Tống Nhiễm nhìn bóng dáng Lý Toản biến mất ở cửa lên máy bay, sau lưng, các thành viên tổ lái trên chuyến bay mà cô ngồi đều đã xuống máy bay.
Tiếp viên hàng không kinh ngạc hỏi: “Sao cô còn ở đây? Mau đi thôi.”
“Xin lỗi.” Tống Nhiễm kéo hành lý, chạy chậm rời đi. Cô vừa mới ra khỏi hành lang thì di động đổ chuông, là một số lạ từ Lương Thành.
Cô lập tức bắt máy: “A lô? Cho hỏi là?”
Lý Toản có lẽ không nghĩ tới cô sẽ bắt máy nhanh như vậy, dừng một chút mới thấp giọng trả lời: “Là tôi.”
Cô dừng bên cạnh cửa sổ sát đất, nhìn ra sân bay, trong lòng nhẹ nhàng nhảy nhót, nói: “Tôi biết là anh.”
“Ừ.” Anh nói, “Tôi thử một chút, xem có nhớ nhầm số hay không.”
“Anh không nhớ nhầm.” Cô nói, “Trí nhớ của anh rất tốt.”
Nói xong mới phát hiện đây quả là câu nói thừa thãi, nếu không có sự tập trung và trí nhớ cao hơn người thường thì đâu cần phải ngàn dặm mới tìm được một tinh anh phá bom chứ.
Anh hỏi: “Cô nghỉ phép trở về à?”
“Ừm, đi thăm mẹ.” Cô nói. Nói xong lại nghĩ, anh nhất định sẽ thấy lạ vì sao mà mẹ lại không ở Lương Thành. Nhưng cô cũng không giải thích, cảm thấy lần sau còn có cơ hội mà.
Cô hỏi: “Còn anh?”
Anh ngừng một chút, nói: “Đi công tác.”
Cô hỏi: “Lại là thứ có liên quan đến bom hả?”
Đầu dây bên kia chỉ có âm thanh ồn ào, anh không trả lời.
Lúc này, đầu bên kia điện thoại truyền đến tiếng phát thanh trên máy bay, anh nói: “Tôi cúp điện thoại trước.”
“Được. Lên đường bình an.”
“Ừ.”
Tống Nhiễm để điện thoại xuống, nhìn ra ngoài cửa kính, trông thấy kính phản chiếu quang cảng mờ nhạt trong phòng, cô mím môi nhìn gương mặt lơ lửng ở bên trên.
Từ sân bay đi ra, thời gian cũng không muộn lắm, chỉ là đêm mùa đông đến sớm, còn có chút lạnh.
Trên đường về nhà, Tống Nhiễm ngồi trong xe taxi, khí lạnh trên người vẫn chưa tản đi, bàn tay nắm thật chặt điện thoại di động, giống như cầm một viên thuốc an thần quan trọng.
Ngày kế tiếp đi làm, Tống Nhiễm vừa mới đến đài truyền hình, những đồng nghiệp trước mặt đi qua đều mỉm cười với cô.
Tống Nhiễm không hiểu lắm, lên tầng của Bộ thông tin, đi vào khu làm việc thì thấy chỗ mình ngồi đặt một bó hoa tươi to, các đồng nghiệp ở đó đều cười với cô.
Tống Nhiễm càng thêm buồn bực, rút tấm thiệp bên trên ra, trên thiệp viết: “Xin chúc mừng phóng viên Tống Nhiễm đã đoạt giải thưởng lớn quý giá Ảnh Báo chí Thế giới Hà Lan với bức ảnh CANDY. —— Bộ thông tin đài truyền hình Lương Thành.”
Trên thiệp còn in phiên bản thu nhỏ của bức ảnh.
CANDY —— SONG RAN
“Chúc mừng!!!” Các đồng nghiệp cùng lớn tiếng hô.
Tiểu Thu đi lên cho cô một cái ôm lớn: “Nhiễm Nhiễm quá lợi hại, tớ biết nhất định sẽ đoạt giải mà! Pulitzer còn chưa công bố, nhưng nhất định sẽ là của cậu!”
Tống Nhiễm gấp thiệp lại, mỉm cười: “Cảm ơn.”
Đám người nhao nhao đến chúc mừng:
“Tống Nhiễm, chúc mừng.”
“Lúc này cô là nhân vật lớn đó.”
“Không phải gấp, đây chỉ là làm nóng người. Giải Pulitzer tháng tư mới là quả bom nặng ký nè.”
Tống Nhiễm cảm ơn từng người, cô để hoa ở một bên, tấm thiệp nhét vào ngăn kéo.
Sau khi nhận điều trị, cảm xúc của cô không dễ chập trùng như lúc trước nữa.
