Dưới Nắng Trời Châu Âu

Chương 7: Đức Lưu Luyến BERLIN

ĐẶT CHÂN TỚI BERLIN lần đầu tiên vào mùa thu năm 2001, thành phố không đẹp như những gì tôi tưởng tượng, giữa nhứng ngày tháng Mười, tôi lang thang trên khắp các nẻo đường để tìm lại những gì day dứt đã từng bỏ lại ở quê hương, để rồi trong lá thư đầu tiên gửi về cho mẹ, tôi đã viết: “Mẹ ơi, ở bên này con chẳng thấy mùa thu!”

Là một người lãng mạn, trong tôi mùa thu luôn là thứ gì đó mang cho con người nhiều cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, bồi hồi. Vậy mà trong tôi lúc ấy chỉ là sự trống rỗng, tôi bỗng nhớ những chiều thu Hà Nội đến nao lòng.

Để rồi mãi đến lần thứ tư trở lại Berlin, tôi mới dắm khẳng định tình yêu của mình dành cho thành phố này. Sống ở Đức nhiều năm, được đi khắp các thành phố lớn nhỏ nhưng mỗi lần tới Berlin, lòng tôi luôn dấy lên một nỗi niềm khó tả.

Là thành phố nằm ở phía Đông của nước Đức với nhiều di tích lịch sử, kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, Berlin là nơi thu hút khách du lịch từ khắp mọi nơi trên thế giới không phải bởi những nét đẹp trang hoàng lộng lẫy mà bởi những nét đẹp văn hóa còn lưu lại cho đến ngày hôm nay. Và có lẽ cũng không quá ngạc nhiên khi xếp Berlin vào danh sách những thành phố đẹp nhất châu Âu!

Tôi cứ  nhớ mãi cái khoảnh khắc trong lần đầu tiên tôi tới Berlin, với tôi Berlin là một thành phố xanh, sạch, đẹp và dường như chẳng bao giờ ngủ vào ban đêm. Những ấn tượng của tôi về người Berlin trong lần đầu tiên ấy không mấy thân thiện! Tôi sống ở một vùng quê yên ả, bình yên của miền Tây Bắc Bức, khi ra ngoài đường, bất kể người lớn hay trẻ con, họ đều có thói quen chào nhau “Hallo” (xin chào) hoặc nở một nụ cười, nhưng ở Berlin đó là điều không thể. Khi tôi đem thắc mắc này ra hỏi thầy giáo tôi, ông đã nhẹ nhàng giải thích cho tôi rằng: “Ở một thành phố với một lượng người đông như thế, người ta không thể “Hallo” suốt cả ngày được, thế nên em đừng trách người Berlin”. Tôi tạm bằng lòng với lời giải thích như thế dù trong lòng vẫn còn rất nhiều hoài nghi, để rồi rất lâu sau tôi mới biết thầy nói đúng.

Bất cứ thủ đô nào trên thế giới đều mang một vẻ đẹp riêng tượng trưng cho đất nước của mình và Berlin cũng vậy. Đến Berlin, bạn không thể không ghé thăm cổng thành Brandenburg – biểu tượng của thành phố. Cổng thành cao 26m, rộng 66,5m, trước đây từng là vạch phân chia ranh giới giữa hai miền Đông và Tây Đức. Cổng Brandenburg được bắt đầu xây dựng từ năm 1788 và mãi đến năm 1791 mới được hoàn thành. Vua Friedrich Wihelm II là người đã cho xây chiếc cổng ngày như biểu tượng của hòa bình. Hầu như bất cứ du khách nào đến Berlin cũng đều phải ghé qua cổng thành này.

