Võ Lâm Ngũ Bá

Chương 58: Mưu Thoát Hang Hùm

Ngõa Tri Phủ nghe Diêm, Phi tường thuật lại ba điều giao kết của Phùng Lai, điểm thứ nhất và thứ hai chẳng có ý gì khác, nhưng qua điểm thứ ba, đôi lông mày gà của y liền nhíu lại, hừ giọng mũi một tiếng và nói:

- Tên học trò khùng ấy muốn một tháng sau mới đưa con gái về nhà chồng? Văn Đạo ngươi xem y có phải định dùng kế hoãn binh không?

Diêm Giáp Ty liền đem ý kiến của Phi Thông phán ra nói lại, Ngõa Tri Phủ gật đầu nói:

- Hay lắm, Văn Hải ngày mai thả tên học trò khùng ấy trở về, ngươi cũng chịu khó dọn đến nhà y ở một tháng, chờ đến khi đám cưới xong xuôi sẽ trở về, như vậy không còn sợ y dùng thủ đoạn Kim Thiền thoát xác nữa phải không?

Phi Thông phán gật đầu tán thành lia lịa:

- Phải, phải! Vãn sinh xin vì đại nhân mà hết sức mình!

Sáng hôm sau, Phùng Lai được lệnh tạm tha cho trở về, lại còn được phủ quan cấp cho một chiếc xe, có Thông phán họ Phi cùng theo chân bầu bạn đồng về nơi nhà họ Phùng.

Tần phu nhân cùng con gái là Điệp, thấy Phùng Lai được tha, mừng ngoài ý muốn, níu Phùng Lai cảm động khóc ròng.

Phùng Lai cũng nước mắt lã chã, nhưng ngại có Phi Thông phán ở bên cạnh, chẳng dám nói năng chuyện gì.

Phi Thông phán hiu hiu tự đắc, chẳng chút kiêng dè, chỉ huy dám dưới tay, ngang nhiên thu dọn cho y một căn phòng, y có đem theo hai tên tùy tùng mẫn cán, ba thầy trò chiếm lấy căn phòng rộng nhất trong nhà họ phùng.

Không nói ra chớ ai cũng dư hiểu là để giám thị động tịnh của cả nhà họ Phùng.

Phùng Lai chỉ đến lúc tối về phòng riêng, mới đem mọi sự thuật cho vợ nghe.

Tần Thị rơi nước mắt nói:

- Nếu như thế thì đứa con gái như hoa như ngọc của ta, đành phải gả cho đứa con trai của tên cẩu quan ấy sao? Điệp nhi từ nhỏ đến lớn, được ông rèn luyện khí tiết. Nó thì tự ao ước mình được như nhân vật trong "Liệt nữ truyện", sợ e vụ này thà nó chết chứ chẳng bằng lòng!

Phùng Lai thở dài đáp:

- Không ưng thuận làm sao được?

Thằng cẩu quan sẽ đánh tôi chết mà thôi, Điệp nhi cũng khó thoát khỏi bàn tay độc ác của cha con nó, cho nên tôi giả vờ thuận lòng để thoát về đây, kế của tôi là...

Ông bèn kề tai phu nhân nói nhỏ một hồi.

Tần phu nhân mặt hơi đỏ bừng, khẽ lắc đầu nói:

- Như vậy sao được, và nguy hiểm quá!

Phùng Lai nghiêm sắc mặt đáp:

- Bà theo tôi đọc sách cũng nhiều, trong binh pháp có chỗ luận về cách: Trí nơi tử địa mà tìm lấy lối sống, bà không biết sao?

Khi xưa Huỳnh Cái dùng khổ nhục kế chịu cho Châu Du đánh mấy mươi trượng vào đít, đến nỗi máu rơi thịt chảy, nhờ đấy Tào Tháo tín nhiệm, sau lại mới đốt được liên hoàn thuyền kiên cố của họ Tào! Bà quên rồi hay sao?

Tần phu nhân nghe chồng thuyết phục một hơi dài mới chịu theo kế.

