Minh triều, Hoa Nam địa khu.
Phụng ý chỉ của Minh triều Vĩnh Lạc Đế Chu Lệ, Tam Bảo Thái giám Trịnh Hòa tổ chức đội thuyền đi kinh lược các xứ Nam Dương. Vĩnh Lạc Đế vì cướp ngôi của cháu mình là Kiến Văn Đế, nghe tin đồn Kiến Văn Đế chạy về vùng duyên hải phương nam, rồi cấu kết với Uy khấu chạy ra hải ngoại, sợ có ngày Kiến Văn Đế quay về giành lại ngôi báu, nên mới phái Trịnh Hòa đi kinh lược các xứ Nam Dương, thừa cơ thám thính tin tức về Kiến Văn Đế.
Tam Bảo Thái giám Trịnh Hòa là người Hồi ở Vân Nam, tên thật là Hajji Mahmud Shams, phiên sang Hán tự thành Mã Tam Bảo. Ông là hậu duệ đời thứ 6 của Sayyid Ajjal Shams al Din Omar, một viên quan cai trị Vân Nam thời nhà Nguyên và đến từ Bukhara (ngày nay thuộc Uzbekistan). Họ ‘Mã’ của ông có từ người con thứ năm của Shams al Din là Masuh. Cả ông nội và cha của ông, Charameddin và Mir Tekin, đều đã hành hương tới thánh địa Mecca. Sau khi quân đội nhà Minh chiếm đóng Vân Nam, ông đã bị bắt giữ khi còn là một cậu bé con và bị hoạn, vì thế ông đã trở thành một thái giám phục vụ cho các hoàng đế Minh triều. Tên gọi Trịnh Hòa là do Vĩnh Lạc Đế đặt cho ông để thưởng công giúp lật đổ Kiến Văn Đế.
Vĩnh Lạc tam niên, lục nguyệt 15 nhật (tức ngày 11 tháng 7 năm 1405 theo Tây Lịch). Sứ đoàn gồm Trịnh Hòa làm chính sứ, Vương Cảnh Hoằng làm phó sứ, suất lĩnh sĩ binh 2 vạn 7.800 người, gồm 63 chiếc bảo thuyền cùng rất nhiều mã thuyền, lương thuyền, tọa thuyền, chiến thuyền, tổng cộng 317 chiếc; từ Tô Châu Lưu Gia Hà xuất hải, sau đó đi dọc theo bờ biển đến Phúc Kiến, rồi từ Ngũ Hổ Môn ở Phúc Kiến kéo buồm đi về phương nam, hướng đến Chiêm Thành.
Trải qua hơn một tháng lần mò trên biển, đoàn thuyền mới đến được Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam). Trịnh Hòa cho thuyền dừng lại đấy nghỉ ngơi vài ngày cho binh sĩ và thủy thủ lấy lại sức. Thủy sư của Minh triều trước nay chủ yếu hoạt động trên sông hồ, đa số không quen với sóng biển. Minh triều chỉ có Thủy sư, hoàn toàn không có Hải quân hay Hạm đội, cũng không có khái niệm lãnh hải. Đây cũng là lần đầu tiên mà bọn họ đi xa như vậy.
Sau mấy ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, đoàn thuyền lại kéo buồm ra biển, hướng về phía nam, mục tiêu là Chiêm Thành. Khi đoàn thuyền gần đến hải phận Chiêm Thành, thủy thủ chợt thấy một đoàn gần 10 chiếc thuyền nhỏ đang đánh cá. Trịnh Hòa cho thuyền dừng lại, hỏi thăm. Đáng tiếc, những người đánh cá không ai biết Hán ngữ, song phương nói chuyện mà không hiểu nhau. Cả phiên dịch tiếng Chiêm Thành cũng không cách nào câu thông được. May mắn là trong sứ đoàn có người từng đi sứ Đại Việt, biết được chút ít tiếng Việt, liền bước ra hỏi :
- Này các ngươi. Đây là đâu thế ? Còn bao xa nữa mới đến được Chiêm Thành ?
