Đây Là Nông Trường, Không Phải Vườn Bách Thú

Chương 1

Chiếc xe buýt nhỏ vào núi, điều hòa tắt ngay lập tức.

Hành khách không cần sắp xếp, tất cả đều sôi nổi kéo cửa sổ xe, cơn gió mang theo hương thơm nồng nàn của cỏ cây ùa vào, rồi lại thổi ra ngoài qua cửa sổ bên kia, tuy không mát bằng điều hòa nhưng rất thoải mái, mát đến tận trong lòng.

Cuộc trò chuyện cũng được mở ra.

“Hôm nay nóng thật đấy, dự báo thời tiết báo nhiệt độ tối đa là 40 độ.”

“Vẫn là chúng ta ở trên núi sướng hơn, nắng nóng thế này, đứng dưới bóng cây là mát, gió thổi cũng mát. Trong thành phố nóng như cái lồ ng hấp, chỗ nào cũng thấy nóng.”

“Chứ sao nữa, cái gì cũng đắt đỏ, nếu không nhớ cháu trai thì tôi đã không thèm lên thành phố chịu khổ rồi.”

“...”

Một người phụ nữ lớn tuổi ngồi bên cửa sổ, trước sau đều là những người đàn ông cao tuổi, xét thấy sự khác biệt giữa nam và nữ nên nhắm mục tiêu vào cô gái trẻ ngồi bên cạnh.

Bác gái đã quan sát xong từ trước, tự tin hỏi: “Cháu gái, nghỉ hè à?”

Cô gái trẻ trông chỉ khoảng hai mươi tuổi đầu, gương mặt tươi tắn, mang theo hai chiếc vali và một chiếc túi xách, chắc chắn là sinh viên đại học từ nơi khác trở về.

Thấy đối phương gật đầu thừa nhận, bác gái lập tức chuyển sang chủ đề tiếp theo: “Bao nhiêu tuổi rồi?”

Cô gái cười tươi, lộ ra hàm răng trắng: “Tốt nghiệp ạ.”

Bác gái vốn chỉ thuận miệng hỏi, bây giờ lại trở nên hăng hái hơn: “Con lấy được bao nhiêu lời mời làm việc?”

Thằng nhóc thối trong nhà năm nay cũng tốt nghiệp, lời mời làm việc nhận được không ít, nhưng lại không hài lòng, cái gì mà công ty không đủ nổi tiếng, nó đi sẽ bị bạn bè cùng lớp cười nhạo, cái gì mà thành phố chỉ thuộc hạng ba, cả đời nó xong luôn rồi.

Bác ấy cảm thấy nó được voi đòi tiên, đáng bị đánh.

Lựa chọn như thế, chẳng khác gì hoàng đế chọn phi tần.

Cô gái lắc đầu: “Con dự định phát triển ở quê hương, không tham gia tuyển dụng ạ.”

Bác gái sửng sốt một lúc: “Con đã thu xếp xong công việc ở nhà rồi hay đang định thi biên chế?”

Việc về quê đại khái có hai tình huống này, nhất là vế sau. Trên thực tế thì bác cũng muốn con trai có thể quay về quê, nuôi lớn đến chừng ấy, sau này hai người ở hai nơi khác nhau, tuy phương tiện giao thông đi lại thuận tiện nhưng khoảng cách vẫn rất xa.

Đã tranh cãi về việc này lâu lắm rồi, nuôi con để phụng dưỡng lúc về già, cũng chỉ có một đứa là nó.

Còn đứa con trai, vậy mà nói họ đã bẻ gãy đôi cánh chuẩn bị bay của anh ta.

Câu trả lời của cô gái rất bất ngờ: “Không ạ, nhà con có một nông lâm trường, con cũng thích làm nông.”

Phía trước chỉ còn một điểm dừng - trạm cuối của thị trấn.

Một thị trấn, cũng chỉ có vài làng đó.

“Con, con là người làng Ngọc Tuyền. Ôi, không phải con là Cẩm Tú đấy chứ?” Bác gái như nhận ra điều gì đó, nhìn kỹ một lát rồi trở nên kích động: “Đúng là con! Dì là dì Ngọc Hồng ở làng phía trước, dì từng bế con khi con còn nhỏ. Nhìn xem, chớp mắt một cái đã lớn thế này, thiếu chút nữa là không nhận ra rồi.”

