Xích-kiếm mở cửa cho mụ vào, rồi đóng cửa lại. Dư Thúy-Nham thấy có
nhiều người ngồi cùng hoàng-đế thì ngơ ngác không hiểu. Thị phục xuống
đất dập đầu:
– Lão tỳ triều kiến thánh-hoàng. Không hiểu đêm khuya thánh-hoàng triệu thần đến đây có việc gì?
Tiên-yên nữ-hiệp nói:
– Cho ngươi bình thân. Hôm nay trong phòng này có 8 chúng ta là chỗ thâm tình với hoàng-thượng, thêm mỹ nhân kia là 9. Chúng ta hỏi câu nào
ngươi phải trả lời cho đúng. Nếu sai trái một câu ta cắt đầu, tru di tam tộc nhà ngươi.
Dư Thúy-Nham kinh sợ run run hỏi:
– Xin lệnh-bà cho lão tỳ biết rõ hơn?
Tiên-yên nữ-hiệp hỏi:
– Dư bà, ngươi nuôi hoàng-thượng từ lúc sơ sinh phải không?
– Vâng, đúng thế.
– Bấy giờ Tiên-đế là Trường-sa Định-vương. Tại sao ngươi không ở trong cung nuôi hoàng-thượng, mà lại ở Đào-trang?
– Dạ... dạ... vì Tiên-đế sinh hoàng-thượng ở ngoài dân dã.
– Thôi được, như thế cũng đủ. Ngươi mau đem tất cả mọi chuyện kể ra hết. Dấu một câu, ta chặt đầu.
Tiên-yên nữ-hiệp rút kiếm đưa qua, đưa lại trước mặt Dư Thúy-Nham, làm
mụ run lẩy bẩy. Mụ kể lại mọi sự từ khi theo hầu kỹ nữ Hàn Tú-Anh, rồi
Trường-sa Định-vương giả làm văn nhân đeo đuổi nàng. Hai người ở với
nhau có hai con, Thái-phi cho đem vào phủ nuôi nấng. Ít lâu sau Hàn
Tú-Anh mất tích. Thái-phi bắt Dư Thúy-Nham dấu mọi chuyện, phao rằng Mã
vương-phi sinh ra hai thế-tử.
Đào Kỳ nói với Dư Thúy-Nham:
– Dư bà! Nếu Dư bà ở trong cung này sẽ bị người ta giết đi để che dấu
cái xấu. Ngay đêm này tôi sẽ đưa Dư bà rời khỏi nơi đây, gặp Hàn Tú-Anh.
Dư Thúy-Nham lạy thụp xuống đất nói:
– Suốt mấy chục năm nay, lão tỳ vẫn mong được gặp lại Hàn thái-hậu. Không biết bây giờ người ra sao?
Đào Kỳ đáp:
– Hồi đó bà bị Thái-hậu, là vương-phi Trường-sa Định-vương sai võ sĩ
mang vào rừng giết. Bấy giờ phụ thân Nghiêm Sơn là Phấn-uy tướng quân ở
Trường-sa. Người đi săn gặp Hàn tiểu-thư bị nạn, vội ra tay nghĩa hiệp
cứu thoát, mang về nuôi nấng. Người còn sợ Thái-phi biết chuyện, phải
cáo quan về Quế-lâm. Nhân vì thân mẫu Nghiêm Sơn bị bệnh mất sữa. Hàn
tiểu-thư xa con, sữa căng khó chịu. Bà tình nguyện nuôi Nghiêm Sơn.
Nghiêm Sơn kính bà như mẹ đẻ. Chính bà đã dùng tình mẫu tử, sai Nghiêm
Sơn đi cứu tên hôn quân này.
Quang-Vũ ngẩn người ra hỏi:
– Tại sao Nghiêm Sơn không nói cho Trẫm biết? Không thể như thế được.
Đào Kỳ lắc đầu:
– Ngươi làm vua quen nhìn từ trên xuống, không còn biết nhân tình thế
thái là gì nữa. Mẫu thân ngươi xuất thân là kỹ nữ. Ngươi lại đang độ
phất cờ trung hưng, nếu đưa một người mẹ làm kỹ nữ ra, ai theo ngươi? Vì vậy mẫu thân ngươi hy sinh trọn vẹn cho ngươi, cấm Nghiêm Sơn không
được thố lộ một chi tiết nào về bà. Ngươi thử nghĩ coi, nếu không vì
nguyên do ấy. Tại sao Nghiêm Sơn ở cách xa vạn dặm, lại lên Trường-sa,
một đêm đánh 20 trận, bị thương 15 lần cứu ngươi. Nếu bảo Nghiêm Sơn
thích công danh phú quý ư? Thì Nghiêm Sơn đi theo Cảnh-Thủy hoàng-đế,
hoặc Ngỗi Hiêu, hoặc Xích-Mi, chứ đâu có theo ngươi?
Qua câu chuyện trao đổi giữa Dư Thúy-Nham với Tiên-yên nữ hiệp, qua lời
nói của Đào Kỳ. Quang-Vũ hiểu được phần nào câu chuyện, y nói:
– Như vậy thì Nghiêm Sơn cứu Trẫm là do mẫu thân trẫm sai y. Y là em
trẫm thực sự chứ không phải em kết nghĩa nữa. Không ngờ Mã thái-hậu hại
mẫu thân trẫm, hại cả em trẫm nữa. Trẫm quyết không để yên vụ này. Điều
tiên quyết các ngươi phải giúp trẫm tìm cho ra mẫu thân trẫm, trẫm mới
tin.
Hoàng-kiếm tra kiếm vào vỏ nói:
– Ngươi không biết mẫu thân, không nhận là không có tội. Ta hỏi tội khác của ngươi. Trước đây ngươi bị Vương Mãng đuổi bắt, một mình Nghiêm Sơn
với Hợp-phố lục hiệp tả xung hữu đột. Một đêm đánh đến 20 trận, Nghiêm
Sơn bị thương 15 chỗ. Sau đó còn kết nghĩa huynh đệ với ngươi. Rồi
Nghiêm Sơn một mình một ngựa kinh lý Lĩnh Nam, đem người, lương thực cho ngươi đánh Trung-nguyên. Khi Ngô Hán, Mã Viện đánh Thục bị bại, Nghiêm
Sơn mang quân từ Lĩnh Nam về đánh Thục, đại quân đến Thành-đô, tại sao
ngươi vô ơn bạc nghĩa bắt giam Nghiêm Sơn? Thậm chí Nghiêm xin một thanh gươm, một con ngựa, ngao du bốn phương, ngươi cũng không cho? Như vậy
có phải là hôn quân không? Ta quyết chặt đầu ngươi.
Quang-Vũ kinh hoàng run run nói:
– Ngươi không hiểu cho ta. Tổ tiên ta vì tin Vương Mãng mà mất nước.
Cảnh-Thủy hoàng-đế tin Xích Mi mà bị giết. Nay Nghiêm Sơn nắm trọng binh Lĩnh Nam, Đông-xuyên, Tây-xuyên, Kinh-châu. Nếu Nghiêm trở mặt liệu ta
có còn không?
Đào Kỳ cười gằn:
– Ngươi định bắt chước tổ tiên ngươi là Lưu Bang, xong việc bỏ tù Tiêu Hà, giết Hàn Tín phải không? Ta yêu cầu ngươi ba việc.
Quang-Vũ là người xảo quyệt, y nghĩ thầm: Điều kiện gì ta cũng cứ thuận cả, sau này sẽ liệu. Y nói:
– Được! Ngươi cứ nói.
– Điều thứ nhất, ngươi thả Nghiêm Sơn ngay để y được tiêu dao tự tại.
Không lẽ y giúp ngươi đến như vậy, nuôi nấng, phụng dưỡng mẫu thân ngươi như vậy, mà ngươi nỡ nhẫn tâm giết y ư?
Quang-Vũ đáp:
– Trẫm lại không biết điều đó. Có điều uy tín Nghiêm Sơn lớn quá, nếu
thả ra để y tiêu dao thì chúng nhân thiên hạ chê trách trẫm. Sau này còn ai dám vì nhà Hán mà ra sức nữa. Vì vậy trẫm giữ y lại, để tìm ra một
tội hầu cách chức y.
Đào Kỳ cười nhạt:
– Có khó chi. Ngươi kết tội y giết đại thần là đủ rồi. Y chả từng nói
thế là gì? Y nhất tâm hy sinh cho ngươi, giết Tư-đồ, Tư-không thuộc vây
cánh thái-hậu, giúp ngươi để cho ngươi có thể cách chức y.
Quang-Vũ ngẩn người ra. Vì khi Nghiêm Sơn giết Tư-đồ, Tư-không trước mặt y, để y có cớ cách chức Nghiêm Sơn là điều cực kỳ bí mật, không hiểu
sao Đào Kỳ cũng biết.
