Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa

Chương 3: Chí ít chúng ta vẫn còn có nhau

Giới thiệu tác giả

Thanh Sam Lạc Thác

Cung Ma Kết, nhóm máu AB điển hình. Ban ngày đi làm, buổi tối viết văn tiêu khiển, viết ngôn tình, chẳng theo đuổi điều gì lớn lao.

Tác phẩm tiêu biểu: “Ai ở bên bờ thời gian”.

Chẳng có gì có thể quay lại, tình cảm đã cũ, thời gian đã qua.

Chúng ta chỉ có thể chấp nhận sự giày vò của niềm hối tiếc, chấp nhận sự xa cách mãi mãi này.

Cùng với sự ra đi mãi mãi của người thân, một lỗ hổng nào đó trong đời người lặng lẽ rộng ra. Trưởng thành có lẽ chính là chấp nhận ngày càng nhiều lỗ hổng.

Ban đầu nơi ấy chỉ là một ngọn núi nhỏ vô danh, cách xa thành phố, sau đó bị phân thành nghĩa trang, trở thành một nơi liên quan đến chết chóc và người chết trong suy nghĩ của người dân ở đây.

Công việc của bố tôi rất bận, thường xuyên phải đi công tác. Từ khi nhớ được mọi chuyện, mỗi dịp tiết Thanh minh, mẹ sẽ dẫn tôi đi hai tuyến xe bus cỡ vừa mà chúng tôi phải đợi rất lâu mới có, để đi tảo mộ cho bà- người mẹ đã mất vì bệnh khi mẹ tôi mới tám tuổi.

Tôi luôn coi đó là một chuyến đi chơi ngoại ô.

Trải qua một mùa đông u ám dài đằng đẵng, sau tiết xuân sớm nắng mưa thất thường, thời tiết mới bắt đầu ấm lên. Trút bỏ chiếc áo rét nặng nề, cơ thể trở nên nhẹ nhàng, trong không khí phảng phất hơi thở của cỏ cây đang đâm chồi, hoa đào đã rụng, hoa cải đương vàng, cánh đồng lúa hai bên đường xanh mướt một màu, thỉnh thoảng còn nhìn thấy bác nông dân dắt trâu cày ruộng theo phương thức cổ xưa nhất. Đối với một đứa trẻ lớn lên ở thành phố, đường xá dù có xa, phải di chuyển nhiều thì vẫn cảm thấy thú vị, cho dù trên đường có nhiều bùn đất đến mấy đều không cảm thấy khổ cực.

Trẻ con không có khái niệm chết chóc, khu nghĩa trang cũng không mang lại cho tôi ấn tượng thê lương.

Ban đầu nơi ấy rất đơn sơ, mồ mả lộn xộn, có nhiều phần mộ cỏ dại um tùm, bia mộ đỏ nghiêng, đường đi khúc khuỷu, hơn nữa còn đột nhiên biến mất khiến bạn không biết đi hướng nào mới đúng. Người đi tảo mộ đông như kiến, công thêm mấy người buôn bán vàng mã, hương nến. khiến cả nghĩa trang huyên náo như họp chợ, thêm vào đó chốc chốc lại vang lên tiếng pháo ầm ĩ, mùi thuốc pháo và mùi hương quyện lại với nhau.

Nơi đây tràn ngập không khí của thế giới người sống.

Đương nhiên, vẫn có người đau đớn, kêu khóc. Thậm chí tôi còn nhìn thấy một người đàn ông đập đầu vào bia mộ, phát ra tiếng động rất rõ ràng nhưng không tốt lành, tôi liền sợ hãi đờ người ra, cho đến khi bị mẹ kéo đi tôi vẫn không kìm được mà quay đầu lại. Người ấy được người thân ôm chặt, nhưng vẫn giằng co giãy dụa, hai mắt đầy tia máu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy biểu cảm đau đớn khổ sở như vậy trên gương mặt ai, tôi hỏi mẹ: “chú ấy làm sao vậy?”.

Mẹ bình thản trả lời: “Chắc là vì buồn”.

“Tại sao lại buồn?”.

“Bởi vì không thể gặp được ai đó nữa”. Mẹ trả lời với vẻ thiếu kiên nhẫn nên tôi biết điều không hỏi gì nữa.

