Người ta thường sợ tiếng gọi là “ma kêu”, “quỷ khóc”, nói chung là người ta rất sợ những tiếng động đầy vẻ bí mật, ma quái, nhưng có trường hợp không có một tiếng động gì cả thì cái sợ lại khủng khiếp hơn lên.
Ngôi chùa sừng sững, ánh sáng trong đại điện choang choang, thế nhưng toàn ngôi chùa, toàn cánh rừng, lặng im phăng phắc.
Không có một tiếng động của người, không có một tiếng chim, không nghe thấy tiếng côn trùng, đúng là... đất chết.
Đất chết cũng không phải là đáng sợ, vì bãi tha ma cũng là đất chết, nhưng ở đây không phải là bãi tha ma.
Ở đây là chùa, đã là chùa mà lại có đèn sáng tỏ, sáng như ban ngày, thế như lại là “đất chết”, cái đó mới đáng lạnh mình.
Thư Hương không biết đã lạnh đến mức nào, nhưng nàng nghe thấy da gà vụt nổi cục lôm chôm, chân lông dựng đứng.
Trương Dị chiếu đôi mắt ngời ngời nhìn thẳng vào cửa chùa như muốn xoi thủng từ đại điện ra tới hậu liêu.
Hình như hắn muốn thấy cái ẩn kín trong ánh sáng ngụy tạo ấy.
Lữ Ngọc Hồ đứng sau lưng Trương Dị, hắn đứng làm thinh, không nhìn vào ngôi chùa mà lại nhìn vào con người Trương Dị.
Hắn biết, bây giờ thì không cần quan sát nơi đâu cả, không cần quan sát nhưng vẫn biết được không sót một cái gì, lành hay dữ, nguy hiểm hay không, tất cả đều có thể thấy như bật ngửa bàn tay, chỉ cần đừng bỏ sót qua một cử chỉ nào của Trương Dị.
Có lẽ từ ngày quen biết với Trương Dị tới giờ, hắn đã quen dùng lối quan sát “ngoại vật” như thế ấy rồi.
Trương Dị nói :
- “Thập Tam Chích Thủ” đã trở ra.
Thư Hương quay qua, nhưng nàng vẫn không nghe một tiếng động nào chứng tỏ rằng có người đến gần bên.
Nhưng Lữ Ngọc Hồ thì khác.
Hắn bước xéo qua một bên, từ phía sau lưng của Trương Dị bây giờ hắn đứng về phía sau lưng của Thư Hương.
Trước mặt họ là sân chùa, sau lưng họ là những cây cổ thụ, tàng che kín mít, dọc qua bên trái và dẫn thẳng ra hậu viện là cánh rừng dầy kịt.
Ánh sáng từ trong đại điện chỉ hắt ra sân, sáng sát bên thềm, càng ra xa càng tối lần và khi mút khỏi sân thì chỉ thấy bóng người chớ không còn nhìn rõ mặt.
Từ trong bóng tối đó, có một người đang đứng.
Thư Hương hoàn toàn không nghe tiếng động, Lữ Ngọc Hồ có thay đổi chỗ đứng, nhưng không biết hắn có nghe thấy hay không. Riêng Trương Dị thì tự nhiên là phải biết. Không ai biết hắn biết bằng cách nào, không hiểu hắn thấy hay nghe.
Nhưng chắc chắn hắn biết bởi vì hắn đã nói.
Nói xong, hắn quay trở lại.
Hắn và Thập Tam Chích Thủ nhìn nhau.
Thập Tam Chích Thủ đứng yên, Trương Dị bước tới.
Thập Tam Chích Thủ lên tiếng trước :
- Chết hết!
Trương Dị lập lại và hỏi :
- Chết hết! Bao nhiêu?
Thập Tam Chích Thủ đáp :
- Đến bao nhiêu là chết bấy nhiêu.
Trương Dị hỏi :
- Dấu vết?
Thập Tam Chích Thủ đáp :
- Chôn chung vào một cái hầm rác phía sau.
Trương Dị hỏi :
- Hắn?
Thập Tam Chích Thủ đáp :
- Không thấy.