Đào Kỳ tiếp:
– Điều thứ hai là trả Lĩnh-nam cho người Lĩnh-nam. Bắc của Hán, Nam của
Việt, đời đời không xâm phạm nhau. Đất Trung-nguyên rộng lắm ngươi còn
chiếm thêm Lĩnh-nam để làm gì?
Quang-Vũ lắc đầu:
– Cửu-chân, Nhật-nam, Giao-Chỉ thì trả được. Còn Nam-hải, Tượng-quận,
Quế-lâm là đất Trung-nguyên từ lâu. Dân ở đó đã là dân Hán, không trả về Lĩnh-nam được nữa.
Trần Công-Minh quát lên:
– Người Hán chiếm đất cai trị các dân khác thì được, thì người Việt không cai trị dân Hán trên đất Việt được sao?
Quang-Vũ vẫn ngoan cố:
– Chúng ta là Trung-nguyên các dân khác phải cúi đầu thần phục. Ai chống lại sẽ bị trừng trị.
Trần Công-Minh nhảy chồm lên, chửi tục:
– Đ. M. mày chứ, người Hán cũng là người, những người khác cũng là
người. Tại sao các xứ khác phải tuân phục Trung-nguyên mà Trung-nguyên
không tuân phục các xứ khác?
Ông nói với Đào Kỳ:
– Đào tam lang, đây là tên Hán con, tổ tiên nhà y nhiều đời tự hợm hĩnh
cho rằng họ Lưu mới là Thiên-tử. Thiên-tử cái con đĩ mẹ mày. Tổ tiên mày Lưu Bang xuất thân bán thịt, vô lại, văn dốt, vũ nát, gặp thời mà lên
nghiệp lớn. Mẹ mày xuất thân đĩ điếm, đẻ ra mày, vinh dự gì mà mày tự
kiêu? Được hôm nay ông cố nội mẹ mày thử khoét hai mắt cắt lưỡi, chặt
hai chân, hai tay, để Mã thái-hậu lập ấu quân khác lên cho mày biết
thân.
Ông rút kiếm đưa lên ánh thép lấp loáng. Đào Kỳ biết ông chỉ dọa
Quang-Vũ nên để cho ông tự do. Quang-Vũ sợ quá vãi đái, vãi phân ra
ngoài ra quần. Đào Kỳ thấy thối hoăng lên, đẩy y ra. Chàng tiếp:
– Điều thứ ba phải để cho Lĩnh-nam yên. Nếu ngươi cất quân đánh
Lĩnh-nam, lập tức ta tìm giết ngươi. Ta nói cho mi biết, võ công ta cao
gấp ngàn lần vệ sĩ của ngươi. Ta muốn giết ngươi lúc nào mà chẳng được.
Ngươi hãy coi đây.
Chàng hít hơi, vận đủ 10 thành công lực vào tay, phát chiêu Ác ngưu nan
độ trong Phục-ngưu thần chưởng, là chiêu dũng mãnh nhất, đánh thẳng vào
chiếc long sàng. Vì chàng vận âm kình, không có tiếng động, khi chàng
đánh xuống xong, chiếc long sàng bằng gỗ cứng như vậy, mà vỡ ra thành
từng mãnh nhỏ.
Vừa lúc đó có tiếng chiêng trống từ xa vọng lại. Có tiếng người lên cầu thang, rồi có tiếng cung nữ nói:
– Có việc khẩn cấp, các đại thần đánh chuông trống thỉnh trẫm thiết triều.
Đào Kỳ chụp Dư Thúy-Nham tung cho Tiên-yên nữ hiệp:
– Sư bá cần đem người này đi gặp Hàn Tú-Anh. Nếu để đây e không toàn tánh mạng.
Dư Thúy-Nham hướng Quang-Vũ lạy thụp xuống đất:
– Bệ hạ! Tiểu tỳ sống với Hàn thái-hậu từ nhỏ. Khi biết Hàn thái-hậu bị
Mã vương-phi hại, thần thiếp cắn răng chịu đựng. Từ đó đêm đêm thần
thiếp thường khóc thầm, thương nhớ Hàn thái-hậu. Bây giờ dù tan xương,
nát thịt, mà được gặp lại người tiểu tỳ cũng vui lòng. Bệ hạ ơi! Nguồn
gốc thân xác con người ta là cha mẹ. Con người quên cha, quên mẹ thì là
loài cầm thú, chứ không còn là người nữa. Bệ hạ mau đi đón Hàn thái-hậu
về kinh phụng dưỡng, cho phải đạo.
Đào Kỳ đến bên Tường-Quy nắm tay nàng nói:
– Trong trận đánh Đăng-châu, anh tìm em khắp nơi mà không gặp. Anh nghĩ
rằng em chết rồi, khóc hết nước mắt, anh đành ra sông tế vọng. Không ngờ em vẫn còn sống trên thế gian. Hôm nay gặp em ở đây, anh muốn cứu em
ra, em hãy đi với anh.
Tường-Quy cúi đầu xuống khóc:
– Duyên nợ giữa anh và em như vậy là hết rồi. Em lấy Trương Minh-Đức thì đã là một Mỵ-châu. Thôi đã là Mỵ-Châu thì là Mỵ-Châu luôn. Hoàng-thượng đã phong em làm Tây cung quý-phi. Anh đi đi.
Đào Kỳ tuyệt không ngờ Tường-Quy lại nói thế. Chàng nhìn nàng, chờ cho
Tiên-yên nữ hiệp, Trần Công-Minh đi rồi. Đào Kỳ nhỏ nhẹ với Quang-Vũ:
– Hoàng-thượng nhớ rằng hiện phe cánh Mã thái-hậu rất lớn. Có thể cuộc
thiết triều này do vây cánh Mã thái-hậu xếp đặt. Ngũ-phương thần kiếm và tôi đã có thơì giúp hoàng-thượng. Chúng tôi xin ở lại hộ vệ
hoàng-thượng thiết triều. Nếu vây cánh của Mã thái-hậu định làm gì,
chúng tôi giết chúng trước.
Quang-Vũ thấy Đào Kỳ nói đúng. Y mặc quần áo, rồi đi cùng Đào Kỳ,
Ngũ-phương thần-kiếm xuống lầu. Các thị vệ, thái-giám, cung-nữ thấy
Quang-Vũ cùng 6 người lạ mặt đi xuống, chúng không hiểu chuyện gì.
Quang-Vũ hướng về phía điện Vị-ương đi tới. Trước điện giáp sĩ canh
phòng nghiêm mật. Quần thần văn võ đứng thành hai hàng, áo mão chỉnh tề. Các quan nhất loạt quỳ gối, cúi đầu tung hô vạn tuế. Quang-Vũ vẫy tay
nói câu Miễn lễ. Các quan mới đứng dậy. Họ ngạc nhiên khi thấy Đào Kỳ,
Ngũ-phương kiếm theo Quang-Vũ, chia nhau đứng hai bên và phía sau ngai
vàng.
Luật nhà Hán cấm tất cả bá quan, dù hoàng-thân quốc-thích cũng không
được mang vũ khí vào triều kiến. Mà họ thấy Đào Kỳ, Ngũ-phương thần-kiếm đều đeo bảo kiếm bên cạnh vua, thì không hiểu gì cả.
Một người áo mão Vương-gia bước ra quỳ tâu:
– Thần Tần-vương Lưu Nghi, trọng trấn Trường-an. Xin kính cẩn cúi tâu để hoàng-thượng biết. Người Lĩnh-nam theo Nghiêm Sơn tùng chinh làm phản.
Họ quay giáo giúp Thục, nên chỉ một tháng Thục chiếm lại hết các thành
trì đã mất, còn lấy luôn Hán-trung, 9 quận Kinh-châu của ta nữa. Hiện
Phục-ba tướng quân Mã Viện, Xa-kỵ đại tướng-quân Ngô Hán, Đại tư-mã Đặng Vũ tự trói mình về triều kiến bệ hạ để chịu tội.
Quang-Vũ liếc nhìn Đào Kỳ hỏi:
– Làm sao họ có thể làm như vậy được? Ngô Hán, Đặng Vũ cầm trọng binh
trong tay. Tại sao lại bại trận đến chỉ còn người không? Triệu họ vào
cho trẫm hỏi.
Đặng Vũ, Mã Viện, Ngô Hán tự trói mình, từ ngoài bước vào phủ phục trước điện tâu rằng:
– Bọn thần bất tài, bị mắc mưu giặc, chỉ còn người không về phục mệnh. Xin bệ-hạ ban cho được chết.
Quang-Vũ ngơ ngác hỏi:
– Sự thể ra thế nào?
