Tiểu nữ tuổi vừa đôi tám, đương độ "Tthanh xuân, được sư phụ cạo đầu. Tôi vốn là nữ, không phải là nam..." Trong phim "Bá vương biệt cơ" của Trần Khải Ca, Trình Điệp Y hết lần này sang lần khác ngậm huyết lệ mà hát khúc "Tư phàm" này, vì luôn hát sai lời nên phải nếm đủ mùi đau khổ, cảnh tượng ấy khiến người xem đau lòng khôn tả. Vai chính trong vở "Tư phàm" này là ni cô Trần Diệu Thường. Câu chuyện tình giữa đạo cô Trần Diệu Thường và Phan Tất Chính diễn trong vở Côn khúc nổi tiếng "Ngọc trâm ký", cũng vì Trần Diệu Thường thân ở cửa Không lại lén lút tư tình, được văn nhân mặc khách tô vẽ cải biên mà thành. Vì ly kỳ nên mới có người chấm mực múa bút, hối hả muốn giành biểu đạt trước nhất. Trong chớp mắt đã lan truyền rất rộng, trong kịch ngoài kịch, chẳng còn phân được thật giả nữa. Thường nói đời người như vở kịch, xem nhiều câu chuyện của người khác, có lúc sẽ bất giác vứt bỏ sân khấu của mình.
Trong cửa Không chẳng có ái tình, thất tình lục dục của họ đã bị thanh quy giới luật móc lên một chiếc khóa đồng, phong ấn trong đèn xanh sách ố. Thế gian này chẳng chiếc chìa nào mở nổi, mà chiếc chìa nào cũng mở được, bạn có quyền chọn lập tức thành Phật, cũng có quyền chọn vạn kiếp bất phục. Nhà Phật tin vào nhân quả luân hồi, tin quay đầu là bờ, lại chẳng biết rằng những người tu hành ấy đều là nam nữ bình thường trên thế gian. Vì được một khúc Phạn âm, một cuốn kinh văn cảm hóa, mới có Phật duyên, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, bọn họ sao có thể xem vạn vật là không, dễ dàng tránh khỏi tình kiếp?
Thời Đường thời Tống thịnh hành Phật giáo, đền miếu chùa chiền rải khắp danh sơn di tích trên toàn quốc. Tham thiền ngộ đạo, xuất gia làm tăng ni tựa hồ đã là xu thế tất yếu, họ ưa sự thanh tĩnh của miếu đường, thích lòng từ bi của đài sen. Hương gỗ đàn xưa lại át cả khói lửa phàm trần, kinh sách Phạn âm thay cho ngựa xe như nước, cà sa tay rộng thế chỗ y phục gấm hoa. Trần Diệu Thường là một ni cô tại Nữ Trinh am ngoại ô trấn Thanh Thạch huyện Lâm Giang, sống vào những năm Thiệu Hưng đời vua Cao Tông nhà Nam Tống. Triều Đường trước đó, tuy có không ít tài nữ như Ngư Huyền Cơ xuất gia, cũng để lại rất nhiều câu chuyện tình yêu, song ban đầu Trần Diệu Thường không phải là xuất gia theo trào lưu. Nàng vốn sinh trong nhà quan lại, chỉ vì từ nhỏ ốm yếu lắm bệnh, mệnh phạm Cô Ma, cha mẹ đành để nàng vào cửa Không, cắt tóc làm ni cô. Song nàng huệ chất lan tâm, chẳng những ngộ tính cao, mà thi văn âm luật đều thông tuệ, lớn lên càng tú lệ yêu kiều, mỹ miều lộng lẫy. Một tuyệt đại giai nhân như vậy lại cả ngày tĩnh tọa trong am tụng kinh lễ Phật, bỏ uổng tuổi hoa gấm vóc.
Nếu nói băng tuyết thông minh, thiên hương quốc sắc cũng là tội lỗi, vậy thì lỗi lầm của nàng là hoàn mỹ. Nàng chính là một đóa sen xanh trước Phật, dưới Phật quang lấp lánh lại càng thanh lệ tuyệt tục, xinh tươi quyến rũ. Một người con gái không thuộc phàm trần như vậy, đối với bất cứ người đàn ông nào, cũng là một sự dụ hoặc. Dù gửi thân ở chùa chiền miếu mạo, bầu bạn với tượng Phật đèn xanh, cũng khiến người ta ý loạn tình mê. Bấy giờ trong am sắp xếp rất nhiều gian phòng nhã khiết thanh tịnh, để khách dâng hương từ xa đến nghỉ lại cầu phúc, chùa miếu có thể cho nữ khách trú lại, am đường cũng có thể để nam khách qua đêm. Chính vì vậy, dung nhan và tài năng của Trần Diệu Thường mới khiến những người đàn ông có duyên động lòng. Nàng đang độ tuổi hoa rực rỡ, tuy bầu bạn cùng chuông mõ kinh văn, song đối diện với những người đàn ông phàm trần, cũng khó cầm lòng được.
Người đầu tiên tình cờ gặp Trần Diệu Thường tên Trương Hiếu Tường, xuất thân tiến sĩ, được phái đến nhậm chức huyện lệnh Lâm Giang, trên đường đi dừng lại nghỉ qua đêm tại am Nữ Trinh dưới chân núi bên ngoài trấn. Trong đêm gió mát trăng thanh ấy, Trương Hiếu Tường thả bộ trong sân am, chợt nghe tiếng đàn thánh thót, chỉ thấy dưới ánh trăng, một nữ ni trẻ tuổi đang đốt hương gảy đàn, phong tư thanh nhã, như Liên Đài tiên tử. Ông nhất thời không cầm lòng được, liền ngâm mấy câu trêu ghẹo: "Dao cầm gảy mấy đường, Tay nuột lay tơ lòng... Có tâm về Lạc phố, chẳng thể đến Vu sơn." Song Trần Diệu Thường chẳng mảy may động lòng trước câu từ của ông, ngược lại còn giữ mình, lạnh nhạt đáp: "Đừng nói xằng... Tiểu thần tiên." Trương Hiếu Tường cụt hứng, đành lẳng lặng đi khỏi, hôm sau rời am lên đường nhậm chức. Sau đó mỗi ngày đều bị việc công quấn thân, song trước sau vẫn canh cánh trong lòng hình ảnh nữ ni trẻ tuổi gảy đàn dưới trăng trong am Nữ Trinh. Bởi thế mà tâm trạng thất thường, nhớ nhung khôn xiết.
