"Anh lại chờ đợi, dù biết là đã vô vọng lắm rồi..."
................................................
-Đúng là A Phong, nói rất hay nha! _ Vừa khen Vu Nhuệ vừa đưa ngón tay cái lên.
-Mình mà, hờ hờ! _ Ai đó mặt dày.
-Xem như mình chưa nói gì nhé. _ Vu Nhuệ bật lại.
Một lúc sau bầu không khí có vẻ tự nhiên hơn. Con người em mặc dù hay thích chỉnh người nhưng lại không mang thói thù dai, giận một chút rồi sẽ quên ngay. Chúng tôi cứ như thế nói chuyện cười đùa đến khi trời sụp tối thì quyết định thanh toán rồi về. Trước giờ khi đi chơi lúc nào cũng tôi cũng “chia sẻ” hóa đơn vì như thế sẽ ít bị chuyện tiền nong chia phối tình cảm. Em rất ít khi để tôi trả thay, mà nếu có thì lần sau em cũng nhất quyết giành cho bằng được. Mỗi lần thanh toán, tưởng tượng cảnh em hì hụi móc cọc tiền lẻ lại khiến tôi muốn bật cười. Có khi nào hôm nay cũng vậy?
- Oày, mình nói cái này nhé!
-Gì vậy? _ Tôi thắc mắc.
-Hôm nay A Vũ lần đầu “ra mắt”, phải chăng nên để em ấy mời các anh chị một bữa? _ Mắt em chớp chớp tỏ vẻ vô tội.
-Ai da! Mình thấy A Phong nói chuẩn đó! Học muội à, hôm nay phải làm phiền muội mời rồi! _ Kiến Thanh được dịp vui vẻ chọt vào.
- Làm gì có cái luật nào kỳ cục như thế? Không phải tiền bối phải chiêu đãi hậu bối sao? _ Hà Vũ bất mãn.
-Ở Mỹ mới vậy, ở đây là người nhỏ phải chiêu đãi người lớn đó. Không tin em hỏi A Thụ xem! _ Nói xong em nhìn về phía tôi, nháy mắt.
Tôi giật mình, tại sao cuối cùng lại phải đưa người ra đỡ vậy.
-Thật sao? _ Hà Vũ nhìn tôi hỏi, dáng vẻ nghi ngờ không tin tưởng.
-Khụ … à …uh, chắc là vậy! _ Tôi lúng búng ho, khó xử trả lời.
-Đấy! Chị có gạt em đâu! _ Em quả quyết.
Cuối cùng Phương Hà Vũ đáng thương đành phải tiu nghỉu móc bóp ra trả hết. Ba thằng con trai chỉ biết thở dài đầy đồng cảm, sau chuyện này tôi phải thay đổi suy nghĩ về em, đó là: EM TUYỆT ĐỐI LÀ NGƯỜI THÙ DAI!
Tối đến, sau khi đã xử lý hết đống bài tập ở trường. Tôi mở điện thoại hí hoáy nhắn tin cho em, đang lúc chuẩn bị bấm nút “gửi” thì chợt ngẩn người, những lúc tâm tình buổi tối thế này chưa bao giờ em là người chủ động trước. Nghĩ vậy, tôi bỏ cái điện thoại xuống, trèo lên giường nằm vật ra. Tôi muốn biết nếu không nhận được tin nhắn liệu em có chủ động liên lạc không? Ắt hẳn em cũng phải thấy có gì đó bất thường chứ.
Một phút, hai phút… Kim giây nhích từng chút một, nhịp nhàng vang lên tiếng tích tắc. Ba phút... trong bụng tôi nhộn nhạo như có cả đàn bướm bay loạn trong đó. Bốn phút rồi năm phút, tôi thở dài đầu hàng, nhón người với cái điện thoại nhìn. Dòng tin nhắn nhấp nháy, tôi cười. A Phong cũng không phải quá vô tâm.
Thời gian nhẹ nhàng trôi đi, từ tốn và chậm rãi đến nỗi nếu chúng ta không để ý, đến lúc nào đó quay đầu sẽ phải giật mình vì những thứ đã qua. Cuộc sống của chúng tôi cũng thế, bất biến giữa dòng chảy thời gian, có chăng chỉ là thêm một chút phiền toái từ cô em họ lúc nào cũng bám dính. Không thể để lâu, tôi có lần hẹn Hà Vũ và nói chuyện một cách thẳng thắn. Em ấy nhìn tôi, nước mắt chảy thành hàng, ngang bướng trách tôi làm phí hoài tuổi thanh xuân. Trời ạ! Đâu phải lỗi tại tôi. Con gái thật quá ngang ngược mà.
Sau hôm nói chuyện Hà Vũ nghỉ học một thời gian. Đến lúc gặp lại tôi chỉ còn nhận được ánh mắt liếc xéo đầy hận thù của cô em họ cùng một cú đá vào chân. Em ở bên cạnh ôm bụng, cười giật cục như lên cơn động kinh.
Về sau tôi cũng dần không còn để ý nữa, hoàn toàn đẩy Phương Hà Vũ qua một bên. Thời gian kết thúc năm học sắp đến đồng nghĩa với việc chúng tôi càng gần hơn với kì thi tốt nghiệp và đại học. Lúc này không có chỗ cho những việc cỏn con như thế.
