Hẹn Bạn Trên Đỉnh Thành Công

Chương 17

� TRÍ KHÔN HOẠT ĐỘNG

Phần lớn, những người thành đạt, hạnh phúc, giỏi thích nghi mà tôi quen biết, đều muốn biết cái lý tại sao và thế nào của cuộc sống. Mỗi khi bảo họ làm một việc gì đó, bạn cứ cho họ biết lý do để họ cảm thấy mình là thành phần thực hiện kế hoạch chứ không chỉ là người chấp hành mệnh lệnh, hiệu quả nhất định sẽ gia tăng. Chương này có lẽ quan trọng nhất trong sách (vì nó đem lại kết quả nhanh nhất) nên tôi muốn cắt nghĩa nôm na cách trí khôn hoạt động để bạn hiểu lý do chúng tôi đề nghị bạn chấp hành một số biện pháp và tuân thủ những phương pháp đã đề ra. Sau đó, chúng tôi sẽ cống hiến một phương cách rất xác đáng có thể giúp bạn “bảo hiểm” thái độ của mình và xây dựng một nền tảng vững chắc khiến cho thái độ điều khiển được hoàn cảnh chứ không để hoàn cảnh điều khiển nó.

Trí khôn hoạt động tương tự một thửa vườn. Ai cũng biết là nếu trồng đậu tất sẽ thu hoạch đậu chứ không phải khoai tây. Và dĩ nhiên, bạn không tỉa một hạt đậu để thu lại một hạt mà là vô số hạt đậu. Giữa thời gian gieo tỉa và thu hoạch, hạt đậu đã nhân lên gấp bội. Trí khôn cũng hoạt động y như vậy đấy. Bất cứ thứ gì bạn gieo vào tâm trí cũng sẽ mọc lên gấp bội. Bạn gieo một nhân tố, dù là tiêu cực hay tích cực, thì bạn cũng sẽ gặt trăm ngàn nhân tố ấy, vì giữa lúc gieo tỉa và thu hoạch, trí tưởng tượng đã can thiệp và nhân nó lên gấp bội.

Trí khôn cũng hoạt động như một ngân hàng, về một số mặt, nhưng lại khác hẳn xét theo một số mặt khác. Chẳng hạn, bất cứ ai hay bất cứ điều gì cũng đều có thể để vào ngân hàng trí khôn bạn những tài khoản tích cực hoặc tiêu cực. Nhưng nói chung bạn là người duy nhất ký thác được những tài khoản tích cực vào trương mục của mình.

Chỉ một mình bạn mới có thể chỉ định được người rút vốn khỏi ngân hàng hoặc trí khôn. Mọi đồng vốn rút ra đều giảm bớt tài khoản trong khi, nếu biết dùng đúng tay thủ quỹ, thì việc rút vốn khỏi trí khôn lại tăng thêm tài khoản.

Trong ngân hàng trí khôn của bạn có hai thủ quỹ, cả hai đều tuyệt đối vâng lệnh bạn. Thủ quỹ tích cực lo chi, thu các khoản tích cực, còn thủ quỹ tiêu cực chi, thu các khoản tiêu cực.

Với tư cách chủ nhân, bạn có quyền kiểm soát toàn bộ khoản chi và phần lớn khoản thu. Các khoản thu là tổng số kinh nghiệm của cuộc sống. Các khoản chi quyết định kết quả, và hạnh phúc. Dĩ nhiên, bạn không thể chi những khoản chưa thu được (trong ngân hàng tiền tệ cũng y như vậy).

Mỗi vụ chi, thu đều đòi bạn phải chọn người thủ quỹ. Nếu bạn hỏi viên thủ quỹ tiêu cực, nó sẽ nhắc lại những kết quả tồi tệ đã qua, tiên đoán thất bại trong hiện tại. Nếu bạn hỏi viên thủ quỹ tích cực, nó sẽ hồ hởi kể lại những thành công rực rỡ trong quá khứ, sẽ gợi lên những hình ảnh điển hình về sự khéo léo đầy tài năng của bạn đồng thời đoán quyết là bạn sẽ giải quyết vấn đề hiện tại một cách dễ dàng. Cả hai viên thủ quỹ đều đúng cả, và dẫu bạn nghĩ mình làm được hay không bạn đều đúng.

Tất nhiên, bạn chỉ nên hỏi viên thủ quỹ tích cực thôi. Song bạn có muốn thế không? KHUYNH HƯỚNG tự nhiên là bạn sẽ rút khoản ký gởi mới nhất, BẤT KỂ nó cương quyết và tích cực hoặc do dự và tiêu cực. Tôi nhắc lại, khuynh hướng của bạn là rút khoản ký gởi mới nhất và dĩ nhiên tổng số khoản thu sẽ chi phối khoản chi.

