Lúc này trong tửu điếm lại có tiếng bước chân vang lên. Hai người song song tiến vào. Lão già và tráng hán đều cảnh giác dừng lại không nói nữa.
Câu chuyện giữa lào già và tráng hán tuy nói rất nhỏ, nhưng Triệu Tử Nguyên chú ý lắng tai nên đã nghe rõ từng chữ một. Chàng xúc động tự nhủ :
- “Trương thủ phụ ư? Té ra lão nhân gia là Trương Cư Chính làm Thủ phụ tại triều.
Thảo nào phong độ siêu quần xuất chúng.”
Chàng không nhịn được liếc mắt nhìn lão già thêm mấy lần. Giữa lúc ấy lão già đột nhiên giương mắt ngó lên về phía Triệu Tử Nguyên. Bốn mắt đụng nhau.
Triệu Tử Nguyên cảm thấy đối phương mắt sáng như đuốc, chàng không tự chủ được phải dời thị tuyến ra chỗ khác. Hán tử tên gọi Trác Thanh khẽ hô :
- Thủ phụ! Tấm thân của Thủ phụ là thân ngàn vàng...
Lão già khẽ quát :
- Câm miệng đi!
Trác Thanh đành im tiếng. Lão già lại đảo mắt nhìn đến hai người mới tới.
Triệu Tử Nguyên bất giác ngó theo thị tuyến của lão thì thấy hai người ăn mặc kỳ dị. Chính là Noãn Thỏ và Hồng Thỏ mà chàng vừa gặp lại ở lò rèn.
Lão già hạ thấp giọng xuống hỏi :
- Ở chốn hàng quán đông người này, ngươi phải tránh né thận trọng, đừng kêu lão phu bằng “Thủ phụ” được không? Ngươi thử coi xem bọn đó là ai?
Trác Thanh cùng hán tử kia đảo mắt ngó thấy bọn Noãn Thỏ, Hồng Thỏ xõa tóc, ăn mặc kỳ dị. Trác Thanh biến sắc đáp :
- Họ đến rồi! Hai tên Thát Đát này nhất định ở ngoài quan ải vào. Để tiểu tướng ra hỏi chúng...
Hắn đứng dậy toan cất bước đi về phía Noãn Thỏ và Hồng Thỏ, lão già vội kéo hắn lại nói :
- Trác Thanh! Không được vọng động.
Trác Thanh đầy vẻ phẫn nộ đáp :
- Bọn Thát Đát dám đường hoàng theo dõi chúng ta. Nếu không cho chúng một bài học chúng sẽ tưởng ở Trung Nguyên không có ai...
Lão già lắc đầu ngắt lời :
- Chính vì chúng dám xuất hiện ở đây nên lão phu nhất quyết chúng có chỗ ỷ mình. Người cần phải nhẫn nại để chờ xem hành động của chúng ra sao?
Trác Thanh trợn mắt lên nhìn Noãn Thỏ, Hồng Thỏ rồi lại ngồi xuống.
Bỗng nghe Hồng Thỏ ở trong góc nhà buông tiếng cười lạt hỏi :
- Noãn Thỏ! Trong quán rượu này bầu không khí ra chiều khác lạ, dường như có kẻ coi bọn ta không vào đâu.
Noãn Thỏ đáp :
- Đó là bọn muốn chầu Diêm Vương, ngươi so bì với họ làm chi? Ha ha...
Hắn vừa cười vừa đập tay xuống bàn. Mấy cái chung hất tung lên, rớt xuống cắm vào mặt bàn đến hơn tấc.
Trác Thanh và hán tử kia nhìn nhau kinh hãi. Trác Thanh tái mặt khẽ nói :
- Hai tên Thát Đát này hiển nhiên võ công phi thường. Chắc chúng là người của Thổ Man Khả Hàn phái vào trong quan ải mưu đồ bất lợi cho Thủ phụ. Tiểu tướng đến thông tư cho Chương thái thú để ý phái một toán thị vệ tới đây, đặng khỏi lỡ việc.
Lão già đáp :
- Ngươi bất tất phải đa sự. Theo nhận xét của lão phu thì chúng phô trương thân thủ là có chỗ dụng ý. Nếu không chúng đã hạ thủ rồi.
Trác Thanh không dám nói nữa. Lão già lại bảo :
- Chúng ta đi thôi!