Làng Ngọc Tuyền là nhà mẹ đẻ của bác ấy.

Cách đây một thời gian trở về nghe được một số tin tức, con gái của nhà ông Lương sắp tốt nghiệp đại học, không ở lại thành phố, dự định quay về giúp đỡ gia đình.

Có thể giúp đỡ được cái gì?

Gia đình ông Lương nhận thầu một diện tích lớn ở vùng núi, cũng giống như rất nhiều dân làng, họ trồng các loại hoa quả như anh đào, táo, lê hoặc các loại cây ăn quả, nhưng kiếm không được bao nhiêu.

Nói về anh đào đi, giá thị trường là hai mươi, ba mươi tệ, nhưng giá mua thực tế lại chỉ hơn năm tệ.

Phần chênh lệch giá cả đi đâu rồi?

Tiền cho việc người buôn trái cây phải lái xe tải tới nơi đó, tiền thuê sạp bán trái cây, tiền điện, tiền nhân công, hết tầng này đến tầng khác.

Còn người trồng trái cây, sau khi trừ tiền phân bón nhân tạo hàng năm, chỉ kiếm được một khoản tiền vất vả, nếu có thiên tai gió rét mùa xuân, công sức vất vả một năm coi như uổng phí.

Cho nên dù ở thời đại nào đi nữa, người nông dân cũng không thể thay đổi được việc ăn cơm dựa vào số trời.

Một nữ sinh viên đại học, rời khỏi văn phòng ở một thành phố lớn để trở về quê hương, mỗi ngày dãi nắng dầm mưa, tiên nữ cũng phải biến thành cô gái làng quê.

Chẳng qua, tốt nghiệp đại học…

Mắt dì Ngọc Hồng sáng rực lên: “Cẩm Tú, có bạn trai chưa?”

Lương Cẩm Tú hối hận.

Hiện tại ở nông thôn tìm vợ rất khó, thứ nhất là tỷ lệ mất cân bằng giữa nam nữ do việc trọng nam khinh nữ, vả lại người trẻ thích cuộc sống trong thành phố, đi rồi tầm nhìn của họ sẽ thay đổi.

Ngày nay, thị trường hôn nhân ở nông thôn đã không thể dùng một nhà có dâu trăm họ cầu rồi. Phụ nữ lấy chồng lần thứ hai còn phải tranh nhau cưới, chứ đừng nói đến một nữ sinh đại học xinh đẹp như cô.

Mẹ có nói trong điện thoại rất nhiều lần để cô có sự chuẩn bị tâm lý tốt hơn. Kể từ khi có tin cô về quê, bà ngay lập tức trở thành mục tiêu chính của những người mai mối.

Cảm giác về ranh giới, không tồn tại ở nông thôn.

Ngay lúc Lương Cẩm Tú đang nghĩ cách chuyển chủ để thì chiếc xe buýt nhỏ đột nhiên phanh gấp.

Phanh quá gấp, toàn bộ người trên xe đều đập trán vào chỗ tựa lưng.

Tâm trạng trò chuyện lập tức không còn nữa, tất cả đều tức giận đi tìm người lái xe nói chuyện.

“Xin lỗi, xin lỗi, tôi không cố ý.” Người lái xe liên tục xin lỗi, giải thích nói: “Có hai con chim đậu phía trước, nếu không phanh đã đâm phải rồi.”

Không có gì lạ khi có chim trên đường lớn. Chúng thường bay đi trước khi ô tô đến.

Người lái xe tốt bụng, liên tục bấm còi nhiều lần nhưng chú chim vẫn bất động, anh ta đành phải mở cửa và bước ra khỏi xe.

Lương Cẩm Tú cũng nhảy xuống theo.

Nắng nóng lên tới 40 độ, con đường sỏi đá nóng đến mức có thể khiến trứng gà thành trứng lòng đào.

