Tôi vẫn chưa quên ba câu hỏi của cô sinh viên Kim Soái: Phụ nữ có nhân sinh quan không? Đối với phụ nữ, hạnh phúc là gì? Và điều gì làm nên một người phụ nữ tốt? Trong khi tiến hành nghiên cứu cho các chương trình, tôi luôn cố gắng trả lời ba câu hỏi đó.
Tôi nghĩ sẽ thú vị nếu hỏi ý kiến những đồng nghiệp lớn tuổi và có kinh nghiệm hơn tôi là Lý Đại và ông Trần về những triết lý dẫn dắt người phụ nữ trong cuộc sống. Hiển nhiên là giữa cái thời buổi mà niềm tin vào Đảng luôn luôn là trước hết, thì tôi phải cẩn trọng trong cách đặt câu hỏi này. “Đương nhiên, phụ nữ tin ở Đảng trên hết,” tôi mào đầu, “nhưng họ còn có niềm tin nào khác không?”
Ông Trần rất hăm hở với chủ đề này. “Phụ nữ Trung Quốc tin vào tôn giáo,” ông nói, “nhưng dường như họ có thể tin vào vài tôn giáo cùng một lúc. Những người tin vào các bài tập khí công tăng cường thể chất và tinh thần vẫn luôn thay đổi loại khí công họ luyện và vị sư phụ họ theo học; các vị thần thánh của họ cũng thay đổi liên tục. Cô không thể trách họ được: cuộc sống nghèo khó khiến họ khát khao một lối thoát. Như Mao Chủ Tịch đã nói: Nghèo khó khiến người ta khao khát đổi đời. Giờ chúng ta tin vào Mao Trạch Đông và Chủ Nghĩa Cộng Sản, nhưng trước đó chúng ta tin vào Trời, vào đấng Thiên Tử, vào Phật, vào Chúa Jesus và vào nhà tiên tri Mohammed. Mặc dù lịch sử của chúng ta rất dài, chúng ta vẫn không có một tín ngưỡng nguyên thủy nào cả. Các hoàng đế và những người thống trị được xem như thần thánh, nhưng họ thay đổi liên tục và người ta quen dần với việc thờ phụng các vị thần khác nhau. Có câu: Trăm người trăm đức tin. Thực ra, cô có thể nói rằng chẳng có đức tin thực sự nào. Phụ nữ còn thực tế hơn đàn ông nhiều, nên quan điểm của họ là có bệnh vái tứ phương. Họ không thể biết vị thần nào có quyền năng hoặc thần thánh nào thì hữu ích, nên họ sẽ tin vào từng vị trong số đó cho chắc”.
Tôi biết ông nói đúng, nhưng lại thắc mắc là làm thế nào người ta điều hòa được những học thuyết đối kháng nhau của những tôn giáo khác nhau. Ông Trần có vẻ đoán được ý tôi: “Tôi nghĩ rằng hầu như chẳng có người phụ nữ nào hiểu được tôn giáo là gì. Hầu hết bọn họ chỉ cố gắng để theo kịp người khác vì sợ thiệt thòi mà thôi.”
Lý Đại đồng tình với ông Trần. Anh ta chỉ ra rằng trong một nhà có thể có vài bàn thờ để thờ các thần thánh khác nhau, nhất là từ khi quyền tự do tín ngưỡng được tuyên bố vào năm 1983. Hầu hết những người hay cầu thần khấn phật làm vậy chỉ để xin của cải hay những lợi lộc khác. Anh ta kể cho chúng tôi về hàng xóm của mình: bà nội theo đạo Phật còn ông nội theo đạo Lão, vì thế họ thường xuyên cãi nhau. Tránh xa những nén nhang, đứa cháu gái theo đạo Thiên Chúa đã dựng lên một cây thập giá; ông bà nội luôn trách mắng cô cháu vì điều đó, bảo nó đang rủa ông bà chết sớm. Mẹ con bé thì tin vào một kiểu khí công nào đó còn cha nó thì thờ Thần Tài. Họ cũng cãi vã suốt: bà vợ bảo sự ham muốn tiền bạc của ông chồng làm phương hại đến địa vị tâm linh của bà ta, còn ông chồng thì buộc tội vợ vì các thế lực ma quỷ của bà ta tấn công của cải của ông ta. số tiền ít ỏi của gia đình được phung phí cho các nghi lễ cúng bái hoặc tranh ảnh thần thánh, nhưng họ cũng chẳng trở nên giàu có hay hạnh phúc hơn.
