Trường THPT H, Duy Thanh đang đọc thầm trong đầu, nghe thấy Quốc Hùng nói, anh liền quay qua. “Xôi gì cũng được.” Duy Thanh bây giờ không còn phải đeo “khăn quàng đỏ” nữa, mặc dù anh còn chưa vào đoàn.
Quốc Hùng thì khác, ngực cài huy hiệu đoàn, tay đút vào túi quần. “Bốn xôi lộn xộn. Một hộp không hành, ba hộp còn lại nhiều trứng, nhiều xôi, có lòng thì cho thêm nhiều thịt.” Ngay từ lớp tám, anh chàng đã đi học lớp “cảm tình đoàn”.
“Nhiều ớt được không?” Chị gái bán xôi khẽ cười.
“Nhiều cái gì cũng được, ngoại trừ hành phi.” Quốc Hùng đáp nhanh.
Hôm nay là ngày nhập học đầu tiên của Duy Thanh và Quốc Hùng, là ngày hai người chính thức bước vào lớp mười và được tiếp xúc với một môi trường mới, cấp ba. Trong cuộc đời của mỗi người, cấp ba là một trong những quá trình và giai đoạn có những thay đổi, chuyển biến lớn về mặt tâm lý, ngoại hình, cũng như nhiều vấn đề khác.
Có người khi bước vào cấp ba, họ thắc mắc về tình yêu. Có người tò mò về giới tính. Cũng có người thì ham học hỏi và tìm tòi những kiến thức mới, hoặc vấn đề mới mẻ nào đó. Và cũng có một số người, trong đầu họ luôn nảy lên một câu hỏi, làm sao để có người yêu.
How to có bồ? Làm sao để tán đổ crush? Cách tán tỉnh một anh chàng, hay một cô nàng nào đó? Muốn hoa khôi của trường để ý tới mình thì phải làm gì? Đủ loại câu hỏi và cũng đủ thể loại, vấn đề để bàn luận với nhau.
Đặc biệt, có một loại người khi bước vào trường, họ chỉ có một mục đích. How to làm trùm trường? Làm sao để trở thành đại ca? Muốn thành boss thì cần phải làm gì? Con đường nào có thể dẫn tới địa vị đại ca nhanh nhất?
Tất nhiên, nếu muốn thành trùm trường một cách nhanh nhất, thì chỉ có thể đánh thằng đang làm “trùm trường” hiện tại.
Duy Thanh và Quốc Hùng thật sự chả có suy nghĩ nào ngoài việc muốn được học chung với nhau. Nhưng chuyện đời thường là vậy, dù muốn hay không nhưng hai người cũng bị đưa đẩy vào cái “số phận” trùm trường này.
Ngôi trường của hai người chuẩn bị vào học là trường THPT H, nó nằm cách làng của hai người khoảng vài km. Ở gần làng P có đến hai trường THPT, một trường là “trường điểm”, nơi dành cho những học sinh giỏi và các gia đình khá giả. Còn một trường là “trường làng”, nơi cơ sở vật chất gần chuẩn bị xuống cấp và không được tân trang như trường kia.
Nếu như trường H là ngôi “trường làng” nằm ở xã HT, thì trường P chính là ngôi “trường điểm” và đương nhiên nó nằm ở gần trung tâm huyện. Quốc Hùng chọn trường H để học, không phải vì nó nằm ở gần làng P của mình, cũng không phải vì trường P đó xa, mà đơn giản là anh muốn được học cùng lũ quỷ bạn của mình.
Sau khi thi tốt nghiệp cấp hai xong, trong số những người bạn của Quốc Hùng, duy chỉ có Văn Vũ là đạt thành tích cao nhất cả bọn, nếu không muốn nói là anh chàng này nằm trong top học sinh giỏi nhất trường. Sở dĩ với thành tích học tập như vậy, Văn Vũ được học ở trường P là một điều nghiễm nhiên, nhưng vì chuyện gia đình nên anh chàng nhất quyết đòi học ở trường H.
