Hôm nay có gì mới không?Rùa thiêng ở Hồ Gươm nổi lên mặt hồ.
Chiều hôm qua vào hồi 15h30 cụ rùa trăm tuổi ở Hồ Gươm lại nổi lên mặt nước trong khoảng gần một giờ. Có hàng trăm người đã tụ tập quanh bờ hồ Hoàn Kiếm để xem cụ rùa. Hiện nay chưa ai biết đích xác ở Hồ Gươm còn bao nhiêu cụ rùa. Cụ rùa này có đặc điểm là trên đầu có một đốm trắng.
Mỗi lần rùa thiêng Hồ Gươm nổi lên đều báo hiệu thời kì thịnh vượng của đất nước.
- Ối dào, nước hồ ô nhiễm đặc quánh như vậy cụ rùa phải chui lên mà thở chứ, chả lẽ chịu chết ngạt à?
Hôm nay có gì mới không?
Sáng hôm nay vào khoảng mười giờ rùa thiêng lại nổi lên mặt nước. Vẫn là cụ rùa có cái đốm trắng trên đầu.
Hôm nay có gì mới không?
Cầu Chương Dương đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được tu sửa ngay có nguy cơ bị sập.
Cầu Chương Dương đã được đưa vào sử dụng hơn hai mươi năm nhưng chưa một lần được tu bổ. Bộ giao thông đã có phương án tu bổ lại cầu Chương Dương.
Hôm nay có gì mới không?
Ngày hôm qua, nhà Rùa hồ Gươm học, GSTS Đ đã phát hiện ra một ổ trứng sáu quả ở chân tháp Rùa. Trứng màu trắng có đường kính 10 mm. Theo GS Đ đây có thể là trứng rùa. GS Đ đã cẩn thận mang ổ trứng về nhà đem ấp.
- Tin chỉ có thế không bình luận gì à?
- Còn đợi trứng nở ra đã chứ.
- Phen này cụ rùa trăm tuổi đẻ ra con thì đất nước mình sẽ hoá Rồng.
Hôm nay có gì mới không?
Để giải quyết nạn ách tắc ở cầu Chương Dương Bộ giao thông đã quyết định bắc cầu phao.
- Các cậu có biết cầu Chương Dương được bắc khi nào không?
- Thì cùng thời với cầu Thăng Long.
- Thời bao cấp mà các cụ ta giỏi phết, bắc một lúc những hai cái cầu to đùng. Có hai chiếc cầu này mới mở mang được kinh tế cho Thủ Đô nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.
Hôm nay có gì mới không?
Mười một tỉ đồng đã bị thất thoát trong xây dựng cơ bản.
- Cậu lấy con số đó ở đâu ra vậy, có đáng tin cậy không?
- Hoàn toàn tin cậy vì đây là con số đã được đưa ra trong phiên họp Quốc hội chiều hôm qua.
- Chỉ được đưa ra con số thôi nhé, không bình luận gì cả.
- À cậu đã về đấy à, có viết được gì không?
- Báo cáo anh, có nhiều cái để viết lắm nhưng chưa biết triển khai theo hướng nào để cho tốt đây,
- Phóng sự hay kí sự cũng được.
- Có chuyện này ám ảnh tôi quá nhưng tôi biết có viết vào thì anh cũng cắt đi mà thôi.
- Vậy cậu đã quên cái cách làm việc của toà soạn này rồi hay sao. Vấn đề gì không viết được bằng tay thì viết bằng mồm đi vậy.
- Tôi được một cô phóng viên báo tỉnh dẫn xuống một bản. Trước khi đi cô ấy mua nửa cân đường rồi gói thành những gói nhỏ. Tôi đã quen với việc các cô nàng phóng viên hay có những thói kì quặc nên không hỏi. Buổi tối chúng tôi vào một gia đình. Cô phóng viên lấy ra một túi đường nhỏ đưa cho bà mệ. Ba đứa con choai choai xúm vào mệ để xem gói đường nhỏ đó. Cô phóng viên giải thích cho bà mệ đó là cái gì. Bà mệ bèn ra ngoài hái một chiếc lá rồi đổ từng tí đường trong cái gói nhỏ đưa cho từng đứa con. Đứa thứ ba lúng túng thế nào để rơi mấy hạt đường xuống đất, bà mệ liền vả vào mặt con đến đốp một cái. Thằng bé ngã ngửa người ra đằng sau nhưng ngồi dậy ngay. Nó xin mệ nó cho một lần nữa vì nó chưa bao giờ được ăn thứ đó nhưng mệ nó dứt khoát không cho nó. Mệ nó gói chặt gói đường nhỏ lại cất vào cạp váy. Tôi đã nhìn thấy ánh mắt thất vọng của thằng bé. Ánh mắt đó ám ảnh tôi suốt cả chuyến đi.
