Dưới ngọn đèn le lói, Liễu Tinh Đởm thấy người ấy thật hung ác, đầu đội thiết khôi, mình bận thiết giáp, hình như chân đi đôi giày đế sắt, mặt đen như trôn chảo, bộ râu xồm cứng như dây thép, tuy không trông rõ mặt nhưng cũng có thể phỏng đoán là người ước chừng năm sáu mươi tuổi, mình không to lớn mà cử chỉ rất lanh lẹ, người ấy cầm thanh bảo kiếm múa trước mặt Liễu Tinh Đởm sáng lấp loáng, vì đạo quang kiếm sáng quá làm ngọn đèn dầu cũng phải tắt phụp đi.
Lúc ấy Liễu Tinh Đởm trong tay không có khí giới, chàng biết là địch không nổi người ấy vội né về một bên rồi ứng tiếng hỏi :
- Ai đó, sao không cho ta biết tên họ mà cứ đánh càn bậy như thế, nếu mà ta bị thất bại thì còn sư phụ ta nữa, ngươi chớ có vội làm hỗn!
Yên lặng, người ấy không trả lời, liền cất mình nhảy vọt lên phóng chân đá Liễu Tinh Đởm một cái.
Liễu Tinh Đởm vội dùng chiêu “Mãnh Hổ Phục Địa” quỳ phục xuống giơ tay lên bắt chân.
Người ấy vội xoay mình dùng chiêu “Mãng Xà Phiên Thân” nhảy vọt ra.
Liễu Tinh Đởm thừa cơ lại dùng chiêu “Song Long Xuất Hải” phóng hai tay nhảy cả vào đánh.
Người ấy cũng ra chiêu “Liễu Trưởng Âm Dương” phá chiêu đó rồi hai người đều xung đột trong gian phòng tối mù mịt. Phút chốc quyền pháp của người ấy biến hóa vô cùng làm Liễu Tinh Đởm chân tay phải luống cuống, vì nỗi nhiều chiêu rất bí hiểm không hiểu, lắm lúc tưởng chừng như bị người ấy đánh vỡ óc tan xương ngay, mà khi hai quả đấm như cặp đồng chùy sắp giáng xuống thì người ấy co tay lại như giỡn đùa khiến chàng nhọc mệt, mồ hôi tháo như tắm xiết đổi kính phục người ấy là tay không phải tầm thường.
Đang khi bất ý Liễu Tinh Đởm thấy người ấy dùng chiêu “Phụng Hoàng Chuyển Dực” nhảy bổng lên khỏi đầu chàng rồi đặt một chân vào ngang vai làm chàng thấy cái chân ấy nặng hàng mấy ngàn cân không thể nào gánh nổi phải ngã phục xuống trước mặt người ấy, rồi lại thấy tê buốt cả mình mẩy, không thể cựa quậy được, mà muốn kêu lên để người đến cứu cũng không ra tiếng như bị cấm khẩu.
Bỗng người ấy sẽ nạt :
- Im ngay, ta là vị Dạ Du Thần ở trên thượng giới chỉ chuyên đêm khuya đi tra xét lòng thiện ác của nhân gian, nếu ngươi làm sự trái ngược lương tâm mà bị ta tuần sát thấy thì thanh kiếm báu ở tay ta quyết trừ khử.
Liễu Tinh Đởm nghe nói là Dạ Du Thần thì mới đỡ sợ, và tự biết lòng mình ngay thẳng rồi thấy gót chân người ấy day trên vai một cái hình như người điểm lại chỗ huyệt cho chàng mới khôi phục lại nguyên trạng, thì vội hỏi :
- Bẩm, ngài là Dạ Du Thần? Phụng mạng thượng đế để tra xét việc nhân gian?
Người ấy trả lời :
- Chính thế, nếu kẻ làm sự gian ác thì ta giết đi để cảnh cáo người đời.
Liễu Tinh Đởm quả quyết nói :
- Được rồi, nếu thanh gươm ở trong tay ngài mà giết tôi đêm nay, thì nội trong ba ngày đức Thánh thượng sẽ cho ngài lên đoạn đầu đài!
Người ấy nổi giận nói dằn từng tiếng :
- Hay cho ngươi dám nói khoe miệng để sỉ nhục thần giáo, có lẽ ngươi khinh lưỡi gươm của ta không sắc?
Liễu Tinh Đởm lại đáp :
- Tôi không dám hùng hổ thần giáo, nhưng ngài là một vị thần chuyên giết người càn bậy, tôi cứ ngỡ thế gian có những người không hiểu tình lý, ai ngờ trên thiên đường cũng có vị thần mờ ám.
