Chẳng biết đã có bao nhiêu người từng hỏi một câu này: Thế nào là Thiền? Thiền rốt cuộc là gì? Thực ra Thiền là một loại ý cảnh, phải dựa vào linh tính và ngộ tính cá nhân mới có thể bình tĩnh suy ngẫm mà tu thiền. Thiền tông lại phân thành rất nhiều chi phái, mỗi phái có một dạng thiền khác nhau, cách tham ngộ khác nhau, cảnh giới tu hành cũng khác. Song thâm ý sâu xa cuối cùng của Thiền, đều nhằm vào nhân tâm, thấy chân tính thành Phật. Thiền là một gốc trà hoa dại giữa mây mù, một cây trinh nữ bên khe suối, một con hồ ly trắng trong rừng thẳm núi sâu. Thiền cũng là một bình hoa cũ đặt trên bàn, là đống củi xếp ngay ngắn trong nhà thường thổi nấu, là một mảnh ký ức trong dòng thời gian bình đạm.
Triều Đường là giai đoạn Phật giáo hưng thịnh, từ đế vương quan lại đến muôn dân trăm họ, đều thành tâm bái yết Phật Tổ. Bất luận đô thành tiểu trấn hay núi sâu rừng thẳm, đều có thể tìm thấy chùa miếu. Câu thơ "Bốn trăm tám chục chùa Nam quốc, mưa khói che lầu biết mấy không[1]?" của Đỗ Mục chính là miêu tả cảnh miếu đền san sát trong mưa bụi Giang Nam. Vào thời Đường, trên thi đàn, nói về say mê tu thiền, Bạch Cư Dị có thể sánh với Vương Duy. Thơ của Vương Duy luôn có Phật tính, mang một vẻ đẹp không linh tự nhiên, ông toan mượn cảnh giới Thiền để vượt qua hiện thực, đạt đến sự thấu suốt và thanh tịnh về mặt tâm linh. Bởi thế ông mới lánh đến rừng trúc ở núi Chung Nam đốt nhang tĩnh tọa, đắm chìm trong thế giới tĩnh tại của thơ và tranh thiền, quên hết những huyên náo thế nhân. Bạch Cư Dị lại không lánh đời như Vương Duy, tuy ông sống giữa xã hội rối ren bất ổn, nhưng vẫn luôn tìm lối thoát giữa quan trường chìm nổi. Ông tham thiền ở giữa triều đường, trong thơ trong rượu, cả trong từng mảnh vụn tháng năm giao du cùng bè bạn.
[1] Bản dịch Lê Nguyễn Lưu.
"Bài minh trên mộ Túy Ngâm tiên sinh[1]" chép rằng, Bạch Cư Dị "bề ngoài dùng đạo Nho tu thân, bên trong dựa vào đạo Phật tu tâm, ngoài ra còn lấy non nước, gió trăng, thơ ca, đàn rượu để vui chí hướng." Bạch Cư Dị thích tham thiền giữa hồng trần, ông dung nhập Thiền vào cuộc sống hiện thực, dùng tấm lòng bình thường để tu thiền. Thiền của ông không phải là trốn vào núi sâu rừng thẳm, bầu bạn với mây trắng trăng thanh, cũng không phải vứt bỏ hiện thực để truy tìm cảnh giới hư huyễn nào đó. Trong cuộc sống hằng ngày, Bạch Cư
[1] Tên hiệu của Bạch Cư Dị.
Dị luôn muốn được thoải mái, vừa ý, thỏa thích, chỉ mong tâm hồn được tĩnh tại, dùng sự giải thoát tự ngã từ nội tâm để hóa giải những phiền muộn thế gian. Bởi vậy thơ ông phần nhiều là cảm thán thời thế, phản ánh những nỗi khổ của nhân dân, lời lẽ thông tục dễ hiểu, song ẩn ý sâu xa.
