Anna Pavlovna mỉm cười, hứa sẽ săn sóc đến Piotr mà phu nhân biết là có họ với công tước Vaxili. Người đàn bà có tuổi nãy giờ ngồi cạnh dì tôi vội vàng đứng dậy đi theo công tước Vaxili ra phòng áo. Trên mặt bà đã mất hẳn cái vẻ vờ vĩnh trước kia. Trên gương mãt hiền hậu, tiều tuỵ vì đã khóc nhiều chỉ thấy vẻ lo lắng và sợ hãi. Theo kịp công tước ra phòng áo, bà ta nói:
- Thưa công tước, ngài có thể cho biết gì về việc cháu Boris không? (Bà ta đọc chữ Boris nhấn mạnh đặc biệt vào âm ô). Tôi không thể ở lại Peterburg lâu hơn nữa. Xin ngài cho biết liệu tôi có thể đem tin tức gì về cho thãng bé tội nghiệp không?
Tuy công tước Vaxili nghe đàn bà có tuổi một cách miễn cưỡng và gần như vô lễ, thậm chí còn để lộ cả vẻ sốt ruột nữa, nhưng bà ta vẫn mỉm cười với một vẻ dụi dàng dễ làm người ta cảm động, và để giữ công tước lại, bà nắm lấy cánh tay ông ta. Bà nói tiếp:
- Ngài chỉ tâu giúp một lời với hoàng thượng, có mất gì đâu, là con tôi chuyển được ngay về đạo quân cận vệ:
- Xin công tước phu nhân biết cho rằng có thể giúp được đến đâu tôi sẽ hết sức giúp đến đấy. - Công tước Vaxili đáp - nhưng thỉnh cầu hoàng thượng thì đối với tôi thật khó quá; tôi mách phu nhân là nên nhờ Rumiantxez qua công tước Golixyn: như thế chu đáo hơn.
Người đàn bà có tuổi này là công tước phu nhân Drubeskaya vốn vào hàng thế gia, vọng tộc bậc nhất nước Nga; nhưng bà rất nghèo, từ lâu không đi lại nơi quyền quí và để mất hết những quan hệ giao thiệp cũ. Bà đến đây để chạy chọt cho cậu con một được thuyên chuyển về quân cận vệ. Vì muốn gặp công tước Vaxili cho nên bà ta đã cố kiếm cho được tấm thiếp mời đến buổi tiếp tân của Anna Pavlovna. Bà đã đến, và chỉ vì mục đích ấy mà phải ngồi nghe câu chuyện của ông tử tước. Câu trả lời của công tước Vaxili làm bà hoảng hốt, bộ mặt đã có một thời xinh đẹp của bà không gỉấu nổi vẻ căm giận, nhưng chỉ có trong phút chốc. Bà lại mỉm cười và nắm chặt hơn nữa cánh tay của công tước Vaxili, rồi nói:
- Công tước biết cho điều này; tôi chưa bao giờ xin gì công tước cả, sau này tôi cũng sẽ không bao giờ xin gì thêm nữa; tôi cũng chưa bao giờ nhắc công tước nhớ lại tình bạn của cha tôi đối với ngài, vì chúa, ngài giúp cho con tôi việc này, và tôi sẽ xin coi ngài như đấng ân nhân. Không, ngài đừng giận, ngài hứa với tôi một tiếng đi. Tôi đã nói với Golixyn rồi và ông ta đã từ chối. Công tước xưa nay là người hiền lành tốt bụng, mong rằng lần này nữa ngài cũng vẫn thế! - Và bà cố mỉm cười, tuy đã rơm rớm nước mắt.
Elen đứng chờ gần cửa, ngoảnh mặt về phía bố, cái khuôn mặt tuyệt trần trên đôi vai không kém gì các pho tượng cổ Hy lạp.
Nàng nói:
- Ba ạ, chúng ta đến muộn mất.
