Đây là lần thứ hai Thanh La vào cung, vương cung đối với nàng đã không còn hấp dẫn nữa. Thanh Phỉ lại không nén nổi vui mừng, lâu lắm rồi nàng chưa được gặp chàng trạng nguyên hào hoa tuấn kiệt đó.
Đông cung của thái tử tọa lạc ở sơn cốc sườn phía đông của đại điện, các hoàng tử trước khi lập gia thất đều ở trong những cung điện trên sơn cốc này, đối xứng với cung hoàng hậu và phi tần phía xa. Phủ mới đã xây xong, sau hôn lễ, tứ hoàng tử sẽ chuyển đến vương cung, cặp tân hôn sẽ lưu lại nửa tháng trong vương cung sau đó sẽ chuyển về nơi ở mới, thái tử mở tiệc lúc này theo thông lệ chủ yếu là để thể hiện tình huynh đệ keo sơn.
A La không biết tình cảm của thái tử và Tử Ly như thế nào, không ai nói với nàng về điều đó cả. Nhưng qua đọc sách và những câu chuyện nghe được, nàng đoán là quan hệ giữa họ cũng không mấy thân tình. Không cùng mẹ sinh ra, chỉ vì ngôi báu đó, từ khi sinh ra, sự nghi kỵ đề phòng lẫn nhau giữa các hoàng tử đã lớn hơn cả tình thân. Nàng đã nhìn thấy thái tử, đích thực là dòng dõi long phượng, Tử Ly cũng không thua kém, đều là bậc tài mạo phi phàm. Nếu Tử Ly tầm thường một chút có lẽ lại tốt, thái tử sẽ không nghi ngờ. A La chỉ hy vọng hai người đó có thể chung sống thuận hòa, ít nhất cũng không có hận thù.
Vương Yến Hồi đoan trang ngồi bên thái tử, ngắm mãi nàng ta cũng không đẹp bằng Thanh Lôi. Nhưng cũng khí chất cao quý như vậy, Vương Yến Hồi vừa ngồi xuống bên thái tử, đã thấy ngay sự khác biệt về thân phận so với Thanh Lôi. A La nghĩ đến các quan chức thời hiện đại cũng thế, vị trí của chánh, phó hết sức rõ ràng, tuyệt đối không thể nhầm lẫn. Thanh Lôi dù được sủng ái đến mấy, chỉ cần có mặt Vương Yến Hồi, là phải ngồi lui phía sau, tâm thái của con người tự nhiên cũng thay đổi.
Hôm nay là lần đầu tiên nàng nhìn thấy Tử Ly và Lưu Giác trong trang phục hoàng tộc chính thức. Vừa ngắm vừa thầm xuýt xoa, cả hai người đều vận mãng bào thắt đai ngọc, ngoài hoa văn và màu sắc thêu trên y phục hơi khác một chút, ngoài ra không có gì khác biệt. Người đẹp vì lụa, đổi trang phục khác thì ai biết được ngươi là đồ khốn? Nàng cười thầm, không hiểu tại sao lại nghĩ tới câu đó.
Cố Thiên Lâm không đến, chắc là nghĩ sắp đến hôn lễ, nên ở nhà cho đúng gia phong. Thanh Phỉ ngây ngất nhìn vị trạng nguyên của mình, thỉnh thoảng ánh mắt tươi cười của Thành thị lang cũng đáp lại, Thanh Phỉ xúc động run run, tay nắm chặt khăn tay. A La thầm nghĩ, mệnh của Thanh Phỉ vẫn tốt hơn Thanh Lôi .
Thái tử nói: "Hôm nay mở tiệc chủ yếu là chúc mừng đại hôn của tứ đệ. Đại ca này mãi lưu luyến". Nói đoạn, mắt đã đỏ hoe. Text được lấy tại TruyệnFULL.vn
Tử Ly vội rời chỗ, đứng dậy, dáng điệu hốt hoảng e sợ. A La nhìn rất rõ, lòng nàng băn khoăn, đây không phải là hình ảnh tứ hoàng tử mà nàng đã biết. Ấn tượng mà Tử Ly đem đến cho nàng là dù núi Thái Sơn sụp đổ, chàng vẫn không thay đổi sắc mặt, nụ cười thường trực hầu như chưa bao giờ tắt trên môi. Đã mấy lần nàng được chứng kiến điều ấy! Lẽ nào, Tử Ly đang diễn kịch trước mặt thái tử, chỉ có hai khả năng, một là tỏ ra yếu thế để bảo toàn tính mạng, hai là để mê hoặc đối phương. Tử Ly... A La thở dài, không muốn nghĩ tiếp.
