Khương Trầm Ngư nghe những lời này, trong lòng không biết là buồn cười hay là chấn động. Tiết Thái năm sáu tuổi đã dám nói với Yên vương “Yên là ngọc trong các nước, còn ta là ngọc trong loài người, hai thứ hợp nhau, có gì không thỏa đáng”. Tiết Thái năm bảy tuổi đã dám quát sủng phi của hoàng đế “Chim sẻ nhỏ nhoi, sao dám cản phượng giá”; Tiết Thái của hôm nay lại công khai tiếp nhận thư sinh thách đấu và dựng lôi đài trên phố, tự ví mình với Y Doãn... cho dù trải qua bao nhiêu trắc trở, Băng Ly vẫn là Băng Ly, ngạo cốt vẫn còn, không hề thay đổi một chút nào...
Người áo tím nói đến đây, mặt lộ vẻ khâm phục, cảm khái nói: “Hành động lần này của Tiết tướng mau chóng lan truyền ra ngoài, văn nhân các vùng lũ lượt đến đế đô, có người to gan thật sự lên thách đấu. Tiết tướng tuổi còn nhỏ nhưng kiến thức sâu rộng, trí nhớ tuyệt đỉnh, giỏi hùng biện, khẩu chiến nho sinh, đối diện với lời cật vấn của nhiều người vẫn ung dung ứng đối, thong thả đáp lời, khiến cho mọi người ai nếu đều thất sắc, đặc biệt là hai người Ngô Thuần Trần Long, đến phút cuối, phải hổ thẹn nói: “Cho dù ngươi tài hoa cái thế, kinh lược ngút trời thì sao? Chớ quên, cha ngươi và gia gia ngươi đều là nghịch thần! Là phản tặc! Là loạn thần tặc tử phạm thượng làm loạn! Là tội nhân thiên cổ mưu đồ lật đổ giang sơn Bích quốc! Ngươi thân là con cháu của họ, lại có thể đảm nhiệm chức thừa tướng của Bích quốc, há chẳng phải là cổ vũ người trong thiên hạ đều có thể thả sức tạo phản sao? Dẫu cho tạo phản không thành, con cháu của mình cũng vẫn có thể làm quan. Để mặc cho ngươi làm tướng, thì luật pháp thiên thu để vào đâu? Thể diện của hoàng tộc để vào đâu? Giang sơn xã tắc để vào đâu?”.
Tràng chất vấn này đến Khương Trầm Ngư nghe xong mặt cũng biến sắc. Chiêu này quả thực quá độc, phơi bày ra chuyện cũ, lại dùng hai chữ “tạo phản” để chèn ép. Phải biết rằng đế vương từ thiên cổ đều kỵ nhất là tạo phản, không thể khoan dung nhất cũng là tạo phản, vì thế, đối với hậu quả của việc mưu nghịch làm loạn, cũng là cánh cáo kẻ khác: Kẻ làm phản, tru di cửu tộc, tất phải chết! Thế mới có thể cảnh cáo thiên hạ, phải ngoan ngoãn nghe lời, không được ngông cuồng dấy lòng mưu phản.
Có điều... tuy nàng kinh ngạc, nhưng không cảm thấy lo lắng. Bởi vì, nếu là Tiết Thái, chắc chắn có thể giải quyết vấn đề khó này... Trong lòng nàng đầy tin tưởng như thế.
Quả nhiên, câu tiếp theo của người áo tím đã chứng thực điểm này: “Tiết tướng nghe xong, mặt không đổi sắc, lạnh lùng cười nói: ‘Việc sai lầm cha ta và gia gia ta làm, có liên can gì đến ta?’. Trần Long nói: ‘Lẽ nào ngươi không biết cha nợ con trả sao?’. Tiết tướng nói: ‘Nếu ngươi đã nói như thế, vậy thì tổ tiên của các ngươi cũng tạo phản, các ngươi sao có mặt mũi mà sống trên đời này?’“.
Khương Trầm Ngư cả kinh: “Cái gì? Bọn họ cũng là con cái của phản tặc sao?”.
