- Ngươi... ngươi đừng có dùng ta làm hình nộm để thử kiếm pháp chứ?
Một vệt sáng lóe lên.
Hoàng Tiết Tháo hoảng quá, vội nhảy tung tung, bất phân phương hướng.
Bỗng, lão nghe lạnh bên má hữu. Càng kinh hãi, lão tháo lui, lại nghe lạnh bên mé tả.
Lão thét lên inh ỏi, tuy chưa biết việc gì xảy ra, song lão hiểu là bất lợi cho lão.
Rồi nhiều vệt sáng lóe nối tiếp, cuối cùng bản mặt dày lông của lão trụi lủi, gần như nhẵn bóng.
Kế đó, Yến Thiết Y chắp hai thanh kiếm Thái A và Chiếu Nhật thành chữ thập phía trước ngực, điểm một nụ cười, chàng chập hai thanh kiếm lại, cho khua lên một tiếng, rồi kiếm nào tra vào vỏ nấy.
Chàng khoanh tay lại trước ngực, chân thẳng chân dùn, mình nghiêng nghiêng, miệng nở một nụ cười, nhìn Hoàng Tiết Tháo.
Hoàng Tiết Tháo đã đứng lại, hai tay xoa xoa gương mặt, xoa tới đâu, lão kêu oai oái tới đó.
Chẳng một thương tích nào, bởi máu không chảy, lão lại không nghe đau.
Nhưng, cả ria lẫn lông mặt đều bị gọt sát chân.
Lão rít lên :
- Yến Thiết Y! Ngươi khinh người thái quá...
Yến Thiết Y cười hì hì :
- Tại hạ có hảo ý đấy. Tiên sinh, cứ để lông lá xồm xàm như vậy trong tiên sanh có vẻ man rợ quá, chẳng ai dám tiếp cận. Bây giờ thì tiên sanh biến đổi hoàn toàn, dễ thương hết sức. Đẹp lắm tiên sanh ơi! Hãy tạ ơn tại hạ một tiếng.
Hoàng Tiết Tháo giận không còn có thể nào hơn, khí uất dâng lên chận yết hầu, ngăn chặn hơi thở làm lão ta xanh dờn mặt mày.
Làm sao được, khi mà tài nghệ của mình chẳng bằng một ngón tay người ta, dù có tức thì cũng phải ráng chịu vậy thôi.
Lão rít luôn :
- Ngươi bắt buộc ta phải liều mạng với ngươi đấy nhé! Đến từng tuổi này, ta có thể chết là vừa. Lại đây, tiểu tử! Lại đây!
Yến Thiết Y lắc đầu :
- Không! Nguy lắm, nguy cho tiên sanh lắm! Trong Minh Thiên đại cửu thức, tại hạ chỉ mới thi thố một chút thôi, tiên sanh đừng bức tại hạ phải xuất phát thêm một vài thức khác. Đời còn đáng yêu lắm, tiên sanh, huống chi, tiên sanh còn cả một túi Tử Kim đơn kia! Chết rồi bỏ lại cho ai?
Chàng thọc hai ngón tay vào túi, kẹp một hoàn, đoạn thắt dây miệng túi lại, quăng sang cho Hoàng Tiết Tháo, bảo :
- Đếm lại đi, tại hạ chỉ lấy một hoàn thôi, lấy mà không có chỗ dùng, bất quá để răn tiên sanh đừng quá hung bạo, tàn nhẫn, nên ăn ở cho có đức.
Đưa tay đón bắt chiếc túi. Hoàng Tiết Tháo hết phương thốt thành lời, lão cứ nghiến răng trèo trẹo, nghe rợn người.
Yến Thiết Y tiếp :
- Con nhà võ có mấy điều cố kỵ là: cuồng, nông và quái. Cuồng loạn thì dễ sanh thù hận, nông cạn lắm lúc thiệt thân, quái đản thì chỉ khiến người lánh xa, thành ra đơn độc. Cả ba điều cố kỵ, tiên sanh điều hội đủ, thật đáng buồn cho một người thành tựu khá cao, nhưng lại vô dụng đối với giang hồ. Tuy nhiên, tiên sanh chưa hề làm một điều cực ác, thì tại hạ cũng chẳng trách làm gì. Nếu tội ác đáng chết, thì một nhát kiếm đã cứa cổ tiên sanh rồi, tại hạ đâu cần gọt lông để cảnh cáo? Mong tiên sanh từ nay sửa thái độ.
Hoàng Tiết Tháo quát :
- Ta không mượn ngươi giáo huấn...
Yến Thiết Y cười nhẹ :
- Thuốc đắng giã tật, lời thật mích lòng, danh ngôn thường nghịch nhĩ. Tại hạ hiểu, còn tùy tiên sanh chấp nạp hay không, hậu quả của tiên sanh, không mảy may liên quan đến tại hạ.
Hoàng Tiết Tháo hét oang oang :
- Yến Thiết Y! Có phải ngươi đã ngầm giở chiêu, tiếp trợ tiểu tử họ Trần chăng?