Lúc trước tôi từng có suy nghĩ khác với đa số bạn xung quanh. Vì cho dù học ở đâu đi nữa, cuối cùng tôi sẽ lại về công ty của mẹ để làm việc, còn không thì sẽ quay lại Mỹ với người đã từng là ba mình. Cái bằng đại học với tôi khi đó không cần phải bận tâm.
Nhưng bây giờ thì khác, tôi muốn biết bản thân có thể đến được đâu trong cái xã hội này nếu không có sự hậu thuẫn của gia đình. Tôi vẫn còn nhớ một lần khi chúng tôi học năm hai, tình cờ nghe được em trả lời với một đàn chị hỏi em rằng; có phải em tiếp cận tôi vì biết ba mẹ tôi là người có gia thế và là người thừa kế của họ. Lúc ấy, tôi chỉ muốn kéo em ra khỏi cô gái ấy và cho cô ta một bài học. Bất ngờ em nói.
-Tôi không quan tâm đến chuyện cậu ấy là con của ai và gia thế như thế nào. Những điều đó chỉ chứng minh sự thành đạt của ba mẹ cậu ta, nó cũng không cho biết cậu ta cũng có thể xuất sắc như thế. Tôi vẫn thích một người đàn ông có bản lĩnh của chính mình hơn.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy bản thân bị khuất phục bởi ai đó. Tôi biết rất nhiều những đứa con gái có suy nghĩ chỉ cần tìm một người bạn trai, một người chồng giàu có để nương tựa. Nhưng em thì không như thế, em rất độc lập không hề dựa dẫm vào người khác. Có khi tôi còn phải nói, chính em lại là chỗ dựa tinh thần rất lớn trong nhóm chúng tôi, cho gia đình của em. Nếu em đang nỗ lực 100% vì những điều đó thì tôi sẽ cố gắng 200% vì em.
Mặc dù ôn thi căng thẳng nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian để gặp nhau ở thư viện hay ở quán của chị Hạ Âu. Vì ước mơ khác nhau nên một vài người trong chúng tôi có lẽ sẽ không thể học chung trường đại học, vì vậy họ quyết định chọn trường có chuyên ngành đó và nhất định là phải gần nhau. Qua trao đổi tôi được biết Bách Thiên Tư như thế mà lại chọn ngành y, Kiến Thanh thì muốn học về truyền thông báo chí, Âu Phi với tài chính ngân hàng, Hiểu Linh thích vào nhạc viện, Vu Nhuệ vốn mê game với mấy thứ về vi tính nên đã đăng ký chuyên ngành công nghệ thông tin.
Khi bọn nó hỏi tôi định đăng ký trường gì, tôi nói đã chọn học viện nghệ thuật với một thái độ vô cảm. Cả đám và em ngạc nhiên. Chơi với nhau tất nhiên trong đám không ai không biết tôi vốn đâu có khả năng hội họa như em, lúc trước vào CLB mỹ thuật cũng là có tâm tư riêng. Nhưng học viện nghệ thuật đâu phải chỉ có mỗi hội họa? Nhìn cả đám nghệch mặt ra, tôi mới giải thích rõ cho bọn ngốc đó trường tôi chọn còn có khoa nhiếp ảnh, vừa hay hợp với khả năng của tôi.
Em cũng từng nói với tôi, đừng mãi vì người khác mà hãy chọn điều bản thân thích, dù cho không học chung nhưng vẫn có thể gặp nhau. Nghe vậy tôi thấy lòng mình vui buồn lẫn lộn. Dù hiểu em có suy nghĩ tốt cho tôi nhưng thực sự đến bây giờ em vẫn không biết người tôi yêu thương và muốn bên cạnh nhất là em sao? Con đường tình yêu chẳng phải màu hồng mà xám xịt thế này? Là em quá dốt hay do tôi biểu hiện chưa đủ ư? Cuối cùng tôi chỉ biết thở dài và giải thích với em tôi thật sự yêu thích nhiếp ảnh, vừa hay khoa nhiếp ảnh ở học viện nghệ thuật cũng tốt nên quyết định đăng ký. Em có vẻ không tin. Thế là hại tôi phải “đính kèm” thêm sự tìm tòi hiểu biết cũng như thần tượng tượng của mình về lĩnh vực này mới khiến em mới xóa bỏ nghi ngờ.
Lý do tôi yêu thích và quyết định đi con đường bấm máy này cũng có phần nào như em vậy. Tôi đã từng hỏi vì sao em thích vẽ như thế, vì ba em? Lúc đó em chỉ nhìn tôi cười nói “mình muốn dùng chính đôi tay này giữ lại tất cả khoảnh khắc bên những người yêu thương, như vậy không tuyệt sao?”.
Đúng là như vậy, trong tập san của em, có rất nhiều hình ký họa của nhóm. Chúng tôi chơi đùa, cà phê, lê la đường phố, gây gổ hay buồn bã đều được em ký họa lại, nó như một cuốn nhật ký bằng hình ảnh ghi lại tất cả những kỷ niệm. Trong tập san màu em lại tỉ mỉ miêu tả chi tiết chân dung người trong gia đình, bố em, mẹ em, em trai, rồi chân dung từng đứa trong chúng tôi, Kiến Thanh, Hiểu Linh, Thiên Tư,…về ngôi trường và lớp chúng tôi đã từng theo học. Điều đáng nói là em chưa từng bắt ai trong bọn họ ngồi làm mẫu cho mình, em dùng cọ của mình vẽ lại họ theo cái cách mà từng người trong bọn họ đã để lại trong trí nhớ của em.