Nếu như Ngọc tỷ tỷ của chàng quả thật có ở đó thì nàng đã cắt tóc đi tu rồi hay sao? Có phải vì trong một lúc tức giận mà nàng đã quên hết mọi chuyện ở trần gian, quyết tâm cầu đạo rồi chăng?
Điều cần nhất là nàng tại sao lại không giải thích với chàng? Nàng có tin tưởng ở lòng thanh bạch hay không?
Hiện giờ, nếu có Liễu Vô Cấu thì chỉ cần một lời làm chứng của bà ta thì sự việc ắt sẽ giải quyết được ngay, nhưng không may vị sư thúc đó đã sớm bỏ đi Thái Sơn rồi...
Tư Đồ Ngọc càng nghĩ càng thêm buồn bã. Chàng đứng ở bên ngoài khu rừng đào mà lòng dạ ngẩn ngơ bàng hoàng không dám tiến vào trong.
Tư Đồ Ngọc muốn gặp Tiêu Lộng Ngọc nhưng lại sợ Tiêu Lộng Ngọc. May mà chàng đã tìm đến Đào Hoa lâm này rồi mà lại sợ không dám tiến vào.
Tâm sự này kể cũng thật là mâu thuẫn, cũng giống như ý và cảnh trong bài thơ cả Quý Đức Tân đời nhà Đường rằng:
Bên ngoài nói tiếng thư đã dứt.
Qua mùa Đông lại vào buổi Xuân sang.
Nghĩ tình hàng xóm càng thêm sợ.
Chẳng dám cất lời hỏi người quen.
Thế nhưng lời tục thường vẫn nói là nàng dâu xấu cuối cùng vẫn phải gặp mẹ chồng.
Tư Đồ Ngọc bồi hồi một hồi lâu rồi chàng phải cố lấy sự bình tĩnh tiến vào trong rừng đào.
Chàng vừa đi vừa im lặng ngầm nghĩ bụng :
“Nhẫn! Ta nhất định phải nhẫn nhục, Ngọc tỷ tỷ có đánh ta cũng phải nhẫn nhục, có mắng ta cũng phải làm thinh. Mọi việc cần phải nhận lỗi ở nơi mình, để cho Ngọc tỷ tỷ được nguôi ngoai cơn giận, chứ quyết không thể để cho Ngọc tỷ tỷ có sự phật ý. Bởi vì trong lòng mình vẫn còn nghĩ đến cái bạt tai Ngọc tỷ tỷ lúc bỏ đi, khi đó Ngọc tỷ tỷ đánh ta rất mạnh, nếu chẳng phải là tỷ tỷ đã đau xót quá độ thì tại sao lại có thể nhẫn tâm mà ra tay mạnh như thế được...”
Tư Đồ Ngọc vừa đi vừa suy nghĩ. Khi chàng vừa vào trong khu rừng đào thì cảnh sắc ở trước mặt chợt hiện dần ra.
Giòng suối này trước tiên là một khe nước dần dần càng chảy đi xa càng nới rộng thêm mà biến thành. Hiện giờ nó đã biến thành một cái đầm rộng tới hàng mấy mẫu.
Chung quanh cái đầm đều trồng những cây đào nếu ngước nhìn về phía xa xa lẫn trong áng mây sắc nước có một bức tường màu hồng lờ mờ ẩn hiện.
Đã có bức tường màu hồng xuất hiện tất phải là ngôi miếu, nhưng không biết có phải là Thủy Vân am hay không?
Trước mắt là cái đầm rộng mấy mẫu, không có cách nào vượt qua được. Tư Đồ Ngọc đành chỉ men theo bên cạnh đầm mà tiến lần về phía bức tường.
Trong Đào Hoa lâm những cành cây đều trơ trọi, nhưng chung quanh đều là sắc nước lẫn áng mây, cảnh sắc thật là u nhã và đẹp vô cùng.
Tư Đồ Ngọc trong lúc này không còn lòng dạ nào để thưởng thức cảnh vật nữa.
Lòng chàng ngổn ngang trăm mối tơ vò là chàng hận không thể chấp cánh mà bay vào trong Thủy Vân am cùng với Ngọc tỷ tỷ của chàng nắm tay nhau hàn huyên tâm sự.
Cũng vì trong lòng chàng đang có sự mâu thuẫn như thế, cho nên bước chân của chàng chợt có lúc nhanh, có lúc chậm lại, khi dồn dập khi lại ngập ngừng.
Một hồi lâu sau, chàng đã đến một cái ni am còn chừng hơn trượng nữa. Tuy đã đến nơi rồi, nhưng Tư Đồ Ngọc cũng đâm ra giật mình.
