Đêm tàn bóng tối còn phủ dày, Bạch Thiếu Huy ra đến bên ngoài tường, nhìn xung quanh không thể nhận định được rõ đông, tây, nam, bắc.
Chàng cứ theo con đường phía trước đi tới mãi, chàng đi hơn mười dặm đường thì bình minh ló dạng, cảnh vật tỏ dần dần.
Chàng thầm nghĩ :
- “Chủ tâm của ta là làm sao cho bọn Bách Hoa cốc chú ý đến ta song ta biết chúng ở đâu mà đến, bẹo hình bẹo dạng cho chúng thấy? Nếu chúng thực sự đi tìm dư đảng vừa trốn thoát khỏi tay của Táng Hoa phu nhân, chúng phải lục soát khắp nơi, thế nào chúng cũng đi ngang qua nơi này. Vậy ta cứ nằm tại đây, giả vờ mê thất thần trí, nếu chúng bắt gặp, chúng không nghi ngờ gì”.
Chàng vội tìm một cội cây ôm đầu nằm nghỉ.
Trời dần dần sáng rõ, trên đường đã có khách bộ hành qua lại nhưng không một ai chú ý đến chàng. Chàng cũng không buông tay ngẩng đầu nhìn ai.
Một lát sau bỗng có kẻ kêu lên :
- Đây rồi! Ở đây rồi!
Bạch Thiếu Huy giật mình nghĩ thầm :
- “À! Chúng đến! Bọn chúng chớ chẳng còn ai khác!”
Chàng ôm cứng đầu hơn, kín hơn.
Tiếng chân người vang lên, từ xa đến gần, tiếng chân rộn rịp, vả lại có tiếng kêu lên điều đó chứng tỏ có ít nhất cũng có hai người đi đến.
Rồi có tiếng gọi :
- A Phúc! Một mình người nằm đây à? Ngươi hại bọn ta đi tìm khắp nơi!
Tiếp theo tiếng gọi có bàn tay lay mạnh Bạch Thiếu Huy.
A Phúc! A Phúc là ai? Bạch Thiếu Huy cho rằng chúng nhìn lầm, và như vậy thì bọn này không phải là người trong Bách Hoa cốc.
Chàng toan buông tay chường mặt, nói cho chúng biết chàng không phải là A phúc, nhưng chợt nhớ lại là bọn Bách Hoa cốc biến trá vô cùng, biết đâu chúng nhận ra chàng rồi mà còn giả vờ như thế, để thử xem chàng có đúng đã mất thần trí không?
Chàng cũng buông tay ngẩng mặt nhưng không nói năng gì hết, chỉ giương hai mắt nhìn chúng.
Chúng là hai đại hán mặt tím sậm, màu tím đậm hơn gương mặt chàng một phần, chúng ăn vận như hai gã nông phu.
Chàng lộ mặt cho chúng thấy rõ, nếu chúng nhân lầm thì sẽ bỏ đi ngay, nhưng không chúng chẳng bỏ đi mà còn gắt lên :
- Trời sáng tỏ rồi mà sao không chịu thức dậy, mà lo công việc chứ? Lợn chúng ta đã giết xong, dậy mà mang về!
Chúng đã gọi chàng là A Phúc, chúng lại bảo chàng dậy mang lợn về, thế là nghĩa gì? Nhưng chàng không cần tìm hiểu, cứ mặc nhiên xem chúng sẽ làm gì thêm.
Chàng nằm nguyên tại chỗ.
Một tên co chân đá khẽ vào người chàng.
- Dậy chứ! Dậy mang lợn về!
Chàng nhìn chúng lắc đầu :
- Tại hạ không biết gì hết!
Một tên dậm chân :
- Sao lười biếng thế? Tại Tam Hòa viên người ta đang chờ đấy, nếu không mang lợn về kịp thì...
Tên kia tiếp nối :
- Để ta vác lại đây cho hắn, rồi hắn mang về!
Y băng vào con đường nhỏ, bước đi thoăn thoắt.
Tên còn lại sợ Bạch Thiếu Huy chạy trốn, vội bước tới gần hơn đứng án trước mặt chàng.
Lúc đó Bạch Thiếu Huy đã ngồi dậy rồi.
Chàng tự hỏi Tam Hòa viên là địa điểm gì ở nơi đâu, ở đó có ai đang chờ đợi chúng.
Một lúc sau tên thứ nhất trở lại, vác trên vai một con lợn đã mổ rồi, máu me còn chảy ròng ròng. Y bất chấp là Bạch Thiếu Huy có bằng lòng hay không ưng thuận, nghiêng vai hất con lợn sang vai chàng rồi thốt :
- Phúc ca! Đi nhanh lên! Đến Tam Hòa viên tại phố Dương Trường nhé!
