Chú Ba nhíu mày: “Chỉ có đầu người, không có thân?
Cô gái nói: “Đúng vậy, ông nói xem có dễ sợ không? Từ khi chỗ kia sạt lở thì không còn đường để đi nữa, con la cũng không vào được. Các vị muốn đến chỗ nào chỉ có thể đi bộ từng bước, tôi thấy cho dù có đến tận nơi cũng đành trơ mắt mà nhìn thôi. Trước đây đã có vài nhóm người tới chỗ kia, họ thấy ngọn núi sạt lở thì chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.”
Chú Ba liếc nhìn Muộn Du Bình, thấy bộ dạng hắn uể oải không chút phản ứng, liền hỏi cô phục vụ: “Trước khi núi kia sụp xuống hẳn là có người đi vào?”
“Có thì cũng có, nhưng tôi thấy bọn họ đi vào vài ngày, cuối cùng lại trắng tay đi ra. Khi đến thì vui vẻ phấn khởi, khi trở ra thì quần áo lôi thôi nhếch nhác như ăn mày, thối chết đi được, ông nội tôi nói hình như bọn họ ngay cả mộ ở đâu cũng chưa tìm ra. Sao nào, các vị vẫn muốn đi thử vận may ư?”
“Cô nói gì vậy, đã đến đây thì dĩ nhiên phải tới xem, bằng không uổng một chuyến đi.” Chú Ba cười ha hả, cũng không nói thêm gì nữa.
Đợi cô phục vụ vào bếp mang đồ ăn lên cho chúng tôi, Phan Tử liền mở lời: “Xem ra ngôi mộ chúng ta muốn tìm đúng là nằm ở nơi đó, nhưng theo lời cô ta thì e rằng một xe hành trang của chúng ta rất khó chở vào trong núi.”
“Mang hay không mang theo hành trang đều có đấu pháp tương ứng. Mộ thời Chiến Quốc thường là một hố đất trên dưới đều thẳng đứng, không có mộ thất, không biết ngôi mộ này có giống như vậy không. Chúng ta còn phải đến tận nơi xem mộ này lớn đến chừng nào, chôn sâu chừng nào, chỉ sợ nó khác xa với những ngôi mộ chúng ta từng đào. Hãy xem những đầu người lộ ra trên ngọn núi kia, có thể nói nó chính là hố đầu quỷ mà ông tổ chúng ta từng nhắc tới; nơi đó trước đây chắc chắn là những hố bồi táng.” Chú Ba trải bản đồ, đưa ngón tay khoanh một vòng tròn: “Mọi người xem đi, chính là vị trí này, nơi này tính ra thì còn cách mộ chính rất xa. Những người từng đến đây nếu dựa theo phương pháp tầm long điểm huyệt, nhất định đi đến chỗ này là phải dừng lại. Chỗ này là “đầu rồng”, theo lẽ thường mộ phải nằm ngay phía dưới. Nhưng mọi người xem, đi tiếp vào trong sẽ thấy đây là một cái hang hồ lô, ai chưa vào căn bản không thể biết bên trong còn có một động tiên, đây mới thực sự là “đầu rồng”. Người thiết kế ra ngôi mộ này nhất định cực kỳ am hiểu thuật tầm long điểm huyệt, đã tạo sẵn một cái bẫy ở đây cho bọn họ chui vào. Nếu tôi đoán không lần thì phía dưới “đầu rồng” giả này là một nấm mộ giả cơ quan trùng trùng!” Chú Ba thấy chúng tôi nghe đến nhập thần mới đắc ý nói tiếp: “Nếu không có tấm bản đồ này thì dẫu là ông tổ của chúng ta tới đây không chừng cũng dính trấu. Ngày mai chúng ta chỉ đem theo những thứ thật thiết yếu, trang bị gọn gàng mà lâm trận, trước tiên cứ dò đường cái đã. Nếu thực sự không ổn, chúng ta hẵng trở về bàn bạc thêm.”
Chúng tôi đều gật đầu khen phải, uống thêm vài chén rượu rồi trở về phòng.