Người ấy vẻ kinh ngạc hỏi luôn :
- Ngươi có chứng cớ gì mới bảo ta là vị thần mờ ám? Nếu ngươi nói ra được thì ta không làm Dạ Du Thần nữa.
Liễu Tinh Đởm cũng hỏi vặn lại :
- Muốn cần tôi nói sự mờ ám của ngài, ngài hẳn nói sự trái ngược lương tâm của tôi trước?
Người ấy cười gằn :
- Ngươi vào phòng chọc ghẹo một cô gái thơ ngây lại muốn dâm ô cả tấm thân trọng quý ngàn vàng của người ta.
Liễu Tinh Đởm tức giận liền cải :
- Ngài là một vị thần có con mắt sáng suốt mà dám buộc cho người điều oan uổng như thế sao?
Người ấy nói với giọng quả quyết :
- Ngươi còn dám chối cãi không giễu cợt gái trinh tiết. Nếu cô ta không nói cho ngươi biết trước để che mắt sư phụ ngươi thì có lẽ ngươi đã khai diễn ra tấn trò dâm ấy rồi chứ gì?
Liễu Tinh Đởm kinh hãi nói :
- Ông là một vị thần thiêng liêng thực, nhưng ông có mắt mà chỉ biết một lẽ chứ không hai. Nếu tôi có lòng tà dâm thì đêm nay không thoát khỏi cái quan ải mỹ nhân rồi, trên trời mà có vị thần mờ ám, thì dưới trần có viên quan lại hồ đồ.
Người ấy lại cười nói :
- Thôi được, thanh bảo kiếm này là đức Thượng đế ban cho ta để thử lòng vàng đá, nếu ngươi mà manh tâm, thì chỉ một nhát liếm là xong đời, bằng ngươi chính trực thì lưỡi kiếm nầy không thể xâm phạm đến ngươi được. Vậy ngươi hãy coi kiếm của ta đây.
Dứt lời người ấy co chân lại rồi rút thanh kiếm ra khỏi vỏ sáng quắc, coi thần sắc Liễu Tinh Đởm vẫn thản nhiên chàng vươn cổ ra chịu chém. Người ấy thấy thế bèn tra thanh kiếm vào trong vỏ rồi vực chàng dậy nói :
- Chàng đã có lòng chính trực nên lưỡi gươm của ta không thể xâm phạm được. Âu là theo ta đi tìm sư phụ để nói chuyện.
Người ấy nói đoạn đưa tay xoa vai Liễu Tinh Đởm mấy cái, tức thì không thấy trong mình tê buốt nữa, chàng có ý nghi là thần pháp linh diệu bèn theo người ấy vào trong nội sảnh. Không thấy sư phụ đâu thì chắc nằm an nghỉ trong phòng, nên chàng chỉ khoanh tay đứng chờ một chỗ.
Người ấy đứng quay mặt vào phía trong từ từ tháo cái thiết khôi trên đầu và bộ thiết giáp trong mình, lại trút bỏ thanh gươm đang gieo rồi xoay người trở lại nhìn Liễu Tinh Đởm nói :
- Con có nhận được ta là ai không?
Liễu Tinh Đởm vừa nhìn đã giật mình kinh hãi vì người ấy không phải Dạ Du Thần, mà chính sư phụ mình, không những là tướng mạo như hệt mà tiếng nói cũng đổi lại như trước.
Liễu Tinh Đởm biết là sư phụ dụng ý lợi hại, nếu chàng hiếu sắc mà vào trong quan ải mỹ nhân ấy thì ắt uổng mạng. Chàng càng nghĩ càng rùng mình sởn gáy, nhưng chàng tự hỏi lòng không thẹn thì cũng không ngại gì, Liễu Tinh Đởm liền quỳ trước mặt sư phụ là Địch Long Tuấn khấu đầu nói :
- Con có tội gì đâu, đó là ta thử lòng con xem có được quang minh chính đại không, nếu con mà làm sự cẩu thả ám muội, thì không còn gì tình nghĩa thầy trò, mà lưỡi kiếm của ta cũng không thể dung tình con được.
Dứt lời Địch Long Tuấn thuật lại chuyện đứng nghe ở ngoài phòng Phương Thuyền Cô, sau ném một quả kim tiền cụt đầu nhọn vào cánh tay chàng rồi nàng thừa cơ bắt trói lại, Liễu Tinh Đởm nghe nói lại càng bái phục sư phụ tài giỏi vô cùng.
Địch Long Tuấn nói :
- Võ nghệ của con cũng khá đấy, nhưng “mã bộ” còn khi chưa vững, nên chỉ có thể giao thủ với người tầm thường được, còn như gặp phải tay tài nghệ thì ắt không làm được trò gì, vậy con phải chịu khó khổ luyện, để ta chỉ bảo cho.
