Vầng triều dương đỏ rực chiếu rọi lên mấy chiếc thuyền hoa đậu ven hồ. Vạn đóa thùy liên cơ hồ như oán trách mình bị con người ép phải nở ra, dứt khoát ngậm luôn chút sương mai buổi sớm mùa xuân, lười nhác ngả mình trên mặt nước. Quầng mây bên trên biển hoa sen rực rỡ sắc màu, ngang ngang dọc dọc, nhìn tựa như trên mặt hồ chồng chất mấy tầng núi xanh trùng điệp vậy. Những tia nắng ban mai thưa thớt lọt qua tầng mây, nhuốm lên Mạc Chi hồ một vẻ đẹp đìu hiu lạnh lẽo.
Sâu trong đám hoa sen, thấp thoáng nghe tiếng nước động, một lá thuyền xanh lặng lẽ bơi ra hòn đảo nhỏ giữa hồ.
Con thuyền này không lớn lắm, toàn bộ được bao trùm trong một quầng sáng xanh nhàn nhạt, cơ hồ như được điêu khắc từ một tảng mây lớn, khi thuyền dập dờn trên mặt nước, thoạt nhìn như thể do nước hồ dâng lên tụ thành vậy. Thuyền lướt đi nhẹ nhàng khôn tả, chỉ chớp mắt một cái đã từ bờ hồ bên này đến hòn đảo nhỏ kia rồi.
Nếu ở nơi khác, chẳng may có người nhìn thấy một con thuyền như thế này vào buổi sớm mai, nhất định sẽ nghĩ rằng mình đã gặp ma quỷ. Nhưng ở chốn này thì không ai nghĩ như thế cả.
Bởi vì đây là Hoa Âm các. Còn con thuyền trông như được tạc từ mây kia, chính là tọa thuyền của Hoa Âm các chủ.
Hòn đảo nhỏ này nằm giữa Mạc Chi hồ, hồ lớn thứ hai của Hoa Âm các. Hình như đảo này được đặt tên theo điển cố Thanh điểu bay từ tiên sơn trên biển đến truyền tin trong “Trường hận ca” từ thưở xa xưa lắm, đến giờ không ai kiểm chứng được điều này nữa. Lãnh địa của Hoa Âm các rộng tới ngàn dặm, lại chủ yếu là trên mặt nước, những hòn đảo nhỏ thế này quả thật là, nhiều như sao trên trời, đâu đâu cũng có, thật không khác chốn bồng lai tiên cảnh là bao.Thanh Điểu đảo nằm ở giữa hồ, xung quanh quần đảo bao bọc thật giống sao Bắc Đẩu trên rực sáng giữa muôn vì sao khác. Đảo tuy nhỏ, nhưng là chốn linh địa ngàn đời, Mạc Chi hồ phảng phất như một con trai khổng lồ đang ngậm nó bên trong miệng mình.
Thần đảo ẩn mình trong sương, tựa như mỹ nhân chốn khuê các, lấp ló sau tấm màn che.
Tám mươi năm nay, chỉ có không quá mười một người lên đảo, phong cảnh đẹp đẽ nhường này, thử hỏi làm sao có người oán giận được đây? Nhưng chốn này là Thanh Điểu đảo, là cấm địa đứng đầu trong thập bát cấm địa của Hoa Âm các, là một trong ba mươi sáu nơi thần bí nhất trên giang hồ, liệu có kẻ nào dám lỗ mãng xông vào cơ chứ?
Thực ra, cũng không phải là không có ai, chỉ có điều Mạc Chi hồ đã nhiều lần bị nhuộm đỏ rồi trở lại sắc xanh, mà Thanh Điểu đảo vẫn chưa có dấu chân nào của khách không mời.
Vì vậy, cho đến ngày nay, dù là đệ tử trong Hoa Âm các cũng rất ít người biết trên đảo rốt cuộc có bí mật gì.
Bí mật trên đảo cơ hồ như chỉ cần thoạt nhìn một cái là nhận ra được ngay… Kỳ hoa dị thảo tuy nhiều, nhưng trên đảo không có gì chắn tầm nhìn, có thể phóng mắt nhìn thẳng mà không gặp cản trở nào, càng làm cho tòa lương đình xây bằng đá xanh Tây Tạng ở giữa đảo thêm phần nổi bật.
Lương đình không có nóc, chỉ có bốn cây trụ đá to lớn cao vút, trên trụ khắc chi chít những văn tự cổ quái, ngoài ra còn kèm theo cả những hình dã thú hung dữ đang nhe nanh múa vuốt trông dữ tợn vô cùng.
Giữa bốn cây trụ đó là một bức tượng Tây Vương Mẫu cao hai trượng có dư, cũng tạc bằng đá.
Bề mặt tượng thần phủ những đường vân kỳ dị, trông giống những vòng xoáy nhỏ tầng tầng lớp lớp vậy, ở trung tâm những vòng xoáy ấy có hàng vạn điểm nhỏ lấp lánh, khiến nữ thần như đang khoác lên một tấm chiến y dệt từ bầu trời lấp lánh đầy sao vậy.
Nữ thần nét mặt trang nghiêm, một tay cầm kiếm, một tay khép lại chỉ vào chân mày. Tuy hai mắt Người đang khép hờ, song cho dù là ai, chỉ hơi ngước lên nhìn vào đó đều thấy không rét mà run, bởi giữa hai hàng lông mày lá liễu ấy, cơ hồ như toát lên một thứ sát khí không thể tả được bằng lời.