Mùa hè trước khi bước vào lớp chín, ba Văn Vũ qua đời vì ung thư, cả nhà chỉ còn mình anh và mẹ. Do vậy Văn Vũ muốn học trường H cũng bởi lẽ muốn gần mẹ mình hơn, lỡ như bà có chuyện gì thì anh cũng chạy về kịp. Sau khi ba mất, Văn Vũ thấy mẹ mình ngày càng yếu đi hơn hẳn.
Người thứ hai trong bọn là Khánh Long. Anh chàng vừa học giỏi, vừa có nhiều đóng góp cho trường và cũng vừa có luôn nhiều tai tiếng bởi những vụ đánh nhau. Tài đi đôi với tật, Khánh Long vừa là một học sinh giỏi, thông minh, có tố chất, nhưng cũng rất nghịch ngợm, phá phách và tính tình nóng nảy.
Những người còn lại trong bọn thì không đủ sức, hoặc không đủ điểm để được học ở trường P. Ngoại trừ Duy Thanh “dốt bền vững” thì không nói, hai người còn lại là Anh Đức và Hoàng Sơn cũng không có nhiều khả quan về điểm số. Do vậy chỉ có trường H là nơi có thể chứa cả ba người này
Không như trường P lấy điểm cao chót vót, trường H chỉ lấy một mức “điểm sàn” đủ để cho tất cả những ai, dù không làm bài được cũng có thể vào học. Nó giống như ngôi trường tạo điều kiện cho những người như Duy Thanh, để có thể chứa chấp những người học không giỏi và những kẻ “rớt nguyện vọng”.
Chính vì lý do đó nên lượng học sinh làm thủ tập nhập học vào trường H cao hơn rất nhiều lần so với những trường khác trong khu vực. Và cũng chính vì lượng học sinh nhập học đông nên nhà trường đã chuyển luôn khối lớp mười xuống học buổi chiều. Lớp mười một và mười hai như mọi năm sẽ học vào buổi sáng. Trước sau gì thì nhà trường cũng thừa biết sau khi kết thúc năm học, khối lớp mười sẽ bị “gãy” hơn phân nửa. Không vì lý do này thì cũng là lý do khác, không “lưu bang” thì cũng là nghỉ học, hoặc chuyển trường, năm nào cũng vậy.
Và cũng chính vì số lượng học sinh “lưu bang” đông, cộng với học sinh mới nhập học, nên khối lớp mười của Duy Thanh có đến mười bốn lớp. Duy Thanh và Quốc Hùng học lớp 10/12. Mẹ của Quốc Hùng tiếp tục “thương thảo” và hai người lại được học chung với nhau. Văn Vũ học lớp 10/2, Hoàng Sơn lớp 10/5, Anh Đức lớp 10/8 và Khánh Long lớp 10/7. Mặc dù cả bọn tuy học khác lớp nhưng vẫn hẹn chung gặp nhau vào giờ ra chơi, một thói quen trước giờ của mọi người từ lúc học cấp hai.
Sau khi đợi Duy Thanh gởi xe xong, Quốc Hùng cùng anh chàng đi tới ghế đá ngồi đợi Anh Đức và Hoàng Sơn. Vì Văn Vũ ăn sáng ở nhà cùng với gia đình trước giờ nên những dịp như thế này ít khi nào có mặt anh chàng. Khánh Long thì luôn được gia đình chở đi ăn sáng rồi mới đưa tới trường.
“Hộp không hành của mày nè.” Quốc Hùng đưa xôi cho Anh Đức.
Hoàng Sơn nhăn nhó. “Hết gà rồi à?”
Quốc Hùng đáp. “Hết rồi.”
Hoàng Sơn bĩu môi. “Bữa sau qua bà đối diện mua đi.”
Quốc Hùng lắc đầu. “Mua bà này đi. Tao thấy còn sớm mà bả đã bán hết, thì chứng tỏ xôi gà của bả ngon.”
“Có lý ha.” Anh Đức chem vào.
“Thôi tao không ăn đâu.” Duy Thanh lên tiếng khi thấy Quốc Hùng bỏ miếng thịt qua hộp của mình.
Quốc Hùng như mọi hôm với mái tóc bóng loáng chải sang một bên. Anh không còn để kiểu tóc chảy ngược ra sau nữa. “Ăn giùm đi. Ăn thịt hoài ớn quá.” Chẳng qua anh muốn Duy Thanh ăn thịt nên mới nói như vậy.