Tôi không phải là người say mê lịch sử, nhưng khi đến Berlin tôi đã dành thời gian ghé thăm gần hết các viện bảo tàng – nơi ghi dấu những gì còn sót lại của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều người bạn Việt nam từng hỏi tôi: “Lịch sử nước Đức có gì thú vị?”. Tôi chỉ cười. Thật khó giải thích điều đó bởi hầu như bất cứ ai khi nghĩ về lịch sử Đức cũng gắn liền với hai chữ “Hitler”. Người dân Đức không bác bỏ điều này, thế hệ trẻ của Đức ngày hôm nay vẫn phải hứng chịu những cái nhìn soi mói khi học về lịch sử nước nhà. Còn tôi, tôi học để biết và cũng để hiểu rằng những gì đã đi vào lịch sử thì cũng nên biết đến một lần. 

Hiện tại ở Berlin, người ta vẫn lưu giữ những bức tường còn sót lại từ năm 1991 và trong những cửa hàng lưu niệm bạn có thể mua những mô hình nho nhỏ bằng ngón tay để làm kỉ niệm. Khi đi ngoài đường, nếu để ý kĩ, bạn sẽ còn được nhìn thấy vạch phân chia ranh giới giữa hai miền ngày xưa. Tôi tìm đến Checkpoit Charly, đây là một trong những những trạm kiểm soát của Mỹ ngày xưa đóng tại Berlin để kiểm soát giấy tờ khi người dân muốn di chuyển từ Đông Đức sang Tây Đức hoặc ngược lại. Khách du lịch đến đây thường chụp những bức hình làm kỉ niệm để hồi tưởng lại không khí ngày xưa. Sau khi nước Đức thống nhất thì trạm kiểm soát này đã bị hủy bỏ nhưng từ năm 2000 người ta đã cho xây dựng lại một trảm kiểm soát được phỏng theo bản gốc để khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.

Sau khi đã xem được gần hết các công trình lịch sử và các viện bảo tàng, tôi bắt đầu khám phá một gương mặt khác của Berlin – nơi là lịch sử không còn đứng vai trò chủ đạo của thành phố, mà thay vào đó là những dòng sông, những cây cầu, những cung điện tạo cho thành phố một vẻ đẹp nên thơ, tao nhã. Vào mùa hè, trên những thảm có trong những công viên hay thậm chí chỉ là một bãi cỏ ven đường, giới trẻ thường tận dụng đó làm nơi nghỉ mát, hóng gió, hàn huyên hay ngồi đọc một cuốn sách hay, ngắm vài lượt người qua lại. Trên những cây cầu khi nắng tắt và hoàng hôn bắt đầu buông xuống, Berlin khi đó không còn là một thành phố với những tòa nhà chọc trời mà là một thành phố thật sự yên bình và đáng yêu. Người dân Berlin không ồn ào, vội vã, cuộc sống dẫu tất bật nhưng họ vẫn tìm cho mình những giây phút để thư giãn. Trên những tàu điện ngầm hay những chuyến xe buýt, tôi không hề thấy biểu hiện của sự hớt hải, bon chen, kẻ lên người xuống vẫn với những bước chân thật nhịp nhàng. Tôi vẫn nhớ những buổi sáng sớm thức dậy, đến trên kí túc xá tầng 15 từ phòng của Trang nhìn xuống, ngắm thành phố từ phía trên cao, để gió, để mặt trời tỏa vào đôi mắt biếc, một cảm giác thật dễ chịu.

Người ta đặt cho Berlin rất nhiều những cái tên mỹ miều, nào là “Trái tim của châu Âu”, “Nơi gặp nhau của quá khứ và hiện tại” hay “Thành phố của nghệ thuật”. Còn tôi thì lại gọi Berlin là thành phố của yên bình, bởi mỗi lần quay trở lại nơi này tôi đều bồi hồi xúc động. Thành phố này luôn mang tới cho tôi cảm giác của sự bình yên, bỏ lại phía sau những tính toán đời thường để sống một cuộc sống của một người trẻ tuổi mang trong mình những hoài bão và khát vọng tự do. Khó có ai nghĩ rằng hơn nửa thế kỉ trước Berlin vẫn còn bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh khi ghé đến thăm thành phố này. Ở Berlin, sinh viên Việt Nam và châu Âu khá nhiều, thế nên vào các ngày nắng đẹp, họ thường tụ tập cùng gia đình, bạn bè ở Thaipark nướng thịt, thưởng thức các món ăn châu Á khác nhau, trong đó có món chè và nộm đu đủ của Thái Lan, cùng món thịt nướng kiểu Lào là những món ăn tôi tâm đắc vô cùng.

