Họa Quốc - Thức Yến

Quyển 1 - Chương 34: ۵ Hồi 8 Được thấy tuyết nguyệt (3) ۵

Trans: Nhật Nguyệt Phong Hoa

***

Làn sóng rung chuyển lần đó làm hai đầu hành lang sụp đổ, chỉ còn lại một đoạn ở giữa, trông như con rắn bị chặt mất đầu và đuôi, thoi thóp nằm trên mặt đất. Hoa văn khắc trên hành lang chính là tranh vẽ kênh đào Ngọc Tân, đương nhiên bức tranh đã không còn hoàn chỉnh.

Bấy giờ, Mộc Gian Ly đang dựa theo nửa bức còn sót lại vẽ dư đồ hoàn chỉnh. Xem chừng hắn đã vẽ nhiều ngày rồi, bức tranh sắp sửa hoàn thành.

"Dư đồ của kênh đào thay đổi mười chín bản, bản mới nhất gồm ba bức, lần này sập quán nên mất sạch cả, chỉ còn lại một nửa bức trên hành lang này. Thầy nổi trận lôi đình, Mộc sư huynh đành phải làm việc liên tục cho kịp tiến độ, đến cả ngày tuyết rơi dày đặc thế này cũng không dám chậm trễ..." Một đệ tử giải thích với Tạ Trường Yến.

Tạ Trường Yến chăm chú nhìn Mộc Gian Ly viết vẽ, đột nhiên nhướn nhướn mày, giơ tay ra chỉ vào một chỗ: "Vẽ sai rồi."

Mộc Gian Ly kinh ngạc ngẩng đầu, mãi đến giờ mới nhìn thấy nàng: "Sao muội tới đây? À, sao lại sai?"

Tạ Trường Yến bỏ qua câu hỏi thứ nhất, "Chỗ này ngắn hơn một tấc hai phân. Ta đến thăm Cầu Lỗ Quán rất nhiều lần, đi qua hành lang nhìn bức tranh không dưới trăm lần, ta dám chắc chỗ này vẽ sai."

Mộc Gian Ly ngỡ ngàng nhìn nàng. Mấy đệ tử đứng bên cạnh cũng sững sờ.

Ánh mắt Tạ Trường Yến dịch chuyển sang trái: "Còn chỗ này nữa, huynh nhìn kỹ bức tường này mà xem, sơn mạch có mười ba khúc nhưng huynh vẽ ra chỉ có mười hai khúc. Sai một li đi một dặm đấy Mộc huynh à."

"Thế ngươi vẽ xem?" Sau lưng chợt có người nói.

Tạ Trường Yến cũng không khách sáo, nàng nhận lấy bút từ tay Mộc Gian Ly, ngồi xuống, sửa lại nét vẽ sai trên bức tranh.

Tuy rằng bức vẽ của Mộc Gian Ly sắp hoàn thành nhưng bởi nguyên bản thiếu sót chỉ còn nửa bức thiếu đầu thiếu đuôi, nên hai đầu Vị Hà và Nam Sơn còn để trống.

Tạ Trường Yến trầm ngâm một hồi rồi nhấc bút từ từ bổ sung lên.

Nhất thời bốn bề trở nên tĩnh lặng, ai cũng không dám phát ra tiếng động, sợ quấy nhiễu nàng. Mộc Gian Ly cầm một chiếc ô qua che tuyết cho nàng.

Tạ Trường Yến vẽ khoảng nửa tuần hương rồi mới dừng bút, xoa xoa bàn tay lạnh cóng nói: "Đại khái là vậy, chi tiết nữa thì ta không nhớ rõ."

Tiếng người nói "Vậy ngươi vẽ xem" lúc trước lại vang lên: "Ngươi học vẽ bao lâu rồi?"

"Từ lúc ba tuổi nhưng vẫn luôn..." Tạ Trường Yến vừa trả lời vừa quay đầu, âm thanh lập tức ứ đọng, "Học... rất... qua... loa..."

