Khương Trầm Ngư nhìn y bằng một ánh mắt thương hại, nói nhỏ: “Không phải cha?”.
“Thế là ai?”. Khương Hiếu Thành bắt đầu động não cái đầu không thông minh hơn heo là bao của y: “A! Đó chính là Hy Hòa phu nhân! Chắc chắn là ả! Ngày ngày xa hoa vô độ…”.
Khương Trầm Ngư kêu khổ trong lòng, nhưng ngoài miệng chỉ nói: “Ca ca, huynh ăn nói bớt cay nghiệt đi, Hy Hòa phu nhân bị điên rồi”.
“Đúng đúng đúng, không nói ả không nói ả, mạo phạm người đẹp, không dám không dám… ôi, nghĩ không ra”.
Khương Trầm Ngư cụp mắt xuống, thấp giọng thì thào: “Là Cơ gia!”.
“Cơ gia?”. Khương Hiếu Thành nhướng mày: “Muội đang nói đùa à? Cơ Anh nổi tiếng thanh liêm, môn khách của ngài còn phải tự cày cấy làm ruộng mới đủ ăn…”.
“Không phải Cơ Anh, mà là Cơ gia”. Khương Trầm Ngư nhấn mạnh: “Toàn bộ Cơ gia”.
Khương Hiếu Thành gãi đầu: “Ý của muội là hầu gia không tham ô, nhưng người thân thích của ngài tham ô? Nếu so sánh với nhà chúng ta, cha không tham, muội không tham, nhưng ta tham, cho nên toàn bộ đều do ta nuốt hết?”.
Khương Trầm Ngư gật đầu.
Khương Hiếu Thành lại há miệng ngây người một lát: “Thế thì che giấu giỏi thật… Không đúng, không đúng… muội muội! Chuyện này không đúng! Cơ gia chẳng phải có Liên thành bích trong truyền thuyết sao, không sợ thiếu tiền!”.
“Liên thành bích gì cơ?”.
Thấy muội muội không biết chuyện, Khương Hiếu Thành lại nổi máu nam tử hán lên, y ưỡn ngực, hóp bụng, đang định kể lể một lượt, bỗng nghe bên ngoài vang lên một tiếng gọi chói tai: “Khương đại ngốc, chàng lăn ra đây cho thiếp!”.
Khương Hiếu Thành nhất thời sợ hãi đến mức run lẩy bẩy, tiếng đập cửa dồn dập, tiếng thét như quỷ khóc, và hai chữ “đại ngốc” không hề để cho gã chút sĩ diện đó, đã nói rõ người đến không phải ai khác, mà chính là người vợ kết tóc se tơ kiêm hổ cái nhà y - Lý thị.
Y mở cửa sổ định nhảy ra ngoài.
Khương Trầm Ngư từ tốn nói: “Ca ca, đây là lầu ba”.
Khương Hiếu Thành vội vàng rụt một chân đang giẫm lên bậu cửa sổ xuống, lo lắng đến mức mồ hôi vã ra như tắm: “Làm sao đây làm sao đây? Sao nàng ta lại tới? Làm sao đây, làm sao đây?”.
“Để muội thay ca ca xoa dịu đại tẩu”.
Khương Hiếu Thành mừng rỡ ra mặt: “Thật à?”.
“Nhưng như đã nói trước đó, chuyện Giang Đô lần này…”.
Khương Trầm Ngư còn chưa nói hết lời, Khương Hiếu Thành đã gật đầu lia lịa nói: “Đều nghe muội, đều nghe muội cái gì cũng nghe muội hết! Muội bảo ta làm sao thì ta làm vậy, ta còn đợi muội cứu mạng đây, muội muội tốt của ta!”.
“Giao kèo xong”. Khương Trầm Ngư đứng dậy, đi tới mở cửa phòng ra, dịu dàng nói: “Bọn muội ở đây”.
Lý thị dẫn đầu một toán gia đinh khí thế hung hăng chuẩn bị xông vào bắt gian nhìn thấy người sau cánh cửa còn chưa kịp kinh ngạc đã bị Khương Trầm Ngư tóm cổ tay lôi vào trong.
Sau đó, cửa phòng đóng lại, nhốt toàn bộ gia đinh ở bên ngoài.