Hoàng Sơn được nước liền chồm người qua. “Để tao.”
Duy Thanh bỏ trứng lại sang hộp xôi của Quốc Hùng. “Mày cho tao với thằng Sơn hết thịt, thì mày ăn gì.”
“Ăn đấm.” Anh Đức nói khía việc đánh nhau.
“Bớt gây sự giúp tao cái.” Hoàng Sơn nhếch môi.
Anh Đức khẽ cười. “Hổ báo trường mẫu giáo mà sợ à.”
Khi còn học lớp bảy thì cả bọn đã trở thành trùm khối chiều. Lên lớp tám, sau một vài vụ dạy cho “bọn nhỏ” lớp bảy một bài học về “lễ độ”, thì cả bọn trở thành trùm trường “mẫu giáo làng”. Lên lớp chín, một năm bình yên nhất đối với cả bọn khi chả có một vụ đánh nhau nào xảy ra. Thứ nhất vì là lớn tuổi nhất trong trường, xác to hơn những học sinh khối dưới và hơn hết thì cả bọn sáu đứa thì đã có ba đứa học võ, hai đứa còn lại thì độ liều như “chó điên”, chỉ có mỗi mình ông Văn Vũ là lúc nào cũng cười cười và hiền nhất bọn.
Trong ba người học võ thì Duy Thanh có trình độ và vượt bậc hơn hẳn hai người kia. Kế đến là Khánh Long, vì không được “sư phụ” chân truyền chỉ dạy nên anh chàng vẫn kém xa Duy Thanh. Cuối cùng là Quốc Hùng, dù cũng được ông Năm tận tình dạy bảo nhưng có lẽ anh chàng này chỉ hợp với chuyện học hành là hơn.
Sau những ngày đi học bình yên, con đường trở thành “trùm trường” bắt đầu tìm đến Duy Thanh. Hôm đó vào giờ ra chơi, vì “mắc” quá nên khi tiếng trống vang lên, Duy Thanh và Quốc Hùng liền chạy vào nhà vệ sinh. “Giải quyết nỗi buồn” xong, hai người liền đi ra sân trường. Quốc Hùng sau khi chơi chung với lũ bạn, anh chàng này quên luôn cái việc rửa tay sau khi đi tiểu. Nhưng chưa ra tới sân trường thì hai người đã bị năm đứa nào đó chặn đường.
“Đứng lại hai thằng kia.” Tên A trợn mắt.
Quốc Hùng hơi ngạc nhiên. “Gì vậy?”
“Nói chuyện với ai mà nghênh cái mặt vậy mi.” Tên B giơ tay lên hù.
Duy Thanh liếc mắt và đưa tên này vào “tầm ngắm”. Nếu đánh nhau xảy ra, anh sẽ tẩn tên này trước tiên.
Tên A tay đút vào túi quần. “Có tiền không, đưa tụi tao mấy đồng uống nước mày?”
“Tại sao phải đưa?” Quốc Hùng cảm thấy nực cười.
“Cái con bà mày.” Tên A lao tới túm cổ áo của Quốc Hùng.
Bị Tên A túm cổ áo, Quốc Hùng đưa tay trái lên nắm chặt tay hắn ta, tay phải thì cũng đưa lên nắm cổ áo của tên A. Trong lúc hắn đang mở to mắt ngạc nhiên nhìn mình thì Quốc Hùng, một tay giữ chặt tay tên A, tay còn lại nắm áo hắn kéo tới phía mình, đồng thời thúc liên tiếp đầu gối lên hông của hắn.
Duy Thanh đứng sau lưng Quốc Hùng, thấy bạn mình đã tung đòn thì anh cũng liền quất một đạp vào tên B. Thấy tên C đạp tới, Duy Thanh liền nhanh chóng né đòn, rồi đồng thời lấy hai tay chụp chân của hắn ta và chạy lui về sau. Bị nắm chân kéo tới, tên C nhảy lò cò về phía trước và loạng choạng gần ngã. Được một, hai mét, Duy Thanh liền buông ra, rồi thúc cánh tay và đầu gối tới người tên C.