“Hồi bẩm nương nương, lời này của Tiết tướng vừa nói ra, hết thảy người nghe đều ngạc nhiên, phản ứng đều giống như nương nương. Mà tên Trần Long đó lập tức nhảy dựng lên, giận dữ đùng đùng nói: ‘Ngươi nói bậy! Tổ tiên ta ba đời đều là người đọc sách thanh bạch, làm gì có tạo phản? Đừng có ngậm máu phun người!’. Tiết tướng cười lạnh nói: ‘Tổ tiên ba đời không có? Thế thì mười đời? Hai mươi đời thì sao? Đừng quên Trần Thắng Ngô Quảng năm xưa, Đại Tần chính là diệt vong trong tay bọn họ’”.
Khương Trầm Ngư nhắm mắt - Nàng biết ngay mà... đến Trần Thắng Ngô Quảng cũng lôi ra được...
“Trần Long nghe đoạn càng nổi giận: ‘Cái, cái gì? Trần Thắng Ngô Quảng với, với với bọn ta có liên quan gì?’. Tiết tướng đáp: ‘Các ngươi cùng họ, truy ngược lên nghìn đời, tất là cùng gốc rễ mà ra’. Trần Long nói: ‘Cho dù, dù là tổ tiên của bọn ta, họ họ đều là thay trời hành đạo! Tần Nhị Thế thi hành bạo chính, hình phạt hà khắc, khiến muôn dân không được yên ổn...’. Tiết tướng ngắt lời hắn: ‘Ồ? Lúc này lại không đếm xỉa gì đến luật pháp thiên thu, thể diện hoàng tộc với giang sơn xã tắc nữa sao?’. Trần Long nói: ‘Ngươi, ngươi, ngươi...’”.
Trần thuật đến đây, Khương Trầm Ngư thở dài khe khẽ: “Tử Tử, ngươi cứ nói một mạch là được, không cần bắt chước cả điệu bộ nói lắp của họ đâu”.
Cả Bách Ngôn đường lại vang lên một trận cười.
Có lẽ bình thường họ đã quen với việc chế nhạo nhau, cho nên người áo tím tuy lúng túng, nhưng không thấy xấu hổ, vẫn cười vui vẻ như trước, nói: “Vâng. Vi thần xin sửa. Tóm lại bọn Trần Long nói không lại Tiết tướng, tức muốn chết, cuối cùng Tiết tướng nhìn đám đông một lượt, chậm rãi nói: ‘Trải qua nghìn năm, triều đại nào chẳng có phản thần, chẳng sinh nghịch tử, họ làm sai thì họ phải chịu phạt, nhưng vì thế mà tước đoạt công lao của con cháu họ, thì thực quá nực cười! Không sai, cha ta ông ta làm chuyện sai trái, nhưng rốt cuộc vì sao mà họ sai, trong lòng mọi người đều rõ. Trong triều đình, có thiên tử sao thần tử vậy, nếu phải nói Tiết gia nhà ta có tội, Tiết tộc nhà ta nợ Bích quốc, thế thì, để ta làm tướng quốc, há chẳng phải chính là cách chuộc tội tốt nhất sao? Nếu các ngươi cho rằng Tiết Thái ta năng lực không đủ, không thể làm tướng quốc, thì hãy dùng sự thực để chứng minh điểm này, chớ viện lý do nông cạn như xuất thân, tuổi tác gì đó, ta tuyệt đối không phục! Bảy ngày đã hết, các người đã thua. Nhưng ta biết các ngươi vẫn không phục, không sao cả, ta lại cho các ngươi thêm một cơ hội, ngày này hàng năm, ta đều đến đây dựng lôi đài, người trong thiên hạ đều có thể đến thử. Nhưng, chỉ là bảy ngày. Bất cứ thời gian bất cứ địa điểm khác nếu ta nghe thấy có người bàn láo chuyện triều chính, bôi nhọ danh dự của ta, chém!’. Tiếng chém cuối cùng chắc nịch đanh thép, lầu trên lầu dưới, không có ai dám ho he nữa, đều lặng ngắt như tờ”.
Khương Trầm Ngư tưởng tượng khung cảnh khi đó, không kìm được nói: “Giá như ta cũng có mặt thì hay biết mấy, thật muốn xem phong thái áp đảo quần hùng của Tiết Thái khi ấy”.