Thái tử nói: "Sau này đại ca khó lòng được nghe tiếng tiêu trứ danh của tứ đệ, bây giờ trong sơn cung này chỉ có mình ta, muốn tìm người uống rượu thưởng đàn cũng khó". Tử Ly tựa hồ cảm kích rưng rưng, giọng nói có phần nghèn nghẹn: "Đại ca, Tử Ly sẽ thường xuyên vào cung thăm đại ca".
Lát sau thái tử cười, lại tiếp: "Hôm nay phải vui hết mình, nói những chuyện đó làm gì. Tân khách đều là thân bằng cố hữu, mọi người cứ thoải mái tự nhiên. Buổi sớm trời đẹp thế này, ta cùng thưởng thức rượu ngon, nghe múa hát mới phải". Nói xong vỗ tay ra hiệu, nhạc tấu lên, vũ nữ uyển chuyển bước ra. Thái tử lại nói: "Tứ đệ, trước đây vương phi tương lai cửa tứ đệ cùng với Lôi Nhi của ta được mệnh danh là song tuyệt Phong thành. Ông trời quả khéo se duyên, huynh đệ ta có diễm phúc cưới được hai trang tuyệt sắc".
Tử Ly khiêm tốn: "Thiên Lâm sao sánh được hiền phi của đại ca, chỉ một khúc "Thu thủy" đã danh chấn Phong thành".
Thái tử cười ha hả, ánh mắt đằm thắm nhìn Thanh Lôi: "Hôm đó tứ đệ không có mặt, khúc "Bội lan" của Cố tiểu thư mới thực lay động lòng quan khách, tâm như lan mà khí chất thông tuệ, đại ca thực lòng rất bối rối. Tiếng đàn của Lôi Nhi đâu sánh bằng, nhưng ta ngưỡng mộ tâm hồn Lôi Nhi".
Thanh Lôi e lệ cúi đầu. A La nghe vậy thấy buồn cười. Cổ nhân dùng tiếng đàn nói thay tiếng lòng, một khúc cầm đã có thể nhìn nhận đánh giá một con người, thực không phù hợp với quan niệm của người hiện đại. Nếu đúng lời nói là tiếng lòng, thì người ta chỉ cần mấy cái mặt nạ thay đổi, chẳng phải có thể thoải mái lừa gạt hay sao?
Thái tử phi Vương Yến Hồi xen lời: "Nếu tứ đệ hôm đó chưa được thưởng thức khúc "Thu thủy" của Thanh Lôi, vậy tiểu muội có vui lòng gảy lại khúc đó không. Nói thực, ta cũng muốn nghe lại lần nữa".
Thái tử rất vui: "Phải đấy, Lôi Nhi, sau khi nghe nàng gảy ở Đào hoa yến, ta chưa thấy nàng chơi lại khúc này. Hôm nay gảy lại, để tứ đệ được thưởng thức một phen".
Lời đã nói đến thế, Thanh Lôi đứng lên thưa: "Cho phép thiếp vào trong chuẩn bị một chút". Sau khi thi lễ, Thanh Lôi đứng lên, có cung nữ dìu nàng đi về phía tẩm cung. Lúc đi qua bàn A La đột nhiên nói: "A Phỉ, A La hai muội đi cùng tỷ được không?".
Đại phu nhân, tam phu nhân sắc mặt đã hơi biến đổi, tài đàn của Thanh Lôi không có gì đáng sợ, điều đáng sợ là có thể khiến người nghe nhận ra. Khách dự tiệc hôm nay rất nhiều người giỏi đàn, chỉ cần đàn ý hơi thay đổi họ sẽ lập tức nhận ra. Đại phu nhân, tam phu nhân ra hiệu cho Thanh Phỉ, Thanh La ra theo.