Cách bốn hôm sau, Phùng Lai cùng Tần thị bổng gây gỗ nhau dử dội, từ phòng trong đến sảnh đường.

Tần phu nhân tóc tai rối bù, khóc tức tưởi, chưởi rủa Phùng Lai là tên chồng bất lương, sao chẳng chết bờ chết bụi cho rảnh mắt.

Phùng Lai cả giận cung tay xén áo túm đầu đấm đá, túi bụi.

Hai vợ chồng xâu nhau một cục, cấu xé nhau thình thịch.

Phi Thông phán vội chạy tới khuyên giải hai người.

Tần phu nhân khóc kể bệu bạo:

- Đồ quân vô lương tâm, thấy con gái được làm dâu quan Tri Phủ là đã đắc ý quên tình, sáu mươi tuổi gìa gần cúp bình thiết rồi còn đòi nạp thiếp lấy hầu, không biết nhục sao?

Phùng Lai xỉa xói mắng vợ:

- Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại, ai biểu cái bụng bà chẳng biết sanh cho tôi một thằng con trai làm chi! Thời xưa đàn bà không sanh con trai cho chồng bị liệt vào trong bảy điều bị trục xuất khỏi nhà, ta nghĩ tình tào khang chi thê không đuổi bà ra khỏi cửa, mà chỉ nạp một nàng hầu, mà còn dám nổi hung nữa sao?

Ông lại quay sang phân trần với gã Thông phán:

- Phi huynh! Anh thử nghĩ xem Tri Phủ đại nhân trọng vọng tôi, mới chịu cưới con gái tôi về làm dâu nhà người thì dù tôi có nạp thêm một nàng tiểu thiếp để an hưởng chút đỉnh sung sướng lúc tuổi già có bậy hay là không?

Phi Thông phán bọt xui cả hai đàng:

- Phải! Phải! Tần tẩu cũng nên ưng thuận theo lòng anh ấy cho êm thắm cửa nhà.

Tần Thị thà chết chứ chẳng chịu cho chồng lấy thêm vợ bé. Bà nhẩy đổng lên mắng chưởi om sòm.

Phùng Lai càng nổi giận quát lớn:

- Mụ đàn bà hư này quá quắt lắm rồi! Phúc Toàn đâu, tống cổ mụ ra khỏi nhà cho ta, bảo mụ về nhà cha mẹ mà ở!

Ông gọi liên tiếp mấy tiếng, sai cắt lão gia bộc phải lập tức thu thập quần áo của Tần Thị, mướn xe đưa nàng cho khuất mắt ông.

Tần thị nổi xung đáp:

- Đi thì đi, cần gì đến ông xô đuổi, mụ gái xề này chống mắt xem đồ gìa dịch ông rước thứ quân mèo đàng chó điếm nào cho biết!

Hai vợ chồng xích mích đã đến giai đoạn quyết liệt không phương khuyên lơn được.

Tần thị khóc tức tưởi bước lên xe, rời khỏi nhà họ Phùng miệng không ngớt nguyền rủa chồng vô lương thất đức.

Phùng Lai sau khi vợ đi khỏi, gương mặt ông nặng sình sịch như treo đá, phân bua với Phi Thông phán:

- Phi huynh đừng cười tiểu đệ gặp phải bà vợ như sư tử Hà Đông!

Phi Thông phán vội đáp:

- Sao lại nói thế! Chuyện vợ chồng xích mích nhau có ai tránh khỏi được, đây rồi năm ba ngày phu nhân cũng đổi ý trở về chứ gì!

Phùng Lai gượng cười nói:

- Chút nữa tiểu đệ quên mất, hôm nay là ngày sanh kỵ của gia mẫu, chúng ta nhấp bậy đôi ba chén rượu tiêu sầu.

Phi Thông phán tuy rất tinh tế, nhưng không sao nhìn thấu được thâm ý của Phùng Lai, tưởng đâu vì chuyện vợ chồng cơm không lành canh không ngọt lúc nãy, Phùng Lai buồn rầu nên mượn rượu giải khuây, y lại là một con người xu thời, thấy Phùng Lai sẽ là sui gia của Ngõa Tri Phủ, mình cũng nên kết giao với y để có phương nhờ cậy sau này, nên cười giả lả nói:

- Xin tuân lịnh! Uống rượu ngâm thi cũng là một điều khoái lạc trên đời.

