Nghe mấy chữ “giam cầm hành hạ”, Lương Tiêu không khỏi xao động, cố gắng lắm mới giữ được giọng bình thản:
- Ngươi định giở trò quỷ gì đây?
Hàn Ngưng Tử lui nửa bước đề phòng gã tập kích, cười hí hí:
- Không tin thì thôi, việc gì phải giở bộ dạng ngáo ộp ấy ra mà nạt
người? Muốn giết ta à, được lắm! Ta mà chết, ngươi cũng đừng hòng dò
biết Liễu Oanh Oanh ở chốn nào.
- Ở chốn nào cũng chẳng dính dấp gì tới ta! Ngươi đem những lời ấy mà nhả vào tai Vân Thù.
Hàn Ngưng Tử phì cười:
- Ngươi nhỏ nhen đến mức đáng ngạc nhiên. Tội nghiệp Oanh Oanh ôm mối si
tâm mà cuối cùng phải chịu cảnh bẽ bàng thế này! – Nói đoạn, thị rũ tay
áo bỏ đi.
Lương Tiêu nóng nảy vỗ bàn quát:
- Hàn Ngưng Tử, ngươi mau nói cho rõ ràng, bằng không hãy bỏ cái đầu lại đây!
Hàn thị duyên dáng xoay mình lại:
- Ta chẳng hơi đâu bận tâm đến những ân oán của các ngươi, nhưng thôi, nể mối si tình của Liễu Oanh Oanh, ta cũng kể sơ qua cho ngươi nắm được sự việc. Một năm trước đây, Oanh Oanh bị Sở Tiên Lưu bắt, giam cầm trong
Thiên Hương sơn trang trên núi Cửu Hoa. Chuyện sau thế nào thì ta không
tường, có điều, con người khả ái mỹ miều nhường ấy mà rơi vào tay quân
háo sắc già đời thế kia, chỉ e… – Nhận ra mắt Lương Tiêu rực lên từng
hồi, Hàn Ngưng Tử ngừng lời, cười giòn cất bước, thong thả đi ra khỏi
quán.
Lương Tiêu trừng trừng nhìn theo cho đến khi cái dáng yểu
điệu ấy biến mất, mặt mỗi lúc một trắng bệch, mồ hôi rịn dần thành những hạt to rồi lộp độp nhỏ xuống. Hiểu Sương không rõ Hàn Ngưng Tử đề cập
đến chuyện gì, song cũng đoán được những điều thị nói hết sức quan trọng đối với Lương Tiêu. Trông gã thần tình hoảng hốt, người cứng như hóa
đá, cô lo lắng hỏi:
- Tiêu ca ca, huynh không sao chứ?
Lương Tiêu ậm ừ, móc trong túi ra một xâu tiền quẳng cho tiểu nhị, không đợi
hắn trả tiền thừa đã vội vã bước ra cửa. Hiểu Sương luống cuống dắt lừa, gọi Hoa Sinh đi theo.
Lương Tiêu bước vùn vụt như gió, men rìa
sông chạy một mạch về phía tây. Thình lình gã dừng bước, nặng nề ngồi
xuống bờ đê, thất thần nhìn sóng nước Hoàng Hà cuồn cuộn. Hiểu Sương
thắc mắc vô cùng nhưng không tiện quấy nhiễu tâm tư gã, bèn giữ Hoa Sinh ngồi mãi đằng xa quan sát. Trước khi rời quán, Hoa Sinh đã nhanh tay vơ hết thịt bò bánh bao còn thừa nhét vào đãy riêng, bây giờ lấy ra sung
sướng thưởng thức, chẳng hơi đâu lên tiếng làm phiền bụng ai.
Lương Tiêu thẫn thờ ngồi nhìn dòng sông đến nửa canh giờ mới đứng dậy, ngó Hiểu Sương với ánh mắt do dự, ngập ngừng bảo:
- Có khi ta phải xuống nam một chuyến, muội chịu khó đi cùng ta nhé!
Hiểu Sương đáp ngay:
- Huynh khách sáo thế! Bất kể nam hay bắc, huynh đi đâu thì muội đi đấy.
Suy cho cùng, đối với một đại phu, chữa bệnh ở miền nào cũng như nhau cả thôi.
Lương Tiêu lặng người: “Huynh đi đâu thì muội đi đấy?”. Gã lẩm nhẩm câu ấy mấy lượt, khóe miệng nhếch thành một nét cười thê thảm. Hiểu Sương nghi ngại:
- Huynh làm sao thế?
Lương Tiêu thở dài buồn bã:
- Trước đây có một người cũng nói với ta câu này, ta đã đồng ý, tiếc rằng người ấy thực hiện được mà ta thì… thất hứa.
Mắt gã nhòe đi vì đau đớn. Hiểu Sương bỗng nghe lòng chua xót lạ lùng, buột miệng hỏi:
- Ta là một kẻ sống thừa khốn nạn, muội đi cùng ta, chỉ tổ vấy bẩn vào thân.
Hiểu Sương sững sờ, run rẩy nói:
- Vì sao huynh lại thốt ra những lời không đâu vào đâu như vậy? Muội…
không muốn nghe. – Cô nghẹn lời, hàng mi mỏng manh chớp nhẹ, hai giọt
nước mắt ứa ra.
Lương Tiêu định khuyên Hiểu Sương quay về nhà,
nhưng trông thấy cô rơi lệ, bao câu chực nói đều tắc ứ. Gã buồn buồn thở dài, lau mặt cho cô:
- Thôi, ta không nói thế nữa.
Ở đằng kia, Hoa Sinh ngừng nhai bánh bao nhân thịt, trố mắt ngó hai người.
Hiểu Sương nín khóc, nhớ ra còn có chú ta nên đâm ngượng, lảng sang
chuyện khác:
- Khởi hành thôi huynh!
Lương Tiêu gật đầu, đỡ cô lên lừa rồi dắt dây cương đi trước, Hoa Sinh cõng tay nải theo sau, cùng tiến về phương nam.
Trên đường đi, Lương Tiêu rất hiếm khi mở lời, những lúc rảnh rỗi chỉ lo
luyện quyền luyện kiếm. Hiểu Sương không đoán được gã đang nghĩ gì, lòng buồn khôn tả, đành tìm khuây trong y thư. Hai người giữ mãi thái độ
trầm mặc, Hoa Sinh chẳng biết trò chuyện cùng ai nên cũng ngậm câm, may
thay bản tính chú ta đơn giản, hễ có rượu thịt bầu bạn là đủ hài lòng.
Đi được mấy ngày, họ vượt qua sông Trường Giang tiến vào địa giới An Huy.