So với tư vấn tâm lý, cô cho rằng công lao chủ yếu là nhờ uống thuốc. Nhưng cũng có một chút tác dụng phụ, có lúc cô cảm giác mình như đang phụ thuộc. Giống như độc, uống thuốc xong thì tâm trạng rất bình tĩnh rất tích cực, nhưng qua một thời gian ngắn là lâm vào sa sút và hoài nghi bản thân.
Cô cảm giác mình không còn là Tống Nhiễm nữa, mà là một lọ thuốc tổng hợp.
Nhưng bác sĩ nói cô không nên quá soi xét bản thân để tạo áp lực, chữa bệnh phải từ từ.
Mà bây giờ, sáng sớm vừa uống thuốc xong nên cô rất bình thản với việc đoạt giải thưởng, không vui vẻ, cũng chẳng bài xích sợ hãi.
Chỉ có điều còn chưa ngồi vững thì Lưu Vũ Phi đã đến tìm cô.
Sau khi đoạt giải, một loạt các nhà lãnh đạo đến quan tâm thăm hỏi công việc có chỗ nào khó khăn hay không, rồi lại hứa hẹn tương lai sẽ cho cô đủ loại chính sách rộng rãi cùng sự ủng hộ lớn.
Gặp xong các vị lãnh đạo cũng đã gần tới trưa rồi.
Tống Nhiễm trở lại văn phòng cũng không có việc gấp để làm, suy nghĩ một lúc rồi phá phong tỏa internet để vào mạng bên ngoài. Lúc đầu cô chỉ xem tin tức cá nhân, Sasin và rất nhiều người bạn phóng viên quốc tế đều chúc mừng cô.
Cô lơ đãng xem xong, lại đi xem các bình luận. Lần này, phe chỉ trích chiếm một lực lượng đông đảo.
Một tòa soạn báo nước Pháp thậm chí viết một bài xã luận nhằm vào việc CANDY đoạt giải, chỉ trích giải thưởng Nhiếp ảnh Quốc tế Hà Lan đề cao tính cá nhân, lên án mạnh mẽ giải thưởng kiếm lợi nhuận dài hạn từ tai nạn của con người, đẩy từng tốp phóng viên đi săn những thảm cảnh làm vinh, nhân tính vặn vẹo, truy danh trục lợi.
Tống Nhiễm không xem mấy nghìn bình luận ở bên dưới như lần trước nữa, tắt mạng.
Sắp đến giờ tan làm, Tống Trí Thành gọi điện thoại tới nói cô về nhà ăn cơm. Ông xem tin tức thấy cô đoạt giải thưởng rồi.
Cảm xúc kích động của cha thể hiện rõ qua micro. Ông vẫn chưa tan làm nên Tống Nhiễm nghe thấy đủ tiếng khen ngợi của cả đống người. Hẳn là của các cô chú bên đơn vị.
Tống Nhiễm không muốn về nhà lắm, nhưng cô không muốn Tống Trí Thành thất vọng nên vẫn đồng ý.
Sau khi tan việc, Tống Nhiễm lái xe về nhà.
Năm nay mùa đông chậm chạp không chịu đi, tết âm lịch đã qua, lại một đợt khí lạnh đến. Trong sân cây cối rụng lá tiêu điều, thân cành trụi lủi chỉ thẳng vào khoảng không.
Bầu trời cũng là một khoảng âm u, nghe nói qua vài ngày lại có tuyết rơi.
Vừa xuống xe thì khí lạnh thấu xương ập vào mặt.
Tống Nhiễm kéo kín khăn quàng cổ, chạy chậm vào hành lang. Cô vừa đến lên tầng ba đi đến cửa, định đẩy cửa đi vào nghe thấy bên trong có tiếng nói chuyện.
Dương Tuệ Luân nói: “Mấy hôm trước mẹ nghe người ta nói, bệnh trầm cảm chính là tâm tình không tốt?”
Tống Ương nói: “Phải, cũng không phải. Mẹ không hiểu đâu, mẹ muốn nghĩ vậy thì cứ coi như là thế đi.”
“Trong khoảng thời gian này con cũng khiến mẹ tâm tình không tốt, sợ là mẹ đây cũng mắc phải bệnh trầm cảm rồi đấy.”
“Được rồi, sao mẹ lại lái sang con làm gì?”
“Haiz, con nói xem sao chị con lại mắc bệnh này? Trước kia tính tình con bé cũng không cáu kỉnh, nhưng bây giờ mẹ nói chuyện với nó đều phải lo lắng đề phòng.”
Tống Ương: “Con nói rồ, mẹ không hiểu đâu, đó là tổn thương tâm lý.”