Phùng Lai lập tức sai lão gia bộc ra ngoài mua rượu.

Phi Thông phán vội can:

- Phùng huynh, rượu ngoài chợ không ngon đâu. Tiểu đệ có mang theo hai bình Hoa điêu tửu, Phùng huynh khỏi đi mua tốn công mà uống chẳng mấy hứng!

Thì ra Phi Thông phán tiểu tâm cẩn thận, tuy ở tại nhà họ Phùng, nhưng ăn uống mỗi vật đều do nhà mình xách lại chứ chẳng hề ăn cơm của nhà Phùng Lai nấu nướng.

Phùng Lai bất đắc dĩ phải đành nghe theo.

Rượu miền Thiệu Hưng có tiếng khắp Trung Hoa, nào là Nữ Trình, Trần Thiệu, Hoa Điêu, Trúc Diệp v.. v.... đều là những lọai rượu nổi danh khắp giới tửu đồ.

Phùng Lai cùng Phi Thông phán chén chú chén anh, chỉ trong chốc lát đã cạn mất một bình.

Phùng Lai quay sang bảo lão gia bộc đang hầu bên cạnh:

- Phúc Toàn, rượu Hoa Điêu uống lạnh có phần hơi lạt, ngươi đem hâm nóng chút đi!

Phúc Toàn vâng lịnh đem bình rượu ra sau bếp hâm lại, khoảnh khắc bưng bình rượu lên hơi nghi ngút trở vào.

Phùng Lai rót đầy một cốc nâng hai tay trao cho Phi Thông phán mời mọc:

- Phi huynh hãy uống cạn ly này với tiểu đệ.

Phi Thông phán tiếp lấy cốc rượu nốc cạn một hơi.

Phùng Lai cũng bưng ly rượu mình lên, vừa chấm môi liền vờ xảy tay cho ly rượu rớt xuống, rượu văng ướt cả mặt đất,

Phi Thông phán bỗng biến sắc mặt nhãy dựng lên khỏi ghế.

- Hay cho ngươi!

Nhưng chưa kịp hết lời, y tự nhiên líu cả lưỡi, rồi ngã nhào xuống đất kêu bộp một tiếng, máu từ mũi, miệng, tai, mắt trào ra, dãy dụa mấy cái là hồn vía lìa khỏi xác.

Phi Thông phán vừa ngã xuống đất, lão gia bộc Phúc Toàn lật đật bước vào.

Phùng Lai liền hỏi Phúc Toàn, còn hai tên kia xong chưa?

Ông định ám chỉ hai tên thuộc hạ theo hầu Phi Thông phán mấy ngày nay.

Phúc Toàn hội ý gật đầu, cười đáp:

- Còn gì nữa, theo hầu chủ dưới âm ty rồi!

Thì ra tất cả mọi việc xảy ra, đều là một tấn tuồng diễn ra rất khéo léo đúng kế hoạch của Phùng Lai sắp bày.

Ông mượn cớ nạp thêm nàng hầu, rồi cùng vợ gây gổ, để đưa vợ con đi trước, đem theo tất cả đồ tế nhuyễn trong nhà.

Ba ngày trước đây Phùng Lai đã sớm sai lão gia bộc đi mua một lạng Hạc Đỉnh Hồng, một loại thuốc độc có tiếng, chỉ bỏ một chút ít vào rượu là có thể giết người trong nháy mắt.

Ông vịnh cớ buồn tình vợ con, lấy rượu cùng Phi Thông phán đối ẩm để giải sầu, uống được vài tuần, tìm cách chê rượu lạt, bắt Phúc Toàn đi hâm nóng, cho lão gia bộc bỏ thuốc độc vào rượu, mặc cho Phi Thông phán thông minh tế nhị đến bực nào, kết cuộc cũng không sao tránh khỏi diệu kế của Phùng Lai.