- Thì có khác gì nỗi ám ảnh của tôi khi đến thăm một huyện đảo dạo trước. Trong phòng thầy hiệu trưởng của một trưởng cấp một có một lọ đường rất to. Tôi tò mò hỏi thầy được thầy giải thích: Đây là lọ đường được các thầy cô góp lại để cứu các em học sinh bị hạ đường huyết. Những ngày biển động cha mẹ các em không đi biển được nên có nhiều em phải nhịn đói. Nhiều em bị xỉu ở trên lớp nên các thầy cô mới nghĩ góp nhau lọ đường này để cứu các em.
- Thôi hãy viết bằng tay đi nào.
- Này hộ đói nghèo của nước ta còn bao nhiêu phần trăm ấy nhỉ?
- Mười sáu phần trăm tính theo quy chuẩn mới.
- Quy chuẩn mới là sao?
- Trước thu nhập dưới 15 kg gạo một tháng thì thuộc diện đói nghèo, giờ dưới 12kg gạo một tháng mới thuộc diện đói nghèo.
- Ơ sao lại thế?
- Thôi chấm dứt bình luận, làm việc đi.
Hôm nay có gì mới không?
Một cậu ấm con một quan chức trong buổi sinh nhật của mình đã lấy tiên của bố mua 10 chiếc xe máy @ để tặng cho bạn.
- Báo nào đưa tin thế?
- Bản tin nội bộ để các báo không được đưa tin kẻo ảnh hưởng đến dư luận, đây là trường hợp cá biệt.
Hôm nay có gì mới không?
Thủ tướng chính phủ đã kí vào hiệp ước quốc tế về vấn đề chống tham nhũng.
Hôm nay có gì mới không thế?
Nước Hồ Gươm đã cạn chỉ còn hai gang tay. Bên cầu Thê Húc cạnh Hồ Gươm có một tháp bút.
Hôm nay có gì mới không thế?
Tổng kết nhiệm kì năm năm của Thủ đô Hà Nội còn 15.700 lá đơn khiếu kiện. Có những lá đơn nặng hàng kg.
- Bút mực nào cho xuể đây.
- Trách nào nước Hồ Gươm chẳng cạn.
Hôm nay có gì mới không?
- Đang phát lại chương trình Nối vòng tay lớn đấy. Ai chưa xem mở ra mà xem.
- Ông xem chưa?
- Rồi.
- Được không?
- Cứ xem rồi biết. Nói trước mất thiêng.
- Ừ chương trình nó làm được đấy chứ.
- Nhà đài không cần khen. Xem cho nó hết đi đã.
- Dài dòng quá.
- Thì người ta bỏ tiền ra dù ít dù nhiều cũng cần phải quảng cáo chứ.
- Speaker họ Lại điêu luyện quá nhỉ.
- Nhà đài không cần khen.
Trên màn ảnh vô tuyến không khí bỗng nghiêm trang. Speaker họ Lại rời khỏi sân khấu xuống hàng ghế khán giả đến bên một chiếc xe lăn. Ống kính chỉ lướt qua có vài giây nhưng cũng để người xem nhận thấy trên xe lăn là một em bé bị bại não, không tự làm chủ được hành vi của mình, không từ làm được bất cứ điều gì cho bản thân kể cả việc đi lại. Speaker hỏi em bé:
- Em nghĩ gì mà em lại ủng hội quỹ vì người nghèo 100.000đ?
- Ớ ớ ớ, ú ú ú…
- Tôi nghiêng mình trước em.
- Sao lại thế này? Nhà đài nó coi người xem là ngu hết cả rồi hay sao mà nó đi dựng một kịch bản hề hãm đến thế. Một thằng bé tật nguyền đến thế. Nó nghèo hơn mọi cái nghèo ở trên đời này. Nó còn chẳng nghĩ được là nó đang tồn tại kia mà.