Dương Tuệ Luân: “Tổn thương tâm lý? Mẹ thấy nó vẫn ổn mà, công việc thuận lợi, còn nhận được giải thưởng lớn cấp quốc tế, tâm tình cũng nên tốt chứ. Có gì đâu mà luẩn quẩn trong lòng hả?”
Tống Ương không nói rõ được với bà, đành lảng sang chuyện khác: “Mẹ làm đồ ăn sớm vậy làm gì, chốc nữa lại phải hâm nóng lần nữa. Mẹ không thể chờ chị ấy về rồi làm ư?”
“Mẹ không phải sợ con đói nên làm sớm à.” Dương Tuệ Luân thở dài, “Haiz, cũng không biết lúc nào nó mới về đến nhà, mẹ cũng không dám hỏi. Ngày đó gọi điện thoại bị nó quát cho, giờ nhớ đến còn thấy chấn động. Nếu cứ vậy thêm vài lần chắc mẹ cũng trầm cảm luôn quá.”
“Trời ơi má ơi, chuyện đó qua từ đời nào rồi. Mẹ vẫn còn nhớ hả? Con ngày nào chả ồn ào, chả lẽ mẹ muốn giết con à?”
Tay Tống Nhiễm nắm chốt cửa, inox đóng băng lạnh buốt, khí lạnh từ ngón tay thẳng đến đáy lòng. Cô chậm rãi thả tay, nhét bàn tay đã lạnh buốt vào túi áo, xoay người lặng lẽ đi xuống lầu.
Trong hành lang gió bấc ù ù, cô đứng ở đầu gió một hồi, lấy điện thoại di động ra. Cô mở số của Lý Toản, muốn gọi lại thôi, ngón cái run rẩy trong gió lạnh.
Mười mấy giây sau, điện thoại tự động tắt máy.
Cô cất chiếc di động lạnh lẽo vào trong túi áo, đi ra hành lang.
Mùa đông này dài dằng dặc không ngừng không nghỉ.
Hơn một tuần trôi qua, Lý Toản trở về Lương Thành, nhiệt độ không khí vẫn dưới 0°C.
Lúc anh về đến nhà là trong đêm, từ New York đến Đế Thành, rồi lại chuyển giao về Lương Thành nên người mệt mỏi không còn hơi sức. Anh cầm chìa khoá mở cửa, trong nhà đèn sáng. Cha Lý đang nấu canh gà trong bếp.
Lý Toản đóng cửa, cơn gió lạnh biến mất, giọng anh hơi khàn, cất tiếng gọi: “Cha.”
“Một giờ trước đã hạ cánh rồi, sao lại về trễ vậy?” Giọng cha Lý lo lắng nói vọng ra từ trong bếp.
“Kẹt xe ạ.” Lý Toản đổi một đôi dép lê.
“Mau tới đây sưởi ấm,” Cha Lý xoa xoa tay đi đến cạnh ghế sô pha, bật lò sưởi điện, rồi đặt một cái chăn bông nhỏ lên, “Thời tiết chả biết làm sao, đầu xuân còn lạnh thế này.”
Lý Toản không nói gì, đi sang ngồi cho tay vào chăn sưởi ấm.
Cha Lý nhìn anh mấy lần, muốn hỏi bác sĩ nói thế nào, nhưng Lý Toản chỉ xuất thần nhìn vào hư không, không nói một lời.
Người cha trong lòng hiểu rõ, không hỏi nữa.
Ông vào trong bếp tất bật một hồi, bưng thức ăn lên bàn, ấm áp nói: “A Toản, tới dùng cơm. Canh gà cha hầm từ trưa đấy.”
Hai cha con ngồi cạnh bàn, ăn cơm phần mình, không nói một lời.
Lý Toản ăn được một nửa, trông thấy trên kệ đặt một đống thuốc bổ, hỏi: “Cha mua mấy thứ này làm gì?”
“Lãnh đạo bên bộ đội các con tặng.” Cha Lý nói, “Mấy ngày qua con đi rồi, chỉ đạo viên, chính ủy, còn có lãnh đạo bộ chính trị đều đến đây làm công tác tư tưởng.”
Đôi đũa trong tay Lý Toản ngừng một chút, ngước mắt nhìn ông.
“Con là binh chủng đặc biệt, còn là sĩ quan, đã lập công, hiện tại bị tàn tật, trong quân đội không cho phép con rút lui, nói điều này không phù hợp với chính sách. Con không nên làm vậy, là bộ mặt của quân khu Giang Thành, sự việc lan truyền ra ngoài sẽ không tốt.”
Lý Toản cúi đầu lùa cơm, không lên tiếng.