Tiếp đó là màn tháo dỡ hành trang, thời này dĩ nhiên không còn dùng loại xẻng Lạc Dương truyền thống. Chú Ba lấy ra một cái xẻng khảo cổ, loại xẻng này dùng ống thép làm cán, cứ gắn từng khúc từng khúc, muốn dài bao nhiêu thì nối thêm chừng ấy cái ống thép, so với xẻng Lạc Dương cán gỗ thì gọn gàng hơn. Mộ thời Chiến Quốc độ sâu đều từ mười mét trở xuống, cho nên không thể bỏ bớt lại được. Sau khi gom hết ống thép lại, chúng tôi nhất trí mỗi người mang mười ống và một lưỡi xẻng. Phan Tử có đem theo một khẩu súng lục, bình thường buộc kĩ trong bao da, giờ cũng đã lấy ra. Khẩu súng này so với khẩu súng hai nòng mua ở chợ đen thì ngắn hơn rất nhiều, nếu giấu trong quần áo thì người khác không sao nhìn ra được. Phan Tử đem vài thứ lặt vặt cộng thêm mấy băng đạn nhét hết vào ba lô của mình. Chú Ba nói xuống dưới đó rồi nếu dùng súng hai nòng thì muốn xoay người cũng không xoay nổi, khẩu súng lục của Phan Tử tiện dụng hơn. Tôi chuẩn bị máy ảnh kĩ thuật số, một cái bay xây, nghĩ đi nghĩ lại cũng không cần mang theo thứ gì nữa, vì dù sao tôi cũng chỉ là một thổ phu tử mới vào nghề.
(xẻng Lạc Dương cho đến bây giờ đã chia làm hai loại: Một là loại xẻng truyền thống có cán ngắn bằng gỗ, hai là loại xẻng cải tiến, lưỡi vẫn giữ nguyên nhưng phần cán bao gồm nhiều ống thép có rãnh xoáy, muốn nối dài bao nhiêu tùy ý)
Qua một đêm yên ắng, một ngày tàu xe mệt mỏi, tôi ngủ một mạch không biết bao lâu, đến khi tỉnh lại đã thấy các khớp xương mềm nhũn. Chúng tôi vội vàng ăn bữa sáng, mang theo một ít lương khô rồi lên đường. Cô gái kia cũng thật nhiệt tình, gọi một thằng nhóc trong làng đi trước dẫn đường. Mất hai giờ leo sơn đạo, thằng nhóc trần như nhộng kia mới chỉ tay về phía trước: “Ở đằng kia kìa.” Tôi nhìn theo, quả nhiên thấy rõ ngọn núi phía trước bị sạt lở, hiện giờ chúng tôi đang đứng trong một khe cạn nằm giữa hai ngọn núi. Khe núi này rất dài, vào mùa mưa có lẽ sẽ biến thành một nhánh sông; nhưng hiện giờ đã bị đất đá phủ kín, vả lại mấy tháng gần đây trời cũng khô hạn, thành ra ở giữa lại trơ ra một khe cạn.
Hai mặt của ngọn núi này đều dốc đứng, tuyệt đối không thể vượt qua, mà con sông phía trước cũng bị một tảng đá lở xuống từ trên núi lấp kín.
Tôi xoa xoa đầu thằng nhóc trần như nhộng, nói với nó: “Về nhà chơi đi, cho anh gửi lời cảm ơn chị em.”
Thằng nhóc xòe tay ra: “Mau đưa 50 đồng”
Tôi đờ người, thằng nhóc cũng không nói thêm lời nào, chỉ nhìn tôi chằm chằm rồi ngoắc ngoắc tay. Tôi hỏi, 50 đồng gì mới được chứ?
Chú Ba cười ha hả, lấy luôn tờ 100 đưa cho nó, nó giật vội rồi chạy vụt đi mất.
Đến đây tôi mới bừng tỉnh, cười cười: “Bây giờ trẻ con trong núi cũng thật ranh ma.”
“Nhân vi điểu tử –” Đại Khuê lẩm bẩm, Phan Tử mới đá hắn một cái: “Dốt ạ! Vi điểu tử cái đầu anh, cỡ như anh thì vi kê tử luôn đi cho xong.”
(*) Có câu “Nhân vi tài tử, điểu vi thực vong” (Người chết vì tiền, chim chết vì ăn), Đại Khuê nghe lóm rồi nhắc lại cũng không xong, mới thành “nhân vi điểu tử” aka người chết vì chim, đến Phan Tử thì biến tấu thành chết vì con gà =))
Chúng tôi không nhiều lời nữa, bắt đầu xuất phát. Tảng đá này không quá lớn, chẳng bao lâu chúng tôi đã leo qua. Không kinh khủng như cô gái kia đã tả, cũng không thấy những cái đầu người cô nói, phía sau sườn núi sạt lở chỉ thấy một hẻm núi. Dù là mặt sau núi nhưng nơi nơi đều là cây cối xanh tươi, nhìn ra xa còn thấy một cánh rừng rậm rạp, cũng không biết hệ sinh thái nơi đây đã hình thành như thế nào.
