Hai người hẹn nhau ở nhà hàng lẩu ở tầng năm của trung tâm thương mại. Diệp Tri Hoà vừa mới xuống thang máy lại phải vòng ngược trở lên, ngoan ngoãn ngồi ở ghế chờ.
Hơn 10 phút sau cô Trình mới vội vàng đến nơi, tóc cô còn vương tuyết, mang theo cả hơi lạnh bên ngoài đi về phía Diệp Tri Hoà.
“Sao con không vào trước?”. Cô Trình hỏi. Phục vụ dẫn họ đến bàn.
“Con có đói bụng không?”.
Diệp Tri Hoà lắc đầu, bữa trưa cậu ăn rất no, bây giờ còn chưa tới 5 giờ chiều.
“Con gọi món đi, cứ chọn món mà con thích ăn”. Cô Trình đẩy thực đơn về phía cậu, cười nói, “Cô còn tưởng con không muốn gặp cô chứ”.
Diệp Tri Hoà đang chọn món, mờ mịt ngẩng đầu lên, cô Trình bèn nói tiếp: “Đây mới là lần thứ hai chúng ta gặp nhau”.
“Con tưởng mình đã gặp nhau khi con còn nhỏ chứ ạ?”.Diệp Tri Hoà đẩy thực đơn lại cho cô.
“Ừ, đúng vậy”. Cô Trình vén tóc ra sau tai, lúc này cả khuôn mặt cô mới lộ ra hoàn toàn, cúi đầu nhìn thực đơn. Hôm nay cô chỉ trang điểm nhẹ, dáng vẻ trẻ trung hơn tuổi càng khiến cho Diệp Tri Hoà có cảm giác thân thuộc.
“Hình như con có nhớ cô”. Diệp Tri Hoà nói.
Cô Trình hơi ngạc nhiên nhìn cậu, “Thật á? Nhưng mà lúc đó con còn nhỏ xíu à…”. Cô nở nụ cười rạng rõ, có vẻ rất vui.
Diệp Tri Hoà cảm thấy không nên gọi cô là cô chút nào, phải gọi là chị mới đúng, hoặc nên xưng hô theo kiểu khác mới phải.
Hai người ăn cay không giỏi lắm, cuối cùng chọn nước lẩu cà chua. Nước lẩu sôi lên ùng ục, toả ra hơi nóng như sương mù bao lấy hai người.
Cô Trình đang rất vui, còn Diệp Tri Hòa lại như có tâm sự gì đó. Cậu đồng ý ra ngoài ăn cơm là có nguyên nhân khác – bởi cậu có chuyện cần nói với cô.
“Ngoài trời tuyết vẫn rơi hở cô?”. Diệp Tri Hoà hỏi.
Cô Trình gật đầu, gắp thịt và đồ ăn vào nồi nhúng, “Ừ, kiểu này chắc còn đổ tuyết dai dẳng lắm, không ngừng ngay được đâu. Lúc cô tới thì trời đã tối rồi, lát nữa ăn xong cô đưa con về. Ba con cũng thật là, sao lại để con ở nhà một mình cơ chứ”.
Diệp Tri Hoà nói: “Ba có hỏi con muốn đi cùng ông ấy không nhưng con từ chối, vì con có hẹn rồi ạ”.
Cô Trình lại nhìn cậu, “Thế hở, vậy bạn con đâu, đứa bé đó về rồi à?”.
“Cậu ấy bận chút việc nên không tới được”. Diệp Tri Hoà nhìn cô thật tỉ mỉ. Nhất định cậu đã gặp cô ở đâu đó rồi, bởi cảm giác quen thuộc cứ không ngừng tăng lên.
“Con ở ngoài một mình cả ngày ư?”.
“Con làm bài tập ở thư viện tầng dưới ạ”. Diệp Tri Hoà trả lời. Cô Trình ngừng đũa, nâng bia lên uống.
“Cô cũng không đói bụng lắm”. Cô Trình nói, “Hay chúng ta trò chuyện đi”.
Đây đúng là điều mà Diệp Tri Hoà muốn, “Lần trước cô nói là muốn kể cho con ít chuyện về ba con trước kia”.