Chính vì sự giật mình lo sợ này đã khiến cho Tư Đồ Ngọc đâm ra ngẩn ngơ. Bởi vì trước mắt chàng là một cái am ni ẩn hiện dưới bóng cây sắc nước, nhưng chẳng phải là Thủy Vân am, mà chàng đang mang ý định tìm đến.
Trên cửa am có treo một tấm biển đề ba chữ lớn: “Đào Hoa Am”.
Tư Đồ Ngọc đối với ba chữ “Đào Hoa am” này thật là giở khóc giở cười.
Căn cứ theo tình cảnh mà bàn luận thì ngôi am này lập ở nơi cảnh sắc đẹp đẽ u nhã như vậy phải có cái tên là Thủy Vân am mới là hợp lý.
Tư Đồ Ngọc đứng ngẩn người ra, vì Thủy Vân am đối với chàng có quan hệ rất lớn, còn các am ni khác thì chẳng có quan hệ gì với chàng.
Cho nên đối với Đào Hoa am ở trước mắt, chàng có phải đưa tay gõ cửa hay là quay mình bỏ đi?
Lúc ban đầu chàng có quyết định bỏ đi, bởi vì chàng là người đã từng trải qua rất nhiều chuyện tình sóng gió, cho nên có thể nói là chàng rất sợ khi phải gặp phái nữ.
Chàng không muốn vào trong am ni này để quấy rối các ni cô.
Tiêu Lộng Ngọc như có một ma lực rất quyến rũ, có thể khiến cho chàng cam lòng mà vượt qua bao nhiêu gian nguy khổ sở, ngay cả tính mạng của mình, chàng cũng đành phải hy sinh.
Do đó, Tư Đồ Ngọc lại quay người trở lại, rồi không một chút do dự chàng tiến lại gần am, đưa tay lên gõ cửa.
Tư Đồ Ngọc gõ cửa am là vì chàng có ý nghĩ rằng: “Trong các vị ni cô giữa các am với nhau, thường có sự liên lạc, do đó, chàng cũng có thể hỏi cho ra được nơi nào gọi là Thủy Vân am ở đâu?”
Tư Đồ Ngọc tay gõ cửa, nhưng chàng lại chăm chú nhìn ba chữ “Đào Hoa am” ghi trên tấm bảng mà khẽ cau mày.
Vì hai chữ “Đào Hoa” thường hình dung cái sự mỏng manh của kiếp hồng nhan vẫn thường nhắc đến trong các hồng lâu tửu điếm, để cho các nàng ca kỹ ngâm vịnh giải khuây.
Thế mà ở nơi ni am thanh vắng này, vốn là nơi dùng để tu hành lại dùng đến chữ “Đào Hoa” lại không hợp chút nào.
Sau khi Tư Đồ Ngọc gõ cửa ba tiếng thì có một vị ni cô chừng 16, 17 tuổi, nhan sắc diễm lệ vô cùng bước ra.
Ni cô trẻ tuổi vừa trông thấy Tư Đồ Ngọc, liền đưa tay chắp ngang ngực, niệm câu “A Di Đà Phật” rồi cau mày hỏi :
- Đào Hoa am này rất ít người lai vãng. Hơn nữa, xưa nay vẫn tuyệt hẳn với chốn hồng trần, thí chủ đến đây là có ý gì vậy?
Tư Đồ Ngọc liền đỏ bừng đôi má, gượng cười nói :
- Tại hạ muốn hỏi một việc...
Ni cô trẻ tuổi “À” lên một tiếng, khẽ đưa mắt nhìn Tư Đồ Ngọc, nói :
- Chắc là thí chủ đi lầm đường rồi hay sao?
Tư Đồ Ngọc gật đầu, khẽ giọng nói :
- Tại hạ muốn tìm đến Thủy Vân am, nhưng không biết...
Ni cô trẻ tuổi mỉm cười nói :
- Ba chữ “Thủy Vân am” này nghe rất quen thuộc nhưng không biết ở nơi nào?
Tư Đồ Ngọc nghe rồi trong lòng đâm ra bàng hoàng trên gượng mặt lộ vẻ thất vọng.
Ni cô trẻ tuổi lại mỉm cười nói :
- Tuy vậy, xin thí chủ cứ việc vào trong am để gặp Am chủ may ra Am chủ có thể biết được Thủy Vân am ở nơi nào.
Tư Đồ Ngọc liền cảm thấy có tia hy vọng. Chàng vội vàng vòng tay thi lễ nói :
- Xin đa tạ.