Yến Thiết Y điềm nhiên đáp :
- Tại hạ có nói rồi, tiên sanh, Hoàng Thiên ám trợ hiếu tâm nhân! Tiên sanh không thấu triệt cái đạo lý đó sao? Khi Hoàng Thiên muốn, thì có bao nhiêu người sẵn sàng tuân theo cái ý của Hoàng Thiên.
Hoàng Tiết Tháo nghiến răng :
- Được rồi! Kể như hôm nay ta gặp xui.
Yến Thiết Y nghiêng mình :
- Núi tuy cao, biển tuy rộng, sông tuy dài, thế giới bao la, song người đi mãi cũng có lúc gặp nhau. Trong tương lai có biết bao nhiêu cơ hội trùng phùng? Đừng lo không có dịp tái ngộ, tiên sanh. Tại hạ xin cáo từ.
Hoàng Tiết Tháo hét vọng theo :
- Hậu hội hữu kỳ? Dù xuống đến Âm ty ta cũng chẳng tái ngộ ngươi.
Yến Thiết Y cùng hai cận vệ Hùng Đạo Nguyên và Thôi Hậu Đức bỏ đi luôn, không quay đầu lại.
Ra đến bìa rừng Hùng Đạo Nguyên ngẩng mặt nhìn trời thở dài, thốt :
- Đêm nay khỏi cần phải đi tìm chỗ nghỉ ngơi, trời sắp sáng rồi kia, thật đáng hận cho lão quái vật, tại lão mà mình mất hết một giấc ngủ!
Yến Thiết Y mỉm cười :
- Oán hận làm gì, Đạo Ngươn! Tuy mệt thật. song bù lại mình đã làm được một công đức khá lớn, thì cái tâm của mình rất an, tâm an mà thân nhọc, còn hơn thân an tâm nhọc.
Hùng Đạo Nguyên gật đầu :
- Khôi Thủ có lý. Đương nhiên tâm an đáng hơn thân an.
Bỗng, một tiếng động quái dị vọng đến tai họ, phát xuất lối ven rừng gần đó.
Thôi Hậu Đức nhanh như chớp quay mình, lão vén lên hai tay chụp chuôi cặp đao, mũi đao chĩa về phía âm thanh phát xuất.
Một thân hình cao ốm đang hổn hển chạy đến.
Yến Thiết Y chớp mắt :
- Trần Phẩm Đoan chưa đi à?
Đúng vậy, người mới đến chính là Trần Phẩm Đoan.
Thu đao về, Thôi Hậu Đức thét :
- Bằng hữu còn nấn ná ở đây làm gì nữa?
Trần Phẩm Đoan tiến tới sụp mình xuống lạy liền.
Yến Thiết Y vội nhảy tránh qua một bên gấp giọng hỏi :
- Muốn nói gì cứ nói, bằng hữu làm thế chẳng sợ tại hạ tổn đức sao?
Trần Phẩm Đoan đầm đìa lệ xúc động :
- Cáo tố anh hùng, tiểu nhân ra đến bên rừng, lòng những thắc mắc về sự việc vừa qua, tự hỏi tại sao mình thắng cuộc một cách nhiệm mầu như vây. Sau đó, tiểu nhân thức ngộ, ngoài sự âm thầm tiếp trợ của anh hùng thì còn một giải thích nào hợp lý hơn? Yếu tố giúp tiểu nhân là trước tiên, anh hùng khích lệ tiểu nhân dùng võ, anh hùng biết rõ tiểu nhân không là đối thủ của lão quỷ, nhưng anh hùng khuyên tiểu nhân xuất thủ, giục tiểu nhân xuất thủ để rồi bảo đảm thắng lợi cho tiểu nhân, quá rõ ràng, thế mà lúc ấy tiểu nhân không hiểu. Cứu được gia mẫu, là do ân đức sâu dày của anh hùng, tiểu nhân không biết làm sao để biểu đạt được lòng cảm kích.
Yến Thiết Y hòa dịu đáp :
- Cũng vì chuyện nhỏ nhặt đó, mà bằng hữu quay trở lại đây chờ tại hạ bước ra?
Trần Phẩm Đoan gật đầu :
- Thọ ân mà không nói được một tiếng nào thì nhạt niềm tri ân, ngoài niềm tri ân, thì lòng nào lại an mà bỏ gia mẫu đang chờ linh dược?
Yến Thiết Y bước tới nâng hắn lên, tiếp :
- Giúp bằng hữu chẳng qua tại hạ kính cái hiếu đạo của bằng hữu, chứ đâu phải vì một sự báo đáp? Đừng nói riêng gì tại hạ, hành động đó, dù cho bất cứ ai có điểm nhiệt huyết trong người, trước cảnh bất bình cũng phải làm một cái gì để chứng minh tình đồng loại tương thân tương trợ. Giả như lệnh đường nhờ hoàn thuốc này mà tồn tại được trên thế gian, cho bằng hữu tiếp tục phụng dưỡng, trọn đạo hiếu, thì đó là phần thưởng tinh thần xứng đáng cho tại hạ. Không nên thắc mắc, bằng hữu ạ.