Nàng thấy Công Thâu Oa đang đứng ở chỗ cách Mộc Gian Ly không đến một tấc, chắp tay sau lưng, thần sắc chăm chú, không biết đã đứng xem được bao lâu rồi.

Hắn cau mày làm vết sẹo hình chớp trên mặt hơi méo mó, không đẹp như lần đầu gặp gỡ. Dưới ban ngày ánh nắng đủ sáng, còn trông thấy đôi mắt hắn có sắc lam.

"Qua loa?" Công Thâu Oa khịt mũi, không biết là đang chế nhạo nàng hay thầy dạy vẽ của nàng. Hắn bước lên, lấy bức hoạ trong tay Tạ Trường Yến đi, những ngón tay thon dài khớp xương rõ ràng lướt qua vài điểm trên tranh, đầu mày nhíu chặt hơn.

Tạ Trường Yến bỗng phát hiện, người này không thể nhíu mày, một khi nhíu mày là vết sẹo sẽ nhăn lại phá hoại nét đẹp. Nhưng trên mi tâm hắn có một chữ xuyên(*) trông rất sâu, nhìn thoáng qua là biết người này thường xuyên cau mày.

(*) Chữ xuyên:

"Ngươi theo ta." Công Thâu Oa cầm tranh bỏ đi.

Mộc Gian Ly định đi theo nhưng bị y đạp sang một bên: "Không có kêu ngươi, cút!"

Mấy đệ tử khác im như thóc, nét mặt sợ hãi.

Tạ Trường Yến chỉ đành đi theo. Lúc ngang qua Mộc Gian Ly hắn còn nhìn nàng bằng ánh mắt tự cầu phúc cho mình đi.

Dường như mọi người đều rất sợ Công Thâu Oa. Nhưng có lẽ do ký ức hoang đường trong lần đầu gặp gỡ quá sâu đậm nên nàng không hề cảm thấy người thầy như đứa con nít la hét om sòm với Phong Tiểu Nhã thì có gì mà đáng sợ, trái lại nàng còn thấy khá thú vị.

Nhưng rất nhanh thôi nàng đã không còn cảm thấy hắn thú vị nữa.

Do nhà chính đã sập nên phải dựng lều ở hậu viện, Công Thâu Oa dẫn Tạ Trường Yến vào trong lều.

Bên ngoài bừa bãi lộn xộn là thế nhưng trong lều rất sạch sẽ, mọi thứ ngăn nắp đâu ra đó.

Giống như tất cả mọi người ở đây ai cũng bùn đất lấm lem, duy chỉ có Công Thâu Oa vẫn áo trắng như tuyết, từ đầu tới chân không dính chút bụi trần.

Công Thâu Oa bước tới bên trường kỷ, lấy một tấm vải ra lau sạch bề mặt rồi mới ra hiệu cho Tạ Trường Yến ngồi xuống. Nhưng sau đó hắn lại bất mãn nhìn đôi giày của nàng.

Tạ Trường Yến nhìn thấy đế giày mình dính tuyết bèn lẳng lặng lấy vải lau đi.

Bấy giờ vẻ mặt Công Thâu Oa mới dễ chịu hơn một chút.

"Ngươi tới Cầu Lỗ Quán nhiều lần nhưng ta chưa lần nào gặp ngươi, có biết tại sao không?"

Tạ Trường Yến nghĩ ngợi: "Tiên sinh xem ta là người nhàn rỗi đến đây dạo chơi, xem thường không muốn gặp ta."

Công Thâu Oa nghẹn lời, nhíu nhíu mày rồi hỏi: "Vậy bây giờ ta cho gọi ngươi là tại vì sao?"

Tạ Trường Yến mím môi cười: "Là vì... nhận ra tài hoa của ta ư?"

Công Thâu Oa lườm nàng một cái rồi lấy một cây thước khắc hình hoa ra.