Chàng vừa nói được ba chữ “xin đa tạ” thì đối với việc xưng hô đối với ni cô trẻ tuổi này, chàng lại đâm ra ngần ngại nghĩ bụng: “Ni cô này vốn rất trẻ tuổi lại không phải là Am chủ, nếu gọi là tiểu sư phụ chắc cũng là hợp lý?”.
Chàng đã quyết định như vậy liền mỉm cười nói tiếp :
- Xin đa tạ tiểu sư phụ. Phiền tiểu sư phụ dẫn dắt tại hạ vào bái kiến Am chủ.
Quả nhiên ni cô trẻ tuổi đối với lối xưng hô là tiểu sư phụ cũng không lộ vẻ gì phật ý. Ni cô khẽ mỉm cười nói :
- Xin thí chủ cho biết tên họ để tiểu ni bẩm cáo lại Am chủ.
Tư Đồ Ngọc nói :
- Tại hạ họ Tư Đồ tên là Ngọc.
Vì Tư Đồ Ngọc cho là các vị ni cô không hay nói những điều gian dối nên chàng đối với những người xuất gia cũng là lòng thành thật mà nói ngay tên họ của mình.
Ni cô trẻ tuổi chắp tay trước ngực rồi nghiêm mặt nói :
- Xin mời Tư Đồ thí chủ.
Tư Đồ Ngọc vòng tay cảm tạ rồi tiến vào trong am theo ni cô trẻ tuổi dẫn chàng lên ngôi Phật điện.
Ni cô trẻ tuổi chăm chú nhìn Tư Đồ Ngọc mỉm cười nói :
- Am chủ đang làm khóa lễ chiều, để tiểu ni đi thông báo. Xin Tư Đồ thí chủ trước hết hãy thắp mấy nén nhang trên bàn thờ Phật.
Nói dứt lời, ni cô trẻ tuổi liền lấy ba nén nhang trao cho Tư Đồ Ngọc rồi vòng tay thi lễ rời khỏi Phật điện.
Tư Đồ Ngọc tuy cảm thấy rằng vị ni cô trẻ tuổi này nhan sắc rất diễm lệ, nhưng chàng vẫn không để ý đến, liền cầm lấy nén nhang châm vào ngọn đèn cầy, rồi vái ba lễ, cắm mấy nén nhang vào lư hương trên bàn thờ Phật.
Phật điện vốn rất thanh tĩnh và trang nghiêm, lại thêm ba nén nhang nghi ngút khói khiến cho con người cảm thấy tâm thần rất thơ thái, mọi sự lo lắng đều tiêu tan hết.
Tư Đồ Ngọc nhận thấy mùi hương từ ba nén nhang này chẳng giống như những nén nhang thường, mà lại có một mùi thơm rất nhẹ.
Chàng không sao tự chủ được, liền khẽ hít mấy cái.
Qua một thời gian chừng cạn nửa chén trà rồi, mà ni cô trẻ tuổi đi thông báo với vị Am chủ vẫn chưa thấy quay trở lại.
Tư Đồ Ngọc lúc ban đầu rất nghi ngờ khi thấy đối phương đi lâu như vậy, nhưng chàng chợt nhớ đến lời của ni cô trẻ tuổi có nói là Am chủ đang làm khóa lễ chiều, cho nên chàng đành chỉ nhẫn nại chờ đợi.
Một lúc lâu sau, nữ ni trẻ tuổi mới thướt tha lướt vào Phật điện, thi lễ với Tư Đồ Ngọc rồi mỉm cười nói :
- Phiền Tư Đồ thí chủ phải đợi chờ lâu, Am chủ đã tụng xong khóa lễ buổi chiều. Xin mời Tư Đồ thí chủ đi đến thiền phòng dùng trà.
Tư Đồ Ngọc nghe xong, chàng liền cau mày nghĩ bụng: “Đối phương là những ni cô, sao không tiếp khách ở Phật đường, lại tiếp ở thiền phòng, đó chẳng phải là...” Tuy Tư Đồ Ngọc nghĩ như thế, nhưng chàng không tiện nói ra, đành chỉ khẽ vâng dạ, rồi đưa mắt nhìn ni cô trẻ tuổi, mỉm cười nói :
- Đa tạ tiểu sư phụ. Phiền tiểu sư phụ dẫn tại hạ yết kiến Am chủ!
Ni cô trẻ tuổi khẽ mỉm cười tình tứ, rồi nàng ta dẫn Tư Đồ Ngọc rời khỏi Phật điện đi đến thiền phòng của Am chủ.