Lão nói rồi đứng dậy cất bước đi trước. Trác Thanh và hán tử kia lập tức theo sau, vén rèm ra khỏi điếm.
Noãn Thỏ, Hồng Thỏ đưa mắt cho nhau rồi cất bước đi theo. Lúc chúng bước qua mặt Triệu Tử Nguyên liếc mắt nhìn chàng một cái.
Triệu Tử Nguyên động tâm bụng bảo dạ :
- “Trương thủ phụ nói đúng. Nếu Noãn Thỏ, Hồng Thỏ muốn đâm Thủ phụ thì sao lại phô trương võ công. Chúng đã cố ý khiến cho người ta lưu tâm đến mình là có chuyện ngoắt ngoéo. Ta phải đi theo để coi cứu cánh...”
Nghĩ tới đây, chàng lật đật trả tiền hàng, ra khỏi tửu quán. Chàng thấy lão già Trương Cư Chính đã cùng hai đại hán nhảy lên ngựa đi về phía đầu đường.
Noãn Thỏ và Hồng Thỏ thấy ngựa lao đi rất mau, bụi cát tung lên mờ mịt.
Chúng làm như không cần đuổi theo. Lát sau chúng mới lên ngựa cho chạy về phía trái ngược.
Triệu Tử Nguyên đoán là Noãn Thỏ, Hồng Thỏ muốn truy tung Trương Cư Chính, nhưng thấy một đằng đi về phía đông, một đằng chạy qua mé tây, không khỏi lấy làm kỳ. Chàng xoay chuyển ý nghĩ rất mau rồi lật đật chạy theo về phía bọn Noãn Thỏ, Hồng Thỏ. Chàng thấy bọn Hồng Thỏ đã chạy một quãng xa, không thể e dè người qua đường kinh dị phải thi triển khinh công đuổi theo.
Chàng ra khỏi trấn tập thì trời đã gần tối.
Trong đêm tịch mịch, chàng phảng phất nghe tiếng vó ngựa. Kiệu mã tuy chạy nhanh nhưng Triệu Tử Nguyên cũng không chịu kém, thủy chung vẫn giữ quãng cách chừng vài trượng.
Đôi ngựa chạy chừng một giờ đột nhiên dừng lại trước bức tường đá. Noãn Thỏ và Hồng Thỏ xuống ngựa, đẩy cửa đi vào.
Triệu Tử Nguyên theo sau, đảo mắt nhìn quanh, thấy tòa trang viện này ở giữa nơi hoang dã, xung quanh là rừng cây rậm rạp. Bóng đêm tối mờ, gió tây hiu hắt. Triệu Tử Nguyên nhìn tòa đình viện to lớn và cổ kính này có vẻ âm thầm lạnh lẽo khiến người ta phải kinh hãi.
Chàng tự nghĩ :
- “Không vào hang cọp, sao bắt được cọp con? Ta đã theo chúng đến đây, đành mạo hiểm để coi cứu cánh.”
Chàng chấn động hai tay như con chim khổng lồ vượt qua bức tường cao, hạ mình xuống khu đình viện rộng lớn.
Chân vừa chấm đất, Triệu Tử Nguyên lập tức chuồn vào bụi hoa rậm rạp. Chàng nhìn qua kẽ lá, chợt ngó thấy bộ mặt của Yên Định Viễn. Bất giác chàng hít một hơi khí lạnh.
Yên Định Viễn hỏi ngay :
- Có được tin tức gì không?
Noãn Thỏ, Hồng Thỏ song song đứng trước mặt Yên Định Viễn. Noãn Thỏ đáp :
- Đối tượng đã lọt vào trong vòng giám thị của bọn thủ hạ. Vừa rồi anh em tại hạ chạm trán Trương Cư Chính trong tửu quán ngoài trấn tập. Nhất định đêm nay lão ở trong phủ đệ Chương thái thú tại Hành Dương.
Hồng Thỏ nói theo :
- Bọn tại hạ thám thính được chuyến này Trương Cư Chính đi tuần du miền biên thùy có một tên cao thủ võ lâm kề cận để hộ vệ cho lão. Bọn tại hạ không dám hành động mạo muối, nên quyết định mời lão nhân gia xuất hiện.