Trần Phẩm Đoan buông giọng ai cầu, khẩn thiết :
- Đành là thế, song chưa biết được anh hùng là ai, thì tiểu nhân sẽ suốt đời ôm hận nặng bên lòng...
Nhẹ vỗ tay lên đầu vai hắn, ra tuồng thân thiện, Yến Thiết Y thốt :
- Dù tại hạ là ai, vẫn là một bằng hữu của lão đệ, điều đó chưa đủ sao, lại còn đòi hỏi thêm nữa?
Trần Phẩm Đoan thở ra :
- Anh hùng không chịu tiết lộ thì Phẩm Đoan này làm sao dám gượng cầu? Từ nay hình bóng là của anh hùng khắc ghi sâu đậm nơi tâm khảm tiểu nhân, không phút giây nào tiểu nhân quên khẩn cầu Phật Trời cho anh hùng luôn luôn gặp nhiều diễm phúc.
Yến Thiết Y lắc đầu :
- Tại hạ muốn lão đệ quên mất việc hôm nay đi. Có vậy, tại hạ mới cảm thấy thư thái cho.
Rồi chàng hỏi :
- Lão đệ về đâu? Phương hướng nào?
Trần Phẩm Đoan đưa tay chỉ phía trước đáp :
- Nơi đó, theo con đường này đi thẳng tới.
Yến Thiết Y gật đầu :
- Vậy là chúng ta cùng đi một đường. ngựa của lão đệ đâu?
Trần Phẩm Đoan thở dài :
- Cái ăn, cái uống hằng ngày thiếu thốn, phải cầm bán từ món lớn đến món nhỏ, hai mẹ con mới duy trì hơi thở đến ngày nay, tiền đâu mà mua ngựa, ân công.
Yến Thiết Y cau mày :
- Nhà lão đệ cách đây độ bao xa?
Trần Phẩm Đoan đáp :
- Hơn ba trăm dặm đường.
Yến Thiết Y chớp mắt :
- Ba trăm dặm đường? Chỉ bằng với đôi chân thôi?
Trần Phẩm Đoan gật đầu :
- Nhờ tiểu nhân có đôi chân rất dài, một ngày tiểu nhân có thể vượt được bảy tám chục dặm.
Yến Thiết Y kêu trời :
- Vừa đi vừa về, suýt soát bảy trăm dặm đường, với đôi chân? Thật là không tưởng nổi.
Hùng Đạo Nguyên và Thôi Hậu Đức kêu lên :
- Khổ cho Trần bằng hữu quá!
Yến Thiết Y tiếp :
- Đạo hiếu có thể làm cho con người đạp than tắm lửa! Nói chi đường dài! Các ngươi nhớ đó, mài sắt nên kim cũng thế thôi!
Chàng bảo :
- Hai người cưỡi chung một ngựa, nhường một con lại cho Trần lão đệ.
Trần Phẩm Đoan vội khoát tay :
- Không được tiểu nhân không thể nhận. Ân trước chưa đền khi nào dám thọ ân sau? Tiểu nhân xin chạy theo sau các vị cũng được.
Yến Thiết Y cau mày :
- Cứ nhận đi, cho tại hạ vui, lão đệ, giữa chúng ta thành thật với nhau là hay hơn, cái gì giúp cho nhau mình cứ làm, huống chi làm mà chẳng tổn hại chi đâu.
Cuối cùng Trần Phẩm Đoan phải nhận ngựa.
Đoàn người giục vó ra đi.
Trần Phẩm Đoan chỉ dẫn :
- Tệ gia ở tại trấn Đồng Đường.
Yến Thiết Y hỏi :
- Có cách Tích Đường trấn xa lắm không?
Trần Phẩm Đoan lắc đầu :
- Không xa lắm, chỉ cách độ hai trăm dặm thôi. Từ Đồng Đường trấn đến Tích Đường trấn với ngựa hay, mình chỉ mất hai ngày một đêm hành trình thôi.
Không hy vọng lắm, Yến Thiết Y vẫn hỏi như thường :
- Trần lão đệ là con nhà võ, song chẳng hay có hiểu ít nhiều về sinh hoạt của khách giang hồ vùng Tích Đường trấn chăng?
Trần Phẩm Đoan lắc đầu :
- Tiểu nhân hoàn toàn mù tịt, ân công. Tuy có học qua võ công, song tiểu nhân không hề xuất đạo, hằng ngày chỉ lo khai thác hiệu buôn nhan đèn nho nhỏ tại Đồng Đường, phụng dưỡng mẹ già. Thỉnh thoảng có lên núi săn thú thay đổi món ăn cho mẹ thôi.
Yến Thiết Y không nói gì nữa.