Thì ra ở chính giữa thiền phòng trên chiếc vân sàng có một vị lão ni, trên mặt đã có những nét nhăn đang ngồi xếp bằng tròn.
Vị lão ni này ít ra cũng có tới 70 tuổi.
Tư Đồ Ngọc tự cười thầm là mình hay đa nghi, lại cho rằng vị Đào Hoa am chủ rắt là một vị ni cô trẻ tuổi, nhan sắc rất diễm lệ, không ngờ lại là một vị trưởng bối nhà Phật lớn tuổi như thế.
- Tại hạ là Tư Đồ Ngọc xin tham kiến Am chủ. Xin Am chủ hãy tha thứ cho tội mạo phạm tới quấy rầy quý am.
Đào Hoa am chủ chấp tay trước ngực đáp lễ rồi khẽ niệm một câu Phật hiệu, đưa tay trỏ vào chiếc ghế trúc ở một bên vân sàng nói :
- Tư Đồ thí chủ, xin mời ngồi xuống đây. Tiểu am nơi hoang vắng đã tuyệt hẳn với người đời từ lâu, nay được một quý khách như thí chủ quang lâm, thật là một duyên may lắm vậy.
Dứt lời, Đào Hoa am chủ nhìn nữ ni trẻ tuổi dịu dàng nói :
- Tố Tâm, con đi lấy Ủng Tuyết thủy nấu trà mời quý khách.
Ni cô trẻ tuổi tên là Tố Tâm liền “dạ” một tiếng, liếc nhìn Tư Đồ Ngọc một cách rất tình tứ rồi lui ra khỏi phòng.
Đào Hoa am chủ nhìn Tư Đồ Ngọc mỉm cười nói :
- Tư Đồ thí chủ, bần ni được nghe Tố Tâm bẩm cáo là thí chủ không phải đặc biệt mà tới tiểu am này, mà chỉ vì đi lạc đường mà thôi.
Tư Đồ Ngọc nhận thấy lời nói của vị Đào Hoa am chủ này rất ôn hòa, nghĩ bụng:
“Đã là người xuất gia thì phải dứt được tránh những dục niệm, không để nhiễm thất tình, mà bảo dưỡng lấy tinh thần hầu trở thành một Phật tử chân chính. Nếu là một vị lão bà da mồi tóc bạc tầm thường thì làm sao có giọng nói hiền hòa như một thiếu nữ thế được?”
Tư Đồ Ngọc nghĩ vậy, bèn mỉm cười nói :
- Tại hạ muốn đi tìm một nơi gọi là Thủy Vân am...
Đào Hoa am chủ vừa nghe đến ba chữ “Thủy Vân am” trên gương mặt liễu biến sắc.
Tư Đồ Ngọc thấy vẻ mặt của Đào Hoa am chủ thay đổi, hỏi :
- Tại hạ xin hỏi, Am chủ biết Thủy Vân am ở nơi nào không?
Đào Hoa am chủ lặng lẽ đưa mắt nhìn Tư Đồ Ngọc, gật đầu đáp :
- Biết hay không thì thí chủ cần gì phải đi Thủy Vân am?
Tư Đồ Ngọc cảm thấy Đào Hoa am chủ nói như vậy thật ngoài ý nghĩ của chàng, liền giật mình hỏi :
- Ý của Am chủ chắc là muốn nói, Thủy Vân am đó đi không được hay sao?
Đào Hoa am chủ lắc đầu thở dài nói :
- Đó là một nơi bọn bại hoại của Phật môn đã chiếm cứ để làm những chuyện ô uế, mà Tư Đồ thí chủ lại là một người trẻ tuổi phong lưu như vậy, nếu bước vào trong đó rồi thì tất sẽ trầm luân trong dục vọng không có cách nào tự cứu vãn được.
Tư Đồ Ngọc khẽ cau mày, vừa định lên tiếng nói, thì ni cô tên gọi là Tố Tâm đã bưng khay trà khói bốc lên nghi ngút tới. Trong khay có hai chém ngọc màu sắc lung linh, một chén đặt ở trước mặt Tư Đồ Ngọc, còn một chén đặt ở trên vân sàng của Đào Hoa am chủ.
Đào Hoa am chủ nâng chén trà, đưa mắt nhìn Tư Đồ Ngọc, mỉm cười nói :
- Thảo am ở nơi thôn dã, không có vật gì để đãi khách, xin Tư Đồ thí chủ hãy dùng qua thứ nước tuyết này.
