Tối đó trên đường về quê, tôi dựa vào cửa sổ xe, nghĩ đến việc không còn được gặp ông nội nữa, nước mắt tự nhiên tuôn rơi.
Em gái tôi hỏi vì sao tôi khóc.
Tôi sợ nó buồn, bèn nói: “Ông nội bị bệnh rồi.”
Ngày khâm liệm và nhập quan, tôi nói với ba má: “Đừng để em con biết ông nội qua đời, nó không tham gia tang lễ, dễ giấu lắm, chờ về Tô Châu, nó vẫn sẽ cho rằng ông nội đang ở quê.”
Ba má gật đầu đồng ý.
Chúng tôi rất cẩn thận, chỉ cần có ai đó bàn chuyện ông nội qua đời, tôi lập tức dẫn nó đi chỗ khác. Hôm chôn cất, tôi nhờ người dẫn nó lánh đi.
Tới tối, người thăm viếng về hết, tôi ngồi trong sân ngắm sao, nó rúc vào lòng tôi. Hai anh em không nói gì.
Bỗng nhiên đứa em họ ba tuổi nhà chú út chạy tới hỏi tôi: “Anh ơi, ông nội đâu ạ?”
Tôi cũng ôm em họ vào lòng: “Ông nội ngủ rồi.”
Thằng bé lại hỏi: “Vậy ông nội ngủ bao lâu, chừng nào dậy ạ?”
Tôi cười bảo: “Ông nội mệt lắm nên phải ngủ nhiều.”
Sau một hồi im lặng, em gái tôi bỗng vùng ra khỏi lòng tôi, bỏ chạy.
Tôi cười, thầm nghĩ: chắc lại ghen tị vì tôi ôm em họ đây mà.
Sau đó tôi mới biết nó chạy đi tìm má. Hôm ấy nó thì thầm vào tai má tôi: “Má ơi, má đừng nói cho anh hai biết ông nội qua đời rồi nha, anh hai sẽ khóc mất, anh hai tưởng ông nội chỉ ngủ thôi.”
Hóa ra cái gì nó cũng biết.
(2)
Trước kia, mỗi lần từ Tô Châu về quê, tới nhà nội đã là nửa đêm nhưng ông nội luôn bật sáng đèn chờ chúng tôi về.
Mỗi lần mở cửa ra, em gái tôi lập tức nhào vào lòng ông nội: “Ông nội ơi, ông nội có nhớ con không?”
Ông nội không trả lời mà liên tục cười to.
Bây giờ, tiếng cười ấy đã không còn nữa.
Có lần về quê, đứng trước mộ phần ông nội, em gái tôi hỏi: “Ông nội ơi, ông nội có nhớ con không?”
Một lát sau, nó chỉ vào ngọn cỏ nhỏ mọc trên mộ, nói: “Nếu ông nội nhớ con thì hãy làm ngọn cỏ động đậy đi ạ.”
Nói xong, nó cúi người nhìn chằm chằm ngọn cỏ, đợi một lát, không thấy ngọn cỏ lay động.
Nó nhìn một chiếc lá rụng, cười nói: “Ông nội ơi, nếu ông nội nhớ con thì hãy làm chiếc lá này động đậy đi ạ.” Nói xong, mặc kệ đất bẩn, nó quỳ xuống nhìn chiếc lá, mặt dí sát xuống đất.
Lần này đợi rất lâu, chiếc lá vẫn không nhúc nhích.
Nó đứng dậy, vừa phủi bụi trên người vừa nói: “Chắc là ông nội ngủ rồi.”
(3)
Tôi dẫn em gái đi tảo mộ.
Xong xuôi, tôi chờ nó hỏi “Ông nội ơi, ông nội có nhớ con không?” nhưng mãi mà nó không hỏi, có lẽ là cảm thấy vô nghĩa.
Tôi nói: “Ông nội ơi, nếu ông nội nhớ Thiên Hủy thì hãy làm cây bạch quả động đậy đi ạ.”
Tôi cũng vui lây: “Ông nội ơi, nếu ông nội rất nhớ, rất nhớ Thiên Hủy thì hãy làm cây bạch quả ở đằng kia động đậy đi ạ.”
Lá cây bạch quả phía xa xa lay xào xạc.
Nó phấn khích đến mức suýt nhảy cẩng lên.
“Nào, múa cho ông nội xem bài múa mà em mới học đi.”
Nó thoáng ngơ ngác, sau đó bắt đầu múa.
“Qua đây, múa dưới gốc cây này nè.”
Đầu thu, lá cây bạch quả úa vàng, nó múa dưới táng cây, những chiếc lá bạch quả vàng óng lả tả buông lơi.
(4)
Về nhà, em gái tôi kích động kể với ba má: “Ông nội nhớ con lắm! Lá cây bạch quả cứ động đậy hoài luôn…”
Má lén hỏi tôi: “Lúc đó gió lớn lắm à?”
Tôi nói: “Không phải ạ, thằng Hải Dương mà con hay chơi chung hồi nhỏ giúp đấy. Tụi con cột một sợi dây lên cành cây, giật nhánh cây xong là nó chạy đi núp.”
(5)
Sau này, mỗi lần đi thăm ông nội, tôi đều gọi Hải Dương đi cùng để bố trí hiện trường.
Hải Dương nói: “Đã đứng trước mộ phần rồi, mày còn bày ra mấy thứ này làm gì? Sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên, sớm muộn gì con bé cũng phải biết.”
Có lẽ một ngày nào đó, em gái tôi cũng sẽ hỏi tôi câu như vậy.
Tôi sẽ trả lời: “Anh hai không nỡ nhìn em buồn, anh hai muốn em sống trong thế giới cổ tích do anh hai tạo ra.”