Phần lớn những người khác tới viếng thăm mộ trong vài ngày đó đều không đau buồn lắm, họ lau sạch bia mộ, thắp hương, khấn vái, đốt tiền vàng, đốt pháo đồng thời nói cười vui vẻ, có người còn mang cả điểm tâm, hoa quả và các loại dưa muối, rồi ngồi tụm lại ăn uống. Mẹ tôi cũng không đau buồn lắm, chí ít tôi cũng chưa từng nhìn thấy mẹ rơi nước mắt, nhưng mẹ cũng không có bất cứ biểu hiện thoải mái nào.

Sau khi xong các trình tự tảo mộ, tâm trạng mẹ tôi vẫn không tốt hơn. Khi tôi hỏi về người bà mà tôi chưa từng gặp mặt, mẹ trả lời rất đơn giản, ngắn gọn, thỉnh thoảng còn nổi cáu. Sau này lớn thêm một chút tôi mới hiểu, với một đứa bé gái tám tuổi và đứa em trai năm tuổi mà nói, người mẹ mất sớm chẳng để lại trong họ bao nhiêu kí ức. Huống chi, ông ngoại đi bước nữa ngay sau đó không lâu, rồi sinh thêm một cậu con trai, người xuất hiện nhiều hơn trong tuổi thơ của mẹ tôi có lẽ là người mẹ kế kia.

Nhắc tới mẹ kế, mẹ tôi lại rất công bằng: “Bà ấy không hung dữ, chưa từng ngược đãi mẹ và cậu lớn. Còn về chuyện thiên vị cậu bé, yêu thương con đẻ của mình hơn cũng là chuyện bình thường. Hơn nữa, cả đời bà ấy thực sự chẳng được hưởng nhiều phúc, bà mất năm sáu mươi sáu tuổi”.

Đôi lúc mẹ còn kể những câu chuyện thú vị về mẹ kế của mình. “... Bà tháo chiếc áo len cũ của mình ra rồi đan cho mẹ và cậu lớn của con mỗi người một chiếc áo gi lê. Bất cứ người họ hàng nào tới, bà đều lôi mẹ và cậu ra, vén áo ngoài lên cho họ xem, chứng minh bà ấy hiền thục, biết chăm nom nhà cửa thế nào, chăm sóc bọn mẹ tôi ra sao, cho đến khi áo gi lê bó chặt trên người không thể mặc được nữa”. Mẹ ngừng lại một chút, thở dài: “Có điều, cưới một người đã có hai đứa con, kinh tế dựa cả vào lương lậu của một mình ông ngoại con cũng không dễ dàng, bà ấy quả thực rất biết chăm nom nhà cửa”.

Vì thế khi dẫn tôi đi tảo mộ, đốt tiền vàng, mẹ sẽ đốt luôn cho mộ bà kế ở cách đó không xa. Với tôi, bà là một người có làn da trắng trẻo, luôn cười trước khi nói, còn có phải là bà ngoại ruột hay không cũng chẳng quan trọng. Huống hồ, từ nhỏ tôi đã thích cậu bé tính tình hoạt bát.

Sau khi khu mộ có thêm phần mộ của ông ngoại, tôi bắt đầu từ chối việc đi tảo mộ dịp thanh minh. Mẹ bảo tôi mấy lần nhưng tôi đều tìm cách từ chối, nếu mẹ than phiền tôi liền nổi cáu, mẹ lập tức không nói gì nữa.

Trong lòng tôi cảm thấy hối lỗi.

Đến một giai đoạn nào đó, bố mẹ đột nhiên không còn là trung tâm vũ trụ và quyền uy trong lòng con cái nữa, nụ cười hay cái nhăn mặt của họ đều không khiến con cái vui vẻ hay sợ hãi nữa; nên họ đưa ra yêu cầu cũng trở nên có phần e dè, khi đưa ra phán đoán giọng điệu của họ cũng không còn chắc chắn nữa... quan hệ dựa dẫm từ trước đến nay đột nhiên bị đảo ngược. Ý thức được điểm này, với tôi mà nói không hề dễ chịu chút nào. Bố mẹ già rồi, trách nhiệm trên vai tôi cũng nặng thêm, không thể tung tăng vô lo như thời niên thiếu, phía sau luôn có một cánh tay vững chãi che chở. Sự bồng bột, những lời khó nghe, cái tính động một tí là khó chịu của tôi, thực ra phần lớn đều do nỗi sợ hãi khi phải gánh chịu áp lực tạo nên.

