Không phải chỉ có những cao thủ mới nhận ra cú đánh kinh khiếp của Vô Sắc đại sư, mà ngay cả Thư Hương, một người được coi như chỉ quọt quẹt đôi ba miếng, cũng vẫn thấy được cái nguy cơ mất mạng của Lữ Ngọc Hồ.
Bằng vào sức đánh với toàn nội lực của Vô Sắc đại sư, nếu cái bụng của Lữ Ngọc Hồ không bị vỡ ra thì ít nhất xương sống hắn cũng sẽ gập xuống, không phải gập nhẹ như nhà sư bị hắn đánh vừa rồi, mà nó sẽ gập làm đôi và ngàn đời sẽ không làm sao thẳng lại.
Thư Hương rú lên.
Nàng chỉ mới rú trong bụng, tiếng chưa phát được ra ngoài thì nàng ngưng lại, vì Lữ Ngọc Hồ không “chịu” đánh...
* * * * *
Vô Sắc đại sư đánh vào trong gió.
Mấy người đứng ngay sau lưng Lữ Ngọc Hồ, cách xa hơn trượng, bị sức gió từ nội lực ở nắm tay nhà sư già phóng ra đến xiểng niểng cả người.
Hai người bị bức ngang vạt áo trước, một người bị quay luôn hai vòng, hai người té ngồi xuống đất.
Rất may là họ đứng hơi xa, họ chỉ xanh mặt và hoảng hốt chứ không đến nỗi mang thương.
Lữ Ngọc Hồ đang ở ngay trên đầu của Vô Sắc đại sư.
Hắn chờ cho nắm tay của ông ta vào tới sát bụng rồi hắn mới nhảy vọt lên.
Vô Sắc đại sư chủ quan.
Ông ta có nghe về Lữ Ngọc Hồ, ông ta biết hắn là con người ương ngạnh, lỳ lợm và liều lĩnh. Ông ta đã thấy hắn “chịu” một cú đánh của đồ đệ ông ta, ông ta cũng nhìn rất kỹ cách đánh lại của hắn.
Hắn đánh thật ngụy hiểm, mặc dù chiêu thế quá tầm thường nhưng vì hắn lỳ nên thế đánh tầm thường vụt trở thành đòn... độc, độc chứ không phải giỏi.
Ông ta tin rằng hắn sẽ “chịu” nữa và ông ta tính toán thật kỹ rằng hắn sẽ ngả ngay vì nội lực của mình, nếu hắn quả “chịu” nổi thì, với cách đánh của hắn mà ông ta đã thấy, ông ta sẽ hóa giải dễ dàng.
Chính vì sự tính toán có hai đường đó nên ông ta không tính đến con đường khác.
Lữ Ngọc Hồ đổi con đường khác.
Hắn nhảy tránh và hắn tấn công trở lại.
Hắn vừa nhảy qua đầu Vô Sắc đại sư thì ở giữa không trung, bằng một thân pháp lỳ lợm và táo bạo, hắn lắc một cái thật mạnh làm cho thân mình xoay trở lại, tay hắn vươn ra như năm móc câu, bắt chụp đúng vào “Ngọc Chẩm huyệt” của nhà sư.
Bây giờ thì hắn vẫn lỳ, nhưng không còn chậm như người ta đã thấy, hắn đánh thật nhanh.
Vì chủ quan, vì không tính đối phương đổi thế. Vô Sắc đại sư thu thế không kịp, đến khi thu kịp thì Lữ Ngọc Hồ đã khởi thế công.
Là cao thủ hạng nhất của Thiếu Lâm, cũng là một trong số nhất lưu cao thủ trong giang hồ, cũng không phản ứng cách nào cho kịp, ông ta bị đánh phải đòn tối hậu.
Không phải bằng gỗ huyền, cũng không phải bằng hột... bồ đề, xâu chuỗi của Vô Sắc đại sư bằng thép, những viên thép được trui luyện đặc biệt, nhỏ nhưng thật nặng.
Người ta bảo rằng xâu chuỗi của ông ta là một chất thép trắng, thứ thép đó nặng gấp ba lần thép thường.
Bây giờ thì ông ta đành phải đánh theo cách “lưỡng bại câu thương”, vì tay của Lữ Ngọc Hồ đã sát đến đầu, không còn cách nào khác nữa.