Bạch Thiếu Huy cau mày :
- Tại hạ không biết gì hết!
Tên thứ hai phẩy tay :
- Đừng nói gì hết! Hãy mang đi! Nhanh lên!
Y day qua đồng bọn :
- Lão tứ chịu khó đưa y đi, hắn lạc đường thì chậm trễ mất.
Máu từ con lợn chảy ra làm ướt cả chiếc áo của chàng. Chàng không lấy làm phiền, trái lại chàng còn cho là một dịp may, bởi vì những vết máu cũ nơi áo đã khô, nếu mặc một chiếc áo đầy vết máu khô đi đường thì thiên hạ sẽ dị nghị, nghi ngờ bây giờ chàng mang theo con lợn, có máu lợn chảy ra, thiên hạ sẽ cho rằng những vết máu kia cũng là máu lợn chứ chẳng phải máu người.
Tên thứ nhất đưa tay phẩy nhẹ chàng giục :
- Đi! Về cho sớm kẻo bị quở!
Y vượt mình đi trước dẫn đường, Bạch Thiếu Huy vác con lợn theo sau. Vừa đi chàng vừa quan sát tên đó. Cái đẩy của y tuy nhẹ nhưng cũng có một nội lực mạnh mẽ, chứng tỏ y cũng là một tay khá chứ không phải là một gã nông phu tầm thường như chàng tưởng qua y phục của y.
Chàng thầm nghĩ bọn này hẳn phải thuộc một tổ chức nào đó, song chưa dám quả quyết chúng là người trong Bách Hoa cốc, bởi chẳng có một điểm nào nơi chúng, xác nhận chúng là thủ hạ của Hoán Hoa cung.
Bỗng chàng lắng tai nghe, có tiếng chân người vang khẽ phía sau lưng.
Chàng biết chắc là tên kia không theo chàng mà đã đi nơi khác rồi, vậy kẻ theo sau kia là ai?
Kẻ đó theo dõi chàng hay theo dõi kẻ dẫn đường?
Chàng cảm thấy thích thú vô cùng, nếu đúng là kẻ đó theo dõi tên dẫn đường thì chẳng khác nào con chim sẻ đang bắt ve, có con chim ưng rình phía hậu.
Lão tứ đưa chàng vào thành, quanh đường này vào đường khác, một lúc lâu đến Tam Hòa viên.
Thì ra Tam Hòa viên là một ngôi tửu quán, nằm cuối một con đường trong thành, mà khu phố đó có tên là Dương Trường.
Lão tứ không vào cửa chánh, y vòng qua hẻm một bên đưa chàng vào cửa nhà bếp.
Buổi sáng ở nhà bếp ở bất cứ ngôi hàng quán nào cũng bận rộn công tác, vừa lo cung cấp điểm tâm cho khách hàng vừa chuẩn bị các thức ăn trưa, chiều cho có đủ bán trong ngày. Nhân công chạy tới chạy lui, lăng xăng rối rít.
Bạch Thiếu Huy theo lão tứ vào trong, nhân lúc người đông, chàng quay đầu nhanh lại xem kẻ nào theo dõi có còn đấy không. Chàng thấy hắn lách mình tiến vào cửa ngách, vọng cửa cũng thuộc cơ sở của ngôi quán này.
Chàng mỉm cười nhân đà quay đầu, chàng nghiêng vai hất con lợn xuống nền.
Lão tứ lúc đó đứng kế bên chàng nhanh như chớp đưa tay điểm vào huyệt Tiếu Yêu của chàng.
Vốn đã đề phòng từ trước, chàng lập tức vận công dịch huyệt đạo qua một bên, tuy nhiên chàng cũng giả vờ bị điểm huyệt đúng chỗ, sụn đôi chân ngã nhào xuống nền.
Lão tứ cúi xuống nắm lưng áo chàng dựng đứng lên đẩy chàng đi thẳng vào phía hậu.
Qua một vọng cửa vượt qua đoạn hành lang, bỗng chàng nghe tiếng hỏi khẽ :
- Lão tứ! Xong rồi chứ?
Lão tứ cũng thấp giọng đáp :
- Nhân lúc hắn không phòng bị, ta điểm huyệt hắn!
Người kia bảo :
- Đặt hắn xuống chỗ đó đi!
Lão tứ đặt chàng xuống đoạn lại hỏi :
- Ngươi đã bẩm báo chưa?
Người đó gật đầu :
- Đã!
