Chúng ta quay trở lại chuyện của Lưu đại gia thôi.
Đêm đó, ông cố tôi dẫn theo lão Lục vừa đi vừa hút thuốc, gió mát lạnh thổi bên bờ Nghi Hà, chân thong thả bước trên con đường nhỏ hoang vắng. Cảm giác lúc đó khỏi phải nói, dễ chịu vô cùng, ông cố còn mở miệng ngâm khúc ‘Phụng Thử Hoàng’.
Người chưa từng đến Nghi Hà sẽ không biết, phong cảnh lúc đó ở sông Nghi Hà mặc dù không hùng vĩ như sông Hoàng Hà, không kiều diễm đa tình như sông Trường Giang, nhưng cũng xem như là thanh tú diễm lệ, theo một cách rất riêng.
Khi đó sức khoẻ ông cố tôi rất tốt, mỗi ngày tản bộ có thể đi được năm cây số. Có lúc còn đi được tận mười cây số, cố thêm chút nữa thì có thể đi đến được cả Sơn Đông.
Đêm đó ông cố tôi đi bộ rất xa, đi thêm chút nữa là sẽ đến được trấn kế bên luôn rồi, đi đến mồ hôi nhễ nhại, ông cố bỗng ngửi thấy trong không khí có một mùi ẩm ướt, liền gọi lão Lục lại nói: “Lão Lục, về nhà thôi, lát nữa có lẽ sẽ mưa đấy.” Lão Lục có thể nghe hiểu được lời ông cố nói, bèn quay đầu theo ông về nhà.
Bọn họ cứ đi như vậy, đột nhiên ông cố lại phát hiện ra một thứ. Trong dòng nước trên sông Nghi Hà, có một người đang xiêu vẹo bước ra giữa sông.
Ở đây tôi phải bổ sung thêm một chút, mọi người đừng nghĩ rằng mùa hè đến rồi, nước trong sông Nghi Hà sẽ đặc biệt sâu. Có lúc thời tiết khô hạn, nước sông Nghi Hà cạn vô cùng, có lúc nước sông cũng chỉ dâng đến chừng thắt lưng.
Vả lại, giữa sông có rất nhiều đảo nhỏ, trên những hòn đảo này thực vật xanh tươi um tùm nhiều vô số kể. Sống giữa những loài thực vật nhỏ xinh đáng yêu đó là vịt trời, cò trắng, đương nhiên còn có cả rắn nữa.
Lúc nhỏ, khi chúng tôi đi bơi trong sông Nghi Hà, thường hay nhìn thấy những con rắn nhỏ bằng ngón tay cái đang trèo trên cây giữa các hòn đảo nhỏ, cũng có con to bằng cánh tay, nhưng rất ít.
Khi ấy bên bờ sông Nghi Hà cũng thường có người giăng lưới bắt cá đêm, nhưng những người bắt cá đêm ấy thường hay có thêm một chiếc thuyền nhỏ. Mà người này đi ra giữa lòng sông, thứ nhất trong tay không cầm theo lưới, thứ hai ở đó cũng không có thuyền, điều này khiến ông cố cảm thấy rất kì lạ.
Ông cố tôi đứng bên bờ gọi người đó: “Này, cậu muốn làm gì vậy?”
Lúc ông cố gọi người đó, lão Lục bên cạnh cũng làm theo, nó hướng về phía con sông sủa liên hồi.
Một người một chó hét đến rách cổ họng, gọi đến chừng mấy phút, thế nhưng người đó vẫn không để ý đến họ, từng bước từng bước kiên quyết bước ra giữa sông. Ông cố càng nhìn càng thấy lo lắng, rõ ràng là có chuyện gì đó rồi, lập tức không nói hai lời, cởi áo nhảy ngay xuống sông. Lão Lục thấy ông cố nhảy xuống, cũng nhảy theo. Chỗ này tôi phải nói rõ một chút, lão Lục từ nhỏ đã lớn lên bên bờ sông Nghi Hà, khả năng bơi của nó không thua kém gì ông cố tôi cả.
Ông cố lấy hết sức bơi về phía trước, lúc sắp chạm được vào người đó đột nhiên lại nghe thấy giọng một người phụ nữ nói: “Đừng lo việc không đâu.” Giọng nói của người phụ nữa này đã doạ ông cố run cầm cập.
Ông cố tôi thời còn trẻ từng vào nam ra bắc, không biết đã trải qua biết bao chuyện kì dị, dưới tay cũng đã từng giải quyết không ít yêu ma quỷ quái.
Nhưng chỉ với một câu nói đã khiến ông cố rùng mình ớn lạnh như này, thật sự rất hiếm thấy.
Mặc dù chỉ nghe thấy giọng của người phụ nữ đó nhưng cả người ông đã run lên rồi. Có điều ông cũng không thể vì bị giật mình kinh hãi mà giương mắt nhìn người kia đi vào chỗ chết được.
