Giả Làm Bạn Trai

Chương 31

Được không?

Đàn anh họ Văn suýt nữa bị sặc nước miếng chết.

Xe phía sau bóp còi inh ỏi thúc giục, anh vội đánh tay lái chạy tiếp, một lúc sau hoàn hồn mới lắp bắp hỏi: “A Hòa à, có phải cậu…cậu bị kích thích chuyện gì không? Anh hiểu là cậu muốn nhanh chóng thoát khỏi đám người phiền toái kia, nhưng mà kết hôn không phải chuyện đùa, anh nghe nói cậu vừa mới quen bạn trai ở thành phố H kia mà?”

Hà Hòa ngồi ngay ngắn lại, thờ ơ nhìn dòng xe tấp nập nối đuôi nhau phía trước, cười vu vơ: “Làm gì có, người nhà họ Hà tung tin đồn nhảm thế thôi. Còn việc kết hôn, anh, mình có thể làm hợp đồng hôn nhân mà, chờ mọi việc êm xuôi thì ly dị là được. Sau này nếu anh gặp ý trung nhân thì em sẽ ra mặt giải thích ngọn nguồn giúp anh. Ngoài ra để đền bù tổn thất tinh thần cho anh em sẽ bồi thường thỏa đáng, mười triệu được chứ?”

Văn Duyên khụ khụ ho khan vài tiếng, bất đắc dĩ nói: “Anh biết chú em có tiền rồi, là một Tán Tài Đồng Tử tiếng tăm lẫy lừng, nhưng mà cũng đừng có làm ra vẻ ông đây không thiếu tiền đi kích thích người ta chớ. Mười triệu của cậu đừng nói mua một cuộc hôn nhân hợp đồng, mua luôn một chú rể còn được.”

Hà Hòa cười nói: “Vậy anh đồng ý vụ làm ăn này không?”

Văn Duyên cân nhắc một chút, nói: “Anh đây thì không thành vấn đề, nghe thì anh cũng thấy hấp dẫn đó, nhưng mà còn cậu…” Mười triệu đó, tuy rằng bây giờ anh làm việc cho Hà Hòa lương đã rất cao rồi, nhưng mười triệu thì bằng người bình thường phấn đấu hai ba chục năm, sao mà không động lòng cho được.

Chỉ có điều anh vẫn cảm thấy Hà Hòa đang kích động chuyện gì đó, nhất thời có hơi cực đoan. Hơn nữa anh cảm thấy “bạn trai ở thành phố H” không đơn giản như Hà Hòa nói. Anh thở dài nói: “Thôi cứ để anh tìm người mua cổ phần cái đã, cậu suy xét cho cẩn thận đi. Việc này gấp cũng không được, nếu đến cuối cùng cậu vẫn không đổi ý thì coi như anh đây được hời.”

Hà Hòa hài lòng mỉm cười.

Chắc chắn mình sẽ không đổi ý, chẳng có lý do gì để đổi ý cả.

Nhưng mà Văn Duyên nói cũng có lý, chuyện này không nóng vội được, trước hết phải tìm được người mua rồi mới có thể tính tiếp bước tiếp theo. Tìm được người rồi còn phải hiệp thương, sau đó đi lãnh giấy kết hôn, rồi mới bán cổ phần đi. Chỉ khi chuẩn bị thật chu đáo thì mới đánh úp làm bên kia trở tay không kịp được. Đương nhiên là cũng phải tính đường lui cho mình nữa.

Trước mắt Hà Hòa cần làm người nhà họ Hà yên tâm đã, không biết Hà Côn Minh ung thư thật hay giả đây, Hà Hòa thản nhiên nghĩ.

Hai người không tiếp tục đề tài này nữa, Văn Duyên hỏi sang chuyện khác: “Cậu có muốn đi kiểm tra tình hình quỹ hội không?”