Điều mẹ không biết là, mùa đông năm ông ngoại mất, một mình tôi đã tới khu mộ.

Ngọn núi hoang vắng, gió lạnh vù vù táp vào mặt, khiến người ta không mở nổi mắt. Qua mấy năm tu sửa, khu mộ đã không còn lộn xộn như trước đây nữa, phần mộ và bia đá được sắp xếp dày đặc thống nhất theo một kiểu, trông có phần bí bách. Tôi bị lạc giữa rừng bia đá giống nhau như đúc, quay đi quay lại không tìm thấy mộ của ông ngoại đâu cả, nên ngồi thụp xuống cạnh một bia mộ ôm mặt khóc nức nở.

Ông ngoại và gia đình cậu bé sống trong khu tập thể kiểu cũ của một khu công nghiệp nặng bên bờ kia sông Trường Giang. Ông là người thân thiện và hòa nhã, quần áo gọn gàng, làm công việc kĩ thuật, thích uống chút rượu trong bữa cơm tối. Ông biết làm mộc, ngoài giờ làm việc, ông hay đẽo đẽo gọt gọt, ông có thể đóng được cái tủ quần áo xinh xắn và tủ năm ngăn kéo. Vào những năm đồ dùng gia dụng chưa được sản xuất hàng loạt, dựa vào món nghề này ông cũng kiếm được thêm không ít.

Tôi không có thời gian nào sống cùng với ông, một năm số lần gặp mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay, vốn không nên đau lòng như vậy.

Nhưng, ông mất vì bệnh ung thư gan, từ khi chẩn đoán cho tới lúc mất chỉ có nửa năm, khi đó ông bảy mươi hai tuổi.

Cậu lớn làm việc ở nơi khác, chỉ vội vã về thăm rồi lại vội vã rời đi. Còn mẹ và cậu bé nổ ra tranh cãi gay gắt vì chuyện chữa bệnh, mẹ chủ trương mổ, tích cực cứu chữa, dốc hết khả năng kéo dài tuổi thọ cho ông. Cậu bé cho rằng đã mắc bệnh không thể qua khỏi thì không cần thiết lãng phí tiền bạc. Hai chị em tranh luận gay gắt, lôi hết những chuyện cũ ra lúc nào không hay, tâm trạng kích động vô cùng, lời nói cũng lúc càng gay gắt.

Bố thận trọng đặt mình ở vị trí người ngoài, không muốn phát biểu ý kiến nhiều. Tôi vốn không hiểu việc tranh cãi giữa mẹ và cậu, nhưng lần đầu tiên mẹ rơi nước mắt nói với tôi: “Mẹ còn nhớ bộ dạng bà con khi mất, mấy tháng cuối cùng, khuôn mặt bà bị biến dạng. Khi đó, thu nhập của ông ngoại con không thấp, nhưng nhà có người già cần phụng dưỡng, có họ hàng ở quê phải giúp đỡ kinh tế, gánh nặng chồng chất. Bà tiếc tiền, không chịu khám bệnh, cứ gắng chịu, nếu được chữa bệnh tử tế, bà con sẽ không đi sớm như vậy”.

Tôi biết nỗi đau trong lòng mẹ, nên nắm chặt tay mẹ nói: “Con sẽ cùng mẹ chăm sóc tốt cho ông”.

Mợ bé thản nhiên nói công việc bận rộn, phải chăm sóc con gái, muốn tận hiếu nhưng có tâm mà không có sức. Nếu kiên trì cứu chữa cho ông thì phải nói rõ chăm sóc thế nào, tiền nong ra sao. Tôi tức giận, không thể chịu nổi những lời liên tục thốt ra từ miệng cậu bé: Đằng nào cũng chết, cần gì phải vừa chịu tội vừa tốn tiền; tôi không chịu nổi cái nợ này đâu; nhiều loại thuốc tốt không thuộc phạm vi của bảo hiểm y tế...