Quan Tư-đồ Đậu Dung tâu:
– Không biết tại sao, đêm hôm bệ-hạ bắt giam Nghiêm Sơn, người Lĩnh-nam
biết được. Hôm sau họ đón đường giết sạch sứ giả. Rồi quân-sư
Phương-Dung dùng binh-phù của Lĩnh-nam vương triệu hồi Ngô Hán cùng các
tướng về. Ngô Hán bị bệnh không về. Các tướng về bị bắt hết. Họ đầu hàng Thục. Còn Đặng Vũ, Mã Viện bị Trưng Nhị dùng binh phù Lĩnh-nam vương,
truyền rằng bình Thục xong, giao binh quyền cho nàng. Mã Viện về
Trường-an triều kiến hoàng-thượng lĩnh chức Tây-lương thứ sử. Đặng Vũ về trấn giữ Lạc-dương trong khi hoàng-thượng ở Trường-an. Trưng Nhị lại
dùng binh phù truyền chỉ lui binh về Kinh-châu. Các thứ-sử, thái-thú ra
đón, bị bắt hết. Vì vậy chỉ trong một tháng Thục đoạt lại thành trì đã
mất, còn chiếm thêm Kinh-châu, Hán-trung.
Tần-vương Lưu Nghi tâu:
– Người Lĩnh-nam hợp với Thục làm phản. Họ chia quân làm ba đạo. Đạo
Lĩnh-nam trở về chiếm Tượng-quận, rồi sau đó làm phản chiếm hết 6 quận
Lĩnh-nam. Đạo Kinh-châu chiếm Kinh-châu, đánh ngược lên Nam-dương tiến
về Lạc-dương. Đạo Hán-trung xuất làm ba đường Thiên-thủy, Phù-phong,
Tý-Ngọ, tiến đánh Trường-an.
Quang-Vũ truyền:
– Vậy là lỗi ở triều đình cách chức Nghiêm Sơn, mà không cho ngựa lưu
tinh kịp thời truyền lệnh, nên các tướng không biết. Không thể trách các tướng được. Nghiêm Sơn trị binh rất nghiêm. Y lại vốn là người thân của ta. Y nói gì, đâu ai dám không tin. Hơn nữa đám nữ quân sư là chỗ sư
muội, sư huynh với y. Họ nói gì các tướng vẫn tưởng Nghiêm Sơn nói. Bây
giờ triều đình hỏa tốc cho ngựa lưu tinh đi khắp nơi loan báo tin:
Lĩnh-nam vương đã hồi triều phục mệnh không còn cầm quân nữa. Các nơi
chỉ nghe lệnh của triều đình mà thôi.
Đào Kỳ thấy Quang-Vũ nói vậy, biết y sợ hãi, không dám công bố cách chức Nghiêm Sơn, còn muốn chàng điều đình với Lĩnh-nam.
Mã Viện tâu:
– Đạo quân Kinh-châu chiếm xong Linh-lăng Trường-sa, đang đánh lên
Nam-dương. Đạo này do Công-tôn Thiệu chỉ huy. Tước của y là Trường-sa
vương. Còn đạo Thiên-thủy do Xa-kỵ đại tướng-quân Nhiệm Mãng chỉ huy, đã đánh được Thiên-thủy, chiếm Kỳ-sơn từ hôm qua. Đạo theo Tà-cốc tiến ra, do Tề-vương Tạ Phong chỉ huy, đánh được Phù-phong, My-thành. Thái-thú
Phù-phong là Đô Dương đã đem 5 vạn binh mà giao cho Thục. Đô Dương là em kết nghĩa với Nghiêm Sơn.
Quang-Vũ tê dại người trên ngai vàng, tuyên chỉ:
– Trẫm giao cho Tần-vương thống lĩnh Ngô Hán, Mã Viện hãy đẩy lui giặc ở Trường-an. Ra lệnh cho mặt Nam-dương cố thủ. Còn Đặng Vũ mau về cầm
quân bảo vệ Lạc-dương.
Đến đó có Điện-tiền hiệu-úy vào tâu:
– Tâu hoàng-thượng có Chinh-tây Đại tướng-quân Phùng Dị và Vũ-oai đại tướng-quân Lưu Thương xin vào triều kiến.
Quang-Vũ hỏi Ngô Hán:
– Xa-kỵ đại tướng-quân Ngô Hán mới vừa tâu với trẫm rằng Chinh-tây đại
tướng-quân Phùng Dị, Vũ-oai đại tướng-quân Lưu Thương đầu Thục, sao bây
giờ họ lại trở về? Nếu bảo Lưu đầu hàng giặc thì trẫm còn tin được. Còn
Phùng theo trẫm đã lâu, trí dũng song toàn, đời nào lại hàng giặc? Triệu tất cả vào đây.
– Hai khanh bình thân hãy kể hết tự sự cho trẫm nghe.
Phùng Dị thấy Đào Kỳ đeo kiếm đứng sau Quang-Vũ. Y ngỡ ngàng không biết
những gì đã xảy ra. Y đem hết sự thực tâu lại một lượt. Từ vụ y tuân
theo binh phù của Nghiêm Sơn trao thành lại cho người. Bị đánh lừa, y
giả hàng Thục rồi thừa cơ trốn thoát. Dọc đường bị Đào Kỳ bắt, y giết
Trương Minh-Đức để thoát thân.
Phùng Dị tiếp:
– Xin bệ-hạ khẩn cho phòng vệ cẩn thận. Có thể nội đêm nay giặc sẽ tấn
công thành. Nhất là chúng được người Lĩnh-nam giúp sức, đội Thần-tượng
có thễ dẫm nát quân mình. Đội Thần-hổ, Thần-báo xung vào trận không ai
đương nổi. Đội Thần-phong đánh quân trên thành, cho quân ngoài leo vào.
Đội Thần-hầu vượt Kim-sơn, dù thành cao mấy cũng leo lên được. Còn đội
Thần-xà và Thần-ngao nữa.
Quang-Vũ hỏi Phùng Dị:
– Người ta nói trong đạo quân Lĩnh-nam có các cao thủ vô địch Trần
Đại-Sinh, Đào Kỳ với hai tay kiếm thuật thần sầu quỉ khốc Phật-Nguyệt,
Phương-Dung. Bản lĩnh Phật-Nguyệt, trẫm đã thấy đấu với Hoài-nam vương.
Trần Đại-Sinh Trẫm đã thấy mặt, nhưng chưa thấy bản lĩnh. Vậy bản lĩnh
Phật-Nguyệt so với Phương-Dung thế nào?
Phùng Dị đáp:
– Phật-Nguyệt chỉ là kiếm thuật danh gia, Phương-Dung kiếm thuật ngang
với Phật-Nguyệt, thị là người văn mô, vũ lược tài trí nhất Lĩnh Nam. Tất cả việc hoạch định ba đạo quân đánh Thục đều do thị cả. Giỏi dùng binh
như Lĩnh-nam vương mà còn phải để cho thị làm quân-sư. Y thị là vợ của
Trấn-viễn tướng-quân Đào Kỳ.
Y nói đến đây liếc nhìn Đào Kỳ. Chàng nheo mắt chế diễu y, rồi đứng yên. Phùng Dị tiếp:
– Còn bản lĩnh của Đào Kỳ với Khất đại-phu chỉ nghe nói mà chưa thấy. Từ hôm vào Thục, Đào Kỳ chưa đấu trận nào. Võ công cao như Vương Phúc,
tước phong Bình-nam vương, đấu ngang tay với Hoàng Thiều-Hoa tức
vương-phi Lĩnh-nam vương. Còn Trần Đại-Sinh thì ông là bạn với Thiên-sơn lão tiên, Thái-sư phụ của Thiên-sơn thất hùng. Đại-Sinh bản lĩnh cao
thâm không biết đâu mà kể. Ông dám đứng cho Nhiệm Mãng, Triệu Khuôn đánh mà không việc gì. Ông chưa xuất thủ bao giờ, chuyên đứng lược trận cho
hai cháu gái xuất chiêu. Khi cháu thất bại, ông nhặt vài viên sỏi bắn
ra, tướng Thục đã bị bại liền.
Quang-Vũ đã bị Đào Kỳ vận sức búng trái cây tấn công y, y tỏ vẻ đồng ý với Phùng Dị, gật đầu thông cảm.
Lưu Thương tâu:
– Trên đường trốn chạy, thần nghe Phiêu-kỵ đại tướng-quân Sầm Bành,
Chinh Lỗ đại tướng-quân Tế Tuân, Trung-lang tướng Lai Háp nhận mật chỉ
của Thái-hậu, do thám bọn Lĩnh Nam bị bại lộ. Cả ba đều tuẫn quốc.