- Đau khổ gì thế ông. Nó là một thằng bé tật nguyền thần đồng.
- Còn tôi, tôi cũng phải nghiêng mình trước những trò hề.
Hôm nay có gì mới không?
Sau một tuần phát động chương trình quỹ vì người nghèo đã có nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia ủng hộ. Có những bác đã về hưu ủng hộ cả một tháng lương. Có những em học sinh đã nhịn ăn sáng để lấy tiền ủng hộ. Sau đây là danh sách:
- Bác N số nhà 34 phố T ủng hộ 300.000đ
- Chị H số nhà 21 phố N ủng hộ 100.000đ
…
- Cháu M 3 tuổi… ủng hộ 300.000đ
Danh sách còn tiếp tục với nhiều ấu nhi nghĩa hiệp.
Hôm nay có gì mới không?
Mười đơn vị được giao nhiệm vụ mang hàng cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung thì có chín đơn vị vi phạm làm thất thoát từ 30 đến 70 phần trăm.
- Báo nào đăng tin đó thế?
- Bản tin nội bộ. Các báo không được đưa tin này vì sẽ ảnh hưởng đến phong trào.
Hôm nay có gì mới không?
Tỉnh đoàn H đã làm thất thoát 120.000.000đ tiền cứu trợ.
Hôm nay có gì mới không?
- Thôi xem báo làm gì. Người thật việc thật đây này.
- Chuyện thế nào?
- Tay hàng xóm có một cửa hàng bán đồ điện tử. Ông con thích một cái đầu đĩa. Mới nghĩ hàng xóm với nhau chẳng được mua rẻ thì cũng được mua đồ thật. Nó lấy cho mình một cái bảo là hàng liên doanh. Chạy mới được một tháng thì lăn cổ ra hỏng. Mang ra cửa hàng sửa chữa, tháo ra mới biết trong toàn đồ Tàu rởm. Sang nói với nó, mặt nó tỉnh bơ:
- Tôi cũng đi mua lại sao biết được đồ bên trong.
- Bố này chưa được dạy bài học đầu tiên khi bước vào đời rồi. Chuyện là thế này:
Bố mang con trai đến một cái cây cao, bảo con trèo lên đó:
- Nào con trai hãy nghe này. Cuộc sống có rất nhiều khó khăn mà cón không thể lường trước được nên rất cần ở con lòng dũng cảm.
Con trai nghe lời bố trèo lên một cái cành cao trên cây.
- Bây giờ con hãy nhảy xuống đất để chứng tỏ lòng dũng cảm của mình đi nào.
- Nhưng bố ơi con sợ lắm.
- Con trai không phải sợ, đã có bố dưới này đỡ con rồi mà.
Cậu bé yên lòng khi nhìn thấy dưới gốc cây người bố dang hai cánh tay để đón cậu. Cậu bèn nhảy xuống đất. Nhưng khi cậu bé vừa bắt đầu nhảy xuống thì người bố rụt tay lại. Cậu bé bị ngã một cái rất đau và oà khóc nức nở. Người bố thủng thẳng nói với con:
- Đừng khóc nữa, đó là một bài học đầu tiên mà bố muốn nói với con là cuộc sống bây giờ Thạch Sanh thì ít mà Lí Thông thì nhiều nên con không thể tin bất cứ bố con thằng nào.
Hôm nay có gì mới không?
- Dừng tay pha ấm trà. Có chuyện sốt dẻo đây.
- Chiều qua tôi đi dự phiên toà ở tỉnh L. Bị cáo là một nông dân ở một huyện miền núi. Toà hỏi chị ta:
- Tại sao bị cáo lại giết chông?
- Thưa toà, tại tối nào nó cũng bảo nó đi họp ạ.
- Đi họp cũng là tội à?
- Nó đi họp hàng năm ý rồi nó về nó đánh miềng đau lắm. Nó còn không ngủ với miềng nữa.
- Thế rồi sao?
- Miềng mới đi theo nó. Nó đến nhà một người đàn bà. Đầu tiên hai cái phát nương nó gặp nhau, rồi đến hai cái ăn cơm nó gặp nhau, rồi đến hai cái đi đái nó gặp nhau. Miềng tức không chịu được miềng lấy dao quắm chém nó. Nó chết rồi.