Bởi vì chỉ có một mình Lý thị nhìn thấy Khương Trầm Ngư nên đám gia đinh bên ngoài cửa đều không rõ bên trong xảy ra chuyện gì, đang định tiến vào thì nghe Lý thị ở trong quát một câu: “Các ngươi không được vào trong”. Mọi người liền vội vã dừng bước. Cứ như thế đứng khoảng nửa tuần trà ở ngoài cửa, cánh cửa phòng lại mở ra, Lý thị chậm rãi bước ra ngoài.
Nếu như nói khi vào phòng Lý thị như cuồng phong bạo vũ; thì khi ra Lý thị lại thành gió mát ngày lành.
Chỉ thấy nàng ta vén tóc mai, cười híp cả mắt nói: “Không có chuyện gì, về thôi”.
Một tiểu a hoàn không hiểu chuyện, vẫn ngây ngây ngô ngô hỏi: “Thiếu phu nhân? Đại thiếu gia đâu?”.
“Thiếu gia cái gì mà thiếu gia”. Lý thị mắng té tát: “Không nhìn xem đây là đâu hả? Thiếu gia nhà các ngươi đến đây sao? Ngu như heo, còn không mau theo ta về, để tránh bị mất mặt!”. Nói rồi, uốn éo bước lên kiệu.
Tiểu a hoàn bị mắng không dám mở miệng cãi, vội vàng đi theo kiệu, một đám người rầm rầm rộ rộ rời khỏi Hồng Tụ lâu.
Sau khi chuyện này đồn ra ngoài bị đầu đường cuối ngõ cười nói bàn luận một dạo, đương nhiên mỗi người nói một phách, càng ngày càng xa sự thực.
Còn khi Điền Cửu đem câu chuyện thực sự bên trong bẩm báo lên Chiêu Doãn, Chiêu Doãn chỉ cười nhạt, vừa dùng bút son phê một chữ “chuẩn y” lên tấu chương, vừa nói: “Trẫm vốn muốn có hiệu quả này. Khương gia nếu không nỡ bỏ thằng con trai bảo bối này, thì cần phải cân nhắc thật kỹ chuyện ở Giang Đô lần này, nên tự cứu mình như thế nào”.
Điền Cửu muốn nói gì đó nhưng lại ngừng lại.
Chiêu Doãn nhíu mày nói: “Có gì cứ nói đi”.
“Vâng. Hoàng thượng cảm thấy Thục phi nương nương sẽ có cách giải quyết việc này chứ?”.
“Nàng ấy có”.
“Ngộ nhỡ nương nương thất bại thì sao? Chuyện Giang Đô suy cho cùng cũng không phải trò đùa, một khi thất bại, hậu quả thật không thể tưởng tượng nổi…”.
Chiêu Doãn khe khẽ thở dài một tiếng, đặt cây bút và tấu chương trong tay xuống nói: “Theo Điền Cửu người Bích quốc hiện nay, hai gia tộc có sức ảnh hưởng nhất là gia tộc nào”.
Điền Cửu có vẻ hơi trầm ngâm: “Hai nhà Khương, Cơ”.
“Thế thì, người có sức ảnh hưởng nhất trong hai tộc này là ai?”.
“Khương gia đương nhiên là hữu tướng Khương Trọng, còn Cơ gia…”. Điền Cửu lắc đầu nói: “Cơ gia lại khác, con cháu Cơ thị mỗi người đảm nhiệm một phương diện, nhiều kẻ xuất sắc, nhưng chính vì cả nhà đều giỏi giang, cho nên ngược lại không nghĩ được ngoài Cơ Anh ra, còn có ai có thể áp chế quần hùng thống lĩnh đại cục…”.
“Đến nay hai tộc Khương, Cơ chỉ còn lại hai người này”. Chiêu Doãn nâng bút, khoanh hai vòng tròn trên một danh sách dày chi chít chữ, mà hai cái tên bị khuyên trúng chính là Khương Trầm Ngư, Tiết Thái.