Yên Định Viễn chau mày hỏi :
- Tay cao thủ võ lâm đó là ai?
Hồng Thỏ đáp :
- Y là Thẩm Trị Chương, Trang chúa Bạch Thạch sơn trang ở Sơn Tây.
Thẩm trang chúa tuy võ công chẳng lấy gì làm cao cường cho lắm nhưng hắn suốt đời khẳng khái làm việc, có địa vị rất lớn trong võ lâm. Hắn đi theo Trương Cư Chính thì sự việc không phải giản dị, e rằng còn có nhiều cao thủ ở Trung Nguyên ngấm ngầm hộ vệ cho lão Trương.
Yên Định Viễn cúi đầu ngẫm nghĩ rồi nói :
- Ngươi đoán đúng đó. Thẩm trang chúa quả có thể hiệu triệu được nhiều cao thủ giang hồ bảo vệ cho Trương Cư Chính.
Triệu Tử Nguyên động tâm nghĩ thầm :
- “Thẩm trang chúa ở Bạch Thạch sơn trang mà chúng đề cập tới phải chăng là phụ thân của Thẩm Hoán Thanh, bạn gái của Cố Thiên Võ? Trương thủ phụ đã có Thẩm trang chúa ra mặt hộ vệ trách nào Noãn Thỏ, Hồng Thỏ không dám bạo động.”
Yên Định Viễn lại hỏi :
- Món vàng thù lao cho Chức Nghiệp Kiếm Thủ ngươi có đem theo không?
Một hán tử thô hào từ trong viện tối đen đi ra. Dưới ánh trăng lờ mờ, Triệu Tử Nguyên nhìn rõ là quái khách Địch Nhất Phi ở Mạc Bắc.
Tay hắn cầm trường kiếm đi tới còn cách ba bước thì dừng lại, lát sau trên đường đá ngoằn ngoèo có bốn võ hán võ phục lục tục đi tới khiêng hai cái rương sắt rất trầm trọng. Địch Nhất Phí nói :
- Thanh kiếm này kêu bằng “Thanh Tê thần kiếm” do người thợ nổi tiếng ở tiền triều là Khoái Tử Sở đúc nên. Đêm nay Địch mỗ mới mua được ở lò rèn, xin tặng Yên bảo chúa.
Hắn nói rồi từ từ dâng thanh trường kiếm.
Yên Định Viễn đón lấy bảo kiếm nhìn kỹ hồi lâu, động dung nói :
- Quả là cây Thanh Tê thần kiếm. Chủ nhân ngày trước của nó là Trung Châu Nhất Kiếm Kiều Như San. Kiều Như San bị Tạ Kim Ấn sát hại rồi thất lạc trên chốn giang hồ, sao lại lọt vào tay ngươi?
Địch Nhất Phi không đáp, trỏ vào hai rương sắt nói :
- Trong rương sắt đựng hai vạn năm ngàn lượng bạc và cả cây Thanh Tê thần kiếm này, xin Yên bảo chúa thu cất. Sau khi thành sự bọn tại hạ sẽ dâng đủ số bạc.
Yên Định Viễn đảo mắt nhìn hai cái rương sắt đáp :
- Bảo kiếm và tiền bạc lão phu hãy thu cất. Việc này đêm nay tất làm xong mà không cần lão phu phải tự mình động thủ...
Địch Nhất Phi ngơ ngác hỏi :
- Bảo chúa... Bảo chúa không thân hành động thủ ư?
Yên Định Viễn khẽ gật đầu nói :
- Các vị hãy theo ta...
Lão cất bước đi trước dời khỏi hoa đình. Địch Nhất Phi và Noãn Thỏ, Hồng Thỏ ngần ngừ một chút rồi đi theo. Mấy người đi trên đường nhỏ quanh co tiến vào đại đường ở tiền viện.
Triệu Tử Nguyên chờ cho bốn hán tử võ phục khiêng rương sắt đi rồi tung mình rượt theo thì đột nhiên một bóng đen từ bụi hoa mé tả phía trước vọt ra.
Bốn đại hán khiêng rương sắt chưa nhìn rõ bỗng thấy hoa mắt. Một lão già lụ khụ cười hì hì đứng trước mặt. Lão hỏi :
- Chẳng lẽ bốn vị không nhận được lão phu?