Cậu bé còn nói tôi không hiểu chuyện, không nên nhúng tay vào chuyện của người lớn. Tôi châm biếm nói: “Chí ít cháu hiểu giữa người thân với nhau không nên so đo tiền bạc, cậu cứ giữ tiền của cậu, mong cậu sống yên ổn”

Mẹ chuyển ông ngoại về trị liệu ở bệnh viện gần nhà tôi và ngày đêm chăm sóc ông. Hàng ngày sau khi tan ca, tôi tới thăm ông, thay mẹ chăm sóc ông, để mẹ nghỉ ngơi một chút. Nửa năm đó, đối với mỗi người trong gia đình tôi mà nói, đều là một quá trình mệt mỏi, không chỉ lòng kiên nhẫn mà còn nhiều thứ khác dần bị hao mòn. Ban đầu ông ngoại được phẫu thuật ngoại khoa, cắt bỏ bộ phận ung thư. Nhưng bác sĩ nói với chúng tôi đã có di căn. Ông lại bị chuyển tới phòng hóa liệu xạ trị, sức khỏe suy yếu vô cùng, mong manh giữa ranh giới sống- chết. Còn mẹ tôi ngày càng tiều tụy, chẳng còn tâm trí chăm sóc gia đình, nhiều lần huyết áp bị tăng cao, bố tôi thương xót lắm nhưng ít nhiều cũng chỉ khẽ nhắc nhở.

Mẹ tôi không gượng được nữa nên về nghỉ ngơi, mình tôi trong phòng bệnh, đọc sách giết thời gian, nhưng đọc không vào. Bệnh của ông ngoại nặng tới mức phải dùng moocphin đúng giờ để giảm đau. Nhìn ông nằm đó, dáng người gầy gò, đột nhiên tôi có một suy nghĩ đáng sợ: tồn tại mà không hưởng thụ được niềm vui thì có giá trị gì; kiên trì trong đau đớn thế này có ý nghĩa gì?

Tôi sợ hãi, suy nghĩ này và suy nghĩ của cậu bé mà tôi khinh bỉ có gì khác nhau đâu. Tôi cố biện hộ cho bản thân: Xét cho cùng mình chưa bao giờ tiếc tiền, chỉ cảm thấy ông ngoại quá đau đớn.

Nhưng, mình hi vọng ông mau chóng ra đi như cậu bé từng nghĩ, để mọi người được giải thoát.

Không không không, tôi chỉ có thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời, chứ không đánh mất sự kiên nhẫn và hiếu kính.

Khi tôi đang chiến đấu với bản thân mình, ông ngoại mở choàng mắt, mơ hồ nhìn bốn phía xung quanh, ánh mắt dừng lại ở chỗ tôi, tôi hỏi ông: “Ông muốn uống nước?”. Ông lắc đầu, dường như thần thái tỉnh táo trong giây lát, ông thở dài yếu ớt: “Nói thật, bảy mươi ba, bảy mươi tư, Diêm Vương không gọi ông đi, ông cũng khó mà qua được đận này”.

Tôi vội vã nói lớn: “Không đâu, ông đừng nói linh tinh, bác sĩ nói hiệu quả hóa liệu lần này rất tốt”.

Ông ngoại mất sau năm ngày hấp hối mất thần trí. Lúc nhận điện thoại, cậu bé lần đầu tiên mới tới đây.

Tôi đã chẳng còn tâm trạng mà giận dữ, trách móc hay đau đớn, ôm mẹ khóc ngất đi, tê dại nghĩ: Ôi, giải thoát rồi.

Nhưng đây vốn chẳng phải là sự giải thoát khi đặt được gánh nặng này xuống.

Cậu lớn từ tỉnh ngoài về chịu tang, ban đầu cùng với cậu bé chỉ trích mẹ tôi để cha họ phải chịu nỗi giày vò không cần thiết, sau đó lại cùng cậu bé cãi nhau kịch liệt vì chuyện nên mai táng ông gần mộ vợ lớn hay vợ bé và vài chuyện liên quan tới nhà đất. Được sự hòa giải của người anh họ của ông ngoại, mọi chuyện mới coi như giải quyết ổn thỏa.

Mẹ tôi tâm sức đã mệt mỏi từ lâu, chẳng biện giải hay tranh cãi gì, sau khi về nhà ốm nặng một trận, khỏi bệnh xong lại mắc chứng mất ngủ một thời gian dài, buồn bực sầu não, hiếm hoi mới liên lạc qua điện thoại với cậu lớn, không qua lại gì với cậu bé nữa.