Nghĩa là khi tay hắn chạm vào Ngọc Chẩm huyệt thì cổ tay hắn cũng sẽ gãy ngang, quyền lực của hắn do đó bị giảm đi phần nào trọng lực, ông ta không chết nhưng rất có thể mang thương đến “bán thân bất toại”.
Kể ra bằng vào thanh danh của hai người, nếu phải lưỡng bại câu thương thì địa vị của Vô Sắc đại sư kể như mất hết. Vì Lữ Ngọc Hồ dầu có được người võ lâm tôn trọng, cũng chỉ thuộc hàng hậu bối. Còn Vô Sắc đại sư thì đã là bậc đạo cao đức trọng, qua hai thế hệ, vả lại, lão lại còn là người coi như đại diện cho Thiếu Lâm.
Nhưng trong tình thế đó, không có một con đường nào khác, nhưng có hay không, tương xứng hay không, Vô Sắc đại sư cũng phải chấp nhận, ông ta vút xâu chuỗi ngược lên.
Những hạt chuỗi chạm vào nhau, tiếng khua điếc óc.
Nhưng tuy là hạng lỳ lợm, liều lĩnh, nhưng Lữ Ngọc Hồ không như người ta tưởng, hắn không “chịu” chấp nhận “lưỡng bại câu thương”.
Có nhiều cách giải thích về thái độ không “chịu” của hắn.
Thứ nhất, hắn chưa thấy rõ ác ý của Vô Sắc đại sư, có thể ông ta chỉ hồ đồ nhất thời, khi thấy người sư đệ của mình bị chết. Sự hồ đồ của ông ta tạo thành cuộc diện hồ đồ. Lữ Ngọc Hồ không muốn chết sống vì cái hồ đồ đó.
Thứ hai, cuộc chiến mới vừa phát sanh, dư lực đôi bên còn nhỏ quá, nếu trường hợp hắn bị buộc phải áp dụng, hắn sẽ không làm, nhưng đây là thế bị động của Vô Sắc đại sư, hắn không muốn vì cái bị động của người khác, kéo mình vào theo.
Vì thế, khi Vô Sắc đại sư tung xâu chuỗi hột lên thì, cũng đang còn cái đà lơ lửng trên không đó, Lữ Ngọc Hồ không làm sao nhảy lên được nữa, hắn đành phải áp dụng thế “Lăng Không Đảo Khí”, hắn vận công, dồn sức nặng lên phần trên của thân mình, và hắn bật ngửa ra sau, lộn một vòng tròn như chong chóng và nhanh như chớp, hắn đạp nhẹ một chân lên vai của một người đứng phía sau, theo đà đó hắn xéo mình lên.
Một thế tránh thật vô cùng đẹp mắt.
Có nhiều tiếng hít hà và có nhiều tiếng vỗ tay nho nhỏ.
Nhưng, đáng lý giải được thế “lưỡng bại câu thương” không đáng ấy, nhà sư già Thiếu Lâm nên thu thế lại cho đúng với tư cách “trưởng thượng” của mình, đàng này ông ta chợt như nổi ngay hung tánh, thuận tay vút luôn xâu chuỗi hột.
Sức nặng của xâu chuỗi cộng với nội lực của nhà sư, khiến cho những hột thép ấy bay quá nhanh và bay theo đường thẳng chận tới. Vì đà phóng của Lữ Ngọc Hồ đi xiên, với hai đường đi đó, dầu hắn muốn tránh cách nào cũng không làm sao kịp được.
Những người đứng dưới nghe như tim vọt ra ngoài.
Họ không hề có được ý thức nghiêng về ai nhưng phản ứng tự nhiên khi thấy đôi bên đã dụng thế độc và nhất là trước cái chết của một người mà họ quen biết, khiến họ bàng hoàng.
Nhất là Thư Hương, bây giờ nàng không còn cân nhắc được vấn đề nguy hiểm hay không, nàng cũng không nghĩ được hành động của nàng có gỡ được cái chết cho Lữ Ngọc Hồ hay không, hình như nàng bị phản ứng tự nhiên thúc đẩy, nàng dậm chân lao thẳng vào người của Vô Sắc đại sư.
