Dấu Chân Của Chúa

Chương 38

Mặt trời tỏa sáng trong trẻo rực rỡ bên ngoài máy bay khi chúng tôi bay về hướng Tây trên lục địa Mỹ. Chiếc El Al 747 được để lại New York. Chiếc Gullstream mà những người Israel đưa chúng tôi đến đây tuy nhỏ hơn nhưng sang trọng hơn nhiều. Rachel vẫn ngủ ngon trên chiếc giường phía sau từ khi chúng tôi rời sân bay JFK. Tôi thì không được may mắn như thế. Tướng Kinski đã buộc tôi phải thức để trả lời những câu hỏi vô tận của các nhà khoa học Israel. Tôi muốn nghỉ quá chừng, nhưng vì viên tướng chỉ huy Mossad có thể ra lệnh cho máy bay quay trở lại bất cứ lúc nào nên tôi đành chấp nhận hợp tác.

Đâu đó trên bầu trời Arkansas, cuối cùng Kinski cũng nhận ra tôi chịu đựng hết nổi. Tôi vào toilet, rồi xuống cuối máy bay đến chỗ Rachel. Nàng không còn ngủ nữa, mà ngồi chăm chú nhìn thảm mây trắng bất tận đang bồng bềnh trôi phía dưới qua cửa sổ máy bay.

"Em ổn chứ?" tôi hỏi.

Nàng ngước nhìn tôi, đôi mắt thâm quầng. "Em tưởng họ sẽ không bao giờ buông tha anh."

Tôi ngồi xuống bên nàng. Họng tôi đau vì nói quá nhiều, còn cổ thì nhức như thể xem phim từ hàng ghế đầu trong rạp chiếu bóng.

Nàng luồn tay vào tay tôi, ngả đầu trên vai tôi. "Chúng ta chưa bao giờ nói chuyện ra đầu ra đũa với nhau kể từ khi anh hết hôn mê."

"Anh biết."

"Bây giờ chúng ta nói được không?"

"Nếu em muốn. Nhưng em sẽ không thích những gì mình sắp nghe đâu."

"Anh có mơ không?"

"Có và không. Nó không giống những giấc mơ cũ của anh. Không giống phim. Mà giống như một người bị điếc suốt đời bỗng nhiên nghe được nhạc Bach. Một cảm giác mạc khải khôn tả. Và bây giờ... anh biết nhiều sự việc."

"Nghe cứ như một ảo giác phiêu diêu. Anh biết những loại sự việc nào?"

Tôi ngẫm ngợi. "Loại sự việc mà những đứa trẻ năm tuổi muốn biết. Chúng ta là ai. Chúng ta từ đâu đến. Chúa có tồn tại không?"

Rachel ngồi bật dậy, và tôi tin rằng nàng đang trượt trở về con người nghề nghiệp của nàng. "Kể cho em nghe đi."

"Anh sẽ kể. Nhưng em phải vứt bỏ các thành kiến của em đi đã. Đây là Saul trên con đường đến Damascus 1 ."

Nàng khúc khích cười, mắt tỏ vẻ hiểu biết. "Thế anh nghĩ em chờ đợi nghe điều gì khác ư?"

Tôi phần nào muốn im lặng. Những gì tôi chia sẻ với Rachel trong quá khứ khiến nàng sẵn sàng tin, nhưng so với mạc khải trong cơn hôn mê của tôi, chúng có vẻ quá tầm thường. Cách mở đầu an toàn nhất là từ những gì quen thuộc.

"Em còn nhớ giấc mơ đầu tiên của anh không? Giấc mơ thường lặp lại ấy."

"Một người đàn ông liệt ngồi trong căn phòng tối?"

"Đúng đấy. Ông ấy không thể nhìn, nghe hay nhớ bất cứ điều gì. Em có nhớ ông ta tự hỏi gì không?"

"Tôi là ai. Tôi từ đâu đến."

"Đúng. Em đã bảo người đàn ông ấy là anh, em nhớ không?"

Nàng vén lọn tóc đen nhánh ra khỏi mắt. "Anh vẫn không tin đó là mình à?"

"Không."

"Vậy ông ấy là ai?"

"Chúa."

Những thớ thịt căng ra bên dưới gương mặt trái xoan của nàng. "Đáng lẽ em phải đoán ra."