Hán tử mé hữu sửng sốt hỏi lại :
- Các hạ... các hạ là ai?
Lão già đáp :
- Bốn vị không nhận ra lão phu, nhưng lão phu đã nhận ra các vị.
Bốn hán tử đưa mắt ra hiệu cho nhau, đặt rương sắt xuống. Bốn bàn tay như bốn con độc xà vươn ra đánh vào người lão già. Chúng hạ thủ đột ngột định đánh một đòn cho lão chết ngay.
Lão già mỉm cười, không ai nhìn thấy lão thủ thế mà lão đã chuồn qua bóng chưởng ra ngoài. Lão ung dung hỏi :
- Các vị ở Thủy Bạc Lục Ốc đến đây. Phải chăng những vàng bạc châu báu này đều đưa từ Lục Ốc tới đây? Lão phu không hiểu tại sao chủ nhân Lục Ốc lại tài trợ Địch Nhất Phi để mua bọn Chức Nghiệp Kiếm Thủ mưu hại Trương thủ phụ.
Lão chưa dứt lời, bốn đại hán đều ra chiều kinh khủng nhảy xổ lại phóng chưởng giáp kích.
Triệu Tử Nguyên ẩn trong bóng tối thấy bốn đại hán thân thủ mau lẹ, chưởng lực hùng hậu mà đồng thời xuất thủ đánh lão già chẳng khác gì bầy ưng vồ thỏ. Ngờ đâu lão già đảo mắt nhìn chúng một cái rồi vung ngón tay điểm trên không. Bốn đại hán rú lên một tiếng lục đục té xuống.
Triệu Tử Nguyên trong lòng kinh hãi nghĩ thầm :
- “Lão già này phải chăng là chưởng quỹ ở tiệm sắt? Ta hoài nghi lão quả nhiên đúng thật. Lão mình mang tuyệt kỹ mà giấu kín không để lộ ra, giả vờ làm ông già lụ khụ, ẩn tích vào chỗ thợ thuyền buôn bán. Nhưng không hiểu hành động của lão vì mục đích gì? Sao bây giờ đột nhiên lão xuất hiện ở chốn này?”
Lão chưởng quỹ chỉ cất tay một cái đã giải quyết xong bốn đại hán. Lão vội kéo bọn chúng vào trong bụi hoa rồi giấu hai cái rương sắt đi. Lão vừa ẩn mình xong thì dường như Yên Định Viễn đã phát giác. Hắn từ tiền viện quay lại đến trước thạch đình, lớn tiếng quát hỏi :
- Ai đó?
Trong bóng tối không có người đáp lại. Yên Định Viễn đảo mắt nhìn quanh tự nói một mình :
- Chẳng lẽ ta nghe lộn?
Lão từ từ cất bước tiến về phía trước. Đột nhiên lão nghiêng người phóng chưởng đánh vào bụi hoa, chỗ lão chưởng quỹ ẩn thân. Hoa lá rụng xuống lả tả.
Triệu Tử Nguyên than thầm :
- “Lão cáo già này tai mắt thật linh mẫn. Tâm tư càng thâm trầm!”
Yên Định Viễn phóng chưởng đánh ra, bụi hoa nổi gió ầm ầm. Mấy chục món ám khí rít lên tập kích Yên Định Viễn.
Mấy chục món ám khí đồng thời phát ra. Thủ pháp đã xảo diệu, kình lực lại cao thâm.
Yên Định Viễn bản lĩnh phi thường, tâm tư thận mật mà không kịp đề phòng, hắn thấy chưởng thế bị cản trở liền lạng người né tránh. Giữa lúc Yên Định Viễn né tránh. Một bóng đen nhảy vọt lên đầu tường rồi biến mất.
Triệu Tử Nguyên nhãn quang sắc bén, nhìn rõ bóng đen đúng là lão chưởng quỹ. Tay lão xách hai cái rương sắt rất trầm trọng. Hai cái rương này phải bốn người khiêng mà lão chỉ xách hai tay, vẫn chạy nhanh như bay. Thần lực và khinh công của lão thật khiến cho người ta phải lè lưỡi.
Yên Định Viễn quát :
- Đừng chạy nữa!
Lão tung mình vọt qua bức tường rồi không thấy bóng đâu nữa.