Tôi thích nhất là được ngắm Berlin vào mỗi buổi đêm, được lang thang trên con đường lộng gió, trút bỏ những nhọc nhằn của một ngày đã qua và đắm mình trong hơi thở của thành phố. Ở Berlin có hai địa điểm mà bạn nên dừng lại và ngắm nhìn vào buổi đêm đó là Alexander Platz, bạn có thể ngước nhìn lên tháp truyền hình với độ cao 368m và những người không sợ độ cao thì có thể xếp hàng mua vé lên đỉnh tháp để ngắm nhìn toàn bộ Berlin vào ban đêm với những ánh đèn lấp lánh đủ sắc màu.

Còn Postdamer Platz là nơi từng bị chia cắt bởi hai miền nước Đức, khi tới đây bạn có thể nhìn thây vạch ngăn cách bức tường ngày xưa, nay đã bị phủ bằng những lớp đá. Hiện nay, quảng trường này là nơi có mật độ giao thông gần như cao nhất ở Berlin, những tòa nhà cao tầng, khách sạn và nhà hàng mọc lên rất nhiều. Quảng trường này cũng là nơi “cực kì giản dị”, bởi đây là nơi trải chiếc thảm đỏ thu hút các ngôi sao tài tử, minh tinh màn bạc từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến đây để làm áp phích quảng cáo cho bộ phim sắp được trình chiếu và giao lưu cùng khán giả. Tôi còn nhớ cái lần đi theo chân chị Trang tới Postdamer Platz chỉ để chờ và chiêm ngưỡng tận mắt hai diễn viên chính trong bộ phim Transfomer. Trước đó, tôi không hề biết đến tên tuổi của hai tài tử điện ảnh này, nhưng hình như sau bộ phim này, họ đã bắt đầu nổi tiếng ở Holywood. Thế mà rồi tôi cũng “mò” lên được hàng đầu tiên (dáng người mảnh khảnh khiến việc luồn lách của tôi rất dễ dàng), được đạo diễn và hai tài tử tận tay kí tặng. Tôi cười toe toét trong tiếng hò reo khản cổ của những bạn trẻ xung quanh.  

Nói đến Berlin là không thể không nhắc tới Đông Đức. Khi lạc vào đây, tôi cứ ngỡ mình đang ở Việt Nam, bởi số lượng người Việt buôn bán ở trong này chiếm tới hơn 60%, 40$ còn lại được chia cho người Trung Quốc, người Thổ, người Ấn Độ và Đức. Người ta có thể mua bất cứ thứ gì họ cần, sách báo, băng đĩa cho đến cả những món đặc sản mà nhiều người vẫn nghĩ chỉ ở Việt Nam mới có thể mua được. Thế mới biết người Việt Nam mình, dù sống ở đâu cũng muốn có đủ đầy hương vị quê nhà. Lần nào tới đây, tôi cũng được chiêu đãi những món ăn Việt Nam truyền thống, nào là bún ốc, phở bò và các loại chè thập cẩm khác nhau, ăn cho no nê rồi mới quay trở lại trung tâm thành phố.