Xin phép hỏi bạn: Các khoản thu của bạn chủ yếu là lương thiện hay bất lương? Đạo đức hay vô luân? Bảo thủ hay tự do? Lười biếng hay siêng năng? Tích cực hay tiêu cực?

Xin bạn lưu ý: Rất nhiều rác rưởi tiêu cực đã và đang được đổ vào trí khôn bạn, NHƯNG nhiều tài khoản tốt đẹp, trong sạch, lành mạnh và những câu xác quyết như: “bạn có thể làm được” cũng đã và sẽ được rót vào trí khôn bạn rồi. Giờ thì chúng ta đi thẳng vào việc là tìm cách chôn vùi khoản tiêu cực bằng ký gửi thêm khoản tích cực, để viên thủ quỹ tích cực luôn có sẵn những giải đáp tích cực để bạn rút ra.

RÁC RƯỞI TRONG NHÀ VÀ RÁC RƯỞI TRONG TRÍ

Giả sử tôi vác vào nhà bạn một thùng rác rồi đổ tưới lên phòng khách ắt giữa chúng ta sẽ có chuyện ngay. Một là bạn sẽ cho tôi ăn gậy, hai là bạn gọi cảnh sát đến bắt tôi, ba là bạn lấy súng gí vào ngực tôi nói: Zig ơi, tôi nghĩ anh sẽ hốt sạch được đống rác đó đấy! Và tôi có thể hốt sạch, không để lại một cọng rác nào thật!

Tuy nhiên, điều lý thú là bạn sẽ kể lại cho hàng xóm láng giềng về chuyện đó hàng tháng trời và làm om xòm lên hết. Nhưng đối với người đổ rác vào trí khôn bạn thì bạn làm gì nào? Đối với người bàn lùi, xây tường ngăn chặn khả năng mình thì bạn xử đối ra sao? Bạn trả lời thế nào trước người nói xấu sản phẩm, công đoàn, cơ quan, đất nước và gia đình bạn. Bạn làm gì đối với người đổ rác tiêu cực vào trí khôn? Có lẽ bạn chỉ nhe răng cười xòa và bảo: “Đúng đấy, cái đó ăn thua gì, tôi chẳng bận tâm mấy đâu“.

Bạn ơi, như vậy là bạn sai lầm hết sức rồi. Đổ rác vào nhà, bạn còn hốt ra được. Nhưng đổ rác vào trí khôn thì vô phương. Bởi vậy, người đổ rác vào trí bạn còn làm hại bạn gấp bội người đổ rác vào nhà bạn.

- Mọi tư tưởng du nhập vào tâm trí đều tác động trong một mức độ nào đó. Chẳng hạn, người ta đã dầy công nghiên cứu bệnh cảm lạnh thông thường mà vẫn không sao tường tận được nguyên nhân hoặc cách điều trị bệnh ấy, song có một điều hiển nhiên là khi xuống tinh thần và chán nản bạn rất dễ bị cảm lạnh.

Vậy là “lối suy nghĩ tệ hại” cũng rắc rối lắm chứ đâu phải chuyện chơi, bạn nhỉ?

Ngược lại như Dr. Norman Vincent Peale đã nói từ lâu, “cách suy nghĩ tích cực” đem lại những hiệu quả tích cực.

Năm 1969, Charles Ritter ở Sac City bang Iowa mắc bệnh ung thư và phải cắt một bên thận. Ba tháng sau, hai lá phổi của ông lại bị ung thư ác tính. Thể lực ông quá yếu, không thể giải phẫu được nên các bác sĩ ở bệnh viện Mayo đề nghị ông thử dùng thứ thuốc đang thí nghiệm. Thấy chẳng mất gì mà may ra lại còn lời được tính mạng nên Charles chấp thuận. Thử thuốc này xem ra chỉ hiệu nghiệm đối với những người trên sáu mươi tuổi và cũng chỉ thành công chừng 10% mà thôi. Vậy mà nó đã thành công đối với Charles. Ông sống thêm được 6 năm rồi chết vì suy tim. Khi mổ tử thi khám nghiệm, người ta không thấy dấu vết bệnh ung thư đâu cả. Tiện thể cũng xin nói luôn là các bác sĩ ở bệnh viện Mayo khám phá thấy là các bệnh nhân ung thư uống thuốc đó lành bệnh đều có hai điểm giống nhau là: TẤT CẢ đều hết sức MUỐN sống và TẤT CẢ ĐỀU TIN là thuốc hiệu nghiệm.

