Khi trời tạnh mưa thì cũng là lúc hoàng hôn đang dần buông xuống.Trên đường một vũng nước vẫn còn đọng lại, mặt nước lá vàng khô và cành cây bị gió thổi gãy nhè nhẹ trôi lềnh bềnh, một cảnh sắc đìu hiu điêu tàn. Có lẽ do thu hàn bỗng nhiên đến, lại đúng lúc hoàng hôn xuống, trên đường ít người qua lại.Khánh Kỵ mặc lên người y phục của gia tướng thị vệ, cầm theo một thanh kiếm, rời khỏi phủ Di đại phu.
Trong phủ Di Tử Hạ không có thực khách, ra vào đều là gia tướng trong phủ, những gia tướng này đều biết Khánh Kỵ, biết hắn bây giờ là thị vệ được sủng ái của Di đại phu, Di đại phu đi đâu cũng đưa hắn đi cùng. Khánh Kỵ khiến cho họ có cảm giác tuy trầm mặc ít nói, cũng không được thân thiện cho lắm, nhưng đối nhân xử thế cũng được xem là khiêm nhường, có lễ độ. Thế nên dù không nồng nhiệt nhưng họ cũng chắp tay đánh tiếng chào hỏi. Khánh Kỵ đáp lễ, nét mặt ung dung rời phủ Di Tử Hạ đi dạo trên đường.
Khánh Kỵ ra ngoài đương nhiên không giống như những gia tướng thị vệ đi tìm quán rượu giải khuây hay đến lầu xanh mua vui. Hôm nay người của Khánh Kỵ đã phi ngựa đến báo, đám người Lương Hổ Tử đang ngày đêm dẫn đại quân thần tốc đến, một trăm hai mươi tám dũng sĩ nhanh nhẹn, cường tráng đã đến trước mai phục ngoài cửa ải Thanh Ngõa Quan. Khánh Kỵ trong lòng đã quyết.
Ngày mai, đợi toàn quân đến Thanh Ngõa Quan, bên này phải hành động ngay. Đến thời điểm đó, phủ Công Mạnh Trập sẽ trở thành chiến trường chính. Khánh Kỵ khá tin tưởng thuộc hạ của mình là Đại tướng Lương Hổ Tử, để Lương Hổ Tử một mình dẫn quân. Những chuyện như chặn đường cản địch đương nhiên hắn ta làm được, không cần Khánh Kỵ phải đích thân giám sát và đốc thúc tác chiến. Khánh Kỵ muốn lưu lại Đế Khâu để tiện theo dõi tình hình.
Bởi vì đại sự sắp diễn ra, Khánh Kỵ muốn hiểu rõ hơn địa hình trong thành Đế Khâu. Lúc này, Khánh Kỵ muốn nhân lúc sau cơn mưa mùa thu ít người qua lại, đến gần phủ Công Mạnh Trập quan sát kiến trúc hai bên trái phải, đường đi trước sau. Để đạt được thành công thì cần phải hiểu rõ ngọn ngành. Vì Công Mạnh Trập nếu binh bại, rất có khả năng sẽ chạy vào cung cầu cứu Vệ Hầu. Tường thành trong cung vững chắc, dễ phòng thủ khó tấn công, trong cung lại có đội quân tinh nhuệ đóng giữ, nếu để chúng trốn thoát vào trong thì đại sự bất thành.
Mặc dù nói Công Tử Triều dường như khá tin tưởng vào sự khuất phục của Nam Tử lúc lâm nguy, nhưng Khánh Kỵ lại không thể mang quyền chủ động hoàn toàn kỳ vọng vào sự chân thành của Nam Tử đối với Công Tử Triều. Ngộ nhỡ Công Tử Triều không thể khống chế cung vệ, cấm vệ. Hoặc Vệ Hầu không bị họ giam lỏng trước. Vậy nếu có thể giết chết Công Mạnh Trập trước khi cung vệ thành vệ hành động, thì cũng giống như có thể đạt được mục đích. Vì thế mà mọi việc cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước, nắm vững địa hình xung quanh Phủ Công Mạnh Trập là điều rất cần thiết.
Có ba con đường thông suốt giữa Phủ Công Mạnh Trập và Cung điện. Trong đó có một đường lớn, xe ngựa thường ngày qua lại, cực kỳ sầm uất, lúc đó sau cơn mưa hoàng hôn buông xuống tuy ảm đạm nhưng trên đường người vẫn túm năm tụm ba, cũng không ít người qua lại. Con đường này không thể là đường Công Mạnh Trập chạy trốn, bởi vì đường lớn rất dễ bị đuổi kịp, vả lại họ sẽ tấn công Phủ Công Mạnh Trập từ cửa chính. Công Mạnh Trập nếu có thể xông ra ngoài vòng vây từ cửa chính thì rất có khả năng là đã chuyển bại thành thắng, đánh tan quân địch, như vậy thì hà tất phải phá vây bỏ trốn.