Quan hệ với người xa cách như vậy, mẹ tôi ngày càng trầm lặng hơn.

Bố giận dữ trách móc tôi rằng nếu không phải tôi ủng hộ, mẹ tôi không cần thiết phải chăm sóc ông ngoại, kết cục vừa tốn công tốn sức lại chẳng được gì.

Khó mà nói việc lựa chọn mùa đông đi thăm mộ một mình có phải là một hình thức tự ngược đãi sau khi tự trách móc bản thân hay không.

Những tầng mây màu chì đè nặng khiến nửa bầu trời tối xầm lại, lá rụng lá bay lác đác, vạn vật tiêu điều. Một con người dù trong lòng chất chứa bao nhiêu buồn đau chăng nữa, ở nơi người đã khuất an nghỉ thế này cũng thấy nỗi buồn đau của mình trở nên nhỏ bé vô cùng.

Lau khô dòng lệ, tôi phát hiện phần mộ bên cạnh là của một người bằng tuổi tôi. Nhưng sinh mệnh của cô ấy dừng lại khi hai mươi sáu tuổi, trên bia mộ ngoài khắc ngày tháng năm sinh và mất ra, còn ghi: “Khi sống rực rỡ như hoa mùa hạ, khi mất tuyệt vời như lá mùa thu, bố mẹ than khóc”. Phía trên là ảnh một cô gái có mái tóc dài, gương mặt thanh tú mỉm cười nhìn tôi.

Tôi chợt ngẩn ngơ. Sinh mệnh mỏng manh như vậy, hoa mùa hạ, lá mùa thu chẳng qua chỉ là niềm an ủi vô cớ với người sống mà thôi. Như sương buổi sớm mai tiêu tan trong chớp mắt, những ngày tháng đã qua khổ cực nhiều rồi.

Những người tới đưa tiễn rồi ai cũng về nhà nấy. Người thân vẫn còn đau buồn nhưng những người khác đã chẳng còn mảy may nhớ tới.

Cuộc sống vẫn tiếp tục, nỗi đau có sâu đến mấy cũng sẽ dần dần qua đi.

Có điều tôi vì thế mà mất đi tâm trạng tốt khi coi việc tảo mộ như một chuyến dã ngoại.

Tôi sợ gương mặt lạnh lùng của chết chóc và nỗi giày vò dài đằng đẵng mà nó mang tới.

Lại một tiết Thanh minh nữa, bố tôi không may bị trẹo chân nên tạm thời không thể đi lại được. Mẹ lặng lẽ chuẩn bị đi tảo mộ một mình, tôi vẫn im lặng như thường lệ, nhưng thấy bà đi lại không còn linh hoạt nữa, tôi không thể tiếp tục im lặng mãi được, bỗng nhiên lên tiếng: “Để con lái xe đưa mẹ đi”.

Mẹ có phần ngạc nhiên, không giấu nổi niềm vui vội vàng gật đầu: “Tốt quá, tốt quá!”.

Bốn năm trôi qua, con đường dẫn tới khu mộ đã được trải nhựa và mở rộng, hai bên đường là những hàng dương gốc Ý thẳng tắp đang khoác trên mình màu xanh non, nhìn cũng thấy tâm trạng vui vẻ. Mưa phùn lất phất, lúc tạnh lúc mưa. Mẹ thở dài:

“Thời gian trôi đi nhanh quá”.

Đúng thế, thời gian trôi đi thật nhanh, bốn năm vụt qua không dấu vết. Nhớ ngày thơ bé được mẹ dắt tay, bước đi trên con đường này, cảm giác dường như đã cách xa mấy đời người.

Càng tới gần khu mộ, dòng xe càng nhiều, ùn ùn đổ tới. Tôi kinh ngạc, bậc thang đá cao cao trước mặt mọc lên một tòa lầu bằng đá cẩm thạch cao chót vót, hóa ra đã được tu sửa đẹp đẽ như thế này. Mẹ nói với tôi, bên trong cũng được tu sửa hết, bây giờ không cho đốt pháo ở bên trong nữa nên nghiêm trang và yên tĩnh hơn nhiều.