Bạch Cư Dị cả đời chìm nổi trên quan trường, song dường như vẫn không biết chán. Ông ưa thơ, rượu, Thiền và đàn, cũng hướng tới sự thảnh thơi nhàn tản tự vui vầy giữa núi non, song chưa bao giờ nghĩ tới việc quy ẩn thực sự. Mà thú thiền cũng theo bên ông suốt một đời hiện thực, bất luận là khi đắc ý hay lúc thất vọng, đều bầu bạn không rời. Khi Bạch Cư Dị bị biếm làm Tư mã Giang Châu, ông từng dựng nhà tranh cạnh chùa Đông Lâm ở Lư sơn, vì ngưỡng mộ câu chuyện Tuệ Viễn thiền sư năm xưa cùng cư sĩ Lưu Di Dân lập nhóm tu hành, ông cũng lập nhóm với các tăng lữ hai chùa Đông Lâm và Tây Lâm. Về già ông ngụ ở chùa Hương Sơn tại Long Môn, Lạc Dương, tự xưng là "Hương Sơn cư sĩ". Nghe nói số nhà sư giao du với ông lên đến hơn trăm người, mỗi khi tụ họp lại thưởng trà ngâm thơ, tham thiền ngộ đạo. Song Bạch Cư Dị không vì thế mà chìm đắm trong những chuyện đó, tuy ngồi thiền cùng các tăng lữ suốt đêm, ông vẫn không hề quên những chuyện trần tục thế gian.
Khi bị biếm đến Giang Châu, ông đã sáng tác nên bài "Tỳ bà hành", coi mình và nàng ca nữ bên trời là những kẻ chung vận mệnh: "Cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau[1]." Bài "Trường hận ca" của ông khắc họa mối tình bi kịch giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, một câu "Thấm chi trời đất dài lâu, giận này dặc dặc dễ hầu có nguôi[2]..." đã nói hết những xót xa và luyến tiếc của sinh tử biệt ly. Còn cả ông bán than "đốn củi đốt than trong núi Nam", miêu tả tình cảnh thê lương, túng quẫn chất chồng, tóc mai bạc trắng của một ông lão bán than thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Thiền của Bạch Cư Dị cũng là Thiền của vô vàn chúng sinh, ông không chỉ cho rằng tấm lòng bình thường chính là lòng Phật, mà còn xếp những người bình thường ngang hàng với Phật.
[1] Tỳ bà hành, bản dịch Phan Huy Thực.
[2] Trường hận ca, bản dịch Tản Đà.
Thế gian này vốn là như thế, chẳng ai vừa sinh ra đã thành Phật cả. Bạn có thể là Phật Tổ chuyển thế, xuống nhân gian trả nốt một món nợ, hoặc kết thúc một đoạn trần duyên, nhưng chung quy vẫn phải trải qua một phen giày vò ở trần gian, sau mấy lần thức tỉnh, mới có thể thành Phật. Một nhành cây, một con sâu, trải bao biến đổi bể dâu, cũng có thể tu luyện thành tiên. Hết thảy đều phải trông vào cơ duyên và tạo hóa, cửa Phật luôn mở rộng đón chúng sinh, chỉ đợi người có duyên tới gõ. Mỗi người đều ngộ Thiền theo một cách khác nhau, bậc vương giả ngộ qua sông núi thiên hạ, kẻ thi nhân ngộ được từ cảnh thơ, người họa sĩ ngộ trong ý họa, tiều phu và ẩn sĩ lại ngộ từ vườn ruộng núi non. Thiền lý mỗi người ngộ được cũng khác nhau, nhưng đều nhằm theo đuổi cảnh giới bồ đề siêu phàm thoát tục.
"Bạch y cư sĩ bậc tiên hiền,
Vừa uống vừa ca lại tọa thiền.
Nay đến Duy Ma còn thích rượu,
Xưa thời ẩn giả chẳng màng tiền."