Nhưng ảnh hưởng trong xã hội là một cái gì vốn cần phải biết dè xẻn, đừng để cho cạn di. Công tước Vaxili biết vậy và đã hiểu rằng nếu ai nhờ gì mà cũng cứ can thiệp giúp, thì chẳng bao lâu không còn có thể xin gì cho bản thân nữa; nên ông ta rất ít khi dùng đến thế lực của mình. Nhưng trong trường hợp này, sau khi nghe công tước phu nhân Drubeskaya cầu khẩn lại lần nữa, thì công tước cảm thấy một cái gì như lời trách móc của lương tâm. Bà vừa nhắc cho công tước nhớ lại sự thật, trong những bước đầu tiên trên đường công danh, công tước đã chịu ơn bố bà ta. Vả lại, cứ nhìn cung cách của công tước phu nhân cũng có ý định gì, thì không bao giờ chịu lùi bước khi được việc; còn nếu không được thì sẵn sàng quấy rầy từng ngày, từng giờ và còn có thể sinh chuyện làm toáng lên nữa là khác. Ý nghĩ này làm công tước xiêu lòng.
Ông ta trả lời với vẻ thân mật và chán chường xưa nay trong giọng nói:
- Bà Anna Mikhailovna, điều mà bà muốn nhờ đối với tôi thật gần như không thể làm được; nhưng để bà biết là tôi rất mến bà và rất tôn trọng bà và rất tôn kính hương hồn cụ cố nhà, tôi sẽ làm cái việc không làm nổi; cậu con bà sẽ đổi về quân đội cận vệ, tôi xin hứa với bà như vậy. Bà bằng lòng rồi chứ?
- Công tước thân mến, công tước thật là ân nhân của tôi! Tôi đã biết chắc thế nào ngài cũng giúp tôi. Tôi biết ngài nhân hậu vô cùng.
Công tước đã toan bỏ đi.
- Cho tôi nói thêm một điều này nữa. Sau khi nó đã được chuyển sang đội quân ngự lâm… - Nói đến đây, bà ta ngập ngừng- ngài quen thân Mikhail Ilarionovich Kutuzov, mong ngài giới thiệu cho Boris vào làm sĩ quan phụ tá cho ông ta. Được thế tôi rất yên tâm và bấy giờ…
Công tước Vaxili mỉm cười…
- Việc này thì tôi không dám hứa với bà đâu. Bà không biết là khi được cử làm tổng tư lệnh, Kutuzov đã bị vây hãm đến như thế nào ư? Chính ông ta có nói với tôi là tất cả các phu nhân ở Moskva đều bảo nhau đến bắt ông ta phải thu nhận hết con cái của họ làm sĩ quan phụ tá.
- Không, ân nhân phải hứa với tôi đi, tôi không buông ngài ra đâu!
- Ba ạ! Chúng ta muộn mất - Elen nhắc lại, cũng giọng như lúc nãy.
- Thôi, tạm biệt, tạm biệt nhé? Đấy bà xem.
- Thế đến mai, ngài tâu với hoàng thượng chứ?
- Chắc chắn thế, nhưng tôi không hứa gì về việc nói với Kutuzov đâu.
- Không, hứa đi, Bazil(1) ạ.
Anna Mikhailovna với theo, miệng mỉm cười, cái nụ cười của một thiếu nữ làm đỏm xưa kia rất hợp với bà, nhưng bây giờ trên cái bộ mặt đã cằn cỗi trông thật lạc điệu.
Có thể thấy rõ rằng là bà ta đã quên cả tuổi tác, và theo thói quen, bà đã vận dụng hết thủ đoạn nữ giới của bà ngày xưa. Nhưng công tước vừa đi khỏi nét mặt của bà trơ lại lạnh lùng, vờ vĩnh như ban nãy. Bà lại đến ngồi với cái nhóm người đang nghe tử tước kể chuyện và lại làm ra vẻ chú ý nghe, chờ đến lúc ra về, vì công việc của bà đã làm xong.
- Nhưng các ngài nghĩ gì về tấn hài kịch vừa rồi, cái lễ đăng quang ở Milan ấy mà?- Anna Pavlovna nói - Và về tấn hài kịch mới của dân chúng Genes và Lucques đến chúc tụng ông Buonapactê. Ông Buonapactê ngồi trên ngai vàng và nhận những lời chúc tụng của các dân tộc. Tuyệt! Thế này thì đến phát điên lên mất. Cả thế giới đã mất trí rồi!