Trần Phẩm Đoan nói tiếp :
- Ân công muốn biết một vài chuyện gì đó về Tích Đường? Về hoàn cảnh của giới võ lâm địa phương? Tiểu nhân rất thẹn, không giúp ích cho ân công cả.
Yến Thiết Y cười nhẹ :
- Có chi đâu, lão đệ đừng thắc mắc, trong hoàn cảnh của lão đệ ai ai cũng thế, lo việc gia đình không đủ thì giờ, còn lưu ý đến việc của đời làm sao được. Huống chi lại là việc của chốn giang hồ, một giới phức tạp, hỗn loạn nhất trong xã hội.
Trần Phẩm Đoan tiếp :
- Giả như anh hùng muốn biết qua tình hình võ lâm tại Tích Đường, thì tiểu nhân xin giới thiệu với anh hùng vị đường huynh của tiểu nhân đây, y sẽ đến đó dò xét những điều anh đang cần biết. Y là một giáo đầu tại một võ đường tọa lạc nơi địa phương đó.
Yến Thiết Y mỉm cười :
- Khỏi!
Trần Phẩm Đoan thở dài :
- Tiểu nhân vô dụng quá.
Một lúc sau, Yến Thiết Y hỏi :
- Bịnh tình của lịnh đường như thế tại sao lão đệ không tìm thuốc ngay từ lúc khi mới phát, mà phải đợi đến bây giờ mói chịu bỏ công đi tìm Hoàng Tiết Tháo cầu xin một Tử Kim đơn? Giả như lão đệ không gặp được Minh Không hòa thượng, thì làm gì được hòa thượng chỉ dẫn? Giá như đêm nay không lấy được thuốc thì có phải là nguy chăng? Thế trong vùng phụ cận quí gia hương chẳng có y sư sao?
Trần Phẩm Đoan thở dài :
- Y sư thì quanh vùng chẳng thiếu chi, tiểu nhân cũng đã mời khắp mặt. Bao nhiêu tiền dành dụm đều tiêu pha hết sạch trong việc cứu chữa cho mẹ già, song cuối cùng tiền mất tật mang, theo tiểu nhân nhận xét, số y sư đó chỉ có tiếng chứ không có thực tài, nói năng khoác lác, chữa trị thì mơ hồ, thành thử mãi thêm bệnh với cái lối đau nam chữa bắc.
Yến Thiết Y hỏi :
- Phàm danh sư thì không cần phải ở giữa nơi đông đúc, bởi dù ở chốn sơn cùng thủy tận mà có tài cải tử hoàn sinh, thì khi cần, người ta dù có xa xôi đến tận chân trời thì cũng dò thăm mà đến yêu cầu cứu chữa. Đồng Đường, Tích Đường là những nơi rất thích hợp cho những bậc danh tài quy ẩn, thế mà quanh vùng chẳng có vị nào. Thật là một điều bất hạnh cho lão đệ.
Trần Phẩm Đoan đoạn dặng hắng một tiếng, tìm cách biện hộ cho người đồng hương. Hắn suy nghĩ một chút rồi nói :
- Thực ra, tại đó cũng có một vị y sư, rất tinh thông thuật cứu chữa, có điều y chỉ giỏi về khoa ngoại thương, chứ không hay lắm về môn nội chứng, nếu ai bị gãy tay, gãy chân, đứt thịt, tét da, cứ đến y là cầm như lành mạnh. Y có tài khâu vá hơn bất cứ y sư nào, người ta dám ví y là Hoa Đà, Biển Thước đó anh hùng. Cái hay của y là ở chỗ vết thương nào qua tay y khâu vá, là dùng gân nhỏ trong thịt dê để làm chỉ khâu, thủ thuật của y cực cao, cực diệu, chẳng rõ y làm cách nào, mà những sợi gân thịt để lạo dính liền vào da thịt, bất quá ai nhìn thật kỹ, thật lâu mới nhận ra được, dạng dạng đậu đỏ.
Điều mà Trần Phẩm Đoan vừa tiết lộ suýt nữa làm cho Hùng Đạo Nguyên và Thôi Hậu Đức ngừng thở.
Cả hai cùng quay đầu nhìn Yến Thiết Y.
Họ cố gượng lắm mới không buột miệng kêu lên kinh hãi.
Nhưng Yến Thiết Y vẫn bình tĩnh như thường, điểm một nụ cười điềm đạm hỏi :
- Thật vậy à? Quanh vùng này có một danh y chuyên giải phẫu siêu việt đến cỡ đó à?
Trần Phẩm Đoan đáp gấp :
- Tiểu nhân có nói dối với anh hùng làm gì? Vị y sư đó tại Bạch Hà thôn, cách Tích Đường trấn không xa lắm.