A La hiểu, Thanh Lôi gọi cả Thanh Phỉ là để che mắt mọi người, chủ yếu là muốn gọi nàng. Qua khóe mắt nàng liếc nhìn khuôn mặt mủm mỉm cười của Vương Yến Hồi, thấy nàng ta cũng đang nhìn về phía này, chợt lạnh người, lẽ nào tiếng đàn hàng ngày của Thanh Lôi khiến Vương Yến Hồi nghi ngờ? Nghe đồn nàng ta mưu lược hơn người, hôm nay nhân có tiệc nàng ta yêu cầu Thanh Lôi chơi lại khúc "Thu thủy" liệu có dụng ý gì khác không?
Thanh Phỉ và Thanh La đứng lên, đưa Thanh Lôi vào cung thất. Sau khi cho tả hữu lui ra, Thanh Lôi đột nhiên vung tay tát A La. Theo phản xạ nàng lùi xuống để tránh, nhưng cổ vẫn bị móng tay Thanh Lôi cào xước, đau nhoi nhói.
A La cười gằn: "Thanh Lôi, trước khi đánh muội, tỷ phải hiểu, nếu muội ra ngoài với cái mặt hằn dấu tay, quan khách nhìn thấy, tỷ định giải thích thế nào? Dạy dỗ em gái ư? May mà muội tránh kịp".
Thanh Lôi sắc mặt thoắt biến đổi, đột nhiên ống tay áo vung lên chiếc bình hoa rơi xuống vỡ tan, nàng nhanh tay ấn bàn tay trái lên một mảnh bình vỡ, máu tươi trào ra.
Thanh Phỉ và Thanh La thấy vậy sững người, Thanh Lôi bước đến xô mạnh Thanh La, A La không đề phòng suýt ngã, loạng choạng mấy cái mới đứng vững: "Lý Thanh Lôi tỷ định làm gì?".
Thanh Lôi nhìn nàng trân trối, ánh mắt vừa phẫn nộ vừa thê lương: "Muội muội của ta, muội muội thích giấu tài của ta, muội giống hệt mẹ mình, bản tính của gái lầu xanh không đổi, cố tìm cách để một lần xuất hiện đã thành danh! Nếu muội không thay ta đàn khúc đó, thì ta đã không khốn khổ thế này, ngày ngày sống trong sợ hãi! Thái tử nghe là khúc đàn của muội, khiến chàng xiêu lòng cũng là tâm hồn muội, là muội! Muội có biết cái vẻ mặt mủm mỉm như cười như không của Vương Yến Hồi khi nghe ta đàn khiến ta tim đập chân run thế nào không? Muội có biết, thái tử càng sủng ái ta, ta càng lo sợ mất chàng hay không? Cứ coi như lúc đó ta không đàn được, ta bị bẽ mặt, ít nhất ta còn chưa yêu chàng! Còn bây giờ thì sao?". Giọng Thanh Lôi cố nén xuống thấp nhưng vẫn rít lên, nghe như hận đến xương tủy.
A La nghe vậy, lòng buồn não nề. Bàn tay đầy máu của Thanh Lôi thật đáng sợ, A La quay mặt đi nói: "Lúc đó không ai nghĩ đến tâm trạng hôm nay của tỷ, Thanh Lôi, tỷ trách muội cũng chẳng ích gì. Tỷ đã được gả cho thái tử, dẫu lúc đó thái tử do nghe tiếng đàn mà lựa chọn tỷ. Nhưng với cái tài và cái tình của tỷ, dẫu sau này tỷ không bao giờ đàn lại khúc "Thu thủy" kia nữa, thái tử cũng vẫn sủng ái tỷ. Kỳ thực tỷ không cần phải làm tổn thương bàn tay để trốn tránh. Tâm tư lúc tỷ đàn khúc "Thu thủy" hồi ấy khác với tâm tư của người con gái đã được gả cho người mình yêu. Thiếu nữ thuở thiếu thời ngước nhìn bầu trời cao rộng, say mê bầu trời bao la, say mê làn nước mùa thu, mơ ước bay cao bay xa, nay xuất giá đi làm vợ người, tâm hồn trở nên êm dịu thanh bình cũng chẳng có gì không ổn. Tỷ có thể giải thích, tỷ chỉ muốn làm con chim nhỏ dựa vào đấng phu quân, thu lại ước mơ ước bay bổng trên bầu trời. Tự làm tổn thương thế này, tỷ không thấy càng khiến Vương Yến Hồi nghi ngờ hay sao?".