Vừa lúc đó có tiếng thiếu nữ vang lên :
- Các người vào đi. Cô nương muốn hỏi các người gì đó.
Cả hai khiêng Bạch Thiếu Huy vào một vọng cửa.
Bạch Thiếu Huy thầm hỏi cô nương của chúng là ai, chàng tự nghĩ từ lúc dấn bước trên giang hồ chàng gặp quá nhiều cô nương, quá nhiều phu nhân, rồi chàng lấy làm lạ không rõ tại sao nhiều hào kiệt trong võ lâm lại cam tâm khuất phục nữ nhân làm tay sai cho họ.
Từ Lăng đàn chủ đến Hoán Hoa công chúa, Táng Hoa phu nhân rồi Tử Vi đàn chủ, Bạch Linh đàn chủ, tay nào cũng tỏ ra có bản lĩnh tuyệt vời.
Giờ đây lại một cô nương nữa! Cô nương này thuộc tổ chức nào?
Một lúc sau có tiếng bước chân nhẹ từ phía hậu đi ra.
Hai gã nam nhân vội nghiêng mình chào :
- Tiểu nhân tham kiến cô nương.
Vị cô nương đó ừ một tiếng, tiếng ừ tỏ rõ cái thân phận trên trước hẳn hai nam nhân đoạn nàng hỏi :
- Chính hai người đã phát hiện ra hắn?
Bạch Thiếu Huy giật mình nhận ra ngay cô nương đó là ai dù chàng không dám mở mắt nhìn rõ.
Âm thinh của nàng chàng đã quen thuộc quá rồi. Nàng chính là Tường Vân, danh kỹ tại Thành Đô, nàng có mặt trong bọn chàng tại tiệc rượu do Hoán Hoa công chúa thiết đãi trên lâu thuyền, nàng ngồi bên cạnh Hoán Hoa phu nhân lúc chàng bị dẫn giải đến cho phu nhân phát lạc tại Bách Hoa cốc.
Nàng là người của Bách Hoa cốc, và hiện tại chàng lại rơi vào tay của bọn Bách Hoa cốc!
Như vậy là đúng với sở liệu của Táng Hoa phu nhân, mà cũng đúng với sở nguyện của chàng.
Hai tên nam nhân thêm thắt vẽ vời cho công cuộc bắt chàng, phải dày công phu lắm mới có kết quả.
Tường Vân gật :
- Khá lắm! Hai người đã lập được công lớn, rồi sẽ có thưởng lớn!
Hai nam nhân cung kính :
- Bọn tiểu nhân vâng lệnh hành sự, tuy may mắn được thành công song muôn việc vẫn nhờ cô nương đề bạt.
Tường Vân mỉm cười :
- Được rồi! Thôi hai người lui ra đi!
Hai nam nhân cúi đầu chào, đoạn quay mình trở ra ngoài.
Bạch Thiếu Huy vẫn nằm bất động trên nền, đôi mắt nhắm híp.
Tường Vân bước đến cạnh chàng cúi xuống đẩy mặt chàng trở ra phía khác vụt kêu khẽ :
- Bạch công tử đây mà!
Không phải nàng nhìn được mặt mày hay hình vóc của chàng mà nàng chỉ nhìn chiếc Trúc tiêu bên mình chàng nên nhận ra ngay.
Nàng lại còn gọi là Bạch công tử khẩu khí của nàng ẩn niềm vui lẫn kinh dị.
Thiếu nữ đứng bên cạnh nàng tên Lục Châu hỏi :
- Hắn là số mười chín thuộc chữ Tử?
Tường Vân gật đầu :
- Phải. Chúng ta xuất ngoại lần này là chỉ để tìm hắn mà thôi.
Lục Châu hỏi :
- Hắn trọng yếu lắm sao?
Có tiếng chân bước gấp, từ xa đến nơi, rồi một giọng nói của thiếu nữ vang lên :
- Bẩm báo cô nương mọi việc chuẩn bị xong cả rồi, Viện chủ Tam hòa viện sai tiểu tỳ hỏi lịnh cô nương, có nên cho người hộ tống chăng?
Tường Vân lắc đầu :
- Không cần! Một mình ta cũng đủ rồi!
Nàng đưa tay chỉ Bạch Thiếu Huy tiếp :
- Còn một người nằm đó người bảo chúng vào mang theo luôn.
Thiếu nữ vâng một tiếng lui ra.
Một lúc sau hai đại hán khiêng một chiếc rương sơn đỏ vào phòng, mở nắp ra, đặt Bạch Thiếu Huy bên trong, đậy nắp lại, khóa cẩn thận rồi khiêng đi.