“Ừ, bắt đầu từ đâu đây nhỉ…”. Cô Trình cúi đầu suy nghĩ trong chốc lát, “À, kể cho con ở tuổi này là hợp lý nhất rồi. Hồi còn đi học ba con học lệch lắm, rõ ràng anh ấy hợp với chuyên văn hơn nhưng cuối cùng lại học chuyên lý, ba con nói con cũng học chuyên tự nhiên đúng không?”.
Diệp Tri Hoà gật đầu, “Con học sử với địa tệ lắm”.
“Ba con trông thì rất thông minh lém lỉnh, nhưng thật ra lại trầm tính cực kì. Hồi còn học sinh anh ấy cũng chẳng thích nói chuyện với ai, chuyện gì cũng giấu trong lòng. Bởi vậy lần này gặp ba con cô ngạc nhiên lắm đấy”. Cô Trình vừa uống bia vừa nói, “Anh ấy cứ nói hết chuyện này tới chuyện kia, huyên thuyên mãi, làm cô bất ngờ lắm luôn. Đương nhiên là đã nhiều năm thế này rồi, chưa kể tới anh ấy, ngay cả cô đây cũng thay đổi rất nhiều… Cũng đúng thôi, lúc đó ai cũng còn trẻ dại mà, cứ ngu ngơ mờ mịt, chuyện gì cũng không biết, không hiểu”.
“Cô Trình quen ba biết con từ lúc nào ạ?”.
Cô Trình cũng chẳng nhớ rõ nữa, cô nheo mắt, cẩn thận hồi tưởng lại, “Từ lâu lắm rồi, lâu đến cái độ mà cô cũng chẳng nhớ rõ nữa rồi, lần đầu tiên cô gặp ba con chắc là lúc cô mới vào cấp hai”.
Diệp Tri Hoà sửng sốt, cô Trình cười, “Đang thắc mắc sao lại vậy hả? Thật ra ba con hơn cô 6 tuổi lận”.
“Vậy sao hai người lại quen nhau được?”.
“Thì người khác giới thiệu đó”. Cô Trình gắp một miếng khoai tây đã chín mềm vào chén nhưng lại không ăn, “Có vẻ con rất tò mò về chuyện của ba con trước kia, chẵng lẽ anh ấy chưa bao giờ nói gì với con sao?”.
Diệp Tri Hoà lắc đầu.
Cô Trình nói: “Vậy là anh ấy vẫn y hệt như trước đây rồi, vừa ít nói vừa không giỏi thể hiện cảm xúc. Nếu con muốn biết gì thì cứ hỏi anh ấy, anh ấy nhất định sẽ kể cho con nghe”.
“Ông ấy không kể đâu”. Diệp Tri Hoà nói.
Cô Trình gắp khoai tây lên, chấm nước chấm rồi bỏ vào miệng. Khoai tây ngập nước chấm mặn đến nỗi cô phải uống mấy ngụm bia.
Diệp Tri Hoà nhìn cô, bỗng nhiên nói: “Trước kia nhà con có một cái hộp sắt to lắm”.
Cậu khua tay múa chân để diễn tả kích cỡ của chiếc hộp, so xong lại chợt nhận ra chiếc hộp ấy cũng chẳng lớn đến vậy. Chẳng qua là do khi ấy cậu còn nhỏ nên mới cảm thấy chiếc hộp sắt đó vừa to lại vừa nặng. Chiếc hộp lạnh lẽo ấy chỉ đựng một ít đồ vật cũ.
“Bên trong có một cuốn nhật ký với vài món đồ đã cũ lắm rồi…”. Có lẽ cũng chẳng phải là một cuốn mà chỉ là vài trang giấy rời, cậu cũng không nhớ rõ lắm.
Cô Trình nghe vậy thì trầm ngâm, “Thời đó điện thoại chưa được thông dụng như bây giờ, lúc đi học không phải ai cũng có mà dùng, người khác viết thư cho anh ấy, anh ấy cũng viết thư trả lời người ta. Hồi cô còn đi học cũng hay viết như vậy đó… Anh ấy còn giữ à?”.
“Hết rồi ạ”. Diệp Tri Hoà đáp, “Sau này con chuyển nhà thì không thấy nữa”.
Cô Trình nhìn cậu qua lớp khói lẩu, nói: “Khoai tây hơi mặn một chút”.
Diệp Tri Hoà vớt trong nồi ra, “Con thấy có mặn lắm đâu”.
Cô Trình lại cười, “Chắc cô không để ý nên chấm nhiều nước chấm quá, mặn muốn xỉu luôn”.
