“Ngày mai con bắt đầu đi học hả mẹ?” Mỹ Hạnh hỏi mẹ mình.
Bà gật đầu. “Ừm, ngày mai con gái mẹ sẽ đi học.”
Vậy là Mỹ Hạnh sẽ bắt đầu bước vào lớp một. Tới trường, vào lớp và nhìn những bạn xung quanh, cô thấy đi học ở trường chả khác gì đi học ở chỗ cô Nhung cả. Chẳng qua được mang áo quần mới và xách thêm nhiều sách vở thôi.
Mặc chiếc áo sơ mi màu trắng, chiếc quần dài màu xanh mới mua, Mỹ Hạnh cũng như bao bạn khác bắt đầu những chuỗi ngày đến lớp của mình. Cô học lớp 1/3 và lớp của cô có đến ba mươi sáu bạn. Tính luôn cả cô nữa là ba mươi bảy. Đông ơi là đông luôn. Có một vài bạn cô biết mặt, một vài bạn thì cô mới gặp lần đầu tiên.
Đặc biệt là một bạn nam, bạn ấy ngồi tuốt bên dãy kia, cô để ý tới bạn này là vì cứ đến giờ ra chơi, lúc nào cô cũng thấy bạn ấy ngồi một chỗ, chả nói chuyện hay chạy ra sân trường như bao bạn khác.
Một năm trôi qua và cô bắt đầu vào lớp hai. Cô vẫn thấy bạn nam ấy vẫn vậy, có điều không như năm lớp một, bây giờ bạn ấy ngồi một mình ở cuối lớp. Nhiều lúc ra về, cô thấy bạn ấy rất hớn hở. Bạn chạy một mạch ra cổng trường và trèo lên xe của một bác gái. Cô chả hiểu vì sao bạn ấy lại vui như vậy, mà trong khi ở lớp lại buồn hiu. Nhiều lúc cô định bắt chuyện, nhưng mỗi khi bạn ấy nhìn thấy cô, thì lại cúi gầm mặt xuống bàn.
Năm lớp hai qua đi và năm lớp ba lại đến. Cô vô cùng bất ngờ khi thấy bạn nam ấy ngồi sau lưng mình. Từ khi vào học đến giờ, bạn ấy không nói chuyện với cô một lời nào. Ai hỏi gì thì bạn ấy trả lời. Không ai hỏi thì bạn ấy ngồi im một cục.
Mỹ Hạnh chắp tay sau lưng nhìn bà mình. “Ở lớp của con á. Có một bạn cứ ngồi im ơi là im. Bạn ấy không nói chuyện với ai cả. Như vậy là sao hả bà?”
Bà nhìn cháu gái của mình. “Bạn nam tên Thanh ấy hả con?” Bà từng nghe cháu mình nhắc về cu cậu này.
“Dạ.” Mỹ Hạnh gật đầu.
Bà khẽ cười. “Có thể bạn ấy ngại. Hoặc có thể bạn ấy không thích nói chuyện.”
“Ngại hả bà?” Mỹ Hạnh nhíu mày suy nghĩ.
Thời gian như vậy cứ qua đi, Mỹ Hạnh hay quay xuống nhìn Duy Thanh, nhưng lúc nào cô cũng thấy bạn ấy cúi mặt xuống hoặc quay mặt đi. Trong khi cô thấy bạn ấy trò chuyện với những bạn khác thì bình thường. Cô nghĩ chắc bạn ấy không thích nói chuyện với mình.
Thế là cứ đi đi, về về, có lúc tan học, cô được mẹ chở sang nhà dì chơi. Nửa đường, cô thấy Duy Thanh ngồi sau một chiếc xe công nông chở rơm. Cô thấy Duy Thanh ngồi vịn vào xe và đưa bộ mặt ngơ ngác nhìn xa xăm. Lúc xe mẹ rẽ phải, cô không biết Duy Thanh có thấy mình không.