Địch Long Tuấn lại lấy một thanh kiếm nhỏ ra nói với Liễu Tinh Đởm :
- Kiếm này có chia ra âm dương hai thanh, âm kiếm tên gọi là Thu Nguyệt, thanh dương kiếm tên gọi là Thanh Phong, mà thanh kiếm này tức là dương kiếm, những thanh kiếm từ thượng cổ không thể bì kịp. Nguyên thuở xưa cặp âm dương kiếm này của đôi vợ chồng tên là Lý Thanh Phong và Lương Thu Nguyệt đều tài giỏi kiếm pháp trên chốn giang hồ, trừ gian giết nịnh, đã từng làm được nhiều việc nghĩa hiệp. Nhưng hiềm là cặp âm dương kiếm nầy hễ gặp phải người nội công giỏi thì không thể chịu nổi, chỉ là một vật thường như những thanh kiếm khác. Vả người luyện nội công trong mình cơ thể cứng như sắt đá mà hạng người ấy rất tài giỏi lại phần nhiều hay làm những điều đại gian ác, lưỡi kiếm thường không làm gì nỗi họ, nên khi ấy vợ chồng Lý Thanh Phong và Lương Thu Nguyệt đem cặp âm dương kiếm bỏ vào lò lửa luyện lại, trải qua một thời gian mười lăm năm, hai thanh kiếm ấy mới luyện thành sắc như nước. Có thể chém sắt như bùn, thổi sợi tóc bay qua đã đứt, chém người không thấy dấu máu trên lưỡi, ngoài ba điều ấy còn chém người giỏi nội công cũng vẫn không được. Vợ chồng Lý Thanh Phong, Lương Thu Nguyệt lấy làm tức bực như điên cuồng lại bỏ hai thanh kiếm vào trong lò luyện một thời gian ba mươi năm nữa, thành thử đôi kiếm của vợ chồng ấy làm tiêu ma đời thanh niên của họ, sau gặp người nội công cũng lại vô linh hiệu. Thế là uổng phí hết công phu, huống chi đời người ai sống đủ trăm năm, nay đã bỏ mất bốn mươi lăm năm, rồi vợ chồng Lý Thanh Phong, Lương Thu Nguyệt vẫn kiên tâm lại luyện thêm mười năm nữa. Trong khoảng thời gian ấy, vợ chồng Lý Thanh Phong, Lương Thu Nguyệt đã yếu, hai thanh kiếm cũng chưa luyện thành công, vợ chồng phẫn chí liền cởi hết quần áo ôm nhau nhảy vào trong lò luyện kiếm bị thiêu chết, từ ấy về sau hai thanh kiếm ấy lọt vào tay một kẻ phi tặc mà mắt tục không ai biết là vật quý, còn như vợ chồng Lý Thanh Phong, Lương Thu Nguyệt tự tử vì thanh kiếm phần nhiều khách giang hồ cũng đều hiểu thế hết.
Địch Long Tuấn nói đến đây ngắt lời, đằng hắng lên mấy tiếng lại tiếp nói :
- Sao dời vật đổi thế nào cặp âm dương kiếm lại vào tay ta. Nhân hai mươi năm về trước đức sư tổ mua được ở hiệu bán đồ cũ hai mươi quan tiền rồi ngài luyện lại cặp kiếm ấy thành công đem cho ta, cứ như lời ngài nói thì hai thanh kiếm này đã linh cảm huyết nhục của vợ chồng Lý Thanh Phong, Lương Thu Nguyệt nên thanh âm kiếm có đạo bạch quang, dương kiếm có đạo kim quang, thanh âm kiếm của Lương Thu Nguyệt mới lấy tên là Thu Nguyệt kiếm, dương kiếm của Lý Thanh Phong mới lấy tên Thanh Phong kiếm đem hợp dụng lại. Nếu gặp người nội công tài giỏi đến đâu đứng xa cách mười bước cũng có thể múa kiếm lấy đầu dễ như trở bàn tay. Nguyên hai thanh kiếm Thu Nguyệt, Thanh Phong có vẻ linh hiệu là thần với chất, chất là nhờ người luyện công phu, thần nghĩa là nhờ chất linh cảm của loài người tác dụng mà biến thần không chất, nếu người không biết dùng coi như vật tầm thường thì không linh nghiệm chi hết, sở dĩ đức sư tổ cho ta có dạy cả môn linh diệu trong kiếm thuật, ta chịu khó luyện tập năm năm mới thành công, đã nhờ hai thanh kiếm này lập nên biết bao nhiêu sự nghiệp, nay ta cho con thanh kiếm rồi dạy cách thần thông biến chất chịu khó mà luyện tập, sau sẽ trừ gian giết ác để thừa kế cái chí nguyện của Lý Thanh Phong thuở trước.