Riêng hai tên tùy tùng của Phi thông phán, thì sau khi Phúc Toàn đã bõ độc dược vào rượu bưng lên cho chủ xong, lão bèn xào nấu hai món ăn khá tươm tất, cắp theo một bình rượu độc đem đến cho hai người nói là của chủ nhân gia thưởng, hai tên tin rằng thật bày ra ăn uống hỉ hả với nhau, cuối cùng rồi theo luôn chủ nhân xuống cỏi dưới, trọn phận tớ thầy!

Phùng Lai thấy kế hoạch đã hoàn thành mỹ mãn, thần sắc vẫn ung dung không đổi, sai cắt lão gia bộc khiêng ba xác chết của thầy trò Phi Thông phán đặt vào phòng riêng của họ, lau sạch máu trên mặt thi thể đoạn lấy mền đắp cho đàng hoàng.

Rất may là trong nhà trừ vợ con ra, chỉ có lão gia bộc Phúc Toàn và một nàng hầu gái, nhưng hai hôm trước nàng đã mượn cớ tiểu thư sắp xuất giá và cả gia đình sắp dọn vào phủ đệ ở, nên cho nàng nghĩ việc về quê, có thể nói là mọi mưu toan kín đáo thần quỷ khó lường.

Phùng Lai lại kêu con gái đến bảo:

- Hương Điệp, con cùng lão gia bộc Phúc Toàn đến thành Đông nơi thành Phúc Thái, tìm mẹ con đang ở chờ nơi đấy, cha có chuyện một chốc sau sẽ đến ngay! Nghe chưa!

Hương Điệp nhất nhất vâng lời, cùng lão gia bộc ra khỏi nhà.

Phúc Toàn liền thuê một chiếc kiệu, đưa tiểu cô nương đến thành Đông gặp Tần phu nhân.

Ba người đợi chờ cho trời xế bóng, sương mù vương vất ngọn cây mới thấy từ xa một bóng người lẩn thẩn bước đến chấp tay sau đít, ngắm đất nhìn trời, thái độ thung dung như một thi nhân đang tìm hứng vận.

Lão gia bộc Phúc Toàn đứng trước cửa tiệm ngóng đợi, thấy dạng chủ nhân từ xa đi đến liền trở vào thông báo cho mẹ con Tần thị hay để thâu thập hành lý rời khách điếm, thừa lúc cửa thành Đông chưa đóng, thầy trò bốn người đề huề ra khỏi huyện Thiệu Hưng.

Vụ thảm sát ấy đến sáng hôm sau, Ngõa Tri Phủ đã phát giác được vì Ngõa Tri Phủ tuy phái Phi Thông phán đến trông chừng gia đình họ Phùng nhưng vẫn chưa an lòng nên mỗi sáng đều phái một tên công sai đến trước cửa nhà họ Phùng để dò xét động tịnh.

Tên công sai có phận sự canh phòng nhà họ Phùng sáng hôm ấy theo thường lệ đinh gõ cửa thì thấy cánh cửa khép hờ chứ không gài then như hàng nhật. Y ngạc nhiên bước thẳng vào trong, thấy nhà cửa vật dụng trống trơn chẳng thấy dạng một người.

Tên sai dịch biết chuyện chẳng hay liền lớn tiếng réo gọi Phi Thông phán nào ngờ kêu đến rát cuống họng, cũng không thấy ai ừ hữ gì, gã càng kinh ngạc hơn nữa, xông xáo mọi nơi tìm kiếm, khi bước vào một gian phòng rộng lớn, phát giác được thi thể của ba thầy trò Phi Thông phán nằm chết cứng trên giường, thân thể đầu cổ đều lành lặn chẳng có vết thương nhưng da dẻ tím bầm trông rất khủng khiếp.

Gã sai dịch hồn phi phách tán vội chạy ù ra khỏi cửa, chổng mông la hét như điên:

- Có quỉ, có quỉ bà con ơi!

Tiếng la bài hãi của y làm kinh động đến lâm lý xóm giềng, mọi người ùa vào gia cư họ Phùng, mới hay là ba thầy trò Phi Thông phán, đều bị trúng một loại thuốc cực độc mà chết và gia đình họ Phùng bốn người lại mất tích một cách bí mật!