Bấy giờ Địch Nhất Phi và Noãn Thỏ, Hồng Thỏ mới nghe tiếng đuổi tới. Địch Nhất Phi đảo mắt nhìn quanh một lượt liền hiểu ngay, nói :
- Có người trà trộn vào đây.
Yên Định Viễn chau mày đáp :
- Đúng thế! Người đó thân pháp mau lẹ phi thường, lão phu cản không kịp.
Địch Nhất Phi kinh hãi trợn mắt lên hỏi :
- Sao? Hắn là ai? Yên bảo chúa mà cũng không làm gì được hắn ư?
Yên Định Viễn ngửa mặt lên trầm ngầm hồi lâu không nói.
Lúc này Noãn Thỏ, Hồng Thỏ đã lôi bốn hán tử bị điểm huyệt từ trong bụi hoa ra. Địch Nhất Phi lại biến sắc, trầm giọng hỏi :
- E rằng hai rương châu báu và tiền bạc cũng mất cả rồi? Phải chăng người kia đã lấy đem đi?
Yên Định Viễn gật đầu đáp :
- Lão phu đã nghĩ ra thân phận người đó. Tiền bạc bị hắn đem đi nhưng lão phu đã có kế hoạch.
Lão dừng lại một chút rồi hỏi :
- Ngươi có nghe ai nói đến Hương Xuyên Thánh Nữ bao giờ chưa?
Địch Nhất Phi sáng mắt lên đáp :
- Phải chăng mụ là con người thần bí vừa đẹp vừa giàu kinh thiên động địa trong võ lâm? Nếu Địch mỗ không nghe ai nói đến mụ chẳng hóa ra ếch nằm đáy giếng ư?
Yên Định Viễn nói :
- Hương Xuyên Thánh Nữ nhan sắc khuynh thành là ở trời cho bất tất phải nói đến, nhưng tài nguyên của mụ khiến cho người ta phải nghi ngờ. Theo chỗ lão phu biết thì trước kia mụ nghèo khổ không có bữa ăn mà sao nhất đán trở nên cự phú thế được?
Địch Nhất Phi hỏi :
- Trên chốn giang hồ người ta đồn đại mỗi người một khác. Người thì bảo mụ sinh trưởng vào một gia đình vương hầu cự phú, người lại nói là mụ tìm được bảo tàng...
Yên Định Viễn lắc đầu ngắt lời :
- Lời đồn thường thất thiệt. Tài nguyên của Hương Xuyên Thánh Nữ không phải thế đâu.
Noãn Thỏ đứng bên hỏi xen vào :
- Phải chăng Bảo chúa muốn nói người thừa cơ cướp đoạt hai rương châu báu đó có liên quan đến Hương Xuyên Thánh Nữ?
Yên Định Viễn gật đầu đáp :
- Vụ này dính líu đến nhiều người. Hơn nữa tiền bạc đó lại từ Thủy Bạc Lục Ốc mà ra, nên lão phu không thể quyết đoán một cách khinh suất. Bây giờ chúng ta hãy làm việc chính trước đã.
Bốn người rời khỏi hoa đình đi về phía tiền viện.
Triệu Tử Nguyên thở phào một cái, từ trong bụi hoa chui ra. Chàng chỉ lo hành tung bị bại lộ. May lúc này Yên Định Viễn có nhiều điều suy nghĩ phức tạp nên không khám phá ra hành tung của chàng. Triệu Tử Nguyên chân đi không chấm đất lướt tới tiền viện. Chàng vẳng nghe trong đại đường có tiếng người nói chuyện liền nhảy lên mái hiên, móc chân treo ngược, nín thở nhìn vào khe cửa sổ.
Trong nhà một cây hồng trúc lớn thắp sáng để trên kỷ. Bên kỷ, bọn Yên Định Viễn, Địch Nhất Phi và Noãn Thỏ, Hồng Thỏ ngồi cả ở đó. Địch Nhất Phi cất tiêng hỏi :
- Người mà Yên bảo chúa chờ đợi đã đến chưa?
Yên Định Viễn đáp :
- Đừng nóng nảy! Thế nào y cũng đến.
Rồi lão hỏi :
- Ngươi có biết chủ nhân tòa trang viện này là ai không?