Cũng may là nàng chỉ vừa dậm chân chớ chưa phóng mình, thì có chuyện lạ xuất hiện khiến nàng kịp thời dừng lại.
Vì khi nàng vừa dậm chân thì một tiếng động lớn từ trên nóc nhà làm mọi người đều giật mình và ngay khi đó thì ngói bể rơi rầm rầm...
Không biết vì cái gì, nóc nhà bể trống một lỗ, từ lỗ đó có bàn tay thò xuống...
Cánh tay không dài lắm, nhưng có lẽ là người ở trên nằm nghiêng, nên bàn tay thò đúng ngay trước đầu của Lữ Ngọc Hồ.
Trước đầu của Lữ Ngọc Hồ không đầy một gang bàn tay là là xâu chuỗi thép.
Bàn tay từ trên nóc nhà thò xuống chụp lấy xâu chuỗi hột.
Chụp nắm, thụt lên, biến mất.
Vô Sắc đại sư thét lớn :
- Ai?
Trên nóc nhà có tiếng cười dài :
- Là một kẻ cần gõ tét đầu Hòa thượng, nhất là Hòa thượng Đa Sự.
Thư Hương la lên :
- Đừng để cho người đó thoát, có thể đúng là người đã giết Đa Sự hòa thượng.
Nàng không la thì Vô Sắc đại sư cũng đã làm, chỉ nghe tay ông ta khua động thì thân ảnh đã vút lên lỗ hổng của nóc nhà.
Ngay lúc đó, cũng từ trên nóc nhà, nhiều tiếng khua động, tất cả mấy ngọn đèn trong nhà đều tắt hết.
Quá đông người, lại vừa mới xảy ra biến động, bóng tối vụt xuống, đám đông loạn ngay.
Họ chen nhau, xô nhau tìm ngỏ để thoát ra ngoài.
Rất may là nàng đã theo dõi vì lo sợ cho Lữ Ngọc Hồ từ đầu cho nên Thư Hương thấy rõ chỗ hắn vừa chúi xuống, nàng bước ngay lại.
- Chúng ta không nên bị động vì một chuyện hàm hồ đó.
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Bây giờ mà đi, chúng càng nghĩ mình là hung thủ.
Thư Hương nói :
- Không đi, chúng lại càng nghi mình nhiều hơn.
Lữ Ngọc Hồ chắc lưỡi :
- Đi thì đi.
* * * * *
Cửa mở.
Có lẽ vì họ tràn ra vội vàng, nên cánh cửa mở ra và không khép lại.
Trời trong, sao nhiều, ánh sáng lờ mờ ngoài sân hắt vào không thấy rõ lắm, nhưng vẫn nhìn được chung quanh.
Thư Hương kéo tay Lữ Ngọc Hồ bước nhanh ra, chợt có một người râu quanh hàm khuất cổ, cầm thanh đao xốc tới...
Người mặc áo gấm tự xưng là Kim Râu.
Hắn lầm bầm :
- Đừng cho nó thoát, cản lại.
Thanh đao nhoáng lên, Lữ Ngọc Hồ nhảy ngay vào dưới ánh đao.
Hắn không sợ đao.
Trong mình hắn đã hàng trăm vết đao, thêm một vết nữa, hắn đâu có ngán.
Nhưng thanh đao không trúng hắn, thanh đao đã vào tay hắn.
Thanh đao lại nhoáng lên, ánh đao chớp ngời trong đêm tối, trên mặt người áo gấm.
Trọn hàm râu dưới của người áo gấm bị lưỡi đao chém ngang trụi lũi.
Tay đao thật nhanh và chính xác.
Tuy chưa bị thương, chỉ nghe dưới cằm hơi rát, nhưng sự khủng khiếp đã làm cho tên áo gấm hồn bất phụ thể, hắn té ngồi xuống đất và không dám đứng lên.
Thư Hương ôm bụng cười lớn :
- Ta đã nói mà không chịu tin, Kim Râu vốn không có... râu.
Lữ Ngọc Hồ gật đầu :
- Sạch sẽ, không còn một sợi nào?
Nhưng bây giờ, Kim Râu có râu hay không râu chỉ là chuyện cỏn con, vấn đề quan trọng là vấn đề không tóc, vấn đề Hòa thượng.
Đa Sự hòa thượng bị ai giết?