- Bị cáo có biết người phụ nữ nước ta có những đức tính tốt đẹp gì ko?
- Miềng biết chứ, Cam chịu, Trung hậu, Đảm đang.
- Không phải là cam chịu mà nên biết chịu đựng rồi dùng lời lẽ phải trái mà khuyên nhủ chồng con nó quay về với mình chứ, sao lại đi giết người. Bị cáo đã nhận ra lỗi của mình chưa? Bị cáo có ân hận vì tội lỗi của mình không toà cho nói lời cuối.
- Tôi giết người thì tôi phải đi tù thôi. Tôi chỉ ân hận là cứ noi gương cô Tấm. Giết người rồi, lại còn làm mắm mà vẫn được làm hoàng hậu.
- Bị cáo nói cái gì vậy?
- Vâng bà tôi đã kể cho mẹ tôi, mẹ tôi lại kể cho tôi nghe chuyện cô Tấm, cô Cám. Tôi cứ ước ao được như cô Tấm ạ.
- Rồi sao nữa?
- Rồi kết thúc phiên toà.
- Thế cậu định viết thế nào?
- Tường thuật lại phiên toà, cắt bỏ lời cuối của bị cáo.
- Tốt, hoàn thành sớm đi.
Hôm nay có gì mới không?
70 triệu USD vay của ngân hàng thế giới cho chương trình cải cách giáo dục tiểu học nước nhà. Bài học đầu tiên của năm học trước được bắt đầu bằng chữ O, gà gáy ò ó o thì nay được thay bằng chữ E. Trẻ con như tờ giấy trắng chữ O hay chữ E đầu tiên cũng như nhau thôi. Chỉ tội bao nhiêu bản sách giáo khoa sẽ bị huỷ bỏ. Lũ trẻ sẽ được người ta thí nghiệm như thí nghiệm chuột bạch. Rồi chính lũ chuột bạch khốn khổ đó mai sau lớn lên phai nai lưng ra mà làm việc để trả món nợ ó ò o và be be be.
Hôm nay có gì mới không?
Tình trạng học quá tải và sức ép trong thi cử đã dẫn đến sự gia tăng học sinh bị suy nhược thần kinh.
Trong một lớp học nọ khi thầy giáo đến bên một học trò để kiểm tra bài, học sinh nọ đã vồ lấy tay thầy mà cắn rồi reo lên: Thầy ơi em muốn ăn thịt thầy quá trời. Trong một lớp học khác một học trò mở mắt đăm đắm nhìn lên bảng đen nhưng khi thầy gọi mãi mà không thưa. Thì ra em đã tập được cách ngủ mở mắt.
Hôm nay có gì mới không?
Thưa tiên sinh N. Tôi thật khâm phục ngài vì sự hiểu biết của tiên sinh nhưng ngài mới biết một mà không biết hai. Tôi cũng không trách việc ngài bênh nữ nhà văn chỉ chăm chăm nhìn vào đũng quần của người khác. Việc thích văn của người này hay không thích văn của người khác là việc riêng của ngài. Tại sao ngài lại cứ bắt người khác phải theo gu của mình…
- Thôi ông chẳng phải nhọc công đọc hết bài làm gì, ai chẳng biết nó kết thúc ra sao.
- Thì vẫn biết số báo này ông tiên sinh này nói cái tôi thế này, số báo sau ông tiên sinh kia phải nói lại cái tôi thế kia. Nói đi nói lại mãi chán thì thôi chẳng có ai đứng ra làm trọng tài xem ai đúng ai sai.
- Văn chương nghệ thuật mà ông lại đòi có đúng có sai ư?
- Theo tôi chỉ có hay có dở thôi.
- Không khéo các ông lại sắp lên tầng bốn để ở rồi.
- Sao lại lên tầng bốn?
- Vậy chứ các ông chưa biết ngôi nhà bốn tầng vừa giật giải thiết kế đặc biệt à. Đó là một ngôi nhà không có hố xí. Tầng một để cho các cháu mẫu giáo, bọn chúng ỉa vào bô. Tầng hai để cho sinh viên ở, chúng có ăn gì đâu mà ỉa. Tầng ba để cho quan ở, họ quen ỉa vào đầu dân. Tầng bốn để cho văn nghệ sĩ ở, họ ỉa vào mồm nhau.
Hôm nay có gì mới không?