Thanh Lôi đứng sững hồi lâu, ngón tay trái bị rách rất sâu, máu vẫn chảy ròng ròng. Thanh Phỉ ra sức dùng khăn lụa bịt lại, nước mắt từng giọt, từng giọt lớn rơi xuống. Thanh Lôi đột nhiên hét: "Người đâu, truyền thái y! Ta đau quá!". Bên ngoài có tiếng chân bước vội, Thanh Lôi nhìn A La cười gian giảo: "Mọi chuyện bắt đầu từ muội, cũng kết thúc ở muội! Thanh Phỉ cũng chứng kiến rồi đấy!". Nói đến câu cuối, ánh mắt dữ tợn nhìn Thanh Phỉ.
A La nổi da gà bởi tiếng cười đó. Thấy Thanh Phỉ người run lên, cúi đầu, A La không kìm được bèn hỏi: "Tỷ định làm gì? Định đổ vạ cho muội làm hiền phi của thái tử bị thương ư? Đại tỷ?".
Thanh Lôi mặt trắng nhợt, cười lạnh lùng: "Muội thông minh lắm!".
Lúc đó cung nữ bước vào cuống quýt hỏi: "Nương nương sao thế?". Sau đó nhìn thấy bàn tay đầy máu của Thanh La và những giọt máu rơi be bét xuống nền liền kinh ngạc kêu lên. Trong cung bỗng chốc trở nên rối loạn.
Có cung nhân vội chạy đi nói nhỏ vào tai thái tử. Mặt thái tử liền biến sắc. Đại phu nhân vốn đã thấp thỏm lo âu, nhìn thấy thái tử tỏ vẻ giận dữ, nóng nảy, lại không nhìn thấy ba cô gái đi ra, càng thêm lo lắng. Nhưng vốn xuất thân chốn danh gia vọng tộc, bà cố trấn tĩnh ngồi yên, hai bàn tay để trên bàn đã nắm chặt run run.
Lúc đó thái tử mỉm cười: "Tứ đệ, các vị cứ việc vui ta đi xem tại sao chị em Lôi Nhi lại chậm trễ như thế". Thái tử vừa đứng lên đã thấy Thanh Lôi, Thanh Phỉ, Thanh La đi ra. Thanh Lôi mặt vẫn còn ngấn nước, một bàn tay giấu trong ống tay áo, thái tử nhẹ nhàng vén lên, thấy bên trong bó vải trắng, loáng thoáng vết máu, liền hỏi: "Chuyện gì thế này?".
Thanh Lôi nét mặt hoảng loạn, tỏ vẻ đau đớn, cố nở nụ cười: "Điện hạ, Lôi Nhi đi thay trang phục, không cẩn thận làm vỡ bình hoa, chẳng may bị mảnh vỡ cứa rách ngón tay".
Thái tử không kìm được trách móc: "Sao lại không cẩn thận như thế? Có đau không?".
Thanh Lôi nặn ra nụ cười, dịu dàng nói: "Không đau, nhưng thiếp không chơi đàn được, làm cho tứ điện hạ mất hứng". Nói đoạn cúi đầu, vẻ vô cùng đau buồn tội nghiệp khiến người ta phải mủi lòng.
Vương Yến Hồi nhẹ nhàng: "Yến Hồi đã quên mất khúc "Thu thủy", hôm nay nhờ phúc của tứ đệ tưởng được nghe lại, thật không may".
Thanh Lôi cúi đầu nhận tội: "Làm mất hứng của tỷ tỷ, Thanh Lôi có tội". Nước mắt tuôn như mưa trên khuôn mặt yêu kiều khiến thái tử lòng đau như cắt, bất chấp trước mặt mọi người, dịu dàng dỗ dành: "Không sao, sau này có cơ hội đàn cho tứ đệ nghe là được".
Thanh Lôi nước mắt tuôn càng mau, đột nhiên nói giọng bi thương: "Tay thiếp đã tàn phế, điện hạ!".
Mọi người nghe vậy thất kinh. Thái tử không tin là thật: "Nàng nói gì? Thái y!".
Thái y run run bước ra, quỳ xuống bẩm: "Vết thương của nương nương không sâu, nhưng đúng vào kinh mạch của ngón tay, làm việc không ảnh hưởng, chỉ e không đủ linh hoạt để chơi đàn". Lời vừa dứt, Thanh Lôi bật khóc thành tiếng: "Thanh Lôi sao có thể hầu hạ thái tử được nữa, để thiếp chết đi cho xong!".