Lý Đại cũng kể với chúng tôi về một nữ giám đốc mà anh ta quen biết, nghe đâu là rất sùng tín. Trong những bài phát biểu trước đám đông, bà ta xả ra hàng tràng rằng Đảng Cộng Sản là hy vọng duy nhất của Trung Quốc; nhưng vừa xuống khỏi bục, bà ta lại thuyết giáo về đạo Phật, bảo với mọi người rằng họ sẽ được tưởng thưởng ở kiếp sau tùy theo hành vi của họ ở kiếp này. Khi gió đổi chiều, bà ta lại xổ ra hàng tràng về các loại khí công huyền diệu. Có người ở cùng cơ quan bà ta kể rằng người đàn bà này đeo huy hiệu Đảng lên áo khoác, may hình Phật vào áo vest và khâu bức chân dung Đại Sư Phụ Trương của phái Tạng Mật Công vào nịt ngực. Thấy cái nhìn ngờ vực của tôi, Lý Đại đảm bảo với tôi rằng người đàn bà này thường xuyên xuất hiện trên báo. Năm nào bà ta cũng là Công Dân Gương Mẫu và được bầu chọn là Đảng Viên Ưu Tú nhiều lần.
“Sự sùng đạo bí mật của bà ta cũng không thể tốt trong mắt của Đảng chứ,” tôi nói với vẻ khinh lờn.
Ông Trần gõ lên bàn và nghiêm nghị nói, “Hân Nhiên, dè chừng cái miệng. Ăn nói như thế là cô mất đầu như chơi đấy.”
“Chúng ta vẫn còn phải sợ hãi sao?”
“Đừng có ngây thơ thế! Trong những năm năm mươi, Đảng kêu gọi để trăm hoa đua nở, để trăm hệ tư tưởng đấu tranh. Rồi điều gì xảy ra? Những ai đáp lại lời kêu gọi đó đều bị bỏ tù hoặc bị đày đến các làng miền núi nghèo khổ. Một số mới chỉ bày tỏ suy nghĩ trong nhật ký mà đã phải bị dư luận lên án và bỏ tù.”
Ông Trần về cơ bản là người tốt. “Cô không nên nói quá nhiều về tín ngưỡng và tôn giáo,” ông ta cảnh báo. “Cô sẽ chỉ chuốc lấy rắc rối mà thôi.”
Trong vài năm sau đó, tôi phỏng vấn nhiều phụ nữ về tín ngưỡng của họ và khẳng định một thực tế rằng họ có thể cùng lúc tin vào các loại các tôn giáo khác nhau. Ở Trịnh Châu, tôi gặp một nữ cán bộ nghỉ hưu đã điều hòa được việc cống hiến cho Đảng với niềm tin mạnh mẽ vào Phương Hương Công - một loại khí công có ý tưởng là sư phụ phát ra một mùi hương thơm ngát và nhờ nó bạn sẽ hít vào người thiện tính của thầy để tạo nên sức mạnh cho cơ thể bạn. Trước đó, bà ta từng tin vào những bài tập giúp thân thể thon thả và những loại thảo dược. Khi tôi hỏi bà ta có tin Phật không, bà ta bảo tôi nói nhỏ thôi nhưng thừa nhận điều đó, đúng, bà ta có tin. Những người có tuổi trong gia đình bà luôn bảo rằng thà tin vào mọi điều còn hơn chẳng tin gì cả. Bà ta cũng bảo tôi, vào dịp cuối năm, rằng bà ta tin Chúa Jesus là Ông Già Noel và tới nhà mọi người để giúp đỡ. Khi tôi tỏ ra ngạc nhiên với chuyện Chúa Jesus chính là Ông Già Noel, bà ta bảo tôi rằng tôi còn quá trẻ để hiểu và yêu cầu tôi đừng kể với ai về cuộc nói chuyện của chúng tôi: “Chúng tôi nói: Ở nhà, tin vào các thần thánh của mình và làm những gì mình muốn; ra ngoài, tin vào Đảng và cẩn trọng với mọi việc mình làm. Nhưng tôi không thích ai biết điều mà tôi vừa nói. Tôi không muốn người ta làm khổ mình nữa vì giờ tôi già rồi.”