Trương Dị hỏi :
- Hắn đi đã bao lâu?
Thập Tam Chích Thủ đáp :
- Lâu nhất là tàn hai phần ngọn nến.
Trương Dị hỏi :
- Nến trong chùa đã cháy quá hai phần?
Thập Tam Chích Thủ gật đầu :
- Đúng.
Hai người lặng thinh.
Họ vẫn đứng đối diện với nhau.
Thật lâu, Trương Dị hỏi :
- Còn có thể thâu thập tin tức gì ở đây được nữa không?
Thập Tam Chích Thủ đáp :
- Ở đây thì không.
Trương Dị hỏi :
- Ở đâu?
Thập Tam Chích Thủ đáp :
- Bà chị.
Trương Dị nói :
- Đã đi rồi.
Thập Tam Chích Thủ hỏi :
- Đi đâu?
Trương Dị đáp :
- Cẩm Tú sơn trang.
Trầm ngâm một chút, Thập Tam Chích Thủ nói :
- Đến gặp ngay hắn.
Trần đại hiệp :
- Cần đến đâu cho tiện?
Thập Tam Chích Thủ đáp :
- Quán rượu Nam Thành.
Đưa mắt nhìn về phía Thư Hương, Thập Tam Chích Thủ nhích lên một bước, giọng hắn thấp xuống vừa đủ cho hai người nghe :
- Trừ hắn không khó, nhưng khó về Lữ Ngọc Hồ.
Trương Dị nói :
- Không khó.
Thập Tam Chích Thủ chớp mắt, nhưng hắn không hỏi, vì tTrương Dị đã nói tiếp :
- Chính hắn phải nói ra rồi sau đó là tự hắn nhận lấy.
Thập Tam Chích Thủ hỏi :
- Phải có người...
Trương Dị lắc đầu chận ngang :
- Có cách, nhưng anh phải đến Thiếu Lâm tự.
Thập Tam Chích Thủ nhướng mắt :
- Vô Sắc hòa thượng?
Trương Dị gật đầu :
- Đúng rồi.
Thập Tam Chích Thủ hỏi :
- Cũng ở chỗ...
Trương Dị đưa mắt liếc nhanh vào chùa và khẽ vẩy tay.
Thập Tam Chích Thủ nhún chân, bóng hắn khuất vào cánh rừng bên trái.
Câu chuyện của hai người, bất cứ ai nghe cũng ấm ức, người ấm ức hơn hết tự nhiên là Thư Hương.
Vì thế, khi Thập Tam Chích Thủ vừa khuất thì nàng hỏi ngay :
- Sao? Họ đâu?
Trương Dị hỏi lại :
- Họ nào?
Thư Hương đáp :
- Thì đám “Hòa thượng” của sòng bạc đó.
Trương Dị lững lơ :
- Chân họ mọc ra từ trong mình của họ thì chỉ có họ mới biết chân họ đi đâu.
Thư Hương bắt đầu tức :
- Tại sao không đi tìm?
Trương Dị hỏi :
- Tìm ở đâu?
Thư Hương vùng vằng :
- Thì đã đến đây thì đi vào chùa tìm chớ còn đi đâu nữa?
Trương Dị lại lơ lững :
- Đâu có ai biết chắc có họ trong đó đâu mà vô?
ThThư Hương gắt :
- Thì đã không biết chắc nên mới vô tìm.
Trương Dị hỏi :
- Ai vô?
Thư Hương phát cáu, nhưng thật thì nàng cũng không biết phải nói làm sao!
Nàng đâu có thể bảo ai vô, mà nàng cũng không dám đi vô, nàng đi vô, chắc chắn tuy sợ nhưng nàng cũng vẫn bấm gan đi vô, vì họ bảo nàng thì họ phải có trách nhiệm yểm trợ, đàng này họ không bảo thì nàng làm sao lại dám.
Lữ Ngọc Hồ vụt ôm bụng cười khan.
Thư Hương quay lại gắt :
- Cười cái gì?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Khuya quá rồi nên bỗng nhớ một chuyện tức cười.
Thư Hương hỏi :
- Chuyện gì?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Có người không thích ăn cơm nguội, nhưng cứ hể thức khuya thì cơm nguội cũng ngon.
