Em Là Thư Tình Mà Thế Giới Viết Tặng Anh

Chương 2-4: Chỉ có nó sợ tôi bị thương

(1)

Em gái tôi biết tôi sợ chuột, có lần đến tiệm bán thú cưng, nó và ba má xem say sưa, còn tôi đứng cách xa, nó cười nhạo tôi suốt.

Một lần về nhà nội.

Phòng khách nhà nội rất nhỏ, hai anh em tôi đang ngồi trên ghế xem ti vi thì đột nhiên dưới chân xuất hiện con chuột bự tổ chảng. Tôi vừa rụt chân lại vừa hét to, cả người rúc lại thành một đống trên ghế.

Em gái tôi đứng đằng trước tôi, hai tay dang rộng che chắn cho tôi, nhổ mấy bãi nước bọt vào con chuột, nói: “Cút cút cút, đừng tới đây, mau tránh ra!”

Nó giậm mạnh chân hòng đuổi con chuột đi nhưng con chuột chẳng những không sợ mà còn bò tới gần nó.

Nó òa khóc, quay đầu chui vào lòng tôi.

Tôi vội vàng ôm nó, an ủi nó hồi lâu.

Nó cũng sợ, vậy mà lại đứng chắn cho tôi?

(2)

Có một lần, lúc bước qua lan can thì tôi bị miếng sắt cứa vào bắp chân, máu chảy không ngừng, trông rất đáng sợ.

Bác sĩ khử trùng vết thương cho tôi, em gái tôi đứng ở bên cạnh vừa nhìn vừa mếu máo khóc: “Anh hai làm anh kiểu gì thế? Anh hai làm anh kiểu gì thế… Anh hai làm anh kiểu gì thế…” Nước mắt chảy vào miệng làm nó bị sặc, ho sặc sụa.

Y tá hết hồn, bảo má tôi dẫn nó ra ngoài.

Từ bệnh viện về, tôi hỏi nó: “Anh hai bị thương thì có liên quan gì tới việc “anh hai làm anh kiểu gì” hả?”

Người bị thương là tôi mà, nhẽ ra nó phải giận cái lan can chứ?

Nó cúi đầu không trả lời tôi, trông rất tức giận.

Một cậu bé hàng xóm sang nhà tôi chơi, thấy đùi tôi bị quấn băng, thằng bé tò mò, giơ tay sờ thử. Con bé đứng bên cạnh gào khóc, vừa khóc vừa chất vấn thằng nhóc: “Tớ đụng vô người cậu xem cậu có đau không? Nếu là cậu, cậu có đau không? Nếu là… nếu là cậu… cậu có đau không…”

Thằng bé sợ quá bỏ chạy.

Tôi an ủi em gái: “Nín nào, anh hai không đau đâu…”

Nó gục trong lòng tôi khóc tiếp: “Anh hai làm anh kiểu gì thế? Anh hai làm anh kiểu gì thế…”

Hóa ra trong lòng nó, một người anh tốt là phải bảo vệ tốt bản thân.

(3)

Có hôm về nhà nội, tôi mượn chiếc xe đạp có ghế tựa cho trẻ em rồi định dẫn em gái đi chơi.

Lúc ra đến cửa, má tôi dặn đi dặn lại: “Đường ở quê gập ghềnh, cẩn thận đấy! Nếu để em té, xem má có giết con không…”

Tôi vâng vâng dạ dạ, dẫn em gái đi.

Khắp nơi vùng nông thôn đều đang xây nhà, đất đá chất đống ngoài đường.

Lúc đạp tới gần một đống cát, xe bị trượt bánh, cả người cả xe ngã nhào.

Em gái tôi nằm dưới đất ôm đầu khóc to.

Tôi ôm lấy nó, nhìn thấy trên trán nó sưng một cục, ri rỉ máu.

Nó khóc to, giọng nấc nghẹn: “Sao anh hai chạy xe nhanh dữ vậy…”

Nó nằm trong lòng tôi, vừa khóc vừa trách tôi.

Không dám đạp xe tiếp nữa, hai anh em cũng không bị gì to tát, vậy là tôi dắt xe, dẫn em về nhà. Trên đường đi nó khóc miết, không thèm để ý tới tôi.

Gần về tới nhà, nó bỗng dừng lại, ngẩng đầu nói với tôi: “Đừng nói với má cục u trên trán em là do bị té xe, má sẽ đánh anh hai mất.”

Tôi không nói gì, mở cửa ngõ chuẩn bị đi vào nhà.

Nó nâng cao giọng hỏi lại: “Anh hai có nghe không đó?”

Tôi gật đầu.

(4)

Tôi giống má ở chỗ rất thường xuyên bị viêm loét khoang miệng.

Có lần về nhà, miệng tôi bị viêm loét, há hay không há miệng đều đau.

Tôi đi bệnh viện khám, bác sĩ viết cho tôi đơn thuốc: “Nhớ bổ sung nhiều vitamin.”

Tôi nghĩ ngợi, vitamin có nhiều nhất trong trái cây, táo với lê cứng quá, nhai không nổi, chuối mềm nhưng nóng, vậy thì ăn quýt đi.

Vì thế, cả ngày tôi không ăn cơm mà nằm dài tới tối đợi má mua quýt về.

Buổi tối, má xách túi quýt về, tôi giành lấy, lột một trái nhét vào miệng, chua muốn xì khói, vết loét gặp axit làm miệng tôi xót đến độ ứa nước mắt.