Rồi đến một ngày, trong lúc giờ ra chơi, Khánh Long lấy bút ra và rải mực lên áo cô. Lần rải đầu tiên, cô thấy mực văng lên cánh tay của mình. Cô quay lại thì thấy Khánh Long nhìn mình như thể vui lắm.
Sau đó thì Duy Thanh lên tiếng. Lần đầu tiên cô nghe thấy Duy Thanh bênh vực mình. Rồi lần rải mực thứ hai xảy ra, cô quay lại và tự nhiên cảm thấy muốn khóc. Chưa kịp nói gì, thì bỗng nhiên cô thấy Duy Thanh lao vào đánh Khánh Long. Duy Thanh bặm mội lại đánh bạn ấy túi bụi. Bạn Khánh Long không đánh được Duy Thanh một cái nào. Cả hai người sau đó được các bạn can ngăn ra. Cô quay xuống nhìn Duy Thanh mà không biết phải nói gì. Rồi cô đành quay lên và lo sợ mọi người báo với cô giáo về vụ đánh nhau.
Tan trường, cô bước ra và mẹ cô lo lắng khi thấy lưng áo dính đầy mực. Cô phải nói dối với mẹ là bình mực của bạn bị đổ nên văng lên áo. Cô sợ mẹ mình tới mách với cô giáo và bạn Khánh Long sẽ bị trách mắng.
“Mẹ ơi.” Mỹ Hạnh ngồi sau xe hỏi mẹ mình. “Lúc nãy trên lớp con có đánh nhau.” Cô định kể là bạn Thanh đứng ra bảo vệ một bạn nữ bị ăn hiếp.
Bà Thùy Trang ngầm đoán. “Vậy là vết mực trên áo con là do mấy bạn đánh nhau gây ra đúng không?”
Mỹ Hạnh lắc đầu. “Dạ không phải đâu mẹ.”
“Lớp con hư quá.” Bà Thùy Trang ra lệnh. “Mẹ cấm con không được chơi với mấy bạn đó nữa.”
“Con không được chơi với mấy bạn đó hả mẹ?” Mỹ Hạnh muốn chơi với Duy Thanh.
Bà Thùy Trang không muốn con mình bị xử hư. “Không được. Đánh nhau là xấu. Mấy bạn đó là người xấu. Con không được chơi với những người xấu nghe chưa.”
Mỹ Hạnh đột nhiên thấy buồn. Vậy là cô không được chơi với Duy Thanh sao. “Nhưng bạn ấy đánh nhau vì bạn kia bị ăn hiếp.”
“Cũng là xấu. Những người đánh nhau đều là xấu hết. Mẹ cấm con nghe chưa.” Bà Thùy Trang nói lớn.
Vậy là Mỹ Hạnh biết mình bị cấm chơi với Duy Thanh. Cô thật sự muốn chơi với bạn ấy, cô thấy bạn ấy có gì xấu đâu, bạn ấy bảo vệ cô kia mà. Nhưng vì nghe lời mẹ nên những ngày sau, Mỹ Hạnh không dám mở lời trò chuyện.
Rồi một hôm cô được mẹ chở sang nhà bà ngoại. Thế là cô lại đi hỏi bà của mình. “Bà ơi, đánh nhau là xấu hả bà?”
“Đúng rồi. Đánh nhau là xấu.” Bà ngoại ngồi trước thềm nhà vừa ăn trầu, vừa đáp.
Mỹ Hạnh đứng chắp tay sau lưng. “Vậy con không được chơi với những người xấu hả bà?”
Bà ngoại khẽ cười. “Ừm, cháu bà không nên chơi với người xấu.” Bà kéo Mỹ Hạnh ngồi xuống lòng mình.
“Mẹ bảo con không được chơi với những bạn đánh nhau. Mà con lại thích chơi với bạn ấy.” Mỹ Hạnh tâm sự thật với bà mình.
Bà biết cháu mình đang nói đến ai. “Thế cháu nói bà nghe.” Bà vuốt tóc cháu mình. “Vì sao bạn ấy lại đánh nhau?”