“Đừng lo, tôi sẽ không nói cho ai biết bà là nguồn tin của tôi đâu,” tôi đảm bảo với bà ta.
Trông bà ta có vẻ nghi ngờ. “Đấy là cô nói thế, nhưng thời buổi này có thể tin ai được đây?”
Vào thời điểm đó, việc luyện khí công đang giành được một vị thế đáng kể ở Trung Quốc. Người ta hoàn toàn tin vào các vị sư phụ luyện khí công còn tôi thì thận trọng trước sức mạnh của họ. Năm 1995, tôi gặp một giảng viên Đại Học Bắc Kinh vốn là môn đồ nhiệt thành của môn khí công mới tên là Pháp Luân Công - hay có lẽ tôi nên nói tới người sáng lập ra nó, Lý Hồng Chí. Lý Hồng Chí dạy rằng thế giới được chia thành ba tầng: Tầng của người gác cổng - chính là ông ta; tầng của những linh hồn có phẩm chất khác thường - Chúa Kitô, Phật, v.v...; và tầng thứ ba là nơi người bình thường sống. “Sư phụ Lý là vị thánh sẽ cứu con người ra khỏi đống rác rưởi là quả địa cầu này lúc đó trước khi nó nổ tung,” bà ta bảo tôi vậy. “Ông ấy không dựa vào phép màu để cứu người, mà ông ấy đưa đến cho họ những bài luyện tập tinh thần để tăng các phẩm chất chân thật, tính thiện và lòng vị tha, và khiến họ xứng đáng được lên Thiên Đường.” Bà ta nói rằng bà ta cũng tin vào Chúa Kitô, và có vẻ bối rối khi tôi hỏi làm sao bà ta có thể làm vậy nếu Lý Hồng Chí dạy rằng khi tập luyện Pháp Luân Công người ta không được có thần linh nào khác trong tâm mình?
Còn những người trẻ tuổi thì sao? Tôi từng gặp mấy cô gái trẻ trạc tuổi hai mươi trước nhà thờ Tin Lành trên đường Nam Thái Bình ở Nam Kinh. Một cô ăn vận sành điệu, mái tóc dài óng ả buông xõa. Cô kia ăn mặc không thời trang cho lắm, và buộc tóc đuôi gà. Tôi đoán cô gái thanh lịch kia tới nhà thờ vì nó đang là mốt, còn bạn cô ta tới vì tò mò, nhưng tôi đã nhầm.
Tôi hỏi họ có đến nhà thờ thường xuyên không. Nhìn bạn mình, cô gái ăn mặc sành điệu đáp, “Đây là lần đầu tiên tôi tới, cô ấy rủ tôi theo.” Cô gái có túm tóc đuôi gà nói xen vào, “Đây cũng mới là lần thứ hai tôi tới.”
“Lần đầu cô có tới đây một mình không? Hay là cũng có ai khác đưa cô tới?” tôi hỏi.
“Tôi đi cùng bà, bà tôi theo Đạo Thiên Chúa,” cô ta đáp.
“Thế chẳng phải mẹ cậu cũng theo Đạo sao?” Cô bạn hỏi.
“Ờ thì, mẹ mình bảo bà theo Đạo, nhưng bà ấy có tới nhà thờ bao giờ đâu.”