Ở Berlin, ngoài việc tới Đông Xuân để thưởng thức những món ăn Việt Nam, bạn cũng nên tranh thủ nếm thử những món đặc sản khác cũng không kém tuyệt với, như xúc xích cà ri (Currywurst), salad khoai tây, giò heo ăn kèm bắp cải muối, bánh rán Berlin (Berliner). Tôi nhớ mùa hè năm ngoái trước khi lên Berlin. Thủy có nhắn tin cho tôi bảo sẽ dẫn tôi đi ăn món Doner Kebab ngon nhất Berlin khiến tôi háo hức vô cùng. Thật ra các cửa hàng bán Doner Kebab ở Berlin thì hầu như ở trên con đường nào cũng có nhưng không phải cửa hàng nào cũng ngon. Từ Alexander Platz, chúng tôi phải đổi tàu tới hơn ba lần mới tới được cái lều bán Doner của hai anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ. Trước chúng tôi đã có chừng hơn 20 người đang xếp hàng ở đó dù lúc đó mới chỉ hơn mười một rưỡi trưa và bữa ăn chính của người dân Berlin chưa bắt đầu. Thật không uổng công xếp hàng chờ đợi, đúng như những gì Thủy nói, tôi đã được thưởng thức món Doner Kebab ngon nhất trong đời ở Berlin. 

Viết về Berlin chẳng biết đến khi nào cho đủ, bởi mỗi lần trở lại Berlin, tôi luôn khám phá ra được rất nhiều điều mới lạ. Từ khi nào tôi đã thấy yêu tha thiết thành phố này. Rất lâu rồi, tôi nhớ có một lần mình ngồi khóc giữa quảng trường Alexander Platz chỉ vì một lí do hết sức ngớ ngẩn, đó là nhìn thấy một gia đình người Việt đi chơi cùng nhau, tiếng cháu gọi ông bà, tiếng người con gọi mẹ, tôi bỗng thấy nhớ gia đình của mình biết bao nhiêu và thèm được trở về những ngày tháng xưa trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Nhưng tôi biết, thời gian không trở lại bao giờ. Nước mắt tôi lã chã rơi cho những điều gọi là số phận. Và như thấu hiểu được nỗi niềm chất chứa đó ở trong tôi. Tú đã mời tôi về nhà mình ở ngoại ô Berlin để ăn một bữa tối cùng bạn cùng bạn và gia đình, cho tôi được sống những giờ phút ấm cúng trong không khí gia đình.

Căn nhà của bố mẹ Tú nằm ở ngoại ô Berlin, không khí rất trong lành và xung quanh là thiên nhiên bao bọc. Dọc theo trục đường chính, Tú dẫn tôi về phía một quả đồi trong một chiều nhạt nắng, cùng nhau hái mận, hái hoa và tận hưởng những khoảnh khắc bình yên mà tôi biết không phải lúc nào mình cũng có được.

Kỉ niệm về Berlin luôn song hành cùng tôi suốt những năm tháng tuổi trẻ. Tôi vẫn thường nói với bạn bè tôi rằng đó là thành phố tôi thấy mình có duyên nhiều nhất. Nhất định tôi sẽ còn trở lại nhiều và nhiều lần nữa vì chẳng có lý do gì để mà không trở lại, bởi khi đã có duyên rồi thì “đi xa mấy cũng có ngày tìm lại với nhau”. Và quan trọng hơn cả, ở Berlin, tôi cũng đã tìm thấy mùa thu của mình.

Dresden - Giữa sắc trời thiên nhiên

SỐNG Ở ĐỨC GẦN MƯỜI NĂM cũng lang thang hết gần nữa châu Âu nhưng tôi lại chưa khám phá hết vẻ đẹp của Đức. Sau khi kết thúc kì tih tốt nghiệp, tôi tự thưởng cho mình một chuyến đi dài tới miền Đông trước khi tiếp tục theo một ngành học mới. Đây là cơ hội để cho tôi được hiểu rõ hơn về quê hương thứ hai của mình. Dù cùng nằm trong mảnh đất của nước Đức nhưng cuộc sống, con người, phong cảnh ở Dresden cũng khá khác biệt và lần này tôi muốn được chứng kiến và cảm nhận sự khác biệt đó bằng chính đối mắt và trái tim mình.