Thực ra không khí trong khu mộ không thực sự trang nghiêm, bởi người đến cúng bái quá nhiều, rộn ràng nhộn nhịp như một cái chợ ồn ào. Mẹ tôi nhanh chóng tìm được phần mộ ông bà ngoại, lua sạch bia mộ, dọn sạch cỏ dại, đặt hoa tươi, lặng lẽ khấn vái, sau đó dẫn tôi sang mộ bà ngoại kế, vừa đi vừa nói: “Bất kể thế nào, bà ấy cũng đã nuôi mẹ với cậu lớn con trưởng thành, cho tụi mẹ ăn học”.

Đương ngiên tôi không ý kiến gì, đi theo mẹ. Lần này tôi không định hỏi, nhưng mẹ lại chủ động nhớ lại những chuyện cũ:

“Mẹ giống ông ngoại con, nghe nói cậu lớn con giống bà ngoại. Thực sự mẹ không nhớ rõ hình dáng mẹ ruột nữa, nhưng lại nhớ như in hình dáng mẹ kế”.

Bà kế là một người khá đọ lượng. Mẹ lấy trộm mạch nhũ tinh* của cậu bé của con pha cho cậu lớn uống. Bà ấy nhìn thấy rõ ràng nhưng không hề mắng mẹ, cũng không nói cho ông ngoại biết, chỉ mang đồ cất đi ở một chỗ khác thôi.

*Mạch nhũ tinh: Là một loại đồ uống có hàm lượng dinh dưỡng cao, hòa tan nhanh, phát triển mạnh trong những năm 70 ở Trung Quốc.

Là mẹ kế mà có thể làm được như vậy được coi là hiền rồi.

Cậu bé của con khi còn nhỏ rất thân với bọn mẹ, lúc nào cũng đòi bọn mẹ dẫn đi chơi. Bọn mẹ trêu đùa, cậu bé cũng không tức giận, đương nhiên cũng không đi mách lẻo”.

Tôi bâng quơ đáp, bất giác nhớ tới cô gái mất năm hai mươi sáu tuổi mà tôi nhìn thấy năm đó.

Mấy năm nay, khu mộ phát triển rất nhanh, tôi không thể tìm được phần mộ mà tôi đã không còn nhớ rõ mã số nữa, không biết người thân có tới thăm cô ấy nữa không? Chắc là có chứ, làm bố mẹ ai lại quên được đứa con gái đoản mệnh của mình.

Mẹ tôi đột ngột dừng chân trước một tấm bia mộ, tôi hỏi mẹ: “Sao vậy mẹ? Con nhớ bia phía trước mới là của bà ngoại mà”.

Mẹ không thốt lên lời, bà túm chặt tay tôi. Tôi nhìn theo ánh mắt mẹ, bia mộ rất mới, bên trên khắc dòng tên quen thuộc, tên của cậu bé. Tôi cũng sững sờ: “Tên của cậu bé rất phổ thông, người cùng họ cùng tên chắc nhiều lắm”.

Mẹ lắc đầu: “Năm đó cậu bé và cậu lớn cãi nhau có nhắc tới chuyện này, cậu bé đã mua miếng đất cạnh mộ bà ngoại kế, dự tính an táng cho ông ngoại con...”.

Nói tới đây mẹ ngã khụy xuống.

Tôi đỡ mẹ xuống, nhìn kĩ dòng tên khắc trên bia mộ. Tên, là tên cậu bé, ngày sinh là của cậu; mất cách đây bốn tháng; người lập bia là mợ và em họ.

Lòng tôi lạnh toát, ngỡ ngàng nói: “Nhưng, cậu mới bốn mươi bảy tuổi thôi”.

Mẹ tôi đột nhiên òa khóc: “Sao lại như thế, dù hận mẹ đến mấy cũng nên thông báo cho mẹ một tiếng chứ”.

Tôi dìu mẹ xuống núi, lái xe tới thẳng nhà cậu bé. Bốn năm không tới, tôi bị lạc giữa những tòa nhà mới xây và khu dân cư mới quy hoạch, cũng may mẹ tôi vẫn nhận rõ phương hướng, chỉ dẫn tôi tới khu tập thể.

Tôi gõ mạnh cửa, người mở cửa là cô em họ hai mươi tuổi. em ấy lạnh nhạt đáp: “đúng thế, chết rồi. Bốn tháng trước. Bác sĩ nói do bệnh tim đột ngột phát bệnh. Các người muốn thế nào? Trách nhà tôi không chăm sóc tốt hay sao?”