Người áo tím thở dài nói: “Trong Thất tử chỉ có vi thần hôm qua đích thân đi, nhìn thấy cảnh tượng quan trọng nhất đó, thật sự là cảm thấy... triều ta có thể có Tiết tướng, đúng là ông trời ban phúc”.
Khương Trầm Ngư nhớ ra một vấn đề: “Đợi đã! Ngươi nói hôm qua đích thân ngươi đi xem, cũng tức là thời hạn bảy ngày đến ngày hôm qua đã kết thúc. Vậy tại sao hôm nay Tiết Thái không đến?”.
Người áo xanh lục ở bên cạnh cười “phì” một tiếng, những người khác lại nở nụ cười kỳ quặc.
Nghe đến đây, Khương Trầm Ngư đã hiểu ra, bọn họ cười, không phải vì Tiết Thái khẩu chiến thắng bọn nho sinh, mà là đã phát sinh chuyện khác, hơn nữa, hẳn là chuyện này khiến Tiết Thái gặp xui xẻo. Nghĩ đến đây, không khỏi càng lúc càng tò mò: “Mau nói! Hắn làm sao?”.
Người áo tím nói: “Hồi bẩm nương nương, là như thế này, khi dựng sân khấu Tiết tướng quy định là từ giờ Ngọ đến giờ Tuất. Ngày hôm qua đến giờ Tuất, vốn dĩ tất cả đã kết thúc, bọn Trần Long cũng á khẩu không biết nói gì, thì một tên ngọc diện thư sinh đột nhiên ôm một cây đàn tiến vào tửu lâu, ngang nhiên đòi thi đàn với Tiết tướng”.
“Cái gì?”. Khương Trầm Ngư ngẩn ra một lúc, nhớ ra một vấn đề: Tiết Thái có biết chơi đàn không?
Tuy Tiết Thái là thần đồng, văn võ song toàn, nhưng cũng không phải cái gì cũng tinh thông, ví như chơi đàn, nàng chưa bao giờ nhìn thấy hắn chơi.
“Tiết tướng ngài... không biết chơi đàn”. Người áo tím nói ra đáp án.
Quả nhiên là thế... Khương Trầm Ngư đã lờ mờ đoán ra vì sao mọi người lại cười như thế.
“Vì vậy, thư sinh đó nói thi gảy đàn với ngài, không chỉ Tiết tướng ngẩn ra, mà những người xung quanh nghe thấy đều sững người. Tiết tướng chau mày nói; ‘Ngươi nói cái gì?’. Thư sinh đáp: ‘Ta muốn thi đánh đàn với ngài. Thừa tướng không phải nói, trong bảy ngày này bất luận là ai cũng có thể đến khiêu chiến ngài hay sao? Ta chính là đến khiêu chiến cầm nghệ của thừa tướng’”.
Di Phi sau khi bị gọi dậy không còn gật gù nữa, vẫn đứng bên cạnh, nghe đến đây, mắt đảo một vòng, “ồ” lên một tiếng, cười trộm nói: “Hay, hay, cái này hay! Đường đường là thừa tướng Bích quốc mà đến đàn cũng không biết gảy, đúng là quá mất phong nhã...”.
Khương Trầm Ngư lườm gã một cái: “Thứ lý lẽ ngụy biện này mà ngươi cũng nói ra được à? Ai gia muốn có một thừa tướng có thể xử lý chính sự chứ không cần một nhạc sư”.
Người áo tím nói: “Trên thực tế, khi ấy mọi người đều nghĩ như thế, đều cảm thấy thư sinh đó thật kỳ quặc, lại nghĩ ra được yêu cầu vớ vẩn như thế, chắc chắn Tiết tướng không biết chơi đàn, nhưng Tiết tướng nhìn thư sinh đó một cái, cười lạnh nói: ‘Được’”.
“Hắn đồng ý à?”. Điều này thực sự khiến Khương Trầm Ngư bất ngờ.