Tôi hỏi cả hai, “Hai cô có tin vào Thiên Chúa không?”
Cô ăn mặc sành điệu trả lời, “Tôi chẳng tin bao giờ, tôi chỉ nghe nói nó thực sự rất hay thôi.”
“Cô bảo hay nghĩa là sao?” Tôi dò hỏi.
“Có quá nhiều người trên thế giới tin vào Jesus và đạo Thiên Chúa, tôi nghĩ hẳn phải có gì trong đó.”
“Thế, cũng có nhiều người trên thế giới tin vào đạo Hồi và đạo Phật, vậy những đạo đó thì sao?” Tôi hỏi.
Cô ta nhún vai, “Tôi không biết.”
Cô túm tóc đuôi gà nói, “Dù sao, phụ nữ phải tin vào thứ gì đó khi bước sang tuổi bốn mươi.”
Tôi kinh ngạc trước lập luận đó. “Ồ? Sao lại vậy?”
“Nhìn những người cầu nguyện trong nhà thờ và trước những nén nhang cháy đỏ trong các đền miếu mà xem. Họ đều tầm tuổi trung niên.”
“Thế cô nghĩ nguyên nhân của chuyện đó là gì?”
Cô ăn mặc sành điệu cắt ngang một cách khó hiểu, “Đàn ông làm lụng cực nhọc vì tiền, đàn bà thì làm bởi vì đó là số phận của họ.”
Bạn cô ta nói, “Bà tôi bảo bà đã không tin vào Chúa khi bà còn trẻ, nhưng sau khi bà bắt đầu tin, nhiều chuyện đã không còn làm bà lo lắng như trước nữa. Và mẹ tôi bảo rằng sau khi bà bắt đầu tin vào Chúa, bà đã không còn cãi cọ với cha tôi nữa. Thật đấy, họ thường cãi cọ rất kinh khủng, nhưng giờ nếu cha tôi nổi nóng là mẹ tôi lại tới bên thánh giá cầu nguyện, thế là cha tôi im”.
“Nhưng dù sao đàn bà cũng không thể làm được chuyện gì to tát, cầu thần khấn phật luôn tốt hơn là chơi mạt chược,” cô gái sành điệu nói.
Tôi ngạc nhiên trước lời nhận xét cợt nhả đó của cô ta. “Chơi mạt chược và tôn giáo lại có thể được xếp chung với nhau sao?”
Cô gái tóc đuôi gà nói, “Vấn đề không phải là thế. Mẹ tôi bảo những người không tin vào bất cứ chuyện gì thì sống hôm nay chẳng biết tới ngày mai. Nếu họ có tiền họ có thể sống vui vẻ, nhưng họ lại không đủ tiền để đi du lịch, thậm chí đi ra ngoài uống nước. Thế nên họ ở nhà chơi mạt chược. Ít ra họ cũng có thể thắng một chút tiền.”
“Thế còn những người đàn bà mê tín thì sao?” Tôi hỏi.
“Những người tin vào một tôn giáo thì khác,” cô ăn mặc sành điệu nói và hất mái tóc ra sau.
Cô kia khẳng định lại điều đó. “Rất khác. Những người đàn bà có tín ngưỡng đọc kinh, tham gia các hoạt động tôn giáo và giúp đỡ những người khác.”
“Thế, khi sang tuổi bốn mươi, liệu các cô có tin vào tôn giáo nào không?” tôi hỏi cả hai.
Cô ăn mặc sành điệu nhún vai không bày tỏ ý kiến, nhưng cô bạn trả lời chắc như đinh đóng cột, “Nếu tôi giàu, tôi sẽ không tin. Nếu tôi vẫn nghèo thế này, tôi sẽ tin.”
“Vậy cô sẽ tin vào tôn giáo nào?” Tôi hỏi.
“Điều đó còn tùy thuộc tôn giáo nào là mốt lúc đó,” cô ta đáp.
Rồi hai cô gái bỏ đi, còn tôi đứng lại bên ngoài nhà thờ, miệng há hốc.