Về phía Quốc Hùng, tên A bị anh thúc đầu gối lên hông đau quá nên liền vũng vẫy đánh trả. Tay phải bị nắm nên tên A liền đấm tay trái vào mặt Quốc Hùng. Thấy tên A vung đòn, Quốc Hùng liền đưa tay phải lên đỡ và liền đập mạnh đầu mình vào mặt hắn ta. Chưa kịp vuốt tóc lại cho nghiêm chỉnh thì Quốc Hùng tiếp tục né đòn từ tên B đánh tới.
Duy Thanh sau khi đánh gục tên C, anh cúi người xuống né cú đấm của tên D, sau đó tung một quyền ngay bụng gã. Chưa dừng lại, Duy Thanh tiếp tục thực hiện tung một “liên hoàn quyền” nữa, trước khi tiến tới vật tên E xuống đất để giải vây cho Quốc Hùng.
Những người từ nhà vệ sinh đi ra và từ sân đi vào, thấy hai người đánh năm tên nằm lăn lóc dưới đất, nên tự biết né đường để tránh chỗ cho hai người bước đi. Sau này Quốc Hùng mới biết năm tên này là những tên “lưu bang” ở lại và có ý định “ma cũ ăn hiếp ma mới”. Chỉ tội cho năm tên chọn phải nhầm “ma mới” nên mới bị “ăn hành” như vậy.
Tan học, Quốc Hùng chở Duy Thanh đi về cùng với Văn Vũ. Giữa đường, ba người ra khỏi đường chính và rẽ vào đường ruộng để rút ngắn quãng đường hơn. Cái nắng nhè nhẹ của buổi xế chiều, những cơn gió thoảng qua cùng với những đồng lúa hai bên, nó khiến cho cung đường của ba người trở nên vô cùng thơ mộng.
Quốc Hùng đạp xe vừa tới cổng thì đã thấy xe hơi đang đậu phía trong sân. Biết mẹ mình vừa về nhà nên anh chàng liền khẽ cười. Duy Thanh vẫn như thói quen trước giờ, anh cùng vào nhà với Quốc Hùng để chờ anh chàng thay đồ đi tập võ. Vì hay được Quốc Hùng rủ sang nhà chơi nên từ lũ chó ở ngoài sân đã quen hơi, cho đến dì giúp việc đã quen mặt và mẹ của Quốc Hùng coi anh như con, nên Duy Thanh không còn ngại ngùng như lúc ban đầu nữa.
“Thưa cô.” Duy Thanh khoanh tay mỉm cười chào bà Thúy Nga một cách đầy lễ phép.
Quốc Hùng biết do vụ đánh nhau gây ra nên liền giả vờ trêu chọc. “Thứ ở bẩn á mà mẹ.”
“Anh làm như mình sạch lắm không bằng.” Bà Thúy Nga hứ lên.
Quốc Hùng mếu máo. “Mẹ này.”
“Khát nước không con?” Bà Thúy Nga nói. “Thôi để cô vào lấy nước.”
Duy Thanh vẫy tay. “Dạ thôi cô.”
Quốc Hùng đang đi nghe được nên liền quay lại. “Ủa, con nhớ, con mới là con của mẹ mà.” Anh cảm thấy mình bị đối xử bất công.
“Ai là mẹ của anh.” Bà Thúy Nga trêu con mình. “Tôi đâu có thằng con nào vừa bủn xỉn, vừa xoi mói như vậy.”
Duy Thanh chỉ biết đứng cười cho thằng bạn của mình.
Quốc Hùng thay đồ xong thì liền giả vờ đem bộ mặt đưa đám đi ra. “Đi, không có ở cái nhà này nữa.”
“Đi được thì đi luôn đi.” Bà Thúy Nga khoanh tay trước ngực. “Đừng có mà mò về nữa.”
“Sợ mẹ chắc.” Quốc Hùng tỏ vẻ cương quyết.
“Tôi sợ anh chắc.” Bà Thúy Nga nhếch môi cười khẩy.
Duy Thanh cười tủm tỉm. “Thưa cô con đi.”
“Đừng có mà điện năn nỉ con về.” Quốc Hùng dắt xe đạp của mình ra.