Triều đình Đông-Hán trên từ Quang-Vũ xuống đến bọn vệ sĩ điện Vị-ương đều kêu lên những tiếng kinh ngạc.
Hoài-nam vương chưa biết mặt Đào Kỳ. Chàng đứng bên cạnh Quang-Vũ, ông cũng không biết. Ông hỏi Lưu Thương:
– Ba vị đại tướng quân ấy bị tên bắn chết hay bị thuốc độc? Vì với bản lĩnh của họ, làm gì có người Lĩnh Nam địch nổi?
Lưu Thương đáp:
– Muôn tâu, ba người đang dọ thám buổi họp giữa đám Lĩnh-nam và Thục,
nghe trộm được âm mưu tạo phản của họ, bị đoàn Thần-ưng khám phá. Họ bị
600 Thần-ưng, 300 Thần-hổ, 200 Thần-ngao bao vây. Ba người bất thần bắt
sống ba nữ tướng Lĩnh Nam, bắt chúng phải mở vòng vây. Song khi ba tướng chạy đến đồi Bành-vong. Bọn Lĩnh Nam thả trăn ra quấn họ, ba tướng bị
bắt. Nữ tướng Hồ Đề của Lĩnh Nam muốn thả ba tướng ra. Phía Lĩnh Nam
không chịu, họ cử ba người ra đấu với ba tướng. Ai thắng sẽ được tha.
Trận đầu Tế Tuân dùng đao đấu với Phương-Dung bị bại. Trước đây Tế Tuân
với nữ tướng Trần Năng thân thiện với nhau. Trần Năng băng bó cho y.
Nhưng y dùng dao bắt sống nàng làm con tin. Không ngờ Trần Năng võ công
cao cường, dùng chỉ pháp xuyên thủng ngực y. Y chết tại chỗ.
Mã Viện nhíu mày không tin hỏi:
– Chinh-lỗ đại tướng-quân võ công cái thế. Hiện chỉ thua sút có Sầm
Bành, Phùng Dị, Mã Vũ một chút. Làm sao Trần Năng dùng chỉ lực bắn chết y được? Trên đời làm gì có thứ võ công dùng ngón tay xuyên thủng áo giáp
tới ngực người ta?
Phùng Dị chỉ Đào Kỳ:
– Hiện diện tại đây có Chinh-viễn đại tướng quân Đào Kỳ, sư thúc của Trần Năng. Để Đào tướng-quân trả lời.
Bấy giờ triều đình mới nhìn Đào Kỳ. Đào Kỳ vận khí vào đơn-điền, chuyển
qua Đốc-mạch, dẫn vào Thủ-dương minh Đại-trường kinh, vào huyệt
Thương-dương, hướng vào Mã Viện phóng một chỉ. Véo một tiếng, chiếc mũ
bằng thép đội trên đầu Mã bay ra xa đến hơn trượng, trúng vào chiếc cột
đá kêu đánh bộp một cái. Chiếc mũ bẹp dúm lại.
Mã Viện kinh hoảng la lên một tiếng.
Ra dấu cho mọi người im lặng Quang-Vũ hỏi tiếp:
– Còn Trung-lang tướng Lai Háp tại sao bị giết?
Lưu Thương đáp:
– Trung-lang tướng thấy Chinh-lỗ đại tướng quân bị giết, liền tấn công
Trần Năng trả thù. Hai người đấu với nhau một lúc, thì rơi xuống hồ. Hồ
đóng thành băng. Họ rơi mạnh quá, băng vỡ. Hai người chìm xuống đáy. Lát sau thấy Trần Năng túm đầu Lai Háp mang lên. Lai Háp gần như chết lạnh. Trần Đại-Sinh đang hút thuốc, ông thấy vậy búng tàn thuốc trúng vào
trán Lai Háp. Lai tỉnh dậy, nhưng vẫn không đi được. Sau đó Phiêu-kỵ đại tướng-quân Sầm Bành đấu với Chinh-viễn đại tướng-quân Đào Kỳ. Bành bị
Đào đánh một chưởng, vỡ làm năm sáu mảnh. Chết thảm thiết vô cùng.
Quang-Vũ hỏi Phùng Dị:
– Hán có ba đại cao thủ Sầm Bành, Mã Vũ và nhà ngươi? Nhà ngươi đã thử sức với Trần Đại-Sinh và Đào Kỳ chưa?
Phùng Dị lắc đầu:
– Hạ thần chưa có dịp.
Mã Viện đưa mắt nhìn Đào Kỳ và Ngũ-phương thần kiếm lòng đầy nghi hoặc.
Vì đêm hôm trước y được Hầu Nhân-Đăng trao mật chỉ của thái-hậu dặn phải bắt hết những người Việt trên đường đến Trường-an, vì nghi là người của Hàn Tú-Anh cử đến gặp Quang-Vũ. Y cùng Tương-dương cửu hùng đại chiến
với Ngũ-phương thần kiếm bao phen. Cuối cùng Đô Dương xuất hiện, mượn uy Nghiêm Sơn giết sứ giả, Mã Viện phải chịu. Bây giờ lại nảy ra vụ Nghiêm Sơn bị giam lâu ngày, Mã bị lừa để mất Kinh-châu. Y thấy Đào Kỳ cùng
với Ngũ-phương thần kiếm đứng sau lưng Quang-Vũ là tại sao? Những gì đã
xảy ra? Y biết Đào Kỳ là người được Nghiêm Sơn sủng ái nhất trong đám sư huynh, sư đệ theo Nghiêm tùng chinh, võ công Đào Kỳ cực kỳ cao thâm.
Trong lòng y đầy nghi vấn:
– Phải chăng Quang-Vũ đã biết mọi chuyện về Mã thái-hậu? Nếu biết tại sao Quang-Vũ không nhân vụ bị mất Kinh-châu mà xử tử y?
Y đứng trong võ ban lấm lét nhìn Đào Kỳ.
Bỗng Hoàng-kiếm bước ra chắp tay vái Quang-Vũ nói:
– Anh em chúng tôi là Ngũ-phương thần kiếm xin hoàng-thượng cho hỏi Phục-ba tướng-quân mấy câu.
Quần thần nghe đến Ngũ-phương thần kiếm thì giật bắn người kêu lên:
– Úi cha!
– Ố trời!
Tần vương Lưu Nghi chắp tay hỏi:
– Năm vị đây có phải người đã giết chết Phiêu-kỵ đại tướng-quân của
Vương Mãng, một đêm đánh chiếm lại Trường-an, Lâm-đồng, Đồng-quan thời
Tiên-đế không?
Hoàng-kiếm gật đầu:
– Vương-gia nhớ dai lắm nhỉ?
Hoài-nam vương hỏi:
– Tiểu vương lúc đó ở Quang-trung. Nghe tin Bát-tuấn của Vương Mãng võ
công kinh người, thế mà một trận bị Ngũ-hiệp giết sạch, cùng dân chúng
nổi dậy chiếm một dải sông Vị từ Thiên-thủy tới Phú-thành, Trường-an,
Lâm-đồng, Đồng-quan. Sau vụ đó Cảnh-thủy Thiên-tử phong công-tước, năm
vị đều từ chối, muốn hạc nội mây ngàn. Vì vậy tiên-đế có ban cho năm vị
thanh Thượng-phương bảo kiếm. Lệnh truyền cho thiên-hạ thấy gươm cũng
như thấy thiên-tử. Trên từ Thiên-tử dưới đến thứ dân đều phải tuân theo. Ngũ-phương thần kiếm được quyền Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian
thần. Không biết hôm nay năm vị về triều có chuyện gì?
Xích-kiếm bước ra hỏi:
– Tôi muốn hỏi Phục-ba tướng quân một vài câu.
Mã Viện biết tình thế nguy hiểm, y bước ra chắp tay:
– Tiểu tướng xin chờ lệnh.
Xích-kiếm gằn từng tiếng:
– Cách đây ba ngày, chúng ta đang trên đường về Trường-an triều kiến
thiên-tử, tâu khẩn cấp về việc người Lĩnh Nam trở mặt tiến đánh các nơi. Giữa đường ta gặp ngươi. Ngươi một mực nói đã bình xong Thục, ngươi sắp được phong tước công, trấn thủ Lương-châu. Truyện ngươi mặc ngươi. Sao
lại giả mật chỉ Thái-hậu rồi cho tướng sĩ vây bắt bọn ta? Ta đã đưa
Thượng-phương bảo kiếm ra, ngươi còn bảo là kiếm giả. Ngươi nhất định
bắt ta về Lạc-dương cho Thái-hậu. Ta bảo cần triều kiến Hoàng-thượng
trước. Như vậy là ngươi làm phản cố tình giao Kinh-châu cho giặc, là một tội. Thấy Thượng-phương bảo kiếm mà còn vô phép là hai tội. Cản trở ta
cáo cấp quân cơ là ba tội. Ngươi hãy trả lời cho ổn. Nếu không ta lấy
đầu ngươi ngay ngày hôm nay.