Địch Nhất Phi đáp :
- Tòa viện này hoang phế đã lâu. Chủ cũ của nó phải chăng là Tư Mã Đạo Nguyên mà cả nhà đã bị Tạ Kim Ấn sát hại trên Thúy Hồ?
Yên Định Viễn đáp :
- Tuy đúng vậy nhưng chưa hết sự thực.
Địch Nhất Phi ngạc nhiên hỏi :
- Bảo chúa nói vậy là nghĩa làm sao?
Yên Định Viễn dằn từng tiếng :
- Cả nhà Tư Mã Đạo Nguyên mười tám người không phải đều chết hết.
Đêm hôm ấy Tạ Kim Ấn thủ cước không được linh lợi nên còn người sống sót.
Triệu Tử Nguyên ở ngoài cửa sổ nghe rõ không khỏi chấn động tâm thần.
Chàng nhớ tới Bạch bào nhân truyền thụ “Phù Phong kiếm pháp” cho mình tự xưng là Tư Mã Đạo Nguyên.
Địch Nhất Phi lộ vẻ không tin ngập ngừng hỏi :
- Tại hạ e rằng... không thể thế được!
Yên Định Viễn cười nhạt toan giải thích bỗng nghe tiếng võ ngựa lộp cộp lại có tiếng ngựa hí. Yên Định Viễn trầm giọng nói :
- Người thừa kế của Tư Mã Đạo Nguyên đã tới. Các ngươi chờ mà coi...
Vó ngựa dừng lại. Một người một ngựa xuất hiện trước cửa lớn trang viện.
Người đó xuống ngựa đi thẳng vào đại sảnh.
Triệu Tử Nguyên định thần nhìn kỹ thì người mới đến là thiếu niên Cố Thiên Võ mà chàng đã quen. Trái tim chàng đập loạn lên như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, chàng hô thầm :
- “Cố Thiên Võ ư? Người thừa kế của Tư Mã Đạo Nguyên sao lại là Cố Thiên Võ...? Vụ này khó tin quá...”
Cố Thiên Võ ngó thấy bốn người trong đại sảnh, dường như lộ vẻ ngạc nhiên trầm giọng hỏi :
- Gia phụ ở đâu?
Yên Định Viễn trầm giọng đáp :
- Cố Thiên Võ! Đáng lý lão phu phải kêu các hạ bằng Tư Mã Thiên Võ mới đúng. Các hạ giấu chân tính lại vào làm Ngân Y đội trưởng ở Thái Chiêu bảo lâu năm. Mới đây các hạ dời khỏi Thái Chiêu bảo lão phu mới điều tra ra gốc ngọn.
Chà chà! Gã tiểu tử họ Tư Mã kia! Công phu giữ bí mật của ngươi khá lắm!
Cố Thiên Võ biến sắc hỏi :
- Tại hạ chỉ hỏi gia phụ ở đâu?
Yên Định Viễn đáp :
- Lệnh tôn ư? Rồi ngươi sẽ biết ngay.
Cố Thiên Võ rút trong bọc ra một tờ giấy trắng mặt đầy chữ đen giơ lên nói :
- Đây là thư của gia phụ gởi cho tại hạ bảo tại hạ trở về ngôi nhà hoang phế này để hội diện. Phải chăng là lão đã bày đặt cạm bẫy này?
Yên Định Viễn đáp :
- Đúng thế!
Cố Thiên Võ biến sắc nói :
- Nếu vậy thì gia phụ chưa chắc đã còn sống ở thế gian. Lúc tại hạ nhận được phong thư này một cách đột ngột đã sinh dạ hoài nghi. Kết quả là dấn thân vào cạm bẫy của lão.
Gã đảo mắt nhìn lá thư hỏi :
- Nhưng bút tích trong thư hiển nhiên là của gia phụ. Điều này giải thích như thế nào?
Triệu Tử Nguyên không hiểu nghĩ thầm :
- “Nếu lúc sinh y mà chưa giáp mặt phụ thân thì sao lại nhận ra bút tích được? Vụ này khiến ta cũng đi vào chỗ hồ đồ...”
Lại nghe Yên Định Viễn đáp :
- Nếu thư này quả là bút tích của lệnh tôn thì cũng đúng lắm.
Cố Thiên Võ nói :
- Tại hạ đã coi bản gia huấn của chính tay gia phụ viết ra thì bút tích trong thư này hoàn toàn giống hệt.