“Vâng. Tiết tướng nhận lời, không chỉ như thế, ngài còn nói: ‘Ta biết trong lòng ngươi đang nghĩ gì, nếu ta không nhận lời ngươi, ngươi chắc chắn sẽ rêu rao với bên ngoài là lôi đài mà ta dựng có lỗ hổng, quy định thi đấu có lỗ hổng, cũng chỉ là hình thức, nếu có thi cũng không chính xác, từ đó mà tiến một bước xóa sạch toàn bộ thành tích huy hoàng trong bảy ngày qua của ta, đúng không?’. Thư sinh đó mỉm cười, không thừa nhận cũng chẳng phủ nhận. Tiết tướng tiếp tục nói: ‘Cho nên, ta tuyệt đối không để ngươi được thỏa nguyện. Ngươi muốn thi đàn à? Đến đây! Thi thì thi!’”.
Khương Trầm Ngư tuy biết sau cùng chắc chắn Tiết Thái sẽ thắng nhưng nghe đến đây, trong lòng cũng không khỏi lo lắng.
“Không phải hắn không biết chơi đàn sao?”.
“Hồi bẩm nương nương, Tiết tướng đích thực là không biết chơi đàn, đối phương chắc chắn cũng đã tìm hiểu về điểm này, cho nên mới dám đến khiêu khích không hề e sợ như thế. Thế là, thư sinh đó ngồi xuống, đặt cây cổ cầm xuống nói: ‘Trước tiên phải nói cho rõ, kỹ thuật đánh đàn, cao thấp khác biệt nếu như rất lớn, tự nhiên sẽ dễ phán đoán, nhưng nếu trình độ ngang ngang nhau, thì sẽ khó mà đoán định. Ta và ngươi phải phân giới hạn rõ ràng như thế nào?’. Tiết tướng đáp: ‘Ngươi nói đi’. Thư sinh nói: ‘Được. Ý của ta là, có mặt ở đây tổng cộng bảy mươi chín người, chúng ta đàn ra sao, hãy để bảy mươi chín người này chấm điểm, cuối cùng ai được ủng hộ nhiều nhất, người đó thắng. Thế nào?’. Tiết tướng nói: ‘Được’”.
Khương Trầm Ngư thở dài: “Thật là làm khó hắn rồi. Thế mà cũng nhận lời. Ai chẳng biết những người đi xem đó, kỳ thực đều là những người muốn nhìn thấy hắn thua cuộc, cho dù hắn có thể đàn hay như thư sinh kia, e là mọi người cũng mang tâm lý xấu xa muốn coi trò hay nên vẫn bỏ phiếu cho hắn thua thôi”.
“Vâng, vi thần cũng nghĩ như vậy, vì thế vi thần đứng bên nhìn mà lo lắng hết đỗi, thần tiến lên phía trước khuyên can, trái lại Tiết tướng căn bản không để ý đến thần, bước tới ngồi đối diện với thư sinh, nói: ‘Ở đây không có đàn, ta dùng đàn của ngươi có được không?’. Thư sinh nói: ‘Được’. Tiết tướng nói: ‘Thế thì ngươi là khách, ngươi đàn trước’. Thư sinh đồng ý, liền bắt đầu gảy đàn...”.
“Chắc hắn đàn rất giỏi”. Khương Trầm Ngư đoán.
Người áo tím lại lắc đầu.
“Sao? Lẽ nào hắn đàn cũng dở?”.
Người áo tím vẫn lắc đầu.