Mã Viện nghe nói hồn phi phách tán. Y chưa biết trả lời sao, thì từ phía ngoài pháo nổ liên hồi. Quân reo dậy đất, trống thúc rung động mặt
thành.
Một lát sau võ tướng quỳ tâu:
– Muôn tâu hoàng-thượng không biết quân Thục từ đâu đến bất thình lình
bao vây Trường-an. Các tướng đã điều động quân sĩ lên trấn giữ bốn cửa
rất nghiêm. Xin Hoàng-thượng định liệu.
Tần vương nói với Ngũ-phương kiếm:
– Tội Mã Viện xin Thần-kiếm để đó. Chúng ta mau ra xem giặc từ đâu đến, tình hình ra sao đã!
Đào Kỳ nói với Ngũ-phương thần kiếm:
– Các vị cùng tôi bảo giá hoàng-thượng ra cửa Nam quan sát tình hình.
Bấy giờ trong thành tướng sĩ thức dậy, người ngựa phi rầm rập, tiến ra
phòng thủ. Tần-vương là vai chú họ Quang-Vũ trấn thủ Trường-an. Ông dụng binh rất giỏi, tính tình khoan hòa, được lòng tướng sĩ. Trong thành
Trường-an đã có 5 vạn quân bộ và một vạn quân Kỵ do thứ-sử Trường-an là
Vũ-kỵ đại tướng-quân Tạ Thanh-Minh chỉ huy. Khi Quang-Vũ tới đây mang
theo 8 vạn bộ-binh, 2 vạn Kỵ-binh đều là cấm quân, do Nội-giám
Thống-lĩnh cấm quân Ngô Lương tước Diên-thọ đình-hầu thống lĩnh.
Tạ Thanh-Minh có trong tay 6 vạn binh, nhưng thành Trường-an quá rộng
lớn, 6 vạn binh không thể trải ra giữ thành. Y đến trước Tần vương hỏi:
– Vương-gia! Giặc bên ngoài bao vây đông quá. Chúng ta phải đốt Phong-hỏa đài cho quân từ Vị-nam về cứu viện.
Nguyên binh lực Tần vương tại Trường-an có 10 vạn, 5 vạn đóng trong
thành, 5 vạn đóng ở Vị-nam làm thế ỷ dốc. Ngoài ra còn 5 vạn nữa đóng ở
Phù-phong. Nhưng Thái-thú Phù-phong là Đô Dương đã đem số quân đó giao
cho Thục mất rồi.
Tần vương Lưu Nghi lắc đầu:
– Chưa cần dùng tới. Giặc đến bất thần thế này chắc do hang Tý-Ngọ tiến
ra. Nếu ta kéo quân Vị-nam về, thì khi quân Thục từ Tà-cốc, Phù-thành,
Thiên-thủy kéo tới, thì chỉ có chết mà thôi.
Ông quay lại nói với Ngô Lương:
– Nội-giám thống-lĩnh cấm quân! Ngươi chia 10 vạn cấm quân ra làm 4, bảo vệ bốn cửa thành.
Ngô Lương đi điều quân liền. Tần vương Lưu Nghi tiếp tục:
– Xa-kỵ đại tướng-quân Ngô Hán trấn cửa Bắc. Phục-ba tướng-quân Mã Viện
cửa Nam. Thống-lĩnh cấm quân Ngô Lương trấn cửa Đông. Vũ-kỵ đại
tướng-quân, thứ-sử Trường-an trấn cửa Tây. Hoài-nam vương và ta bảo vệ
hoàng-thượng. Chúng ta mau ra phía Nam xem tình hình quân giặc thế nào.
Quân-sĩ Trường-an và Cấm-quân là những đội quân tinh nhuệ bậc nhất thời
bấy giờ. Giáp sĩ leo lên mặt thành, gươm đao sáng loáng đề phòng. Còn kỵ binh thì đi đi lại đề phòng cứu ứng các nơi.
Đào Kỳ nghĩ:
– Ngũ-phương thần-kiếm hiện trung lập giữa Lĩnh Nam và Quang-Vũ. Dường
như họ không ưa Thục. Đạo quân Thục từ Tý-ngọ tiến ra do Công-tôn Tư
điều khiển, có sư thúc Đinh Công-Thắng theo giúp với đội Thần-ưng,
Thần-phong. Thái-tử Công-tôn Tư võ công cao, giỏi dụng binh, nhưng với 5 vạn binh làm thế nào y dám đánh Trường-an? So sánh lực lượng trong
thành có tới 15 vạn quân, đã gấp ba y. Theo binh pháp, một thủ phải mười mới công được. Với 15 vạn binh Hán, Thục phải có 150 vạn binh, hãy công thành. Không hiểu sao Công-tôn Tư lại làm thế? Chắc y có lý của y chứ
không làm liều đâu.
Quang-Vũ tới cửa Nam. Tướng sĩ thấy hoàng-đế tung hô vạn-tuế. Quang-Vũ
lên mặt thành nhìn xuống, quân Thục hàng ngũ tề chỉnh. Thấp thoáng trong ánh đuốc, một tướng trẻ cỡi ngựa đứng hàng đầu, hướng lên mặt thành gọi lớn lên:
– Lưu Tú ra đây nói chuyện với ta.
Quang-Vũ cầm roi chỉ xuống:
– Có phải ngươi là Công-tôn Tư không? Cha ngươi trước chẳng ăn lộc của
triều đình. Nay sao không quy thuận lại kéo quân tới đây phạm giá? Binh
lực của ngươi được làm bao mà dám lộng hành?
Công-tôn Tư chỉ Quang-Vũ nói:
– Lưu Tú! Ngươi sát hại công thần, anh hùng thiên hạ nổi lên tru diệt
ngươi. Lĩnh-nam vương cùng anh hùng Lĩnh-nam vì ngươi mà xuất mã. Khi
sắp thành công, ngươi bắt giam Lĩnh-nam vương, cho nên anh hùng Lĩnh-nam cùng chúng ta liên hợp trừ một bạo chúa cho thiên hạ. Để ta cho ngươi
nhìn một người.
Một tướng từ sau phi ngựa ra, hướng lên thành hô lớn:
– Ngươi chẳng phải là Tiền tướng-quân Chu Á-Dũng, giòng dõi trung thần
Chu Á-Phu của bản triều đó ư? Tại sao ngươi lại phản ta theo Thục?
Chu Á-Dũng nói:
– Ta có lập công bao nhiêu chăng nữa cũng không bằng Lĩnh-nam vương. Thế mà khi sự vừa thành. Ngươi bắt chước tổ tiên ngươi là Lưu Bang, bắt
giam Lĩnh-nam vương, vì vậy ta theo Thục trừ diệt một bạo chúa mà thôi.
Quang-Vũ bảo các tướng:
– Chúng ta đi thăm các cửa thành khác.
Quang-Vũ xuống mặt thành cùng các tướng đi khắp bốn cửa thành quan sát
thấy binh Thục không nhiều, nhưng không hiểu sao chúng dám vây thành như vậy.
Ngô Hán góp ý:
– Công-tôn Tư là người dụng binh giỏi nhất đất Thục, thần bị bại nhiều
lần về tay y. Y ít quân mà dám bao vây Trường-an, chắc là có mưu kế gì
đây, chứ không phải làm liều đâu.
Tần vương Lưu Nghi bàn:
– Chúng ta cứ để chúng vây thành, đợi trời sáng sẽ liệu.
Trời tờ mờ sáng. Lại thấy ngoài thành pháo lệnh nổ liên hồi, quân reo dậy đất, trống thúc khẩn cấp. Một võ quan vào báo:
– Thục chia làm ba đạo kéo tới. Đạo thứ nhất từ Phù-phong binh sĩ đều là binh Hán. Đạo thứ nhì từ Thiên-thủy kéo tới, đạo này do Phiêu-kỵ
tướng-quân Thục là Nhiệm Mãng chỉ huy. Đạo thứ ba do Tề vương Tạ Phong
từ ngã Tà-cốc tiến ra. Quân sĩ các đạo lên tới 30 vạn người.
Hoài-nam vương bàn:
– Như vậy quân số giặc đông bằng chúng ta. Hiện Tần-vương có 10 vạn mất ở Phù-phong 5 vạn, còn 5 vạn. Cấm quân 20 vạn. Chúng ta có 25 vạn. Bây
giờ chúng ta mở cửa thành ra đại chiến một trận. Rồi nhân đó cử người ra trấn thủ Lâm-đồng, Vị-quan, Đồng-quan cho vững, nếu không chúng ta mất
đường về Lạc-dương.