"Em đừng hoảng hốt. Anh dùng từ ấy như một kiểu ký hiệu, vì chúng ta không có từ ngữ để truyền đạt điều mà anh đã trải nghiệm. Chúa chẳng giống chút nào với hình ảnh chúng ta tưởng tượng về Người. Người không phải đàn ông hay đàn bà. Thậm chí không phải linh hồn. Anh dùng từ 'ông ấy' chỉ là để thuận tiện khi nói chuyện mà thôi."

"Thật là hay khi biết điều đó." Một nụ cười gượng gạo. "Anh đang bảo em rằng Chúa là một người liệt, không có trí nhớ, ngồi trong căn phòng tối như hũ nút sao?"

"Lúc đầu thì thế."

"Ông ấy bất lực?"

"Không hoàn toàn. Nhưng ông ấy nghĩ mình như thế."

"Em không hiểu."

"Để hiểu cái khởi đầu, em phải hiểu kết thúc. Khi chúng ta đi đến chỗ kết thúc, em sẽ hiểu tất cả."

Nàng có vẻ còn lâu mới tin.

"Em còn nhớ giấc chiêm bao không? Người ngồi trong căn phòng ấy bị ám ảnh bởi những câu hỏi của mình, ám ảnh đến mức ông ấy trở thành những câu hỏi. 'Tôi là ai?' 'Tôi từ đâu đến?' 'Tôi có luôn ở đây không?' Rồi ông thấy một quả bóng màu đen trôi trong không gian trên đầu ông. Đen tối hơn mọi thứ đen tối."

Rachel gật đầu. "Anh có biết quả bóng ấy giờ ở đâu không?"

"Anh biết. Cái duy nhất. Một điểm có mật độ, nhiệt độ và áp suất vô hạn."

"Hố đen? Giống như những gì tồn tại trước Big Bang?"

"Chính xác. Thế em có biết cái gì tồn tại trước đó không?"

Nàng nhún vai. "Chẳng ai biết được điều đó."

"Anh biết."

"Cái gì?"

"Khao khát hiểu biết của Chúa."

Đôi mắt nàng đầy tò mò. "Biết cái gì?"

"Người là ai."

Rachel nắm tay tôi trong hai bàn tay của nàng và bắt đầu dùng ngón tay cái xoa nhẹ lòng bàn tay tôi. "Quả cầu đen bùng nổ trong giấc mơ của anh đúng không? Anh bảo là nó giống như bom khinh khí."

"Đúng vậy. Nó nuốt chửng bóng tối với một tốc độ ghê người. Tuy vậy người trong giấc mơ vẫn còn đó bên ngoài vụ nổ."

"Anh giải thích hình ảnh ấy như thế nào? Chúa chứng kiến sự ra đời của vũ trụ?"

"Đúng. Nhưng anh không giải thích. Anh nhìn thấy cảnh ấy. Anh thấy những gì Chúa nhìn thấy."

Ngón tay cái của nàng thôi không cử động nữa. Nàng không thể giấu nỗi buồn trong ánh mắt.

"Anh biết em đang nghĩ gì," tôi nói.

"David, anh không thể đọc được tâm trí của em."

"Anh có thể đọc được ánh mắt em. Coi này, để hiểu những gì anh đang nói với em, em hãy thôi không làm bác sĩ tâm thần trong hai mươi phút."

Nàng thở dài sõng sượt. "Em sẽ cố. Em thật sự đang cố gắng đây. Anh hãy mô tả cho em những gì anh trông thấy."

"Anh đã mô tả cho em từ nhiều tuần trước. Nhưng lúc đó anh còn chưa hiểu. Rằng vụ nổ đó là Big Bang. Sự ra đời của vật chất và năng lượng từ một điểm duy nhất. Sự ra đời của thời gian và vũ trụ của chúng ta."

"Còn những giấc mơ khác của anh?"

"Em hãy nhớ điều mà anh trông thấy. Sau vụ nổ, vũ trụ mở rộng bắt đầu thế chỗ của Chúa. Điều này không xảy ra trong không gian ba chiều, nhưng đó là cách duy nhất để chúng ta nghĩ về nó. Nghĩ về Chúa như một đại dương vô hạn. Sách Sáng thế cũng mô tả như thế. Không có sóng, không có sức căng, không có cả những bọt bong bóng. Hài hòa hoàn hảo, dung giải toàn bộ, trì trệ tuyệt đối."

