Diệu Thủ tiên sinh cực kỳ xúc động, lạc giọng hỏi :
- Quái lạ thật! Ngươi không chết ư?
Chính Từ Văn cũng kinh dị không bút nào tả xiết. Chàng tự nghĩ :
- Bình sinh mình chưa từng uống một thứ linh chi dị thảo nào, mà cũng chưa từng luyện hộ thần huyền công chi chi hết, thế mà mình nhớ lại đã có đến ba bốn lần gặp tình trạng chết đi sống lại là nghĩa làm sao? Đúng là quái sự không ai tin được. Hơn nữa lần này mình bị hán tử lạ mặt hạ sát sau khi bị trọng thương. Tuy mình không biết gì nữa, nhưng gã đã dựng bia mộ, đào huyệt ngay đây thì đúng là gã đã chôn mình rồi. Từ lúc gã hạ sát, đem chôn, cho tới lúc có người quật mả ít ra cũng phải hàng giờ, vậy thì làm sao mà sống lại được? Hay là có người trong bóng tối ám trợ mình? Nếu có thì người ấy là ai? Phải chăng đây là thuyết quỷ thần huyền bí? Vụ này đã vượt qua sự tưởng tượng của con người.
Từ Văn càng nghĩ lại càng hoang mang, kinh hãi về nguyên nhân cái chết đi sống lại của chàng. Chàng xiết đổi nghi ngờ, lắc đầu đáp :
- Tại hạ cũng chẳng hiểu vụ này ra sao nữa.
Diệu Thủ tiên sinh hỏi :
- Trước nay ngươi có uống một thứ dược vật thuộc loại thiên tài địa bảo nào không?
Từ Văn đáp :
- Tại hạ bình sinh chưa uống thứ thuốc gì đặc biệt.
Diệu Thủ tiên sinh nói :
- Ngươi thử nghĩ kỹ lại coi.
Từ Văn cả quyết :
- Nhất định không có.
Diệu Thủ tiên sinh vẫn chưa chịu thôi, lão hỏi tiếp :
- Hay là ngươi đã gặp chuyện kỳ ngộ gì đặt biệt?
Từ Văn tuy cảm thấy lão quan tâm đến mình một cách quá đáng, nhưng chàng nghĩ tới đối phương đã chịu lời ủy thác của Tưởng Úy Dân chiếu cố cho chàng, nên chàng cũng không để ý, nhẫn nại đáp :
- Cũng không có chuyện kỳ ngộ gì đặc biệt...
Chàng nói tới đây đột nhiên ngừng lại, vì chàng nhớ tới vụ lão quái ở sau núi Bạch Thạch đã trút công lực vào cho chàng, thì dĩ nhiên vụ này có thể nói là một chuyện kỳ ngộ. Nhưng việc trút công lực bất quá là để giúp cho nội lực của chàng chóng thành tựu, chứ không thể khiến sinh cơ vĩnh viễn bất diệt. Đó là một điều rất thiển cận, ai cũng nghĩ ra.
Từ Văn nghĩ tới đây, chàng liền dừng lại không nói nữa.
Diệu Thủ tiên sinh chợt nhớ tới điều gì đó, buột miệng nói :
- Lão phu nghĩ ra rồi! Tất thị đã biết vụ này.
Từ Văn ngạc nhiên hỏi :
- Thị là ai?
Diệu Thủ tiên sinh đáp :
- Thiên Đài Ma Cơ! Thị đã nói một câu, nhưng lão phu lúc đó không để ý. Bây giờ nhớ lại thì ra câu đó hàm ý sâu xa...
Từ Văn ngắt lời :
- Y đã nói câu gì?
Diệu Thủ tiên sinh đáp :
- Thị bảo đã nghĩ trước là ngươi không chết.
- Ồ!...
Từ Văn sửng sốt la lên một tiếng như vậy rồi hỏi :
- Có phải y đã quật mả tại hạ không?
Diệu Thủ tiên sinh lắc đầu đáp :
- Không phải. Chính lão phu đã quật mả ngươi.
- Người quật mả là các hạ ư?