Khương Trầm Ngư đang cảm thấy kỳ quái, thì người áo tím đã nói rõ chân tướng: “Kỳ thực thì... căn bản hắn không đàn nổi. Hắn vừa mới gảy hai âm, dây đàn đã đứt. Cho nên, hắn đành phải thay dây đàn, nhưng gảy thêm được mấy âm, dây đàn lại đứt. Hắn lại thay dây, dây đàn lại đứt nữa... Tóm lại hắn cứ đàn được ba bốn tiếng, lại bị đứt một dây, cuối cùng, hắn đập bàn đứng dậy quát: ‘Tiết Thái, ngươi giở trò gì với đàn của ta phải không?’. Tiết tướng nói: ‘Đây là đàn của ngươi, dây cũng là ngươi tự tay mang theo’. Thư sinh nói: ‘Nhưng lúc ta gảy đàn ngươi lén lút dùng nội lực làm đứt dây đàn, đúng không?’. Tiết tướng mỉm cười: ‘Tỉ thí thôi mà. Nếu ngươi không phục, khi ta gảy đàn ngươi cũng thoải mái làm đứt dây đàn của ta’. Thư sinh giận dữ nói: ‘Ta không biết võ công!’. Tiết tướng nói: ‘Rất tốt, ta cũng không biết chơi đàn’. Thư sinh nói: ‘Thế thì ngươi thua rồi!’. Tiết tướng nói: ‘Dựa vào cái gì? Cầm nghệ đến đàn cũng không đàn nổi của ngươi cũng có thể coi là thắng sao?’. Thư sinh nói: ‘Đó là vì ngươi đứng bên cạnh phá hoại!’. Tiết tướng nói: ‘Ta có thể khiến ngươi không đàn nổi, thì ta thắng’. Thư sinh kêu lên: ‘Thế mà gọi là thắng à?’. Tiết tướng bỗng nói thật chậm, từng tiếng từng tiếng rành rọt: ‘Đây chính là chiến thắng của sức mạnh’. Thư sinh sững ra, không nói gì nữa”.
Khương Trầm Ngư nhắc lại: “Chiến thắng của sức mạnh?”.
“Vâng. Tiết tướng nói: ‘Trên thế giới này có rất nhiều kỹ nghệ, duy chỉ có sức mạnh là có thể trấn áp tất cả. Cầm nghệ của ngươi có cao hơn nữa, nhưng ta có thể khiến ngươi không đàn nổi, đây chính là biểu hiện của việc ta vượt trội hơn ngươi’. Nói đến đây, ngài xoay người, nhìn mọi người, cất cao giọng nói: ‘Các ngươi nghe rõ cho ta, những người khác muốn lợi dụng kiếm chác, muốn xuyên tạc lời ta, thì cũng phóng ngựa đến hết cả đây, nhưng trước khi đến, các ngươi phải chuẩn bị tâm lý cho tốt - Có lẽ các ngươi có thể thắng ta về một kỹ năng nào đó, nhưng, nếu võ công không thể thắng ta, đều là vô ích. Nếu võ công hơn ra, chớ quên sau lưng ta còn có mười hai thiết kỵ, ba vạn binh mã, quyền hành cả nước, các ngươi cứ khiêu chiến thử xem!’. Thư sinh thét lên: ‘Thế thi đấu còn gì là công bằng?’. Tiết tướng nhìn hắn khinh miệt, lạnh lùng cười: ‘Quyền thế cũng là một loại thực lực. Nếu ngươi không có thực lực vượt hơn ta, dựa vào cái gì mà đòi thay thế ta?’”.
Khương Trầm Ngư ngẫm nghĩ câu “Quyền thế cũng là một loại thực lực”, không khỏi có phần ngây ngốc.
Tiết Thái... Tiết Thái... xuất sắc như thế, kiêu ngạo như thế, lại bá đạo như thế!
Có lúc không khỏi hoài nghi hắn có thực sự là con người không? Một đứa trẻ tám tuổi, sao có thể có trí tuệ như thế? Hơn nữa, ngoài trí tuệ ra, hắn còn xuất thân cao quý, vì thế đã bồi dưỡng nên tính cách cao ngạo ngút trời, cậy tài khinh người, ngoài tính cách ra, hắn lại trải qua chuyển biến lớn kinh thiên động địa của đời người - từ trời cao rớt xuống bùn lầy, lại từ bùn lầy trở lại trời cao như thế, khiến hắn ngoài ngạo mạn, còn rèn luyện được tính thận trọng và chu toàn hơn người thường. Hành vi nhìn có vẻ như huênh hoang to gan, được ăn cả ngã về không của hắn vừa hay là biểu hiện của việc hắn chuẩn bị đầy đủ, không hề sơ sót.
Người bình thường, cho dù có được khả năng bẩm sinh như hắn cũng không thể có tính cách như hắn; cho dù có tính cách giống như hắn, cũng không thể có cảnh ngộ giống hắn... Hàng loạt các loại yếu tố này đã tạo thành thái độ ngang ngược coi thường hết thảy của hắn lúc này, mà thái độ ngang ngược ấy chính là điều không thể thiếu của một người làm chính trị thành công.