Giờ ngọ hôm ấy, ba người tới một quán trọ dùng cơm. Đúng lúc họ ngồi
xuống, có tiếng vó ngựa dừng phắt ngoài cửa, rồi tiếng kỵ sĩ vang rền:
- Tiểu nhị! Lấy hai cân rượu và mười cân thịt bò, mau mang lên đây, các gia gia còn bận nhiều việc!
Lương Tiêu nghe giọng khàn đặc rất quen tai, chưa đoán ra ai thì một giọng khác đã tiếp luôn:
- Lôi Chấn lão đệ, cứ từ từ, con nữ tặc đó như cua bò trong giỏ, không chạy thoát được đâu!
Lương Tiêu sực nhận ra, người thứ hai chính là Cửu đầu ngoan Bạch Tam Nguyên. “Con nữ tặc” mà lão nhắc đến ắt hẳn là Liễu Oanh Oanh. Gã hồi hộp lắng
tai nghe tiếp.
- Lần này mọi người phải đồng tâm hiệp lực buộc Sở lão nhi giao con ranh
ấy ra. Đẹp mặt thật, già khú đế mà còn chơi trống bỏi, ôm khư khư con
tiểu dâm phụ không buông. Ai cho phép thế?
Bạch Tam Nguyên vỗ đùi đánh đét, hằn học phụ họa:
- Đúng! Con tiện nhân ấy đã giết ái tử của ta, lại gây ra bao nhiêu vụ
tày trời, đâu thể dễ dàng bỏ qua cho ả được! Cũng may là Lôi lão đệ đến
báo để Bạch mỗ có cơ rửa hận. Bất luận ra sao, hôm nay nhất định ép Sở
Tiên Lưu phải giao người. Không mổ bụng moi gan con khốn đó để tế vong
hồn hài nhi thì Bạch Tam Nguyên này là đồ chó đẻ!
Hai tên thi
nhau rủa xả, càng lúc càng chướng tai tục tĩu, lăng nhục Liễu Oanh Oanh
bằng đủ mọi lời bẩn thỉu. Chửi bới đã đời cũng vừa xong bữa, họ bèn lấy
giấy dầu bọc phần thịt thừa, gọi thêm một bầu rượu nóng rồi tính tiền ra đi.
Ngựa phi khi nhanh khi chậm, dần dần, cây cối hai bên đường
dày rậm hơn lên. Giữa vùng hoa đỏ lá xanh thấp thoáng nhiều mái ngói
cong vút, vòng qua một vạt rừng, trước mặt họ mở ra một miền lá hoa bát
ngát diễm lệ vô song. Miền lá hoa ấy ôm trọn một sơn trang rộng lớn,
tường trắng ngói xanh xinh đẹp rỡ ràng. Lôi Chấn vung roi trỏ:
- Bạch huynh, đó chính là Thiên Hương sơn trang!
Bạch Tam Nguyên nhìn lên nhìn xuống, bốn bề xung quanh toàn những đóa hoa
sặc sỡ, đình đài lầu các hết sức huy hoàng, lão không nén nổi một điệu
cười ghen ghét:
- Tên khốn họ Sở cũng biết cách hưởng thụ lắm!
Vó ngựa đưa họ đến cổng trang. Trên bãi trống trước lối vào đang có hai
tốp người đứng đối mặt nhau, ai nấy râu tóc dựng ngược, thái độ sừng sộ
như sắp xô xát tới nơi. Trông thấy bọn Lôi Chấn, nhóm người đứng mé nam
reo to:
- Lôi Đại lang, đến đúng lúc lắm!
Lôi Chấn nhảy xuống ngựa, vòng tay chào hỏi rồi bẩm với Lôi Hành Không:
- Trình cha, con và Bạch tiền bối bị lỡ bước trên đường nên đến muộn!
Lôi Hành Không gật đầu, túm tay họ Bạch ra chiều thân tình:
- Bạch lão đệ chịu nể mặt họ Lôi này mà tham dự, vậy là tốt quá rồi. Sở
lão đại bảo chúng ta là hạng bất nghĩa, lão đệ thử đánh giá công bình
xem, rốt cục chúng ta bất nghĩa hay có nghĩa?
Bạch Tam Nguyên nói lớn:
- Bất nghĩa hay có nghĩa thì trong lòng mỗi người tự biết. Năm xưa, ta
phụng mệnh Cận đại hiệp ra sông bắt Bá Nhan, nào ngờ con nữ tặc họ Liễu
không những câu kết với tên nguyên soái mà còn giết chết hài nhi của ta, luận công hay tư thì ta và nó cũng có mối thù bất cộng đái thiên.
Sở Cung không để lão nói hết, cười nhạt ngắt lời:
- Sau hôm ấy ngươi nhổ nước bọt vào mặt Cận Phi ngay trước đám đông, hôm
nay lại xoen xoét đại hiệp tiểu hiệp gì nữa. Hừ, cả đời Sở mỗ chưa từng
gặp kẻ nào lá mặt lá trái, trơ trẽn như ngươi!
Sở Cung vốn sẵn
lòng khinh rẻ Bạch Tam Nguyên, muốn mọi người mất lòng tin vào lão ta
bèn lật lại chuyện cũ mà châm biếm. Bạch Tam Nguyên căm giận nhưng cố
sức kiềm chế, bình tĩnh nói:
- Đúng vậy, hôm ấy tiểu lão bị ma
đưa lối quỷ dẫn đường, gây ra hành động thật đáng hổ thẹn. Cận đại hiệp
là nhân vật đường hoàng anh hùng, độ lượng khoan dung như thần phật.
Bạch Tam Nguyên thậm chí không đủ tư cách liếm chân đại hiệp. Đợt sau
này, tiểu lão những mong kề vai sát cánh chống giặc với nghĩa quân,
nhưng không còn mặt mũi nào đi gặp Cận đại hiệp, đành đấm ngực tự trách
cơn rồ dại của mình. Mấy tháng trước, nghe tin đại hiệp tuẫn tiết vì tổ
quốc, tiểu lão chỉ muốn lấy cái chết để kết liễu mọi sự, theo tạ lỗi với Cận đại hiệp dưới hoàng tuyền…
Lão vụt trở tay tát bốp vào miệng mình, ba cái răng theo đó văng ra, quanh mồm nhoe nhoét máu. Lôi Hành Không kinh ngạc nói:
- Bạch lão đệ, can gì phải thế?
Bạch Tam Nguyên khuỵu chân quỳ xuống, máu nhểu đầy áo, khóc ông ổng:
- Cái mồm này đã phỉ nhổ Cận đại hiệp, tội đáng muôn chết, có bào lưỡi
cưa họng cũng không đủ bồi tội. Ngặt nỗi chưa rửa xong hận cho con trai
yêu, tiểu lão không đành lòng lìa xa nhân thế. Hôm nay nếu giết được ả
tiện nhân Liễu Oanh Oanh, tiểu lão lập tức tự chặt đầu mình để tế anh
linh Cận đại hiệp!