- Phải rồi! Lão phu có muốn móc ngươi lên khâm liệm quan quách tử tế rồi đem đi chỗ khác mai táng để khỏi phụ lòng ủy thác của Tưởng Úy Dân. Không ngờ quật mả xong, móc ngươi lên rồi ngươi sống lại. Thế mới thật là kỳ! Giả tỷ lão phu không nghĩ thế, thì đến bây giờ ngươi vẫn nằm trong mả. Có thể...
Từ Văn run lên. Nếu quả Diệu Thủ tiên sinh không quật mả, thì đời chàng dĩ nhiên là kết thúc. Như vậy lão đã có ơn cứu mạng, chàng liền chắp tay xá dài nói :
- Kính tạ tiền bối đã có ơn tái tạo. Sau này tất có ngày báo đáp.
Diệu Thủ tiên sinh cười ha hả nói :
- Cái đó là mạng ngươi chưa đến ngày tận số, nên mới có chuyện trùng hợp này. Lão phu chỉ thành tâm hy vọng ngươi đừng cô phụ Tưởng Úy Dân, và mối si tình của con nha đầu Tưởng Minh Châu. Từ ngày ngươi cứu y ra khỏi mật đà Tụ Bảo hội, y đã ngấm ngầm tự thề nguyền phó thác thân thế y cho ngươi rồi. Nhai nhi! Giả tỉ mà ngươi chết thực, thì lão phu xem chừng y dám làm việc xuẩn động lắm.
Từ Văn run lên nghĩ thầm :
- Tưởng Minh Châu si tình đến thế ư? Nếu vậy mình biết xử trí ra sao? Thiếu nữ áo hồng Thượng Quan Tử Vi không nói tới, nhưng còn Thiên Đài Ma Cơ mới rắc rối.
Từ Văn nhớ tới Thiên Đài Ma Cơ thì ruột rối như mớ bòng bong. Chàng cảm động về mối thâm tình của nàng, nhưng chàng chỉ buồn về tác phong nàng ra chiều lãng mạn...
Diệu Thủ tiên sinh thấy Từ Văn ngơ ngẩn không nói gì, liền nói tiếp :
- Từ Văn! Về chuyện báo thù, lão phu mong rằng ngươi thương nghị với Tưởng Úy Dân rồi hãy hành động.
Từ Văn đáp :
- Vản bối xin vâng lời.
Diệu Thủ tiên sinh hỏi :
- Bây giờ ngươi có thể đi Khai Phong được chứ?
Từ Văn đáp :
- Được!
Diệu Thủ tiên sinh rào đón :
- Ngươi đừng có miệng nói một đàng, bụng nghĩ một nẽo. Nên nhớ rằng trong vòng một tháng sau, khi lão phu điều tra ra được lệnh đường bị người bắt giữ nơi đâu, và kẻ thù đã hạ sát ngươi là ai rồi lão phu sẽ tìm đến ngươi ngay đấy.
Từ Văn gật đầu đáp :
- Xin tiền bối tùy tiện.
Diệu Thủ tiên sinh buông tiếng thở dài, lắc đầu mấy cái, rồi băng mình chạy đi.
Đầu óc Từ Văn xiết nỗi bàng hoàng! Chàng không tài nào phân tách được là mình đang hờn giận thù oán, hay đau khổ chua cay...
Chàng còn đang nghĩ vơ nghĩ vẫn thì tiếng gió vèo một cái, một bóng người hạ xuống trước mặt chàng. Chính là Diệu Thủ tiên sinh quay trở lại.
Từ Văn ngẩn người ra hỏi :
- Tiền bối còn có điều chi chỉ giáo?
Diệu Thủ tiên sinh hỏi :
- Ngươi có nguyện ý hãy tạm thời che dấu chân tướng không?
Từ Văn hỏi lại :
- Để làm gì?
Diệu Thủ tiên sinh ngập ngừng đáp :
- Hiện giờ ngươi hãy còn ở vào tình thế rất nguy hiểm. Có thể người ta đang dòm ngó sinh mạng ngươi.
Từ Văn ngắt lời :
- Phải chăng tiền bối muốn vãn bối cải trang?
- Chính là thế đó.
Từ Văn ngập ngừng :
- Cái đó...
