhiều hồi ức về người chú của mình, nhưng sự ra đi của ông để lại một chút ấn tượng trong tôi.

Trong điện thoại nói rằng di hài chú tôi được bạn bè đưa đến trước nhà bà nội, tôi và mẹ phải lập tức sang đó để lo chuyện hậu sự.

Vì trời đã tối nên mẹ tôi không báo cho ba tôi biết, phải đến sáng hôm sau mới gọi điện cho chú Tám rồi nhờ nhắn lại.

Và chưa đầy hai tiếng sau đó, ba tôi đã có mặt, dù ngoài trời đang mưa rất to.

"Sao từ tối qua mà bây giờ mới nói hả!" - ông quát vào mặt mẹ tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi thấy ba to tiếng với mẹ.

Nhưng sau đó, ông im bặt, ngồi xuống bên cạnh linh cữu chú Bảy rồi khóc.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy ba tôi khóc.

Ông không khóc ngay cả khi bà nội tôi mất, vậy mà lại khóc trong tang lễ của chú Bảy, người em út của ông.

Trước khi đưa chú tôi đi, mọi người hái một nhành cây khế đặt vào trong quan tài, nói rằng đó là di nguyện của chú ấy.

Cả cuộc đời của chú là một bí ẩn đối với tôi, kể cả sau khi mất đi thì đó vẫn là một bí ẩn.
Sau hai ngày nghỉ học vì tang lễ của chú Bảy, tôi đến trường trở lại vào thứ Tư.

Tôi ghé sang nhà con Vy nhưng cô Hà nói nó đã đi từ trước.

Tôi đến lớp và nhìn vào chỗ con Vy ngồi, nơi ấy trống không, cũng không thấy chiếc cặp của nó đâu.

Khi tiếng trống vào lớp vang lên, mái tóc dài ngang lưng quen thuộc vẫn chưa xuất hiện ở đó làm tôi có chút lo lắng.

Ô sĩ số ở một góc của tấm bảng, con Bích lớp trưởng ghi vắng một và có phép.

Con Vy đã tự viết và ký vào tờ đơn xin nghỉ phép của nó.


Sau hai tiết học không tập trung được gì, tôi lấy xe đạp đi ra khỏi trường.

Bà nội tôi đang trong cơn nguy kịch là lý do để chú bảo vệ cho tôi bước qua cánh cổng.
Tôi chạy thật nhanh sang nhà con Vy, và chỉ thấy mỗi cô Hà ở đó.

Nghe những điều tôi nói, cô gọi điện cho tất cả những người mà cô có thể nghĩ tới, nhưng không một ai nhìn thấy con Vy.

Cô hốt hoảng nhấc máy điện thoại lên, rồi lại dập xuống không biết bao nhiêu lần, và mỗi lần qua đi, nước mắt lại dần lan tràn ra khóe mi của cô một ít.

Những dòng suy nghĩ chạy qua chạy lại trong đầu, tôi muốn nắm bắt chúng lại để hỏi xem con Vy đã đi đâu, nhưng mọi thứ cứ trơn tuột đi mất.

Trong một khoảnh khắc thoáng qua, tôi nghĩ đến biển, nơi mà chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với nhau, chỉ sau ngôi nhà của tôi.

Tôi vỗ nhẹ lên bờ vai cô Hà rồi lấy xe đạp chạy đi.

Những linh cảm không lành cứ len lỏi trong dòng suy nghĩ, khiến tôi phóng chiếc xe của mình đi nhanh nhất có thể.
"Cạch".
Chiếc bàn đạp bị rơi ra, tôi mất thăng bằng và rơi xuống giữa lòng đường.

Nhìn chiếc xe đạp nằm chỏng chơ như đang trêu ngươi, tôi ném nó lên vỉa hè rồi chạy đi.

Giữa bao ánh mắt nhìn về phía mình, tôi lao đi như một tên trộm bị bắt quả tang, nhưng không ai hô hoán lên nên tôi vẫn không bị cản lại.

Một chiếc giày bị đứt quai làm tôi trượt chân ngã, tôi đứng dậy, tháo luôn chiếc giày còn lại và tiếp tục chạy.

Đôi chân trần khiến tôi chạy nhanh hơn bao giờ hết.