Mỗi năm Hà Hòa được chia một số hoa hồng khổng lồ từ công ty của hai nhà Hà, Hạ, đặc biệt là lúc rời khỏi nhà họ Hà, cậu cuốn theo cả số tiền hoa hồng tích lũy trong mười mấy năm của mình do người giám hộ Hà Côn Minh nắm giữ, lấy không sót một xu nào. Một số tiền khủng như vậy không bị người ta ngày đêm thương nhớ mới là lạ.

Hà Hòa từng có ý định dùng số tiền này đi đầu tư, nhưng cậu không có năng khiếu về mảng này lắm, cũng không thấy hứng thú gì, lại lo lắng làm ăn sẽ bị hai nhà kia ngáng chân. Thế là cậu bỏ qua ý định này, dồn tiền đi làm công ích.

Hằng năm, ngoại trừ định kì quyên góp cho mấy tổ chức từ thiện đáng tin cậy, Hà Hòa còn dùng nhiều danh nghĩa để gây quỹ giúp đỡ cho học sinh nghèo, mỗi lần có địa phương nào gặp thiên tai cũng không thiếu tiền quyên tặng của cậu. Không những vậy, cậu còn nhúng tay vào một số dự án nghiên cứu an sinh xã hội, trong đó có không ít dự án của nhà nước.

Bởi vì Hà Hòa ra tay hào phóng, không có yêu cầu điều kiện gì nhiều nên cũng tạo được kha khá mối quan hệ vững chắc, bằng không làm sao cậu có thể thuận buồm xuôi gió ở thành phố H bốn năm nay được, dựa vào vị bác cả kia chống lưng cho chắc? Cứ cho là bác cả giấu được người nhà họ Hà đi, thế còn người nhà họ Hạ lẽ nào lại để yên?

Từ trước đến nay, Hà Hòa luôn là dùng tiền để sự mua bình yên, đương nhiên sẽ có người sẵn sàng giúp cậu. Mà hai nhà Hà, Hạ đời nào cam lòng, không lúc nào là không nhăm nhe muốn cắt tài chính của cậu. Nhưng cứ cho là hai nhà đạt được thỏa thuận đi, thì những người chống lưng cho Hà Hòa là những người đầu tiên không cho phép lợi ích của họ bị ảnh hưởng, cuối cùng bọn họ chỉ có thể ôm nỗi đau thịt bị đào khoét mà nhìn cậu rải tiền như một đứa phá của.

Nghe Văn Duyên hỏi, Hà Hòa cười trả lời: “Không cần đâu, giao cho anh là em yên tâm rồi.”

Cậu là đang nói thật lòng. Hai người đã quen biết nhau từ hồi cấp hai, đàn anh hơn cậu năm tuổi. Lúc cậu rời khỏi nhà họ Hà thì anh đã đi làm, năng lực miễn chê, hai người liền hợp tác với nhau hết sức tự nhiên. Mấy năm nay Văn Duyên quản lý tài vụ cho Hà Hòa, hai nhà kia không ít lần đến tìm anh với ý đồ muốn lôi kéo để lập lờ đánh lận con đen hốt một mớ, nhưng anh chưa bao giờ dao động, trước sau như một.

Văn Duyên rất cảm động vì Hà Hòa tin tưởng mình, nhưng vẫn làm tròn chức trách báo cáo rõ tình hình tài chính trong một năm trở lại đây. Năm qua đã quyên góp cho những tổ chức nào, giúp đỡ bao nhiêu học sinh vùng sâu vùng xa, có bao nhiêu khoản đầu tư có lãi, đạt được bao nhiêu lợi nhuận đều nói rõ ràng mạch lạc.

Tóm lại là mọi thứ vẫn đang trên đà phát triển tốt.

Văn Duyên lại hỏi Hà Hòa có muốn gặp người quản lý các quỹ từ thiện và những người phụ trách dự án nghiên cứu không nhưng Hà Hòa từ chối. Cậu không có hứng thú với những việc đó, cũng không nhất thiết phải ra mặt. Cậu hờ hững nói: “Đưa em đến bệnh viên đi.”

Đi xem thử người cha bị ung thư kia thế nào rồi.



