Cha Dượng

Chương 7

Kết thúc đoạn bàn tính về chuyện đại học, bác sĩ Vinh thình lình nhận tới một cuộc điện thoại, nhìn thấy vẻ mặt hoang mang sau khi đi ra ngoài nghe máy của ông, tôi tò mò nhìn lên ông hỏi:
- Có chuyện gì ạ?
Bác sĩ Vinh cau mày thật lâu mới nói:
- Em con nó đi đâu từ chiều tới giờ, dì Phương nói hôm nay tới trường đón nhưng cô giáo nói có người nhà tới đón rồi. Bây giờ không biết nó đi đâu...chắc ba phải về nhà một chuyến thôi.
"Em tôi"? Tôi suýt hỏi lại bác sĩ Vinh "em nào?" Muốn vỗ vào cái đầu đãng trí của mình một cái, quên mất! Bác sĩ Vinh kết hôn với một người phụ nữ tên Phương và họ có một đứa con trai, năm nay cũng đã sáu bảy tuổi gì rồi. Tôi nhớ lại điều đó nên ngăn kịp lúc bản thân mình bật ra câu hỏi vô duyên, đồng thời hơi sửng sốt hỏi lại:
- Vậy ai rước thằng nhóc?
- Ba không biết, nhưng dì Phương con nói là không có nhờ ai đón nó hết. Không biết có phải người bên ngoại nó đón hay không? Hôm trước cũng một lần như vậy rồi, cứ hù ba rớt cả tim. Mà ba phải về coi sao đã...con...lát nữa con tự đón xe về nhà được không? – Ông nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại.
Tôi gật đầu, làm ra vẻ đáng tin lắm, nói:
- Ba về đi tìm em đi, lát nữa con về bằng xe buýt được mà. Tìm nó được rồi thì nói với con một tiếng.
Trong đối thoại của tôi lọt vào một chữ "ba" hiếm hoi. Bác sĩ Vinh nhìn tôi, ông biết mỗi lúc nghiêm túc lắm tôi sẽ gọi ông với cái danh xưng đáng lẽ là như vậy, ông nhìn tôi, chỉ nhìn thôi rồi sau một lúc mới thở dài nói:
- Xin lỗi con, đáng lẽ hôm nay...ba phải ở bên con nhiều hơn...
- Trời! Có sao đâu, mà tuần nào ba không tới thăm con? Bây giờ đi tìm em quan trọng hơn mà?
Tôi cười trấn an ông, nhưng không trấn an được cái mặt xấu xa đang lên tiếng trong lòng mình. Đúng, hôm nay là ngày của tôi mà? Suốt một tuần bảy ngày, sáu ngày là của nó, chỉ có một ngày là của tôi mà nó cũng nhẫn tâm cướp đi. Dù biết mình hơi thiếu tình người khi nói: "Em à, sao mày không mất tích vào ngày khác đi mà mất tích ngay vào thứ năm này chứ?!" nhưng tôi không nhịn được nói thầm trong lòng, tôi đúng là một thằng anh trai khốn nạn nhất quả đất.
Chúng tôi rời khỏi quán ăn, thanh niên giữ xe niềm nở chạy lại dù anh ta biết xe của ba tôi là xe bốn bánh, không cần anh ta phải dắt ra dùm như những người khác, đôi mắt hám lợi không che giấu khiến tôi muốn nổi cáu, nhưng bác sĩ Vinh vẫn móc ví ra định đưa tiền, tôi ngăn lại, hỏi:
- Quán không tự trả tiền giữ xe cho anh hả? Đồ ăn chúng tôi vừa ăn đắt gấp hai lần đồ ăn ở chỗ bình thường khác mà?
Mặt anh ta hơi méo đi khi bị hỏi, bất đắc dĩ xuống giọng ấp úng nói:
- Cậu em coi...người đi qua muốn ăn ở quán cũng phải xem có chỗ đậu xe hay không, nhưng xe của chú này to như vậy, nên...