Bộ dạng thảm thiết những dớt dãi, máu và nước
mắt của lão già khiến toàn bộ đám võ giả có mặt ở cổng sơn trang cùng
nảy lòng căm phẫn. Sục sôi vì nợ nước thù nhà, kẻ nào kẻ nấy hùng hổ gào thét đòi xông vào sơn trang. Sở Cung không ngờ mưu mẹo khích bác của
mình thâm quá hóa vụng, làm bao nhiêu người điên cuồng cả lên thế kia,
nhất thời lúng túng chưa biết xử lý ra sao.
Lôi Hành Không trợn
mắt quát lớn, tiếng quát rền vang như sấm đè bẹp mọi lời ồn ào la ó.
Không gian trở lại yên lặng, chỉ còn giọng lão oang oang:
- Có
câu: vay nợ trả tiền, giết người đền mạng. Con nữ tặc họ Liễu phạm đủ
mọi tội ác, gây ra toàn những trò vô liêm sỉ. Thiết Mộc kiếm của Sở Tiên Lưu tuy sắc bén nhưng chưa chắc đâm toạc nổi một chữ “lý”.
Lôi Chấn nhảy loi choi, la lối xách động:
- Sở gia bất chấp lý lẽ, chúng ta cũng không cần phân trần phải trái với họ.
Sở Cung cười nhạt:
- Đại lang, ngươi nói vậy rõ ràng có ý lấy thịt đè người tiêu diệt Thiên Hương sơn trang chúng ta phải không?
Lôi Hành Không độp lại:
- Sở lão đại, ngươi nói vậy là bất chấp lý lẽ, khăng khăng giữ nguyên chủ kiến phải không?
Sở Cung tự biết lỡ lời, chỉ hừ một tiếng, ngoảnh mặt đi.
Hai bên hậm hực như sắp lao vào nhau, bỗng một người tách ra khỏi đám đông, ôn tồn khuyên giải:
- Nước nhà đúng lúc lâm nguy, non sông đương phen tan nát, cớ sao các vị
còn giằng co những chuyện nhỏ nhặt như vậy? Chi bằng đồng tâm hiệp lực,
gia nhập nghĩa quân như Cận đại hiệp và Vân công tử phá giặc dữ đền nợ
nước, thế chẳng hơn ư?
Mọi người ngoảnh nhìn. Kẻ vừa lên tiếng là Hà Tung Dương chứ nào phải ai xa lạ, có điều hắn nay đã gầy sọp, tóc
mai lốm đốm bạc, mới mấy năm mà trông như già đi hàng chục tuổi. Hà Tung Dương nghiêm nghị bảo Sở Cung:
- Liễu Oanh Oanh chẳng qua chỉ là hạng trộm cắp giang hồ. Thiên Hương sơn trang đời đời trong sạch, hà
tất trở mặt với bằng hữu thiên hạ vì một mình y thị? Chi bằng giao ả ra
đây, mọi người ba mặt một lời, vạch hết tội lỗi của ả rồi mổ ruột moi
tim để kết thúc mọi sự. Một là khôi phục hòa khí, xóa bỏ mắc mứu giữa
các bên. Hai là nêu cao chính nghĩa giang hồ. Con khốn đó cùng một giuộc với tên ma đầu Lương Tiêu, nhân thể chúng ta đem ả ra tế cờ rồi cùng
nhau lập thành nghĩa quân tiến sang bờ đông Trường Giang tử chiến với
quân Thát. Chẳng nên lẵng nhẵng mãi vì một mối ân oán con con, mất cả
chí khí của đại trượng phu đi!
Hà Tung Dương dứt lời, ai nấy đều tán đồng khen ngợi. Chợt có kẻ hỏi:
- Thiên hạ đồn rằng Vân Thù đại hiệp vẫn còn sống, tin ấy đích không?
Vân Thù tử thủ Tương Dương, đã mấy lần đẩy lui cường địch, không phụ kỳ
vọng của người trong thiên hạ, anh hùng hào kiệt giang hồ đều khâm phục. Nghe tới tên gã, quần hào nín thở nhìn Hà Tung Dương, mắt ngời ngời
niềm mong đợi. Tên cựu bộ khoái tỏ vẻ xúc động, giọng điệu cảm khái:
- Năm xưa Hà mỗ theo hầu quan phủ, phạm phải vô số lầm lỗi. Ngày nay sơn
hà tan nát mới nhận chân được những sai sót xưa kia của mình, cũng may
được Vân đại hiệp thu nhận vào trướng, vậy là còn cơ hội đoái công chuộc tội. Chuyến này Hà mỗ đến đây chính là theo lệnh Vân đại hiệp, mong
chiêu tập các vị hào kiệt về cùng mưu chuyện khởi nghĩa. Sau trận chiến
Thường Châu, Vân đại hiệp được người ta cứu, thoát chết trong đường tơ
kẽ tóc, hiện nay đã tập hợp thuyền bè chuẩn bị hải chiến. Văn Thiên
Tường thừa tướng cũng vừa thoát khỏi nanh vuốt Nguyên triều, đang chiêu
mộ mấy chục vạn binh sĩ ở Giang Tây, sửa soạn quyết một trận thư hùng
với quân Thát. Tình thế hiện tại rất có lợi cho chúng ta, tin rằng không đến hai năm nữa sẽ vãn hồi được giang sơn Đại Tống.
Tin Vân Thù
còn sống khiến quần hào phấn khởi vô cùng, lại nghe có cơ may khôi phục
non sông thì đều vui mừng múa may, nhốn nháo reo hò:
- Một ngày còn Vân đại hiệp, quân Thát đừng hòng chiến thắng!
- Đúng đúng, Vân đại hiệp võ công cái thế, thao lược gồm tài, có đại hiệp lãnh đạo, chúng ta sẽ dễ dàng xéo nát bọn Thát!
Ai nấy một bầu nhiệt huyết, càng nói càng hừng hực hào khí, nắm tay siết
chặt, chỉ muốn lao ngay ra sa trường mà xung phong chém giết.
Lôi Hành Không đến đây chỉ vì Thuần Dương thiết hạp, chẳng hề hứng thú với
vụ nợ nước thù nhà, nhưng tính vốn gian giảo, trước không khí ấy cũng hồ hởi góp tiếng:
- Hà lão đệ nói có lý lắm, ta hãy bắt con nữ tặc trước rồi giết bọn Thát sau để tỏ rõ uy phong của quân dân Đại Tống.