Bạch Thiếu Huy bây giờ mới dám mở mắt, nhận ra chiếc rương có đột lỗ thông hơi khắp bốn phía, nhờ vậy chàng nằm bên trong không thấy ngạt thở chút nào. Nhưng nằm trong này chàng chỉ có thể nhìn qua lỗ thông hơi phía đó thôi, chứ không dám trở mình nằm sang hướng khác, sợ làm dao động chiếc rương, chúng dễ phát hiện ra, nhất là trong lúc khiêng đi.
Nhưng vốn tính dè dặt, chàng không vội ghé mắt nhìn cố làm động đậy, do đó chàng chẳng thấy được gì bên ngoài, chàng nhắm mắt lắng tai nghe tìm hiểu qua mọi âm thanh.
Chúng khiêng chàng đi một lúc, chàng nghe có tiếng nước vỗ mạn thuyền biết là chúng sắp đài tải theo đường thủy.
Chàng thầm nghĩ :
- “Chúng sẽ đưa mình trở lại Bách Hoa cốc? Không rõ chỉ có một mình mình, hay có Vương Lập Văn cùng bốn người kia?”
Trong khi chúng khiêng chàng xuống thuyền, thì nơi bờ có giọng già vang lên :
- Thuộc hạ là Tào Đôn Nhân tham kiến cô nương!
Bạch Thiếu Huy nhận ra đúng là âm thanh người đã giả mạo Tiết thần y.
Tường Vân đáp :
- À Tào hộ pháp! Hộ pháp vất vả quá.
Có tiếng vàng ngọc khua chạm vào nhau, Bạch Thiếu Huy biết là bon thiếu nữ xuống thuyền.
Trong một phút sau thuyền tách bến.
Đến bây giờ Bạch Thiếu Huy mới dám mở mắt cựa quạy mình, nhìn qua lỗ hổng thông hơi.
Trong thuyền cách bày trí hết sức đơn giản, có mấy chiếc ghế đặt dọc theo hai mạn thuyền, sát những khung cửa sổ. Chính giữa có chiếc bàn, trên bàn có mâm trà, đủ bình đủ chén.
Tuy đơn giãn, những vật đó hết sức sạch sẽ chứng tỏ chủ nhân có tâm hồn đơn giản nhưng thanh khiết vô cùng.
Tường Vân đang ngồi, chõi nắm tay vào má đôi mày hơi cau lại, gương mặt trầm trầm, chừng như nàng có nhiều tâm sự.
Ngồi ngay dưới sạp thuyền, là Lục Châu, Lục Ngọc cả hai vận y phục chẽn, hông đeo đoản kiếm.
Bạch Thiếu Huy cố gắng lắm mới nhận ra được nửa phần thuyền trước, còn nửa phần sau, về phía chân chàng, chàng không thể thấy rõ, bởi muốn trông rõ thì phải xoay người hoặc ngồi dậy, điều mà hiện tại chàng không phương làm được.
Chàng lại nghĩ :
- “Nếu Táng Hoa phu nhân không tính lầm thì phải có bọn Vương Lập Văn trên thuyền, nhưng họ ở đây? Chẳng lẽ chúng để họ ở dưới khoang thuyền? Nếu chúng để họ trong những chiếc rương khác thì những chiếc rương khác phải có lỗ thông hơi chứ? Tại sao lại bít bùng như vậy, làm thế nào cho họ khỏi ngộp?”
Chàng cứ tưởng, thuyền cứ xuôi dòng!
Thuyền tách bến một lúc, có tiếng gõ nhẹ vào cửa mui trước :
Lục Châu vụt đứng lên hỏi nhanh :
- Việc gì thế?
Bên ngoài Tào Đôn Nhân lên tiếng :
- Bẩm báo cô nương! Có một chiếc tiểu thuyền theo sau chúng ta!
Tường Vân day qua bảo Lục Châu :
- Mở cửa cho hắn vào!
Trong khi Tào Đôn Nhân nghiêng mình chào, Tường Vân hỏi :
- Tào hộ pháp có nhận rõ kẻ theo dõi trên tiểu thuyền là nhân vật như thế nào chăng?
Tào Đôn Nhân đáp :
- Một thiếu niên thư sinh vận áo lam!
Tường Vân lại hỏi :
- Chỉ một hắn thôi?
Tào Đôn Nhân gật đầu :
- Chỉ có mỗi một mình hắn!
Tường Vân cười nhẹ :
- Dòng sông rộng lớn, ai cũng có quyền xuôi ngược con thuyền nào phải riêng ta? Thuyền theo sau, thuyền đi trước, thuyền nghịch chiều nào phải là chuyện lạ? Đã chắc gì họ có ý theo dõi ta?
