Tôi nhận được tin bà bệnh nặng đúng lúc đang viết một bộ phim truyền hình. Nhà sản xuất đưa ra vô số yêu cầu sửa chữa không ra sao , sự việc tiến triển rất mơ hồ.
Ngày ngày tôi đối mặt với file word, dường như chỉ muốn đâm đầu vào màn hình tinh thể lỏng trước mặt.
Một cuộc điện thoại của bố, tôi như chạy trốn về Sơn Đông, xe điện rất nhanh, chỉ mất bốn tiếng, xuống tàu hỏa, lại ngồi ô tô là có thể về tới thành phố nhỏ nhiều núi ấy, nơi tôi đã rời xa bao lâu nay.
Cảnh chiều hôm mù mịt, thành phố nhỏ vẫn thế, nhưng có người sắp ra đi.
Đặt hành lí xuống, bước vào căn phòng nhỏ của bà, nhìn bà đang nằm trên giường thở oxy, tôi lặng lẽ đứng bên giường rất lâu, khẽ gọi bà, vẫn tưởng rằng bà có thể mở mắt nhìn tôi một cái.
Nhưng không.
Người nhà ngồi chật trong phòng, sắc mặt mọi người đều không tốt lắm, vẫn cố gắng gượng hàn huyên mấy câu với tôi, thấy tôi không có hứng thú nói chuyện bèn để mặc mình tôi ngồi trên chiếc ghế nhỏ, đờ đẫn nhìn màn hình điện thoại.
Cứ ngồi như vậy, đêm đã khuya, chốc chốc tôi lại ngước nhìn bà, cảm giác như bà sẽ tỉnh dậy.
Cuối cùng, tôi từ bỏ, chỉ hi vọng bà ra đi thanh thản.
Tôi lặng lẽ đeo tai nghe, trong khi âm thầm đọc Kinh Phật hết lượt này tới lượt khác cho bà, hi vọng bà có thể nhìn thấy ánh sáng, trên đường tới bờ bên kia sẽ không bị lạc lối.
Đến nửa đêm, tôi đi nghỉ ngơi theo lời khuyên của mọi người, sau khi về nhà tôi ngủ một giấc không an lành cho lắm.
Hơn ba giờ sáng, tôi mơ hồ mơ một giấc mộng. Nội dung giấc mộng không rõ ràng lắm, tôi vừa tỉnh dậy đã quên hết. Nhưng tôi phảng phất trong giấc mơ có bà, nhớ bà cười với tôi, có lẽ đã nói “tạm biệt” với tôi, cũng có lẽ không. Tim tôi nặng trĩu, biết bà sắp đi rồi, đây như lời tạm biệt.
Tôi gọi điện cho bố, bố nói bà đã đi lúc hơn ba giờ, tính ra vừa đúng lúc tôi nằm mơ.
Tôi vội vàng rửa mặt, tới thăm bà, trong phòng đầy tiếng khóc, nhưng tôi không rơi lệ. Tôi chỉ như mất hồn giữa lúc hoảng loạn thế này.
Hôm hỏa thiêu bà, tôi đi tiễn, tận mắt nhìn bà thành một làn khói, một nắm tro, tôi yếu đuối như vậy nhưng vẫn không khóc.
Tôi cảm thấy vui cho bà, cả đời này bà đã quá vất vả, so với việc cứ vác cái gánh nặng cũ kĩ, ngay cả linh hồn vừa được thanh thản đã phải quay trở lại gánh lấy những mệt mỏi thì thà rằng ra đi, ra đi không chút vướng bận.
Tôi biết duyên phận kiếp này đã tận, nếu có duyên sẽ gặp nhau ở kiếp sau. Kiếp sau, cho dù không làm người thân, làm bạn bè cũng tốt. Cho dù chỉ vội vã lướt qua nhau, để lại cho nhau một nụ cười cũng không uổng phí mối duyên kiếp này.
Sau này thỉnh thoảng tôi nhớ tới bà, cũng không cảm thấy thương cảm.
Dường như bà chỉ đi xa, chúng tôi chỉ tạm thời không gặp nhau thôi.
Mấy năm sau, vào một buổi chiều mùa đông nào đó, tôi ngủ say và mơ thấy bà. Vẫn là ngôi nhà ở Sơn Đông, bà nằm trên ghế sô pha, cũng là buổi chiều, bà nhìn tay mình, những ngón tay mở ra rồi úp vào liên tục. Ánh sáng chiếu trên gương mặt bà, tôi không nhìn rõ biểu cảm của bà nữa. Nhưng, khung cảnh ấy, cô quạnh vô cùng.
Thời gian trôi qua, khi lớn hơn một chút, tôi mới hiểu được nỗi cô đơn trong những năm cuối cùng của bà. Nỗi cô đơn lạnh lẽo và dài đằng đẵng, chẳng có ai nghe, chẳng có ai hiểu.
Tôi lặng lẽ đứng nhìn bà ở một nơi không xa, cuối cùng bà phát hiện ra tôi, luống cuống ngồi dậy, mỉm cười nói: “Đói chưa? Bà nấu cơm cho cháu ăn nhé”.
Tôi biết đây là một giấc mơ, tôi đứng nhìn bà từ một nơi xa xôi, bất giác rơi nước mắt, lòng dạ cứng cỏi bỗng chốc trở nên yếu mềm. Tôi ước gì giấc mơ ấy dài thêm một chút, đủ để tôi bước tới bên bà, lặng lẽ bên cạnh bà một lúc.
Nhưng tôi chợt bừng tỉnh, lúc ấy mặt trời đã khuất sau núi Tây Sơn. Tôi nghe thấy tiếng trẻ con rượt đuổi nhau dưới lầu, mùi thức ăn từ nhà hàng xóm bên cạnh bay vào phòng, không biết ti vi nhà nào đang mở bộ phim truyền hình về đề tài mẹ chồng nàng dâu.
Tôi chìm trong bóng tối, đối mặt với khoảng đen rộng lớn và ngoan cường, đột nhiên cảm thấy trống trải và lo lắng vô cùng.
Tôi biết mình vẫn nhớ bà, trong phút lạnh người không kịp chống đỡ, đã buông áo giáp chẳng có nơi tháo chạy.
Tôi ôm chặt lấy mình giữa phố đêm rực rỡ ánh đèn, cuối cùng bật khóc nức nở.