Tư Đồ Ngọc nâng chén trà khẽ nếm một chút, nhận thấy thứ trà này quả nhiên rất thơm, bất giác chàng không ngớt tiếng cảm tạ.
Tư Đồ Ngọc đợi tới khi Đào Hoa am chủ buông chén trà xuống, chàng mới mỉm cười nói :
- Thủy Vân am thực sự ở nơi nào mà Am chủ vẫn chưa cho tại hạ biết?
Đào Hoa am chủ khẽ cau mày nói :
- Tư Đồ thí chủ, bần ni đã nói rằng Thủy Vân am là nơi sào huyệt của bọn yêu quái mà thí chủ vẫn còn muốn đi hay sao?
Tư Đồ Ngọc hơi nóng mặt. Chàng cao giọng nói :
- Bởi vì tại hạ có một vị sư tỷ bị lạc trong Thủy Vân am, cho nên tại hạ không thể không đi giải cứu. Huống chi quét sạch bọn ma quái là thanh trừ được những kẻ bại hoại của Phật môn, cũng là một công đức rất lớn.
Đào Hoa am chủ nghe xong, khẽ gật đầu mỉm cười nói :
- Tư Đồ thí chủ là người muốn vì dân lành mà diệt trừ những kẻ gian ác, mà bần ni đây cũng tự cảm thấy có bổn phận làm việc công ích. Do đó, bần ni sẽ xin chỉ đường cho thí chủ.
Tư Đồ Ngọc liền đứng dậy nghiêng mình lên tiếng cảm tạ.
Đào Hoa am chủ đưa mắt nhìn ni cô Tố Tâm đứng hầu bên cạnh nói :
- Tố Tâm hãy dẫn Tư Đồ thí chủ ra ngoài am và chỉ chỗ Thủy Vân am cho Tư Đồ thí chủ biết.
Ni cô Tố Tâm “dạ” một tiếng rồi ra hiệu cho Tư Đồ Ngọc đi theo mình. Tư Đồ Ngọc liền thi lễ, cáo từ với Đào Hoa am chủ.
Sau khi ra khỏi thiền phòng, Tư Đồ Ngọc liền quay sang ni cô Tố Tâm hạ giọng nói :
- Tiểu sư phụ, vừa rồi chẳng phải là tiểu sư phụ đã nói là không biết Thủy Vân am ở nơi nào hay sao?
Ni cô Tố Tâm thản nhiên mỉm cười nói :
- Tiểu ni chẳng phải là không biết mà chỉ cho rằng thí chủ là một người chính trực và thành thật như vậy cũng sẽ...
Tư Đồ Ngọc biết rằng ni cô đã nhận lầm mình, chàng vội vàng phân trần nói :
- Tiểu sư phụ đừng có hiểu lầm ý của tại hạ. Nguyên nhân khiến tại hạ cần đi Thủy Vân am là muốn đi giải cứu người, chứ không phải muốn cùng bọn bại hoại Phật môn đó làm...
Ni cô Tố Tâm lại khẽ liếc Tư Đồ Ngọc cười khanh khách nói :
- Tư Đồ thí chủ chẳng cần phải biện hộ làm chi, bởi vì vị Thủy Vân am chủ chẳng những là người nhan sắc tuyệt trần, mà lại còn tinh thông về môn ái ân, khiến cho người...
Tư Đồ Ngọc giật nẩy mình nghĩ bụng:
“Ni cô Tố Tâm tại sao lại đột nhiên trở nên phóng đãng như thế? Lời nói của ni cô lại không chút e dè gì đối với chàng, lại còn thốt ra những lời dâm đãng”.
Nghĩ vậy, Tư Đồ Ngọc liền ngắt lời của đối phương mỉm cười nói :
- Tiểu sư phụ, Thủy Vân am thực sự ở nơi nào?
Ni cô Tố Tâm gương mặt đã lộ vẻ dâm đãng cười khanh khách nói :
- Tư Đồ thí chủ, tại sao thí chủ lại phải vội vã như thế? Thí chủ cứ việc yên lặng ra khỏi cửa Đào Hoa am thì bảo rằng tiểu ni sẽ dẫn thí chủ đến Thủy Vân am.
Tư Đồ Ngọc nghe rồi, rất làm lạ, liền nghĩ bụng: “Lúc mình tới đây, rõ ràng là ở gần đây không thấy có một căn nhà nào, mà sao ni cô Tố Tâm này lại nói như thế được?” Tư Đồ Ngọc trong lòng rất lấy làm lạ, nhưng chàng vẫn yên lặng đi ra khỏi cửa am, Ra tới bên ngoài, Tư Đồ Ngọc liền đưa mắt nhìn tứ phía, trừ cảnh vật vẫn tịch mịch và khu rừng đào khô héo ra, thì quả nhiên không có gì khác lạ.