Công tước Andrey mỉm cười nhìn thẳng vào mặt Anna Pavlovna và nói, lặp lại những lời của bà Buônapáctê trong lễ gia miện ấy:
- Thượng đế đã ban cho ta, những ai phạm đến hãy coi chừng. - Chàng lại nói thêm - Người ta kể lại khi nói những lời ấy Buônapáctê đẹp lắm! - Chàng nhắc lại lần nữa những lời của Buônapáctê bằng tiếng Ý: Dio mi la dona, guai a chi la tocca.
- Tôi hy vọng - Anna Pavlovna lại nói tiếp - đó là cái giọt nước sẽ làm tràn cốc nước. Các vua chúa không còn có thể chịu đựng được cái con người đang uy hiếp tất cả cái ấy nữa.
- Các vua chúa ấy à? Đây tôi không nói đến nước Nga - Tử tước nói một cách lịch sự, nghe như tuyệt vọng - Thưa phu nhân, các vua chúa ấy à! Họ đã làm gì cho Louis XVII, cho hoàng hậu, cho đức Bà Elizabet? Không có gì cả - Ông la lại nói tiếp, giọng sôi nổt lên - Xin quí vị tin lời tôi, họ sẽ bị trừng phạt vì họ đã phản bội quyền lợi của vương triều Buôcbông. Các vua chúa ấy à? Họ đã cử sứ giả đến chúc tụng kẻ cướp ngôi.
Rồi thở dài khinh bỉ, ông tra trở mình trên ghế. Công tước Ippolit nãy giờ mải ngắm tử tước qua cái kính cầm tay, bỗng quay phắt lại phía công tước phu nhân nhỏ nhắn và mượn cái kim của nàng, vừa nói vừa vẽ lên mặt bàn để chỉ dẫn cho nàng về tộc huy của họ Condé, Ippolit cắt nghĩa một cách quan trọng, cứ như là chính nàng đã nhờ chàng ta cắt nghĩa vậy. Ippolit nói:
- Vạch đỏ tươi viền xanh có ren trơn: họ Condé đấy?
Công tước phu nhân vừa nghe vừa cười nụ.
Tử tước lại tiếp tục câu chuyện đang nói dở, với cái vẻ của một người không chú ý nghe người nào khác nói, mà chỉ theo dòng tư tưởng của riêng mình, vì đang nói đến một vấn đề mà mình hiểu hơn ai hết. Ông ta nói:
- Nếu Buônapáctê còn làm vua nước Pháp một năm nữa thì tình thế không biết sẽ đi đến đâu. âm mưu, bạo lực, những án lưu đồ, những cuộc hành hình sẽ làm cho xã hội Pháp - tôi muốn nói cái xã hội Pháp chân chính, - vĩnh viễn bị tiêu diệt và đến lúc ấy thì…
Ông ta nhún vai và dang hai tay ra chiều ngán ngẩm. Piotr muốn nói một câu gì đấy, vì chàng bị câu chuyện lôi cuốn rất mạnh, nhưng Anna Pavlovna nãy giờ vẫn để ý theo dõi chàng liền nói chặn ngay:
- Hoàng thượng Alechxandr đã tuyên bố là Người sẽ để người Pháp tự ý chọn lấy chính thể của họ - Phu nhân nói với cái vẻ buồn rầu mà phu nhân vẫn thường có mỗi khi nhắc đến hoàng gia. Và tôi nghĩ rằng chắc chắn sau khi được giải phóng khỏi ách kẻ cướp ngôi thì toàn thể nhân dân Pháp sẽ tự lao mình vào đôi cánh tay của vị quốc vương chính thống của họ. - Phu nhân kết luận như vậy, mong lấy lòng con người bảo hoàng lưu vong ấy.
- Chưa chắc, - Công tước Andrey nói - ngài tử tước cho rằng tình hình đã đi quá xa là rất đúng. Tôi thiết tưởng đã thế thì khó mà quay trở lại được.
Piotr xen vào câu chuyện, chàng đỏ mặt nói:
- Theo những điều tôi được nghe thì hầu hết quý tộc đã quy phục Buônapáctê rồi.