"Tiếp đi."

"Nghĩ về sự ra đời của vũ trụ như một bong bóng hình thành giữa tâm đại dương ấy. Hình thành và dãn nở như một vụ nổ, thay thế nước với tốc độ ánh sáng."

"Được lắm."

"Những gì xảy ra bên trong bong bóng chính là điều mà anh đã thấy trong những giấc mơ sau này. Sự ra đời của các thiên hà và các ngôi sao, sự hình thành các hành tinh, và tất cả những thứ còn lại. Anh thấy lịch sử của vũ trụ chúng ta mở ra trước mắt. Em đã gọi nó là 'ảnh của kính thiên văn viễn vọng Hubble'."

"Em nhớ rồi."

"Cuối cùng giấc mơ của anh tập trung vào Trái Đất. Các sao băng va chạm vào bầu khí quyển nguyên thủy. Các axit amin hình thành. Tiến hóa từ vô cơ đến hữu cơ. Các vi khuẩn trở thành đa bào, cuộc đua tiếp tục, các loài nối nhau đời, cá, lưỡng cư, bò sát, chim, động vật có vú, linh trưởng..."

"Người," Rachel kết thúc.

"Phải. Mất đến mười tỷ năm để đạt đến tiến hóa sinh học. Rồi một trăm triệu năm đột biến để hình thành loài người. Và tất cả những cái đó gộp lại không là gì trong con mắt của Chúa."

Rahel cau mày. "Tại sao? Chẳng lẽ Chúa không có ý định cho tất cả các tạo vật ấy tồn tại và tiến hóa sao?"

"Không. Sự tình có lẽ không phải thế. Chúa ngạc nhiên về tất cả những thứ đó."

"Ngạc nhiên ư?"

"Ờ... Anh cho rằng đây là cảm giác ngờ ngợ. Chúa đã nhìn thấy cái tương tự từ trước. Không hoàn toàn như thế, nhưng những gì Chúa thấy đã khiến ngài nhớ lại sự việc."

Rachel xoay người trên ghế, nhìn tôi chằm chằm. "Vậy những sự sáng tạo của cuộc sống không có ý nghĩa gì đối với Người ư?"

"Ban đầu thì không. Nhưng sau đó - từ cái khối sinh thể lúc nhúc kia - một tia lửa rực rỡ như Big Bang lóe lên trong mắt Người."

"Tia lửa nào?"

"Ý thức. Trí thông minh của loài người. Đâu đó ở châu Phi, một giống người biết chế tác công cụ, có bộ não khá lớn đã nhận thức được cái chết của chính nó. Nó nhận thức về một tương lai trong đó nó không còn tồn tại. Giống người này trở nên không chỉ tự ý thức, mà còn có ý thức về thời gian. Đó là thời điểm để Chúa hiện ra."

"Tại sao?"

"Bởi vì trong vụ nổ khủng khiếp của vật chất và năng lượng ấy, ý thức là cái đầu tiên được Chúa thừa nhận là giống bản thân Chúa."

"Vậy Chúa là thế đấy ư? Là Ý thức?"

"Anh nghĩ vậy. Ý thức không có vật chất và năng lượng. Thông tin thuần túy."

Rachel im lặng một lát, và tôi không thể đọc được ánh mắt nàng. "Tất cả những chuyện ấy xảy ra ở đâu?" cuối cùng nàng hỏi.

"Tại một nơi vô cùng khiêu khích. Nhưng bây giờ chúng ta cứ bàn về những giấc mơ đã. Loài người tiến hóa rất nhanh. Họ cày ruộng, xây các thành phố, ghi chép lịch sử của mình. Và Chúa cảm thấy cái gì đó như niềm hy vọng."

"Hy vọng gì?"

"Hy vọng rằng cuối cùng Chúa có thể biết được bản chất của chính mình."

"Chúa đã trả lời các câu hỏi của mình bằng cách quan sát loài người?"