Hai người vừa ăn uống vừa nói chuyện, cô Trình uống những hai chai bia. Cuối cùng Diệp Tri Hoà đành phải nói: “Cô uống bia rồi, hôm nay để con gọi xe về đi”.
Cô Trình vỗ đầu, như thể giờ mới nhớ, “Thế cô về với con, đưa con tới nhà xong cô kêu tài xế đưa cô về sau vậy”.
Diệp Tri Hoà từ chối, cô Trình lại nói: “Ba con nhờ cô chăm sóc con, không tận mắt thấy con về đến cửa nhà cô không yên tâm”.
“Con đâu phải con nít đâu ạ”. Diệp Tri Hoà nói.
Cô Trình gật đầu: “Ừ, thế thì con càng phải khiến cô yên tâm chứ”.
Trời bên ngoài đã tối đen, nhưng mặt đường lại phủ tuyết trắng xoá. Cô Trình vừa đi vừa nhắc Diệp Tri Hoà theo sau, “Con đi cẩn thận coi chừng đường trơn”.
Ngồi trên xe taxi, cô Trình quay đầu lại nhìn Diệp Tri Hoà, “Giận à?”.
Diệp Tri Hoà nhìn cô, đôi mắt sáng ngời, không hề có ý muốn tránh né ánh nhìn của bất cứ ai.
“Không đâu ạ, ba con cũng hay vậy”. Diệp Tri Hoà đáp, “Con quen rồi”.
Cô Trình im lặng, đi được hơn nửa đường mới mở lời: “Có một số chuyện không phải cô không muốn nói cho con nghe, mà là cô không biết phải nói như thế nào”.
“Vậy có gì có thể nói bây giờ không ạ?”. Diệp Tri Hoà hỏi.
Cô Trình nghiêng đầu, “Trước kia ba con không biết làm việc nhà, cũng không biết nấu cơm. Bây giờ anh ấy làm được hết rồi à?”.
“Dạ”.
Cô Trình cười nói: “Vậy thì đúng rồi, vì con thì cái gì anh ấy cũng làm được hết, vậy mà con còn sợ hỏi thì anh ấy không trả lời cho con à? Nếu thật sự không được thì con cứ làm nũng năn nỉ ỉ ôi vào, anh ấy là ba con mà”.
Xe ngừng ở cửa tiểu khu, Diệp Tri Hoà suy nghĩ một chút, nói: “Thật ra con từng mở hộp sắt kia ra rồi”.
Tối hôm nay trời thật lạnh, tuyết rơi phía sau Diệp Tri Hoà trông như trời còn đang sáng, nhưng trên đỉnh đầu cậu lại tối đen.
“Ngoài thư còn có ảnh chụp, cũ lắm rồi, con cũng không nhớ nổi dáng vẻ của người trên ảnh nữa”.
Diệp Tri Hoà cúi người xuống. Khoảnh khắc ấy cô Trình bỗng nhiên ý thức được rằng đứa bé này không còn nhỏ nữa rồi, không còn là dáng vẻ nhăn nhúm lúc mới sinh, càng không phải là dáng vẻ mềm mại đáng yêu thuở còn ba hay năm tuổi. Cậu của bây giờ cao hơn cô nhiều đến vậy. Diệp Tri Hoà mười sáu tuổi, điều ấy cũng nhắc cô nhớ rằng chuyện cũ đã trôi qua được mười sáu năm rồi.
“Con với cô hơi giống nhau”. Diệp Tri Hoà bỗng nhiên mỉm cười, đôi mắt cong cong, “Con cứ cảm thấy cô quen vô cùng, nhưng mà mọi người không ai chịu nói gì với con hết, thôi quên đi vậy”.
Cửa xe đóng lại, Diệp Tri Hoà đi bộ về nhà, nghiêm túc đi từng bước một. Tuyết vẫn rơi không ngừng, cậu duỗi tay lật mũ áo khoác lên, vừa vào đến thang máy đã nhắn tin: [Tớ về tới nhà rồi] kèm một icon hoạt hình đang vỗ tay.
Ngoài xe, cô Trình che mắt, thở ra một hơi thật dài.
Sau khi về nhà, Diệp Tri Hoà tắm rửa xong đi ra thì điện thoại trên giường cũng đã reo inh ỏi hơn hai hồi chuông. Nhìn thấy tên Lận Thâm, cậu bèn vội vàng chạy đến bắt máy. Tín hiệu vừa được kết nối đã nghe thấy giọng nói gấp gáp của Lận Thâm: “Sao cậu không nghe điện thoại?”.
