Cô Thành Bế

Quyển 1 - Chương 7: Hòa thân

Một lần nữa nghe người ta nhắc đến Phúc Khang công chúa là ở Xu mật viện.

Cuối xuân năm này, binh mã Khiết Đan áp sát biên cảnh, quốc chủ sai tuyên huy nam viện sứ Tiêu Anh và hàn lâm học sĩ Lưu Lục Phù đến triều kiến truyền tin, muốn đòi của Đại Tống hai châu Doanh, Mạc “đất quan nam”.

Hai châu Doanh, Mạc là một phần của mười sáu châu Yên Vân, năm đó bị “vua bù nhìn” Thạch Kính Đường cắt nhường cho Khiết Đan, đến thời Chu Thế Tông thì giành lại, quốc triều tiếp quản đến nay. Nhiều năm qua Khiết Đan luôn muốn bắt Đại Tống “trả lại” hai châu, sau, vua Minh Chân Tông xứ Thiền Uyên chấp nhận cống nạp, Khiết Đan liền từ bỏ ý định đòi đất, nhưng nay nhắc lại chuyện xưa, giọng điệu sứ thần mang tư thế nhất định phải thành.

Chư thần bàn bạc trên triều, không đồng ý cắt đất, quyết định mượn hòa thân để giảng hòa với Khiết Đan, lấy mối kết duyên giữa nữ nhân tôn thất Đại Tống và hoàng trưởng tử Khiết Đan Gia Luật Hồng làm tiền đề hóa giải chuyện đòi đất.

Nữ nhân tôn thất được chọn là con gái của Tín Cảnh Hi Giản vương Doãn Ninh.

Quan gia phái tri chế cáo (*) Phú Bật tiếp đãi, Giả Xương Triều làm bạn, nghênh sứ thần Khiết Đan tới sứ quán cùng nhau hòa đàm.

(*) Chức quan thuộc Hàn lâm viện, chuyên soạn thảo chiếu lệnh.

Sứ thần Khiết Đan vốn cũng có ý hòa thân, nhưng vừa nghe kim thượng phong nữ nhân tôn thất làm công chúa gả cho Lương vương, Tiêu Anh tức thì tỏ vẻ không vui: “Không phải hoàng đế Đại Tống có con gái ruột sao? Nghe nói Phúc Khang công chúa xinh đẹp tuyệt trần, thần dân nước tôi vô cùng ngưỡng mộ.”

Phú Bật giải thích rằng con gái hoàng đế còn nhỏ tuổi, chuyện thành hôn phải đợi thêm chục năm nữa. Lưu Lục Phù cười, nói: “Lương vương cũng chỉ mới mười tuổi, niên kỷ tương xứng với Phúc Khang công chúa, chờ thêm mười năm cũng không hề gì. Đã là hòa thân thì đương nhiên phải là trai gái ruột thịt của hoàng đế hai nước mới biểu hiện được thân tình nồng hậu. Lương vương là hoàng trưởng tử nước tôi, hoàng đế quý quốc lại chỉ gả nữ nhân tôn thất, lẽ nào là chê xứ tôi nước nhỏ dân yếu, sánh không đặng?”

Phú Bật và Giả Xương Triều tấu rõ việc này, kim thượng lập tức khước từ, bất kể thế nào cũng không chịu đưa công chúa Phúc Khang đi hòa thân. Bèn cử Phú Bật đi sứ Khiết Đan, gặp mặt đàm luận với quốc chủ, đồng ý tăng cống nạp hằng năm, nhưng nhất định từ chối việc hòa thân của công chúa. Phú Bật cũng bằng lòng, nói; “Chúa ưu thần nhục. Thần đi chuyến này ngoài việc cống nạp, quyết không hứa xằng một chuyện gì.”

Trước ngày khởi hành, kim thượng phong Phú Bật làm lễ bộ viên ngoại lang, xu mật trực học sĩ, ông lại không nhận. Sau khi tan triều, Phú Bật đến Xu mật viện bàn bạc chi tiết việc đi sứ và nội dung hòa đàm cùng chư thần. Nghị sự tất, mọi người xuất cung, ông vẫn nán lại viện, lao tâm khổ tứ nghĩ sách lược ứng đối.

Chợt có nội thị Hậu tỉnh mang bút mực quý tới, đều là vật báu trong kho ngự, nói là quan gia đặc biệt ban thưởng cho Phú Bật.

Vừa vặn khi ấy là ta trực trong viện, Phú Bật bái tạ xong sai ta nhận lấy vật ngự tứ, rồi lại im lặng ngồi xuống, nhăn mày trầm tư.