“Có điều chỉ đạo viên cũng đã nói, bây giờ con không muốn quay lại quân đội, có thể ở bên ngoài làm công ích, như vậy có thể nói con vì bị thương nên tu dưỡng. Con phải giữ liên lạc với quân đội thường xuyên, báo cáo tình huống tư tưởng.” Cha Lý đứng dậy lấy ra một tờ giấy, “Đây là trong đội chỉ định vài nơi con có thể làm việc.”
Lý Toản không nhìn, cầm tờ giấy kia hất ra hướng bên ngoài.
Giấy trắng lướt tới trên bàn trà.
Cha Lý im lặng, lặng lẽ bưng bát cơm lên.
“Cha,” Lý Toản lại nói khẽ, “Cha trở về đi. Cha ở đây không quen, ông bà nội cũng cần cha chăm sóc. Con không sao đâu.”
Cha Lý khuyên bảo: “Không thì con quay lại Giang Thành với cha nhé? Để lãnh đạo cho con một chức ở đó?”
Lý Toản nói: “Con không muốn về.”
Cha Lý hiểu, quê quán người quen nhiều.
“A Toản…”
“Dạ?”
“Trong lòng con có chuyện gì, nói cho cha được không?”
Lý Toản ngẩng đầu lên, cười nhạt: “Không có gì ạ. Cha sớm về nhà đi, không cần trông con đâu.”
Cha Lý nhìn bộ dáng của con trai, trong lòng khó chịu: Có lẽ vì vợ qua đời sớm, dẫn đến việc con trẻ thiếu cảm giác dịu dàng của người mẹ trong cuộc sống, hoặc có lẽ tính cách ôn hòa ẩn nhẫn của ông là tham chiếu duy nhất trong quá trình phát triển của con trai. Lý Toản từ nhỏ đến lớn không giỏi bày tỏ tình cảm nội tâm của mình. Vui vẻ, yêu thích, khổ đau, tuyệt vọng, tất cả đều là ôn hòa và bình tĩnh, mỉm cười đối mặt.
Khi rất vui vẻ vẫn giấu nụ cười; khi rất đau khổ vẫn không trào nước mắt.
Thời gian sống động nhất đó là khi ở trong quân đội cùng một đám lính, Lý Toản có thể lộ ra sự kiêu ngạo và cứng rắn từ sâu trong xương, mà bây giờ thì…
“A Toản…” Cha Lý còn muốn nói gì nữa thì Lý Toản chợt quay đầu nhìn TV.
TV phát một tin tức:
“… Phóng viên chiến trường nổi tiếng Tống Nhiễm của nước ta với bức ảnh tin tức ‘Candy’ đã giành được giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới Hà Lan, đây là lần đầu tiên phóng viên của Trung Quốc đoạt giải. Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới Hà Lan là một trong những giải thưởng quan trọng nhất trong giới truyền thông thế giới, chỉ đứng sau giải Pulitzer. Mà rất nhiều nhà bình luận tin rằng ‘Candy’ rất có khả năng thắng giải Pulitzer năm nay…”
Trên màn hình chiếu bức ảnh “Candy” và hình chụp Tống Nhiễm trong thẻ căn cước.
Tấm hình trong thẻ căn cước được chụp hai năm trước khi Tống Nhiễm mới vừa đi làm, trên tấm hình là một cô gái tóc dài, khuôn mặt trắng nõn, nụ cười ngượng ngùng, đôi mắt vừa to vừa sáng.
Lý Toản chợt nhớ tới đêm đó ở sân bay nhìn thấy cô, cô cắt tóc ngắn, bị gió thổi đến rối bời.
Anh đặt thìa xuống, đi tới bàn trà cầm điện thoại di động lên, vào danh bạ và nhấp vào một dãy số có biểu tượng hình ngôi sao. (Này là danh bạ yêu thích đó:v)
Anh ở trong lòng tổ chức lại ngôn ngữ chúc mừng, khi ngẩng đầu thì trông thấy mình trong gương—— hắn kéo chiếc khăn quàng cổ, trên cổ có một vết sẹo rất dài.
Đột nhiên, tiếng gió ngoài cửa sổ ngừng thổi, âm thanh trong TV cũng biến mất.
Thế giới rất yên tĩnh.
Anh quay đầu nhìn nhánh cây lay động ngoài cửa sổ kính, cha đang ăn cơm, hình ảnh trên màn hình TV không phát ra tiếng. Anh giống như đang đứng trong một cái lồng chân không.
Anh cúi đầu nhìn điện thoại, thoát khỏi danh bạ.
Lý Toản khom lưng đặt di động lại trên bàn trà, lại thoáng nhìn tờ giấy trắng viết những địa điểm làm việc mà chỉ đạo viên để lại, trong đó có một nơi ở đường Bạch Khê.