Rồi hắn tiếp :
- Y đòi lấy khoản thù lao cực nặng, từ lúc nào đến giờ, cửa nhà không treo chiêu bài, bởi thế mà người ta ít biết đến y. Tiểu nhân sở dĩ biết y là nhờ vị đường huynh làm giáo đầu tại một võ đường tại Tích Đường trấn. Đường huynh của tiểu nhân có dạo bị thương vì một nhát đao, nhờ y chừa trị. Tiểu nhân có trông thấy tận mắt vết thương đó lành lặn như da thịt thường, nếu đường huynh tiểu nhân không chỉ và không giải thích, thì tiểu nhân cũng không biết nổi vị trí của thương thế. Đường huynh tiểu nhân nói là vết thương sâu lắm, lưỡi đao chạm đến xương, tình trạng cực kỳ nghiêm trọng. Thế mà y chữa trị lành lặn như thường, phải kể y rất giỏi về khoa giải phẫu vậy.
Yến Thiết Y hỏi :
- Chỉ thấy dạng dạng dấu vết đường dây khâu thôi phải không?
Trần Phẩm Đoan gật đầu :
- Phải, chỗ dạng dạng đỏ đỏ, hơi lồi lên một chút, nhưng không lộ liễu lắm.
Yến Thiết Y hỏi :
- Vị y sư đó tên họ là chi?
Trần Phẩm Đoan đáp :
- Tên họ thì tiểu nhân không rõ lắm, chỉ biết thiên hạ gọi y là Diệu Thủ Hắc Tâm. Sở dĩ có danh từ Hắc Tâm, là vì y đòi thù lao cao quá, ai không tiền, đừng mong y chiếu cố.
Yến Thiết Y mỉm cười :
- Nghĩa là ai chi ra một số tiền lớn là y lập tức hành nghề?
Trần Phẩm Đoan mỉm cười :
- Cái đó thì hẳn rồi. Y là con người vì tiền mà!
Yến Thiết Y hỏi :
- Thực sự lão đệ không biết tên họ y?
Trần Phẩm Đoan lắc đầu :
- Có một lần, đường huynh của tiểu nhân nói cho biết tên họ, song tiểu nhân lưu ý mà làm chi, bởi trường hợp của gia mẫu có cần gì đến thủ thuật của y, vả lại trong vùng, ít ai nói đến tên họ y lắm. Chừng như y họ Kha thì phải, tôn tánh mường tượng Nãi Hòa. Giả sử như anh hùng muốn biết rõ hơn, thì sau khi đến Đồng Đường, tiểu nhân sẽ tìm cách hỏi đường huynh của tiểu nhân cho... Tiểu nhân từng thấy mặt y một vài lần, có thân vóc ốm nhỏ, mặt vạng má thỏn, mắt chuột, dưới cằm lưa thưa mấy sợi râu, ngón tay cực nhỏ cực dài...
Yến Thiết Y bĩu môi :
- Giống như một con chồn?
Trần Phẩm Đoan gật đầu :
- Nhưng thủ thuật thì cao diệu! Đường huynh tiểu nhân có hỏi y về cách chế luyện loại dây gân dê đó, song y không hề tiết lộ phương pháp chế luyện. Y khoe khoang là trên đời này chỉ có mỗi một mình y biết cách chế luyện loại dây đặc biệt đó thôi. Y còn nói là khắp thiên hạ chẳng một ai nhận ra được loại dây đó.
Yến Thiết Y lẩm nhẩm :
- Đúng là không ai nhận ra, nhưng nếu một người nhận được, một người thôi cũng đủ lắm rồi.
Trần Phẩm Đoan lấy làm lạ, chẳng hiểu vị anh hùng ân nhân của hắn lẩm nhẩm như thế là có ý tứ gì.
Yến Thiết Y cũng không cần giải thích.
Từ đó đoàn người lặng lẽ giục ngựa khởi hành.
Đến ngày thứ ba, vào giờ ngọ, họ đến Đồng Đường.
Đưa Trần Phẩm Đoan đến tận của nhà, Yến Thiết Y tặng hắn một trăm lượng bạc, Trần Phẩm Đoan cảm kích đến rơi lệ.
Yến Thiết Y không buông lời từ giã, bỏ lại hắn đó với nguồn lệ tuôn tràn, dẫn hai cận vệ đi luôn đến trấn Tích Đường.
Chàng không dừng chân lại trấn, đi luôn đến thôn Bạch Hà. Khi chàng đến nơi thì vào lúc hoàng hôn hôm sau.
Bấy giờ bọn họ thấm mệt không tưởng được.
Tính ra từ lúc rời Sở Giác Lãnh, họ đi suốt năm đêm bốn ngày, ngựa không dừng vó, người chẳng ngã lưng.
Bất quá, họ cũng có nghỉ chân trong chốc lát để ăn, để uống, người ăn uống, ngựa ăn uống, và họ thay phiên nhau ngồi mà chợp mắt một lúc, cho ngựa ráo mồ hôi nhưng thời gian thỉnh thoảng nghỉ đó cộng lại trong suốt mây đêm ngày không dài bằng một đêm tròn.
Ý chí báo thù nung nấu họ cực điểm, báo thù cho bằng hữu, còn như thế ấy, nói chi là báo thù cho chính cá nhân họ?