Có phải con người thò tay qua nóc nhà để bắt xâu chuỗi?
Nhưng tại làm sao lại giết Hòa thượng?
Tại làm sao lại bày màn kịch nhốt Thư Hương?
Không thể giải thích được vì vấn đề quá phức tạp, không thể dự đoán, phải cần thêm sự kiện để chứng minh.
Nhưng cho dầu cách nào, nhất định người đó phải là người theo dõi từ đầu chí cuối, nếu không phải do một tay y bố trí, và không thay đổi thì không tài nào nhìn thấy, không thể nào bắt kịp sâu chuỗi của nhà sư.
Chắc chắn nhiều miếng ngói đã được dỡ sẵn rồi nhưng vì sự giằng co bên dưới nên không ai thấy.
Chỉ có thể có một việc tình cờ may mắn, đó là chỗ người nấp để quan sát trên nóc nhà gần ngay chỗ xâu chuỗi bay lên, nếu không ngay hắn thì cũng không phải là xa lắm, nên hắn mới hành động kịp thời như thế.
Đó là một cái may, nhưng nếu không, với con người của Lữ Ngọc Hồ cũng chưa chắc đã ra sao, không sao nhưng chắc chắn phải là khốn đốn.
Vậy thì, người đó, đối với Lữ Ngọc Hồ vẫn được coi là một người ơn.
* * * * *
Sao sáng đầy trời.
Đi một lúc lâu, Thư Hương dừng lại thở.
Ở đây bây giờ không có Hòa thượng mà tên râu thì cũng đã cút rồi.
Ngó ngó cái mặt của Lữ Ngọc Hồ, Thư Hương bỗng bật cười :
- Cũng may mà anh không có để râu, đúng là vận hạn của anh còn tốt.
Lữ Ngọc Hồ nhướng mắt :
- Sao vậy? Sao không có râu mà gọi là vận hạn tốt?
Thư Hương sặc cười :
- Nếu mà anh có râu thì tôi sẽ nhổ không chừa một cọng!
Nói đến “râu” là nhớ đến Kim Râu, nàng nhảy dựng lên :
- Nè, mà anh có quen biết với tên Râu đó không?
Lữ Ngọc Hồ lắc đầu :
- Chẳng những không quen mà cũng chưa biết mặt lần nào.
Thư Hương nói :
- Tôi đã thấy nhiều người có râu, nhưng chưa từng thấy tên nào mà râu nhiều như tên đó.
Lữ Ngọc Hồ lật qua lật lại thanh đao và cũng bật cười :
- Cũng may là thanh đao này rất bén, nếu không thì cũng không dễ gì cạo sạch được hàm râu của hắn.
Thư Hương cũng cười thốt :
- Không ngờ chẳng những “chịu” đao giỏi, mà anh xử đao cũng hay quá nữa.
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Bất cứ kẻ nào đã “chịu” hàng trăm đao thì chắc chắn phải biết được những đường đao không tệ.
Thư Hương thở ra :
- Nhưng lão Hòa thượng Thiếu Lâm đó quả là lợi hại, lão giống như một con khỉ già mà không ngờ lại khó ăn thế ấy.
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Thiếu Lâm hàng ngàn hàng vạn Hòa thượng, không tên nào dễ ăn cả, huống chi lão là một tay cừ nhất trong số Hòa thượng khó ăn.
Thư Hương hỏi :
- Lão là đệ nhất cao thủ của Thiếu Lâm sao?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Cho dầu không phải là “đệ nhất” thì cũng không “tệ” là bao.
Thư Hương lắc đầu :
- Thảo nào luôn cả anh cũng không phải là đối thủ.
Lữ Ngọc Hồ hấp háy mắt :
- Có phải thật tôi không phải là đối thủ của lão không?
Thư Hương nhếch nhếch môi :
- Tôi thì tôi chỉ thấy nếu không có bàn tay thò xuống... thò xuống... thì... thì...
Lữ Ngọc Hồ lắc đầu chặn nói :
- Cái đó thì không kể.
Thư Hương nhướng mắt :
- Tại sao lại không kể?
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Bởi vì lão có binh khí, còn tôi thì tay không, tự nhiên là phải lép vế hơn.
Thư Hương bĩu môi :
- Bất quá đó cũng chỉ là một xâu chuỗi hột.