Có lẽ bản thân thật sự may mắn, may mà hắn đứng về phía nàng.
Nếu có một đối thủ như thế này, thực sự quá đáng sợ…
Mắt Khương Trầm Ngư hơi trầm xuống, trong lòng đã quyết: Cả đời này, tuyệt đối không thể cho Tiết Thái bất cứ cơ hội nào trở thành kẻ địch của nàng.
Người áo tím nói: “Tiết tướng nói xong những lời này, hết thảy mọi người có mặt tại chỗ đều im lặng, còn thư sinh đó đứng yên mà toàn thân run rẩy, trên mặt lúc trắng lúc đỏ, chính lúc mọi người tưởng hắn chắc chắn sắp tức đến chết, hắn đột nhiên lấy một vật từ trong chiếc hộp bên cạnh ra, ném vào người Tiết tướng. Đám thị vệ cả kinh, tưởng là ám khí, đang định xông lên phía trước hộ vệ, Tiết tướng giơ tay lên, tự mình dùng tay áo cuốn vật đó lại...”.
Bảy người còn lại nghe đến đây, lại bắt đầu cười khùng khục. Thế nên Khương Trầm Ngư biết cuối cùng đã kể đến đoạn mấu chốt, bèn hỏi: “Là thứ gì?”.
“Là tú cầu”.
Khương Trầm Ngư gần như hoài nghi câu mình nghe thấy, không nhịn được nhắc lại lần nữa: “Là thứ gì?”.
“Tú cầu”. Người áo tím nghiêm trang trả lời: “Chính là loại tú cầu thêu bằng chỉ màu, dùng để các thiếu nữ chưa chồng kết duyên...”.
“Ta biết cái gì là tú cầu”. Trầm Ngư ngắt lời y: “Ta chỉ muốn hỏi tại sao thư sinh đó lại ném tú cầu cho Tiết Thái?”.
“Khi đó, bọn thần nhìn thấy quả tú cầu đó, tất cả đều ngẩn người ra, nghi ngờ mắt mình bị làm sao. Thư sinh đó cười khúc khích, giọng nói đột ngột biến đổi, nếu nói ban đầu hắn nói giọng eo éo, thì khoảnh khắc đó lại biến thành giọng nữ nhi, hơn nữa còn giơ một tay chỉ vào Tiết tướng nói: ‘Được, quả nhiên không hổ là tiểu Băng Ly nổi danh thiên hạ! Ta phục rồi. Cho nên, ta quyết định lấy ngươi! Quả tú cầu này chính là tín vật định tình của ta, ta biết tuổi ngươi còn nhỏ, có điều không sao, ta có thể chờ ngươi. Bản cô nương chính là con gái của Hồ Cửu Tiên, tiểu danh là Sành Nương. Ngươi chớ có quên, ngày sau phải đến nhà xin cưới ta nhé’!’. Nói đoạn, ôm đàn thướt tha rời đi...”.
“Hồ Cửu Tiên?”. Cái tên này rất quen, dường như đã nghe thấy ở đâu rồi.
“Ông ta là người Nghi quốc, được mệnh danh là đệ nhất thương gia của bốn nước, giàu nhất thiên hạ, nơi nào cũng có sản nghiệp của ông ta. Mà Hồng viên nổi tiếng nhất đế đô chính là của ông ta”.
Khương Trầm Ngư “a” một tiếng, chẳng trách nàng cảm thấy quen tai, hóa ra là chủ nhân của Hồng viên.
“Ha ha ha ha ha, hay cho một cô nương to gan!”. Di Phi nghe xong đập bàn kêu tuyệt: “Hay cho một mối nhân duyên tuyệt diệu! Chúc mừng nương nương, chúc mừng nương nương, hữu tướng của nương nương sắp thành gia lập nghiệp rồi, ha ha ha ha ha...”.