Liễu Tinh Đởm nghe nói thích chí liền hỏi :
- Thưa sư phụ, đây là thanh dương kiếm vậy còn thanh âm kiếm đâu?
Địch Long Tuấn thản nhiên nói :
- Thanh âm kiếm ta đã giao nó cho người khác, con không cần phải hỏi, sau này báo thù xong âm dương hai kiếm sẽ gặp nhau.
Ngay hôm ấy Địch Long Tuấn đưa Liễu Tinh Đởm vào nhà riêng. Mỗi ngày ba buổi truyền thụ kiếm thuật.
Cũng may Liễu Tinh Đởm đã ăn được viên linh đơn của Tam Phong sư tổ khi trước nên cốt khí mạnh mẽ tâm địa thông minh lại chịu khó dụng công luyện tập, chỉ một năm rưỡi kiếm pháp đã hoàn toàn thành công.
Địch Long Tuấn lại dạy luôn Liễu Tinh Đởm về các môn quyền thuật và nội công trong hai năm trời nữa, chàng không hề ra khỏi nhà lấy một bước, các anh em bạn học cũng giữ theo luật pháp của thầy không ai dám vào hỏi thăm cả.
Một hôm Địch Long Tuấn dẫn Liễu Tinh Đởm đến một khu sân rộng, vào một cái nhà kiến trúc kiểu lương đình đã thấy Ân Bình tức người đạo pháp đầu lở mà Liễu Tinh Đởm gặp nhau lúc thoạt chạy xuống hầm đến đón Địch Long Tuấn mời ngồi, rồi Ân Bình với Liễu Tinh Đởm chấp tay đứng hầu hai bên. Địch Long Tuấn bèn nói với Liễu Tinh Đởm :
- Con theo ta luyện tập thấm thoát đã hầu bốn năm, ngày nay tài nghệ của con có phần tăng tiến lắm, âu là có Ân Bình sư huynh con đây, hai con hãy dạo vài đường quyền cho ta coi.
Liễu Tinh Đởm vội quỳ xuống trước mặt sư phụ khấu đầu nói :
- Thưa sư phụ, tài nghệ của con còn non nớt lắm, có tỉ thí với sư huynh con là người có công học tập đã lâu. Vả khi con mới xuống hầm võ nghệ của sư huynh con đã hơn con thập bội, bấy giờ con nhờ sư huynh con cầm con như người ôm con mèo nhỏ, vậy xin sư phụ xét kỹ kẻo khi đem trứng chọi đá sao?
Địch Long Tuấn cả cười nói :
- Thế thì ta dạy bảo con học bấy lâu chẳng hóa ra uổng lắm ư? Nghĩa là tài nghệ của con ta coi có phần tiến bộ hơn trước nhiều có thể đấu với sư huynh con được. Thôi anh em hãy ra sân tỉ thí cho ta coi cũng là ngày thường luyện tập của con nhà thượng võ.
Ân Bình cùng vội quỳ xuống thưa :
- Bẩm sư phụ, cho phép anh em con đọ sức cũng đủ biết, kẻo khi đấu lỡ xảy ra chân tay nguy hiểm.
Địch Long Tuấn gật đầu cười :
- Thao luyện võ nghệ nguy hiểm xảy ra là lẽ thường, ta đã sẵn thuốc đây ngại gì, nhưng anh em muốn đọ sức trước cũng được rồi hãy tỉ thí với nhau, vậy có cây tháp đá dựng ở trước sân kia làm cảnh, hai con mau xuống cử xem có nổi không?
Hai người cùng ứng tiếng “dạ” lên rồi đều chạy xuống sân.
Ân Bình bước đến gần cây tháp đá thấy bề cao ước chừng hơn trượng, bề rộng chừng hai tầm người ôm để trên cái bệ đá. Ân Bình ngắm nghía hồi lâu rồi dùng “Tọa mã” đứng tấn bộ xuống ôm lấy gốc tháp vào ngực rồi vận hết sức lực binh sinh ra từ từ đứng dậy, sau bước đi dạo vòng quanh sân hai lần, vì bước chân đi dùng tấn mạnh quá rập cả sân gạch, lại ôm tháp để chỗ cũ như trước coi chừng đã dùng sức quá nên chỉ đứng thở hồng hộc bởi cây tháp đá nặng tới nghìn cân.