“Muội muốn huynh vứt bỏ thành kiến đối với Tiết Thái, chuyến đi Giang Đô lần này, cho dù hắn nói gì, làm gì, đều phải dốc toàn lực phối hợp với hắn. Bởi vì, hiện nay chỉ có hắn mới có thể lấy được tiền từ Cơ gia. Huynh muốn lấy được đủ tiền để giải quyết vấn đề thì phải đối tốt với hắn một chút”.
Đây là lời khuyên chân thành cuối cùng Khương Trầm Ngư nói với Khương Hiếu Thành trong cái đêm ở Hồng Tụ lâu đó. Nhưng nàng không ngờ rằng, trong chuyến đi Giang Đô này, ca ca của mình đã hoàn toàn biến thành tay sai của Tiết Thái, tận tâm hầu hạ, mức độ ân cần còn vượt xa so với kế hoạch của nàng… Đó là chuyện về sau, tạm thời không bàn đến.
Ngày mười hai tháng chín, Tiết Thái và Khương Hiếu Thành phụng ý chỉ của hoàng đế đến Giang Đô trước muôn và cặp mắt của mọi người.
Sau khi họ đi, hàng ngày Khương Trầm Ngư ngoài việc cùng Chiêu Doãn lên triều, thì chiều nào nàng cũng đến Bảo Hoa cung thăm Hy Hòa.
So với trước đây Hy Hòa khá lên rất nhiều, nhiều lúc Khương Trầm Ngư đọc sách ở đó, còn nàng ta yên lặng chơi một mình. Có lúc thấy Khương Trầm Ngư viết chữ, thì quấn lấy nàng đòi vẽ tranh. Khương Trầm Ngư sai người chuẩn bị màu vẽ cho nàng ta, nhưng nàng ta lại không muốn, mà đòi hồ dán với keo giấy, nhìn thấy thứ gì liền cắt thứ đó, thành ra màu, giấy các loại chất thành một mớ hỗn loạn, sau cùng lại lấy hồ dán giấy, chơi rất vui vẻ.
Lần đầu tiên Khương Trầm Ngư nhìn thấy cách vẽ tranh mới mẻ như thế, có lúc không kìm được đến chơi cùng nàng ta.
Thỉnh thoảng nàng phải đến ngự thư phòng vào buổi tối nghe Chiêu Doãn và các đại thần tâm phúc nghị sự. Bách Ngôn đường lần lượt có thêm người mới, tính cả Khương Trầm Ngư tổng cộng là tám người. Bảy người kia đều là những kẻ khôn ngoan khéo léo, không hề tỏ ra kinh ngạc trước sự tồn tại đặc biệt của nàng, cứ thản nhiên tự tại khi ở cùng nàng. Cùng lúc, phụ thân nàng cũng bị Chiêu Doãn triệu đến thư phòng để hỏi chuyện, nàng đứng cách một bức tường nhìn ông nghị chính, giống như một người xa lạ.
Không lâu sau, ngày sắc phong đã được định là ngày mùng một tháng mười một.
Vì đất nước có nạn hạn hán nên hết thảy nghi thức đều đơn giản, nhưng phong hậu vẫn là một việc lớn, nên trong một thời gian ngắn, vô số việc chồng chất, bận rộn đến mức nàng bù đầu nhức óc.
Đêm nay, nàng xử lý công chuyện trong Bảo Hoa cung, Hy Hòa ngồi bên cạnh yên lặng vẽ tranh, vào khoảng giờ Tuất, Phật âm từ bên ngoài vọng vào, du dương êm ái, cực kỳ rung động lòng người.
Hy Hòa ngẩng đầu lắng tai nghe một lúc, bỗng quẳng chiếc bút đi, bắt đầu khóc.
Khương Trầm Ngư không hiểu chuyện gì xảy ra, sai cung nữ đi hỏi, không lâu sau, cung nữ quay về bẩm báo: “Nương nương, là từ trong Đoan Tắc cung vọng ra, nghe nói là Cơ quý tần đang làm lễ cầu siêu cho Kỳ Úc hầu”.
Cuốn sổ trong tay Khương Trầm Ngư bỗng chốc rơi xuống đất, nàng ngây ra nhìn bàn tay mình, hai tay trống không, không thể chắp lại được.