ĐIỀU ĐÓ THẬT LỐ BỊCH

Thú thật, tôi hết sức ngạc nhiên trước cách suy nghĩ mâu thuẫn của chúng ta về giá trị tương đối của những điều du nhập vào tâm trí. Những nhà nghiên cứu nghiêm túc về tự tiến bộ đều nhìn nhận tầm quan trọng của giáo dục. Họ trích dẫn hết bài nghiên cứu này đến bài nghiên cứu khác để khẳng định giá trị của việc giáo dục và trưng ra đầy đủ bằng chứng để biện minh cho luận điểm của mình. Họ “chứng minh” rằng chỉ những điều bạn sở học - tức những điều bạn đưa được vào trí khôn mới sinh hiệu quả và là hiệu quả tích cực. Bởi thế, nhiều kẻ trong số họ mới có sức chủ xướng là không cần gì phải bận tâm đến sách vở, phim ảnh khiêu dâm cả vì bạn có đưa chúng vào trí khôn đâu mà sợ ảnh hưởng. Tôi mong bạn thấy sự mâu thuẫn trong lối suy nghĩ đó. Nếu những thông tin từ trang giấy, lời nói hay phim ảnh có sức gây hứng khởi giúp bạn tiến lên đỉnh cao tất nó cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khích lệ và phẩm hạnh của bạn chứ.

Tôi xin nói ngay đây không chỉ là ý kiến của cá nhân tôi. Năm 1972, bác sĩ Trưởng cục y tế Hoa Kỳ, sau hai năm nghiên cứu, đã công bố những bằng chứng cho thấy mối quan hệ rõ ràng giữa phim ảnh bạo lực và thái độ chống phá xã hội. Tiến sĩ Albert Bendura, thuộc đại học Stanford và tiến sĩ Leonard Berkowitz thuộc đại học Wisconsin cũng công bố những công trình nghiên cứu cho thấy là những người từng xem phim ảnh bạo lực có thái độ hung dữ gần gấp đôi những người chưa xem. Phim ảnh bạo lực có thể khiến mọi người xem phim trở nên hung hãn hơn, nhất là trẻ em, vì chúng dễ bị ám ảnh nhất. Theo tiến sĩ Berkowitz thì: “Hầu như chắc chắn những nguời xem phim khiêu dâm dễ nghiêng chiều về mặt tình dục hơn“.

GIEO TIÊU CỰC - GẶT TIÊU CỰC

Sự mất tự tín khiến đa số chúng ta đều chờ sẵn những điều tệ hại nhất và ít khi ta được như ý. Ta gieo tiêu cực nên cũng sẽ gặt tiêu cực.

Chẳng hạn, sáng mai tới sở, thấy trên bàn có miếng giấy viết: “Lên phòng thủ trưởng ngay“. Bạn vội vàng chạy lên, đến cửa, cô thư ký bảo bạn ngồi chờ ít phút vì thủ trưởng đang kẹt gọi điện. Trong lúc ngồi chờ, óc bạn bắt đầu dự đoán đủ điều: “Không hiểu ông ta muốn gì đây? Chả lẽ hôm qua ông thấy mình về sớm, mình đã trông trước trông sau cẩn thận lắm mà! Không chừng ông biết vụ mình cãi lộn với Joe trước mặt nhân viên cũng nên!” Dự đoán tiêu cực này đến sự đoán tiêu cực khác. Và tất nhiên, gieo tiêu cực, bạn sẽ gặt tiêu cực mà thôi.

Một ví dụ khác. Hôm đó, con bạn đi học về đưa cho bạn giấy mời của nhà trường. Ý nghĩ đầu tiên của bạn sẽ là gì? Hẳn bạn nghĩ ngay: “Không hiểu chuyện gì đây? Chắc con mình lại phá phách gì rồi“.

Khổ nỗi, chúng ta nhồi nhét vào đầu óc mình biết bao nhiêu ý nghĩ tiêu cực, mà MỌI ĐIỀU TA ĐƯA VÀO TRÍ KHÔN RỒI CŨNG SẼ XUẤT RA.

Cô Têrêsa Jones ở Wilmington, Delaware bị viêm thận nặng. Các bác sĩ đã lên phương án giải phẫu để cắt một bên thận. Sau khi chụp thuốc mê, họ thử lại lần chót và thấy là không cần cắt thận nên không phải giải phẩu nữa. Khi tỉnh dậy, cô rên rỉ: “Ôi cha, lưng tôi sao đau quá thế này, trời ơi! Chết tôi mất!” Các bác sĩ vội trấn an là họ đâu có mổ. Lúc ấy cô mới thẹn thùng, đỏ mặt lên. Hiển nhiên cô đã mê đi với ý nghĩ khi thức dậy sẽ phải đau hết sức vì vết mổ và quả thận, cô đã cảm thấy đúng như vậy. Cơn đau trong trí cô cũng mãnh liệt y như đã giải phẫu vậy.