- Đấy là bọn theo Buônapáctê chúng nó bảo thế. Tử tước cãi lại mắt không nhìn Piotr - Hiện thời khó lòng mà biết rõ đích xác công luận ở Pháp.
Chính Buônapáctê cũng nói thế - Công tước Andrey cười nhạt. Người ta thấy rõ là công tước không ưa ông Montmorency và tuy chàng không nhìn vào ông này, câu nói ấy chính là để bẻ lại ông ta.
Sau một phút im lặng, công tước Andrey nói tiếp, lần này cũng lại dẫn lời của Napoleon.
"Ta chỉ cho họ con đường vinh qulang thì họ không buồn đi theo, nhưng khi ta mở cửa phòng chở của ta cho họ, họ đổ xô vào hàng đàn"… Tôi không biết ông ta có quyền nói như thế đến đâu.
- Không có quyền gì hết - Tử tước cãi lại - Sau vụ ám sát công tước D'Anghien chính là những kẻ ủng hộ nhiệt liệt nhất cũng thôi không xem y là một vị anh hùng nữa - Ông ta lại quay về phía Anna Pavlovna nói thêm - Dù đối với một số người, trước kia y có là một vị anh hùng đi nữa thì kể từ vụ ám sát công tước, trên thiên đường đã thêm một vị tử đạo và dưới dương thế đã bớt một người anh hùng.
Anna Pavlovna và những người khác chưa kịp mỉm cười tán thưởng câu nói của tử tước thì Piotr đã đâm ngang vào câu chuyện, và tuy đã đoán trước là chàng sắp nói một điều khiếm nhã, Anna Pavlovna vẫn không thể ngăn lại được. Piotr nói:
- Hành hình công tước D'Anghien là một việc tất yếu của quốc gia, và tôi thấy Napoleon có một tâm hồn cao cả ở chỗ không sợ một mình gánh lấy tất cả trách nhiệm trong việc này.
- Trời ơi! Trời ơi! - Anna Pavlovna phát ra mấy tiếng thì thào nghe đến phát sợ. Công tước phu nhân nhỏ nhắn mỉm cười với lấy túi nữ công, nói:
- Thế nào, ông Piotr, ông cho rằng ám sát người ta là có tâm hồn cao cả à?
- À! Ô? Trong cử toạ có những tiếng kêu lên.
- Capital! (2) - Công tước Ippolit vỗ đùi một cái, thốt lên bằng tiếng Anh.
Tử tước chỉ nhún vai.
Piotr nhìn cử toạ qua vành mắt kính, vẻ đắc thắng.
- Sở dĩ tôi nói như vậy - Piotr nói tiếp, giọng liều lĩnh - là vì họ Buôcbông đã chạy trốn trước cuộc cách mạng và bỏ dân chúng trong cảnh, loạn lạc; chỉ có một mình Napoleon là đã hiểu được cách mạng, thắng cách mạng, và do đó, vì lợi ích chung, ông ta không thể lùi bước trước việc hy sinh tính mạng một cá nhân.
- Hay là mời ông sang bàn bên kia? - Anna Pavlovna nói.
Nhưng Piotr không đáp lại, cứ nói tiếp, càng nói càng hăng:
- Vâng. Napoléon vĩ đại vì đã vươn lên cao hơn cách mạng, đã trấn áp những phần quá khích của nó và giữ lại tất cả những cái tốt lành của nó, quyền bình đẳng giữa các công dân, cũng như tự do ngôn luận, tự do báo chí, và chính vì thế mà ông ta đã nắm được chính quyền.
- Vâng - Tử tước nói - Nếu nắm được chính quyền rồi, ông ta không lợi dụng nó để giết người mà đem trao trả cho quốc vương hợp pháp thì tôi mới cho là vĩ nhân.
- Ông ta không thể làm như vậy được. Sở dĩ quốc dân trao chính quyền cho ông ta chỉ là cốt để ông trừ khử bọn Buôcbông đi cho họ và vì họ đã thấy ông là một bậc vĩ nhân. Cách mạng đã là một sự nghiệp vĩ đại - Piotr lại nói tiếp; đâm ngang một câu quyết liệt và đầy vẻ khiêu khích như vậy, Piotr đã tỏ ra mình còn rất non trẻ và hễ suy nghĩ điều gì là cứ muốn nói phăng ra tức khắc.