Diệu Thủ tiên sinh ngắt lời :
- Từ Văn! Gác chuyện Vệ Đạo hội chưa bàn tới. Ngươi bảo bọn Khách qua đường đã mấy phen hạ độc thủ, mà ngươi không rõ nguyên nhân. Lão phu chắc đối phương chưa chịu buông tha. Vậy mà ngươi lộ diện thì có thể họ lại âm mưu ám toán. Mình có ở trong bóng tối, địch ngoài ánh sáng thì việc phanh phui lai lịch đối phương mới có cơ thành tựu. Vậy bây giờ hãy đắp lại phần mộ, khiến đối phương tưởng ngươi chết rồi...
Từ Văn hỏi ngay :
- Nhưng chuyện vản bối sống lại đã có người nhìn thấy...
Diệu Thủ tiên sinh ngắt lời :
- Cái đó không quan hệ. Mục đích của ta chỉ là làm rối loạn con mắt đối phương mà thôi. Đồng thời ngươi thay đổi dung mạo, và trên chốn giang hồ tạm thời không còn Địa Ngục thư sinh, rồi ngươi thừa cơ tìm ra manh mối. Mặt khác lão phu điều tra theo một đường lối khác. Cả hai ta cùng hành động mới có thể dò la được những vụ bí hiểm đáng sợ kia.
Từ Văn ngẫm nghĩ một chút rồi cả quyết đáp :
- Được rồi! Vản bối xin theo chủ trương của tiền bối.
Tấm bia Địa Ngục thư sinh chi mộ lại được dựng lên.
Diệu Thủ tiên sinh lấy ra hai viên sáp lớn bằng mắt rồng, nói :
- Viên sáp màu tía là để thay đổi màu da. Ngươi lấy nước bóp tan ra rồi bôi lên mặt lên cổ và hai bàn tay để biến đổi màu da. Còn viên sáp trắng là để sau này khôi phục lại dung mạo. Nếu không có nó thì sau khi dịch dung, suốt đời màu da không trở lại nguyên trạng được. Đồng thời ngươi phải nhớ biến cải thanh âm. Có thế mới không tiết lộ bản tướng. Nội công ngươi đã thâm hậu thì việc biến đổi thanh âm chẳng khó khăn gì.
Từ Văn đáp :
- Về điểm này tại hạ có thể làm được.
Diệu Thủ tiên sinh lại nói :
- Còn nữa! Ngươi cần thay đổi cả y phục. Hiện lão phu có mang theo một bộ, ngươi cầm lấy mà mặc.
Dứt lời, lão lấy trong bì thuốc một gói bọc vải, đưa cả thuốc lẫn gói áo cho Từ Văn.
Từ Văn đón lấy gói mở ra xem thì là một bộ quần áo vải màu lam đã cũ. Trên áo còn dính hai cái nút đồng. Chàng thầm nghĩ :
- Không hiểu mình cải trang rồi sẽ biến thành hạng người gì?
Diệu Thủ tiên sinh lại đeo bì thuốc trên vai, tay lắc nhạc băng băng ra đi.
Từ Văn thay áo xong, đem áo cũ dấy máu chôn xuống đất. Đoạn chàng chạy đến bên khe suối, lấy viên sáp tía ra vò bóp nát hòa nước bôi lên mặt, lại xát cả vào hai bàn tay. Chàng nhìn thấy tay mình trở nên thô kệch và đen nhèm thì chàng biết bộ mặt mình cũng khó coi lắm.
Cải trang xong, Từ Văn cúi xuống ngó bóng mình dưới nước, không khỏi phì cười.
Chàng đang là một thư sinh tuấn tú, giờ đây biến thành một hán tử quê mùa, đầu tro mặt muội. Đừng nói người ngoài, chính chàng cũng không nhận ra được mình nữa.
Chàng tự hỏi :
- Bây giờ ta đi đâu?
Từ Văn ngơ ngẩn đứng bên khe suối. Chàng nghĩ tới thù hận rồi ngửng đầu lên, trong lòng đau khổ vặn vo hai tay...
Diệu Thủ tiên sinh muốn chàng đến phủ Khai Phong để thương lượng với Tưởng Úy Dân trước khi hành động. Nhưng chàng lại thầm nghĩ :
- Mối thù riêng của mình há để liên lụy đến người khác? Vả lại kẻ thù ghê gớm như Thống Thiền hòa thượng thì Tưởng Úy Dân chẳng thể giúp mình bằng cách nào được.