Thái tử nghe thái y nói vậy, mặt càng biến sắc: "Sao lại không thận trọng làm vỡ bình hoa để bị thương nặng đến thế?".
Thanh Lôi cúi đầu khóc, không nói. Mọi người trong phòng dỏng tai nghe ngóng, xem ra có ẩn tình chi đây.
Thái tử thấy không ai trả lời, to tiếng quát đám cung nữ đang run cầm cập: "Các ngươi hầu hạ nương nương thế nào! Mang ra đánh, đến khi chịu nói ra mới thôi!".
Mấy cung nữ quỳ sụp xuống khóc lóc: "Điện hạ tha tội! Là nương nương không cho chúng nô tỳ vào hầu, nô tỳ oan uổng quá!".
Thanh Lôi vừa khóc vừa cầu xin: "Điện hạ, Thanh Lôi và hai tiểu muội mải nói chuyện để xảy ra sơ suất, thực tình không liên quan đến bọn họ".
A La lạnh lùng chứng kiến, cảm thấy Thanh Lôi lúc này một phần là muốn đổ vạ cho mình, một phần có lẽ thật sự đau lòng: Thái tử coi trọng tiếng đàn của nàng ta như vậy, vốn chỉ định gây vết thương nhỏ, không ngờ lại động vào mạch máu làm cho tay tàn phế không thể chơi đàn được nữa.
Thái tử buồn phiền, với Thanh Lôi chàng vừa yêu vừa xót thương, nghĩ đến không được nghe nàng đánh đàn nữa liền nổi giận bừng bừng, nhưng không thể bộc lộ trước mọi người, đành ôm Thanh Lôi vào lòng an ủi.
A La nãy giờ vẫn đợi xem Thanh Lôi rút cục giá họa cho nàng thế nào, đến lúc này không thấy động tĩnh gì, cảm thấy rất lạ, đột nhiên nghe tiếng Thanh Phỉ, giọng nói tựa hồ không thể nào nhẫn nhịn được nữa: "Chỉ tại A La quá nghịch ngợm".
Lời vừa dứt, Thanh Lôi đang ngồi trong lòng thái tử, trừng mắt nhìn Thanh Phỉ: "Muội im đi, nói lung tung gì thế!".
A La vẫn không nói gì, thầm cười khẩy, Lý Thanh Lôi, cô muốn Thanh Phỉ đứng ra tố cáo ta, để xem rút cục các người nói gì!
Lúc đó Tử Ly rời chỗ đứng lên, nói: "Đại ca, hôm nay mở tiệc vui, tỷ muội họ vui đùa, chẳng may sơ suất. Lương đệ nương nương hiền đức cưng chiều muội muội, không nỡ trách phạt, coi như cho qua".
A La thầm cảm kích, Tử Ly tốt quá, chịu đứng ra giải nguy cho mình. Nàng liền nhân cơ nhận tội: "Tỷ tỷ bị thương là do A La, A La trong lòng cũng buồn lắm, tỷ tỷ không trách phạt mà lại yêu chiều tiểu muội. Quả thực muội rất xấu hổ". Nàng tưởng mình nói như vậy chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, nhận lỗi là được.
Không ngờ Thanh Phỉ có vẻ nhanh mồm nhanh miệng, nói: "Hừ, vừa rồi chẳng phải muội làm vỡ bình hoa, cố tình đẩy đại tỷ ngã, nếu không đại tỷ sao đến nỗi bị bị đứt kinh mạch! Chẳng qua đố kỵ đại tỷ mà thôi! Đại tỷ hiền lương, lại còn cưng chiều như thế!".
Lời Thanh Phỉ vừa buông ra, không khí trong đại điện vốn đã thoải mái đi nhiều bỗng dưng trở nên căng thẳng hẳn lên. Thái tử trợn mắt nhìn Thanh La, lạnh lùng nói với đại phu nhân: "Tam tiểu thư của Lý phủ thì ra lại ác độc như thế!".
Thanh Lôi thấy thái tử nổi cơn thịnh nộ, vội vàng kéo áo thái tử khẩn cầu: "Điện hạ, A La còn nhỏ, Thanh Lôi chẳng qua không thể chơi đàn được thôi. Lẽ nào điện hạ sủng ái Thanh Lôi chỉ vì tiếng đàn?". Nói đoạn nước mắt lại trào ra như suối.