Hà Côn Minh nằm ở bệnh viện tư tốt nhất thủ đô. Lúc Hà Hòa đến dáng vẻ ông ta như người sắp chết đến nơi, nằm trên giường bệnh, mặt vàng như sáp, còn hơi bị phù thũng. Hà Hòa cũng có biết một số thường thức về y học, xem ra là gan của ông ta có vấn đề.

Cậu vừa xuất hiện, Hà Côn Minh dường như rất kích động, vừa làm như rất cảm động cậu trở về nhanh như vậy, nhưng cũng vừa ra vẻ người cha giận dỗi đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, lạnh nhạt nói: “Con còn biết quay về sao, cha còn tưởng cha chết rồi con cũng không chịu về kia đấy.”

Hà Hòa quan sát một vòng trên gương mặt của ông ta, không hé nửa lời, bình tĩnh ngồi xuống mép giường cầm lấy một quả táo chậm rãi gọt vỏ.

Phản ứng của Hà Hòa làm Hà Côn Minh nghẹn, không biết tiếp theo phải diễn thế nào.

Kịch một vai luôn nhàm chán như vậy đấy.

Ông ta đành phải khô khan thở dài: “Bác sĩ nói cha chỉ còn sống được mấy tháng nữa thôi, con cũng đừng chạy khắp nơi nữa. Có gì cũng chờ cha xuống dưới kia đã, đây là nguyện vọng cuối cùng của người làm cha này, đừng quá đáng quá.”

Hà Hòa cong môi cười ruồi, rốt cuộc cũng mở miệng: “Tôi còn tưởng rằng mong muốn cuối cùng của cha là tôi kết hôn với kẻ nào đó, rồi chuyển nhượng cổ phần lại cho cha chứ.”

Hà Côn Minh lại nghẹn, phản ứng của Hà Hòa thật ngoài dự đoán của ông ta. Đến bây giờ ông ta mới thực sự tin lời Triệu Nhuận Trạch nói, Hà Hòa đã thay đổi thật rồi, những chiêu trước kia đều mất tác dụng cả.

Ông ta lạnh mặt xuống: “Nói đến cổ phần, số cổ phần đó đều là của người trong nhà hết. Con nhìn anh chị em họ của con xem, kể cả cha con là ta đây cũng không có được con số 10% như con đâu. Mấy anh em họ của con cùng lắm chỉ nhận không phẩy mấy phần trăm là đã coi như đủ ăn xài cả đời. Anh cả của con làm lễ trưởng thành ông nội cũng chỉ cho có 2% thôi, mà đó đã là đãi ngộ duy nhất của cháu đích tôn rồi đấy.”

Ông ta nói đến đây thì bày ra vẻ mặt đau khổ tự trách: “Nói đi nói lại cũng do cha tạo nghiệt, sinh ra con tính tình ương ngạnh như vậy, gây phiền hà cho người nhà. Con có biết vì cổ phần trên tay con mà mấy năm nay đám cổ đông kia cứ rục rịch không yên không? Có biết có bao nhiêu người lăm le muốn lấy số cổ phần đó để công kích Hà thị không? Ông nội con, bác cả con ngày đêm nhọc lòng sầu lo vì chuyện này con có biết không hả?”

Tiếp đó, ông ta đổi chiều dịu giọng khuyên bảo: “Đã nhiều năm như vậy rồi, con lấy được khoản tiền hoa hồng kếch xù rồi thì cũng biết đường mà thu tay lại đi. Người trong nhà chẳng nợ con cái gì, con chuyển số cổ phần đó lại cho ông nội con, cũng coi như là hoàn thành tâm nguyện trước khi chết của cha, dọn dẹp những mối họa tiềm tàng cho nhà ta.”

Hà Hòa vừa nhởn nhơ gọt táo vừa xem người cha của mình diễn kịch, biểu cảm và giọng điệu vô cùng phong phú, còn cảm thấy rất thú vị luôn.

Người cha này của cậu vẻ ngoài rất được, bởi vì đã từng đi lính nên cũng có vài phần khí thế, nhìn qua thì thấy chính trực ngay thẳng, lời nói cũng đầy vẻ đứng đắn, rất dễ làm người ta tín nhiệm và nghe theo.