Ngõa Tri Phủ nghe tin tức ấy, giận dử nhãy chồm lên, hét vang như sấm, một mặt ra lịnh đóng chặc cửa thành, khám xét mọi nơi, một mặt thảo trát gởi mọi nơi phải bắt giữ cha con họ Phùng giải về Thiệu Hưng quy án.

Nhưng mọi việc đã quá trễ vì gia đình họ Phùng đã đi khỏi thành từ chập tối đêm qua rồi!

Nhắc lại Phùng Lai sau khi hoàn thành mưu "Kim Thiền thoát xác" trốn khỏi bàn tay Tri phủ họ Ngõa, suốt đêm xe chẳng dừng bánh, trực chỉ đến sông Tào Nga, thuê một chiếc thuyền buồm ra cửa sông.

Nơi đây địa giới của huyện Huỳnh Nham, Phùng Lai đề phòng trát văn bắt phạm của Ngõa Tri Phủ đã gởi đến huyện Huỳnh Nham thì gia đình ông khó mà thoát khỏi huyện được.

Nên cùng gia đình tạm trốn tránh ở đó một đêm, rạng sáng hôm sau lật đật mướn một chiếc thuyền buồm lớn vượt đường biển trực chỉ đến tỉnh Giang Tô, định đến huyện Nam Thông, lên đường bộ đến nhà thầy học của mình là Triệu Nhiêu Sơn tạm trú.

Hôm ấy, trên mặt biển trời quang mây tạnh cảnh sắc nên thơ mát mắt vô cùng.

Phùng Lai dựa lưng vào mui thuyền, nhìn ra cảnh mênh mông không ranh giới của trời biển, lòng lâng lâng vui thú, bèn quay sang bảo vợ:

- Này phu nhân, chúng ta bị phải tên cẩu quan ấy hãm hại, phải lưu vong đất khách quê người nhưng bù lại ngắm được cảnh sắc bao la của vũ trụ cũng không đến đỗi thiệt thòi một chuyến lìa quê vậy?

Tần phu nhân buồn bã mỉm cười không đáp.

Phùng Lai cảm thấy thi hứng dâng trào, vào trong khệ nệ bưng bình trà ra thay rượu thưởng cảnh ngâm thi.

Ông vừa nghĩ ra được một vế đối hay liền gọi cô gái cưng Hương Điệp ra, định bắt nàng đối lại, thình lình nghe chủ thuyền ủa lên một tiếng kinh hoàng và nói:

- Chết rồi! Anh em của Đông Hải Vương sắp đến!

Phùng Lai nghe nhắc đến ba tiếng "Đông Hải Vương" đã rụng rời thất sắc, vội hỏi:

- Chủ thuyền? Sao gọi là Đông Hải Vương, chúng ở đâu?

Mấy gã thuyền phu chẳng buồn đáp lời, vội chạy ào sau thuyền giở ván lên lấy ra một cờ nhỏ xanh ba

góc.

Phùng Lai thấy lá cờ, tuyến một màu xanh lam có thêu một hình mặt trời bằng chỉ kim tuyến, lại thấy đám thủy thủ tay chân quýnh quít buộc cờ vào dây cột buồm.

Phùng Lai ngơ ngác chẳng hiểu bọn họ định làm gì?

Cùng trong lúc ấy, từ cuối đường chân trời, hiện lên ba chiếc hải thuyền màu vàng óng ánh dưới tia sáng mặt trời, sấp thành hình chữ phẩm, lướt sóng phăng phăng chạy tới.

Đám thủy thủ trên thuyền họ Phùng vừa ấy dạng ba chiếc hải thuyền kia lừ lừ tiến gần, tên nào cũng nín thở run rẩy, thần sắc kinh mang còn hơn gặp phải cơn hiểm nguy của sóng to gió dử.

Phùng Lai thấy tình hình như thế cũng đã bối rối lây.