Mỹ Hạnh đáp. “Bạn ấy thấy con bị ăn hiếp. Bạn ấy bênh vực con nên đánh nhau với bạn khác.”
“Vậy thì bạn ấy không phải là người xấu.” Bà mỉm cười.
“Thật hả bà?” Mỹ Hạnh quay lại nhìn bà mình.
Bà ngoại ừm một tiếng. “Đánh nhau là xấu. Nhưng nếu đánh nhau vì bảo vệ kẻ yếu và người tốt thì không phải là xấu.” Bà muốn an ủi cháu mình nên nói như vậy.
Mỹ Hạnh hớn hở. “Vậy là con được chơi với bạn ấy đúng không bà?”
“Đúng rồi. Bạn ấy là người tốt, nên cháu có thể chơi với bạn ấy.” Bà thấy cưng cháu mình dễ sợ.
“Dạ.” Mỹ Hạnh ngồi mỉm cười.
Bà ngoại đã nói cho cô biết Duy Thanh không phải là người xấu. Vậy là từ nay cô sẽ được chơi với Duy Thanh. Rồi đến tối khi nằm ngủ, cô chợt nhận ra một điều, trước nay cô và Duy Thanh đã là bạn với nhau đâu. Bạn ấy lúc nào cũng im thin thít và không thèm nói chuyện với cô.
Sau vụ đánh nhau, cô thấy Duy Thanh và Khánh Long suốt ngày trò chuyện với nhau như những người bạn. Hai người cứ như là bạn thân ấy. Cô không biết mình có nên đánh nhau với Duy Thanh để được làm bạn với bạn ấy không.
Những ngày sau đi học, Mỹ Hạnh tìm cách để đánh nhau với Duy Thanh. Lúc đầu cô nghĩ có nên rải mực lên áo Duy Thanh không. Sau đó cô nhớ lại cái cảnh mẹ mình vứt cái áo dính mực và đi mua cái áo mới, cô nghĩ nên thôi. Rồi cô nghĩ có nên quay xuống tát bạn ấy trước hay không. Hay giả vờ kiếm chuyện mắng bạn ấy chẳng hạn. Nhưng mà bạn ấy có làm gì cô đâu. Bạn ấy còn bảo vệ cô nữa kia mà. Rồi cô lại sợ bạn ấy đấm vào mặt của mình.
Cho đến một hôm, trong lúc đang ngồi học thì cô chợt nghe thấy Duy Thanh nói bút mình hết mực. Cô nghe Khánh Long bảo quên đem mực theo. Thế là cô đợi Duy Thanh ngỏ ý mượn mực của mình. So với bạn Hoàng Yến bên cạnh, thì cô “thân” với Duy Thanh hơn. Cô nghĩ Duy Thanh sẽ mượn mực của mình. Nhưng rồi cô vẫn không nghe thấy bạn ấy gọi. Cô ngồi ngay ở bàn trên kia mà, có xa lắm đâu. Có khi còn gần hơn bàn của bạn Khánh Long nữa.
“Bạn dùng mực của mình đi.” Mỹ Hạnh cuối cùng cũng quyết định ngỏ ý trước.
Duy Thanh đưa cặp mắt sợ hãi nhìn lên bạn gái bàn trên. “Bạn cho mình mượn à?”
Mỹ Hạnh gật đầu. “Bạn dùng đi.” Không đợi Duy Thanh lấy mực, cô đặt đại lên bàn bạn ấy rồi quay lên tiếp tục chép bài.
Duy Thanh miễn cưỡng rồi cũng lấy bút bơm mực vào. Anh chừa vở lại cho đoạn trên bảng bị mất rồi chép những đoạn sau. Trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, trong khi mọi người bắt đầu nhốn nháo thì Duy Thanh vẫn còn cắm cúi ghi bài.
