Tát Mạn hung hăng xoay người đá Thôi Diệu một cái nói: - Chết đến nơi rồi còn dám mạnh miệng à. Ngươi thật sự không sợ chết sao?
- Phi. Thôi Diệu khinh thường phỉ nhổ vào người y. - Thôi Diệu ta chết vì nước nhà có gì phải sợ. Ngược lại ngươi ngang ngược, sớm muộn gì cũng phải đau khổ mà chết thôi.
Sắc mặt Tát Mạn đại biến. Lời Thôi Diệu nói trúng tâm bênh của y khiến y giận tím mặt, giơ roi đánh ngay trúng mặt Thôi Diệu. Đúng lúc này cửa ra vào đột nhiên có một nhóm lớn binh lính tràn vào. Một tên lính thủ hạ của Tát Mạn vội vàng chạy vào bẩm báo nói: - Tổng đốc, thân vương A Cổ Thập điện hạ tới, hiện đang đứng ở ngoài cửa.
- Ngươi nói không đúng rồi. Ta đã vào rồi.
Một người mặc áo giáp, đội mũ giáp màu vàng từ bên ngoài đi vào đại sảnh, khuôn mặt người này mang một vẻ cười cợt. Đó đúng là Tổng đốc A Cổ Thập.
A Cổ Thập tới thị sát tình hình vật tư hậu cần cho chiến dịch Toái Diệp. Hai ngày nay, khách quy theo lời binh Đại Thực chính là chỉ ông ta. Sau khi kết thúc thị sát, ông ta lập tức phản hồi báo cáo cho Lạp Hi Đức. Giờ ông ta nghe nói Hoàng cung Bạt Hãn Na gặp chuyện liền chạy tới xem, vừa vặn thấy được thái độ vô cùng ngạo mạn của Tát Mạn. A Cổ Thập là một quan viên nhưng cũng là học giả, nhiệm vụ của ông ta là dùng thủ đoạn dụ dỗ mở rộng văn hóa Đạo Hồi ở vùng phía đông A Mỗ Hà cùng vơi việc cải cách chế độ thuế. Tuy nhiên gia tộc Tát Mạn này tồn tại độc lập với đế quốc đại địa chủ, rồi lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiệm vụ của ông ta, cũng trở ngại tới chế độ Trung ương tập quyền của Đế quốc, cho nên áp chế gia tộc Tát Mạn cũng là một nhiệm vụ bí mật Lạp Hi Đức giao cho ông ta. Lạp Hi Đức là một đế vương vô cùng mưu lược, y lợi dụng cơ hội chiến tranh Toái Diệp giao quyền trị an Bạt Hãn Na cho gia tộc Tát Mạn, cũng bởi vậy vô hình chung xác định được binh lực thật sự của gia tộc này. Chuyện tiếp theo do A Cổ Thập hoàn thành, nhưng có một điều kiện tiên quyết là không làm ảnh hưởng tới chiến dịch Toái Diệp.
A Cổ Thập ở A Mỗ Hà là trưởng quản hành chính cao nhất, phụ trách hành chính, tôn giáo cùng thu nhập từ thuế. Đây cũng là ba chức năng chính của địa phương Đại Thực. Tuy Tát Mạn cũng là Tổng đốc nhưng y chỉ là Tổng đốc cấp ba, kém A Cổ Thập một bậc. Hơn nữa khi ông ta nhận chức thì Vương triều tiến hành thay đổi chế độ. Cả đế quốc chia thành năm đại khu hành chính tổng đốc. Cao nhất là trưởng quan hành chính gọi là Mễ Nhĩ, cũng là tổng đốc. Khu vực phía đông A Mỗ Hà rộng lớn thuộc về tổng khu hành chính Lạp Khắc, nhưng bởi vì khu vực quá rộng nên Calipha lập ra hai phó trưởng quan, một quản lý khu phía đông A Mỗ Hà, một quản lý Bàng Già Phổ và Tín Đức. Tổng đốc Tát Mã Nhĩ Hãn chính là phó trưởng quan quản lý vùng phía đông hiện giờ là thân vương A Cổ Thập. Mặc dù như vậy nhưng lãnh thổ quá rộng, Lạp Hi Đức đang thiếp lập thêm ba đô đốc dưới y nữa. Tổng đốc Thạch quốc, Bạt Hãn Na, Bố Cáp Lạp … kì thật chỉ tương đương như một châu trưởng mà thôi.