"Nhánh chính của Vị Hà dài bảy trăm hai mươi hai dặm, thu nhỏ lên giấy thì khoảng một tấc chín li. Đoạn này, chính xác." Hắn đặt thước lên do đoạn Vị Hà mà Tạ Trường Yến vừa vẽ, nhánh sông quả đúng là một tấc chín li.

"Một nhánh Nham Hà dài tám mươi lăm dặm, đúng phải là một phân hai li bảy hào(*). Đoạn này, thiếu một chút." Thước đo ra một phân ba li, đúng là thiếu một chút ít.

(*) Li = cm.

Hào = mm

Tạ Trường Yến nhướn nhướn mày.

Có lẽ do nàng luyện vẽ trên tường từ nhỏ, lại giỏi về điêu khắc nên rất nhạy cảm với khoảng cách và kích thước. Song từ trước đến nay thành tích môn vẽ của nàng chỉ ở mức Bính Bính Bính, đây không phải môn sở trường của nàng. Người này chỉ cần nhìn một cái đã nhận ra thiếu một chút, khả năng quan sát rất tốt, hiển nhiên là tốt hơn nàng.

Công Thâu Oa bỏ thước xuống, giương mắt nhìn nàng.

Tạ Trường Yến phất phất tay: "Thợ mà không múa rìu thì chẳng phải rất đáng tiếc sao? Tiểu nữ xin thụ giáo."

Công Thâu Oa hừ lạnh: "Biết thì tốt. Chút mánh khoé đó của ngươi chẳng có gì đáng xem hết." Nói đoạn, hắn dừng lại, "Lúc trước không gặp là vì không muốn đúng ý Lão Yến Tử, hắn đưa ngươi tới chỗ ta, tính toán hay thật..."

Lão Yến Tử... Tạ Trường Yến im lặng, chợt nảy sinh ý định moi tin từ hắn: "Thế tại sao bây giờ lại đổi ý?"

Nàng có dự cảm hôm nay có thể thông qua Công Thâu Oa kiểm chứng mối nghi ngờ trong lòng nàng lâu nay.

"Đêm qua ngươi gặp thích khách đúng không?"

Tạ Trường Yến ngẩng đầu, tin tức truyền ra nhanh thế à?

"Đối với ngươi, đối với ta, Ngọc Kinh đã là nơi thị phi rồi, không còn an toàn chút nào nữa!"

Tạ Trường Yến nghe không hiểu nhưng không để lộ nét mặt, nàng cười cười nhìn Công Thâu Oa.

Công Thâu Oa ho khan mấy tiếng, biểu cảm hoà hoãn khiến vết sẹo trên mặt như toả sáng lấp lánh. "Nói trước, ta không thích nữ đệ tử. Con gái rất phiền phức, khó khăn dạy dỗ nên người rồi phải đi lấy chồng sinh con, sau đó toàn tâm toàn ý lo cho con cái rồi. Thế nên lúc Lão Yến Tử nói ngươi có thiên phú về con số và quan sát, ta chẳng tỏ ý gì."

Tạ Trường Yến nghe tim mình rơi độp một tiếng. Nàng âm thầm đếm "một".

"Huống chi trước đây ta cũng không thiếu người. Cho tới khi..." Công Thâu Oa nghiến răng, vết sẹo hơi nghiêng lệch, "Để ta biết đứa nào chơi sau lưng ta, ta phải cưỡi mây tới đốt trụi cả nhà nó!"

Tạ Trường Yến lập tức bắt được trọng điểm: "Cửa xưởng bị ai đó cố tình mở ra chứ không phải vô ý?" Lần trước nghe ra hắn và Phong Tiểu Nhã nói phân xưởng xây dưới lòng đất rất an toàn, không thể nào nổ sập nhà trên mặt đất, nhưng không biết ai lén mở cửa khiến lực của hoả thạch tuôn ra, hậu quả không thể cứu vãn.

"Không chỉ có thế, bảy đệ tử ta phái đi phụ trách báo cáo tình hình để cập nhật dư đồ cũng bỏ mạng cả." Công Thâu Oa nổi nóng, "Có kẻ không muốn xây kênh đào, cũng không muốn ngươi làm hoàng hậu!"