Thứ âm nhạc mà Cơ Hốt chọn dùng hoàn toàn khác với những gì nàng đã từng được nghe, không hề mang âm hưởng bi ai, ngược lại còn có ý vị phóng khoáng đến siêu phàm thoát tục. Nhưng lọt vào tai, trong lòng càng đau đớn hơn. Khương Trầm Ngư nghe mãi nghe mãi, không nhịn nổi đi khỏi cung, men theo tiếng nhạc lần về phía trước, cuối cùng đã đến trước hồ Phượng Thê.
Nhìn từ xa, Đoan Tắc cung thần bí đẹp đẽ ở chính giữa hồ, một dấu chấm màu trắng muốt tựa như một vầng trăng sáng treo lơ lửng giữa bầu trời đêm. Mà tiếng nhạc linh hoạt kỳ ảo lại bay vút lên từ nơi đó, được hơi nước trên mặt hồ bao phủ, được gió thu trong không trung thổi qua, càng có vẻ liên miên xa xôi.
Phật nói, con người ta sau khi chết đi, ngoài những linh hồn lập tức thăng thiên, những vong hồn khác đều phải đợi bảy bảy bốn mươi chín ngày mới có thể quyết định đầu thai luân hồi. Vì thế, trong bảy bảy bốn mươi chín ngày đó, phải siêu độ cho vong hồn, để khi tái sinh làm người sẽ được đầu thai vào nhà nào tốt một chút.
Cơ Hốt cầu siêu cho Cơ Anh cũng xuất phát từ lòng yêu thương đệ đệ, hy vọng kiếp sau chàng có thể bình an, khỏe mạnh trường thọ. Nhưng tại sao lại mang đến cho nàng nỗi đau xé gan xé phổi như thế, giống như sắp cắt đi một phần linh hồn như thế?
Công tử… sắp đi… rồi.
Lăng địa[2] của chàng cũng đã chọn xong, dưới núi Ngũ Tùng ở ngoại ô phía Đông, sau bốn mươi chín ngày sẽ nhập thổ an táng. Còn linh hồn của chàng sau khi được cầu siêu, có thể sẽ luân hồi chuyển thế, thực sự cắt đứt với kiếp này… Từ khi về cung đến nay, liên tiếp xảy ra hai, ba chuyện lớn, khiến nàng bận bù đầu không có thời gian rảnh rỗi để thương xuân sầu thu, tự oán tự trách.
[2] Lăng địa: Nơi xây lăng mộ.
Nàng vốn tưởng mình đã quên rồi, nàng vốn nghĩ mình đã chuẩn bị tốt rồi, trong cái đêm khắc cốt ghi tâm mùng một tháng tám đó, nàng những tưởng hết thảy trước mắt của mình đã cạn rồi, nhưng mà… giờ này phút này, nghe thấy Phật âm như tiên nhạc đó, nhìn thấy Đoan Tắc cung giữa hồ đó, mắt nàng lại cay xè, cảm xúc đau thương giống như sương đêm từ từ dâng lên, tầng tầng lớp lớp nhấn chìm cả thể xác và tâm hồn nàng trong đó.
Công tử… chàng có hận ta không?
Là cha và anh rể ta liên thủ, dùng thủ đoạn bì ổi nhất hại chết chàng. Còn ta, ta biết tất cả, nhưng lại bó tay trước tất cả, thậm chí không có cách gì báo thù cho chàng… chàng có hận ta không?
Công tử nhất định không hận ta đâu.
Nhưng bản thân ta... không có cách nào… không có cách nào tha thứ cho chính mình!
Khương Trầm Ngư cắn chặt môi, trước mắt bỗng nhòa đi. Từ cái đêm đoạn tuyệt với phụ thân, hai mắt nhỏ lệ máu đó, thi thoảng lại xuất hiện tình trạng mắt bị nhòe trong thời gian ngắn như thế này, nàng tự mình tra cứu y thư, cũng mời Giang Hoài khám, đều nói là do tâm tư ưu phiền tạo thành, chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, giữ cảm xúc cân bằng, là có thể không chữa mà khỏi.
Nhưng cảnh này tình này, làm sao nàng có thể giữ cho cảm xúc cân bằng đây?
Trong lòng đang rầu rĩ đau xót, lại thấy một chiếc thuyền nhỏ xuất hiện trong tầm mắt. Đầu tiên nàng còn tưởng mình nhìn nhầm, vội đưa tay lên dụi dụi mắt, nhìn lại lần nữa, quả thật là một chiếc thuyền.