Cho dù lúc này cả người ông ta gầy đét vàng vọt thì cũng vẫn còn phong cách lắm, kể ra đây cũng là một loại bản lĩnh đó chứ.

Lúc còn nhỏ Hà Hòa từng bị mất trí nhớ, sau đó khi về sống ở nhà họ Hà mọi người nghĩ cậu đã có một khoảng thời gian tươi đẹp. Mười năm làm cậu ấm nhỏ được nhận hết yêu chiều. Tất cả mọi người trong nhà họ Hà đều nhường nhịn cậu, che chở cậu, chiều chuộng cậu hết mực. Người cha này tuy bạc bẽo với người khác nhưng trước mặt cậu vẫn vĩnh viễn trưng ra vẻ mặt hiền hòa dịu dàng nhất.

Nhưng Hà Hòa không ngốc, cậu luôn cảm thấy có gì đó sai sai.

Ví dụ như ông nội nghe nói là yêu thương mình nhất, lúc nào gặp mình cũng cười hiền lành, nhưng trong đôi mắt lại không có chút cảm tình ấm áp nào. Lúc mình vắng mặt ông đều dùng giọng điệu cứng nhắc lạnh lẽo để nói tới mình.

Ví dụ như bác hai tính tình sáng sủa luôn cười cợt đùa vui với mình, nhưng lần nào cũng nhìn mình một cách tham lam trắng trợn như đang nhìn một món hàng.

Ví dụ như bác gái suốt ngày miễn cường mỉm cười với mình, nhưng diễn xuất quá tệ đến nỗi để lộ ra nỗi ghen ghét sâu sắc qua những chiếc móng tay xinh đẹp bấu chặt vào lòng bàn tay.

Chưa kể đến những ánh mắt kì dị của người làm trong nhà, những cuộc thảo luận lén lút sau lưng, cùng với đám anh chị em cùng lứa đố kị, xa lánh, trêu cợt, còn cả đám bà con thân thích mỗi lần đến làm khách là cứ nhìn mình với vẻ đánh giá ước lượng.

Vì thế cho nên sau khi Hà Hòa lớn lên một chút, khoảng mười hai mười ba tuổi, cậu đã hiểu rất rõ rằng phía sau những yêu thương đó nhất định có chứa những toan tính đen tối không muốn để người khác biết, có một nguyên nhân nào đó khiến những người này không ưa cậu nhưng lại không thể không giả vờ làm người tốt trước mặt cậu.

Ban đầu khi vừa phát hiện bí mật này Hà Hòa cảm thấy như mình bị ném đến một xứ sở lạnh lẽo đến sởn tóc gáy. Cậu luôn bị ám ảnh rằng những con người mang mặt nạ ngụy trang này một ngày nào đó sẽ lấy dao thọc chết mình hoặc hạ độc vào đồ ăn của mình.

Hà Hòa thường xuyên gặp ác mộng trong suốt một thời gian dài sau đó. Cậu không lúc nào là không cẩn trọng, nhìn đồ ăn sẽ tự hỏi trong đó có độc hay có bị ai nhổ nước miếng vào hay không.

Áp lực đè nặng lên đôi vai cậu, một đứa trẻ không khống chế được nỗi sợ của mình sẽ dần trở nên âm u trong mắt người khác. Cho nên khi đó hình tượng cậu ấm tính tình kiêu ngạo, khó ở khó hầu hạ, thích gì làm nấy của Hà Hòa đã bị đồn đãi, lan truyền đi khắp nơi.

Vào thời điểm đó, người cậu tin tưởng chỉ có cha và người bạn thân thiết Triệu Nhuận Trạch ở bên cạnh bầu bạn với mình.

Thế nhưng, sau đó Hà Hòa mới dần dần phát hiện ra, rất có thể cha mình mới là người che giấu giỏi nhất. Cậu tình cờ thấy được ánh mắt của Hà Côn Minh nhìn mình khi nhìn qua một tấm gương. Đó là một đôi mắt tràn đầy sự ghét bỏ và căm hận, giống như lúc đó ông ta đang nhìn một miếng rác bên đường, một kẻ thù lâu năm chứ không phải con trai mình.