"Ai?"

"Còn ai vào đây? Đệ tử con cháu của lão ác ôn Dương Chu chứ ai."

Tạ Trường Yến ngơ ngác một hồi mới sực nhớ ra Dương Chu là ai. Tuy đều thuộc tư tưởng đạo gia nhưng Tạ thị tôn sùng Lão Tử, không đồng tình với thuyết "Quý Kỷ" của Dương Chu.

Câu nói nổi tiếng nhất của Dương Chu là "Mất một ít lợi thiên hạ ta cũng chẳng theo", một người tôn sùng lợi ích cá nhân, theo đạo vô quân như thế đương nhiên không có đời vua nào đồng tình.

Nhưng buồn cười thay, hầu hết hành vi của các thế gia đều là tấm vẽ chân thực theo tư tưởng của Dương Chu, ví như câu Phong Tiểu Nhã từng nói "Nước không trữ nổi ba năm, của sĩ lại dư thừa thiên thu".

Quốc gia đã nghèo như thế mà thế gia còn hưởng phú quý giàu sang. Thà để rượu thịt thối nát cũng không chịu mang ra tiếp tế người dân.

Yên vương muốn xây kênh đào, lợi cho nước cho dân nhưng tổn hại đến lợi ích của sĩ tộc. Cưỡng chế trưng thu đất ven sông vốn thuộc sở hữu của các thế gia thì cũng thôi đi, còn muốn bọn họ phối hợp ra tài lực nhân lực. Vả lại, sau khi kênh đào Ngọc Tân khai thông, sức khống chế của vương quyền đối với khu vực phía Nam sẽ tăng lên, tới khi đó, thế lực các thế gia ở phía Nam sẽ phải chịu khống chế.

"Kênh đào Ngọc Tân tổng chiều dài là hai ngàn ba trăm sáu mươi sáu dặm, huy động mười sáu vạn dân tham gia xây dựng, mỗi tháng tốn ba ngàn cân lương thực, ước tính cần mười vạn tiền. Lương thực ở đâu mà ra? Tiền ở đâu mà ra?" Công Thâu Oa tức giận làm vết sẹo nghiêng vẹo ngang dọc, "Lão Yến Tử đào hết ổ rồi, thế mà đám thế gia đó tới cả cọng lông tơ cũng chẳng chịu bứt. Không giúp thì thôi đi, còn hay phá đám! Nếu không phải ta mạng lớn gặp được các ngươi, con quỷ bủn xỉn đó đào hố cứu một mạng thì hôm ta đã là ngày giỗ của ta rồi."

Hàng mi Tạ Trường Yến run run, âm thầm đếm "hai".

"Ngươi thấy đó, mạng ta lớn, mạng ngươi cũng lớn. Hai người mạng lớn thích hợp cùng làm chút việc."

"Việc gì?"

Công Thâu Oa quay người đi đến giá sách rút ra ba cuộn tranh. Tạ Trường Yến để ý những quyển trục xếp ngay ngắn trên giá còn được bày theo màu sắc từ nhạt đến đậm.

"Ba bức này đều là dư đồ của kênh đào, có nhìn ra khác nhau chỗ nào không?" Hắn trải ba bức ra trước mặt Tạ Trường Yến.

Tạ Trường Yến tập trung quan sát.

Bức đầu tiên có nét vẽ đơn giản nhất, toàn bộ bức tranh đơn sắc, chỉ vẽ núi và sông ngòi, kích cỡ như nhau. Bức thứ hai có thêm sắc màu, núi non màu vàng nhạt, sông ngòi xanh lục, đỉnh núi xanh đậm, sông lớn núi nhỏ, nổi bật lên những châu huyện quan trọng. Bức thứ ba rất giống với bức vẽ kênh đào Ngọc Tân trên tường hành lang, dùng đường nét đậm nhạt khác nhau để phân biệt sông cái, phụ lưu và thượng du hạ du.