"Không. Bởi sau một điểm nhất định, tiến hóa dừng lại. Không phải là tiến hóa sinh học, mà tiến hóa về tâm lý. Con người phá hủy xã hội cũng nhanh như tạo ra chúng. Con người cướp phá thành phố, hủy hoại các cánh đồng, tàn sát anh em, hãm hiếp chị em mình, ngược đãi con cái mình. Con người có tiềm năng vô hạn, nhưng lại bị kẹt trong vòng tự hoại, không có khả năng tiến hóa ra khỏi một cuộc sinh tồn dã man một cách cần thiết."

"Và Chúa chẳng thể giải quyết chuyện này?"

"Không. Chúa không thể kiểm soát chuyện gì xảy ra bên trong bong bóng. Chúa không tồn tại trong thế giới của vật chất và năng lượng. Dù sao thì cũng không tồn tại với tư cách Thượng đế. Ngài chỉ có thể ngắm nhìn và cố gắng hiểu. Các thế kỷ trôi qua, Chúa trở nên bị ám ảnh bởi con người, như trước đây Người bị ám ảnh về bản thân. Tại sao con người không thể phá vỡ cái vòng bạo ngược và vô dụng này? Chúa tập trung toàn bộ trí lực của mình vào bong bóng, cố tìm ra một điểm yếu, tìm một con đường đi vào cái mê cung của vật chất và năng lượng đang thế chỗ Chúa."

"Rồi sao?"

"Điều đó đã xảy ra. Chúa thấy mình đang nhìn bong bóng từ bên trong. Qua cặp mắt của con người. Cảm thấy bộ da người, ngửi thấy mùi trái đất. Ngước lên nhìn gương mặt mẹ. Gương mặt của mẹ Người."

"Anh đang nói về Jesus phải không? Anh đang nói về Chúa biến thành Jesus xứ Nazareth."

Tôi gật đầu.

"Anh đang nói đúng những điều các tín đồ Thiên chúa giáo tin. Chỉ có điều... anh làm như thể đó là việc ngẫu nhiên vậy."

"Đúng thế, theo một cách nào đó. Chúa cố gắng tập trung vào thế giới, và Jesus là một cánh cửa mở ra cho Người. Tại sao lại là đúng đứa bé đó? Ai mà biết được?"

"Có phải toàn bộ Chúa đã nhập vào Jesus?"

"Không. Ta hãy tưởng tượng một ngọn nến đang cháy. Ta đưa cây nến thứ hai lại gần ngọn lửa, châm lửa rồi đưa ra xa. Cây nến thứ hai cháy, nhưng ngọn lửa đầu tiên vẫn còn. Đó là cách tồn tại của nó. Một phần của Chúa nhập vào Jesus, nhưng phần còn lại vẫn ở bên ngoài vũ trụ của chúng ta. Bên ngoài bong bóng."

"Nhưng Jesus có quyền năng của Chúa chứ?"

"Không. Bên trong bóng bóng, Chúa chịu sự chi phối của những quy luật của vũ trụ chúng ta."

"Thế còn những phép lạ. Đi trên mặt nước. Làm người chết sống lại?"

"Jesus là người cứu chữa, không phải phù thủy. Những câu chuyện như thế chỉ có lợi cho ai muốn dựng lên xung quanh Ngài một tôn giáo."

Rachel lắc đầu như người chóng mặt. "Em chẳng biết nói sao."

"Em hãy suy nghĩ một chút. Quãng đời đầu của Jesus rất ít được biết đến. Chúng ta có truyền thuyết về sự ra đời của ngài. Mấy câu chuyện về thời thơ ấu có lẽ là ngụy tạo. Rồi bỗng nhiên ngài bật lên thành một cá nhân kiệt xuất toàn thiện toàn mỹ vào lứa tuổi ba mươi. Anh thường tự hỏi tại sao người ta không đặt nhiều câu hỏi về thuở thiếu thời của Jesus. Có phải Ngài từng là một em bé hoàn hảo không? Ngài có yêu người phụ nữ nào không? Đã từng có con chưa? Ngài có tội lỗi như tất cả mọi người không? Tại sao lại có khoảng trống lớn đến thế trong cuộc đời ngài?"

"Em nghĩ là anh đã có câu trả lời."