Khánh Kỵ đảo mắt, theo dò hỏi từ trước đi xem con đường thứ hai. Con đường thứ hai này ngoằn ngoèo khúc khuỷu, là hẻm giữa các nhà dân tạo thành một con đường nhỏ quanh co. Có rất nhiều lối rẽ, lúc đó vì trời mưa lầy lội nên Khánh Kỵ chỉ đi vào ngõ một đoạn không xa, chỉ đi qua hai lối rẽ liền quay về đường cũ.
Ở đây giống như mê cung vậy, nếu như không phải người dân hàng ngày sinh sống ở đây, đi vào rất dễ bị lạc. Con đường này vốn dĩ nên là con đường chạy trốn tốt nhất, nhưng lại không hợp với Công Mạnh Trập, Công Mạnh Trập thân phận là hạng cao quý, không thể hiểu rõ đường quanh co khúc khuỷu thứ dân ở trà trộn này được. Còn các võ sĩ thuộc hạ thân tín của hắn cũng không thể thông thạo vượt qua khu dân cư này.
Con đường thứ ba…
Khánh kỵ đứng hai bên sông quan sát. Con đường này gần sông, nối liền với một con sông của thành Đế Khâu, xem ra không rộng không sâu, một bên thông với tường sân sau của phủ Công Mạnh Trập, một bên thông hướng về cung điện, đến phía trên thành cung điện là sông Ngự rồi.Đi một hồi ven theo bờ sông, phát hiện ra đường đê bên sông khá bằng phẳng, nước sông lúc đó còn nhìn thấy một chiếc lá buộc bên mạn thuyền con theo dòng nước đong đưa.
- Ừm, con đường này chắc là con đường Công Mạnh Trập chọn để thoát thân trong lúc hoảng sợ. Chúng ta có lẽ nên bố trí quân mai phục. Nhưng, Bắc Cung, Tề Báo tập trung người ngựa có hạn, nếu phân binh, e rằng lực mỏng, tiếc là … Tề Báo bọn họ có đề phòng ta, không cho người và ngựa của ta vào Đế Khâu…
Khánh Kỵ đang suy nghĩ thì đột nhiên nghe thấy đằng sau vọng tới một loạt tiếng bước chân nhỏ. Khánh Kỵ lập tức quay đầu nhìn thì đã có bảy tám người đứng ngay đằng sau, tay cầm binh khí, bao vây thành hình cánh chim nhạn. Những người này hai mắt chằm chằm nhìn Khánh Kỵ, mặt hằm hằm sát khí, rõ ràng những kẻ này không thân thiện. Khánh Kỵ trong lòng thầm tự cảnh giác, nhè nhẹ nắm chặt thanh kiếm.
Trong đám người này có một tên hình dáng gầy còm, đôi mắt sắc bén, nhìn cử chỉ rõ ràng là tên cầm đâu. Hắn cười lạnh một tiếng, đưa tay ra hiệu, đám người liền xông tới Khánh Kỵ.
Khánh Kỵ vừa di chuyển người quan sát thế trận bao vây của bọn chúng, vừa gằn giọng hỏi:
- Chư vị đến từ đâu? Có thù oán gì với tại hạ?
Ngao Thế Kỳ cười lạnh đáp:
- Ngươi không cần biết bọn ta đến từ đâu, hôm nay ta đến bắt ngươi, chúng ta đang muốn biết ngươi đến từ đâu.
Khánh Kỵ nghe xong cảm thấy yên tâm hơn một chút, chỉ cần bọn họ không biết thân phận thật sự của mình, như vậy thì có rất nhiều cách. Khánh Kỵ đưa mắt nhìn bốn xung quanh một lượt, hé mắt nhìn một khoảng trống, hét lên một tiếng rút kiếm xông tới.
Người đó thân hình cao lớn, tay cầm một cái giản đồng nặng chích (giản: một loại binh khí cổ). Khánh Kỵ nhìn hắn di chuyển có chút chậm chạp, thân thủ không linh hoạt, Khánh Kỵ lúc này chỉ muốn phá vây, không muốn ham chiến, liền nghĩ dựa vào hắn phá vỡ lớp vòng vây.
Đại hán kia mắt nhìn Khánh Kỵ nhún người bổ tới, lưỡi kiếm sáng lóe lên, ánh hào quang cùng ập tới đập vào mặt. Đại hán hoảng hốt giơ giản đồng lên ứng phó. Trong tay hắn là chiếc giản đồng nặng chích, cho dù kiếm kia là thượng thừa bảo kiếm cũng không thể địch được binh khí nặng khó chặt khó chém như thế này. Đại hán trong lòng chắc mẩm lưỡi kiếm chém vào giản đồng thế nào cũng bị gãy.