Biết đến Dresden từ lâu qua báo chí va các phương tiện truyền thông, nhưng suốt những năm tháng sống và học tập ở Đức, tôi chưa một lần được đặt chân tới đó. Dresden trong kí ức của tôi chỉ là hình ảnh Nhà thờ Đức Bà nguy nga, lộng lẫy, bên dòng sông Elbe tiểu bang Sachsen này chỉ dừng lại ở đó. Có lẽ tôi cũng sẽ chẳng biết được nhiều hơn nếu không tự bắt mình thực hiện cuộc hành trình tới miền đất phương Đông này.

Sau những ngày rong ruổi ở Berlin, tôi mua vé tàu đi thẳng tới Dresden. Hương – một người bạn hiện đang sống và học tập ở Dresden đón toi ở ga rồi sau đó hai đứa lang thang trong thành phố. Thật là tuyệt khi có một hướng dẫn viên nhiệt tình và tốt bụng như Hương đi cùng, mặc dù trước đó chúng tôi chưa biết nhiều về nhau. Vừa đi Hương vừa bảo: “Các danh lam thắng cảnh ở Dresden gần nhau lắm, nằm ngay trung tâm nên chỉ cần đi hai tiếng là có thể xem được hết”. Thời tiết tháng Bảy rất đẹp, nắng trải dài trên những con đường dành cho người đi bộ, gió từ sông thổi vào khiến tôi có cảm tình ngay với nơi dây, hay tại số tôi may mắn, đi đâu cũng có nắng đi cùng. 

Dresden được mệnh danh là thành Florence nằm trong thung lũng sống Elbe – một trong những dòng sông lớn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Đức và các nước Trung Âu với chiều dài hơn 1000km – bao gồm nhiều kiến trúc rất độc đáo mang đậm phong cách Baroque. Erich Kastner – một nhà văn nổi tiếng của Đức sinh ra ở Dresden – đã nói rằng ông cảm tạ cuộc đời đã cho ông được lớn lên ở mảnh đất này, nơi mà không chỉ vừa xấu mà lại vừa đẹp nữa. Có lẽ thật mâu thuẫn nhưng quả thực, Dresden vừa mang hơi thở của quá khứ, vừa mang dáng dấp của sự hiện đại. Dresden đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử: Năm 1206, cái tên Dresden chính thức được đề cập đến, sau đó nơi này trở thành nơi thường trú của dòng dõi quý tộc Wettiner. Vào năm 1945, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, thành phố này đã bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn của Mĩ và Anh, mãi sau này khi nước Đức thống nhất thì Dresden mới bắt đầu được tu sửa lại hoàn toàn. Nhà viết kịch Gerhart Hauptmann đã có lần nói rằng “Nếu như bạn đã quên cách nhỏ lệ, thì sự phá  huỷ Dresden sẽ khiến bạn nhớ lại cách khóc như thế nào”. Quả thật, những năm học chuyên sử ở Đức, xem những bộ phim tài liệu về Dresden, tôi không khỏi ngậm ngùi xót xa. Thứ mà ngày hôm nay, những vết thương trong quá khứ mà Dresden xưa kia phải hứng chịu cũng đã dần dần lành lặn theo thời gian, và không phải ngẫu nhiên mà vùng đất này trở thành một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu. Theo thống kê của Ủy ban thành phố thì hàng năm Dresden đón khoảng gần chín triệu khách du lịch và trung bình, mỗi khách du lịch ở lại nơi này khoảng hai ngày.