"Anh nghĩ là có. Chúa đi vào nhân thế để cố gắng tìm hiểu tại sao loài người không tiến hóa thêm nữa. Để làm điều đó, Người đã sống như một con người. Và khi trưởng thành, Người đã tìm ra câu trả lời. Nỗi đau và sự vô nghĩa của đời người có thể chịu được là nhờ những niềm vui khôn tả mà con người trải nghiệm. Sắc đẹp, tiếng cười, tình yêu... thậm chí niềm vui đơn giản như ăn trái cây hay nhìn một đứa trẻ. Thông qua Jesus, Chúa cảm nhận được những điều kỳ diệu ấy. Tuy nhiên Người cũng nhìn thấy sự diệt vong của loài người với tư cách giống loài."

"Tại sao?"

"Con người sinh sôi nảy nở trong một thế giới bạo lực bởi vì nó có những bản năng nguyên thủy phù hợp với thế giới ấy. Tuy nhiên nếu muốn tiếp tục tiến hóa, nó phải vứt bỏ bản năng ấy đi. Tiến hóa không bao giờ loại bỏ được bản năng ấy. Tiến hóa không được thiết kế để tạo ra những con người đạo đức. Nó là một động cơ mù, một cơ chế chiến đấu cạnh tranh chỉ hướng tới sinh tồn mà thôi."

Rachel trông có vẻ đăm chiêu. "Em nghĩ em đã biết anh sẽ đi đến đâu."

"Em nói đi."

"Thông qua Jesus, Chúa muốn cố gắng thuyết phục con người vứt bỏ bản năng nguyên thủy của mình, vứt bỏ phần con vật trong bản thân mình."

"Chính xác. Jesus đã nói và làm gì? Hãy quên đi những điều các tín đồ gán ghép vào cuộc đời Ngài. Hãy chỉ nghĩ đến lời nói và việc làm của Ngài."

" 'Hãy yêu người hàng xóm của ngươi như chính bản thân ngươi. Nếu người ta tát vào má phải ngươi, hãy chìa má trái ra.' Ngài chối bỏ phần bản năng người trong Ngài."

"Hãy vứt bỏ tất cả những gì ngươi có và theo ta," tôi trích dẫn. "Jesus sống nêu gương, và mọi người phấn chấn noi theo tấm gương ấy."

"Nhưng Ngài đã bị giết vì điều đó."

"Không thể nào tránh khỏi."

Rachel bậm môi dưới, nhìn ra ngoài qua vuông cửa sổ màu xanh của máy bay. "Thế còn cuộc hành hình? Điều gì xảy ra trên thánh giá?"

"Ngài chết. Ngọn lửa trong Ngài trở về với nguồn của nó. Nó bỏ cái thế giới vật chất và năng lượng này lại phía sau."

"Không có sự phục sinh?"

"Đối với thân thể thì không."

Rachel thở dài nặng nề, rồi quay sang tôi như sợ những điều tôi sẽ tiếp tục nói ra. "Lúc đó Chúa làm gì?"

"Ngài thất vọng. Ngài đã làm hết sức mình trong tư cách một con người, và mặc dầu đã ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng thông điệp của Người đã bị cải biên, bị bóp méo, bị lợi dụng. Trong hai nghìn năm, nỗ lực chủ yếu của con người hình như chỉ là để tìm ra những phương thức hữu hiệu hơn để hủy diệt nòi giống của mình. Cho đến khi..."

"Sao?"

"Cách đây mấy tháng."

"Anh lại đang nói về Dự án Trinity?"

Tôi gật đầu. "Trong Trinity có mầm mống của sự cứu rỗi, cho con người và Chúa. Nếu ý thức của con người có thể thoát ra khỏi cơ thể, thì những bản năng nguyên thủy đã tàn phá loài người trong thời gian dài đến thế cuối cùng sẽ bị loại trừ."

"Vậy Chúa đã làm gì?"

"Ngài lại tập trung vào thế giới này một lần nữa. Nhưng theo cách nhỏ hơn nhiều. Tập trung vào nhóm sáu người bọn anh. Godin, Fielding, Nara, Skow, Klein... và anh."

"David... có phải anh đang nói những gì em nghĩ về anh không?"

"Chúa muốn quay trở lại bên trong bong bóng."

"Tại sao?"