Cảm giác đã không còn xuất hiện ở lòng bàn chân, tôi mặc kệ và đạp lên trên tất cả, dù là mặt đất nóng rát dưới cái nắng mười giờ, hay những viên đá dăm nhọn hoắc rơi vãi trên đường.

Băng qua đường Trần Phú đầy xe cộ qua lại, tôi chạy lên khu quảng trường rộng lớn rồi lao xuống bãi cát nóng bỏng như vừa mới lấy ra từ lò than.

Tôi nhìn về phía biển, rồi lại nhìn xung quanh.

Không gian quay cuồng trong đôi mắt tôi, nhưng quay bao nhiêu vòng tôi vẫn không thấy được hình bóng cần tìm.

"Vy có thể đi đâu được chứ?" - Tôi tự hỏi.
Đôi chân vô lực, tôi quỳ xuống trên những hạt cát.

Đầu gối như bị thiêu đốt, nhưng tôi chỉ có thể ôm lấy đầu mình và cúi gập người xuống.


Tôi vò nát mớ tóc, những ngón tay nắm lại như để rút ra được chút suy nghĩ nào đó.

Nhưng càng nghĩ, tôi càng thấy hỗn loạn.

Tôi đấm vào những hạt cát vô tội từng nhát, từng nhát một, cho tới khi chúng vỡ vụn và ứa máu.

Tôi bấu những ngón tay vào mặt cát, hai mắt nóng lên như bôi ớt, tiếng gầm gừ xuyên qua từng kẽ răng và nước dãi nhiểu xuống như một con thú hoang dại.

Tôi đứng dậy và tiếp tục chạy dọc theo bờ biển, với chút hi vọng cuối cùng.

Trong đầu tôi giờ chỉ có con Vy, tôi mặc kệ tiếng tim mình kêu gào mệt mỏi, phổi tôi dường như mất khả năng co dãn, đôi chân tôi vẫn chỉ biết chạy và chạy.

Các khớp xương như bị tháo rời và không còn chống đỡ được sức nặng của cơ thể, những bước chạy của tôi trở nên xiêu xiêu vẹo vẹo.

Tôi như một thây ma đang chạy đi tìm kiếm thức ăn.

Phải, con Vy chính là nguồn sống của linh hồn tôi, và trong đầu tôi chẳng thể nghĩ đến điều gì khác ngoài nguồn sống đó.

Khi đã sức cùng lực kiệt, tôi tưởng như mình sẽ gục ngã, nhưng hình bóng hiện ra trước mắt làm cho mọi sức lực đã mất đi dần trở về trong cơ thể.
Con Vy ngồi trên thành cầu, khoác lên mình một chiếc váy màu trắng, chiếc váy mà nó đã mặc trong ngày sinh nhật lần thứ mười sáu.

Dưới chiếc mũ rộng vành màu trắng, mái tóc đen dài tung bay, bềnh bồng tựa một áng mây.

Nó đang tận hưởng làn gió mát trong lành đang mơn man trên da thịt, hít thở hương vị mằn mặn, nồng nàn của biển.

Những con sóng lần lượt xô vào chân cầu, vỡ tan trong ghềnh đá bên dưới, như đang sùng bái nữ hoàng của chúng.

Con Vy nhìn tôi, đôi môi nhỏ nhắn mấp máy như đang nói điều gì.

Rồi nó nở một nụ cười, nụ cười vẫn luôn làm thổn thức trái tim tôi.

Tôi bước đi từng bước một, chen qua đám đông đang đứng xung quanh, để đến với nữ hoàng của mình.
- Em nhảy, anh nhảy! - Tôi nói.
- Nhìn anh kìa, - Con Vy lấy chiếc mũ đội lên cho tôi - Em chỉ đang suy nghĩ xem nên tặng gì cho anh dịp sinh nhật sắp tới thôi mà.
Nó xoay người lại, đặt hai chân lên cầu và nắm lấy tay tôi.

Chúng tôi bước ra khỏi vòng vây của những ánh mắt hiếu kỳ rồi về nhà.

Tôi cảm thấy có chút sợ hãi, nhưng nụ cười của con Vy đã khéo léo xua tan đi điều đó..