Bạch Hà thôn là một thôn nhỏ, một thôn như thiếu sinh khí, bởi nơi đây hầu như thiếu những mầm sinh hoạt, người ta sống miễn cưỡng, dật dờ, nhà cửa thưa thớt đến tiêu điều.
Một thôn gồm không hơn năm mươi nóc nhà, thì dân cư phỏng độ mấy trăm thôi.
Hùng Đạo Nguyên trông thấy một lão nông bên bờ ruộng, bèn đi đến hỏi thăm, lão nông sẵn sàng chỉ dẫn.
Thì ra tìm Diệu Thủ Hắc Tâm chẳng phải khó khăn gì đó.
Trong thôn, chỉ có một ngôi nhà bằng đá xanh, độc nhất bằng đá trong vùng. Chỉ có Diệu Thủ Hắc Tâm thôi có đủ tiền dựng lên một ngôi nhà bằng đá, còn thôn dân chỉ ở nhà tranh, nhà cỏ.
Ngôi nhà đá ở giữa một cái gò.
Như Trần Phẩm Đoan đã nói, ở đây người ta chỉ biết cái hiệu Diệu Thủ Hắc Tâm, chứ ít ai hiểu cái tên Kha Nãi Hòa.
Bọn Yến Thiết Y cho ngựa chạy về hướng lão nông chỉ, không lâu lắm, họ đến trước cửa nhà.
Yến Thiết Y hất mặt sang Hùng Đạo Nguyên, Hùng Đạo Nguyên hiểu, bèn xuống ngựa toan gọi cửa.
Nhưng vừa lúc đó, cánh cửa vụt mở ra, một người có thân vóc ốm, nhỏ, xuất hiện.
Sắc mặt vàng vàng, bộ mặt ốm, nhỏ, dài dài, như mặt khỉ, tuổi khá cao, người đó chừng như có việc cần xuất ngoại, vừa bước ra trông thấy Hùng Đạo Nguyên, lập tức khựng lại, rồi vào trong, mở to đôi mắt chuột mà nhìn.
Dù chưa dám chắc người đó là người của mình tìm, trông thấy chiếc rương thuốc nhỏ dưới nách, Hùng Đạo Nguyên dám đoán là đúng người y tìm.
Y hỏi :
- Lão trượng là Kha y sư?
Người đó giật mình, buông giọng dè dặt :
- Hỏi làm gì? Khách nhân muốn gì?
Thái độ không được hòa thiện lắm.
Hùng Đạo Nguyên lập lại câu hỏi :
- Tôn giá có phải là Kha y sư chăng?
Người đó đáp :
- Lão phu là Kha Nãi Hòa đây. Khách nhân muốn gì?
Xoa xoa hai tay, Hùng Đạo Nguyên điểm một nụ cười :
- Bọn tại hạ muốn thỉnh giáo nơi bậc danh y một điều...
Kha Nãi Hòa vẫn vói giọng gọn lạnh, đáp :
- Không có thì giờ tiếp khách, lão phu đang bận việc, nếu muốn hỏi gì thì ít nhất ước hẹn trước nửa tháng, đồng thời phí khuôn thù lao cũng phải ứng trước đầy đủ. Chứ tìm lão phu mà tìm cách đột ngột như thế này thì sai quy củ, lão phu không thể đáp ứng đâu. Hiện tại, lão phu cần đi gấp, xem qua tình trạng của một nạn nhân gãy chân...
Hùng Đạo Nguyên cố nở một nụ cười ưa vuốt :
- Sinh ý của lão trượng có vẻ thịnh vượng quá...
Kha Nãi Hòa lạnh lùng :
- Khách nhân nói thế là có ý tứ gì? Mình có thực tài, thì tự nhiên dể kiếm cái sống, chứ có gì lạ đâu?
Hùng Đạo Nguyên gật đầu :
- Đúng vậy.
Kha Nãi Hòa khoát tay :
- Khách nhân tránh qua mọt bên đi, cho lão phu bước qua, đã trễ lắm rồi.
Hùng Đạo Nguyên nghiêm giọng :
- Tại hạ muốn thỉnh giáo nơi lão trượng.
Kha Nãi Hòa hừ một tiếng :
- Lão phu đã nói rồi, khách nhân muốn gì, cứ chờ khi lão phu trở về đây, sẽ đề cập đến.
Hùng Đạo Nguyên hỏi :
- Lão trượng đi chữa bệnh cho ai đấy?
Kha Nãi Hòa bắt buộc phải đáp :
- Con trai của Lý phú ông, ở gần đây, hắn bị gãy chân trong ngày hôm qua.
Hùng Đạo Nguyên mỉm cười :
- Mới gãy chân trong hôm qua, thì đâu có ước hạn trước nửa tháng, đóng trước tiền thì lao chữa trị được. Mà lão trượng thì tuyên bố quy củ như vậy, phải không?