Đám hào kiệt đều đang nóng đầu, những muốn tìm nơi trút giận, nghe lão già
nói thế liền đồng thanh hưởng ứng. Sở Vũ thở dài khuyên:
- Đại
ca, công công nói phải đấy. Con tiện nhân đó gây nhiều tội ác, e rằng
không còn cách nào bào chữa cho ả nữa. Tam thúc đức cao vọng trọng mà
sao vẫn hồ đồ thế, lẽ nào người thực sự bị ả mê hoặc rồi ư?
Thị
vốn rất kính trọng Sở Tiên Lưu, nhưng ngày ngày nghe nhà chồng phỉ báng, lại thêm mối căm hờn vì ngộ nhận Liễu Oanh Oanh giết con mình, lâu dần
sinh niềm hoài nghi, cho rằng Sở Tiên Lưu đã già mà chưa trót đời, còn
tham luyến nhan sắc của Liễu Oanh Oanh nên không muốn giao nộp ả.
Sở Cung đắn đo một thoáng rồi lắc đầu:
- Lời Tam thúc nặng tợ núi, trừ phi có kẻ thắng được Thiết Mộc kiếm, còn
thì đã nói không giao Liễu Oanh Oanh là nhất định không giao!
Đám võ giả nhìn nhau ngơ ngác. Không khí lặng đi chốc lát, rồi ai đó hét to:
- Một người không thắng được, lẽ nào hai người cũng thua ư?
Lôi Hành Không hưởng ứng:
- Đúng vậy, một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Sở Tiên Lưu dẫu thần thông quảng đại đến đâu cũng chưa chắc địch nổi
ngần này hảo hán.
Những tay hiếu chiến nhao nhao phụ họa. Nhà họ
Sở thảy đều biến sắc, siết chặt chuôi kiếm. Việc đã đến nước này, Sở
Cung đành bảo:
- Được, các vị đã có gan thì, mời! – đoạn nhích sang trái hai bước để rộng lối vào.
Nếu hắn khăng khăng ngăn cản, không chừng bọn kia sẽ ngang ngược xông vào
thực, nay hắn xử sự khác với thói thường, nhượng bộ mở cửa thì đến Lôi
Hành Không cũng phải phân vân, ngờ rằng có điều quái lạ: “Sở Tiên Lưu
chưa xuất đầu lộ diện, trong kia lành dữ thực hư thật mù mịt, chỉ e lại
có bẫy giăng nọc độc, khó tránh khỏi bị mắc lừa…”. Lôi Chấn quay ra đám
đông nói lớn:
- Ngay sa trường cường địch chúng ta còn không sợ,
sá gì một sơn trang nhỏ nhoi. Đây chẳng phải đầm rồng hang hổ, các huynh đệ cứ xông lên đi, đừng để người ta coi thường!
Đám hào kiệt nghe kích động, cảm thấy gan dạ hơn hẳn, cùng hò la cổ vũ nhau, chực chờ lao vào.
- Không dám, niềm tự hào của Lôi mỗ cũng chỉ tập trung ở chút gan thỏ ấy thôi, chứ con người chẳng còn gì hay ho cả!
- Ta không khen cái sự bạo dạn của đệ, mà khen công phu viết chữ lên lưng của đệ cơ!
Lôi Chấn nghi hoặc:
- Ngươi nói năng bậy bạ gì đó?
Trong lúc ấy, mọi ánh mắt đã theo lời Sở Cung đổ dồn vào lưng Lôi Chấn. Lưng
áo hắn quết đầy vết bóng, thoáng nhìn thì tưởng là những vệt dầu mỡ dây
ra do sơ ý, nhưng nhìn kỹ có thể đọc được bốn chữ to tướng: “Ta là con
lợn”. Chữ viết nguệch ngoạc, nét bút xiên xẹo, y như thể có người ăn cơm xong bôi luôn bàn tay nhoe nhoét mỡ màng vào đấy, ban nãy chắc mỡ chưa
thấm vào áo nên nhìn không rõ, lúc này gió thổi làn áo phập phồng làm
ánh bóng bắt sáng, nổi bật hẳn lên. Ai nấy nhìn rõ liền xì xào bàn tán,
vừa kinh ngạc vừa buồn cười, đám người nhà Lôi Công bảo thì hầm hầm nét
mặt.
Lôi Chấn nghe nhộn nhạo không hiểu ra sao, chột dạ ngoái cổ ngó nghiêng, mất hẳn bộ điệu oai phong vừa rồi. Sở Cung cười bảo:
- Lôi Đại lang, ngươi đã tự nhận mình là con lợn thì lão phu cũng không
chấp ngươi nữa, vì lão phu là người mà… Ha ha! Mời! Mời! – đoạn trỏ tay
về phía chuồng lợn ở góc tường.
Lôi Chấn tức sùi bọt mép:
- Ngươi mới là con lợn! – đoạn vung quyền định đấm Sở Cung.
Sở Vũ sượng mặt can:
- Đại lang, không trách được huynh ấy! Có trách thì trách áo quần của huynh thôi!
Lôi Chấn trừng mắt:
- Trách áo quần? Áo quần biết thóa mạ người ta hay sao?
Sở Vũ bối rối, không biết đáp lại thế nào. Bạch Tam Nguyên cũng thân với Lôi Chấn, liền bước lên khỏi đám đông, nói thẳng:
- Lôi lão đệ! Cởi áo khoác ra mà xem!
Lôi Chấn lột phăng áo choàng, định thần nhìn kỹ, lập tức đực mặt ra.
Bạch Tam Nguyên lúc này cũng đứng quay lưng lại quần hào, ánh mắt họ liền đổ dồn vào lưng áo lão. Có kẻ xướng lên rành rọt:
- Ta là chó ghẻ!
Hắn vừa dứt lời, xung quanh người ta cười rộ. Tên vừa đọc bối rối phân bua:
- Đâu phải nói ta, Cửu đầu ngoan mới là chó ghẻ!
Bạch Tam Nguyên nổi khùng, quay lại nhìn tận mặt kẻ sủa bậy, lạnh lùng hỏi:
- Lộc Đại Tiều, lão tử không thù không oán với ngươi, tại sao ngươi xúc phạm lão tử?
Dứt lời, lão dằn chân bước tới, mắt lộ hung quang. Lộc Đại Tiều tái mặt thanh minh:
- Ngươi viết những lời ấy lên lưng thì được, người khác đọc thành tiếng thì không được à?
Bạch Tam Nguyên biến sắc, vội vàng tuột áo xem. Quả nhiên vạt áo sau nhoe
nhoét dầu mỡ, viết đúng bốn chữ mà họ Lộc vừa xướng lên. Nhìn kỹ có thể
nhận ra nét chữ này cũng chính là nét chữ viết trên lưng áo Lôi Chấn.