Đến lượt Liễu Tinh Đởm thấy cây tháp đá cao to lớn thì chồn lòng sợ không vác nổi, chàng bèn xắn hai ống tay áo rồi dùng “Tọa mã” đứng tấn hạ bộ xuống, vận hết sức hai cánh tay ôm lấy cây tháp giơ bổng lên, thấy nhẹ tếch như cây tháp giấy, chàng lấy làm lạ nhìn xuống chân thì thấy giẫm lõm hai viên gạch xuống quá mắt cá không biết vì sao mình lại có sức khỏe đến thế. Thích chí, Liễu Tinh Đởm liền giơ cây tháp cao lên khỏi đầu, lại múa tít như người múa côn trên mặt sân nhảy nhót coi như không rất tự nhiên.
Ân Bình đứng ngoài thấy thế rất đỗi ngạc nhiên, tấm tắc khen ngợi Liễu Tinh Đởm có sức khỏe vô cùng.
Địch Long Tuấn thấy Liễu Tinh Đởm múa cây tháp lanh lẹ thì mỉm cười rồi nói :
- Nội công của con đã thành nên có sức khỏe như thế, nhưng còn cách đề khí chưa chắc đã hoàn toàn, vì bao nhiêu hơi sức vận cả lên trên người thì cũng là một sự khó, vậy con hãy đem hết cả sức nhảy lên mái nhà thử cho ta coi sao.
Liễu Tinh Đởm “dạ” lên một tiếng rồi vâng lời, chàng liền dụng hết sức đề khí lên trên người ôm cả cây tháp đá nhảy lên mái nhà, không ngờ sầm một tiếng bước chân giẫm lên ngói vụn nát rơi xuống rào rào. Chàng thấy thế cố gượng bước lên đỉnh mái, làm rung động cả nóc nhà cơ hồ bị gió bão đổ ụp uống, lúc này Liễu Tinh Đởm mới kinh hãi nhảy bổ xuống để cây tháp lên bệ đá như trước mà được cái sắc mặt vẫn thản nhiên không thấy dáng nhọc mệt.
Địch Long Tuấn cũng bật cười :
- Đó, ta đã bảo cách đề khí của con chưa được hoàn toàn, con chỉ quen dùng sức mình không hiểu sức nhẹ, đối với con mắt người nghệ cao thì họ coi thường lắm. Nào, con hãy thử, đây ta dùng cách đề khí thì biết.
Dứt lời Địch Long Tuấn nhảy vọt xuống sân nhanh như con én bay đến ôm lấy cây tháp đá tung bổng lên chừng hai ba trượng cao rồi ngửa mặt giơ hai tay bắt lấy cây tháp, đi rón rén mũi giầy bằng mười đầu ngón chân, chạy nhanh lên chung quanh sân, sau cất mình nhảy vụt lên nóc nhà, cả người lẫn tháp có thể nặng tới vạn cân mà cái bầu rượu xây bằng vôi gạch không long lở như thế cũng là nhờ cách đề khí của người giỏi võ nghệ vì bao nhiêu sức nặng đã đưa cả lên trên mình nên chân nhẹ nhõm không việc gì. Địch Long Tuấn đứng trên cái bầu rượu rỉnh trên nóc nhà rồi chao đầu lộn nhào xuống dưới sân như con mèo quăng mình tuyệt nhiên không nghe tiếng động. Địch Long Tuấn để cây tháp đá vào trên bệ như trước làm hai người Ân Bình, Liễu Tinh Đởm cũng phải khen sư phụ tài giỏi vô cùng.
Địch Long Tuấn ngoảnh lại cười với cả hai :
- Đó, hai con coi cách đề khí của ta có hiểu không, vì đã vận hết sức mạnh lên trên người như vật đem treo lên nên chân mới nhẹ nhõm dù định đi trên cây ở ngọn cũng không việc gì.
- Thưa sư phụ ra oai dạy con cách “đề khí” ấy nữa mà không hiểu sao lần này con lại có sức mạnh ấy được.
Địch Long Tuấn cười giảng :
- Sức mạnh của con là nhờ ơn đức sư tổ cho ăn viên linh đan khi trước, nên gân xương trong người cứng như sắt lại thêm công học tập trong bốn năm trời thì mới có sức khỏe như thế đó. Còn như con muốn học cách “đề khí” thực là một sự rất khó vì ít ra cũng phải ba bốn mươi năm mới có thể thành công được, huống chi mối cừu thù của cha phải cần báo phục ngay lúc này, không thể chờ đợi cho học tập được mà lâu như thế ắt kẻ thù của con không còn sống trên đời để giết nó nữa. Thôi đành khi nào báo oán xong con trở về đây ta sẽ dạy cho con sau.