Hai hàng bậc thang đá xanh sẫm phía trước tượng thần trông như hai cánh tay khổng lồ chọc thẳng xuống mặt nước. Lạ một điều là mặt hồ không hề có bóng phản chiếu của tượng thần hay cầu thang đá, chỉ có một khoảng nước sâu hơn những nơi khác nhiều lần, làn nước lặng ánh lên sắc đen kì dị dưới ánh mặt trời.
Con thuyền thần bí kia áp sát vào hai hàng bậc thang, ở ngay giữa quầng nước đen.
Hơi nước bốc lên mù mịt, cả con thuyền nhỏ lẫn Thanh Điểu đảo đều mờ mờ ảo ảo, khi ẩn khi hiện. Một hàng người chầm chậm bước lên bờ. Khi họ bước lên khỏi thuyền, mặt nước bên dưới không hề gợn sóng, đến cả lớp bụi dày trên bậc đá cũng không tung lên dù chỉ một chút. Cao thủ trên giang hồ tuy rằng rất nhiều, nhưng người có thể làm được điểm này thì thật không nhiều lắm.
Chỉ có một ngoại lệ duy nhất.
Nhìn y có vẻ còn rất trẻ, thân vận thanh y đứng hiên ngang dưới ánh mặt trời. Chỉ thấy y tùy tiện bước lên trước tiên, không nhìn được võ công cao thấp thế nào, song những người khác đều tỏ ra hết sức cung kính, phảng phất như việc y đi trước mặt họ là một điều thiên kinh địa nghĩa vậy.
Vì vậy mà nét mặt của bọn họ không có lấy một chút gì là mất tự nhiên, ngược lại còn rất cam tâm, rất tình nguyện, rất đắc ý, cứ như thể không phải bọn họ đang đi theo một con người, mà là một vị thần tôn quý.
Thực ra trong truyền thuyết trên giang hồ, người này dù không phải là thần, thì cũng không kém thần là mấy, mặc dù là số người đã gặp y không nhiều lắm.
Đó là vì rất ít người có được cái phúc khí ấy.
Nhưng có lẽ chỉ có kẻ si ngốc mới chưa từng nghe danh y.
Tên của y thực ra cũng rất bình phàm – Trác Vương Tôn. Nhưng nếu thêm vào danh hàm “chủ nhân Hoa Âm các”, thì cái tên ấy lại không còn bình phàm chút nào nữa cả. Chẳng những không bình phàm, mà còn khiến người ta phải cung kính nể phục, nghe mà khiếp hãi.
Lúc này, nhân vật trong truyền thuyết ấy đã lên đến lương đình, chỉ nghe y chậm rãi cất tiếng, giọng nói cực kì điềm đạm: “Có thể bắt đầu rồi!”
Chúng nhân khom người đáp một tiếng “Vâng!”, sau đó hai người áo xám nhanh chóng quỳ xuống, lết lên phía trước, mở cánh cửa chắn phía trước lương đình ra, khấu đầu khấn vái trong giây lát. Kế rồi cả hai cùng song song đứng lên, bước tới hai bên tượng thần, đứng vắt chéo chân, hai tay chắp trước trán, động tác thập phần cổ quái, chỉ thấy môi họ không ngừng rung động, tựa như đang lẩm nhẩm khấn cầu gì đó. Hai người còn lại cũng nhanh nhẹn bước lên, bốn người đứng vây quanh thạch tượng, xếp thành một hình thoi, tư thế giống hệt nhau, bốn cái miệng liên tục lẩm nhẩm cầu khấn.
Một lát sau, một trong bốn người bỗng nhiên ngẩng đầu mặt lên trời hét lớn: “Ma kha nại na!” Câu chú ngữ cổ quái vang lên như sấm động, bốn người tám cánh tay cùng lúc đưa ra, ôm chặt lấy pho tượng Tây Vương Mẫu.
Tượng nữ thần khẽ chấn động một chút, rồi lại đứng vững như núi. Bốn người hợp lực đẩy mạnh, nhưng dường như không thể lay động được thêm chút nào nữa.
Sắc mặt bốn người dần dần chuyển sang sắc đỏ, gân xanh trên trán nổi gờ lên, mồ hôi lã chã chảy từ giữa hai chân mày đến trước ngực, xem chừng như đang cực kì cố gắng, tám bàn chân chầm chậm lún sâu xuống nền đá đến cả lóng tay.
Trác Vương Tôn buông tiếng thở dài, cơ hồ như rất xem thường dáng vẻ vất vả của thủ hạ, kế đó ngẩng đầu hờ hững lên nhìn mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời xa xa. Còn hồng y nữ tử sau lưng y thì lại lấy làm hưng phấn, xem ra bên dưới tượng Tây Vương Mẫu này ắt hẳn là bí mật mà nàng đã chờ đợi từ lâu.
Bỗng nhiên, có tiếng lạo xạo vang lên, nền đá dưới chân bốn người kia cùng lúc vỡ nát, đồng thời bức tượng Tây Vương Mẫu cũng chầm chậm dịch sang bên trái, bốn người cả mừng, liền tăng thêm sức mạnh, dịch hẳn bức tượng sang một bên.
Lúc này, dưới chân Tây Vương Mẫu chợt xuất hiện một quầng sáng bảy màu rực rỡ bắn vọt lên.
Bên dưới tượng Tây Vương Mẫu không ngờ lại có một đường hầm thông thẳng xuống đáy hồ, ánh nước loang loáng.
Bốn người áo xám gục xuống đất, vẻ như vô cùng lao lực, khóe miệng đều rỉ máu tươi.