Trương Dị vụt quay bước bỏ đi ra cổng.
Thư Hương hỏi :
- Đi đâu vậy?
Trương Dị đáp tỉnh bơ :
- Đi kiếm cơm nguội.
Thư Hương giận lắm, nhưng khi Trương Dị đi thì nàng biết Lữ Ngọc Hồ cũng sẽ đi, mà nàng thì không thích chuyện đi sau, vì thế nên đành phải... bận đi theo.
Vừa đi nàng vừa mở miệng muốn kêu hỏi Trương Dị coi tại sao lại có chuyện “đi đến rồi về” như thế này, nhưng kịp dừng lại không hỏi, vì nàng sực nhớ rằng đối với hắn, khi đã tức rồi thì đừng hỏi đừng nói gì nữa, vì càng nói thêm thì sẽ càng tức tối thêm lên.
Bây giờ thì nàng đã có nhiều... kinh nghiệm.
Càng bực càng tức người khác thì chính mình làm cho mình khốn đốn.
* * * * *
Lối tự xưng của người đời thường hay có vẻ khiêm cung, hình như đó là một lối thông thường, có nhiều người rất khoe khoang trong mọi hành động nhưng lời lẽ của họ cứ làm ra vẻ... nhún nhường.
Chẳng hạn như gọi người thì luôn luôn kèm theo tiếng “Quí”, còn tự xưng là nhất định cứ phải là “Tệ”, họ dùng riết rồi thành ra một thói quen, mặc dầu họ đang ngự trong một tòa nhà tráng lệ nguy nga, họ cũng cứ nói là “Tệ Xá” và mặc dầu họ biết chắc mẻm người ta đang chui rút trong ổ chuột, họ cũng cứ gọi là “Quí Phủ”.
Thế nhưng mọi người vẫn bằng lòng, chẳng những không một ai có cảm nghĩ đó là lối chửi cha thiên hạ, mà người ta lại còn cho rằng đó là một cái gì của mình thì lại khác, người ta đặt một cái tên thật kêu, mặc dầu cái của mình vốn là trống rổng.
Nhiều lúc thực tế lại “chửi cha” cái danh xưng, nhưng cũng không một ai tỏ vẻ phàn nàn.
Chỉ cần một vài bụi trúc, người ta đã có được một danh xưng là “Trúc Lâm”; qui tụ toàn những tay đạo sĩ cờ bạc dâm loàn, người ta cũng dám đề “Tam Thanh Tịnh Xá”, sơn son thiếp vàng hực hở.
Nhưng nếu ai đặt chân đến Cẩm Tú sơn trang, thì cũng đều nhận rằng cái danh xưng này không khoe khoang một chút nào cả, quả đúng là một chỗ... danh phù kỳ thức.
Dựa lưng bởi một giải núi không cao mà nhiều cổ thụ rừng cây xanh mướt kéo thành một vệt dưới chân trời như một tấm thảm nhung, phía trước dòng suối uốn quanh, nước trong thấy cát.
Cẩm Tú sơn trang chiếm một khu đất non non trăm mẩu, bước qua khỏi hai cây cầu hình cánh cung có vòng lan can đỏ chói là ngay cánh cổng và chung quanh là ba trượng tường cao.
Đó là Cẩm Tú sơn trang.
Nhưng nếu chỉ nhìn bên ngoài như thế không thôi, tuy cũng đã thấy cái vẻ nguy nga đồ sộ, song cũng chưa thấy hết cái gọi là “Cẩm Tú”, người ta đã phải chắc lưởi hít hà khi bước qua cánh cổng, khựng mắt khi thấy quang cảnh bên trong.
Cổng là hai trụ xây bằng đá xanh, từ khối vuông xéo không đều, đã được khắn liền nhau hai người ôm không giáp, trên cao khoảng năm trượng, nghĩa là cao gần bằng chiều đứng của vòng tường, một cái lầu canh luôn có người túc trực.
Vòng theo tường mà chu vi gần trăm mẫu đó, cứ cách khoảng chừng mười trượng là lại có một lầu canh và bốn phía tường đều có cổng giống nhau, không ai có thể biết đâu là cổng chánh.