Tôi bực bội ném trái quýt: “Không ăn nữa! Cùng lắm thì chết đói!” Tôi giận dỗi leo lên giường.

Má tôi ghét nhất cái tính động một tí là nổi khùng của tôi, nói “Ăn hay không thì tùy” rồi bỏ đi nấu cơm.

Tôi nhắm mắt ép mình ngủ, nhưng đau quá nên không ngủ nổi.

“Anh hai ơi, cho anh hai trái quýt này.” Bên tai đột nhiên vang lên giọng nói của em gái tôi.

Tôi mở mắt ra, nhìn thấy em gái tôi gục bên giường đưa quýt cho tôi.

“Trái này em nếm thử rồi, ngọt lắm.” Nó nói.

Tôi nhận lấy trái quýt, bóc một tép: “Ừm, vừa mềm vừa ngọt.”

Tôi cười với nó: “Ngon lắm.”

Nó thấy tôi ăn được lại đi ra ngoài lấy quýt cho tôi, tôi nhìn thử, trái nào cũng thiếu một tép. Lúc ấy, tôi mới hiểu nó bóc mỗi quả một tép nếm thử rồi đưa cho tôi những quả ngọt.

(5)

Lần nọ đang video call, em gái tôi kích động nói với tôi: “Anh hai ơi anh hai, em báo cho anh hai một tin vui.”

“Hở? Tin vui gì?”

“Trái kiwi trị được loét miệng!”

“Anh biết.”

Tôi nói xong, nó hơi thất vọng.

Má tôi ở bên cạnh nói: “Xem EQ của con kìa… Mau nói không biết đi!”

Tôi nhanh chóng sửa lỗi: “Ồ, wow! Kiwi trị loét miệng được hả?”

Em gái tôi lập tức mở to mắt nhìn tôi.

Sau đó tôi thường xuyên nhận được thùng kiwi do em gái tôi gửi. Trên bưu kiện đều là nét chữ non nớt của nó:

Người gửi: Lý Thiên Hủy

Người nhận: Lý Huy

Còn có lần thế này:

Người gửi: Thiên Hủy tỷ tỷ

Người nhận: Tiểu Khôi Khôi

Cô nhận bưu kiện chuyển phát hỏi nó: “Cháu nhỏ thế này, lần nào gửi đồ cũng được má dẫn tới, cháu gửi cho em trai, vậy là em trai còn nhỏ hơn cháu, em ấy có nhận được không?”

Nó nói: “Nhận được ạ, em trai của cháu lớn hơn cả cháu, má cháu sinh em trai trước, sinh cháu sau…”

Lời giải thích vô cùng hoàn hảo, nhưng nếu em gái tôi có thể viết đúng số điện thoại của tôi thì sẽ càng hoàn hảo hơn.

(6)

Tôi đi cắt tóc, em gái ngồi ở bên cạnh chờ.

Lúc tôi gội đầu, nó ngồi ở bên cạnh nhìn.

Miệng tôi bị loét, chỉ cần đụng vào là đau muốn ná thở.

Nó nói với người anh em gội đầu cho tôi: “Chú ơi chú, nhẹ thôi ạ, chú làm anh hai cháu đau kìa.”

Người anh em đó cười, trêu: “Vậy thì sao?”

Nó đỏ bừng mặt, chu môi nói: “Cháu sẽ đánh chú.”

(7)

Hồi lớp 12, tôi hứng lên đăng ký tham gia hội thao mùa thu của trường.

Lúc tôi đứng trên đường pitch, má tôi dẫn em gái đi tới lan can gần đó.

Tôi làm dấu cố gắng với má và em, em gái tôi vui vẻ vẫy tay hét to: “Anh hai cố lên!”

Má nhìn tôi.

Hôm đó trời gió to, đường chạy lại ngược hướng gió, hoàn toàn không thích hợp để chạy.

Tiếng súng vang lên, tôi lao đi.

Tôi dẫn đầu, cách xa người thứ hai khoảng hai trăm mét. Một vòng dài bốn trăm mét, tôi ít vận động, mới chạy xong một vòng đã cảm thấy cơ thể rã rời.

Cơn gió lạnh mùa thu tràn vào miệng, cổ họng của tôi đau buốt như muốn nứt toạc.

Chạy xong vòng thứ ba, chân tôi đã mất cảm giác.

Sau đó, chân trái của tôi vấp vào chân phải, cả người té nhào xuống đất.

Đùi đau nhói, bên tai là tiếng hò reo cổ vũ từ khán đài. Tôi chỉ cảm thấy dạ dày cồn cào, không kìm nổi mà nôn ra tại chỗ.

Bạn học ở ngoài đường chạy hét to: “Người thứ hai còn cách xa cậu lắm! Mau đứng lên đi, chút nữa thôi cậu là người vô địch rồi! Cố lên, vinh dự của lớp trông cậy vào cậu đấy!”

Tôi cố nhịn cơn đau nhức, gắng sức bò dậy, vừa đứng thẳng, em gái tôi không biết từ đâu vọt tới ôm chân tôi, khóc to: “Anh hai đừng chạy nữa, chúng ta về thôi, anh hai bị té bị thương mất…”

Tôi ngớ người, các vận động viên phía sau lần lượt vượt qua tôi.

Gió lạnh thấu xương, tôi bế nó, vừa lau nước mắt cho nó vừa lau nước mắt cho mình.

Trong lúc cả thế giới muốn tôi cố gắng, chỉ có nó sợ tôi bị thương.