Quang-Vũ quyết định:
– Cho quân sĩ nghỉ ngơi ăn cơm trưa xong sẽ xuất cửa Tây đánh giặc.
Trong khi đó Hoài-nam vương vượt cửa Đông đem quân ở Vị-nam trải ra trấn thủ Đồng-quan, Lâm-đồng. Cần giữ vững thành trì không nên tham chiến.
Kể từ lúc Quang-Vũ rời điện Vị-ương, bị Đào Kỳ luôn ở sát. Y nghĩ:
– Cái họa Mã thái-hậu chưa biết có thực hay không. Nhưng Đào Kỳ là cái
họa ngay trước mắt. Ngũ-phương thần-kiếm tuy khắt khe thực, nhưng vẫn là người Hán. Ta phải tìm cách trừ Đào Kỳ đã
Kể từ lúc Quang-Vũ rời điện Vị-ương, bị Đào Kỳ luôn ở sát. Y nghĩ:
– Cái họa Mã thái-hậu chưa biết có thực hay không. Nhưng Đào Kỳ là cái
họa ngay trước mắt. Ngũ-phương thần-kiếm tuy khắt khe thực, nhưng vẫn là người Hán. Ta phải tìm cách trừ Đào Kỳ đã.
Y chợt nghĩ được một kế nói với quần thần:
– Đây là Chinh-viễn tướng-quân Đào Kỳ người Lĩnh Nam. Tướng-quân chỉ huy đạo Lĩnh-nam tiến vào Thành-đô đầu tiên. Vậy trẫm phong tướng-quân là
Hán-trung vương, ăn lộc suốt một dãi đất Ích-châu. Chúng ta hiện có một
anh hùng vô địch còn sợ gì Công-tôn Thuật?
Vũ-kỵ đại tướng-quân Tạ Thanh-Minh tâu:
– Hoàng-thượng phong Đào tướng-quân làm Hán-trung vương do lời hứa, ai
vào Thành-đô trước được làm chúa Ích-châu. Còn dậy rằng Hán-trung vương
là anh hùng vô địch, thần quyết không phục. Hán có Phiêu-Kỵ đại tướng
quân Sầm Bành, Bô-lỗ đại tướng-quân Mã Vũ, Chinh-di đại tướng-quân Phùng Dị, Diên-thọ đình-hầu Ngô Lương và thần. Việc Đào vương-gia giết Sầm
tướng quân, thần không tin.
Bạch-kiếm vốn có cảm tình với Đào Kỳ. Ông nói:
– Được, có khó gì đâu. Ngươi muốn kiến thức võ công của Đào vương-gia cũng dễ thôi.
Quang-Vũ muốn thoát ách Đào Kỳ và Ngũ-phương thần-kiếm, y nghĩ:
– Ta bày ra cuộc đấu võ, mượn tay võ sĩ giết chúng. Sĩ dân thiên-hạ không dị nghị ta được nữa.
Quang-Vũ nói với Đào Kỳ:
– Trước đây Lĩnh-nam vương thượng biểu tấu rằng Đào tướng-quân vũ dũng
trùm Lĩnh-nam. Những anh hùng như Phong-châu song quái, Lê Nghĩa-Nam,
Hoàng Đức-Tiết, Lê Đạo-Sinh đều bị thua dưới tay Đào tướng-quân. Hôm nay Trẫm muốn được kiến thức võ công của Đào tướng-quân.
Hoàng-kiếm rất cảm tình với Đào Kỳ. Y sợ Đào Kỳ không biết Tạ Thanh-Minh, giới thiệu:
– Vũ-kỵ đại tướng-quân lĩnh chức Trường-an thứ-sử. Người là một đệ nhất
cao thủ Quang-trung. Trước đây từ Lĩnh-nam vương cho đến Phục-ba
tướng-quân đều không phải là đối thủ của người. Vì vậy Đào tiểu-hữu phải cẩn thận.
Đào Kỳ nói:
– Tạ thứ-sử muốn đấu văn hay đấu võ, hay đấu binh thư, kế sách?
Tạ Thanh-Minh hỏi:
– Đào vương-gia cũng học cả văn nữa sao?
Đào Kỳ cười:
– Phàm làm tướng, văn võ phải thông. Trên thông thiên văn. Dưới thông
địa lý. Xưa kia Y Doãn giúp vua Thành-Thang, Thái-công giúp vua
Văn-vương, Hàn Tín giúp Cao-Tổ đều tài kiêm văn võ cả. Ta há thua họ
sao?
Người Hán coi Y Doãn, Chu Công, Khương Thái-Công là những vị thần, không ai có thể so sánh. Thế mà Đào Kỳ tự ví như vậy, khiến quần thần ngơ
ngác nhìn nhau.
Tạ Thanh-Minh nói:
– Tiểu tướng xin được đấu chưởng với Đào vương-gia.
Bạch-kiếm rất nhiều mưu trí, chàng nói nhỏ với Đào Kỳ:
– Quần thần ở đây được Mã thái-hậu mua chuộc chống Lĩnh-nam vương. Hôm
trước tuy Trưng Nhị thắng Trương Linh, Phật-Nguyệt thắng Hoài-nam vương, dường như họ vẫn chưa phục. Hồi ấy Tạ Thanh-Minh đi vắng, chưa có dịp
kiến thức võ công Lĩnh-nam. Y nổi tiếng cao thủ vùng Quang-trung. Chưởng lực của y kỳ diệu vô song.
Đào Kỳ cảm ơn Bạch-kiếm, bước ra sân rồng chắp tay đứng. Trong khi Ngũ-phương thần-kiếm đứng quanh Quang-Vũ bảo vệ.
Đào Kỳ nghĩ:
– Nếu mình không đập cho bọn này tan xương nát thịt, e rằng chúng còn
lôi thôi với mình nhiều. Ta giết tên này để cho chúng khiếp đảm mới
xong. Trước đây Nghiêm đại-ca tổ chức đại-hội Tây-hồ, đem anh hùng
Lĩnh-nam sang đấu với võ lâm Trung-nguyên. Sau vì đại ca được phong
vương, toàn quyền quyết định, mới bỏ vụ đó. Hôm rồi tuy Trưng Nhị,
Phật-Nguyệt tuy có thắng Trương Linh với Hoài-nam vương. Song bọn này
chưa phục. Được ta cho bọn mi biết.
Tạ Thanh-Minh hít chân khí, bước chéo sang phải vung chưởng đánh thẳng
vào mặt Đào Kỳ. Chưởng của y bao hàm khí Dương-cương cực mạnh. Đào Kỳ
thấy chưởng này mạnh hơn Phong-châu song quái, Đức-Hiệp; nhưng kém Lê
Đạo-Sinh một chút. Hèn chi, y dám thách chàng đấu là phải. Đào Kỳ không
đỡ, bước xéo về bên phải tránh chưởng của y. Tạ Thanh-Minh đảo chưởng,
biến thành một chiêu khác chụp từ trên đầu xuống.
Đào Kỳ nhảy lui về sau, vọt người lên không tránh. Tạ Thanh-Minh đánh
hụt. Chưởng đập xuống nền điện Vị-ương thành một tiếng bùng khá lớn.
Khiến các quan văn trong điện nghẹt thở.
Hoài-nam vương kêu lên:
– Các văn thần lui lại mau, nếu không chưởng lực ép đến nổ lồng ngực mà chết.
Vừa rồi Quang-Vũ cũng bị chưởng lực ép cho làm cho choáng váng.
Hoàng-kiếm, Bạch-kiếm đồng xuất chưởng hóa giải áp lực, y mới thở được.
Tạ Thanh-Minh lại vung chưởng từ dưới đánh lên, và từ trên đánh xuống.
Đào Kỳ vẫn không trả đòn. Thấp thoáng một cái, Vương vọt ra phía sau y,
khoanh tay đứng nhìn. Tạ Thanh-Minh thất kinh nghĩ:
– Tên họ Đào khinh công đến trình độ như thế này, quả thực ta chưa từng thấy bao giờ.
Vừa rồi Đào Kỳ dùng khinh công phái Long-biên, lấy mau làm căn bản. Tạ
Thanh-Minh nhìn không ra, Vương đã di chuyển như thế nào. Đợi cho Tạ
Thanh-Minh ngừng lại, Vương mới nói:
– Tôi từ Lĩnh-nam lên đây là khách. Còn Vũ-kỵ đại tướng-quân là chủ. Tôi nhường người ba chiêu. Người lớn tuổi hơn tôi, ba chiêu sau tôi chỉ đỡ
mà không phản công. Từ chiêu thứ bảy, tôi mới phản công. Thôi người tấn
công nữa đi.