Bạch Cư Dị hay rượu, thích ngồi thiền trong lúc ngà ngà nửa tỉnh nửa say. Đời sống Duy Ma mà ông theo đuổi, phải vừa hưởng thụ phú quý nhân gian, vừa tự siêu thoát trong cảnh thanh tĩnh. Mỗi lần uống rượu, ông đều có đàn sáo hòa âm, gia nô ca kỹ hầu hạ, những người được ông mời nâng chén cùng say, cũng là bậc danh tiếng lẫy lừng trong xã hội. Một người khác cũng xem rượu như mạng sống là Đào Uyên Minh, song lại thanh bần hơn nhiều, ông ẩn cư nơi vườn ruộng, cùng say với những con người mộc mạc chân chất như ngư phủ hoặc nông dân thôn dã. Trái lại Bạch Cư Dị mỗi lần ngao du núi non chùa miếu đều ngồi xe ngựa, trong xe bày một cây đàn, một cái gối, trên thanh trúc hai bên chiếc xe còn treo hai vò rượu, ông ngồi trong xe ôm đàn uống rượu, đến khi hết hứng thì về.
"Rượu ngon vừa mới ủ, lò đất đã rực hồng, đêm buông trời đổ tuyết, uống một chén được không?" Bạch Cư Dị không chịu nổi cuộc sống thiền tịnh kham khổ, Thiền của ông hẳn phải ưu nhã, đượm khí chất quý tộc lãng mạn. Chúng ta tựa hồ thấy ông ngồi giữa cung vàng điện ngọc, quạt lò nấu rượu, bầu bạn cùng cung đàn điệu sáo, Phàn Tố và Tiểu Man, hai người con gái mà ông yêu thương nhất múa bên cạnh giúp vui. Không khỏi nhớ đến mấy câu từ của Án Kỷ Đạo: "Múa nghiêng dương liễu trăng lầu rọi, Ca dứt đào hoa gió quạt nồng[1]"
[1] Giá cô thiên - Án Kỷ Đạo, bản dịch Nguyễn Chí Viễn.
Có lẽ hưởng lạc như vậy mới là hoàn mỹ tột cùng, thơ rượu vui tràn, mới xem như thỏa thuê một kiếp. Bạch Cư Dị dung hòa Thiền vào cuộc sống xa hoa mà vẫn có thể thưởng thức được lạc thú thong dong của Thiền. Mãi đến khi già yếu, ngụ ở chùa Hương Sơn Lạc Dương, Phàn Tố và Tiểu Man cũng theo cảnh xuân rực rỡ kia đi mãi, chỉ để lại cho ông bệnh tật và sầu đau. Bạch Cư Dị đánh mất ái tình, cũng chẳng còn phong hoa tuyết nguyệt nữa, chỉ mải miết say vùi trong một chung rượu đắng, thi thoảng vào núi sâu ngồi thiền cùng tăng lữ.
Trong lòng người đời, Thiền đa phần là kham khổ thanh đạm, có phần thanh tịnh lạnh nhạt xa rời thế tục. Những người tu hành ấy thường phải lánh xa huyên náo đời thường, tìm tới chốn núi sâu rừng thẳm ngồi thiền tụng kinh, tham ngộ Phật pháp, một bình trà, một lò hương, một chuỗi tràng, chính là toàn bộ cuộc sống. Còn Bạch Cư Dị lại là cư sĩ giữa hồng trần, Thiền của ông không cần kham khổ, ông có thể thanh tẩy tâm linh trong lúc nhàn du sơn thủy, nhưng cũng có thể ngồi hưởng thụ phồn hoa nhân thế giữa dòng ngựa xe tấp nập. Có lẽ trong lòng mỗi con người, Thiền đều xây nên một gian nhà, để những kẻ phàm tục chúng ta trú mưa tránh gió. Thiền không nặng tình, không quyến luyến, chỉ cùng chúng ta chung một đoạn tháng năm, tu một đoạn duyên pháp, trong cõi đời như có như không này.