- Hôm nay anh ước gì?
- Tôi ước. Anh ước. Chúng ta ước…
- Sao ông căng thẳng thế?
- Đang bí từ. Sếp bảo mười giờ phải nộp bài mà vẫn chưa mở xong vấn đề.
- Về vấn đề gì?
- Xã luận: Đất nước đi lên theo thế rồng bay.
- Hóc phết.
- Tôi gợi hộ ông nhé. Hãy bắt đầu từ ước muốn của nhân dân.
- Ước muốn của nhân dân ư? Ước con vịt giời mà xào khan hay là ba điều ước?
Người Việt Nam truyền nhau những câu chuyện vui đầy tính hài hước nhung đậm đặc tính cách người Việt.
Câu chuyện ước con vịt giời sau: Có một gia đình nông dân chiều đến dọn cơm ra sân để ăn. Cơm chỉ có vài ngọn rau lang với nước mắm cáy. Đang ăn có con vịt giời bay ngang qua. Anh chồng ngửa cổ lên giời ước: Giá có được anh kia xào măng nhắm rượu nhỉ?
Người vợ bảo: Thêm tí nước vào cho con nó chan.
Anh chồng bảo: Anh này phải xào khan mới ngon.
Người vợ bảo: Thêm tí nước vào cho con nó chan.
Anh chồng bảo: Phải xào khan.
Người vợ bảo: Đồ ăn tham như chó, đã bảo thêm tí nước vào cho con nó chan mà cũng không cho.
- Mày bảo ai ăn tham?
- Tôi bảo anh í.
- Này thì ăn tham này, bốp bốp.
- Ối làng nước ơi nó đánh tôi chết mất.
Khi hàng xóm chạy sang can ngăn thì con vịt giời đã bay xa hàng dặm. Dưới đất cơm canh tung toé. Thế là đến chút cơm hẩm với rau lang cũng chẳng còn mà ăn.
Câu chuyện ba điều ước như sau: Có hai vợ chồng nhà kia được Phật cho ba điều ước. Hai vợ chồng rất sung sướng ngồi nghĩ xem mình thích điều gì nhất để ước. Người vợ thì thích nhà đầy tiền bạc, thóc lúa. Người chồng thì chỉ thèm một khúc dồi chó. Cậy mình là chồng được nói trước người chồng ước:
- Ước gì có khúc dồi chó.
Điều ước linh ứng ngay. Một khúc dồi chó thơm ngậy xuất hiện trước mặt hai vợ chồng.
Người vợ rất tức tối vì người chồng chỉ ước một điều tầm thường như vậy nên bèn ước: ước gì khúc dồi chó dính vào mồm người chồng. Tức thì khúc dồi chó dỉnh lủng lẳng vào mồm ông chồng trông thật kinh dị. Hai vợ chồng cùng ngẩn người ra. Miếng dồi chó dính vào mồm trông thật xấu xí mà chỉ còn một điều ước sau cùng. Nếu ước vàng bạc châu báu thóc lúa đầy nhà thì lại có một ông chồng xấu xí kinh dị thế kia. Thôi thì phải dùng đến điều ước thứ ba. Ước gì miếng dồi chó biến mất.
Hôm nay có gì mới không?
Động đất ở I ran, ước tính số người chết sẽ lên đến năm mươi ngàn người.
- Khủng khiếp quá, sao lại nhiều người chết đến thế hả trời?
- Vẫn biết sẽ có lúc phải chết nhưng không sao quen được với nó, cái chết sao mà khủng khiếp thế.
- Ơn trời, cuộc sống ở mọi nơi trên trái đất này vẫn còn nhiều bất công, còn nhiều đói nghèo, còn nhiều dối trá… Có sự bất công mới thấy yêu quý sự công bằng. Có cái nghèo mới biết vươn lên làm giàu. Và trong sự dối trá kia sẽ là sự thật. Cuộc sống ơi ta vẫn còn đang sống.
- Em có hiểu không Nấm? Em đừng oán trách số phận đã sinh ra em như thế nhé. Em có một đôi chân dài thế nào cũng không đi nhanh hơn cái đầu được đâu. Em hãy học cách mơ mộng để sống đi. Chúng mình đang sống mà còn họ thì chết rồi.
- Cuối bản tin thời sự ngày nào cũng có cái chết mà sao vẫn không thể quen được.