Hương Điệp cũng sợ hãi bàng hoàng kề tai nói nhỏ với cha:

- Thưa cha, chắc là thuyền của bọn cướp bóc rồi! Chúng ta xui xẻo gặp phải hải tặc, kiết hung hai lẽ, chỉ còn biết phó mặc cho trời xanh.

Phùng Lai nghe hai tiếng "hải tặc" không khỏi giật mình đánh thót một cái!

Đông Hải Vương, té ra là vua của bọn cướp biển, chả trách bọn thủy thủ thấy dạng thuyền đến đã khiếp sợ kinh hoàng đến thế, chẳng hiểu bọn chúng thượng lá cờ xanh có thêu hình mặt trời lên cột buồm để làm gì?

Tần thị nghe bọn cướp đến, sợ hãi ôm con gái, núp kín phía sau lái, trái lại Phùng Lai nổi cơn khùng của kẻ đọc sách lên, thầm nghĩ mình là một gã học trò khốn khó chạy nạn, có vật gì là quí giá mà sợ bọn cướp bốc lột.

Ngẩm nghĩ xong tinh thần tỉnh táo trở lại, trở vào khoang lục rương sách ra lấy một quyển truyện Xuân Thu, ngồi chễm chệ giữa thuyền ngâm nga đọc lớn, mặc cho sấm sét bủa giăng, búa rìu cận cổ vẫn tỏ ra không chút khiếp oai.

Trong khoảnh khắc ba chiếc thuyền to đã cận sát hải thuyền, không đầy hai mươi thước.

Đám thủy thủ trên thuyền họ Phùng bèn hạ buồm xả lái, để cho chiếc thuyền mặc tình trôi theo sóng nước như sẵn sàng chờ đợi một sự khám xét của đối phương.

Một trong ba chiếc thuyền to của bọn cướp chầm chậm tiến tới.

Tần thị trong khoang thuyền lén mắt nhìn ra, sợ đến run rên phát rét, miệng niệm kinh Quan Âm không ngớt, van vái Hoàng Thiên Hậu Thổ chẳng dứt lời.

Phùng Lai trái lại, vẫn thản nhiên đọc chuyện Xuân Thu như chẳng có gì xảy ra quanh mình.

Chàng khẽ liếc mắt nhìn xa thấy trên thuyền giặc lố nhố ba bốn mươi tên đại hán hầu quanh một gã đầu cọp mắt heo, râu rồng bó hàm, mặt đỏ, miệng sếch, bộ tướng dử dằn như Châu Xương thời Tam Quốc.

Gã cướp mặt đỏ nhìn lên lá cờ xanh trên cột buồm của thuyền đối phương rồi cất tiếng oang oang hỏi:

- Bọn ngươi đã nộp thuế hàng năm cho Đông Hải Vương chưa? Trong thuyền có hàng nào bở không! Hạng nào đó!

Phùng Lai khi đó mới chợt hiểu lá cờ xanh treo lủng lẳng trên cột buồm kia là biểu hiện của bọn cướp cho nhưng thuyền bè nào đã phục tùng và chịu nạp tiền bảo hộ cho chúng. Chàng hơi yên tâm phần nào. Nhưng khi nghe tên cướp quát hỏi trong thuyền có hạng người nào, thì không khỏi lo ngại thầm.

- Bẩm Nhị đại vương, lần này chúng tôi chở một vị học trò, y đưa vợ con từ Huỳnh Nham huyện vượt bể đến Nam Thông ở Giang Tô.

Lời y chưa dứt thì tướng cướp đầu đảng mặt đỏ quát vang:

- Mi chở thằng học trò à, tốt quá! Anh em đâu nhẩy qua tóm cổ cả gia tiểu tên học trò ấy cho lão gia.

Bọn lâu la trên thuyền giặc, hung hăng như bảy hổ đói từ bên hông thuyền hạ xuống hai chiếc tam bản nhỏ, rồi bảy tám tên hải tặc nhãy xuống tam bản, bơi sang thuyền đối phương, nhanh nhẹn leo lên thuyền Phùng Lai như bẳy vượn, hùng hổ kéo nhau vào khoang thuyền.