Ý của anh ta là bác sĩ Vinh phải trả tiền vì đi xe bốn bánh, đỗ ngán chỗ làm ăn của quán ăn mặc dù ông vừa mới trả một cái bill hơn hai trăm ngàn cho một tô cao lầu được một tẹo da heo và hai chai nước suối đích thị được bán chưa tới mười ngàn nếu mua ở ngoài.
Bác sĩ Vinh kinh ngạc nhìn tôi, cứ như không ngờ vì mấy năm qua không ở cùng, đứa con trai thơ ngây bé bỏng của ông ngày nào giờ đã trở thành một thanh niên có thói đàn bà khắt khe và hay mặc cả. Ông nói:
- Thôi, thôi...có bao nhiêu đâu, đừng làm khó người ta nữa.
Tôi không để ý tới ông, nhìn người thanh niên rồi hỏi:
- Vậy anh muốn bao nhiêu?
Anh ta cáu với tôi lắm rồi nhưng vẫn cắn răng ghìm lại, quay qua nhìn bác sĩ Vinh nói:
- Chú cho cháu nhiêu cũng được.
Tôi nhớ hôm đó mình rút trong túi ra đưa cho anh ta đúng tờ giấy một ngàn đồng nhàu nát sau khi đi photo đề cương ôn tập ở trường còn dư lại, một cái giá khá cao so với giá trị bản thân anh ta đáng được nhận. Anh ta cầm tờ một ngàn trố mắt nhìn tôi với thái độ không thể tin nổi, mặt tôi thì không có biểu cảm gì, không có khinh thường, không có chế nhạo gì anh ta cả, chỉ là thờ ơ đáp lại cặp mắt trố ra muốn lòi tròng, đáp lại cho anh ta biết rằng thật ra ở Sài Gòn này không phải ai cũng coi thói thực dụng là thứ bình thường, không đáng phê phán lắm mà để người như anh ta được nước bộc lộ ra ngoài không sợ bị chế nhạo là đạo đức méo mó.
- Cho con quá giang tới trạm xe buýt!
Tôi nhìn anh ta chán rồi mới quay qua nói với bác sĩ Vinh.
Bác sĩ Vinh gật đầu, hắng giọng khịt mũi một cái rồi đi thẳng vào xe, không dám nhìn gương mặt khó coi của thanh niên giữ xe lần nào nữa. Rồi từ đó chúng tôi cũng không trở lại quán đó ăn thêm một lần nào.
Sài Gòn về đêm so với ban ngày thì càng trở nên lạnh lùng. Tôi đứng ở trạm xe buýt nhìn thấy một cô nữ sinh viên cắm mặt vào chiếc điện thoại trên tay và một thanh niên ngồi cạnh cũng hành động y hệt vậy, chú xe ôm nằm dài trên chiếc honda cũ tàn đời của mình đọc báo, thỉnh thoảng ngẩng đầu hay hỏi khách qua đường muốn đi đâu không?
Tôi đứng tựa lưng vào tấm bản đồ thành phố, trước ngực ôm chặt cái gặp da của mình, nhìn xuống túi áo là tờ năm trăm ngàn mà lúc đi bác sĩ Vinh đã đưa, ông nói tiền đó để cho tôi tiêu vặt. Chắc ông nghĩ con trai mình dạo này túng thiếu quá, thật đáng thương, hờ hờ...
Một con bé mới chừng tám chín tuổi gầy, đen nhẻm, cầm một rổ vé số, kẹo cao su, khẩu trang, đồ cắt móng tay và những thứ linh tinh đi tới, nó mời người ta mua nhưng người ta không thèm nhìn nó một lần, lủi thủi đi qua rồi nhìn lên tôi bằng đôi mắt sóng sánh nước. Tôi nghĩ rằng mình thích ánh mắt của con bé, mặc dù trên mặt nó lấm bẩn hề hề nhưng cặp mắt của nó thì không bẩn, trong suốt, tinh anh và đẹp đẽ hơn bất kì thứ gì tôi gặp trong ngày nay. Tôi mua hết đồ của nó bằng tờ năm trăm ngàn mà không cần lấy lại tiền thừa.