Liễu Tinh Đởm tuân theo lời sư phụ.
Địch Long Tuấn lại đưa Liễu Tinh Đởm, Ân Bình hai người đến một tòa nhà đá rộng rãi, từ dưới móng tường lên trên đỉnh mái đều kiến trúc bằng đá. Địch Long Tuấn liền ấn nhẹ cơ quan trên tường, hai cánh cửa bật tung ra, rồi ba thầy trò bước vào trong nhà thấy những người bằng đá to lớn như người thật treo dây xích lủng lẳng trên mái nhà, Địch Long Tuấn trỏ bảo Liễu Tinh Đởm và Ân Bình :
- Đây là nhà thạch nhân trận của ta, trong nầy treo một trăm linh tám người bằng đá và dựng sẵn một cây côn sắt nặng chừng hai trăm cân, nếu học trò của ta không thể sử dụng nổi cây côn sắt phá đánh trong trận này ra vào ba lượt thì không khi nào ta cho ra ngoài ứng tiếp với đời được, kẻo khi khách giang hồ còn lắm người tài giỏi để thêm trò cười cho ta. Nay hai con học tập cũng đã khá rồi, hãy vào phá thạch nhân trận cho ta coi thử, nhưng phải cẩn thận mới được vì khi đánh vào người đá dây xích văng đi đập lại rất mạnh, nếu không đỡ kịp ắt phải vỡ đầu gãy tay, vậy phải lưu ý kẻo xảy ra nguy hiểm đến tính mạng.
Tuân theo lời thầy bảo, Ân Bình liền vác cây côn sắt xông vào đánh phá người đá trước, tức thì những người đá đánh trúng vào văng lên lung tung làm chàng phải cố sức gìn giữ kẻo đập vào người phải bị thương nặng.
Ân Bình cố sức ra vào xung đột được ba lượt thì người đà nhọc phờ, tay đã co chồn, vì người đá văng mạnh quá, chàng vội nhảy vọt ra ngoài đứng thở vóc hơi.
Mỉm cười, Địch Long Tuấn liền bảo Liễu Tinh Đởm vào phá thử xem.
Liễu Tinh Đởm liền cầm cây côn sắt nhẩy tót vào đánh phá, những người đá văng đi lộn lại kêu chan chát, có khi sắt đập vào nhau bật cả lửa ra bởi hai cánh tay chàng múa côn sắt quá mạnh, như hai con rồng múa khúc trong đám mây, người chàng vùng vẫy như con hổ nhảy hét trên đàn dê. Liễu Tinh Đởm càng đánh càng thấy thích chí, những người đá thi nhau xô đuổi mà không sao trúng vào người chàng được, quay qua lộn vào hàng mười mấy vòng vẫn không biết chán. Hăng hái lần cuối cùng Liễu Tinh Đởm múa côn đánh dữ hơn trước làm dây xích treo người đá bị đứt luôn nhiều chỗ, những người đá nặng đập vào nóc nhà vách tường kêu ầm ầm chàng mới chịu ngừng tay lại nhảy vọt ra, sắc mặt vẫn an nhiên như trước không thấy mệt nhọc.
Địch Long Tuấn gật đầu cười nói :
- Được rồi, võ dũng của con ngày nay có phần xuất sắc lắm, ta cũng lấy làm hài lòng về công dạy bảo con bấy lâu.
Địch Long Tuấn lại đưa Liễu Tinh Đởm, Ân Bình về chỗ khu sân rộng trước rồi bảo hai người :
- Hai con đọ sức ta đã biết nhưng còn võ nghệ cũng cần tỉ thí với nhau cho ta coi thử, vậy hai con hãy dạo chơi mấy đường quyền cước.
Ân Bình đứng chắp tay trước mặt sư phụ, nói :
- Thưa sư phụ, vì Liễu sư đệ ngày nay khí lực đã tăng tiến hơn con nhiều, nếu sư phụ sai con đấu võ thì quyết là không xứng đáng.
Địch Long tuấn bỗng đổi ngay sắc mặt nghiêm nghị nói :
- Ta có bảo các con ra nơi chiến trường tranh khôn đoạt giáp đâu mà sợ nguy hiểm, nghĩa là anh em cùng học thao luyện với nhau cho rộng đường kiến thức, để khi gặp tay kình địch thì sẽ đối phó. Vả lại võ nghệ ta dạy hai con cũng giống như nhau, chỉ có sức khỏe nhờ ở khí cốt người. Vậy hai con hãy dạo thử quyền thuật chơi, không được xâm phạm đến người nhau.
Liễu Tinh Đởm và Ân Bình hai chàng đều vâng lời thầy ra dạo quyền ở trước sân.