Khánh Kỵ vung kiếm ra chém, vẫn giữ được bốn phần sức lực. Kiếm giản va vào nhau, Khánh Kỵ bỗng vặn mình rút kiếm ra, mạnh mẽ rút về bổ ra một kiếm. Gió lốc lướt qua, đại hán kia kêu to hạ xuống, giơ tay ra sờ sờ, áo giáp bị rách, tay đầy máu. Thực ra hắn chỉ bị Khánh Kỵ chém một vết vào giữa bụng, nhưng hắn lại cảm thấy đau đớn, lại nhìn thấy máu tuôn ra nên vu rằng Khánh Kỵ đâm thủng bụng hắn. Tự nghĩ thế nào cũng chết, trong lúc hung hăng, hai tay giơ giản đồng vọt dựng lên, nhằm vào Khánh Kỵ mà đâm.
Khánh Kỵ một chân giẫm vào vũng nước, lớp bùn bắn lên ngăn hai tên võ sĩ tiếp cận. Thấp người xuống Khánh Kỵ né được giản đồng của đại hán, khuỳnh khửu tay hung hãn đánh vào ngực tên đại hán. Đại hán kia nhận của Khánh Kỵ một kiếm vốn dĩ bị thương không nặng, bây giờ ngực bị khửu tay của Khánh Kỵ đập mạnh, phát ra tiếng xương bị gãy, máu tươi phun ra bắn vào mặt Khánh Kỵ, kêu thảm thiết. Đại hán thân hình cao lớn bị đánh bay ngược trở lại, hất ra xa hai trượng, đập vào nền đất bùn bịch một tiếng. Thở yếu dần, nhìn thấy không sống được nữa.
Cùng lúc Khánh Kỵ đánh bay đại hán, một tên võ sĩ nhân cơ hội cầm giáo dài đâm vào eo Khánh Kỵ, Khánh Kỵ dựa vào lực khửu tay nghiêng người tránh cây giáo. Do chân bị ướt, trọng tâm không vững nên cả người Khánh Kỵ bị ngã xuống đất. Hắn thực sự muốn thoát khỏi đây, đặt ngang kiếm lướt một lượt, một tên võ sĩ bị bổ trúng mắt cá chân, chân bị cắt đứt, ngã bịch xuống đất la hét dữ dội lăn vào Khánh Kỵ.
Khánh Kỵ túm lấy cơ thể quằn quại của hắn cùng dịch chuyển, tránh những lưỡi kiếm đâm tới. Khánh Kỵ trở tay đẩy hắn ra, đánh hai tên võ sĩ trước mặt, nhân cơ hội vọt lên phía trước. Phía trước có hai bụi cây cao bằng nửa người, ở giữa là con đường hắn đi lúc đến đây. Khó khăn lắm mới chạy được đến bên lùm cây thì sau lùm cây đột nhiên có tiếng quát :
- Hãy nộp mạng!
Một bóng người uốn cong nhảy ra, kiếm trong tay vung lên giữa không trung tạo nên vầng sáng lung linh,vầng sáng này chuyển động cũng không biết muốn đâm vào ngực hay vào mặt Khánh Kỵ. Khánh Kỵ không thể ngờ rằng đối phương lại có mai phục, hoảng sợ lùi lại, người kia nhảy xuống đất, xoảng xoảng lại là ba thanh kiếm đâm tới, thân thủ mạnh mẽ, nhanh nhạy như vượn, bắn lên, xuất kiếm, nhảy xuống, thu kiếm, xoay người, đâm tiếp, tất cả hành động đều thành thục lưu loát, vừa đẹp lại sắc bén.
Khánh Kỵ chỉ hận không tiện có binh khí trong tay, bị vị thiếu niên áo đen này làm cho lại lùi hai bước, nhìn đằng sau đám võ sĩ đã đuổi tới nơi. Khánh Kỵ không muốn lại lùi nữa, dựa vào lực cánh tay, trầm giọng quát, giơ kiếm xông thẳng vào vị thiếu niên. Lúc này vị thiếu niên lật cổ tay, kiếm hướng chính vào chỗ dưới cổ họng ba tấc, nếu Khánh Kỵ không tránh thì đương nhiên lưỡi kiếm kia sẽ đâm trúng vào cổ họng. Nhưng với tốc độ vung kiếm của Khánh Kỵ thì vị thiếu niên áo đen kia cũng bị chém mất mạng.
Khánh Kỵ lường trước đối phương và mình không có huyết hải thâm thù sát phụ đoạt mẫu, tất không cam tâm cùng đi đến chỗ chết. Khánh Kỵ nghĩ muốn lấy chiêu này buộc hắn phải tránh ra. Không ngờ khi hắn đâm kiếm đã nhìn thấy rõ dung mạo của Khánh Kỵ. Hắn nhất thời chấn động, quên né tránh. Khánh Kỵ lúc này cũng nhìn rõ diện mạo của hắn, kinh ngạc cũng không kém phần.