Kha Nãi Hòa thẹn, tức cao giọng hỏi :
- Ngươi là cái quái gì lại dám chen vào việc của ta? Ngươi không được nói lôi thôi nữa. Tránh qua một bên cho ta đi.
Hùng Đạo Nguyên hừ một tiếng :
- Chỉ sợ con nhà đại phú ông lại chi tiền không hơn khách qua đường đó lão trượng ạ. Lão trượng quả thật là người chỉ kể có tài lợi, mà quên mất nhân đạo. Giào hay nghèo cũng là một mạng người, chẳng lẽ chỉ lo cứu giàu mà bỏ mặc nghèo trong khốn đốn?
Kha Nãi Hòa xám mặt hét :
- Ai cho phép ngươi mắng ta? Ngươi có quyền gì phê phán ta, chen vào sinh hoạt của ta?
Hùng Đạo Nguyên cười mỉa :
- Đạo lý cho phép tại hạ can thiệp, nhân nghĩa cho phép tại hạ phê bình!
Kha Nãi Hòa lùi lại mấy bước, lại hét :
- Ngươi muốn gì?
Hùng Đạo Nguyên bước tới, đủ số bước lùi lại của Kha Nãi Hòa, trầm giọng bảo :
- Giải quyết trước việc của bọn tại hạ yêu cầu, rồi hãy đi mà tâng bốc, bợ đỡ bọn lắm bạc thừa tiền.
Kha Nãi Hòa hừ một tiếng :
- Ngươi đừng mong ức hiếp ta nổi. Ta sẽ báo quan, ta sẽ đầu cáo ngươi...
Hùng Đạo Nguyên lắc đầu :
- Tại hạ xem thường, Kha sư y!
Kha Nãi Hòa chớp chớp mắt :
- Ta hỏi thật sự, ngươi muốn gì?
Hùng Đạo Nguyên cao giọng :
- Tại hạ muốn y sư quay mình, trở vào nhà ngồi xuống sau đó, tại hạ cho biết ý muốn.
Kha Nãi Hòa hừ hừ :
- Nếu không thuận lời?
Hùng Đạo Nguyên cười rợn :
- Thì bàn tay này sẽ vặn họng y sư, như vặn cổ một con gà ốm.
Y đưa cao tay lên, bàn tay to bằng chiếc quạt, y khoa khoa hai tay đánh gió.
Kha Nãi Hòa biến sắc mặt. Lão kêu lên :
- Đừng lỗ mãng. Ngươi muốn ta trở vào thì trở vào.
Hùng Đạo Nguyên gật gù :
- Vậy là biết điều đấy.
Đoạn, y bước theo Kha Nãi Hòa, đến ngưỡng cửa, day lại gọi :
- Vào đi, Khôi Thủ.
Yến Thiết Y xuống ngựa, bước tới.
Kha Nãi Hòa kinh hãi, hỏi :
- Còn người nữa sao? Ai đấy hả?
Chưa hết, Thôi Hậu Đức cũng đã vào đến nơi, lão ta trố mắt nhìn.
Đông quá! Bọn này có thái độ ngang ngạnh, hẳn là không phải những tay hiền, Kha Nãi Hòa bắt đầu run sợ.
Làm gan, lão hỏi :
- Các ngươi cùng một đoàn?
Yến Thiết Y gật đầu :
- Phải, đồng bọn với nhau.
Gian nhà thô sơ, chẳng có vật gì quý giá, dược liệu bỏ bừa bãi, rải rác khắp nơi, mùi thuốc xông lên, khó chịu vô cùng.
Mọi người vào hết trong nhà rồi, Kha Nãi Hòa bèn hỏi :
- Việc gì đây, các ngươi nói cho nghe đi.
Yến Thiết Y nhếch mép nhưng không cười, từ từ hỏi :
- Sao lại có cả da thú, chừng như là da dê thì phải?
Kha Nãi Hòa đáp :
- Y thuật là môn học biến hóa vô cùng, người hành nghề phải luôn luôn nhiên cứu, tìm phương pháp chữa trị cho người đời, những vật đó cần thiết cho công cuộc nghiên cứu của ta, thì ta phải dự trữ.
Yến Thiết Y gật đầu :
- Tốt lắm!
Chợt chàng đi ngay vào đề :
- Lão sư! Mấy tháng trước đây, lão sư có làm điều chi thất đức chăng?
Lại biến sắc lượt nữa, Kha Nãi Hòa lắc đầu :
- Không hề. Giúp người, cứu người thì có, chứ hại người thì không.
Yến Thiết Y trầm giọng :
- Lão sư dối tại hạ?
Kha Nãi Hòa lo sợ :
- Dối để làm gì? Ngươi đừng có ngậm máu phun người.
Yến Thiết Y hỏi :
- Lão sư biết Hồ Tuân chứ?
Lão biến sắc lượt thứ tư. Sự biến đổi này tố cáo cái tâm không ngay thẳng của lão một cách lộ liễu. Lão lắc đầu, thốt :
- Không! Không! Ta chẳng biết ai là Hồ Tuân!