Lúc này chúng tôi nhìn xuống khe sâu phía dưới sườn núi sạt lở, chợt thấy một lão già đang múc nước. Tôi nhìn kĩ, mẹ nó, kia chẳng phải là cái gã chết tiệt dẫn chúng tôi vào động hôm trước đó sao? Lão già kia bất ngờ thấy chúng tôi, sợ đến nỗi suýt nữa rơi tòm xuống khe, sau đó cuống quýt bỏ chạy. Phan Tử cười mắng, cho ngươi chạy đấy, rồi rút súng lục bắn trúng khoảnh đất cát ngay phía trước lão già. Lão già bị dọa cho nhảy dựng, lại quay đầu chạy, Phan Tử liền bắn liên tiếp ba phát, mỗi phát đều trúng ngay vết chân của gã. Lão già kia cũng coi như thông minh, vừa thấy đối phương đem mình ra làm trò đùa đã biết mình chạy không thoát, mới “bịch” một cái quỳ rạp xuống đất.
Chúng tôi chạy xuống sườn núi, lão già kia vội dập đầu lạy: “Gia gia tha mạng, lão già này thực sự là bất đắc dĩ mới phải gạt các vị gia gia. Không ngờ bản lĩnh của các vị gia gia lại không kém gì thần tiên, tôi đúng là có mắt mà không thấy Thái Sơn!”
Dứt lời nước mắt nước mũi đã tuôn ào ào. Chú Ba hỏi hắn: “Sao cơ, tôi thấy ông khí lực đầy đủ, bất đắc dĩ cái quái gì chứ?”
“Không dám gạt các vị, tôi thật sự có bệnh trong người. Nhìn bề ngoài thì tôi có vẻ cường tráng thế này thôi, kỳ thực mỗi ngày đều phải uống một đống thuốc. Ông xem, tôi đang múc nước sắc thuốc đây này.” Gã chỉ chỉ ống nước bên cạnh.
“Tôi hỏi lão quỷ nhà ông, tại sao lúc ở trong động ông nhoáng cái đã lặn mất tăm mất tích?”
“Tôi nói thật, các vị gia gia sẽ không giết tôi chứ? Lão quỷ kia ngó chúng tôi.
“Yên tâm, giờ đang là xã hội pháp chế”, chú Ba nói: “Thành thực thì khoan dung, chống đối thì nghiêm trị.”
“Rồi rồi, để tôi nói thật”, lão già kia nói, “Kỳ thực chuyện này cũng không có gì ghê gớm, các vị trông động kia giống như trơn tru thẳng tắp, nhưng thực ra trên nóc lại có vô số kẽ hở. Mấy kẽ hở này đều ở vào những chỗ kín đáo, nếu không chủ tâm đi tìm thì căn bản không sao phát hiện ra được. Tôi chẳng qua chỉ thừa dịp các vị không chú ý mà chui vào một kẽ hở thôi. Chờ con thuyền chở các vị đi qua thì tôi lại chui ra, Lư Đản Đản nghe tiếng huýt sáo của tôi sẽ kéo một cái chậu gỗ lại, tôi cứ thế bơi ra ngoài. Sau khi xong việc, Lỗ lão nhị chèo thuyền kia sẽ chia phần cho tôi, kỳ thực phần của tôi cũng không nhiều.” Lão đột nhiên nhớ ra chuyện gì: “Phải rồi, Lỗ lão nhị đâu? Xem ra lão ta đã bại trong tay các vị rồi.”
Lão già kia ngẩn ngơ một hồi rồi vỗ đùi: “Chết rồi cũng tốt, kỳ thực tôi đâu có muốn làm chuyện đó. Chẳng qua Lỗ lão nhị kia nói nếu tôi không làm nữa thì sẽ tố giác tôi, các vị xem, tôi cũng ở vào thế bất đắc dĩ, các vị hãy bỏ qua cho tôi đi.”
“Từ giờ ông hãy chấm dứt ngay chuyện đó”, chú Ba nói: “Nhà ông ở đâu, sao lại đến tận đây múc nước?”
“Tôi ở trong kia”, lão già chỉ chỉ một sơn động gần đó: “Ông xem tôi chỉ là một lão già đáng thương, không có ruộng vườn nhà cửa, con lại chết sớm, giờ đây cũng chỉ biết chờ ngày chết mà thôi.”
“Vậy hẳn là ông đã thuộc vùng này như lòng bàn tay rồi. Cũng vừa đúng lúc, muốn chúng tôi bỏ qua cho ông thì được thôi, chỉ cần ông dẫn đường cho chúng tôi đi vào trong kia.” Chú Ba chỉ tay vào cánh rừng rậm, lão già tức khắc sợ đến tái mặt: “Các vị gia gia, thì ra các vị đến đây đổ đấu! Cái đấu kia không thể đổ được, trong đó có yêu quái!”
Tôi vừa nghe đã thấy thú vị, lão già này hẳn là biết điều gì đó hay ho đây. Chú Ba liền hỏi gã: “Sao cơ, ông gặp qua rồi hả?”