Chàng đoái trông trái núi Đồng Bách xanh rì ở phía xa xa, nơi mà đã xảy ra mối thù sâu tựa bể. Chàng chưa có cách nào trả được mối thù này thì nổi đau khổ biết thế nào mà nói.
Từ Văn bâng khuâng cất bước, ra khỏi khu rừng lên đường...
Chàng nhớ tới lúc ở trong Tổng đà Vệ Đạo hội đã sắp thành công lại bị thất bại chỉ vì thiếu phụ xinh đẹp kia. Công lực của mụ còn hơn cả Thống Thiền hòa thượng mới là một chuyện không ngờ. Bất giác chàng run lên, tự hỏi :
- Tại sao bao nhiêu nhân vật kỳ tuyệt trong thiên hạ lại tụ tập cả vào Vệ Đạo hội?
Từ Văn đang đi bỗng có tiếng quát :
- Đúng lại!
Từ Văn dừng bước, nghoảnh đầu nhìn lại thì thấy bảy người toàn mặc áo đen. Người đi đầu tay cầm một lá cờ đuôi nheo nhỏ. Giữa lá cờ có thêu chữ Tuần. Đúng là một tên đệ tử đi tuần trên núi của Vệ Đạo hội, không còn nghi ngờ gì nữa.
Từ Văn sát khí đằng đằng...
Gã áo đen đi đầu xem chừng không có vẻ gì hung ác, gã đảo mắt nhìn Từ Văn rồi hỏi :
- Ngươi là người ở đâu?
Nếu Từ Văn muốn giết bảy tên này thì chả mất chút hơi sức nào, nhưng chàng xoay chuyển ý nghĩ, dẹp sát khí xuống, bụng bảo dạ :
- Giết mấy tên vô danh tiểu tốt này làm quái gì?
Chàng liền cất giọng ấm ớ đáp :
- Tiểu nhân là người ở quanh đây.
Gã kia lại hỏi :
- Thuộc địa phương nào?
Từ Văn đáp :
- Tiểu nhân ở Ngũ Lý Tập ngoài thành Bình Dương.
Hán tử hỏi :
- Ngươi đến đây có việc chi?
Từ Văn đáp :
- Tiểu nhân đi kiếm con bò lạc mất.
Hán tử cười lạt đáp :
- Mắt kẻ quan côn không có hạt cát nào lọt vào được. Ông bạn ơi! Bạn đúng là người võ lâm.
Từ Văn tuy đã thay đổi dung mạo, mặc y phục quê mùa, nhưng chàng lại sơ ý để lộ nội công ra, hai mắt khắc hẳn người thường, nên hai bên chỉ chạm mặt là lộ bản tướng.
Chàng là người thông minh, hiểu ngay chỗ sơ hở này, liền toét miệng cười đáp :
- Đúng rồi! Tiểu đệ đã luyện võ mấy ngày. Huynh đài kêu bằng người võ lâm thiệt không xứng đáng.
Hán tử cầm lá cờ đi tuần chưa hết nghi ngờ, gã ngắm nghía Từ Văn mấy lượt nữa rồi trầm giọng hỏi :
- Ông bạn có biết đây là địa phương nào không?
Từ Văn đáp :
- Đây là chân núi Đồng Bách chứ gì?
Hán tử lại hỏi :
- Ông bạn có nhìn thấy tiêu chí ở ngoài ba dặm chưa?
Từ Văn làm bộ ngớ ngẩn, cười hì hì đáp :
- Cái đó... Cái đó... Tiểu đệ không biết chữ mà.
Một gã áo đen khác xen vào :
- Đầu mục! Nơi đây vừa xảy ra án mạng, và thằng lõi này lai lịch có vẻ khả nghi, hay là đưa gã về núi để chất vấn xem sao.
Hán tử cầm cờ gật đầu, nhìn Từ Văn nói :
- Bằng hữu! Mời bạn đi với chúng ta một chuyến. Nếu bạn quả là lương dân vùng này thì chẳng có gì đáng ngại.
Từ Văn nhíu cặp lông mày hỏi :
- Huynh đài bảo tiểu đệ phải lên núi ư?