Trước ngần ấy anh hùng hào kiệt, Lôi Hành Không cảm thấy chẳng còn chút thể diện nào, bèn điểm mặt con trai mắng:
- Đồ hậu đậu, chuyện gì thế?
Lôi Chấn quệt mồ hôi rịn đầy trên trán, run sợ đáp:
- Hài nhi hoàn toàn… không hiểu.
Quần hào thảy đều kinh hãi: “Bạch Tam Nguyên võ công bình bình, không biết
ai viết lên lưng mình đã đành, nhưng Lôi Chấn là nhân vật có thứ hạng
cao trong võ lâm mà cũng mù mờ như thế, chứng tỏ bản lĩnh thủ phạm cao
thâm khôn lường”.
Bạch Tam Nguyên nổi trận lôi đình, hai mắt tóe lửa, quát tháo ầm ĩ:
- Rốt cục là kẻ nào? Có giỏi thì đường hoàng bước ra đấu với lão tử một
trận, thò đầu rụt cổ giở trò ám toán trong bóng tối đâu phải là hảo hán!
Bọn hào kiệt im lặng, ngơ ngác nhìn nhau, không ai bước ra. Bạch Tam Nguyên càng thêm hung hăng, giậm chân định thóa mạ thật nặng nề thì một giọng
rành rọt vẳng tới:
- Kẻ đưa chuyện chửi bới sau lưng nữ nhân có thể coi là hảo hán được không?
Cùng với tiếng nói, hai nam một nữ dắt theo lừa trắng ung dung xuất hiện.
Một trong hai nam nhân là người xuất gia, kẻ còn lại tuổi ước hai mươi,
đĩnh đạc anh tuấn, áo trắng ngời ngời, tóc đen vấn sơ thả xõa trên vai,
hông giắt một thanh trường kiếm bằng tre, tay cầm bó lạt. Mấy chục sợi
lạt như có linh tính, cứ lật bật nhảy múa giữa các ngón tay gã, kết
thành một cái vòng tre hình thù kỳ lạ. Gã vừa bước vừa tết vòng, miệng
nói nhưng mắt chẳng nhìn một ai.
Bạch Tam Nguyên và Lôi Chấn ngó
nhau, sực nhớ lúc dừng chân ăn cơm quán quả có gặp ba người này. Cả hai
giật mình, Bạch Tam Nguyên quát:
- Tên đan tre kia…
Thiếu niên nọ chính là Lương Tiêu, cười cười cắt ngang:
- Ta không đan tre, chuyên đan người thôi…
Bạch Tam Nguyên tức giận quát:
- Đan gì mặc kệ ngươi, những chữ này do ngươi viết phải không?
Lương Tiêu mỉm cười:
- Chữ nào cơ?
Bạch Tam Nguyên vọt miệng đáp:
- Ta là ch…
- Bạch lão đệ! – Lôi Hành Không vội nhắc.
Bạch Tam Nguyên giật mình, gắng nén lại đoạn “…ó ghẻ”, trừng mắt nhìn đối
phương, hú hồn nghĩ bụng: “Tên này gian xảo thật, suýt nữa mắc lỡm của
hắn!”. Lão muối mặt quá, càng nghĩ càng căm hờn, liền vung mái chèo sắt, nháy mắt ra hiệu với Lôi Chấn. Cả hai nhảy phốc tới, một trái một phải, đồng thời áp sát Lương Tiêu.
Gã thiếu niên không buồn ngước mắt, búng mạnh hai sợi lạt. Bạch Tam Nguyên và Lôi Đại lang cùng đau nhói
nơi cổ tay, sợi lạt nhỏ xuyên vào huyệt Liệt khuyết và thò ra đằng huyệt Thần môn của họ. Thân trên tê dại, cả hai hoảng hốt vùng vẫy. Nội lực
của Lương Tiêu bắt đầu chảy theo những sợi lạt vào cơ thể họ, luồn lách
buồn buồn trong các kinh mạch. Liệt khuyết huyệt thuộc Thủ thái âm phế
kinh, Thần môn huyệt thuộc Thủ thiếu âm tâm kinh, hai mạch tâm phế cùng
bị khống chế một lượt gây ảnh hưởng đến toàn thân. Vừa khó thở, vừa tê
liệt, Bạch Tam Nguyên đánh rơi mái chèo sắt, tay chân bải hoải không còn chút khí lực nào.
Quần hào cả kinh, định xông lại cứu. Mười ngón tay Lương Tiêu liền cử động thoăn thoắt, thắt hai sợi lạt trên cánh tay Lôi Chấn và Bạch Tam Nguyên thành vòng tròn, xỏ vào cái vòng to bằng
tre cầm trong tay. Đám đông xung quanh khua binh khí, hò hét xúm lại.
Lương Tiêu hừ mũi, xoay một lượt từ trái sang phải, thi triển công phu
Bích vi tiễn bắn những sợi lạt nhỏ ra bốn phương tám hướng, hệt như linh xà quẫy động trong không trung, dệt thành một tấm lưới dày rộng. Chỉ
thoáng chốc, bọn hào kiệt đều bị trúng hai huyệt Liệt khuyết và Thần
môn, kêu gào thê thảm. Các ngón tay Lương Tiêu bật nhoay nhoáy, vừa bắn
lạt mảnh vừa thắt những vòng tròn nhỏ, xỏ vào vòng tre to. Chỉ lát sau,
trên vòng tre to đã buộc chùm mười mấy tráng hán. Ai nấy nghiến răng kèn kẹt nhưng không tự chủ được nữa, đành lếch thếch theo bước Lương Tiêu.
Những người còn lại đều kinh hồn táng đởm, bỏ chạy tán loạn, không dám
áp sát gã nữa.
Xa cách đã mấy năm, mặt mũi Lương Tiêu lại phong
trần già dặn hơn nhiều, người hai nhà Lôi, Sở quan sát gã từ nãy đến giờ mà không nhận ra cố nhân. Lôi Hành Không quát:
- Tên đan tre kia, rốt cục ngươi là ai?
Lương Tiêu mỉm cười:
- Chẳng đã nói lúc trước rồi đấy ư, ta không đan tre mà chỉ đan người.
Sở Vũ tinh mắt, cuối cùng cũng nhận ra gã là ai, kinh ngạc la lên:
- Chính ngươi, ngươi đến để cứu con tiện nhân kia phải không?
Lương Tiêu nhếch mép:
- Ngươi chửi dẻo lắm, ta ghi sổ nợ nhé. Lát nữa ta sẽ thích lên mặt ngươi đủ hai chữ “tiện nhân”, không thiếu một nét nào.
Gã mỉm cười mà giọng lạnh như băng, Sở Vũ không khỏi rùng mình.