Tư Đồ Ngọc ngạc nhiên đưa mắt nhìn ni cô Tố Tâm hỏi :
- Tiểu sư phụ, Thủy Vân am ở đâu?
Ni cô Tố Tâm cười khanh khách nói :
- Tục ngữ thường nói: “Xa ở tận chân trời, gần ở ngay trước mắt”. Tư Đồ thí chủ tại sao thí chủ chỉ nhìn phía trước mà lại không nhìn về phía sau?
Tư Đồ Ngọc liền quay đầu nhìn lại nhưng vẫn không thấy có một ngôi nhà nào khác cả.
Ni cô Tố Tâm mỉm cười nói :
- Tư Đồ thí chủ, chẳng những thí chủ cần phải quay đầu lại mà còn phải ngẩng đầu lên nữa.
Tư Đồ Ngọc đành phải nghe theo lời ni cô Tố Tâm mà ngửng đầu lên nhìn, thì toàn thân đều rung động, trên gương mặt liền biến sắc.
Thì ra vừa rồi chàng vốn thấy ba chữ “Đào Hoa am” ở trước cửa am này, hiện giờ đã biến thành ba chữ “Thủy Vân am”.
Tư Đồ Ngọc rất lấy làm lạ, liền buột miệng hỏi :
- Nơi... nơi này là Thủy Vân am à?
Ni cô Tố Tâm gật đầu mỉm cười nói :
- Ai bảo là không phải? Trong rừng có cảnh đẹp “Lan như ẩn thủy yên”. Am ở trong Đào Hoa lâm, lại chỉ có hai chị em tiểu ni và Am chủ chẳng lẽ lại không thể gọi được hai chữ “cảnh đẹp” hay sao?
Tư Đồ Ngọc nghe ni cô Tố Tâm nói Đào Hoa am này chính là Thủy Vân am thì trong lòng chàng liền lo lắng đến tính mạng của Tiêu Lộng Ngọc mà không nghĩ ngợi gì đến chuyện khác.
Chàng vội vàng hỏi :
- Nơi này là Thủy Vân am thì Ngọc tỷ tỷ của tại hạ... có ở trong am này hay không?
Ni cô Tố Tâm nguýt chàng một cái rồi mỉm cười nói :
- Hứ! Nói sao mà nghe thân mật đến thế! Ai là Ngọc tỷ tỷ của nhà ngươi?
- Là Tiêu Lộng Ngọc hay sao? Ngươi muốn gặp y thị lắm à?
Tư Đồ Ngọc mỉm cười cau mày nói :
- Tất nhiên là cần lắm. Chính vì lẽ đó mà tại hạ đã khổ công đến nơi này.
Ni cô Tố Tâm mỉm cười nói :
- Muốn gặp Tiêu Lộng Ngọc thì hãy đi theo tiểu ni. Nhưng Thủy Vân am này là một hang ma quái đản của những bọn bại hoại cửa Phật chiếm cứ, chỉ sợ rằng ngươi đến được nhưng về không được.
Tư Đồ Ngọc tuy biết rằng trong Thủy Vân am này chứa đầy những sự nguy hiểm khác thường, chứ tuyệt nhiên không phải là một nơi hiền lành đâu. Nhưng một là chàng ỷ vào võ công của mình, không coi hai người Thủy Vân am chủ và ni cô Tố Tâm ra gì. Hai là nơi này có liên quan đến tung tích của Ngọc tỷ tỷ của chàng, thì dù có là nơi đầm rồng hang hổ, chàng cũng không hề sợ hãi.
Vì vậy, khi ni cô Tố Tâm dứt lời, Tư Đồ Ngọc mỉm cười nói :
- Tiểu sư phụ, hãy dẫn đường giùm tại hạ. Tư Đồ Ngọc này đã dám vào Đào Hoa am thì có lẽ nào không dám đến Thủy Vân am!
Ni cô Tố Tâm mỉm cười rất tình tứ, rồi yểu điệu bước vào trong.
Ni cô Tố Tâm thoăn thoắt đi nhanh như một nhân vật võ lâm, nàng tung mình nhanh như chớp lướt vào am động.
Môn khinh công này chứng tỏ ni cô Tố Tâm chẳng phải là một tay vừa.
Tư Đồ Ngọc chỉ sợ ni cô Tố Tâm chạy mất hút, nên chàng vội vàng tung mình đuổi theo.