Thái độ của Đào Kỳ không coi Tạ Thanh-Minh vào đâu, khiến y nổi giận. Y
xử dụng một chưởng pháp cực kỳ quái dị, chưởng vừa đánh ra đã thấy mùi
tanh rất khó chịu. Đào Kỳ biết đó là độc chưởng. Người nào bị đánh trúng không còn đất sống. Vương thấy chưởng này có mùi tanh giống chưởng của
Trần Lữ đánh vào Tiên-yên nữ-hiệp. Song công lực Tạ Thanh-Minh mạnh hơn
nhiều. Vương biết khi hai chưởng đối nhau. Công lực Vương mạnh hơn, thì
Tạ Thanh-Minh bị độc chất chạy vào người mà chết. Còn công lực bằng
nhau, Vương sẽ bị trúng độc.
Ở bên cạnh Nghiêm Sơn nhiều năm, Vương biết khá nhiều về võ công Trung-nguyên.
Ngày nọ Khất đại-phu kể Xích-Mi xuất thân từ phái Trường-bạch, kết huynh đệ với Lưu Huyền tức Cảnh-Thủy hoàng-đế, Lý Điệt, Chu Huy. Sau
Cảnh-Thủy phong Lý Điệt làm Tư-đồ tước Tấn-công. Chu Huy chức Tư-không,
tước Ngụy-công. Xích-Mi làm Tư-mã tước Sở-công. Xích-Mi thấy hoàng hậu
Cảnh-Thủy đem lòng say đắm, bèn giết hoàng-đế cùng Ngụy-công, Tấn-công.
Sau khi Xích-Mi chết rồi, các cao thủ của phái Trường-bạch bị truy lùng
rất gấp, nhưng họ tản mác khắp nơi ẩn thân. Có điều nội công phái
Trường-bạch cùng nguồn gốc với phái Long-biên, không hiểu sao nội công
Tạ Thanh-Minh thiên về Dương-cương?
Vương biết nội công, ngoại công phái Long-biên chỉ khắc chế võ công
Trung-nguyên, chứ không khắc chế với võ công Lĩnh-nam. Còn giữa võ công
Lĩnh-nam với nhau. Võ công Tản-viên là bậc nhất. Võ công của Tạ
Thanh-Minh thuộc phái Trường-bạch, tất có liên hệ với võ công Lĩnh-nam.
Vương phải dùng võ công Tản-viên.
Chàng hít một hơi chân khí, dẫn vào đơn-điền, chuyển ra Đốc-mạch, dồn ra Thủ-tam dương kinh phát chiêu Thanh-ngưu ư dã trong Phục-ngưu thần
chưởng. Gió lộng ào ào như nước cuốn đổ ra. Chưởng của chàng chạm vào
chưởng Tạ Thanh-Minh, bật thành tiếng kêu lớn. Tạ Thanh-Minh bật lui lại đằng sau đến ba bốn bước. Còn chàng, tiến lên ba bước coi như không có
sự gì.
Tạ Thanh-Minh dồn chất độc ra chưởng, tấn công Đào Kỳ. Trong thâm tâm, y tưởng với chưởng này, khi y dồn độc chất vào người Vương sẽ khiến Vương đau đớn, khóc lóc cầu xin tha mạng. Y được mở mặt trước hoàng-đế. Không ngờ, khi hai chưởng giao nhau, y cảm thấy như trời long đất lỡ, khí
huyết đảo lộn. Y cố nín hơi lùi lại hai ba bước, mới thoát.
Đào Kỳ đỡ một chưởng của Tạ Thanh-Minh thấy mùi tanh hôi, khó chịu, Vương nghĩ :
– Tên Tạ Thanh-Minh này thật khả ố. Rõ ràng y là người của Xích-Mi, ẩn
thân ở đây mưu sự gì ta không rõ. Ta với y không thù, không oán, mà y
muốn hại ta thì lạ thực. Ta cứ đỡ chưởng của y, không đẩy chất độc về
người y vội. Nếu y biết điều, rút lui thì thôi. Còn không ta sẽ xử dụng
phương pháp của Khất đại-phu, đẩy chất độc trở lại, cho y tự hại mình.
Ta nên nhớ Đào Kỳ là con trai Đào Thế-Kiệt, một đệ nhất anh hùng
Lĩnh-nam, lấy lượng cả bao dung người làm đầu, Vương mới có ý tưởng đó.
Chứ nếu là Nam-thành vương Trần Công-Minh, ngay chưởng đầu ông đã đẩy
chất độc vào người họ Tạ rồi.
Tạ Thanh-Minh hít một hơi chân khí, đánh một chưởng nữa. Chưởng này quái dị vô cùng, gia số kỳ ảo. Đào Kỳ vẫn bình tĩnh. Vương phát chiêu trong
Phục ngưu thần chưởng là Ngưu ngọa ư sơn đỡ. Bùng một tiếng nữa, mùi
tanh hôi bay khắp Kim-loan điện. Tạ Thanh-Minh thấy đom đóm mắt nổ liên
hồi, y lùi bốn bước liền, run run nghĩ:
– Thằng họ Đào này công lực quả không tầm thường. Y lĩnh của mình hai chưởng độc, giỏi lắm lát nữa sẽ kêu cha, kêu mẹ van xin.
Tạ Thanh-Minh lại vận chưởng thứ ba đánh ra. Lần này chưởng lực nhẹ
nhàng, thu gọn lại, nhọn như một mũi dao. Đào Kỳ thấy vậy không dám chần chờ, vận chiêu Kình ngư quá hải trong Cửu-chân chưởng pháp ra đỡ. Vì
chiêu này cũng thu nhọn lại như chiêu của Tạ Thanh-Minh. Bộp một tiếng
Tạ Thanh-Minh lảo đảo muốn ngã, lui lại đến mười bước. Không ai hiểu
nguyên do vì sao.
Chỉ có Đào Kỳ là hiểu: Vừa rồi Tạ Thanh-Minh xử dụng một chiêu thức
Trung-nguyên, đánh Vương. Vương dùng võ công Cửu-chân đánh lại, y bị
thất bại ngay.
Đào Kỳ để cho y thở, rồi nói:
– Tạ Vũ-kỵ, người chuẩn bị đi. Tôi sẽ phản công lại người ba chiêu. Nếu sau ba chiêu này mà người vô sự, thì coi như tôi thua.
Vương hít một hơi chân khí, vận dương-cương vào Đốc-mạch, chuyển ra
Thủ-thiếu dương Tam-tiêu kinh, áp dụng phương pháp Khất đại-phu, tấn
công. Tạ Thanh-Minh vận khí đưa chưởng đỡ. Khi hai chưởng chạm nhau, y
mới cảm thấy có điều không ổn ở trong. Vì bình thường chưởng rộng lớn.
Đây y cảm thấy chưởng Đào Kỳ như một cái mộc đỡ chưởng của y. Ở giữa mộc có một tia nhỏ cực mạnh đâm vào. Bình một tiếng, người y bật lên cao.
Đào Kỳ tiến lên đánh tiếp một chưởng, đó là chiêu Ác ngưu nan độ, Vương
vận khí Âm-nhu. Từ ngày học chưởng Phục-ngưu âm, rồi vận khí theo kinh
mạch. Đây là lần thứ nhì Đào Kỳ áp dụng, kình lực mạnh như trời long đất lỡ.
Hai chưởng gặp nhau, bịch một tiếng. Người Tạ Thanh-Minh bay ngang ra xa mấy trượng rơi xuống điện. Tất cả bá quan văn võ đều lấy làm lạ về
chưởng Âm-nhu của Đào Kỳ. Đánh ra không gió lộng, làm cho Tạ Thanh-Minh
lạc bại.
Tạ Thanh-Minh cố gắng đứng dậy. Y lảo đảo đứng không vững. Oẹ một tiếng, y hộc ra một búng máu tươi. Y cố gắng vịn vào đồng liêu đứng dậy. Y vẫy tay nói:
– Hán-trung vương, thần xin phục.
Đào Kỳ nhảy vèo đến nhấc bổng y lên để giữa điện quát lớn.
– Người là người thế nào với Xích-Mi, nói mau!
Tạ Thanh-Minh đáp:
– Thần chưa từng gặp Xích-Mi dĩ nhiên không quen biết y.
Tiếng quát của Đào Kỳ làm Hoài-nam vương giật mình. Ông nói:
– Đào vương-gia nói sao? Tạ thứ-sử đây là người danh môn chánh phái, đâu có liên quan gì đến Phan Sùng?
Đào Kỳ cầm tay Tạ Thanh-Minh đưa cho mọi người coi:
– Các vị võ học danh gia ở đây đều biết rằng: Trên thế gian này chỉ có
phái Trường-bạch là biết luyện Huyền-âm độc chưởng. Khi xử dụng chưởng
mùi tanh hôi bốc ra nồng nặc. Chưởng đầu tiên Tạ thứ-sử đánh tôi, mùi
tanh bốc ra các vị đã biết.