Ta đã biết được đại khái diễn biến sự việc, qua đôi câu nghe thấy lúc hầu hạ chư đại thần Xu mật viện và một phần công văn phải sao chép, ta hiểu Phú Bật phiền muộn điều gì. Giờ đây nhìn vật báu trong tay, một ý nghĩ lóe lên trong lòng, bèn lựa thỏi mực trong đồ ngự tứ ra, xếp lên chỗ dễ thấy nhất rồi mới bưng qua đặt lên bàn con cạnh Phú Bật.

Những năm gần đây, theo lệ trong cung, mực thưởng cho chư thần là mực Lý Hấp Châu. Lý thị ở Hấp Châu là thế gia sản xuất mực, mực cứng như ngọc, hoa văn rõ ràng, thớ dày vân sánh, sáng bóng như sơn, nổi tiếng thiên hạ, được liệt vào cống phẩm. Mực Lý ban cho đại thần đều được đặt trong tráp gỗ tử đàn, trên tráp chạm trổ tinh xảo, có dấu ấn của kho ngự. Nhưng hiện giờ ban cho Phú Bật lại không phải mực Lý mà là mực Vương Địch đất Tây Lạc đựng trong túi da báo.

Đặt đồ vật xuống phát ra chút động tĩnh, Phú Bật nghiêng đầu nhìn, cũng nhận ra chỗ khác thường, bèn nhặt một thỏi mực Vương Địch lên xem.

“Bây giờ mực Lý không còn là cống phẩm nữa à?” Ông hỏi ta.

Ta biết nguyên do trong đó, bèn nhất nhất nói ra: “Mực Lý vẫn là cống phẩm, nhưng năm nay gỗ tử đàn thiếu thốn, không thể làm tráp, Lý thị xin đổi sang tráp quế, quan gia không cho, nói mực thưởng cho đại thần theo lệ đều đựng bằng gỗ tử đàn, nếu đổi sang tráp quế, chỉ sợ quần thần có công sẽ hoài nghi bị cắt giảm, nên dứt khoát không lấy. Mực Vương Địch Tây Lạc chỉ dùng cao hươu hun khói, thơm mùi long xạ, cũng là mực tốt hiếm có, lại dùng túi báo ngàn vàng để đựng, vì lẽ đó quan gia ra lệnh năm nay đổi ngự thưởng thành mực Vương Địch.”

Phú Bật nói: “Người đời đa phần thích mực Lý, nếu vì tráp mà bỏ, há chẳng phải lấy gùi bỏ ngọc?”

Ta đáp: “Hoài Cát cả gan xin được hỏi học sĩ câu này, mực Lý Hấp Châu là loại mực đại nhân thích nhất ạ?”

Phú Bật cười: “Cái đó thì không! Riêng ta chuộng mực Sài Tuần Đông Dao.”

“Chính thế,” Ta tiếp lời, “Mực Lý tuy tốt, song cũng chẳng phải không thay thế được, có người ưa mực Vương Địch Tây Lạc hơn, cũng có người thích dùng mực Sài Tuần Đông Dao, mực Thịnh thị Tuyên Châu, hay mực Trần thị Đông Sơn. Ưa chuộng vật gì là tùy tính từng người, nhưng nói đến ngự tứ ngự thưởng, người đời đều thích hỏi mực Lý, tráp tử đàn lại càng đặc biệt được coi trọng, lấy ra là biết vật ngự tứ, nếu ban thưởng mực Lý mà không phối với tráp tử đàn, tất sẽ có người vô cớ hoài nghi, chẳng bằng đổi sang mực nhà khác.”

“Không sai, không sai, đồng liêu trong triều tuy thích hỏi mực Lý, nhưng nhiều người không dùng, ngược lại, tráp tử đàn thì không ai không thích.” Phú Bật gật gù, rất là tán thành, “Có người còn từng bông đùa, chẳng bằng xin quan gia chỉ thưởng tráp tử đàn cho chúng ta, cái khác thưởng bằng tiền bạc, để chúng ta tự mua loại mực mình thích bỏ vào…”

Ông cười vui vẻ, tâm trạng tốt lên, ta cũng nhẹ nhàng cười theo, không nói thêm nữa.

Lát sau, ông tắt cười, lại như đột nhiên nghĩ đến điều gì, vỗ bàn reo: “Đúng thế, đúng thế, sao trước đây lại không nghĩ ra nhỉ?”

Ông đứng dậy, trịnh trọng xá ta một vái: “Đa tạ trung quý nhân nhắc nhở.”