Mỹ Hạnh quay xuống thấy vậy nên liền đặt vở của mình lên bàn của Duy Thanh. “Cho bạn mượn này.” Thấy Duy Thanh ngước mắt lên nhìn mình, cô liền nói tiếp. “Bạn chép xong thì trả lại mình.” Cô sợ mấy bạn khác lau bảng thì Duy Thanh không chép được bài.
Duy Thanh không biết vì sao bạn gái bàn trên lại biết mình chép thiếu. “Cảm ơn bạn nha.”
Mỹ Hạnh sau đó hớn hở chạy xuống căn tin mua nước uống như hôm nào. Rồi cô nghĩ đến việc bắt chuyện với Duy Thanh nên liền chạy lên. Bước về chỗ mình, cô thấy Duy Thanh vẫn còn cắm cúi ghi chép. Đứng trước bàn của Duy Thanh, cô thấy vở bạn ấy lấm lem như là vẽ bậy ấy.
“Vở của bạn lem hết rồi kìa.” Mỹ Hạnh chỉ tay vào vở.
Duy Thanh ngẩng mặt lên rồi gãi đầu. “Mình cũng không biết vì sao.”
“Chắc do bút bạn bị nghẹt đó.” Mỹ Hạnh ngầm đoán lý do.
“Nghẹt á?” Duy Thanh đưa bút của mình lên xem.
“Để mình bày cho.” Mỹ Hạnh chìa tay ra lấy bút của Duy Thanh. Cô định lấy tóc kẹp vào rãnh của đầu mũi bút. “Bạn bứt cho mình sợi tóc đi.”
Duy Thanh đưa tay lên sờ cái đầu đinh của mình. “Tóc hả?”
Mỹ Hạnh quên béng cái đầu trọc lóc của Duy Thanh. “Bạn nhích đầu tới đây.” Sau đó cô nhún chân lên và nhướng người tới sờ lên đầu của Duy Thanh. “Đầu bạn trọc lóc nên chả có tóc.” Chẳng qua cô muốn sờ đầu Duy Thanh mà thôi. “Sao bạn lại hớt trọc lóc đầu vậy?”
“Cái này là đầu đinh mà.” Duy Thanh sờ tay lại lên đầu.
“Đầu đinh á.” Mỹ Hạnh khẽ cười. “Thế sao bạn lại hớt đầu đinh?”
Duy Thanh giả vờ nói láo. “Để cho nó mát.” Thật ra anh hớt đầu đinh là vì cho đỡ tốn tiền hớt tóc.
Mỹ Hạnh nhăn mặt lại rồi đưa tay lên đầu mình bứt một sợi tóc. Chả biết làm sao, cô lại bứt đến hai, ba sợi. “Đau quá.” Cô xoa xoa đầu của mình.
Duy Thanh nhìn thấy vẻ mặt ấy nên ráng cắn chặt môi nhịn cười.
Mỹ Hạnh “chữa trị” bút của Duy Thanh xong thì đưa lại. “Xong rồi.”
“Cảm ơn bạn nha.” Duy Thanh khẽ cười.
Lần đầu tiên Mỹ Hạnh thấy Duy Thanh cười. “Bạn viết thử đi.”
Thật ra vở của Duy Thanh vẫn bị lem mực. Cái này không phải là do mũi bút của Duy Thanh bị vấn đề, mà đơn giản là do hai bàn tay của cu cậu làm lem. Mỹ Hạnh cuối cùng cũng trò chuyện được với Duy Thanh. Cô không ngờ bạn ấy lại dễ bắt chuyện như vậy. Và cô cũng biết bạn ấy không phải không thích nói chuyện với mình, cô nghĩ chắc bạn ấy ngại như lời bà ngoại cô nói thôi.
Mỹ Hạnh khẽ cười. “Không có gì.” Cô sợ Duy Thanh không biết tên mình. “Mình tên Mỹ Hạnh.” Cô nói nhanh. “Bạn là Duy Thanh đúng không?”
Duy Thanh gật đầu. “Ừm.”