Bây giờ thì đám hào kiệt giang hồ cũng đã nhận ra Lương Tiêu. Hà Tung Dương nghiến răng trèo trẹo, quát lên dữ tợn:
- Lương Tiêu tặc tử, quả đúng là ngươi!
Trong trận chiến ở núi Phục Ngưu năm nào, Lương Tiêu từng đại triển thần oai
chém giết thẳng tay, võ giả nam triều không ai không biết, nhắc lại
chuyện ngày đó nhiều kẻ còn tái người kinh sợ. Hôm nay gặp tận mặt tên
sát tinh, tim ai cũng nảy lên thình thịch, mắt láo liên nhìn ngó, xem
xem có đại đội nhân mã Nguyên triều nào theo gã tới không.
Nhìn
Lôi Chấn bị khống chế, Sở Vũ vừa xót xa vừa phẫn nộ, thình lình thét
vang một tiếng, phóng kiếm đâm Lương Tiêu. Gã thiếu niên liền ngoắc vòng to lên cánh tay trái, tay phải rút kiếm tre chặt mạnh lên sống kiếm của người đàn bà. Sở Vũ cảm thấy hổ khẩu tê dại, lưỡi kiếm cũng chệch đi,
nhưng thị ứng biến rất thần tốc, lập tức nhoài mình theo kiếm, xuất
chiêu Hàn nha xuyên lâm, trường kiếm lao chéo như quạ bay qua rừng.
Lương Tiêu cũng bắt chước đâm xéo kiếm, song tốc độ nhanh hơn nhiều,
điểm ngay huyệt Khúc trì của Sở Vũ. Cánh tay người đàn bà tê dại, trường kiếm rơi đâu mất, thoắt đã thấy thanh kiếm tre của đối thủ xẹt tới chóp mũi, máu thị như đông cứng trong huyết quản, mọi giác quan tê liệt hoàn toàn, chỉ còn ý nghĩ khiếp hãi quay cuồng trong óc: “Vì sao hắn luyện
kiếm pháp được đến trình độ này?”.
Lôi Chấn không thể chạy tới cứu vợ, chỉ biết tức tối rủa xả Lương Tiêu. Gã không buồn đếm xỉa, mỉm cười hỏi Sở Vũ:
- Ta đã nói là làm. Để cho đối xứng, trước tiên rạch lên má trái của
ngươi chữ “tiện”, sau đó khắc lên má phải chữ “nhân”, và khắc thật sâu,
sao cho cả đời cũng không xóa được!
Ai nấy ớn lạnh nhìn Sở Vũ,
nghĩ thầm: “Sở Nhị nương mặn mà sắc sảo thế kia, nếu bị thích chữ vào
mặt thì sau này còn dám gặp ai nữa!”. Người nhà họ Lôi bừng bừng căm
phẫn, chửi bới thậm tệ. Sở Cung tuy ghét Sở Vũ cứ bênh nhà chồng chằm
chặp, nhưng chẳng gì cũng là huynh muội ruột thịt nên không khỏi động
lòng trắc ẩn, khổ nỗi em mình đang nằm trong tay kẻ địch, nhất thời chưa biết tính sao.
Lương Tiêu quyết ra uy áp đảo quần hào, nhưng vừa nhích tay thì Hiểu Sương đã ngăn:
- Đừng, Tiêu ca ca!
Lương Tiêu nhíu mày:
- Muội định cản ta?
Hiểu Sương tái mặt lắc đầu:
- Được, muội không ngăn huynh nữa. Nhưng muội nói thật, chẳng may ai đó
chạm lên mặt muội những chữ sỉ nhục nhường ấy, muội chỉ muốn chết cho
rồi! Huynh xử sự như vậy đối với một nữ nhân thì còn khủng khiếp hơn
giết người ta nhiều. Gia đình họ tộc bà ta ngày ngày trông thấy, nhất
định cũng đau xót muôn phần. Vậy là hàng bao nhiêu người khổ lụy để đem
lại sự khoan khoái đắc ý cho một mình huynh… Làm như thế, huynh… đâu còn là người tốt nữa!
Lương Tiêu nghĩ bụng: “Ta chẳng bao giờ nhận
mình là người tốt cả!”. Gã nhìn đi chỗ khác, nhác trông cặp mắt tròn của Lôi Chấn rưng rưng ánh lệ, bất giác mềm lòng: “Kẻ này tuy lỗ mãng nhưng lại là một nam tử rất trọng tình”. Gã bèn xoay thân kiếm tre lên, uốn
cong nó rồi bật vào mặt Sở Vũ khiến hai má thị sưng tướng, căm ghét bảo:
- Cút!
Sở Vũ thoát khỏi kiếp nạn, lặng lẽ lùi lại sau. Lương Tiêu gẩy trả trường kiếm cho thị:
- Cầm lấy, Phần hương kiếm thuật chẳng qua cũng chỉ đến thế mà thôi!
Sở Vũ đón lấy kiếm, mặt trắng bợt như ngâm nước. Các cao thủ của Thiên
Hương sơn trang nghe câu đó đều lộ vẻ phẫn nộ. Hiểu Sương thở phào, lại
nhìn một xâu đại hán nằm trong tay Lương Tiêu, vội nài nỉ:
- Tiêu ca ca, nếu huyệt đạo bị thương tổn lâu quá thì sẽ ảnh hưởng đến tâm phế. Huynh… thả nốt họ ra đi.
Cô đặt bàn tay mảnh dẻ lên cánh tay Lương Tiêu, mắt tràn ngập nét tha
thiết khẩn cầu. Lương Tiêu ngoảnh mặt tránh ánh mắt ấy. Hiểu Sương bèn
lắc tay gã, giọng dịu dàng nhưng dứt khoát:
- Tiêu ca ca!
Vòng tre lớn ngoắc trên cánh tay Lương Tiêu đang lồng đầy các vòng tre nhỏ
xâu qua huyệt đạo của mấy tên hào kiệt, vì vậy mỗi cái lắc của Hiểu
Sương lại khiến đám võ giả đau thấu tới tận tim phổi. Hiểu Sương lắc
liền ba lần, đám hảo hán cũng ba lần nhất tề rên rẩm. Cô thiếu nữ giật
mình nhìn họ, lòng vô cùng áy náy, vội vàng cúi đầu:
- Ôi, ta xin lỗi!
Lương Tiêu không còn cách nào khác, đành thở ra một hơi:
- Thôi vậy! – đoạn buông vòng tre.
Vòng tre thôi bị nội kình kiềm chế, khí lực cũng trở lại với mọi người. Họ
dứt đứt những sợi lạt, tuy đã thoát thân nhưng cơ thể vẫn đau nhức vì bị xuyên huyệt quá lâu, chẳng ai nghĩ đến chuyện giao đấu nữa.