Người áo tím cố gắng nhịn cười, tiếp tục nói: “Hồ tiểu thư đó bỗng nhiên bỏ đi, làm mọi người bất ngờ, vẻ mặt của Tiết tướng khi ấy thật là... cả đời này vi thần cũng không thể quên. Chuyện này lập tức đồn ra ngoài, vì thế, hôm nay Tiết tướng vốn dĩ muốn lên triều, nhưng kiệu của ngài vừa mới ra khỏi hầu phủ, liền phát hiện bên ngoài có một đám người đông đúc vây quanh, đều là những cô nương tuổi thanh xuân đứng chờ bên ngoài cả đêm, ngài vừa mới vén rèm kiệu lên thò đầu ra ngoài nhìn, liền có vô số tú cầu bay về phía ngài... Những cô nương đó vừa ném vừa hét: ‘Thừa tướng đại nhân, chúng ta cũng muốn lấy ngài...’. Họ đứng đông nghịt cả đường, chiếc kiệu căn bản không thể đi nổi, đành quay đầu về phủ, cho nên, hôm nay Tiết tướng không thể lên triều...”.
Lời của người áo tím còn chưa dứt, mọi người trong sảnh đã cười nghiêng cười ngả.
Chỉ có một người không cười, đó chính là Khương Trầm Ngư.
Mọi người cười xong một lúc, mới phát hiện hoàng hậu không cười, liền vội vàng thu lại nụ cười, lo lắng bất an nhìn nàng.
Khương Trầm Ngư cụp mắt, trầm mặc một lát, sau đó đẩy đống tấu sớ ra, nói: “Hôm nay đến đây thôi, các ngươi về cả đi. Ai gia cũng mệt rồi, về cung nghỉ ngơi đã”. Nói rồi, đứng dậy rời ghế.
Nàng bình tĩnh đi ra khỏi Bách Ngôn đường, rất bình tĩnh đi ra khỏi thư phòng, rất bình tĩnh đi vào trong Ân Bái cung, nói với cung nữ: “Ai gia muốn ở một mình một lúc, các ngươi lui cả ra đi”.
Bọn cung nữ vâng dạ rồi đi ra, đóng cửa phòng lại.
Khương Trầm Ngư đi đến bên giường, ôm chăn trùm kín đầu, bấy giờ mới cười to, cười đến nỗi chiếc giường rung lên bần bật, cười đến nỗi trào cả nước mắt: “Ha ha ha ha ha ha... Ha ha ha... Ha ha ha ha ha...”.
Tiết Thái... lấy vợ...
Ha ha ha ha ha...
Tiết Thái à Tiết Thái, ngươi cũng có ngày này!
Ha ha ha ha ha...
Tiếng cười của nàng loáng thoáng truyền ra ngoài điện, Ác Du nghe thấy tò mò: “Hoài Cẩn tỉ tỉ, nương nương sao thế? Có chuyện gì vui à?”.
Hoài Cẩn mỉm cười nhàn nhạt: “Chúng ta làm nô tài, chỉ cần vui thay nương nương là được rồi. Tiểu thư... đã lâu lắm rồi mới được vui vẻ như thế...”.
Đúng thế, kể từ sau khi Kỳ Úc hầu chết, ngoài lần thái tử Tân Dã chào đời, tiểu thư, chưa từng vui vẻ như thế…
Có thể cười như thế này, là chuyện tốt biết bao...
Ngày hôm sau trong buổi chầu sớm, Tiết Thái vẫn không xuất hiện. Nhưng khi Khương Trầm Ngư chuẩn bị đi vào thư phòng nghị sự cùng với Thất tử, hắn lại xuất hiện, hơn nữa còn không mặc quan phục, chỉ mặc một chiếc áo khoác màu đen, quấn kín từ đầu đến chân.
Khương Trầm Ngư thấy hắn nai nịt như thế, không kìm được mỉm cười: “Thừa tướng từ đâu đến, định đi đâu đấy?”.
Tiết Thái sầm khuôn mặt nhỏ trắng trẻo xuống, không trả lời, tự đi vào Bách Ngôn đường, cởi áo khoác rồi ngồi lên ghế tựa, cất tiếng hỏi: “Hôm qua và hôm nay có chuyện gì lớn xảy ra không?”.
Khương Trầm Ngư khoan thai đi vào trong, từ tốn nói: “Có đấy, chuyện lớn nhất chính là thừa tướng của Bích quốc sắp thành thân. Chuyện này có lớn không?”.