Tôi đang định lên tiếng thì mẹ tôi đã khóc ngất. Cô em họ cùng tôi dìu mẹ tôi, cuối cùng cũng bật khóc, vừa khóc vừa gọi bác ơi.

Mợ bé nhận được tin cũng về nhà và khóc lóc cùng mẹ tôi và con gái. Tôi chỉ biết đứng bên, tê dại, đờ đẫn.

Cậu bé nhìn vốn khỏe mạnh cường tráng, đương tuổi thịnh niên mà lại ra đi như vậy.

...

“Anh ấy luôn không vui vẻ, luôn nói mình bị mọi người xa lánh, cô lập;

Anh ấy nói, họ hàng đều dị nghị sau lưng;

Anh ấy uống rất nhiều rượu, nghiện thuốc cũng nặng hơn trước đây, nhà em không ai khuyên được;

Năm đó bà ngoại ốm hai, ba năm mới đi, chị và anh lớn vốn không phải ruột thịt, anh ấy cũng không chịu làm phiền hai người, mẹ con em chăm sóc rất vất vả, anh ấy thực sự sợ hãi. Anh ấy đi cũng nhanh, chỉ nói cảm thấy khó chịu trong lồng ngực, đứng lên liền ngã xuống, chưa tới bệnh viện đã...

Chuyện tang lễ do các đồng nghiệp trong đơn vị giúp sức lo liệu, em quả thực vẫn còn giận mọi người nên không thông báo;

Sau đó em mới hối hận, giận dỗi cũng chẳng còn nghĩa lí gì;

Anh ấy luôn nhớ chị và anh lớn, nhưng em không đủ dũng cảm để gọi điện cho hai người;

Hôm qua em cũng ra mộ thăm anh ấy, khóc lóc một hồi.

Cũng may, anh ấy ở bên mẹ anh ấy rồi...”.

Mợ bé vừa khóc vừa kể, nước mắt ngắn dài nhìn tôi: “Có lúc cậu uống say, cũng nhắc tới cháu”.

Tim tôi giật thót, giọng gượng gạo: “cậu nói gì?”.

Mợ bé nói: “Cháu từng nói với cậu, mong cậu sống yên ổn. cậu luôn nhớ câu nói ấy, nói cháu nói không sai, quả thực cậu không thể sống yên ổn được”.

Ai có thể yên ổn được chứ?

Cậu bé chính là người khi còn nhỏ hay dẫn tôi ra công viên chơi, chốc chốc lại nhấc tôi qua đỉnh đầu; nhận được tháng lương đầu tiên sau khi đi làm, cậu liền qua sông mời nhà tôi đi ăn cơm; tôi tham dự đám cưới của cậu, nhìn cậu ôm mợ bé xinh đẹp bước vào phòng tân hôn; tôi bế cô em họ vừa sinh hồng hào, vừa mở to mắt đứng canh ở bên, sợ tôi tuột tay, còn cười nói: “Lúc cháu vừa được sinh ra, cậu cũng bế cháu như thế này”; tôi thi đỗ đại học, cậu trịnh trọng nói với cô em họ, sau này phải như chị, rồi cậu vui sướng tới mức đi khắp nơi khoe ra mình có cô cháu gái thông minh, cậu khoe có phần hơi quá khiến tôi nghe mà phát ngại...

Vậy mà bốn năm tôi không quan tâm tới cậu, khi mẹ tôi do dự thở dài, tôi còn lạnh lùng nói: “Lẽ nào cậu không phải là người nên chủ động liên lạc với mẹ sao?”

Sẽ có một ngày chúng ta không còn chìm đắm trong hồi ức về những người đã khuất nữa, dần quên lãng nỗi đau, nhưng không thể nào chủ động gạt bỏ niềm khúc mắc trong lòng mình, cho đến khi cái chết đột ngột ập tới, cuối cùng tách rời chúng ta ra, để lại sự nuối tiếc không thể nào bù đắp được.

Tôi lái xe đưa mẹ về,cả hai đều im lặng suốt dọc đường. Đột nhiên tôi mở lời: “Mẹ, mẹ có trách con không?”.

Mẹ kinh ngạc: “Sao lại trách con?”.

Mấy lần con lái xe qua đây nhưng không hề nghĩ sẽ tới thăm cậu bé; mỗi lần đến Tết mẹ đều nói sẽ gọi điện cho cậu bé, con đều ngắt lời gạt đi.