Nhưng Cẩm Tú sơn trang tuy canh phòng nhiêm mật như thế, tuy rộng lớn mênh mông, vẫn không thể gọi là “Thành”.
Cái phân biệt đó là tất cả những cổng đều bỏ ngỏ.
Bất cứ đứng bên phía tường nào cũng đều nhìn thấy bên trong.
Cái lạ lùng hơn nữa là Cẩm Tú sơn trang không thấy hậu viện, hay nói đúng hơn là khách vừa bước vào không thể biết hậu viện ở hướng nào.
Bất cứ vào cổng nào, người ta cũng đều có cảm giác đó là tiền viện, phía nào cũng có sân rộng, cũng có vườn hoa, hồ sen và nhà thủy tạ, với hồ sen thơm ngát quanh năm.
Con suối bên ngoài, không biết là tự nhiên hay do công phu của người, con suối chạy vòng vào vườn hoa, thông đi bốn ngã, vì thế mà bất cứ bước vào cổng nào, người ta cũng đều thấy những cây cầu nho nhỏ có lan can đỏ chói và bên dưới là từng đàn cả nhởn nhơ.
Đừng kể đến tòa nhà đồ sộ, đừng kể đến ngôi lầu mái cao cong vút xinh xinh, chỉ cần bước vào khỏi cổng là người ta nhận ra ngay cái “Cẩm Tú” của tòa “Sơn Trang” đó.
Quang cảnh thật đồ sộ, nhưng lại rất im tịnh.
Im tịnh đến gần như không nghe thấy một tiếng động, nhất là khi màn đêm từ sau rặng núi vương ra phủ xuống.
* * * * *
Những lầu canh vắng ngắt.
Không ai dám nói là không có người, vì cả bốn cánh cổng về đêm cũng đều bỏ ngỏ thì làm sao lại không có người canh, chỉ có điều họ canh ở đâu, họ ăn ở đâu, tất cả không ai nhìn thấy.
Giá như bên trong tòa nhà, trên những ngôi lầu cao đừng có ánh đèn thì người ta dám cho đây là một ngôi nhà hoang, một trang trại không có người ở.
Đêm đầu tháng, ánh trăng không sáng nhưng nên thơ, vành trăng lưỡi liềm chênh chênh trên rặng núi, sương đêm pha màu sửa loang loáng bàng bạc bao trùm Cẩm Tú sơn trang.
Toàn thể bốn mặt của khu vườn bát ngát không một bóng người, không một tiếng động, nhưng nếu có người chú ý, sẽ thấy ngoài hành lang của ngôi lầu phía đông có một bóng người, một tà áo trắng thỉnh thoảng lất phất theo làn gió nhẹ.
Một người thiếu phụ.
Cánh tay chống lên lan can lầu, ánh mắt của người thiếu phụ buông lơi trong màn sương đục, ánh mắt mơ màng.
Không thấy rõ mặt nhưng bằng vào mấy ngón tay chăng hờ bên má, những ngón tay tuy hơi gầy nhưng lại thật thon, ngón tay thon nhỏ, trắng muốt mịn màng, không ai dám nói người có bàn tay đó là một người đàn bà xấu xí.
Những lọn tóc trái đào được cuốn gọn lên cao để lộ cái cổ cao cao, làn da trắng ngần như ngọc, người thiếu phụ trông có vẻ thanh khiết lạ lùng.
Người thiếu phụ đứng gần như bất động, nếu không có những làn gió nhẹ lay tà áo, chắc chắn ai ai cũng cứ tưởng đó là một pho tượng thạch cao.
Một vài chiếc lá vàng sức cuống từ những tàng cây cổ thụ, rơi chầm chậm xuống mặt nước hồ sen, người thiếu phụ chợt thở dài...
Và bây giờ thì cửa lần hé mở.
Cánh cửa mở ra thật nhẹ, đứng gần cũng không nghe tiếng động và một bóng người, cũng thật nhẹ, từ trong cửa bước ra. Chỉ ra khỏi khung cửa một bước là dừng lại.
Một người đàn ông.
Một người đàn ông trung niên.