Đã hạ quyết tâm như vậy, thế là ông cố bèn tiếp tục bơi về phía người đó. Lão Lục thân thể mạnh mẽ, bơi lội dưới nước cũng giỏi, vậy nên nó đã bơi đến bên cạnh người kia trước cả ông cố tôi, há miệng cắn người đó. Mục đích lão Lục cắn anh ta, đương nhiên không phải vì muốn cắn người, mà là nó hiểu được ý của ông cố tôi, muốn cứu người đó ra khỏi dòng nước.
Bởi vì nhìn thấy người đó càng đi càng ra sâu, nước sông đã gần ngập đến cổ rồi. Mặc dù lúc đó ở Nghi Hà đang là mùa khô, nước cũng không sâu như vậy, nhưng dưới sông nước chảy rất xiết, một bước chân có thể đi xa được mấy mét, đừng nói là người, thậm chí một con voi cũng có thể bị cuốn trôi. Thêm nữa lúc đó trời đã tối đến nỗi không còn nhìn rõ ai là ai, nếu như người đó bị nước cuốn trôi, thật sự sẽ không thể nhìn thấy là đang trôi đi đâu nữa, lúc đó có muốn cứu cũng đành phải bất lực bó tay.
Mặc dù lão Lục rất khoẻ, cũng đã cắn được áo của người đó nhưng dù có mạnh đến đâu rốt cuộc nó vẫn chỉ là một con chó, để nó đi kéo người đó, dù gắng sức thế nào cũng nhất định không kéo nổi. Lão Lục kéo người đó, nhiều nhất cũng chỉ làm giảm được tốc độ đi của anh ta mà thôi. Muốn cứu được người, phải cần đến ông cố tôi mới được.
Ông cố chỉ cách lão Lục chừng mười thước, trên mặt đất mười thước này chẳng là gì cả, nhưng ở dưới nước mười thước phải mất rất nhiều sức lực. Ông cố dồn hết sức bơi về phía trước, vài phút sau lúc sắp tóm được người đó rồi, chính ngay lúc ông cố đưa tay ra là có thể bắt được người đó, lại đột nhiên cảm thấy nước lạnh thấu xương, trong chốc lát ông cố thầm nghĩ, tiêu rồi.
Cùng lúc đó, ông cảm nhận được có ai đó đang nắm lấy chân mình.
Thật ra ở chỗ chúng tôi, sông Nghi Hà là một nơi kì lạ, nó có thể tạo phúc cho người dân, nhưng vẫn còn rất nhiều điều không thể nói rõ được. Kể từ lúc tôi bắt đầu có kí ức, mùa hè năm nào trong sông Nghi Hà cũng có vài người chết đuối cả.
Trong đám bạn chơi cùng với tôi từ nhỏ đến lớn, đã có một người vĩnh viễn mất tích trong dòng sông Nghi Hà. Ngoại trừ người bạn đó ra, còn có một người nữa may mắn thoát chết.
Khi đó chúng tôi đều học cấp hai, cả đám đều tầm mười hai, mười ba tuổi. Mấy người chúng tôi cùng chơi với nhau bên bờ sông Nghi Hà, chỉ có một mình cậu bạn kia là thả trôi người dưới nước. Lúc đang thả trôi, cậu ấy đột nhiên bị ngã xuống lòng nước sâu. Sau khi ngã xuống, cậu ấy cố hết sức vùng vẫy, nhìn thấy dáng vẻ vùng vẫy đó của cậu ấy, cả bọn chúng tôi cũng không để tâm.
Bởi vì đám trẻ chúng tôi bình thường rất thích trêu đùa, nhìn thấy cậu ấy vùng vẫy dưới nước, lúc thì ló đầu lên lúc lại chìm xuống, miệng không ngừng hét gọi gì đó, mấy người chúng tôi còn cười ha ha. Nhưng chỉ một lát sau, chúng tôi đều nhận thấy có điều bất ổn, bởi vì cậu ấy vừa vùng vẫy trong dòng nước, vừa bị bị đẩy ra giữa sông.
Đám chúng tôi thấy tiêu rồi, biết chắc là đã xảy ra chuyện, vội vã chạy tới kéo cậu bạn kia. Lúc chúng tôi đến được chỗ cậu ấy, dòng nước đó nhiều nhất chỉ ngập đến đùi chúng tôi mà thôi. Đến nơi, chúng tôi ba người túm chặt lấy cậu ấy, trong đó hai người kéo cánh tay, một người ôm lấy người cậu ấy. Cho dù như vậy, ba đứa chúng tôi suýt chút nữa thì không thể kéo được người ra khỏi thứ gì đó đang túm chặt lấy cậu ấy.
Rõ ràng chúng tôi có thể cảm nhận được, thứ lôi kéo cậu ấy có lực rất mạnh, ba người chúng tôi và thứ đó giằng co nửa ngày trời, sau cùng mới có thể kéo được cậu ấy lên bờ.
Lên đến bờ, hai cổ chân của cậu bạn này đều sưng tấy cả lên. Sang hôm sau, trên cổ chân ấy in hằn dấu bầm tím của năm ngón tay. Từ sau chuyện đó, người bạn này của tôi không bao giờ dám ra bờ sông chơi nữa.