“Ây dà, mấy năm trước tôi cũng dẫn một đoàn người đến đó. Bọn họ nói là đi khảo cổ nhưng tôi nhìn qua là biết dân đổ đấu, có điều nhóm người này không giống những nhóm khác. Những tên trộm vặt kia vừa thấy mộ là đào, còn nhóm này, nói không ngoa chứ phong thái ấy nhìn qua đã biết không phải kẻ tầm thường. Bọn họ không thèm liếc mắt tới những ngôi mộ gần đó mà cứ một mực nói muốn vào trong núi khảo sát. Khi đó trong làng chỉ có mình tôi từng tới chỗ đó, họ liền hào phóng cho tôi mười đồng giấy bạc. Tôi thấy tiền thì không cần đôi co nhiều, đồng ý dẫn nhóm người đó vào rừng. Đi mãi cho đến nơi sâu nhất tôi từng đặt chân đến, bọn họ còn muốn đi tiếp nhưng tôi nhất quyết không chịu, bảo họ dẫu có mười đồng giấy bạc cũng không thể mua được cái mạng tôi. Bọn họ hứa cho tôi thêm mười đồng bạc, tôi lại nói có cho thêm một trăm đồng tôi cũng không làm. Bọn họ hết cách mới trở mặt, dí súng vào đầu đe dọa nên tôi buộc phải tiếp tục dẫn bọn họ đi sâu vào trong.
Gã gãi gãi đầu, tiếp lời: “Cuối cùng bọn họ nói đã đến nơi rồi, ai nấy đều tỏ ra phấn khởi, dừng lại rà soát đập đập gõ gõ một hồi, còn nói cái gì mà “ở ngay phía dưới”. Chúng tôi tìm chỗ cắm trại, tối hôm đó tôi uống hơi nhiều, uống rồi ngủ tít chẳng biết trời trăng gì nữa. Nhưng đến lúc tôi tỉnh lại, ông đoán xem có chuyện gì? Những người đó hoàn toàn biến mất, trong khi vật dụng vẫn còn nguyên mà lửa cũng chưa tắt. Tôi hoảng sợ, chạy khắp nơi kêu gào, nhưng kêu mãi cũng không có ai đáp lời. Tôi đoán đã xảy ra chuyện gì, tự nhủ dù sao bọn họ cũng không có ở đây, mình tốt nhất nên nhân dịp này chuồn đi, thế là nhanh chân bỏ chạy.”
Lão già kia tựa như nhớ lại chuyện gì kinh khủng lắm, nheo nheo cặp mắt: “Mới chạy được vài bước, tôi chợt nghe có tiếng người gọi tôi. Tôi quay đầu lại, thấy một cô gái trong đoàn bọn họ vẫy vẫy tay với mình. Tôi tính mở miệng mắng, sao mới sáng sớm các người đã chạy biến chẳng còn mống nào vậy? Đột nhiên tôi thấy sau lưng cô ta có một gốc đại thụ hình dạng cổ quái. Nhìn lên tán cây còn kinh khủng hơn, tôi thấy trên cây treo đầy người chết, tròng mắt đều lòi ra. Tôi sợ đến mất mật, chạy mất một ngày một đêm mới về tới làng. Ông xem, đó chắc chắn là một thụ yêu, nếu không phải từ nhỏ đến lớn lão đây đều ăn thịt người chết thì nhất định cũng bị con yêu quái này hút mất hồn phách.”
Chú Ba thở ra một hơi: “Ông quả nhiên đã từng ăn thịt người chết!” Sau đó phẩy tay. Phan Tử hiểu ý, đem trói thằng cha này lại. Có gã dẫn đường, chúng tôi có thể biết nhiều chuyện hay ho đây.
Lão già này cho một trăm đồng mà không chịu, cũng chẳng còn cách nào khác. Theo lời gã nói thì đến phải mất một ngày mới đến nơi, Đại Khuê liền đi trước mở đường, chúng tôi đều tăng tốc, vừa đi vừa dò bản đồ, hi vọng nhờ vào bản đồ kết hợp với trí nhớ của lão già kia có thể đến đó trước khi trời tối. Chúng tôi đi được nửa này, ban đầu còn trò chuyện vui vẻ, về sau nhìn khắp nơi chỉ thấy một màu xanh lục, mắt hoa lên, bắt đầu ngáp ngắn ngáp dài, buồn ngủ không chịu được. Bỗng nhiên lão già kia đứng lại không chịu đi nữa. Phan Tử quát: “Ông lại giở trò gì đây?”
Lão già nhìn vào bụi cây bên đường, giọng nói run run: “Kia ~~~ là ~~~ cái gì vậy?”
Chúng tôi quay đầu nhìn về hướng đó, chỉ thấy trong bụi rậm có thứ gì nhấp nháy, thì ra là một cái điện thoại di động.