Bạn đồng môn ngày trước của Trương Hiếu Tường là Phan Pháp Thành đến huyện Lâm Giang học hành, người xưa gặp lại, cùng trò chuyện dưới song Tây. Nhắc đến nữ ni tài mạo song toàn trong am Nữ Trinh, Trương Hiếu Tường lại than thở nỗi khổ người trong quan trường thân bất do kỷ của mình. Phan Pháp Thành nghe mà lòng náo nức, bèn viện cớ ở lại am Nữ Trinh. Chàng cho rằng, một giai nhân tuyệt sắc tài hoa xuất chúng, cam lòng từ bỏ hết thảy dụ hoặc phàm trần, kiên quyết vào sống trong am miếu, thanh tâm khổ tu, nhất định phải có một quá trình chuyển biến tư tưởng khác thường. Vì ngụ tại sương phòng riêng trong am Nữ Trinh nên chàng cũng mấy lần có cơ hội gặp gỡ Trần Diệu Thường. Trai tài gái sắc, dù ở giữa am đường thanh tịnh, cũng là một phong cảnh không lời nào tả xiết.
Một nữ tử lòng xuân khó nén, lần này gặp được người tình trong mộng, đương nhiên tình ý vô hạn, mừng rỡ khôn tả. Hai người bàn thơ luận văn, chơi cờ uống trà, tham thiền thuyết pháp, chẳng khác đôi tình nhân trần thế. Cho đến khi Trần Diệu Thường lòng xuân dậy sóng, viết ra khúc "Tây giang nguyệt" này:
Vườn tùng đèn khuya leo lắt
Song mây chuông trống rì rầm
Trời chiều lẻ bóng giở chăn không
Nhập giấc sầu vương khó giải
Yên ả tình tơ lay động
Khắp người lửa dục khó cầm
Chực chờ cam lộ dập phàm tâm
Chỉ sợ phàm tâm cháy đậm
Hết thảy thanh quy giới luật, đều bị tờ giấy mỏng này rạch nát, tình cảm như nước vỡ bờ, cuồn cuộn không dứt. Gió thông đêm vắng, đèn xanh leo lét, nàng gối lạnh chăn đơn, trằn trọc khó ngủ, đã vứt bỏ tất cả ngại ngùng dè dặt từ lâu. Phan Pháp Thành đọc được bài từ diễm tuyệt này, cũng lập tức trải giấy thấm bút, viết đôi câu: "Ngày nào lại được đến động tiên? Từng hứa cùng loan chắp cánh."
Sau này có nhà Hồng học khảo chứng, cho rằng Diệu Ngọc trong "Hồng Lâu Mộng" là sao chép từ hình ảnh Trần Diệu Thường. Thực ra những ni cô trong cửa Không động lòng phàm, đại khái đều có thần thái như vậy. Diệu Ngọc tĩnh tọa giường thiền, song tâm thần bất định, có lúc như vạn ngựa tung vó, làm cả giường thiền cũng lắc lư. Cứ ngỡ Diệu Ngọc định lực phi phàm, song cũng không tránh khỏi tẩu hỏa nhập ma, ma ấy chính là tâm ma, là tình ma. Những nữ tử như hoa giống Diệu Ngọc, một khi tâm thần mê loạn, cũng chẳng coi là lầm lỗi. Dù là Phật Tổ, cũng có tình duyên khó dứt, cũng không cách nào đạt đến mức không nảy ý niệm, vạn duyên đều mất. Người trên đời này, ai nấy đều có duyên pháp, có vận mệnh của mình, cưỡng cầu không được, cải biến không xong.
Từ bấy, am Nữ Trinh trở thành miếu Vu Sơn, thiền phòng trở thành giường mây mưa, sau mấy độ gió xuân như thế, Trần Diệu Thường mang thai. Bấy giờ trong am miếu tuy thường xảy ra việc ân ái nam nữ, nhưng phần lớn chỉ là duyên tình thoáng qua, khó được lâu dài. Song Trần Diệu Thường tự thấy mình đã động lòng phàm sâu sắc, nàng cùng Phan lang thật lòng yêu nhau, không muốn chia lìa. Phan Pháp Thành bèn nhờ bạn thân là Trương Hiếu Tường giúp đỡ, nào ngờ Trương cũng là người thông tình đạt lý, lại đưa ra chủ ý trái ngược hẳn, bảo bọn họ tới huyện nha bịa đặt rằng từ nhỏ đã được hứa hôn trong bụng mẹ, về sau vì chiến loạn mà ly tán, nay may mắn gặp lại, xin được thành hôn. Trương Hiếu Tường là huyện lệnh, nên khi nhận được đơn, lập tức cầm bút phán cho hai người có tình bọn họ thành quyến thuộc. Nàng rời khỏi am Nữ Trinh, khoác lên áo lụa quần là, dọn dẹp lại trướng giấy hoa mai, chuẩn bị màn thêu trướng đỏ. Từ nay, mây mưa Vu sơn, tự do say giấc, hoa xuân trăng thu, tùy người hái bẻ.