Khoái cảm trả thù bị Hiểu Sương lần lượt dập tắt từng nấc một, Lương Tiêu
không khỏi chán ngán, nhìn quanh quất một lúc, chợt dừng ánh mắt ở Hà
Tung Dương, chậm rãi nói:
- Ngươi là thuộc hạ của Vân Thù, vì sao cứ gây khó dễ cho Liễu Oanh Oanh, chẳng lẽ ngươi không biết đến giao tình giữa họ ư?
Hà Tung Dương nhổ toẹt một cái:
- Đồ chó Thát nói thối hoắc! Vân đại hiệp trong sạch như nhật nguyệt, há dễ ràng buộc giao tình với con đàn bà đó?
Lương Tiêu nhìn như đóng đinh vào mặt hắn, cau mày hỏi:
- Ngươi nói thật ư?
Hà Tung Dương cất giọng oang oang:
- Nếu có nửa lời dối trá thì Hà mỗ chết không toàn thây.
- Toàn nói bậy, Vân Thù đã từng cứu mạng Liễu Oanh Oanh, cô ta cảm ơn đức ấy mới đem thân đền đáp. Lúc đó cả ngươi và hai nhà Lôi, Sở đều chứng
kiến. Lẽ nào là giả được ư?
Cha con Lôi Hành Không và anh em Sở Cung cùng lộ rõ vẻ nghi hoặc, Hà Tung Dương lo cuống, cố gắng che đậy bằng sự tức giận:
- Nhà ngươi mới nói bậy! Vân đại hiệp một đời trong sạch, gần đây cũng đã hứa hôn. Nếu ngươi còn dám sỉ nhục thanh danh của Vân đại hiệp, Hà mỗ
dẫu không đủ sức cũng nhất định quyết một trận sống mái với ngươi.
Giọng hắn chắc nịch làm Lương Tiêu hơi nao núng. Trầm ngâm một lát, gã hỏi:
- Ngươi bảo là Vân Thù đã hứa hôn?
- Đúng vậy.
- Hắn biết Liễu Oanh Oanh đang bị giam cầm ở sơn trang này chứ?
Hà Tung Dương nhướng mày nghĩ bụng: “Vân đại hiệp không biết, nhưng dẫu có biết, lẽ nào lại đi câu kết với con nữ tặc kia? Đồ chó Thát lòng lang
dạ sói, rắp tâm làm vấy bẩn danh dự của Vân đại hiệp. Lão tử đâu thể để
ngươi vênh vang đắc thắng!”. Hắn cứng rắn đáp:
- Cố nhiên là biết chứ, Vân đại hiệp còn khẳng định với Hà mỗ, con nữ tặc ấy sống hay chết đều chẳng liên quan đến đại hiệp.
- Hắn nói thế thật?
Hà Tung Dương thét to:
- Hoàn toàn thật!
Những người có mặt nghe xong câu ấy đều hò la khen ngợi. Lương Tiêu đanh mặt
nghĩ ngợi hồi lâu, chợt bật cười. Cười dứt, gã điềm tĩnh bảo Hà Tung
Dương:
- Hôm nay ta hẵng tạm lưu tính mạng của ngươi ở đấy. Về gặp Vân Thù chuyển lời này: Lương Tiêu rất khinh hắn.
Hà Tung Dương cười mũi không trả lời, bụng bảo dạ: “Vân đại hiệp là người
thế nào, đồ chó Thát nhà ngươi lấy đâu ra tư cách đánh giá?”.
Lương Tiêu nghĩ ngợi rất lung, sắc mặt lúc tươi tỉnh lúc u ám. Thình lình gã hít một hơi dài, giọng quyết đoán:
- Được, Vân Thù đã không cứu thì Lương Tiêu này cứu vậy. – Ngừng một lát, gã bỗng gọi to. – Sở Tiên Lưu, vãn bối Lương Tiêu cầu kiến!
Tiếng gọi ngân dài rền như sấm động, vang rộng khắp sơn trang. Một lát sau
mới có tiếng vọng âm âm vẳng lại. Ai nghe cũng khiếp đảm.
Tiếng
gọi dứt, Thiên Hương sơn trang vẫn tịnh không lời đáp. Lương Tiêu cau
mặt, sải bước tiến lại phía cổng. Sở Cung lắc mình chặn đường, giọng
lạnh lùng:
- Khoan đã! Ngươi vừa nói năng huênh hoang xem thường Phần hương kiếm thuật, phải không?
- Đúng thế, Phần hương kiếm thuật chẳng qua cũng chỉ đến thế mà thôi!
Sở Cung trừng mắt, vung kiếm đâm thẳng tới. Lương Tiêu hất kiếm tre ra
vạch khẽ, đè lên sống kiếm Sở Cung. Đường kiếm này thấm nhuần tâm pháp
của Đoài kiếm đạo, quẻ Đoài tượng trưng cho đầm lầy, một trong những yếu lĩnh của nó là nội kình sinh ra lực dính, phong tỏa binh khí của đối
phương. Thanh kiếm thép của Sở Cung hệt như bị hút chặt vào bùn quánh,
không thể phát lực được nữa. Hắn kinh hoàng giật mạnh kiếm về. Lương
Tiêu khoa chân bước tới, kiếm tre áp sát thân kiếm Sở Cung, tiến cùng
tiến, lui cùng lui. Hai bên di chuyển như gió. Dù lướt ra xa đến mấy
trượng, Sở Cung vẫn không tài nào giằng nổi kiếm về. Hắn bỗng nhớ ra,
năm xưa Vân Thù đã từng dùng kiếm pháp lạ lùng này để đè nghiến thân
kiếm của mình, bất giác tim đập loạn lên.
Thấy huynh trưởng bị áp chế trước mặt bao nhiêu người, ảnh hưởng đến thanh uy hơn trăm năm nay
của gia tộc, lại nhớ rằng chính bản thân mình vừa rồi cũng bị sỉ nhục,
Sở Vũ nổi mối căm hờn, phi thân tới, múa kiếm vun vút đâm vào bẹ sườn gã thiếu niên. Lương Tiêu nhún chân quay khẽ, kiếm tre xoay ngang giật Sở
Cung ngã dúi, đoạn đâm mạnh vào mũi kiếm của Sở Vũ. Sở Vũ bàng hoàng,
kiếm mới đi nửa đường đã biến chiêu, cố gắng đẩy chếch nó xuống chừng
bốn tấc, vừa khéo đỡ ngay bên dưới lưỡi kiếm của Sở Cung. Lương Tiêu đã
đoán được nước này từ trước, lập tức chém mạnh kiếm tre xuống, sau một
tiếng “cạch” gọn ghẽ, kiếm tre lại hút dính kiếm thép của Sở Vũ.