Không thể diễn tả được lúc đó Hà Hòa đã sợ hãi thế nào, nhưng cậu đã hình thành thói quen giả ngu để đề phòng người khác nên cũng không lộ ra sơ hở gì. Cậu mang theo cảm xúc hoang mang và tủi thân quá đỗi mà thận trọng quan sát cha mình. Cậu nhận ra lúc ở cùng với mình cha luôn luôn cố gắng kiềm chế tính tình nóng nảy, có khi cậu còn nghĩ không chừng cha đang kiềm chế mong muốn hành hung mình cũng nên.

Nếu Hà Hòa vô ý đụng vào tay Hà Côn Minh thì sau đó nhất định ông ta sẽ đi rửa, chạm vào quần áo thì ông ta không bao giờ mặc lại bộ đồ đó lần nào nữa. Chỗ cậu từng ngồi, đồ vật cậu từng cầm Hà Côn Minh cũng tuyệt đối tránh xa.

Người khác thì không nói, nhưng lúc phát giác ra sự thật về cha mình Hà Hòa sốc không thể tưởng. Cậu đã từng quá tin cậy và thương yêu cha mình, xem cha là chỗ dựa cuối cùng khi bị người khác ghét bỏ. Thật không ngờ, sự thật lại tàn nhẫn đến nhường ấy.

Cậu đau khổ rất lâu, bàng hoàng rất lâu, cho đến khi có người tiết lộ cho cậu biết sự thật về số tài sản khổng lồ cậu đang nắm giữ.

Mọi chuyện đã rõ mồn một trước mắt.

Từ đó về sau, Hà Côn Minh cũng bị liệt vào danh sách những người cần đề phòng của Hà Hòa. Cậu dùng thái độ của kẻ ngoài cuộc để xem những người xung quanh mình mang mặt nạ giả dối mà diễn vở kịch gia đình hòa thuận, rồi chính cậu cũng phối hợp diễn xuất với bọn họ.

Hà Hòa đã từng tự giễu trong lòng, người ngoài ngưỡng mộ danh gia vọng tộc hào nhoáng đứng trên vạn người mà nào có biết chỉ vì một mớ tiền mà những người tự xưng là cao quý đó có thể hạ thấp thân phận của mình, đi lấy lòng một đứa nhóc miệng còn hôi sữa, thậm chí cả ông nội lang bạt sương gió hơn nửa đời người cũng không ngoại lệ. Thật vinh hạnh biết bao.

Năm ấy Hà Hòa mười lăm tuổi.

Cậu ơ hờ nhìn những kẻ đó diễn kịch suốt ba năm ròng, tất cả những oán, hận, giận, bi đều nén chặt lại nơi đáy lòng.

Mười tám tuổi, Hà Hòa bỏ nhà đi. Tuy rằng biểu hiện bên ngoài có vẻ rất mãnh liệt, giống như đột nhiên phát hiện ra sự thật, giống như bị người khác xúi giục, mà thật ra thì trong đó cũng có nguyên nhân là tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của Triệu Nhuận Trạch thật, nhưng thật lòng mà nói lúc đó Hà Hòa khá bình tĩnh, đó chỉ là bước đầu của kế hoạch mà thôi.

Mà màn diễn của cậu cũng thành công qua mặt được bác cả, được bác cả phối hợp, thậm chí phải nói là nhượng bộ.

Vì thế lần này cậu trở về thưởng thức màn diễn mới của Hà Côn Minh theo ý của bọn họ, ngoại trừ cảm khái ra, Hà Hòa còn có một chút ý trào phúng trong lòng.

Bốn năm đã trôi qua thế mà không có chút tiến bộ nào, không chỉ mình không tiến bộ, mà người trước mặt này cũng không tiến bộ gì hết.

Bắt cậu tung hứng cùng diễn một lần nữa? Đã không còn hứng thú rồi.