Hai tay buông xuôi, lưng không đeo kiếm, mắt không mở lớn, nhưng không hiểu sao trông con người đó toát ra một khí thái uy nghi nghiêm cách lạ lùng.
Từ trong đôi mắt không mở lớn đó, một tia sáng lóe lên rồi tắc ngấm.
Người đàn ông trung niên bất động.
Thật lâu, người thiếu phụ chầm chậm quay mình lại.
Lưng người thiếu phụ vẫn dựa nhẹ vào lan can.
Không ai nói một tiếng nào.
Lại một lúc thật lâu nữa, người đàn ông trung niên lên tiếng, ông ta kêu qua hơi thở như gió thoảng :
- Tam Nương!
Vành môi như trái tim mọng đỏ của người thiếu phụ nhếch lên rồi ngưng lại.
Vành môi không rung, nhưng ánh mắt người thiếu phụ như chìm nặng xuống.
Người đàn ông trung niên bước lui một bước, và hai cánh cửa mở rộng ra.
Không lên tiếng nữa, nhưng ai cũng có thể biết rất rõ đó là cử chỉ mời khách vào trong.
Người thiếu phụ đứng thẳng mình lên và nhích bước.
Người đàn ông quay trở vào trong.
Người thiếu phụ bước theo.
Người đàn ông trung niên dừng lại sau cánh cửa, ông ta không đưa tay theo thái độ mời khách thông thường, nhưng rõ ràng là nhường cho người thiếu phụ đi vào.
Dáng đi của người thiếu phụ như gió thoảng, đôi giày cỏ vốn đã nhẹ mà bước đi của người lại nhẹ hơn, nên đứng gần mà vẫn không nghe tiếng động.
Người thiếu phụ bước qua mặt người đàn ông trung niên và bước thẳng vào trong.
* * * * *
Trừ tiếng gọi “Tam Nương” thốt ra từ cửa miệng của người đàn ông trung niên, không ai nói thêm một tiếng nào, nhưng ai cũng có thể biết người thiếu phụ đó là Vương tam nương, người thiếu phụ có dáng cách cao quí mà phong trần đã hội kiến với bọn Trương Dị ở quán “Vò Viên” hồi tối hôm qua.
Từ con người đó cộng với thái độ, với cung cách thỉnh khách, người ta cũng đoán ra người đàn ông trung niên đó là Đào Đại Gia, vị trang chủ của Cẩm Tú sơn trang.
Vương tam nương bước vào phòng.
Giữa phòng có một chiếc bàn vuông, có bốn chiếc ghế bọc da.
Mặt bàn trải nhung xanh, phản chiếu với màu đỏ của bốn chiếc ghế bọc da, trông thật là sang trọng.
Trên bàn có một cái mâm bằng bạc, trong mâm có bốn chén trắng bằng sứ Giang Tây, có một bầu rượu và một bình trà.
Xế vào góc trong, một tấm màn nhung đỏ buông phủ, bên trong chắc là giường ngủ.
Gần cửa sổ có một tấm lụa đen phủ kín một vật vừa rộng vừa cao, trông giống như chiếc bàn.
Vương tam nương bước lại ngay chỗ đó.
Bàn tay mảnh khảnh của Vương tam nương nắm lấy chéo tấm lụa đen nhè nhẹ dở lên, bên trong quả đúng là một cái bàn.
Bàn trang điểm.
Một tấm kính hột xoài cao quá đầu người được lồng trong cái khung bằng gổ mun, cũng cẩn xa cừ óng ánh, hai bên là hai hộc tủ nổi trên mặt bàn, hộc tủ cũng bằng gỗ mun, cũng cẩn xa cừ.
Vương tam nương kéo hộc tủ ra, bên trong, những thỏo son, những hộp phấn, những mãnh trầm còn nguyên vẹn.
Người thiếu phụ dừng mắt nhìn trân trối.
Bàn tay đặt bên hộc tủ hình như có hơi rung...
Đào Đại Gia đứng im lặng bên đầu bàn, nhìn vóc thân mảnh khảnh của Vương tam nương ông ta vụt thở dài.