Sau khi đi qua nhiều con đường và góc phố Dresden, Hương dẫn tôi tới Zwinger – một trong nhưng địa điểm nổi tiếng không thể bỏ qua khi đã đặt chân tới đây. Zwinger là công trình hoành tráng nhất của Dresden – là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và nghệ thuật. Mới thoạt nhìn, cấu trúc của Zwinger có phần giống đấu trường La Mã, chính giữa là một khu vườn với những đám cỏ được cắt tỉa tỉ mỉ rất xinh xắn. Trước đây, Zwinger được thiết kế là một vườn trồng cam và sân trước của một lâu đài mới, nhưng sau năm 1709, khi đức vua của vùng Saxony là Friedrich August I qua đời thì triều đình cũng buộc phải tạm dừng kế hoạch ấy. Ngày nay, Zwinger vừa được sử dụng làm một khu liên hợp bảo tàng, vừa để tổ chức các cuộc triển lãm đương đại, đồng thời cũng là một sân chơi ngoài trời với các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, Zwinger bây giờ được du khách biết đến dưới dạng viện bảo tàng đồ gốm sứ nổi tiếng nhất thế giới, và cùng với thời gian, công trình này đã trở thành một trong nhiều biểu tượng quốc gia vô cùng giá trị của Đức. Chúng tôi đi dạo quanh khu vườn, ngắm nhìn dòng người qua lại, tận hưởng sự bình yên của Dresden và liên tưởng tới khung cảnh thời xa xưa rồi bước lên cầu thang lên phía tầng trên. Cầu thang này không nằm ở phía trong Zwinger như nhiều người nhầm tưởng mà nó nằm ở phía ngoài bên cạnh lề đường, sau một hồi tìm kiếm cuối cùng chúng tôi cung tìm thấy đường để đi lên. Dựa mình vào bức tường cũ, nhắm mắt lại nghe tiếng nước chảy từ các vòi phun nước, tôi ước rằng thời gian hãy ngừng trôi, để tôi được tận hưởng những phút giây nhẹ nhàng trong khoảnh khắc mùa hè ở nơi ngày xưa từng một thời là chốn ăn chơi của Dresden này. 

Từ Zwinger, chúng tôi đi về hướng Bruhlschen Terrasse (còn có tên gọi khác là Ban công của châu Âu) nằm bên dòng sông Elbe, nơi đây hội tụ rất nhiều khách du lịch vì  nó nằm ở trung tâm khu phố cổ, kéo dài 500m dọc dòng sông Elbe giữa cầu Augustus và cầu Carola. Tôi đứng ở nơi này và dõi mắt về nơi xa, dòng sông hiền hòa hiện ra trước mắt, nắng chiều óng ả rọi trên những lối đi. Nằm phía sau “ban công này” là chiếc cầu thang dẫn xuống một ngõ nhỏ, chỉ là một ngõ rất ngắn nhưng lại tập trung rất nhiều quán ăn. Đi qua ngõ này là tới Nhà thờ Đức Bà niềm tự hào của nước Đức nói chung và người dân Dresden nói riêng – được xây dựng vào cuối thế kỉ thứ XVIII theo phong cách kiến trúc Baroque, nhưng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bom đạn của Mĩ và Anh dội vào đã hủy hoại gần như là tất cả. Vì nhà thờ này vừa được coi là công trình thế kỉ, lại vừa là nhà thờ Tin Lành rất lớn của Đức nên sự tổn thất này đã khiến cho người dân Dresden rất hoang mang, họ luôn mong mỏi sẽ khôi phục lại nó. Ước nguyện này cuối cùng đã trở thành hiện thực sau ngày nước Đức thống nhất, nhờ lòng hảo tâm của rất nhiều người, đến năm 1993, nhà thờ bắt đầu được trùng tu và cho tới tận năm 2005 mới hoàn thành xong, đánh dấu sự lùi xa của cuộc chiến tranh tàn khốc, đông thời cũng là chiếc cầu nối cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn.

Chúng tôi lặng lẽ bước vào bên trong nhà thờ, sự yên lặng như bao trùm lấy cả không gian này. Kiến trúc trong nhà thờ vô cùng lộng lẫy và rất trang nghiêm. Đã từng ghé thăm rất nhiều nhà thờ nổi tiếng ở châu Âu nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước hàng ngàn đường nét hoa văn và những hình vẽ ở trên tường vòm nhà thờ, bao gồm tám bức vẽ của bốn tín đồ của Chúa Jesus có nhiệm vụ truyền giảng Tin Lành là Lukas, Matthaus, Markus và Johannes, cũng như hình tượng bốn đức hạnh trong Thiên Chúa giáo là đức tin, hi vọng, lòng bác ái và nhân từ. Chúng tuyệt đẹp, đến nỗi tôi không thể viết được thành lời, chỉ biết lạng lẽ ngồi xuống chiếc ghế phía sau cùng và thả lòng mình trong những giây phút bình yên ngắn ngủi đó.