Điều này trong lòng Tát Mạn cũng biết rõ. Thực tế thân vương A Cổ Thập này còn từng đảm nhận Mễ Nhĩ Mã Sĩ Cách, chính là tổng đốc tổng khu hành chính thứ hai, địa vị rất cao. Tuy nhiên Calipha tiền nhiệm bởi vì ông ta từng bị Đại Đường bắt làm tù binh nên bãi miễn nhiệm vụ của ông ta. Calipha hiện giờ lại thập phần tín nhiệm ông ta, lại phục dụng lần nữa. Bởi vậy A Cổ Thập vừa tới, Tát Mạn lập tức thu lại vẻ kiêu ngạo, quỳ xuống mặt đất nói: - Tát Mạn tham kiến A Cổ Thập điện hạ.
- Không cần khách khí. A Cổ Thập khoát tay cười nhạt một tiếng nói: - Tổng đốc Tát Mạn không ở thành Thác Chiết mà tới Bạt Hãn Na làm gì vậy?
- Khởi bẩm điện hạ, Calipha bệ hạ lệnh cho gia tộc chúng tôi tạm thời duy trì trị an Bạt Hãn Na, thực tế phòng ngừa gian tế Đại Đường. Thuộc hạ không dám lười biếng liền tự mình tới đây đôn đốc. Nói tới đây y chỉ sang Thôi Diệu nói: - Đây chính là gian tế Đại Đường đầu tiên chúng tôi bắt được.
Ánh mắt A Cổ Thập hướng sang Thôi Diệu, ông ta chậm rãi đi đến trước mặt anh ta, dò xét một lúc đột nhiên dùng Hán ngữ không thuần thục lắm nói: - Ngươi thật sự là gian tế sao?
Thôi Diệu có chút bất ngờ. Tên quan Đại Thực này rõ ràng đang nói tiếng Hán. Nhưng ngạc nhiên chỉ thoáng qua trong nháy mắt, anh ta lập tức cao giọng nói: - Ta không phải gian tế, ta là sứ thần của Hoàng đế Đại Đường.
- Trong vương cung Bạt Hãn Na sao có thể có gian tế chứ. A Cổ Thập lạnh lùng liếc Tát Mạn một cái rồi khẽ vươn tay ra nói: - Lấy ra đi! Thư tín của Hoàng đế Đại Đường đó. Tát Mạn cuống quýt lấy bức thư từ trong người ra đưa cho A Cổ Thập. A Cổ Thập thoáng nhìn qua thư, sắc mặt có chút không vui nói: - Quốc thư loại này ngươi không có tư cách mở ra, nhất định phải lập tức giao cho Calipha.
Tát Mạn lau mồ hôi trên trán nói: - Thuộc hạ không biết đây là quốc thư nếu không có đánh chết thuộc hạ cũng không dám tự tiện mở ra.
Vừa rồi Thôi Diệu nói một câu trong lòng y đã sinh ra cảnh giác. Mà theo như khẩu khí của thân vương trước mặt thì y liền nhận ra sự bất mãn của đối phương, loại bất mãn mày là bản thân tâm tình A Cổ Thập hay là Calipha đã có ám hiệu gì cho ông ta. Tên cáo già Tát Mạn lập tức cảm thấy Lạp Hi Đức cho mình quản lý trị an Bạt Hãn Na chưa chắc đã là có lòng tốt, điều này không phù hợp với lập trường trước sau như một khi y thu quyền trở lại Ba Cách Đạt. Ý nghĩ này khiến cho Tát Mạn nhanh chóng phán đoán, quyết không thể để A Cổ Thập bắt bẻ được mình thêm một điểm nào nữa. Y lập tức im miệng không nói gì nữa.
A Cổ Thập cười lạnh một tiếng, không để ý tới y, xoay người lại ôn nhu nói vói quốc vương Bạt Hãn Na: - Quốc vương Khế Lực, điều tra Hoàng cung không phải là cách làm của Cáp Lý, ta muốn xin lỗi ngài. Bất quá …
Nói đến hai chữ “bất quá” thì thần sắc A Cổ Thập bắt đầu trở nên nghiêm nghị, ông ta cảnh cáo Khế Lực nói: - Bất quá sự nhẫn nại của Calipha có hạn. Hy vọng quốc vương không làm điều gì ngu xuẩn làm tổn hại đến lợi ích của Đại Thực. Nếu không hậu quả cũng không phải là Calipha chưa từng nghĩ tới.