- Cách mạng và giết vua là sự nghiệp vĩ đại? Thế thì còn… Hay là mời ông sang bàn bên kia? - Anna Pavlovna nhắc lại.
- Tôi không nói việc giết vua. Tôi nói đến tư tưởng kia - Một giọng mỉa mai chen vào.
- Vâng, tư tưởng cướp bóc, giết người và giết vua.
- Dĩ nhiên đó là những việc làm quá khích, nhưng cái chính không phải là ở đấy, mà ở trong nhân quyền, trong việc giải phóng con người ra khỏi các thành kiến, và trong quyền bình đẳng giữa mọi người công dân, tất cả tư tưởng ấy Napoleon đều đã giữ lại với tất cả sức mạnh của nó.
- Tự do và bình đẳng - Tử tước nói một cách khinh bỉ, dường như mãi đến bây giờ tử tước mới quyết định chứng minh một cách nghiêm túc cho chàng thanh niên này thấy rõ hết cái ngu ngốc trong lời nói của anh ta - đó là những danh từ rất kêu, nhưng đã bị bôi nhọ từ lâu rồi. Ai mà chẳng thích tự do và bình đẳng? Chúa cứu thế của chúng ta cũng đã thuyết giáo về tự do và bình đẳng. Thử hỏi sau cách mạng người ta có sung sướng hơn không? Trái lại thì có. Chính chúng ta mới muốn tự do, còn Buônapáctê đã thủ tiêu tự do.
Công tước Andrey cười tủm tỉm khi thì nhìn Piotr, khi thì nhìn tử tước, khi thì nhìn nữ chủ nhân. Tuy đã thành thạo trong nghề xã giao, Anna Pavlovna cũng thấy hoảng hốt vì những lời táo bạo của Piotr. Nhưng khi thấy rằng lời lẽ của chàng ta dù có báng bổ đến đâu, tử tước cũng không hề mất bình tĩnh và lại tin chắc rằng cuộc nói chuyện đến đây không thể nào dập tắt được nữa, phu nhân liền tập trung hết sức mình trợ lực cho tử tước, tấn công lại nhà hùng biện kia:
- Nhưng này, ông Piotr ơi! - phu nhân nói, - Ông làm sao mà cắt nghĩa được rằng một vĩ nhân có thể hành hình công tước D'Anghien như vậy, hay chỉ là hành hình một con người thôi cũng thế, không cần xét xử gì hết, mặc dù người ta không có tội?
- Tôi xin hỏi - Tử tước nói- Ông cắt nghĩa thế nào cái ngày 18 tháng Sương mù (4)? Đó chẳng phải là một vụ lừa bịp hay sao? Đó là một trò quỷ thuật chẳng giống gì cách hành động của một vĩ nhân cả?
- Còn những tù binh ở châu Phi mà y đã tàn sát thì sao? Thật là khủng khiếp - Công tước phu nhân nói đoạn nhún vai một cái.
- Quí vị nói gì thì nói, nó cũng chỉ là một đứa tiện dân mà thôi! - Công tước Ippolit nói.
Piotr không còn biết trả lời ai nữa, chàng nhìn khắp mọi người một lượt rồi mỉm cười. Nụ cười của chàng không giống như của một số người khác: nụ cười của họ thường pha lẫn với một cái gì chẳng giống chút nào với một nụ cười. Chàng thì trái lại, khi đã bắt đầu mỉm cười thì cái vẻ mặt nghiêm trang và hơi lầm lì bỗng biến đâu mất, nhường chỗ cho vẻ trẻ con, hiền hậu, thậm chí ngây ngô trông như muốn xin lỗi.
Tử tước, tuy mới gặp chàng lần đầu, cũng đã thấy rõ rằng anh chàng Jacôbanh này tuyệt nhiên không đáng sợ như những lời lẽ của anh chàng. Mọi người im lặng một lát.
Công tước Andrey lên tiếng.