Ngư dân nghe hỏi bằng tiếng Việt, liền đáp :
- Đây là Hải Tân quốc. Muốn đến nội địa Chiêm Thành phải đi về phía nam mấy ngày nữa mới đến.
Người kia sau khi phiên dịch lại, nghe người bên cạnh nói mấy câu, ngạc nhiên hỏi lại :
- Sao ta nhớ đến đây là đã gần đến Chiêm Thành rồi mà ?
Ngư dân đáp :
- Người dẫn đường cho các vị có phải đã đi Chiêm Thành hồi mấy năm trước không ?
Người kia nói :
- Đúng thế. Có gì khác biệt sao ?
Ngư dân nói :
- Trước đây vùng phía nam cách nơi này vài chục dặm đã là đất Chiêm Thành. Nhưng hiện giờ đó đã là đất Thăng Hoa của Đại Việt. Phần phía nam Thăng Hoa, cũng vẫn còn đang đánh nhau. Muốn đến nội địa Chiêm Thành phải tiếp tục đi về phía nam nữa.
Người trong sứ đoàn lại hỏi :
- Hải Tân quốc là một nước như thế nào ?
Ngư dân đáp :
- Hải Tân quốc là một nước ở ngoài biển, do di dân Việt, Chiêm, Mường cùng lập ra. Trước đây nằm ở ranh giới giữa Chiêm Thành và Đại Việt, nhưng giờ đây đã hoàn toàn nằm ngoài khơi Đại Việt rồi.
Người kia hỏi tiếp :
- Từ đây đi bao lâu nữa mới đến được nội địa Chiêm Thành ?
Ngư dân lắc đầu đáp :
- Không biết nữa. Chúng tiểu nhân chỉ biết đi mãi về phía nam là đến được Chiêm Thành mà thôi.
Chúng sứ thần sau một hồi bàn bạc, quyết định tạm thời ghé vào Hải Tân quốc hỏi thăm tin tức, luôn tiện thuyết phục Hải Tân quốc chủ phái người triều cống Thiên triều. Nước này nằm ngay ngoài khơi Đại Việt, lại không xa Chiêm Thành, tuy nước nhỏ dân ít, nhưng vị trí trọng yếu, cũng rất đáng để thu phục.
Đoàn thuyền ghé vào Hải Tân. Hải Tân quốc chủ thân dẫn văn võ quan viên ra đón sứ đoàn. Tuy nước này chỉ quản lý vài hòn đảo, toàn thể quân dân chưa đến 2.000, nhưng nghe nói xứ Nghệ An chỉ cách nơi đây vài trăm dặm, cả sứ đoàn đều mừng rỡ, ra sức thuyết phục Hải Tân quốc phái sứ thần về triều cống Thiên triều. Đương nhiên Hải Tân quốc chủ lập tức ưng thuận, và nhờ sứ đoàn viết thư tiến dẫn. Mọi người đều vui vẻ.
Hải Tân quốc chủ sai người bày đại tiệc tiếp đãi các thành viên sứ đoàn, đồng thời chúng binh sĩ và thủy thủ cũng có phần. Tuy yến tiệc so với Trung Hoa thì đơn giản hơn rất nhiều, nhưng mọi người đều ăn uống rất hào hứng, nhất là chúng sĩ binh và thủy thủ, bởi lênh đênh trên biển, thức ăn chẳng ngon miệng chút nào. Ăn uống xong, trừ sứ đoàn, những người khác đều phải ở lại trên thuyền hoặc cắm trại ngoài bãi biển. Hải Tân quốc quá nhỏ bé, không thể lo đủ chỗ ở cho gần 3 vạn người.
Sau khi bổ sung thêm lương thực và nước uống, đoàn thuyền lại tiếp tục đi về phương nam. Theo chỉ dẫn của người ở Hải Tân quốc, bọn họ dễ dàng đến được đất Chiêm, và ghé vào một tòa thành lớn để nghỉ ngơi, bổ sung thêm nước uống, đồng thời liên hệ với triều đình Chiêm Thành. Hải Tân đảo quá nhỏ, không đủ nước uống, bọn họ chỉ bổ sung được một ít.