Huynh muội họ Sở có danh chung là Thiên Hương song kiếm, uy thế lẫy lừng suốt ba mươi năm qua, hôm nay lại bị một kẻ hậu sinh tiểu bối dùng kiếm tre
kiềm chế đến nỗi không động đậy gì được, không chỉ bọn họ mà cả đám hào
kiệt vây quanh đều kinh hoàng táng đởm. Đúng khoảnh khắc lúng túng ấy,
đằng cổng bỗng vẳng ra tiếng lanh lảnh:
- Cha! Vân hoành Tần lĩnh! Cô cô! Hương lan hàm tiếu, Xuân thủy doanh doanh!
Tục ngữ nói: Có bệnh vái tứ phương. Huynh muội họ Sở nghe lời nhắc là lập
tức thực hiện, chẳng buồn cân nhắc liệu có kiến hiệu hay không. Sở Cung
xuất kiếm theo chiêu thế Vân hoành Tần lĩnh, thân hình hơi xoay đi,
trường kiếm chứa cương kình thần tốc quét ngang. Mũi kiếm của Sở Vũ lay
nhẹ tựa hoa lan bừng nở, chính là chiêu thế Hương lan hàm tiếu. Lương
Tiêu cảm thấy hai thanh kiếm sắp nhảy thoát, bèn dồn lực đè xuống. Sở Vũ liền uốn nhẹ hông như sóng gợn, chuyển động của hông lan lên vai, từ
vai lan xuống tay, từ tay lan ra kiếm, kình lực trên kiếm chỉ trong nháy mắt chuyển biến ba lần, cùng lúc ấy, hổ khẩu Lương Tiêu cũng nóng ran,
kiếm tre oằn lại.
Hiểu rằng kiếm tre sẽ gãy nếu tiếp tục ngạnh
đấu, Lương Tiêu vội giảm nội kình. Sở gia huynh muội bắt đúng khoảnh
khắc áp lực tiêu biến để thu binh khí về. Tiếng reo hò khen ngợi vang
lên rộn ràng xung quanh.
Lương Tiêu liếc mắt về phía cổng. Một thiếu nữ áo lam yểu điệu đang đứng yên ở đó, gã thiếu niên giật mình hỏi:
- Ngươi đấy à?
Cô gái chính là Sở Uyển, khuôn mặt vẫn thanh tú kiều diễm như xưa, chỉ
khác là đôi mắt trong sáng giờ vương vất nét sầu. Lương Tiêu đang định
hỏi cô ta tin tức của Triệu Thị và Triệu Bính, Sở Uyển đã nhẹ nhàng nói
trước:
- Tam thúc công vừa ngủ trưa dậy, sai ta ra mời các vị vào trang xơi nước!
Lương Tiêu đành nén lại những lời muốn hỏi đang đầy ứ lên trong miệng, giắt
kiếm tre vào hông sải bước đến cửa. Huynh muội họ Sở tự biết không ngăn
nổi gã, đành tránh sang hai bên. Đám hào kiệt đều có mục đích riêng,
cũng ào ào xông vào. Cả bọn đi theo con đường nhỏ lát đá xanh, bốn bề
hoa tươi nở rộ: trái rập rờn tường vi, phải rung rinh thục quỳ; mé đông
tiễn xuân la, bờ tây mãn địa kiều; rào trước thập tường cẩm, giậu sau mỹ nhân anh; chấp chới khắp vườn muôn vẻ tía, trĩu trịt quanh cành vạn ánh hồng. Quang cảnh rạng ngời chan chứa mắt nhìn, hương thơm nồng nàn thấm vào phế phủ mọi người khiến tâm hồn mở rộng, thái độ hùng hổ hiếu
chiến cũng dịu bớt.
Đi thêm hai dặm là hết con đường, phía trước
vẳng tới tiếng nước chảy róc rách, một dòng suối xanh như ngọc bích luồn ra giữa những khe đá chen hoa trắng, bên trên là cây cầu gỗ lượn vòng
xuống bờ bên kia. Nơi ấy cây lá la đà lả bóng quanh một ngôi tiểu đình
bát giác mái vòm sơ sài, kèo cột cong queo, gỗ tùng làm xà còn chưa lột
sạch vỏ, vẫn lởm chởm vẩy nâu.
Lương Tiêu đặt chân lên cầu, nghe thấy đầu bên kia có người khề khà ngâm:
Đời vốn như chiêm bao,
Cần chi hoài vất vả,
Tối ngày rượu nghiêng ngả,
Ngủ quên bên thềm nhà.
Tỉnh lại ngắm vườn hoa,
Oanh ríu ran đâu đó,
Nghe dịu thơm trong gió,
Phải chăng xuân đã về? [2]
- Chua loét, nghe chán cả tai!
Giọng một cô gái thình lình cắt ngang bài thơ. Cũng cái giọng lảnh lót ấy
khiến tim Lương Tiêu gần như ngừng đập, bước chân chợt đông cứng.
Người ngâm thơ cười ngất, tiếng cười vang lên hào sảng:
- Mọi việc Sở mỗ làm đều chua, còn cái tên Lương Tiêu, đánh rắm chắc cũng ngọt.
Cô gái gay gắt:
- Chỉ nói nhăng!
Tim đập thình thịch, Lương Tiêu vén hoa rẽ liễu chậm rãi đi qua cầu. Sở
Tiên Lưu đang bó gối ngồi trên tảng đá trước đình, vẻ uể oải biếng nhác, tay cầm chén rượu nhìn ra xa. Gần đó là một thiếu nữ áo lục đứng quay
lưng lại phía cầu, hai tay bịt tai, vai so cổ rụt, tựa hồ giận dữ chưa
nguôi.
Chuyện đã qua trở nên xa xăm như xảy ra tự kiếp nào. Lương Tiêu nhìn từ phía sau cô gái, định nhấc bước mà chân nặng trĩu, định
cất tiếng mà họng nghẹn ngào. Người con gái nghe động cũng quay mình
lại, gương mặt tuyệt thế làm không gian bừng sáng, hoa lá xung quanh
bỗng nhạt hẳn màu. Nàng xoáy ánh mắt khắp người Lương Tiêu, toàn thân
chấn động, vẻ mặt choáng váng, đoạn nàng thốt khẽ, nhào vào lòng gã như
én nhỏ tìm ra đường về tổ. Hiểu Sương đứng ngay phía sau, trông thấy
cảnh đó không khỏi sửng sốt, hai mắt mở to bàng hoàng.
[1] Tình cũ khó quên.
[2] Trích bài thơ Xuân nhật túy khởi ngôn chí (Nói khi tỉnh rượu ngày xuân) của Lý Bạch.