Khế Lực cúi đầu không nói. A Cổ Thập chăm chú nhìn anh ta. Nếu như là bình thường ông ta sẽ lập tức xử tử tên Quốc vương dám cả gan làm loạn này. Nhưng giờ là lúc chiến tranh, Bạt Hãn Na tạm thời không thể nhiễu loạn, việc này chỉ có thể nhẫn nhịn. Một lúc lâu ông ta mới nhịn không được quay lại nói với Tát Mạn: - Chuyện này dừng ở đây. Tên sứ thần này ta muốn đi Ba Cách Đạt giao cho Calipha định đoạt. Bảo binh lính của ngươi lui ra hết đi!
Màn đêm buông xuống, ngự thư phòng Tử Thần Điện ở Trường An vẫn sáng trưng đèn. Trương Hoán chăm chú nhìn vào bản đồ trước mặt. Chiều nay hắn mới biết được tin tức của hai vạn quân Đại Thực mất tích đang ở phía bắc Toái Diệp. Hai vạn quân này tấn công thành A Sử Bất Lai không có kết quả liền quay lại hướng bắc, vượt qua núi Thiên Tuyền tấn công Y Lệ, chiếm lĩnh thành Yêu Long và Y Lệ, cắt đứt liên lạc giữa Bắc Đình và Toái Diệp nhưng về sau lại đột nhiên mất tích. Hành tung của hai vạn quân này khiến cho Trương Hoán vô cùng lo lắng. Hắn lo Hồi Hột lại liên kết với Đại Thực, mở rộng quy mô tấn công Bắc Đình, mà hai vạn quân Đại Thực này lại ở ngay bên cạnh hỗ trợ, cũng không thể không nghĩ tới khả năng này, nếu không hai vạn quân ấy vượt qua sông Y Lệ có dụng ý gì?
Tới xế chiều, tin tức từ thành Cung Nguyệt lại truyền tới nói hai vạn quân Đại Thực đã xuất hiện ở phụ cận thành Cung Nguyệt. Tình thế đang diễn ra quả đúng như lo lắng của hắn, quân Đại Thực có dấu hiệu muốn tấn công Bắc Đình. Trương Hoán chắp tay sau lưng chậm rãi đi đi lại lại trong phòng. Từ khi phát động chiến dịch Toái Diệp tới nay, mỗi này hắn đều phải chú ý tới trận chiến có thể ảnh hưởng tới vận mệnh Đại Đường và Tây Vực này, nhưng sự tình phát triển cũng có chút vượt quá dự liệu của hắn, Đại Thực quả là một nước có thực lực cường thịnh. Bồ câu đưa thư từ Toái Diệp đưa tới tin quân Đại Thực đã vận dụng cả ba mươi vạn đại quân, không kể cả những cận vệ Đại Thực tinh nhuệ nhất.
Không chỉ có thế, từ trước khi bắt đầu chiến tranh một tháng đến giờ quân Đại Thực vẫn tiếp tục vận chuyển các loại vật tư chưa từng ngừng lại. Mặc dù Đại Đường cũng vậy nhưng mấy ngày nay Trương Hoán đã cảm nhận được một số vấn đề. Đó là úng ngập ở vùng lưu vực sông Hoài và hạn hán ở Quan Trung. Năm nay mưa lớn dị thường tập trung ở hạ lưu sông Hoài khiến cho đê vỡ, làm hơn mười vạn khoảnh ruộng tốt bị úng ngập, trăm vạn người dân gặp tai họa. Vấn đề sông Hoài còn chưa khá lên lại xuất hiện hạn hán ở Quan Trung, suốt từ tháng sáu tới nay không hề có một giọt mưa nào. Mặc dù triều đình đã khẩn cấp điều trăm vạn bao lương thực tới trợ giúp Ba Thục và Kinh Tương nhưng tin tức bất lợi cũng đang khiến cho tâm lý dân chúng trở nên khủng hoảng. Giá cả ở Trường An đã đạt đến mỗi đấu trăm xâu tiền. Còn xuất hiện hiện tượng rất nhiều người thậm chí giá cao cũng không bán.