Đây là lần đầu tiên nàng nhìn thấy thuyền ở đây!
Tuy từ lâu đã biết muốn đến Đoan Tắc cung phải đi thuyền, nhưng xưa nay chưa từng thấy chiếc thuyền nào neo lại bên hồ. Mà Cơ Hốt vốn dĩ cô độc cao ngạo phóng túng, lại ỷ vào sự sủng ái của Chiêu Doãn và sự chống lưng của gia tộc, tuy thân ở hoàng cung, nhưng lại sống như một vị ẩn sĩ mặc tình ngạo nghễ. Nàng ta không qua lại với bất kỳ vị phi tử nào, cùng lắm chỉ xuất hiện trong đại lễ mà thôi, chính là bậc đại ẩn, ẩn mình giữa hoàng cung.
Vì thế, khi nhìn thấy một chiếc thuyền chèo từ phía Đoan Tắc cung ra, Khương Trầm Ngư có chút kinh ngạc và kích động, nàng cố sức mở to mắt nhìn chiếc thuyền đó dần tiến lại gần, trên thuyền có cả thảy hai người, một người chèo thuyền, một người đứng ở mũi thuyền.
Người chèo thuyền thân hình gầy nhỏ, khom lưng, thoáng nhìn cũng biết là một cung nữ bình thường, không hề bắt mắt, nhưng người ở mũi thuyền, cao cao gầy gầy, tuy mặc một chiếc áo trường bào màu đen không thể giản dị hơn, nhưng có thể thấy toát lên hai chữ “phong thái”.
Khương Trầm Ngư thầm ngạc nhiên trong lòng, cảm thấy dường như có gì đó là lạ, nhưng rốt cuộc nghĩ mãi mà không ra lạ ở chỗ nào. Chiếc thuyền nhỏ cập bờ, người đó cởi chiếc mũ trùm trên đầu ra, hướng về phía nàng, chắp tay cười nói: “Đã lâu không gặp, hoàng thượng có khỏe không?”.
Khương Trầm Ngư quay ngoắt đầu lại, ngạc nhiên thấy Chiêu Doãn đang đứng cách nàng không đến ba bước.
Thế nhưng, điều khiến Khương Trầm Ngư ngạc nhiên hơn so với việc Chiêu Doãn đến tự lúc nào mà nàng không hay là cuối cùng nàng cũng biết mình cảm thấy kỳ lạ ở điểm nào - Người áo đen trên chiếc thuyền nhỏ chèo ra từ Đoan Tắc cung không phải là Cơ Hốt.
Mà là một người đàn ông.
Người đàn ông đó khoảng hơn năm mươi tuổi, dáng dấp gầy guộc, tướng mạo thanh tú.
Sở dĩ không thể dùng hai tiếng “ông lão” để miêu tả, là vì ông ta tuy đã lớn tuổi, nhưng lại không có vẻ gì là già nua, mái tóc bạc như cước lại càng tăng thêm phần tao nhã, hai mắt sáng loáng, phong thái hào sảng. Khi còn trẻ hẳn là một tuyệt thế mỹ nam tử.
Ông ta là ai?
Khương Trầm Ngư còn đang nghi hoặc trong lòng, Chiêu Doãn đã nở nụ cười, tiến lên phía trước mấy bước, chắp tay làm đại lễ đáp lại: “Đồ đệ bái kiến sư phụ, người quay về rồi?”.
Sư phụ?
Khương Trầm Ngư cố gắng khống chế bản thân mới không nhảy dựng lên, từng điểm trong cơ thể nàng đang sôi sùng sục, đều đang nhảy nhót, đều đang vì hai chữ đó mà kích động, khó mà ngừng được.
Trên đời này chỉ có một người mới đủ tư cách để Chiêu Doãn gọi là sư phụ, đó chính là…
Người suýt chút nữa đã thành sư phụ của y, nhưng khi Hy Hòa phu nhân mang thánh chỉ xuất cung bất ngờ bị ngắt quãng, sau đó vì hành tung phiêu dạt nên không tìm thấy - Suy Ông Ngôn Duệ.