Vương tam nương vẫn không quay lại, giọng bà ta hơi run :
- Đào huynh, giữ những thứ này để làm chi?
Giọng của Đào Đại Gia chìm ngắm :
- Vương muội, mười mấy năm rồi, gian phòng này không ai được bước vào đây, cả lúc Thư Hương còn ở nhà, nó cũng không dám bước vào, không một ai... Gian phòng này chỉ có một mình tôi, chính tay tôi quét dọn...
Ánh mắt của Vương tam nương vụt long lanh :
- Làm chi như thế, Đào huynh...
Đào Đại Gia chận ngang :
- Vương Muội, tại sao Vương muội vẫn bảo rằng trọn đời xót thương đại tẩu...
Vương tam nương thở dài :
- Vì chính xót thương cho đại tẩu, thương xót người vắn số cho nên tiểu muội không thể ở lại đây.
Đào Đại Gia hỏi :
- Tại sao? Tại sao Vương muội không giữ trọn lời nguyền trước mặt đại tẩu, tại sao Vương muội không ở lại để chăm sót cho Thư Hương, để sớt chia ấm lạnh với ngu huynh?
Vương tam nương lắc đầu :
- Mười mấy năm nay phiêu bạt xứ người, không giây phút nào là tiêu muội không nhớ đến Cẩm Tú sơn trang, không lúc nào không nhớ đến Thư Hương.
Giọng của bà ta vụt thấp xuống và run rẩy :
- Không lúc nào tiểu muội không nhớn đến Đào huynh, nhưng...
Đào Đại Gia thở ra :
- Ngu huynh đã xử không phải với Vương muội không phải?
Vương tam nương lắc đầu :
- Không, trên đời này không một ai chiếu cố, thương xót tiểu muội cho bằng Đào huynh, không ai có thể đem lại cho tiểu muội được nguồn an ủi như Đào huynh...
Đào Đại Gia hỏi :
- Thế tại soa Vương muội lại ra đi? Phải chăng Cẩm Tú sơn trang quá lặng lẽ, quá thô lậu, nó không phải là chỗ giữ được Vương muội chăng?
Vương tam nương lại lắc đầu :
- Không, Đào huynh đã hiểu lầm, có thể trong vũ trụ này có nhiều nơi đẹp lắm, chỉ kể đất Giang Nam không thôi, cũng có nhiều chỗ hơn hẳn nơi này, nhưng nếu gom tất cả những nơi đẹp nhất dưới gầm trời này để đổi lấy Cẩm Tú sơn trang thì tiểu muội xin trả về tất cả để giữ một nơi đây, vì Cẩm Tú sơn trang là nơi mà tiểu muội cảm thấy vui sướng nhất, hạnh phúc nhất, nếu được sống mãi ở đây và chết ở đây...
Đào Đại Gia hỏi :
- Thế sao Vương muội lại cũng cứ bỏ đi?
Vương tam nương cúi mặt làm thinh.
Đào Đại Gia nhìn người đối diện thật lâu, cuối cùng ông ta nhẹ thở dài :
- Giờ phút lâm chung của Ngọc Nương, lúc hơi thở của nàng hấp hối, có lẽ vì quá thương hoàn cảnh bơ vơ của huynh, vì quá thương Thư Hương và tự nhiên cũng vì quá thương Vương muội, nên nàng cố lấy hơi căn dặn Vương muội hãy đừng bao giờ lìa khỏi nơi này, hãy thay nàng mà dạy dỗ Thư Hương, thay nàng mà chiếu cố cho ngu huynh khi nửa đường gảy gánh... Ngu huynh còn nhớ Vương muội đã vật vả khóc than và cương quyết nhận lời, nhận lời với cả một thái độ thương xót chân thành...
Ông ta cúi mặt thở dài sườn sượt và dàu dàu nói tiếp :
- Ngu huynh ngỡ rằng trên bước đường đời còn lại của ngu huynh sẽ vơi bớt cô đơn, sẽ được thành nhân dưới bàn tay và tấm lòng đùm bọc của người bạn thật thân của mẹ nó, người mà từ mới sanh cho đến khi lẩn đẩn, không phút nào nó chịu rời xa...