Thái tử buồn bực, an ủi: "Lôi Nhi hiền lương đức thục, không đành đàn được nữa thì có sao". Nói đoạn, giọng trở nên nghiêm khắc, "Nhưng tuổi còn nhỏ đã rắp tâm mưu hại người thân, tuyệt đối không tha!".
Vương Yến Hồi tiếp lời: "Quả là không nên có lòng tham như thế! Nếu không làm tàn phế bàn tay cô ta, cũng phải khiến cô ta cả đời không thể động đến cây đàn, được không?".
Thái tử gật đầu: "Ái phi nói chí phải, xem cô ta đố kỵ Lôi Nhi thế nào! Chỉ chặt ngón vô danh bàn tay phải, giao cho thân mẫu đưa về phủ dạy bảo!".
A La nghe vậy, thầm kêu mẹ, sợ hãi tái mặt, ánh mắt khẩn cầu vô thức hướng về Tử Ly. Mắt Tử Ly hơi hoảng hốt, khẽ cau mày, nhưng không nói gì. A La đột nhiên vỡ lẽ, trước mặt thái tử, Tử Ly một mực khúm núm, muốn chàng giúp mình đúng lúc thái tử nổi giận, Tử Ly chắc là trăm mối tơ vò, không biết giúp thế nào? Nàng bất lực, kinh sợ thầm nghĩ, Lý Thanh Lôi cô ác quá, lại còn giả bộ hiền lành tội nghiệp. Lại còn Lý Thanh Phỉ kia nữa, vì tiền đồ của Thành Tư Duyệt mà dám ra tay hãm hại mình.
Ánh mắt A La quét qua mặt những người trong đại điện, thấy Lưu Giác cũng trầm mặt không nói gì, nụ cười lạnh châm biếm hiện trên mặt nàng. Lần này tốt rồi, ngươi đã được như sở nguyện, mọi tư thù sẽ được thanh toán.
Lúc đó hai cung nữ cao to đi vào đại điện, kéo tay A La định ra tay, Tử Ly giơ tay nói: "Hãy khoan!".
Thái tử nhìn Tử Ly: "Tứ đệ muốn xin cho cô ta?".
Tử Ly cười lạnh lùng: "Vừa rồi cứ tưởng tỷ muội chơi đùa không cẩn thận xảy ra sơ suất, không ngờ cô ta lại ác tâm như vậy! Bữa tiệc này lại bị cô ta làm hỏng, quả thật không thể tha! Chặt một ngón tay bõ bèn gì, bản vương sẽ đích thân động thủ!". Chàng chắc chắn sẽ không làm tàn phế tay A La, để người khác động thủ chàng không yên tâm.
A La kinh sợ nghĩ đến ngón tay bằng xương bằng thịt của mình bị chặt phăng, mình sẽ đau đến chết! Nghe Tử Ly nói muốn đích thân ra tay, nàng kinh hoàng nhìn chàng, thầm kêu, đừng, đừng, không nên là chàng! Tử Ly từng bước đến gần, nỗi phẫn nộ trong lòng A La đã đến tột đỉnh. Vốn muốn sống một cách bình yên, có cơ hội sẽ rời tướng phủ tìm nơi an toàn để sống, không ngờ, thế này không được, thế kia cũng không xong! Nỗi uất hận tích tụ bao năm cuối cùng đã lên tới đỉnh điểm, cuộc sống tra tấn ngày trước nàng phải nhẫn nhịn, bây giờ quả thực không thể nhẫn nhịn được nữa! Nàng hét to: "Hãy khoan!".
Tất cả giật mình bởi tiếng hét của nàng. Thấy A La đứng giữa đại điện, mặt hiên ngang thách thức, thái tử cũng sững người. Vương Yến Hồi lạnh lùng mở miệng: "Ngươi còn muốn nói gì?".
A La liếc nhìn Vương Yến Hồi, ánh mắt chuyển sang nhìn thẳng vào mắt Tử Ly, nói từng từ: "Tứ điện hạ muốn đích thân động thủ phải không?".
Tủ Ly nhếch mép cười: "Làm hỏng nhã hứng của bản vương, bản vương đích thân tìm lại, có gì sai?".
Mắt A La thoáng ướt: "Được, ta sẽ làm tăng nhã hứng của điện hạ! Điện hạ không muốn nghe ta đàn một khúc sao?".