Hán tử gật đầu đáp:
- Phải rồi!
Từ Văn nói :
- Nhưng tiểu đệ không được rảnh, thì làm thế nào?
Hán tử đáp :
- Bằng hữu! Thế là đối với bạn, ta đã lịch sự lắm rồi. Ông bạn theo ta đi là hơn.
Từ Văn hỏi :
- Nếu không lịch sự thì sao?
Hán tử đáp :
- Trách nhiệm của ta là như vậy. Bạn không nghe ta cũng cưỡng bách cho kỳ được.
Từ Văn lại nổi sát khí, lạnh lùng nói :
- Tiểu đệ đã bảo là không được rảnh mà.
Gã đầu mục sa sầm nét mặt, hỏi :
- Bằng hữu! Bạn muốn ta động thủ chăng?
- Sao? Động thủ ư?
- Chính là thế đó.
Từ Văn hững hờ nói :
- Bữa nay tiểu đệ không muốn giết người.
Câu này khiến cho bảy gã đều biến sắc. Gã đầu mục hắng dặng một tiếng rồi nói :
- Đây là cấm địa của Vệ Đạo hội, chẳng thể để ai tùy tiện giết người được.
Từ Văn muốn hạ sát thủ, nhưng chàng nghĩ lại không nên tranh hơi với bọn tiểu tốt này, liền lạnh lùng nói :
- Các vị đừng bức bách tiểu đệ phải giết người. Tránh đường cho tiểu đệ đi là hơn.
- Bạn nghĩ thế là lầm.
Gã vừa nói vừa nhảy lại giơ tay ra nhằm chụp xuống Từ Văn. Thế chụp của gã không phải tầm thường, đáng vào hạng hảo thủ. Đáng tiếc gã lại đụng phải Địa Ngục thư sinh. Nếu bảy gã áo đen này biết rõ đối phương là ai, thì dĩ nhiên chúng đã bỏ chạy sớm không dám ngoảnh cổ lại, khi nào dám nói đến chuyện động thủ.
- Úi chao!
Gã liền rú lên một tiếng thê thảm giữa lúc bàn tay chụp tới Từ Văn. Gã té xuống, chân tay giẫy giụa một hồi rồi tắt thở.
Sáu tên để tử tuần núi kia đều táng đởm kinh hồn, đứng thộn mặt đương trường, không di động được nửa bước. Chúng kinh hãi quá vì thấy đối phương chưa ra tay đã khiến cho đầu mục mất mạng thì đúng là một quái sự cổ kim hiếm có.
Sát khí nổi lên không ngăn được nữa, Từ Văn nhớ tới bọn đệ tử trong bảo bị tàn sát, sáu người trong Thất Tinh bát tướng cũng bị giết phơi thây. Chàng lẩm bẩm :
- Nợ máu phải trả bằng máu. Sao mình còn bắt chước cái nhân của đàn bà.
Thế rồi chàng nhảy xổ lại ra tay. Sáu tên hán tử áo đen chưa kịp xoay chuyển ý nghĩ, đã liên tục lăn ra mà chết.
Chỉ trong chớp mắt cả bảy tên đệ tử tuần núi Vệ Đạo hội đã bị giết sạch.
Từ Văn đảo mắt nhìn bảy xác chết, rồi cất bước đi về phía trước, song vẫn một cách uể oải, chậm chạp.
Chàng đi chưa được năm trượng, thì có tiếng thét lên lanh lảnh :
- Thằng lõi kia! Ngươi hãy quay trở lại đã!
Từ Văn ngoảnh lại xem thấy bóng ba người đứng bên cạnh bảy xác chết. Hán tử mặt đen đi đầu đúng là Tổng tuần sát Vệ Đạo hội, tên gọi Khâu Vân, phía sau hắn là hai đại hán lực lưỡng.
Sáu luồng mục quang bừng bừng sát khí, tuy đứng cách xa năm trượng mà đã chiếu những tia hàn quang rùng rợn.
Bên tai Từ Văn tựa hồ vang lên lời nói của phụ thân hồi sinh tiền : Giết cho kỳ hết! Chàng lẩm bẩm :
- Giết từng tên một hay giết hết thảy cùng một lúc thì cũng thế. Mình chưa đủ khả năng thì cứ tỉa dần cũng được.