Yến Thiết Y mỉm cười :
- Còn Bùi Vịnh? Lão sư cũng chẳng biết luôn, phải không?
Kha Nãi Hòa lắc đầu :
- Ta chẳng biết Bùi Vịnh, Bùi Ngâm nào cả hết!
Yến Thiết Y cười mỉa :
- Cái gì, lão y sư cũng chẳng biết! Lão y sư thật thà đến thế, sống thanh đạm, ít giao du, chỉ giúp đời, không hại người, đáng ngợi lắm!
Chàng thuật lại tình hình của Bùi Vịnh ngày trước cho Kha Nãi Hòa biết, cả việc dùng chân vẽ chữ Bùi Vịnh.
Kha Nãi Hòa sợ đến bay hồn bạt vía, chối nguây nguẩy :
- Vu vơ! Vu vơ! Họa đâu mà đến cho ta bất ngờ như thế này? Quỷ nào ám ngươi mà ngươi đề án cho ta một cách vu vơ như thế? Ngươi muốn làm tiền ta phai không?
Yến Thiết Y điềm nhiên thốt :
- Lão y sư không chịu thú nhận? Được rồi!
Chàng gọi :
- Hùng Đạo Nguyên, ra ngoài dìu Bùi Vịnh vào đây cho ta, để song phương đối chất. Còn Thôi Hậu Đức, chuẩn bị mấy món hình cụ, chắc chắn là ta phải tra khảo mới ra manh mối!
Biết không thể nào man trá được nừa, Kha Nãi Hòa thét lên :
- Không cần dàn cuộc, ta sẽ nói, nói những gì ta biết.
Yến Thiết Y khoát tay.
Hùng Đạo Nguyên và Thôi Hậu Đức vờ bước đi, liền đứng lại.
Kha Nãi Hòa hỏi :
- Giả như lão phu nói hết sự thật, các vị có thể giấu diếm hộ lão phu chứ? Việc này, nếu mà tiết lậu ra, thì lão phu mất mạng ngay.
Yến Thiết Y đáp :
- Tại hạ bảo chứng với tiên sanh, là ngoài bọn tại hạ ra, chẳng một ai được biết. Tiên sanh hãy nói hết cho tại hạ rõ, tại sao tiên sanh hãm hại Bùi Vịnh.
Kha Nãi Hòa kêu lên :
- Nào có phải lão phu hãm hại họ Bùi đâu!
Yến Thiết Y gật đầu :
- Tại hạ tạm thời tin như vậy. Tiên sanh cứ thông thả thuật lại, từ đầu đến cuối, nên nhớ là càng nhanh càng hay. Tại hạ cần tranh thủ thời gian đấy.
Kha Nãi Hòa thở dài :
- Thực ra, chính lão phu cũng là một nạn nhân, lão phu bị bức phải làm, chứ nào phải tự nguyện giúp kẻ hung ác!
Rồi lão kể :
- Sự tình như thế này: bốn tháng trước đây, một đêm, bên ngoài đó còn mưa. Mưa lác đác, không lớn lắm lão phu sắp sửa đi ngủ, chợt cánh cửa phòng vụt mở ra, một người xuất hiện, tay lăm lăm thanh đao, đao đè sát yết hầu lão phu. Người đó bảo lão phu phải đi theo y, làm một việc theo ý muốn của y. Tự nhiên, lão phu còn muốn sống, nên bắt buộc phải tuân lời...
Yến Thiết Y hỏi :
- Đi theo y, để đến một nơi nào đó, may miệng Bùi Vịnh?
Kha Nãi Hòa gật đầu :
- Đúng. Lão phu bị bức bách phải làm việc hại người, trong khi nghề nghiệp của lão phu là cứu người...
Yến Thiết Y hỏi :
- Tuy nhiên, trước khi may miệng, cũng phải cưa môi cho thành răng lược rồi đâu lại chứ?
Kha Nãi Hòa gật đầu :
- Phải!
Nhưng, biết là lỡ lời, lão nín lặng.
Bởi, đã nói là cứu người, sao lại cưa môi người?
Yến Thiết Y mỉm cười!
- Tại sao tiên sanh may kỹ thế? Nếu bị bức bách, bất quá tiên sanh thao thảo mà làm gấp, cho song việc thôi, chứ cần gì phải tận dụng xảo thuật của tiên sanh? Có lẽ tiên sanh sợ sau này Bùi Vịnh thoát nạn sẽ tố cáo tiên sanh, nên bít luôn cái miệng của y, cho y vĩnh viễn không nói năng được? Tiên sanh thừa hiểu, mất cả hai tay, Bùi Vịnh không thể viết chữ được kia mà?
Kha Nãi Hòa lắc đầu :
- Không, lão phu chẳng có ý tứ gì hết, chính Hồ Tuân đứng một bên giám thị, bức lão phu làm theo sự chỉ dẫn của y.