"Bởi ngài thấy con người đã gần đạt đến trạng thái kế tiếp của tiến hóa - cái mà bọn anh gọi là trạng thái Trinity - hoàn toàn có khả năng hủy diệt loài người đúng bằng cách Người có thể cứu nó."

"Peter Godin?"

"Đúng."

Nàng nhìn xuống lòng mình. "Anh muốn nói rằng Chúa đã chọn anh để ngăn không cho Peter Godin đi vào máy tính Trinity?"

"Đúng."

Nàng gật đầu như thể đang lặng lẽ khẳng định một chẩn đoán, rồi ngẩng lên nhìn tôi. Bản thân tôi đã gật đầu như thế không biết bao nhiêu lần. "David, hồi còn ở Tennessee anh có nói với em rằng anh cảm thấy mình đã được Chúa chọn. Có phải vị Chúa ấy bây giờ đang ở trong anh không?"

"Phải."

"Giống như Người ở trong Jesus?"

"Một phần ngọn lửa ban đầu lúc này đang ở trong anh. Đó là lý do tại sao anh có những giấc mơ về Jerusalem ấy, và tại sao chúng lại giống ký ức. Chúng chính là ký ức."

"Ôi, David, ôi... không." Nàng ngửa đầu ra sau và chớp chớp ngăn nước mắt trào ra.

"Em không cần phải tin anh ngay bây giờ. Chẳng bao lâu nữa em sẽ thấy tận mắt."

"Thấy gì? Anh sắp sửa làm gì?"

"Ngăn Godin lại."

Nàng quay ngoắt người lại nhìn tôi bằng ánh mắt kiên quyết. "Em sẽ nói em nghĩ gì về anh. Em cần phải nói ngay, vì chúng ta sắp hạ cánh, và anh đã yêu cầu Kinski đưa chúng ta vào một tình thế vô cùng nguy hiểm. Một tình thế mà anh chẳng mấy sẵn sàng dấn thân vào đâu."

"Rachel..."

"Em xin anh cho em nói những điều em nghĩ, được không?"

"Được, nhưng em chưa để anh nói hết. Anh đã nói với em rằng để hiểu được đoạn đầu, em cần phải hiểu đoạn kết."

Nàng nhắm mắt lại, và tôi có thể thấy lòng kiên nhẫn của nàng đã cạn kiệt. Tôi thở dài chịu thua. "Thôi em nói đi."

Nàng nhìn tôi chăm chăm. "Người đàn ông liệt ngồi trong bóng tối đó không phải là Chúa. Đó chính là anh. Anh chưa bao giờ hồi phục sau những gì xảy đến với Karen và Zooey."

Tôi không thể tin nổi. Nàng đã đi trọn một vòng để rồi trở lại với chẩn đoán ban đầu. "Thế còn tất cả những gì anh nói với em hôm nay?"

"Quy về những từ ngữ đơn giản, thì anh đã nói những gì nào? Anh nhận sứ mệnh từ Chúa. Một sứ mệnh từ Chúa để cứu loài người. Anh có đồng ý không?"

"Đồng ý."

"Anh thấy không? Nhờ tin vào câu chuyện huyền hoặc ấy, trí óc anh thoát khỏi nỗi đau khủng khiếp về những mất mát gia đình."

"Như thế nào?"

"Bên trong cái ảo ảnh phức tạp này, cái chết của Karen và Zooey mang một ý nghĩa. Chính cái chết của họ đã khiến anh viết cuốn sách đó. Chính cuốn sách khiến anh được chỉ định vào Trinity. Nếu anh tin rằng Chúa đã đưa anh vào Trinity để chặn tay cái Ác, thì như vậy cái chết của những người thân của anh có ý nghĩa, chứ không còn là một bi kịch vô nghĩa nữa."

Tôi siết chặt tay ghế để cố ghìm nỗi thất vọng.

"David, anh đã có bằng vật lý lý thuyết của Đại học Công nghệ Massachuset. Trí não anh có thể kiến tạo nên hoang tưởng này trong khi anh tìm cách cân bằng lại chính mình."

"Karen và Zooey chết cách đây năm năm rồi," tôi nói. "Khoan, hãy quên lập luận ấy đi. Em có nhớ cha anh nói về tôn giáo như thế nào không?"