Hôm đó Mỹ Hạnh cảm thấy trong người rất vui. Còn Duy Thanh thì thấy bạn gái bàn trên không đáng sợ cho lắm. Chiều hôm đó đi học về, anh chạy qua phòng má Ba và kể lại mọi chuyện. Má xoa đầu anh rồi bảo sáng mai sẽ cho tiền anh mua bình mực mới.
Sáng hôm sau, Duy Thanh lật đật chạy ra đầu xóm mua mực. Giữa đường anh gặp một bà cụ ăn xin. Thấy bà lão tội nghiệp ngồi giữa đường và chìa cái nón ra. Anh dừng lại cầm tờ tiền lên nhìn. Anh nghĩ bà lão cần tiền hơn mình. Thế là cuối cùng anh quyết định cho bà lão và không mua mực nữa.
Chạy về nhà, anh nhớ lại ngày xưa mình hay cùng các anh chị em bứt chùm trái mồng tơi để bôi lên mặt nhau. Bóp vỡ trái mồng tơi sẽ làm “xịt” ra một loại nước màu tím. Anh nghĩ viết đỡ mực tím thay cho mực xanh cũng được. Thế là để khỏi bị la và có mực dùng, anh nghĩ mình nên đi bứt trái mồng tơi đó.
Bứt một đống bỏ vào túi, Duy Thanh chạy về nhà lấy một cái chén, sau đó anh chạy qua phòng má Ba. Duy Thanh sợ ở phòng mình thì mấy anh chị em thấy được. Thế là anh bỏ mấy chùm trái mồng tơi vào chén rồi dùng thìa chặn xuống. Chặn một hồi, vừa chặn, anh vừa gãi mặt, sau đó anh chạy ra múc một ly nước lạnh đổ vào chén. Khuấy đều lên, anh chạy đi lấy bút để bơm vào. Tuy không đậm màu lắm nhưng anh nghĩ chắc cũng viết được.
Bơm xong, anh viết thử ra mảnh giấy lúc nãy cất trong túi. Mèn ơi, anh viết ra toàn nước chứ chả thấy mực đâu cả. Anh ngồi thở dài vì chiều nay đi học sẽ không có mực để dùng. Nếu giờ anh đi xin mực các anh chị em, mà mấy anh chị lớn biết được, chắc chắn là anh sẽ bị mắng. Mà anh cũng không lo việc đó. Má cho tiền anh đi mua mực, mà anh lại làm một việc như vậy, anh sợ má buồn, mà má buồn thì má sẽ già.
“Mặt mũi sao lem luốc vậy con?” Má Ba đi chợ về thì thấy cụ cậu mặt dính đầy màu tím.
Duy Thanh ngẩng mặt lên. “Má.”
Bà nhìn xuống cái chén, đống nước màu tím, cái thìa và cây bút. Bà mỉm cười ngồi xuống. “Con định nghiên cứu gì vậy?”
Duy Thanh nói thật. “Dạ con định làm mực.”
“Để làm gì?” Bà khẽ cười.
Duy Thanh đưa đôi mắt long lanh nhìn má. “Dạ để lấy mực viết bài.”
Bà chợt nhận ra. “Lúc sáng má có cho tiền con đi mua mực mà.”
“Dạ.” Anh đành nói thật. “Nhưng giữa đường con thấy một bà cụ tội nghiệp.” Hai bàn tay anh vò lấy nhau. “Con cho bà hết rồi.” Rồi anh ngước đôi mắt long lanh lên. “Con xin lỗi má.”
Bà hiểu ra và xoa đầu cu cậu. “Xin lỗi gì. Thôi để má cho tiền khác mua mực.”
Duy Thanh ngạc nhiên. “Má không la con sao?”
“Sao má phải la.” Bà khẽ cười. “Con làm như vậy là tốt. Má phải khen con mới đúng chứ.” Bà đứng dậy. “Thôi ra đây má rửa mặt rồi má dẫn đi mua mực.”
“Dạ.” Duy Thanh vui trở lại.