Hai con chim dường như không cảm nhận được, một con ngửa bụng, con kia nằm cạnh, nó có cái đuôi màu nâu xám có ít sọc sẫm màu vàng xanh không quá nổi, ở giữa cái đầu nhỏ màu đen có một chùm lông trắng rất bắt mắt.

Là khướu đầu bạc.

“Con này chết rồi.” Người lái xe bước đến, ngồi xổm xuống, nhẹ nhàng chạm vào con chim đang ngửa bụng lên - móng của nó đã bắt đầu cứng lại.

Anh ta nhìn về phía con khác rồi ngây người.

Còn sống.

Lại giống như đã chết, để anh ta tùy ý cầm lên mà không giãy giụa chút nào.

Đôi mắt nhỏ như hạt đầu đen của nó chứa đầy nước mắt.

Chim khóc ư?

Không ít hành khách đi theo xuống dưới hóng hớt, trong đó có dì Ngọc Hồng kia. Dì ấy vừa mở camera quay video, vừa cảm thán: “Không cứu được, con còn lại sống cũng không nổi.”

Khướu đầu bạc, thường thấy trong núi, như cái tên của nó, cả đời chỉ yêu một lần, một con đã chết, con kia chắc chắn sẽ không đơn độc một mình.

Hơn nữa phương thức còn cực kỳ bi thảm - nó bay lên không trung chúc đầu xuống dưới và lao mạnh xuống.

Nếu phát hiện có khướu đầu bạc bị gãy đầu, thì chắc chắn cách đó không xa có thể tìm thấy xác của một con khác.

Đây là lần đầu tiên thấy giống loài canh giữ ở bên người yêu chờ chết thế này.

Bầu không khí biến hóa một cách vi diệu.

Có người khẽ thở dài.

Đời này hiếm có ai có thể gặp được tình yêu đích thực.

Khướu đầu bạc không bị ràng buộc về mặt pháp lý, không có tình cảm phong phú như con người, nhưng chúng nó đã làm được điều mà hầu hết con người chưa bao giờ làm được đó là không đổi lòng đến khi chết.

Người lái xe nhẹ nhàng bế nó đặt xuống bãi cỏ ven đường.

Không phải tài xế nào cũng dừng lại như anh, cũng có thể sẽ không nhìn thấy.

Con còn sống vẫn không nhúc nhích như cũ, đôi mắt vô hồn. Ngoài người yêu ra, thế giới như không còn gì khác. Khi phát hiện xác người yêu động đậy, nó yếu ớt kêu lên.

“Đừng động vào cô ấy!”

Đó là một giọng nam già nua.

Chỉ có Lương Cẩm Tú nghe được.

Lương Cẩm Tú quay người lên xe, xách túi trở lại, nhiệt tình nói với con chim còn sống: “Quanh đây có rất nhiều chuột, chúng sẽ ăn thịt người yêu của anh, tôi đưa hai người về nhà trước có được không?”

Dì Ngọc Hồng cho rằng cô gái nhỏ rất lương thiện, nhắc nhở: “Cẩm Tú, đừng tìm thêm phiền phức. Khướu đầu bạc là loài chim được quốc gia bảo vệ cấp ba, cá nhân không thể nuôi.”

Lương Cẩm Tú nghiêm túc gật đầu: “Con sẽ gọi điện cho Cục Lâm nghiệp.”

Cô đã gặp tình huống tương tự một lần khi còn học trung học.

Mùa đông năm ấy tuyết rơi dày đặc, khi cô đi học về, nhìn thấy hai chú khướu đầu bạc đang âu yếm nhau trong đống tuyết ven đường, nhìn thấy cô cũng không chạy.

Lúc cô tò mò bước đến thì phát hiện một con đã cứng đơ và không biết đã chết bao lâu rồi, con còn lại có đôi mắt rất đau thương.

Cô đưa về nhà.

Con còn sống không ăn không uống, qua hai ngày thì đi theo.

Cô đã khóc suốt mấy ngày.

Bây giờ cô có thể cùng động vật giao tiếp nên muốn thử một chút, cho dù không cứu được, cô cũng hy vọng hai chúng nó có thể rời đi nguyên vẹn.