Vương ngưng một lúc nói:
– Phàm xử dụng độc chưởng, công lực phải cao hơn người mới dùng được.
Hai chưởng giao nhau, độc khí từ tay y tràn qua người đối phương. Chỉ
sau nữa giờ, đối phương đau đớn chết đi sống lại, không thuốc nào chữa
được.
Tần-vương Lưu Nghi hỏi:
– Thế nghĩa là thế nào?
Đào Kỳ nhắc lại lời của Khất đại-phu:
– Độc chưởng của phái Trường-bạch gồm có năm nọc là nọc rắn, nọc rết,
nọc bò-cạp, nọc nhện và nọc tằm. Mỗi thứ nọc nhập vào một tạng-phủ.
Không có cách nào trục ra. Độc chưởng của Tạ thứ-sử xử dụng gốc từ phái
Trừơng-bạch là nơi xuất thân của Xích-Mi. Các cao thủ phái này đều theo
phò Xích-Mi.
Vương hỏi Tạ Thanh-Minh:
– Tạ thứ-sử. Ta với ngươi vốn không thù, không oán, tại sao ngươi lại
dùng độc chưởng hại ta? Đúng ra khi ngươi đánh trúng ta, bàn tay ta hóa
xanh lờ lờ. Mà ngược lại, bàn tay ngươi hóa xanh là nguyên do làm sao?
Tạ Thanh-Minh đáp:
– Thần cũng không biết nữa.
Đào Kỳ cười:
– Giữa ngươi với ta, công lực cao thấp cách nhau quá xa. Khi ngươi dùng
độc chưởng đánh ta, ba chiêu đầu ta chỉ đánh mà không đỡ, để mở mắt cho
ngươi rằng, ngươi kém xa ta. Ngươi không tỉnh ngộ, còn tiếp tục đấu với
ta. Ta dùng chưởng đỡ ba chưởng của ngươi. Ngươi đã biết thua còn tiếp
tục đánh. Ta tấn công ngươi hai chưởng, một dương, một âm. Hai chưởng
chạm nhau, ta đẩy chất độc trở lại ngươi, cho nên tay ngươi hóa xanh. Từ xưa đến giờ, ngươi dùng độc chưởng đánh người ta quá nhiều, ngươi chưa
biết cái đau đớn đó nó ra làm sao. Bây giờ ngươi tự làm thì ngươi tự
lãnh lấy hậu quả, đừng trách ai hết.
Bỗng Tạ Thanh-Minh kêu ối một tiếng rồi run lên bần bật. Y biết chất độc bắt đầu phát tác, y năn nỉ:
– Đào vương-gia, xin người dung thứ cho tôi.
Đào Kỳ nói:
– Ngươi đánh người thì phải biết chữa chứ? Ta có một người thân bị trúng Huyền-âm độc chưởng. Ta cũng không biết cách nào chữa, làm sao chữa cho mi. Bây giờ ta hỏi câu nào, ngươi trả lời cho đúng họa may ta cứu được
ngươi.
Tạ Thanh-Minh run bần bật, lăn lộn kêu la thảm thiết. Các văn võ bá quan thấy tình trạng y như vậy, cực kỳ kinh hãi.
Đào Kỳ hỏi:
– Phái Trường-bạch thiên về Âm-nhu, tại sao ngươi lại biết nội công Dương-cương. Ngươi thuộc môn phái nào?
Tạ Thanh-Minh chưa đáp, thì Hoài-nam vương hỏi:
– Tạ Thanh-Minh thì ra là ngươi! Ta biết ngươi là ai rồi. Trước đây mấy
tháng trong cung xảy ra mấy vụ án. Hoàng thái-phi tự nhiên bị bệnh, đau
đớn bảy ngày, bảy đêm, lăn lộn khốn khổ rồi mới b!ng. Các quan Thái-y
không tìm ra nguyên do. Sau đó lại xảy ra việc Trung-lang tướng Lưu Phúc cũng bị bệnh tương tự mà chết. Thì ra tất cả đều do ngươi. Ngươi là
người của Xích-Mi, trường phục trong thành Trường-an này với mục đích
gì?
Tạ Thanh-Minh vẫn lăn lộn dưới đất, kêu la thảm thiết, y cố gắng trả lời:
– Không phải tôi làm. Đó là thái-hậu truyền mật chỉ cho tôi làm.
Thái-hậu truyền mật chỉ cho tôi ở Trường-an canh chừng Tần-vương. Nếu
Tần-vương có ý chống thái-hậu, phải ra tay giết liền.
Tạ Thanh-Minh nói câu này có ba người hiểu rõ nguyên do. Một là Đào Kỳ,
Vương biết Mã thái-hậu đang gây một thế lực bao vây lấy Quang-Vũ, giết
Hàn Tú-Anh. Còn Quang-Vũ hiểu rằng: Mã thái-hậu sai các quan làm nhiều
việc riêng tư cho bà. Ai không theo bà sai giết đi. Hoàng thái-phi, Lưu
Phúc đều bị thái-hậu giết. Còn Mã Viện biết rõ nhất, sở dĩ thái-hậu mua
chuộc nhiều cao thủ, cho quan tước, gây uy thế của ngoại thích như hồi
Lã thái-hậu xưa kia.
Hơn bất cứ thời nào, đời nhà Hán bọn ngoại thích hoành hành mạnh vô
cùng. Ngoại thích tức bà con, giòng họ của Hoàng-hậu, Thái-hậu, chúng
dựa vào thế lực của nội cung, chèn ép ngay cả Vương-thân. Ngoại trừ
hoàng-đế, các chú vua, em vua cũng bị chúng chèn ép giết hại.
Nạn này xảy ra từ thời Cao-Tổ, do Lã thái-hậu gây ra đầu tiên làm tiền lệ.
Chợt Mã Viện bảo một viên tướng đứng sau y:
– Trần Lữ, ngươi mang Tạ thứ-sử ra ngoài cho người nhà chạy chữa.
Đào Kỳ nghe tiếng Trần Lữ biết ngay là người đả thương Tiên-yên nữ hiệp. Hôm qua, nghe Khất đại-phu nói, Vương những tưởng Trần Lữ mai phục
trong quân Mã Viện với mưu đồ gì đây. Bây giờ thấy việc Tạ Thanh-Minh,
Vương mới tỉnh ngộ rằng:
– Thì ra Trần Lữ với Tạ Thanh-Minh cùng là người của Mã thái-hậu. Như vậy Trần Lữ mới thực sự đóng vai trò chính.
Nghĩ vậy, Vương lạng người ra trước chụp Trần Lữ. Trần Lữ bản lĩnh đâu
phải tầm thường? Song Đào Kỳ ra tay thần tốc quá, y chưa kịp trở tay, đã bị kiềm chế.
Ngô Lương phóng ra một chưởng đánh vào đầu Vương, để Vương phải buông
Trần Lữ ra. Đào Kỳ vung tay trái phóng ra một chiêu trong Thiết-kình phi chưởng của Cửu-chân, đẩy Ngô Lương lùi trở lại.
Ngô Lương là người coi tất cả cấm quân tức vệ sĩ hoàng-cung. Võ công y
cao hơn Tạ Thanh-Minh một bậc. Chưởng vừa rồi của y phóng ra không xử
dụng hết công lực. Hơn nữa Đào Kỳ lại xử dụng võ công Cửu-chân khắc chế
với võ công của y. Nên y phải lùi lại một bước.
Ngô Lương quát lên:
– Vương-gia! Người không được vô lễ. Trước mặt hoàng-thượng dám ám toán đại thần ? Người mau thả Tả-quân hiệu-úy Trần Lữ ra.
Đào Kỳ để Trần Lữ xuống nền điện, đạp chân lên ngực y nói:
– Tên Trần Lữ là người của Xích-Mi. Ta bắt y phải lộ chân tướng ra trước mặt hoàng-thượng cho các người coi.
Vương vận sức xuống chân rồi hỏi:
– Trần Lữ mau đưa thuốc giải Huyền-âm thần chưởng ra cứu Tạ Thanh-Minh.
Nếu không, ta sẽ vận kình lực vào chân, ngươi sẽ bị giập nát hết tạng
phủ mà chết.
Trần Lữ bị chân Đào Kỳ đè nặng quá, y hoảng hồn nói:
– Tôi không giữ thuốc giải. Thuốc giải chỉ Thái-hậu mới có. Thái-hậu giữ thuốc giải, để những ai bị chúng tôi đánh bị thương, người bắt phải cúi đầu tuân phục, người mới ban cho.