Không may, chàng đã gặp một trở ngại lớn. Ni cô Tố Tâm vừa hạ chân xuống đất vẫn không có sự gì khác lạ, nhưng đợi đến khi Tư Đồ Ngọc vừa từ từ buông mình xuống, chân chàng bỗng đạp vào một khoảng không, thân hình chàng liền rơi tụt xuống.
Tư Đồ Ngọc biết rằng mình đã trúng phải cơ quan ngầm của đối phương, chàng vội vàng thi triển môn khinh công tuyệt thế là “Thê Vân Tung” theo một thức “Hải Hạc Thoán Vân” tung mình bắn vọt trở lên.
Theo đà đó thì đột nhiên chàng giương hai cánh tay, thân hình còn đang lơ lửng trên không đã lách mình sang bên.
Tiếp theo đó liền có tiếng ầm ầm vang lên. Một tấm sắt dầy trên mặt toàn là những đinh sắt, nặng cũng có đến vài trăm cân rơi xuống đỉnh đầu chàng.
Tư Đồ Ngọc không biết tính sao, đành chỉ xả hết chân khí rồi từ từ để cho người rơi lọt xuống địa đạo.
Kế đó lại “ầm” một tiếng vang lên, tấm sắt đã chắn lấy phía trên.
Dưới địa huyệt sâu chừng hai trượng, bề mặt chẳng rộng lắm, chỉ chừng tám chín thước thôi.
Nhưng trên bốn vách tường lại có những cái lỗ hổng lớn nhỏ khác nhau, lớn thì to bằng bàn tay, còn nhỏ thì chỉ bằng ngón tay út.
Tư Đồ Ngọc vừa hạ mình xuống mặt đất, liền đưa mắt liếc nhanh để xem xét tình thế xung quanh.
Sau khi Tư Đồ Ngọc nhìn thấy những lỗ hổng trên bốn vách tường, chàng liền cau mày suy nghĩ một hồi lâu mà vẫn không đoán ra được trong những cái lỗ hổng lớn nhỏ này có ẩn chứa những cạm bẫy gì?
Địa huyệt này tuy không rộng nhưng đều được bao bọc bằng những loại sắt thép quyết không nhờ vào võ công mà có thể phá ra được.
Tư Đồ Ngọc nhận rõ tình cảnh này rồi, chàng biết rằng mình không có cách nào trốn thoát được, cho nên chàng chỉ tạm thời nghỉ ngơi, chờ cho tới khi đối phương xuất hiện rồi mình sẽ tùy cơ ứng biến.
Tư Đồ Ngọc vừa chú ý thì ở phía trên địa huyệt đã có tiếng cười dâm đãng của Tố Tâm vọng xuống.
Tư Đồ Ngọc nghiến răng, cao giọng nói :
- Tiểu sư phụ ngươi... ngươi... giam ta trong địa huyệt này là có ý gì?
Tố Tâm cười lớn :
- Ta có một việc không được rõ ràng cho lắm. Muốn thí chủ hãy nói sự thật ra.
Tư Đồ Ngọc cau mày nói :
- Tiểu sư phụ có việc gì thắc mắc hãy nói ra? Nếu tại hạ trả lời ắt phải là sự thật. Nếu nhận thấy không thể trả lời được thì tại hạ không chịu nói một lời nào đâu.
Tố Tâm hỏi :
- Lúc ban đầu các hạ vào trong am, có phải là chính tay đã thắp ba nén nhang trên bàn thờ Phật không?
Tư Đồ Ngọc nói :
- Vào miếu thì phải thắp nhang, đó là chuyện thường tình, tiểu sư phụ hỏi việc đó làm chi?
Tố Tâm cười khanh khách nói :
- Các hạ nhận thấy hương vị của ba nén nhang đó như thế nào?
Tư Đồ Ngọc nói :
- Hương vị rất thanh nhã, không giống hương vị những loại hương tầm thường. Đó phải là một bảo phẩm.
Tố Tâm lại hỏi tiếp :
- Các hạ ở trong thiền phòng chuyện trò cùng Am chủ ta, đã uống một ly trà phải không?
Tư Đồ Ngọc không hiểu Tố Tâm hỏi chuyện vụn vặt đó là có ý gì. Tuy vậy chàng cũng đáp :
- Am chủ của tiểu sư phụ đã nói rõ rằng: Đó là một loại nước Tuyết Diệu Hương Nhã nấu thành trà đó sao?
Tố Tâm mỉm cười hỏi :
- Loại Diệu Hương Nhã này...