Bất cứ điều gì bạn đưa vào tâm trí cũng đều trở nên thành phần của con người bạn.

Con người bạn là một tổng thể của tất cả những gì du nhập vào tâm trí bạn. Câu nói: “Nếu bạn không sống đời bạn tin tất bạn sẽ tin đời bạn sống” không phải là một sáo ngữ đâu. Mọi hành động bạn làm và mọi ý tưởng bạn đưa vào tâm trí đều có hiệu quả riêng của chúng.

CĂN BỆNH NGUY HIỂM NHẤT THẾ GIỚI

Hồi tôi còn nhỏ thì sốt bại liệt là căn bệnh ngặt nghèo nhất. Căn bệnh làm người ta bị bại xụi, co rút và yểu tử ấy mỗi năm gây thương vong cho biết bao người. Thế rồi, nhờ bác sĩ Jonas Salk và các bạn đồng nghiệp phát minh được thuốc chủng Salk nên hậu quả hủy diệt của bệnh đã giảm hạ mau chóng. Tuy nhiên, bệnh chưa tuyệt diệt vì thỉnh thoảng vẫn có những bậc cha mẹ hoặc giám hộ, vì một lý do nào đó, không chịu chủng ngừa cho con mình. Mỗi lần gặp cảnh đó, may mà cũng chỉ họa hoằn, nhiều người lại lắc đầu, ngạc nhiên không hiểu sao lại có kẻ xao lãng một biện pháp đơn giản, nhưng an toàn hầu như 100% như vậy. Tuy nhiên, một điều khó tin nhưng có thật là ngày nay có tới 20 triệu đứa bé chưa được chủng ngừa căn bệnh này, và các nhân viên y tế sợ rằng bệnh sắp sửa tái phát nay mai.

Thành thật mà nói thì tôi không hiểu tại sao lại có tình trạng đó, nhưng nhân đây, tôi xin nêu lên một căn bệnh khác còn tệ hại hơn gấp bội. Bệnh này tác động trên mọi lứa tuổi, lây lan đến mọi chủng tộc, tôn giáo và màu da. Nó gây nên nhiều vấn đề thế kỷ và tâm lý mọi thứ bệnh khác gộp lại. Nó đưa nhiều người xuống mồ sớm, phá vỡ nhiều cuộc hôn nhân, khiến nhiều người phải đi ăn xin, tăng gia số người nghiền rượu và ma tuý đồng thời dẫn tới nhiều tội ác hơn mọi thứ bệnh khác gộp lại. Và chính là căn bệnh lây lan nhất trên thế giới này.

Căn bệnh khủng khiếp ấy mang tên “Bệnh xơ cứng tinh thần“. Nguyên do bởi “Cách suy nghĩ tồi tệ” mà ra. May mà đã có thuốc đặc trị, hiệu nghiệm đối với các ca nhẹ cũng như ca ác tính. Hơn nữa, chúng tôi còn chế được cả thuốc “chủng ngừa” giúp bạn miễn nhiễm chứng bệnh ấy nữa. Trước khi tiếp tục, xin phép được hỏi bạn câu này; “Bạn nghĩ sao về một người phải tiếp cận hằng ngày với bệnh sốt bại liệt nhưng không chịu chủng ngừa?”

Bạn hãy cẩn thận với câu trả lời vì tất nhiên là tôi đang “lái bạn”, song không phải là “lái” bạn xuống con đường nở hoa đâu mà là đưa bạn lên thang dẫn đến đỉnh thành công đấy. Thực tế mà nói, chắc bạn sẽ phê phán nặng nề người ấy chứ gì? Bạn sẽ cho người ấy là thiển cận, không biết điều và ngu xuẩn phải không.

Vậy bạn nghĩ sao về người không chịu chủng ngừa và tự bảo vệ mình khỏi chứng bệnh “xơ cứng tinh thần”, dù biện pháp phòng ngừa không những không đau đớn mà còn thú vị, không chỉ bảo vệ sức khỏe thể lý và tâm lý mà còn kiện toàn được chúng nữa? Đồng thời, nó còn phát triển tay nghề, cải thiện lòng ham sống và mối liên hệ với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp cũng như những người chưa quen biết nữa. Bạn nghĩ sao về người từ chối thuốc chủng ngừa này.