Ân Bình nhẩy ra sân trước đứng giang hai tay dùng chiêu “Khổng Tước Khai Bình”, chực sẵn.
Liễu Tinh Đởm liền co một tay phải xông vào tức là chiêu “Kim Kê Độc Lập”.
Ân Bình đã vội quỳ phục xuống dùng chiêu “Lão Thụ Bàn Căn” giơ tay định bắt lấy cẳng Liễu Tinh Đởm.
Liễu Tinh Đởm cũng vội rụt tay chân lại rồi lìa nhanh tay chân khác ra theo chiêu “Họa Mi Thượng Giá” vừa đá vừa xả vào người Ân Bình.
Ân Bình lại phá luôn chiêu ấy, rồi hai chàng trổ hết tài học bình sinh ra tranh đấu, thực là hai con hùm thiêng nhe nanh múa vuốt để ganh phần thắng lợi, chớp mắt đã được vài chục hiệp.
Địch Long Tuấn đứng xem thấy quyền thuật của Liễu Tinh Đởm lanh lẹ tuyệt vời, tuy Ân Bình cùng chung một môn phái mà tay chân Liễu Tinh Đởm biến hóa vô cùng nhiều chiêu lạ khác, đó cũng nhờ tính tinh thông của chàng linh động hơn người ở chỗ ấy làm Ân Bình tay chân luống cuống chỉ còn chờ lúc nguy bại.
Liễu Tinh Đởm lại đánh luôn chiêu “Kim Tuyến Điếu Hồ Lô”.
Ân Bình cũng vội xoay ra chiêu “Hoàng Oanh Ẩm Thủy” để đỡ chiêu ấy.
Liễu Tinh Đởm lại đánh luôn chiêu “Liệu Hoàn Khấu Đả” rất lợi hại dẫu Ân Bình có đỡ cũng không kịp.
Địch Long Tuấn thấy thế liền ném một quả kim tiêu bay qua mang tai Liễu Tinh Đởm, trong khi bất thần khiến chàng thấy động vội nghiêng đầu bắt lấy quả kim tiêu trong tay rồi hai người ngừng cuộc đấu, nhảy vọt ra ngoài ngơ ngác nhìn.
Địch Long Tuấn bất giác vỗ tay khen ngợi :
- Võ nghệ của con tiến bộ lắm, trong khi bất phòng mà bắt được ám khí cũng là một tay tài giỏi đó, thực chẳng uổng phí công ta rèn tập cho con mấy năm.
Từ nay mối huyết thù của cha con sẽ có ngày báo phục được rồi.
Dứt lời ba thầy trò Địch Long Tuấn đều quay vào trong gian nội sảnh.
Lại một hôm Địch Long Tuấn cùng vị lão anh hùng Phương Kế Võ cha nàng Phương Thuyền Cô đi vào nội sảnh.
Liễu Tinh Đởm vội đến yết kiến, Phương Kế Võ khẽ gật đầu, rồi giơ tay bảo chàng hãy tạm lui ra.
Địch, Phương hai người cùng nhau bàn chuyện nhỏ, coi vẻ mặt hai người có lúc cương quyết, có lúc nghiêm nghị suy nghĩ như sợ hãi, làm Liễu Tinh Đởm không hiểu chuyện gì mà cũng không dám hỏi.
Sau lúc ấy Địch Long Tuấn lại cùng Phương Kế Võ ra đi, bẵng luôn hai ba ngày không thấy về, khiến Liễu Tinh Đởm lại càng lo sợ mong nhớ bội phần, ngày thứ tư mới thấy Địch Long Tuấn trở về ngồi trong nội sảnh vẻ mặt vẫn ra chiều lo nghĩ mà Liễu Tinh Đởm cũng hồ nghi không dám hỏi. Bỗng thấy Địch Long Tuấn gọi Liễu Tinh Đởm đến hỏi chàng :
- Tinh Đởm con, thù cha không báo gọi là trang hiếu tử, nên ta đã cùng Phương Kế Võ lão anh hùng cùng mẹ Ngô Tiểu Ất bàn đến mối oan cừu của cha con, nhưng vì kẻ thù ấy là người tài giỏi vô cùng, bản lãnh của ta chưa chắc đã làm gì nổi nó, duy có bà mẹ Ngô Tiểu Ất thì họa chăng trừ được Không Nham hòa thượng là kẻ thù giết cha con, song chưa dễ bà ta đã chịu giúp sức.