Bước ra khỏi nhà thờ, chúng tôi đi dọc qua cây cầu bắc ngang dòng sông Elbe để đi về khu phố mới. Khu phố này nằm ở bên phải dòng sông và được sát nhập vào trung tâm thành phố từ những năm 1403. Ngày nay, nơi đây tập trung rất nhiều nhà hàng, khách sạn và cũng là một điểm mua sắm có tiếng ở Dresden. Chúng tôi rẽ vào Kunsthof (vườn nghệ thuật) – một địa điểm mà không phải khách du lịch nào cũng biết vì nó nằm ẩn mình trong khu phố mới. Sân nghệ thuật này ban đầu chỉ là một ý tưởng nhằm phục hồi lại tòa nhà đó, nhưng cuối cùng nó lại được thiết kế vô cùng nghệ thuật, với nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm nho nhỏ trông rất lạ và bắt mắt.

Sáng hôm sau, tôi dành thời gian leo núi ở vùng Sachsiche Schweiz – một dãy núi đã nằm bên dòng Elbe cách trung tâm Dresden chừng 40km và từ lâu đã trở thành công viên Quốc gia của Đức với diện tích hơn 90km2 – Sachsische Scheweiz được gọi là “Thụy Sĩ của Saxony” là do hai người Thụy Sĩ tới sống và làm việc ở Dresden, từ thế kỉ thứ XVIII đã dành thời gian đi leo núi để đỡ nhớ nhà, và từ đó tên gọi này cứ thế được lan truyền rồi tồn tại đến tận ngày nay. Nếu tới đây vào mùa thu, bạn sẽ thấy phong cảnh đẹp hơn rất nhiều vì lúc đó những chiếc là xanh đang chuyển màu, khiến cả Saxony đẹp rực rỡ hơn bao giờ hết. Tôi tới đây vào những ngày cuối tháng Bảy, lá vẫn còn xanh rợp trên những lối đi và thời tiết cũng khá mát mẻ. Các biển chỉ dẫn sẽ giúp bạn lựa chọn con đường và chiều dài mình muốn đi, rồi vừa leo núi vừa ngắm cảnh. Hãy dành thời gian ngắm nhìn từng lớp đá lớn mang màu sắc nâu trắng rất lạ do đã bị xói mòn bởi thời gian, đan xen những khe núi chật hẹp mà có lẽ chỉ một đứa bé mới có thể chui lọt. Từ trên cây cầu đá Bastei trứ danh nhìn xuống, bạn sẽ chứng kiến hình ảnh những người leo núi hăng hái (đây là môn thể thao khá được ưa chuộng ở Saxony), hay nhìn xuống dòng sông Elbe hùng dũng uốn lượn. Tôi leo núi một mình tận hưởng sự bình yên của thiên nhiên kì vĩ và chợt nhớ tới câu nói của người bạn cũ rằng: “Cuộc sống đôi khi rất thú vị với những phút riêng tư.” Nói là leo núi một mình nhưng thật ra tôi có một mình đâu, bởi xung quanh tôi là bao nhiêu tiếng cười rộn rã, thậm chí có những gia đình còn cho cả con nhỏ chỉ chừng 4-5 tuổi đi leo núi cùng. Khoảnh khắc được sống giữa thiên nhiên ấy khiến tôi đột nhiên nghĩ rằng sau này khi cuộc sống ổn định, tôi muốn về đây sống để tận hưởng bốn mùa của Sachsische Schweiz. Ở đây, con người thực sự được thư giãn, bỏ lại phía sau gánh nặng cuộc đời, chỉ có lá, có hoa, có những dãy núi trùng trùng điệp điệp và có tiếng cười lắng đọng mãi trên môi.