- Anh ấy làm thế nào mà trả lời mọi người cùng một lúc được? Vả lại, trong những hành động của một nhà chính trị còn phải phân biệt những hành động của một cá nhân, của một vị tướng soái, của bậc hoàng đế. Tôi nghĩ có lẽ phải như vậy.
- Vâng vâng, đúng thế - Piotr tiếp luôn, mừng rỡ đón lấy sự viện trợ.
- Không thể không thừa nhận điều đó. - Công tước Andrey nói tiếp - là người thì Napoleon đã vĩ đại ở cầu Accôn, ở nhà thương Jaffa khi ông ta đưa tay ra bắt lấy những người bị bệnh dịch hạch; nhưng mà… nhưng mà cũng có những hành động khác khó lòng biện hộ được.
Công tước Andrey hình như muốn xoa nhạt bớt cái vụng về trong những lời nói của Piotr. Chàng đứng dậy ra về, và ra hiệu cho vợ.
Bỗng công tước Ippolit nhổm dậy, giờ tay yêu cầu mọi người ngồi, rồi bắt đầu nói:
- A? Hôm nay người ta có kể cho tôi nghe một giai thoại Moskva thú tuyệt; tôi phải đem ra thết quí vị mới được! Quý tử tước thứ lỗi nhé, tôi phải kể lại bằng tiếng Nga. Nếu không, các ngài đây không thưởng thức hết ý vị của câu chuyện.
Rồi công tước Ippolit bắt đầu nói tiếng Nga, với cái giọng những người Pháp nói tiếng Nga sau khi ở đất Nga được một năm.
Ai nấy đều quay lại nhìn: vì chàng ta hăng hái và khẩn khoản yêu cầu cử toạ chú ý đến câu chuyện của mình.
- Ở Moscu(5) có một vị phu nhân. Bà ta rất hà tiện. Bà ta cần hai tên hành bộc để đứng sau xe song mã. Mà phải là những tên thật cao lớn. Bà ta thích thế. Và bà ta có một con nữ tỳ còn lớn hơn nữa. Bà ta nói…
- Bà ta nói… phải, bà ta nói: "Con ạ (nói với con nữ tỳ) con mặc lấy bộ áo dấu và theo ta đằng sau xe, đi thăm hỏi các nơi".
Đến đây công tước Ippolit bắt đầu phì cười, rồi cười lên ha hả trước những người nghe khá lâu, gây một ấn tượng bất lợi cho người kể chuyện. Nhưng cũng có nhiều người mỉm cười theo, trong số đó có bà phu nhân có tuổi và Anna Pavlovna.
- Bà ta đi. Bỗng một cơn gió lớn nổi lên. Con thị tỳ bị bay mất mũ và mớ tóc dài xổ tung ra.
Đến đây chàng ta không thể nhịn được nữa, cười nấc lên từng tràng, vừa cười vừa nói:
- Thế là mọi người đều biết…
Câu chuyện chỉ có thế. Tuy người ta không hiểu tại sao chàng lại đem chuyện ấy ra kể và tại sao lại nhất thiết phải kể bằng tiếng Nga mới được, nhưng Anna Pavlovna và những người khác cũng tán thưởng cái lịch thiệp xã giao của công tước Ippolit, người đã chấm dứt cuộc đột kích khó chịu và bất nhã của Piotr một cách nhã nhặn như vậy. Sau mẩu giai thoại ấy, cuộc nói chuyện tản mạn ra thành những mẩu chuyện lặt vặt vô nghĩa về cuộc khiêu vũ vừa qua và cuộc khiêu vũ sắp tới, về những buổi kịch, về vấn đề sẽ lặp lại gặp nhau vào lúc nào ở đâu.
Chú thích:
(1) Basile (tên Pháp tương ứng với Vaxili)
(2) Được đấy!
(3) "Contrat social" Một tác phẩm của J. Rouseau (1712-1788) rất có ảnh hưởng trong thời Cách mạng Pháp.
(4) Tức tháng 11 (theo lịch của thời cách mạng Pháp). Ngày 18 tháng Sương mù Napoleon đã làm đảo chính cướp chính quyền và lên làm Đệ nhất tổng giám đốc.