Tào Đôn Nhân cười vuốt :
- Nhưng tên này vừa rồi có mặt tại Tam Hòa viên uống trà, bên mình có thanh trường kiếm, Viện chủ có ý hoài nghi cho hắn là một tên thám tử của đối phương.
Tường Vân khẽ giật mình :
- Hắn theo ta từ phố Dương Trường đến đây?
Tào Đôn Nhân lại gật đầu :
- Phải đó! Nếu không tiểu nhân nào dám làm kinh động cô nương?
Tường Vân gật đầu :
- Hắn đơn thân độc kiếm theo dõi ta, kể hắn cũng có gan lắm!
Tào Đôn Nhân còn đứng buông thõng tay chờ xem Tường Vân còn phân phó điều gì nữa chăng, nhưng nàng vẫy tay :
- Tào hộ pháp ra đi!
Tào Đôn Nhân nghiêng mình chào, rồi bước ra ngoài, y nhiên đứng tại mui thuyền, nhìn về chiếc tiểu thuyền phía hậu.
Bạch Thiếu Huy lại suy nghĩ tìm hiểu thân phận thực sự của Tường Vân tai Bách Hoa cốc.
Không lâu sau, Tào Đôn Nhân lại gõ cửa mui thuyền báo cáo :
- Chiếc tiểu thuyền chia mũi vào thuyền mình.
Tường Vân cau mày :
- Phiền quá! Lục Châu, người hãy bảo hắn, nếu không thấy rõ ràng thì đứng sanh sự với người ta.
Lục Châu truyền lệnh cho Tào Đôn Nhân xong, khẽ hỏi :
- Cô nương muốn mở cửa sổ nhìn xem một tý chăng?
Tường Vân hừ lạnh :
- Nếu quả thật tên thiếu niên đó định vọt thuyền chặn thuyền mình, thì đúng là hắn chán sống rồi vậy!
Vừa lúc đó tiếng mạn thuyền rẽ nước vang lên ro ro, càng lúc càng to rồi kế đó, một giọng nói vừa lạnh vừa rõ ràng vọng đến :
- A! Các người định đi về đâu?
Không ai bên này thuyền lên tiếng đáp.
Giọng nói đó tiếp tục vang lên lớn hơn :
- A! Trong thuyền bên đó không có người sao?
Nghe âm thinh, Bạch Thiếu Huy giật mình tưởng tượng là có gặp thiếu niên đó ở đâu một lần.
Chàng đang mọi ký ức cố gắng nhớ xem mình đã gặp hắn ở đâu, bỗng Tào Đôn Nhân cất tiếng hỏi :
- Vị tướng công bên thuyền kia có việc gì thế?
Thiếu niên hừ lạnh :
- Tại hạ hỏi các người định về đâu?
Tào Đôn Nhân bật cười sang sảng :
- Mà tướng công có việc gì cần chăng?
Thiếu niên kiên nhẫn lặp lại câu hỏi :
- Các người định về đâu?
Tào Đôn Nhân điềm nhiên :
- Tướng công từ xa sấn thuyền đến chỉ để hỏi một câu như vậy thôi à?
Thiếu niên trầm giọng :
- Ừ!
Hắn vừa buông tiếng ừ, vừa nhún chân nhảy vọt qua thuyền bên này.
Tào Đôn Nhân sôi giận :
- Người nhảy qua đây làm gì? Có muốn chết thì đừng trách!
Đôi bàn tay vươn ra định chộp vào hông thiếu niên.
Thiếu niên quát lớn :
- Lão thất phu muốn động thủ đấy à?
Hắn hớp không khí, nhích người sang bên một chút, hai tay của Tào Đôn Nhân chụp vào khoảng không chạm vào nhau thành tiếng bốp.
Tào Đôn Nhân không chậm trễ, theo thế liên hoàn, đánh tiếp hai chưởng.
Thiếu niên chưa đáp xuống thuyền liền bị tấn công lần thứ hai, muốn phản ứng cũng không thể nào xuất thủ cho có hiệu lực bằng đứng trên mặt đất, mà dù tránh né cũng không phải dễ dàng.
Nhưng hắn không nao núng, hắn chỉ hừ lên một tiếng, đạp nhẹ hai chân vào không khí, vọt người lên không, lộn một vòng đáp sau lưng đối phương.
Hắn quát to :
- Lão thất phu! Ngươi tài sức bao nhiêu mà dám múa may trước mặt bổn công tử! Lui ngay gọi chủ nhân người ra đây nói chuyện với ta.