Chú xe ôm thấy tôi mua luôn mấy tờ vé số vừa xổ ban chiều, không nhịn được ghé qua nói:
- Vé số xổ rồi, con mua làm gì hả nhóc?
Cô bé nhìn lên tôi vội vã nói:
- Mấy tờ này em vẫn chưa dò đâu!
- Đứa bán vé số ế nào chẳng nói như thế, có điên mới tin thôi.
Tôi cười, rồi bưng lên nguyên cái rổ đồ của nó, xoa xoa đầu nó, nói:
- Tiền thừa giữ lại đi!
Chú xe ôm cáu kỉnh nhìn tôi, hừ lạnh một tiếng rồi hình như lảm nhảm chửi: "Ngu thì chịu!"
Gần sáu giờ rưỡi, ở trạm xe buýt không còn người nào nữa chỉ còn một mình tôi ôm khư khư chiếc cặp và rổ đồ linh tinh mà mình vừa mua, thẫn thờ nhìn vào điện thoại. Bách Tiệp nhắn tin nói anh biết hôm nay tôi đi ăn với bác sĩ Vinh nên không có nấu cơm tối, anh với một số bạn đồng nghiệp đã ra ngoài và dặn tôi khi nào về nhớ coi chừng cửa nẻo, khóa cửa lại cẩn thận vì chắc tới đêm anh mới về mà mẹ thì cũng không có ở nhà.
Tôi cười chê chính mình ngớ nga ngớ ngẩn, lúc mua đồ vung tay quá trán mà không chừa lại nửa xu để về xe buýt. Bây giờ sực nhớ thì cũng đã muộn rồi, ngồi thẫn thờ như thế này rồi nghĩ tới chặng đường dài mấy cây số nếu phải lết bộ về nhà, cho dù có niềm tin cho phép nhưng mà khi về nhà được rồi thì nghĩ chắc cặp giò mình cũng đem quăng đi là vừa.
Một chiếc Sirius thình lình đậu bên vệ đường, tôi nhìn nhìn mặt kẻ có hai quầng thâm mắt như gấu trúc và ánh mắt lườm lườm hình mũi giáo, nghe hắn hỏi:
- Mày đổi nghề hả công tử bột?
Tôi nhăn mặt đáp:
- Ngày nay tụi mình có duyên quá há!
- Cần tao mua giúp mày món gì không?
- Được thì tốt, tao bán rẻ cho mày, chỉ cần đủ tiền đi xe buýt về thôi!
Angry bird cười đểu nhìn tôi, nói:
- Tao tưởng nhà mày giàu lắm? Lúc nào đi học đầu tóc cũng đẹp đẽ áo quần bảnh bao láng cóong, vả lại mới ở quán ăn đòi này đòi nọ xong, giờ sao thảm tới nỗi không có tiền xe buýt về vậy?
Tôi giơ rổ đồ lên, bất đắc dĩ nói:
- Chịu thôi, tiền tao mua giúp con nhỏ bán rổ đồ này hết rồi.
Angry bird nhìn tôi, lát sau hắn nghiêm túc hỏi:
- Muốn quá giang không? Tao đưa mày về?
Cho xin đi, tôi mà tin hắn có lòng tốt như thế đó hả? Cũng có thể được đi nhưng với điều kiện là mấy tiếng trước tôi không thừa cơ hội làm khó hắn một chút khiến hắn cáu và hắn cũng không phải là người luôn có thành kiến với những thằng con trai vẻ ngoài có vẻ rất sáng sủa, "công tử" như tôi mà còn điều quan trọng nữa là...nếu hắn không cố nén cười sau khi giả bộ nghiêm túc nói muốn đưa tôi về.
Điều kiện quá nhiều để chống đối lại cảm giác muốn tin tưởng, nhìn nhìn khóe miệng muốn nhếch lên của Angry bird mà chẳng hiểu vì sao sau đó cũng đồng ý. Có lẽ tôi đang chán và muốn làm một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, thiết nghĩ chắc hắn cũng không có cái gan chở tôi bán qua Trung Quốc đâu.