Tư Đồ Ngọc không để Tố Tâm dứt lời, liền chận ngang :
- Diệu Hương Nhã quả thật đúng với cái tên của nó, đáng gọi là nước ngọt trà thơm, khiến cho người chỉ uống một chén khỏi miệng mùi thơm vẫn còn dính ở chân răng. Nhưng không biết tiểu sư phụ cứ hỏi những chuyện vụn vặt trà với hương này để làm gì?
Ni cô Tố Tâm cười vẻ dâm đãng, khiến cho người phải rùng mình sởn tóc gáy, rồi ni cô lại nói tiếp :
- Tư Đồ thí chủ, tiểu ni sẽ nói thật cho thí chủ biết Hương là Chủng Cốt hương, còn trà có tên là Tiêu Hồn trà, đều là những chất thuốc mê hoặc rất mãnh liệt.
Câu nói của ni cô Tố Tâm nhấn mạnh từng chữ một, như những tiếng sét đánh vào đỉnh đầu Tư Đồ Ngọc khiến cho chàng không lạnh mà run.
Tư Đồ Ngọc ngày trước ở Thiên Phật sơn tại Tế Nam đã trúng phải chất thuốc dâm độc môn do Nữ Táng Môn Điền Cổ Lệ ám toán thì chàng đã biết được mùi vị của sự phát dục tình như thế nào.
Giờ đây căn cứ theo lời nói của ni cô Tố Tâm thì rõ ràng chàng đã bị trúng phải chất hương và trà đầy kích thích của bọn yêu ni ở Đào Hoa am này. Tư Đồ Ngọc chẳng kinh sợ cho được?
Do đó chàng tạm thời vứt bỏ những chuyện lo nghĩ viển vông, ngồi vận công điều tức để xem xét sự biến đổi trong cơ thể mình ra sao?
Ni cô Tố Tâm lại cất tiếng nói :
- Đáng trách là thí chủ trước tiên đã bị trúng phải chất hương độc sau lại còn uống chén trà tẩm độc mà vẫn chưa thấy có một chút phản ứng nào, vậy thực sự là món linh dược hiếm có của chúng ta lại đột nhiên mất cả hiệu nghiệm hay sao?
Nói dứt lời, dưới địa huyệt vẫn tĩnh mịch không có một tiếng động, ni cô Tố Tâm không nghe thấy tiếng trả lời nào của Tư Đồ Ngọc.
Thấy vậy ni cô Tố Tâm ngạc nhiên nói :
- Tư Đồ thí chủ tại sao không trả lời? Chả lẽ thí chủ lại muốn tiểu ni ra tay tàn độc để cho thí chủ chuốc lấy sự đau đớn hay sao?
Tư Đồ Ngọc lúc đó đã xem xét kỹ trong cơ thể chàng vẫn không thấy mình bị trúng chất độc, bất giác chàng vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ cao giọng nói :
- Tư Đồ Ngọc này là người gan dạ, đã được tại bằng đồng sắt nếu chỉ có loại thuốc dâm tà tầm thường như thế mà có thể khiến cho ta phải sợ hay sao?
Ni cô Tố Tâm cười nhạt một tiếng nói :
- Thật là thí chủ cuồng ngạo quá đỗi. Nhưng tiểu ni không tin loại khoái hoạt thánh dược trăm lần dùng trăm lần công hiệu này đối với thí chủ lại mất hết hiệu nghiệm. Để tiểu ni thử xem sao?
Tư Đồ Ngọc cười nhạt một tiếng nói :
- Cách thử như thế nào chứ, với chút công phu nhỏ mọn của ngươi chẳng lẽ lại còn dám xuống đây vào trong cái địa huyệt này...
Ni cô Tố Tâm ngắt lời nói :
- Cần gì ta phải xuống. Ngươi có thấy những lỗ hổng trên vách tường kia không?
Tư Đồ Ngọc đã chú ý đến những lỗ hổng đó, khi nghe nàng nhắc tới chàng muốn hỏi cho ra sự thật, chàng cười nhạt nói :
- Mười mấy cái lỗ hổng nhỏ nhoi này thì có thể làm gì được ta?
Ni cô Tố Tâm lạnh lùng nói :
- Ngươi đừng có đắc ý vội. Để ta cho ngươi xem một chút lợi hại.
Ni cô Tố Tâm vừa nói dứt lời, thì trong những lỗ hổng trên vách tường có những làn khói hương từ từ tỏa ra và những giòng nước đen tanh tưởi chảy ra thôi thì đủ các loại rắn đang nhô đầu lè lưỡi thở phì phì trông thật khiếp sợ vô cùng.