Xứ này gọi là Bạt Đạt Gia, là một tiền đồn quan trọng chống quân Đại Việt của nước Chiêm, đồng thời cũng cách kinh đô Đồ Bàn không xa lắm. Sứ đoàn định nghỉ ngơi lại đây, chờ hồi đáp từ phía triều đình Chiêm Thành. Sau mấy tháng lênh đênh trên biển, đại bộ phận quan binh và thủy thủ đều kéo vào thành nghỉ ngơi ‘hưởng thụ’, chỉ một bộ phận được phái ở lại canh giữ thuyền bè.
Đêm bình an. Mọi người đều rất vui vẻ.
Sáng hôm sau, mọi người định tiếp tục vui vẻ, đột nhiên biến cố phát sinh. Một bộ phận nhân viên sứ đoàn, cùng rất nhiều binh sĩ và thủy thủ có triệu chứng trúng độc, ói mửa vật vã, thậm chí hôn mê bất tỉnh, nếu không thì cũng mất hết sức lực, đi đứng cũng khó khăn. Trịnh Hòa cả kinh, cùng các thành viên sứ đoàn hội ý, cho rằng người Chiêm Thành ám toán, cần phải ‘tiên hạ thủ vi cường’, tạm giành quyền kiểm soát nơi này, rồi tìm đại phu chữa trị. Nếu chậm trễ, cả bọn có nguy cơ bỏ thân nơi đất khách quê người.
Thế là Trịnh Hòa tập hợp binh sĩ, tổ chức tấn công thủ quân trong thành. Bị tấn công bất ngờ, quân Chiêm chống giữ không nổi, phải bỏ thành mà chạy. Bọn Trịnh Hòa dễ dàng giành được quyền kiểm soát Bạt Đạt Gia thành. Thế nhưng, điều làm bọn họ kinh ngạc nhất là dân Chiêm trong thành cũng bỏ nhà cửa, rời thành chạy theo thủ quân. Trong thành giờ đây chỉ còn lại có quân Minh.
Sau đó, quân Chiêm tổ chức lại quân đội và dân binh, chiếm giữ các vị trí hiểm yếu, bao vây quân Minh trong thành. Viện binh của quân Chiêm cũng từ các nơi lục tục kéo đến. Tình thế quân Minh trở nên nguy cấp vô cùng. Quan trọng nhất là số người bị độc phát tác ngày càng nhiều. Số người có thể chiến đấu còn lại chưa được hai phần. Toàn thể sứ đoàn từ trên xuống dưới đều mắng chửi người Chiêm xảo trá gian hiểm.
…
Trên bờ biển, trong doanh trại của quân Minh, chúng binh sĩ và thủy thủ đều trúng độc, nằm la liệt khắp nơi, rên rỉ không ngừng. Bọn họ không hay biết gì về sự biến trong thành.
Đến giữa trưa, một toán quân khoảng 1 vạn người từ phía nam kéo đến, xông vào doanh trại đánh giết hơn 5.000 quân Minh không còn sức phản kháng. Sau khi tiêu diệt hết quân Minh, bọn họ chỉ thu lấy vàng bạc châu báu và những vật quý giá, còn những chiến lợi phẩm khác trong doanh trại thì bỏ mặc đó, rồi chia nhau lên các thuyền đang neo đậu ngoài biển, kéo buồm đi về phía nam.
Tiếp đó, một số thuyền khác lại kéo đến, thả xuống biển nhiều bè gỗ, mảnh ván vụn, thanh gỗ gãy, rồi châm lửa đốt, biến nơi đây trông giống như vừa diễn ra một trận hải chiến, với nhiều thuyền bè bị đánh chìm, hoặc bị đốt cháy. Trên bờ đầy xác quân Minh, dưới biển đầy mảnh ván vỡ vụn, khó ai phát hiện được chân tướng sự việc.
Đến chiều tối, một toán quân Chiêm kéo đến đây, thấy quân Minh đều đã bị giết, nên rất ngạc nhiên. Nhưng rồi cả bọn lại xông vào doanh trại tranh đoạt chiến lợi phẩm. Quân Minh còn bị ai khác giết nếu như không phải quân Chiêm. Bọn họ thấy không cần thắc mắc chuyện đó.