Chàng vừa nghĩ vừa trở gót tiến mau lại.
Bộ mặt và cách phục sức của chàng khiến cho bọn Khâu Vân phải chau mày tự hỏi :
- Một tên hắc quỷ quê mùa chẳng có vẻ chi hết mà lại là hung thủ giết người ư?
Tổng tuần Khâu Vân đảo mắt nhìn Từ Văn, hỏi bằng một giọng nghi ngờ :
- Tiểu tử! Ngươi là hung thủ giết người ư?
Từ Văn lạnh lùng buông thỏng :
- Phải rồi!
Khâu Vân lại ngắm nhìn Từ Văn lần nữa, dường như vẫn không tin là chàng đã giết người, mà chỉ nhận bừa. Còn hai tên đại hán lức lưỡng thì mắt lộ hung quang ra chiều muốn tỷ thí.
Từ Văn cất tiếng hỏi lại :
- Khâu Vân! Ngươi không tin ư?
Khâu Vân càng kinh hãi, lùi lại một bước dài, run lên hỏi :
- Ngươi hỏi câu này thì bản tòa tin rồi. Nhưng sao thằng lõi lại biết danh tính bản tòa?
Từ Văn thản nhiên đáp :
- Cái đó có chi là bí mật?
Khâu Vân với bộ mặt đen sì bỗng đỏ lên biến thành sắc tía. Mắt lộ sắt quang, hắn lớn tiếng quát :
- Ngươi hãy nói rõ lai lịch đi!
Từ Văn xoay chuyển ý nghĩ rồi lạnh lùng đáp :
- Tại hạ là Sách Huyết Nhân.
Khâu Vân sửng sốt hỏi lại :
- Sao? Sách Huyết Nhân ư?
- Phải rồi!
- Sao ta chưa từng nghe giang hồ nói tới nhân vật nào tên hiệu như ngươi...
Từ Văn hững hờ đáp :
- Cái đó là tại ngươi cô lậu nên không biết đến.
Hai gã đại hán kia dường như không nhẫn nại được nữa, song chưa có lệnh nên chưa dám động thủ. Chúng giận quá quát lên :
- Không được hỗn láo!
Tổng tuần Khâu Vân cũng run bần bật hỏi lại :
- Có phải ngươi vừa giết người thiệt không?
Từ Văn hững hờ đáp :
- Cái đó tại hạ đã trả lời rồi.
Khâu Vân lại hỏi :
- Sao ngươi giết người?
- Để đòi nợ máu.
- Đòi nợ máu? Ngươi nói thế là có ý gì?
Từ Văn bĩu môi đáp :
- Ngươi chết rồi sẽ hiểu.
Tổng tuần Khâu Vân thét lớn :
- Bắt lấy nó!
Hai đại hán nghe lệnh như sét đánh, chúng song song nhảy xổ về phía trước tựa mãnh hổ vồ mồi. Đồng thời chúng phóng bốn tay ra chụp.
Từ Văn dằn giọng quát :
- Các ngươi muốn chết ư?
Tay trái chàng khẽ điểm tới, còn tay phải vung mạnh ra. Hai tiếng rú thê thảm vang lên. Gã bên tả ngã lăn ra đương trường, còn gã bên hữu bị chưởng phong đánh văng ra xa đến ba trượng.
Tổng tuần Khâu Vân tan nát gan ruột, quát lên một tiếng :
- Sách Huyết Nhân! Bản tòa đã quá coi thường ngươi.
Tiếng quát chưa dứt, một luồng kình khí nặng như non xô về phía Từ Văn. Từ Văn giơ hai tay vận đến mười thành công lực để hộ vệ thân mình.
Bình một tiếng rùng rợn, khiến cho đá chạy cát bay. Tổng tuần Khâu Vân sinh lòng nghi hoặc lùi lại ba bốn bước, bộ mặt đen của hắn trông xám xịt như gan heo. Máu từ trong miệng trào ra làm đỏ cả nửa vạt áo.
Từ Văn nhảy xổ về phía trước, sát khí đằng đằng, thét :
- Khâu Vân! Nộp mạng đi thôi!
Giữa lúc ấy, một tiếng quát quen tai từ đàng xa vọng lại :