Sau khi được má Ba rửa mặt, Duy Thanh được má nắm tay dẫn đi mua mực. Vì anh lớn và nặng quá nên má không thể bồng anh lên như lúc xưa được. Ra tới quán, má mua cho anh một bình mực mới và dẫn anh đi ăn chè nữa. Má bảo anh biết thương người như vậy là tốt. Má vui vì anh biết suy nghĩ như vậy.
Buổi chiều đi học, sau khi lấy cây bút nhãn hiệu “Hero” của mình bơm đầy, Duy Thanh cầm bình mực theo đến trường. Hôm qua anh mượn mực Mỹ Hạnh nên hôm nay anh đem theo trả lại. Vào lớp, anh liền chồm người tới kêu bạn gái bàn trên.
“Hôm qua mình mượn mực bạn.” Duy Thanh đưa bình mực ra. “Hôm nay bạn lấy lại mực của mình dùng đi.”
Mỹ Hạnh nói. “Không có gì đâu. Mình là bạn mà.” Cô muốn khẳng định “tình bạn” của mình với Duy Thanh.
“Vậy khi nào bạn hết mực thì nói mình nha.” Duy Thanh lại gãi đầu. Dường như mỗi lần nói chuyện với Mỹ Hạnh, hầu như anh đều gãi đầu cả.
“Cho tao mượn mực đi.” Khánh Long nói chem vào.
Duy Thanh quay sang. “Nè, bạn dùng đi.”
Khánh Long bơm mực xong thì đưa bình mực lại cho Duy Thanh. Đóng nắp bút lại, anh chàng lấy bình mực của mình ở trong cặp ra. “Tao cũng mượn mực mày. Nên khi nào hết mực thì mày có thể dùng của tao.”
Sau vụ đánh nhau thì Khánh Long đã thân hơn với Duy Thanh. Nếu tính theo cấp bậc “môn phái” thời xưa, thì có khi Khánh Long phải gọi Duy Thanh là sư thúc. Vì sư phụ của Khánh Long và Duy Thanh đều học võ từ ông Năm mà ra cả.
Duy Thanh khẽ cười gật đầu. “Ừm.”
Giờ ra chơi, Mỹ Hạnh xuống căn tin mua nước ngọt uống rồi đi lên lại lớp. “Cho bạn này.” Cô đưa nửa bịch nước ra.
“Mình không khát. Bạn uống đi.” Duy Thanh lắc đầu.
Duy Thanh thật ra cũng khát nước. “Cảm ơn bạn nha.” Anh cầm bịch nước hút một hơi.
Mỹ Hạnh nhìn Duy Thanh. “Bạn nhích người tới đây đi.”
“Ủa làm gì vậy?” Duy Thanh mặc dù hỏi nhưng vẫn nhích người tới.
Mỹ Hạnh nhún chân lên và chồm tới xoa đầu Duy Thanh. “Không có gì.”
Giờ thì Duy Thanh mới thấy trên tay Mỹ Hạnh có một cái lắc. Mỗi khi cô xoa đầu anh thì chiếc lắc tay lại kêu. Anh thấy cô vừa xoa đầu mình, vừa tủm tỉm cười. Hình như cô thích xoa đầu anh thì phải, anh nghĩ vậy.
Thời gian như vậy cứ trôi đi, Mỹ Hạnh và Duy Thanh ngày càng trò chuyện và thân thiết hơn. Mỗi khi đến giờ ra chơi, Mỹ Hạnh đều chạy xuống căn tin mua nước hoặc bánh, rồi cô dùng một nửa và đưa nửa còn lại cho Duy Thanh. Sau đó cô lại nhún chân lên và xoa đầu anh.
Tình bạn của hai người bắt đầu từ một chữ “mực” và cũng chính chữ “mực” đó, mà “tình bạn” của hai người cũng kết thúc.
Bút viết một lúc thì cũng sẽ hết mực, mực viết một hồi rồi cũng sẽ phai và chuyện tình nào bắt đầu rồi cũng sẽ kết thúc.