Dù gì mọi người không thân quen, thấy cô nói như vậy cũng không thuyết phục nữa.

Rất nhanh đã đến trạm cuối.

Tháng bảy, bởi vườn cây ăn quả bận rộn nên Lương Cẩm Tú không nhờ bố mẹ đến đón, thay vào đó cô bất đắc dĩ thêm Wechat với dì Ngọc Hồng, ngồi lên chiếc xe ba bánh.

Mười lăm phút đã về đến nhà.

Con chó nhà hàng xóm sinh con, vừa nghe thấy tiếng động, một đàn chó con lập tức đứng dậy chạy tới cọ xung quanh và nhảy lên người cô.

Mấy tháng trước, Lương Cẩm Tú bỗng nhiên có thể giao tiếp với động vật, lúc ấy cô rất phấn khích, nhưng đôi khi việc đó cũng khá rắc rối.

Ví dụ như giờ phút này đây, đàn chó con đang phát ra âm thanh rầm rì làm nũng với cô.

“Ôm em đi, ôm em đi, em muốn được chị ôm.”

“Em đói, em đói, em muốn ăn.”

“Chị là ai, tại sao lại không ôm em?”

“Quan tâm gì chị ấy là ai chứ, nhanh ôm em một cái, em muốn ôm một cái.”

“Ai đang xoa mông tui, ui ui, nhìn bàn chân nhỏ của tui kìa.”

“Mày đánh tao làm gì, ẳng ẳng, ai hôn mông tao đấy.”

“...”

Không phải từng con nói, là cùng một lúc!

Đã vậy còn không hề có logic chỉ lo nói phần mình.

Đầu Lương Cẩm Tú ong ong, kiềm chế h@m muốn vuốt v e, thờ ơ đá ra rồi đi về nhà.

Tuyệt đối không thể vuốt v e, nếu không sẽ không được yên tĩnh giây phút nào.

Trong nhà không có ai, Lương Cẩm Tú tìm một chiếc hộp nhỏ, trải vải bông vào, nhẹ nhàng đặt vợ chồng khướu đầu bạc vào bên trong.

Cô chỉ vừa tốt nghiệp đại học, chưa bao giờ trải qua chuyện sinh ly tử biệt nên hoàn toàn không biết phải khuyên như thế nào.

Con người thì tốt hơn một chút, vẫn phải tỉnh lại vì gia đình và những thứ khác, nhưng loài chim thì khác, dường như ngoài bạn đồng hành nó không còn lưu luyến gì nữa.

Khô khan thuyết phục vài câu nhưng không nhận được phản hồi nào, cô đành phải bỏ chút nước và thức ăn vào trong.

Để con khướu đầu bạc đực thời gian suy nghĩ, nếu không được thì nghĩ cách khác.

Quay người lại gọi cho Cục Lâm nghiệp, nghe xong tình huống này, bên kia thở dài nói rằng vô phương cứu chữa, trước kia đã từng thử qua, nhưng vẫn không ăn không uống, không có ngoại lệ, qua vài ngày sẽ đi theo.

Lương Cẩm Tú vốn không ôm quá nhiều hy vọng, dựa theo quy trình báo lại toàn bộ quá trình nhặt được bọn chúng.

Vừa bỏ điện thoại xuống, tiếng bước chân nhẹ nhàng truyền vào từ ngoài cửa, một bà lão đi vào, bà ấy rất thấp, cao nhất cũng chỉ khoảng một mét năm, rất đen, khắp mặt có những đốm gọi là đốm phân gà, đôi mắt khá nhỏ, mí mắt còn sụp xuống.

Bà ấy rất xấu.

Nhưng có một vẻ đẹp nhân hậu.

Lương Cẩm Tú nở nụ cười hớn hở: “Bà Lý.”

“Bà nghe tiếng giống cháu lắm, đúng là đã về rồi.” Bà Lý cười, đốm phân gà trên mặt nở rộ như hoa nhỏ ngoài đồng: “Bố mẹ cháu đều đang ở nông trường trong rừng. Cháu có đói không? Bà làm mấy chiếc bánh bao rau hẹ, cháu muốn ăn không?”