Sau đó ông đi sứ Khiết Đan, nói với quốc chủ, hoàng tử công chúa chưa chắc đã hợp tính, kết hôn dễ nảy sinh tranh chấp, tình vợ chồng khó bề bền chặt, ký thác vào chuyện hòa thân chẳng phải kế vững chắc, về sau dễ sinh biến số, chẳng bằng tăng lượng vàng gấm. Huống hồ, chuyện xưa nam triều gả trưởng công chúa, của cải tiễn đưa chỉ mới mười vạn xâu, dù là hoàng đế gả con gái ruột cũng sẽ chẳng vượt qua mức này, lợi lộc kém xa việc cống nạp.

Quốc chủ Khiết Đan vốn cũng mong muốn lấy được nhiều vàng gấm, nghe nói của cải tiễn đưa công chúa không quá mười vạn, lập tức đồng ý kiến nghị tăng thêm mười vạn hai lượng bạc, mười vạn xếp lụa. Vì vậy, hai nước cùng sai sứ thần một lần nữa thực hiện minh ước, không nhắc đến chuyện hòa thân và cắt đất nữa.

Phú Bật đi sứ trở về chừng hơn tháng, một người phụ nữ tuổi chừng băm mấy, tự xưng là nhũ mẫu Hàn thị của Phúc Khang công chúa, ôn hòa nói với ta: “Phú học sĩ không làm nhục sứ mệnh, quan gia rất đỗi vui mừng, khen ngợi đại nhân hết lời, đại nhân lại đề cập với quan gia việc được con gợi ý. Sau, quan gia nói với hoàng hậu và Miêu chiêu dung, hoàng hậu cũng rất tán thưởng con, nhưng lại nói: ‘Thằng bé này thông minh, nếu ở lại Xu mật viện dài lâu, chỉ sợ đài gián (*) có lời chê trách, không bằng điều vào Hậu tỉnh.’ Miêu chiêu dung bèn xin hoàng hậu cho con tới hầu hạ Phúc Khang công chúa, nói con từng hai lần giúp công chúa thoát khỏi khốn cảnh, cũng là có duyên. Vậy nên hoàng hậu bảo ta tới hỏi ý kiến con, con bằng lòng thì điều con vào… Con trai, con có bằng lòng không?”

(*) Triều đình thời Tống thiết lập chế độ gián quan và ngự sử, thường gọi là đài gián, ngự sử phụ trách thu thập ý kiến dân gian; gián quan nghị luận chỗ hay chỗ dở của những ý kiến này đối với triều đình cho hoàng đế tham khảo, có lúc còn có thể uốn nắn sai lầm của hoàng đế; cơ quan phụ trách đài gián là Gián viện.

Ta đồng ý, không do dự gì nhiều.

Không lâu sau đó, ta chính thức được điều vào Nhập nội nội thị tỉnh, thăng chức một bậc, trở thành nội thị cao ban, thuộc quyền Miêu chiêu dung, hầu hạ Phúc Khang công chúa.

Chỗ ở của ta cũng dời từ Tiền tỉnh vào nội cung. Ngày chuyển nhà, Trương Thừa Chiếu đến tiễn ta, nắm tay ta bịn rịn lưu luyến, dặn đi dặn lại: “Phú quý rồi xin chớ tương vong.”


Mọi người đọc thấy sao á? Nói thật là tớ không tự tin lắm khi dịch truyện này, cảm thấy văn dịch mình diễn đạt cứ trúc trắc sao sao đó, không xuôi cho lắm, có lẽ là vì chương này phải làm nhiều chú thích quá nên tớ dịch cứ bị đứt mạch suy nghĩ liên tục. Nói chung, đây cũng là lần đầu tiên tớ dịch truyện cổ đại nên nhiều cái bỡ ngỡ, đọc không ổn chỗ nào các cậu phải nói tớ biết đấy.

Nhân tiện, có thể mọi người sẽ thắc mắc sao xưng hô trong này loạn cào cào, nhân vật chính nói với người khác thì xưng tôi mà dẫn truyện lại xưng ta, thì, theo cảm nhận của tớ thì câu chuyện này không phải là Hoài Cát kể cho chúng ta mà nhiều hơn là chàng độc thoại nội tâm tự ôn lại quá khứ… thôi được rồi, là tớ muốn hướng truyện theo cái chiều hướng đó, thế nên tớ để Hoài Cát xưng ta trong lời dẫn truyện, còn xưng hô giữa các nhân vật thì tớ thiết lập theo cảm tính thôi, tôn chỉ dịch của tớ là đọc sao cho thuận mồm mà =))))

Bình thường tớ sẽ không tự chủ động giải thích việc mình dùng từ thế này đâu, aizz, chỉ trách thật sự là thiếu tự tin khủng khiếp hiuhiu ~~