“Nãy giờ tớ tắm nên không nghe chuông reo”.
Lận Thâm hạ giọng xuống, “Tuyết rơi nên trời tối sớm, cậu ra ngoài làm gì?”.
Diệp Tri Hoà trùm khăn lên đầu, “Cậu nói chuyện như phụ huynh tớ ấy”.
Bên kia im lặng trong vài giây, rồi nói: “Tớ sẽ sửa”.
“Tớ thuận miệng nói vậy thôi, tớ biết là cậu quan tâm tớ mà”.Diệp Tri Hoà lau tóc lung tung, mỗi bên trái phải lau hai ba cái.
Khó có khi Lận Thâm không phản bác lại cậu. Lúc này cậu đang ngồi bên ô cửa sổ mở rộng, trong phòng rất lạnh, chỉ có ánh sáng le lói từ ngọn đèn đầu giường không chiếu được hết cả căn phòng. Cậu rủ mắt, nửa khuôn mặt chìm trong bóng tối, “Nghe giống ba tớ thật đấy”.
“Cũng bình thường thôi, tớ cũng rất giống ba”. Diệp Tri Hoà nói xong, lại tự bổ sung: “Người khác nói vậy đấy”.
Lận Thâm mẫn cảm hỏi: “Ai khác cơ? Bạn cậu à?”.
Diệp Tri Hoà nói: “Đó là bạn của ba tớ, cô ấy trẻ lắm, trông như chị mình vậy”.
Lận Thâm: “Bạn của ba là cô rồi”.
Diệp Tri Hoà: “Thì tớ có nói không phải đâu”.
Lận Thâm: “Không phải chị”.
Diệp Tri Hoà ngoan ngoãn nghe theo, “Ừa”.
Lận Thâm lại thấp giọng hỏi: “Ra ngoài làm gì? Ăn cơm chưa?”.
“Ăn rồi”.
“Cậu ra ngoài làm gì với cậu ăn cơm chưa là hai vấn đề khác nhau đấy”.
“Thì tớ ra ngoài đi ăn mà, ăn với cái cô đó đó”. Diệp Tri Hoà nói, “Cô ấy rất thân với ba tớ, quen biết ba tớ từ lâu lắm rồi nên tớ có việc muốn hỏi cô ấy”.
“Vậy hỏi được gì chưa?”.
“Chưa được gì hết”.
Lận Thâm im lặng, “Có muốn nói cho tớ biết là chuyện gì không?”.
Diệp Tri Hoà rất thích nghe Lận Thâm nói chuyện, nhất là khi giọng hắn dịu xuống, nhẹ nhàng, mềm mại như đang ngâm một bài thơ, thực ra là cậu đang nhớ hắn mà thôi.
Diệp Tri Hoà nói: “Mai tớ kể cho, mai tớ sẽ chia sẻ bí mật cho cậu”.
Lận Thâm cúi đầu, dáng vẻ dịu dàng, nói, “Ừ”.
“Đổi lại thì cậu cũng phải kể cho tớ chuyện của cậu đó”. Diệp Tri Hoà nhắc nhở nói.
“Ừ, mai tớ kể cho cậu nghe”.
“Tớ đi sấy tóc đã, cậu muốn nghe tiếng máy sấy à?”.
Lận Thâm: “…”.
Diệp Tri Hoà: “Tớ đang ám chỉ là cậu có thể cúp máy đó”.
Lận Thâm chịu đựng, nói: “Cậu gọi đây là ám chỉ à?”.
Hai người nói chuyện một lúc, mãi cho đến khi Diệp Tri Hoà nhắc lại chuyện đi sấy tóc mới ngắt máy.
Lận Thâm đứng dậy đóng cửa sổ, bỗng nhiên ngoài cửa có tiếng động, sau đó cửa phòng mở ra.
“Lận Thâm, chúng ta nói chuyện đi con”.
Lận Thâm không nói gì.
Người ngoài cửa tiếp tục nói: “Con cứ ở lì trong phòng cả ngày thế này à?”.
“Chứ con phải làm sao bây giờ?”. Lận Thâm cuối cùng cũng chịu mở miệng: “Ông ấy nhốt con lại”.