Bà Thúy Nga nói vọng tới. “Tôi đâu có dư tiền điện thoại.”
Duy Thanh vừa cười, vừa đạp xe của mình lao theo sau Quốc Hùng. Cứ mỗi lần anh nghe hai mẹ con này đùa với nhau thì anh chỉ biết ôm bụng cười. Nói đến điện thoại thì Duy Thanh mới nhớ, ngay từ hè lớp bảy, chuẩn bị vào lớp tám thì Quốc Hùng đã được mẹ mua điện thoại di động cho xài để tiện liên lạc với nhau.
Lúc đó, Quốc Hùng có cầm chiếc điện thoại nắp bật hiệu Motorola màu đen qua cho anh xem. Thật ra, đó không phải là lần đầu tiên anh nhìn thấy điện thoại di động, ngay từ nhỏ anh đã được thấy rồi. Má Ba của anh được bạn mình cho điện thoại còn xịn hơn gấp mấy lần cái điện thoại của Quốc Hùng, nhưng vì phải nuôi các anh chị em, nên má Ba mới lén bạn mình bán cái điện thoại ấy đi. Sau này khi bạn của má Ba biết, cô ấy chỉ biết mắng má vài câu cho có lệ. Rồi những chiếc điện thoại lần sau cũng như vậy, má Ba hết giả vờ kiếm cớ này thì kiếm cớ khác để nói với bạn mình.
Sau nhiều lần và rút ra được kinh nghiệm, cô ấy vẫn tiếp tục cho má Ba một cái điện thoại mới. Có điều cái này bán chả được bao nhiêu tiền và rõ là cô ấy đã tính toán ngừa việc má Ba đem đi bán một lần nữa. Sở dĩ cô ấy muốn liên lạc với má qua di động là bởi vì muốn cho tiện. Điện thoại bàn được má để ở phòng đọc sách, nên mỗi lần di chuyển để nghe và mỗi lần chuông reo thì gây ra nhiều điều bất cập, nhất là khi về đêm. Mà ác cái là vào ban đêm, đó là lúc duy nhất cô ấy có thể rãnh để tâm sự với má.
Trở lại với Quốc Hùng, tất nhiên từ khi anh chàng có điện thoại thì rất được nhiều người ngưỡng mộ. Ở cái lứa tuổi đó, ở cái vùng nghèo khổ này, việc anh chàng có điện thoại thì chả khác nào là thần tượng trong mắt các bạn bè cả. Gái bu quanh là điều mà Duy Thanh dễ dàng nhận ra.
“Anh Thanh.” Minh Dũng nói lớn.
Vừa đạp xe vào nhà, Duy Thanh đã thấy Minh Dũng ôm trụ đứng chờ mình. “Ời em.” Anh vội đá chân chống xuống rồi đi tới. “Vẫn còn sổ mũi hả em?” Anh đưa hai ngón tay lên mũi Minh Dũng. “Hỉ mạnh ra nào.”
Minh Dũng hỉ một phát, nước mũi chảy ra một hàng dài.
Duy Thanh vẫy tay xuống đất, sau đó bế Minh Dũng đi về phòng mình. “Để anh lấy khăn lau mặt cho em. Chiều giờ em ở nhà có ngoan không?”
“Dạ có.” Minh Dũng mỉm cười.
Lau mặt Minh Dũng xong, Duy Thanh thay đồ rồi bồng cu cậu ra bãi cỏ để cùng học võ với mình. Sau khi tập xong, Quốc Hùng lật đật đạp xe về nhà. Bà Thúy Nga ngồi trong phòng khách thấy con mình đi về nên liền giả vờ trêu chọc.
“Ủa anh nói bỏ đi bụi luôn mà?” Bà Thúy Nga cười khẩy.
Quốc Hùng đáp. “Hôm nay con đi vậy thôi. Ngày mai đi tiếp.”
“Đi bụi mà còn có kiểu chia ngày à?” Bà Thúy Nga cảm thấy nực cười.
“Phim truyền hình còn có nhiều tập mà mẹ.” Quốc Hùng trả treo lại.
Bà Thúy Nga đứng dậy. “Anh đói bụng chưa? Để tôi dọn cơm ra cho anh táp.”