Có lẽ bạn sẽ mỉm cười (nếu bạn chưa mắc thứ bệnh ấy) và bảo: “Đó là một người ngu, ngu thậm tệ“. Tôi hi vọng bạn nói như vậy, vì tôi sắp để bạn có cơ hội chủng ngừa. Nó sẽ giúp bạn tiêu diệt lối suy nghĩ tệ hại và bệnh xơ cứng tinh thần. Lối trị liệu này thực ra là một hợp đồng bảo hiểm toàn diện. Nó miễn lệ phí, có thể ký lại và lợi nhuận gia tăng tỉ lệ thuận với số lần bạn sử dụng. Đây là một hợp đồng có tính cách cá nhân vì lợi nhuận thuộc về cá nhân nhưng cũng có tính cách “tập thể” vì bạn có thể vừa khiến người khác được hưởng lợi vừa gia tăng lợi nhuận cho riêng mình. Có lẽ bạn thắc mắc không biết mình phải “đầu tư những gì?” Bạn cứ yên tâm, tôi xin bảo đảm là thì giờ, sức lực và tiền bạc bỏ ra đều kể như không mất gì. Mỗi lần đầu tư là một lần lời lãi gấp bội. Vốn bạn bỏ ra không chút ảnh hưởng đến mức sống hằng ngày của bạn trong khi kết quả sẽ biến đổi lối sống của bạn và đem lại lợi nhuận đáng kể về mặt tài chánh. Mỗi gram nghị lực đầu tư sẽ thu lại bằng một nghị lực dồi dào, bằng một cuộc sống đầy say mê và hưng phấn. Tôi mạnh dạn tuyên bố rằng nếu bạn “chịu” hợp đồng và tuân thủ theo công thức trong hai mươi mốt ngày thì MỌI món lời tôi đã đề cập và hứa hẹn sẽ nằm trong tay bạn.

Thế bạn có chịu hợp đồng và nhận lợi nhuận vô điều kiện không? Nếu bạn chịu, tôi chắc bạn sẽ sẵn sàng ký vào bản hợp đồng dưới đây.

(Xin bạn nhớ, tôi đã quả quyết ngay từ đầu rằng đây là một khóa học HÀNH ĐỘNG, đòi bạn phải CAM KẾT dấn thân nếu muốn đạt KẾT QUẢ).

HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TRỌN ĐỜI LOẠI TRỪ BỆNH SUY NGHĨ TIÊU CỰC ĐỂ NGỪA BỆNH XƠ CỨNG TINH THẦN

Là người lành mạnh và cầu tiến, khao khát sống trường thọ, hạnh phúc, hữu ích, phong phú, vui tươi và xứng đáng, tôi đồng ý lãnh nhận mọi niềm vui và lợi ích của bản HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM SUỐT ĐỜI để loại trừ bệnh suy nghĩ tiêu cực và xơ cứng tinh thần này.

Là người trưởng thành và có trách nhiệm, muốn sống tới cùng nên tôi hiểu rằng muốn nhận lãnh các lợi lộc, tôi phải “sẵn lòng đóng bảo hiểm” bằng cách chấp nhận mọi cơ hội và trách nhiệm là phần không thể thiếu của bản HỢP ĐỒNG này.

Vì ý thức rằng người hoài nghi và chỉ trích không được an toàn, hạnh phúc hoặc được thừa nhận ở đời, và niềm tin là nền tảng của hạnh phúc nên tôi tin tưởng ký tên dưới đây để bảo đảm rằng tôi sẽ chấp hành mọi thủ tục mà ông Zig Ziglar đề ra hầu được hưởng trọn vẹn mọi lợi lộc mà cuốn sách này đề cập đến.

Tin tưởng, cậy trông và yêu mến.

Ký tên

Ngày...

Tôi xin đảm bảo giá trị pháp lý của bản hợp đồng này nếu bạn tuân thủ đúng như chúng tôi đề nghị. Nó sẽ mang lại hiệu quả bất luận tuổi tác, tôn giáo, giới tính, chiều cao hay mầu da của bạn.

Zig Ziglar

Bạn đã ký hợp đồng rồi đấy nhé!

Thú thực với bạn, khi nêu lên các hứa hẹp trên, tôi đã quên nói một điều (Xin bạn đọc thật chậm, cỡ hai mươi chữ một phút cho đến hết đoạn). Đọc đến đây, bạn nghĩ ngay đến điều gì? Nếu bạn nghĩ đại khái rằng: “Biết ngay mà, thế nào chả có bẫy!” thì tôi năn nỉ bạn hãy thận trọng theo dõi thật kĩ từng phần của công thức vì bạn cần một thứ mà công thức này có thể thỏa mãn.