Liễu Tinh Đởm nghe tên kẻ thù giết cha thì đau đớn như muôn mũi tên bắn vào ruột, chàng ngậm ngùi nói :
- Thưa sư phụ, không ngờ Không Nham hòa thượng tài giỏi đến thế nhưng mẹ Ngô Tiểu Ất có phải là bà già ném Mai Hoa trâm vào cánh tay con khi trước không? Thế mà con ở chung một chỗ mà không biết bà ta tài ba lỗi lạc, chẳng hay vì lẽ gì mà mai danh ẩn tích, xin sư phụ nói rõ cho con biết.
Địch Long Tuấn giảng lại :
- Nguyên chồng bà khi xưa là tay nghĩa hiệp tên là Ngô Thế Kiệt, lừng lẫy trên mặt Thái Hồ mấy chục năm, hết lòng trừ gian diệt ác, giúp đời làm biết bao việc nghĩa hiệp kinh thiên, khắp mặt khách lục lâm giang hồ đều khiếp hãi nể sợ oai. Còn bà cũng là một tay nữ hiệp, so về tài nghệ lại có phần xuất sắc hơn chồng, nên bất cứ ai trên chốn giang hồ mà không biết tiếng Phan Huỳnh Nương.
Sau chồng bà thụ bệnh qua đời, nên bà cũng chán ngán giang hồ, đem đứa con thơ là Ngô Tiểu Ất về quy ẩn một nơi, mẹ con đành sống cùng khổ, vì bà suốt đời làm việc nghĩa hiệp không hề lưu lại chút di sản, mà thậm chí đến con bà cũng không truyền dạy võ nghệ. Bà cho là người có căn bản phải bôn ba vì đời, tức là làm nô lệ lo việc cho cả trăm họ mà vẫn không được danh vọng gì, thành bà lập chí từ đấy không chịu xuất đầu lộ diện, nay ta là bạn quen biết với vợ chồng bà khi trước bèn đem sự cừu thù của cha con nói để yêu cầu giúp đỡ một tay, thì bà nhất định khước từ. Sau cố cầu khẩn thì bà mới tạm nhận lời là đến khi đó sẽ hay.
Liễu Tinh Đởm nghe nói rất kính phục cái tiết tháo của Phan Huỳnh Nương là mẹ Ngô Tiểu Ất, rồi chàng xiết nỗi vui mừng nói :
- Nếu thế thì mối huyết thù của con có ngày báo phục được, vì bà Phan Huỳnh Nương quyết không sai lời, mà Không Nham hòa thượng ắt có ngày nộp mạng.
Địch Long Tuấn gật đầu :
- Lẽ tất nhiên là oan oan tương báo, kẻ giết người không thoát khỏi lưới trời hiện bây giờ cây Thanh Hương kiếm của con và thủ cấp của cha con Phương lão anh hùng đã đem đến đây rồi, chờ khi báo được thù xong sẽ giao trả con hai vật ấy, nay con hãy đến Long Sơn ở Hà Nam hỏi thăm đường đến Tiết Gia có người họ Tiết tên Cẩn rồi vờ làm quen, thế nào người ấy cũng nhận con làm con nuôi, con cứ chịu khó ở đó ít lâu rồi con sẽ lấy được một người vợ và trả được thù cha, song phải giấu diếm lai lịch và tên họ mới được.
Liễu Tinh Đởm ngậm ngùi đáp :
- Con hổ sinh chưa báo được thù cha thì sao nỡ nhận làm con nuôi người khác, con chỉ cầu nguyện trả được thù rồi đem thân giúp ích cho đời, con không thiết gì sự lấy vợ.
Địch Long Tuấn nói :
- Đại trượng phu trong khi tòng quyền thì phải thế. Vả lại có phải làm con thực của người ta mãi đâu mà ngại? Huống chi có gặp người vợ con thì mới trả được mối đại thù ấy, vậy con yên tâm đi ngay kẻo lỡ dịp này.
Nhưng, Liễu Tinh Đởm vẫn hồ nghi không đáp, Địch Long Tuấn nói luôn :
- Có lẽ con đã có người vợ riêng trong lòng, nhưng ta nói người ấy cũng tức là người trong lòng con yêu, thôi con mau lên đường đi, kẻo nàng Phương Thuyền Cô đang mắc đại nạn, trừ phi con ra thì không ai cứu được. Vả nhận việc này hai cây Thanh Phong, Thu Nguyệt kiếm sẽ gặp mặt nhau, là đầu Không Nham hòa thượng con ắt chém được.
Liễu Tinh Đởm nghe nói đến Phương Thuyền Cô thì bất giác thẹn đỏ mặt vì chàng biết sư phụ xét đoán tâm lý rất đúng, nên chàng đành cầm cây Thanh Phong kiếm bái biệt sư phụ quyết ý ra đi.