"Thế nào?"

"Loài người là một vũ trụ trở nên ý thức về bản thân mình."

"Em nhớ."

"Cha anh nói đúng hơn ông nghĩ nhiều. Và một trong những điều ông dạy anh là mở rộng tâm hồn đón nhận sự thâm nhập của Chúa."

"Nhưng anh chưa bao giờ tin Chúa!"

"Theo cách truyền thống thì không. Nhưng anh tin điều này. Anh biết điều này. Và nếu em cho anh thêm một phút nữa thôi, em sẽ hiểu tại sao anh phải đến White Sands."

"Một phút ư? Như thế nhiều hơn em chờ đợi đấy."

"Sau khi Nils Bohr 2 trốn thoát khỏi vùng đất do bọn Đức Quốc xã kiểm soát, ông đến Los Alamos. Ông thấy ở đấy có một số nhà vật lý đang lúng túng. Cha anh là một trong số đó. Những nhà hàn lâm ngây ngô bỗng thấy mình làm việc với sức mạnh công nghệ không những đủ sức chấm dứt chiến tranh mà còn có thể kết liễu cả thế giới. Bohr trấn an họ bằng cách giải thích một nguyên lý sâu sắc, gọi là nguyên lý bù trừ. Ông nói, 'Mỗi khó khăn to lớn và sâu xa đến mấy cũng tự có nó giải pháp cho chính nó.' Thứ bom có thể hủy diệt thế giới lại cũng có sức mạnh chấm dứt chiến tranh quy mô lớn. Và nó làm được rồi." Tôi gõ mạnh đốt ngón tay lên tay ghế. "Máy tính Trinity chính là một vũ khí như thế. Nó có thể hủy diệt hoặc có thể cứu thế giới của chúng ta."

Rachel ngả người ra ghế và dụi mắt. "Anh không nghĩ mình đang tuyên bố quá lời sao?"

"Không."

"Em không thể nghĩ thêm về chuyện này nữa."

Thay vì cãi lại, tôi vươn người ra và bắt đầu xoa nhẹ cổ nàng. Sự căng thẳng của nàng không dịu đi ngay, nhưng một lúc sau nàng ngồi thụt sâu trong ghế với nhịp thở đều đều. Tôi đang cảm thấy mơ màng buồn ngủ thì tướng Kinski xuất hiện trên lối đi giữa, khuôn mặt bì bì của gã nhìn xuống tôi vẻ khẩn cấp.

"Chuyện gì vậy?" tôi hỏi.

"Một thung lũng ven sông đông dân ở Đức vừa bị ngập lụt. Nửa thành phố bị cuốn trôi. Một cái đập tự động mở ra."

"Chuyện đó thì có liên quan gì đến chúng tôi?" Rachel hỏi giọng ngái ngủ.

"Cái đập đó được điều khiển bằng máy tính. Những người vận hành nó cố gắng vượt qua hệ thống tự động, nhưng tác động của máy tính đã phá vỡ các cánh cửa của đập tràn. Hàng chục người chết đuối."

"Trinity?" tôi nói.

"Chúng tôi tin thế."

"Đây mới là bắt đầu."

Kinski gật đầu. "Tôi e là ông đã đúng."

"Nhưng nước Đức," Rachel kêu lên. "Nước Đức thì có liên quan gì đến Trinity?"

"Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm biết điều này," viên tướng chỉ huy Mossad nói. "Dù sao, tôi tin rằng chúng ta đang chiến đấu với một chiếc máy. Ông làm ơn quay trở lại đầu máy bay, bác sĩ Tennant. Chúng tôi có thêm một số câu hỏi cho ông."

Tôi đứng dậy đi theo viên tướng Israel.

--- ------ ------ ------ -------

1 Trích Kinh thánh, Saul (sau là thánh Paul), ban đầu là người chống Cơ Đốc, nhưng trên đường đến Damascus đã trải nghiệm một mặc khải lạ lùng là được gặp Chúa Jesus. Sau trải nghiệm đó, ông đã quyết định đến với Cơ Đốc giáo.

2 Niels Henrik David Bohr (1885-1962), nhà vật lý học Đan Mạch, có những cống hiến cơ bản về cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử, giải Nobel vật lý 1922.