Lương Cẩm Tú ra sức gật đầu.

Cô biết, bà Lý đã cố ý gói bánh bao cho cô khi biết cô trở về.

Mọi người trong làng đều kính trọng bà Lý vì bà nổi tiếng lương thiện, trong đời bà chưa từng to tiếng với ai và cũng vì người chồng đã khuất của bà.

Năm thứ ba kết hôn ông đã qua đời rồi, cứu được hai đứa bé bị đuối nước nhưng bản thân lại không đi lên nữa.

Bà Lý không lấy chồng lần hai, một mình góa bụa sống với con đã vài chục năm.

Sau khi lớn, mặc dù Lương Cẩm Tú không hoàn toàn đồng tình chuyện gắn bó với một người đến hết cuộc đời như vậy, nhưng điều ấy không ngăn được việc cô xúc động.

Thỉnh thoảng cô cũng nghĩ rằng, bà Lý thật sự rất yêu chồng mới có thể chịu đựng sống qua vài chục năm như thế.

Tựa như hai chú khướu đầu bạc, một con đi rồi, một con không sống một mình nữa.

Nhà bà Lý ở ngay bên kia đường.

Rau hẹ nhà trồng không bao giờ phun thuốc trừ sâu, phân bón cũng là tự nhiên, lá hẹ trồng theo cách này mỏng, không dài, vị rau hẹ nồng đậm.

Nhân bánh ngon, vỏ bánh cũng ngon.

Bột làm bằng men cũ được truyền từ đời này sang đời khác qua hàng chục năm nên rất đặc và thơm.

Ăn bánh bao không làm chậm trễ cuộc trò chuyện, Lương Cẩm Tú vừa ăn một miếng to vừa ba hoa: “Bà Lý, hương vị y như đúc hương vị trong trí nhớ của cháu. Cháu không lừa bà đâu, mỗi ngày cháu đều nhớ bánh bao của bà.”

Bà Lý trợn trắng mắt: “Hóa ra bà còn không bằng mấy cái bánh bao.”

Lương Cẩm Tú hợp tình hợp lý bảo: “Hết cách rồi, ai bảo cháu là người tham ăn.”

Lương Cẩm Tú còn chưa sinh ra thì ông bà nội đã đi rồi, trong nhà không có người già nào khác, bố mẹ cô thường gửi cô cho bà Lý khi đi làm đồng.

Trong thâm tâm của Lương Cẩm Tú, bà Lý là bà nội của cô.

Sau khi một hơi ăn ba cái, Lương Cẩm Tú ợ một tiếng, lau miệng và nhìn xung quanh: “Đậu Tử đâu ạ?”

Đậu Tử là một con rùa cỏ được bà Lý nuôi, cô không biết nó bao nhiêu tuổi, dù sao lớn hơn cô nhiều, rất có tính người.

Trong sân có một mảnh đất nhỏ trồng rau, các loại rau theo mùa như cà tím, đậu que.

Ngoài ra còn có rau xà lách, đặc biệt trồng cho Đậu Tử.

Sau khi bà Lý gọi to mấy tiếng, một con rùa cỏ to như cái chậu rửa mặt chậm rãi bò ra, mai dày đen bóng, móng và đuôi của nó phủ đầy vảy dày, miệng nó ngậm một miếng xà lách, vừa nhai vừa chậm rãi nói: “Đến rồi.”

Lương Cẩm Tú vỗ tay, cười nói: “Đậu Tử, có nhớ cháu không?”

Khi còn nhỏ, cô đã bộc lộ bản chất thích ăn uống, thấy gì gặm nấy, bao gồm cả Đậu Tử.

“Trốn còn không kịp… Ơ, sao ta lại có thể nghe hiểu cháu nói chuyện? Vậy cháu cũng có thể hiểu ta nói gì?” Đậu Tử kinh ngạc ngẩng đầu, nó nghĩ đến điều gì đó, ra sức làm động tác bỏ chạy: “Nếu hiểu được thì hãy nói với bà chủ đừng làm góa phụ nữa, điều đó không đáng. Người đàn ông đó không hề yêu bà ấy, ông ta có người phụ nữ khác bên ngoài.”