Mẹ khẽ lắc đầu: “Không trách. Thực ra mẹ và cậu lớn ít nhiều cũng hận cậu bé con, từ nhỏ cậu bé được yêu được chiều, chưa từng chịu, chưa từng chịu bất cứ nỗi khổ cực nào, khi lớn lên cũng thuận lợi thế chỗ ông ngoại con trong đơn vị, nhận đãi ngộ tốt, nhà cửa để lại cho cậu một cách đương nhiên, khi kết hôn càng không phải lo lắng gì.

Khi mẹ lấy chồng, chỉ có một món hồi môn miễn cưỡng bủn xỉn, may mà bà nội con và bố đều biết bà ngoại mất sớm, nên không tính toán chuyện này. Cậu lớn tham gia sản xuất ở nông thôn, khó khăn lắm mới có cơ hội đi làm công ở nơi khác, thì xí nghiệp đãi ngộ kém, hôn nhân cũng không như ý, phí hoài nửa đời người ở đó, không thể điều động về đây nữa. Nỗi oán giận của cậu lớn sâu hơn, ông ngoại vừa mất nên không kiềm chế được cơn giận, kết quả...”

Mắt tôi nhòe đi, đỗ xe bên vệ đường, tôi gục đầu xuống vô lăng.

Mẹ vuốt tóc tôi: “Mẹ vẫn còn con, tốt hơn tất cả mọi thứ”.

Tôi nắm lấy tay mẹ: “Con đưa mẹ đi thăm cậu lớn”.

Cậu lớn sống ở một thành phố nhỏ cách đây hơn một trăm cây số, kí túc cũ kĩ, đồ dùng bên trong cũ kĩ, đồ ăn từ hôm trước đặt trên chiếc bàn đơn sơ vẫn chưa dọn, đã bốc mùi lạ trong không khí. Một mình cậu lớn ở nhà, nhìn cậu gầy gò, già nua lạ thường. Thấy chị gái lâu ngày không gặp tới chơi cũng không tỏ vẻ kích động, bất ngờ hay vui vẻ gì.

Nghe tin cậu bé đã mất, sắc mặt cậu lớn vẫn như khúc gỗ, dường như không cảm thấy bất ngờ trước tin cậu bé mất sớm. Một hồi lâu, cậu mới khẽ nói: “Chúng ta đều già rồi”.

Cậu lớn đã li hôn, làm thủ tục về hưu vì bệnh, sống đơn đọc bằng những đồng lương hưu ít ỏi, đứa con trai duy nhất sống với vợ cũ, cũng ít qua lại với cậu. Dường như mọi tình cảm và sự sắc sảo của cậu đã bị bào mòn, chỉ còn lại dáng vẻ già nua nặng nề.

Cho đến khi mẹ tôi nhắc tới quê hương và tuổi thơ hai người sống nương tựa vào nhau, ánh mắt cậu mới lóe sáng một chút: Lần trước trở về, cái ao phía sau đã bị san bằng, đáng tiếc quá; tán ngô đồng Pháp có còn không; trường tiểu học hai người đã từng học...

Mẹ nói: “chúng ta đều già rồi, đừng giận dỗi nữa, nếu nhớ nhà thì có thể về”.

Cậu cười chua xót: “Không về được nữa”.

Mẹ kích động: “Vớ vẩn”.

“Em không nói vớ vẩn chị à, nơi ấy đã không còn nhà của em, em không muốn làm khách ở nơi mình lớn lên”.

Nỗi thê lương trong giọng nói của cậu khiến tôi và mẹ cùng trầm mặc.

Chẳng có gì có thể quay trở lại, những tình cảm cũ, thời gian đã qua.

Chúng ta chỉ có thể chấp nhận sự giày vò của niềm hối tiếc , chấp nhận sự xa cách mãi mãi như thế này.

Cùng với sự ra đi mãi mãi của người thân, một lỗ hổng nào đó trong đời người lặng lẽ rộng ra. Trưởng thành có lẽ chính là chấp nhận càng ngày càng nhiều lỗ hổng.

Chí ít chúng ta vẫn còn nhau để trân trọng.

Con đường còn lại mong chúng ta hãy dìu dắt nhau, cùng bước bên nhau mãi không rời.