Ánh mắt nàng vượt qua Tử Ly, dừng lại ở khoảng không phía sau chàng: "Thực ra A La rất thích chơi đàn, từ nhỏ tiếng đàn đã không bằng đại tỷ, hừ, cho nên không chơi nữa". Nụ cười trên môi nàng như giễu cợt, dừng giây lát, lại tiếp: "Bây giờ nhận thấy từ nay không thể chơi đàn được nữa, có thể cho phép A La chơi một khúc chăng?".
Vương Yến Hồi lạnh lùng: "Không cho ngươi toại nguyện, trở về tướng phủ chịu quản giáo e là ngươi cũng không cam tâm! Người đâu, mang đàn lại cho tam tiểu thư!". Khóe mép ẩn hiện nụ cười.
Thanh Lôi cả người run lẩy bẩy, nhìn đại điện không thấy ai có phản ứng, muốn mở miệng ngăn cản, lại sợ vội vàng, ngộ nhỡ lộ ra điều gì, hoảng hốt nhìn đại phu nhân.
Đại phu nhân quỳ xuống nói: "Trong nhà đã sớm nhận ra tâm địa của tiểu nha đầu kia, đã lệnh cấm không cho động đến cây đàn. Hôm nay Thanh Lôi như vậy, sao có thể để Thanh Lôi nghe tiếng đàn thêm đau lòng!".
A La không đợi ai lên tiếng, cười nói: "Tiểu nữ đã sắp bị chặt ngón tay, không thể đoái thương tiểu nữ một chút sao? Dù gì tiểu nữ tuổi cũng mới mười ba".
Thái tử sa sầm mặt: "Không cho ngươi đánh đàn, chuyện đồn ra ngoài, lại bảo Đông cung ta bắt nạt trẻ ranh!".
A La nhẹ nhàng ngồi xuống. Cây đàn tốt thật, đàn của Đông cung sao có thể không phải là loại thượng hạng! Ngón tay lướt trên dây đàn để thử âm, ánh mắt chậm chầm lướt qua mặt những người trong đại điện, lạnh như nước băng chích vào xương, nụ cười mơ hồ trên khóe miệng, dịu dàng yếu ớt như đóa hoa mùa thu bé nhỏ cuối cùng sắp lụi tàn, vừng trán bừng lên vẻ ngạo nghễ hiên ngang như cây tùng trên đỉnh núi, đơn độc đón nhận những trận cuồng phong.
Tử Ly cũng thấy lòng thắt lại, chàng thực sự rất muốn đưa A La ra khỏi chốn này.
Lưu Giác lặng lẽ nhìn A La, nâng chén rượu lên môi. Khuôn mặt muôn hình sắc thái của nàng khiến chàng kinh ngạc, hôm trước, trên thuyền hoa nàng một mực không chịu chơi đàn, trong chuyện này... Chàng nhìn hai rèm mi của A La rủ xuống, hai tay khoan thai lướt trên dây đàn, hai mắt khép lại.
Lát sau một thanh âm trầm thấp bay lên, A La bắt đầu chơi đàn. Tiếng đàn lúc như âm thầm rên rỉ, lúc lặng lẽ thở dài, lúc mong manh thâm trầm như không nghe thấy. Đột nhiên âm thanh vút lên, hào sảng, dồn dập, triền miên, tràn ngập mặt đất, tràn ngập không gian, xông thẳng vào lòng người, lay động tâm can! Cả đại điện dường như chìm trong nỗi bi thương khôn cùng, đau buốt đến tim gan, rồi thoắt cái như đã ở giữa sa trường, tiếng gươm đao rợp đất. Khúc đàn lúc trầm lúc bổng, lúc tan lúc hợp, từ thống thiết bi thương đến phẫn nộ gào thét.
Khúc "Quảng lăng tán" được A La chơi lâm ly thống thiết. Đại điện im phăng phắc, chỉ có tiếng đàn, chỉ có tiếng lòng A La vang lên. Kê Khang đã đánh khúc này trước khi bước lên đoạn đầu đài mà trở nên nổi tiếng. A La thầm nghĩ, bản thân nàng có phải cũng có tinh thần ung dung đón chờ cái chết như Kê Khang? Chắn chắn là không. Nhưng lay động lòng người nghe thì có.