Thứ đang nắm lấy cổ chân của ông cố tôi là gì? Sau này tôi có hỏi ông cố, ông nói rằng bản thân ông cũng không biết, thế nhưng cho dù không biết, với sức lực của ông cố tôi, sao lại có chuyện không vật lộn với thứ đó chứ?
Ông nội lại nói qua loa rằng, ra ngoài tản bộ sao lại không mang theo thứ gì bên mình? Có điều đừng quên ông cố tôi là một người có bản lĩnh thật sự, từ nhỏ ông đã được học rất nhiều thuật trừ ma. Nhưng rốt cuộc nó có tác dụng gì hay không, chúng tôi đều không biết, cũng không ai dám đoán bừa.
Theo lời ông cố nói, lúc đó ông đã thi triển một loại pháp thuật vô cùng lợi hại, gọi là quang hoa đại đế ngự lôi chú. Ông cố nói, để sử dụng được pháp thuật này, bắt buộc phải bịt kín hơi thở để triệu hồi Thiên Lôi. Thiên Lôi là vật chí cương chí dương, có thể thu phục mọi loài yêu ma quỷ quái trên thế gian.
Tôi hỏi ông cố: “Vậy Thiên Lôi từ trời đánh xuống có bộ dạng thế nào?” Ông cố nói: “Thiên Lôi từ trời đánh xuống chính là một tia chớp, tia chớp này, con muốn ông ấy đánh nó vào đâu ông ấy sẽ đánh vào đó.”
Tôi lại hỏi ông cố: “Vậy lúc đó ông bảo tia chớp đánh vào đâu?”
Ông cố gãi đầu, biểu hiện như kiểu không thể bịa nổi câu chuyện này nữa vậy. Nghĩ một lúc, ông mới nói: “Ta bảo tia chớp ấy đánh vào trong lòng sông.”
Sau đó tôi được học môn vật lý, mới biết được những lời ông cố nói chỉ ba hoa khoác lác mà thôi. Nếu như tia chớp đó thật sự đánh xuống lòng sông, đừng nói là ông cố tôi, cộng thêm cả lão Lục, thêm luôn Lưu đại gia đang ở dưới sông, cả ba người đều sẽ bị nướng chín, sau đó rắc thêm chút thì là, lại thêm chút ớt cay lên trên, vậy thì đó chắc chắn sẽ là một món thịt nướng ngon tuyệt.
Đáng tiếc lúc đó cũng chẳng có ai được chứng kiến tình hình cụ thể, sau này tôi có hỏi Lưu đại gia, Lưu đại gia cũng nói là ông cố tôi đã triệu hồi Thiên Lôi xuống, còn cởi áo ra cho tôi xem vết hằn khi ấy bị Thiên Lôi đánh trúng nữa. Các bạn đừng vội nói gì, trên người Lưu đại gia chi chít những vết hằn, thật sự giống hệt như bị điện cao thế giật vậy.
Tóm lại, tối hôm đó sau khi ông cố tôi hồi phục được năng lực, liền lôi người ở dưới sông lên bờ, lôi lên bờ xong ông cố nhìn người đó một cái lập tức giật mình kinh ngạc, đây chẳng phải là Tiểu Lưu sao?
Khi đó, Lưu đại gia vẫn còn giống như đang bị ai đó mê hoặc vậy, tiếp tục muốn đi xuống sông, sau khi ông cố dùng hết sức tát lên mặt ông ấy mấy cái, Lưu đại gia mới từ từ tỉnh táo lại.
Lưu đại gia vừa tỉnh dậy, dụi mắt mấy cái, lúc này mới nhìn rõ người đang ở trước mắt mình là ai? Bèn hỏi: “Chú ba, chú đánh con làm gì vậy?”
Ông cố tôi nói: “Tao không đánh mày, tao không đánh mày thì mày đã sớm nhảy xuống sông bị dìm chết rồi.”
Lưu đại gia nghe ông cố nói xong vậy mà lại nổi nóng với ông: “Dìm chết con? Ý gì chứ? Con đi tìm vợ của con, chú lại kéo con lại, chú bảo con đi đâu tìm lại vợ bây giờ?”
Ông cố nghe Lưu đại gia nói vậy liền gãi đầu hỏi: “Không phải mày trước giờ không có vợ sao? Mày đi đâu tìm vợ?”
Lưu đại gia ngóc đầu lên nói: “Sao con lại không có vợ, vợ của con rất xinh đẹp đấy.”
Ông cố nghi hoặc hỏi: “Vợ của mày từ đâu tới?”
Lưu đại gia trước sau bình thản nói: “Từ chỗ sông này tới.” Ông cố lầm bầm nói: “Con sông này còn có thể tặng vợ cho mày, không phải mày đang nói nhảm chứ?”
Lưu đại gia nghe thấy ông cố bảo mình nói nhảm thì rất khó chịu, bèn nói: “Sao con lại nói nhảm với chú làm gì, vợ con thật sự là từ con sông này mà tới.”