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Xâu chuỗi đó là binh khí của lão, nghề nào phải có thứ riêng của nghề đó, thằng cha bán vải rành về cây thước, thằng cha bán củi phải giỏi về đòn gánh, thầy chùa ra đường không lẽ cầm đao? Tự nhiên là lão phải cố luyện một món binh khí cho “hợp pháp” chớ.
Thư Hương chớp chớp mắt :
- Nhưng nếu lão tay không, anh có thể đánh bại lão không?
Lữ Ngọc Hồ cười :
- Nếu không đánh bại lão thì ít nhất tôi cũng không khốn đốn.
Thư Hương nói :
- Tôi nghe nói Thiếu Lâm là võ lâm chánh tông, trong mấy trăm năm nay chưa một môn phái nào qua được, nếu anh có thể ngang hàng với lão thì anh là đệ nhất cao thủ trong thiên hạ sao?
Lữ Ngọc Hồ không trả lời mà lại cười ha hả...
Thư Hương hỏi :
- Sao anh lại cười?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Tôi cười là vì muốn cô không biết, tôi chẳng những không phải là vô địch trong thiên hạ mà hình như không có ai đáng nói là vô địch cả.
Thư Hương cười :
- Khá lắm, tôi công nhận anh là một con người trung thực.
Lữ Ngọc Hồ cười :
- “Đại hiệp” là phải trung thực.
Thư Hương hỏi :
- Theo anh biết thì trong thiên hạ có bao nhiêu người võ công bằng anh?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Không nhiều lắm đâu.
Thư Hương nói :
- Không nhiều nghĩa là sao?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Không nhiều lắm, cũng có nghĩa là không ít lắm.
Thư Hương hỏi :
- Nhưng phỏng đoán là bao nhiêu?
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Có những người đao pháp hạng nhất, có những người kiếm pháp hạng nhất, cho nên không biết sao mà kể...
Thư Hương hỏi :
- Nhưng ít ra cũng phải có người xứng đáng là đệ nhất cao thủ chứ?
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Nếu nói đáng kể thì phải nói “Tiểu Đổng Phi Đao”.
Thư Hương hỏi :
- Tiểu Đổng Phi Đao nào? Có phải Đổng Thám Hoa?
Lữ Ngọc Hồ gật đầu :
- Đúng là người ấy, nhưng không phải vì giỏi về “phi đao” mà gọi là đệ nhất vô địch, đệ nhất anh hùng, danh từ tốt đẹp đó phải thuộc vào một vấn đề trọng đại hơn.
Thư Hương hỏi :
- Vấn đề gì?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Tâm địa, con người phải mang một tâm địa anh hùng, sau đó mới kể đến võ công.
Thư Hương hỏi :
- Nhưng nghe nói con người đó đã ở ẩn rồi mà?
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Ở ẩn hay không, những con người đó luôn luôn tồn tại.
Hắn nói đúng.
Những con người như thế luôn luôn tồn tại, vì tên họ đã ghi sâu vào tâm khảm con người.
Nhưng nếu chỉ có võ công thật giỏi, tên tuổi cũng chỉ nhất thời, vì võ công chưa phải là cái trường tồn.
Thư Hương nói :
- Không kể những người đã ẩn cư, cứ kể người đang hoạt động trong giang hồ thì cỡ như anh có được bao nhiêu?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Nhiều lắm.
Hắn ngẫm nghĩ một hồi rồi nói tiếp :
- Thiếu Lâm chưởng môn, là Vô Cán đại sư, người này nội lực hùng hậu không sao lường nổi.
Thư Hương hỏi :
- Anh đã có giao đấu với người ấy hay chưa?
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Chưa, mà cũng không dám.
Thư Hương nói :
- Được rồi, như vậy là kể một người.
Lữ Ngọc Hồ nói tiếp :
- Còn có “Võ Đương” Phi Đạo Nhân, “Ba Sơn kiếm khách” Châu Mộc và Đại Mạc Thần Long... những người ấy tôi cũng cố tránh lãnh giáo luôn.
Thư Hương cười :
- Hết rồi à?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Ngoài ra còn một người nữa.
Thư Hương hỏi :
- Ai?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Người mới cứu tôi vừa rồi.
Thư Hương cau mặt :
- Anh chưa thấy mặt, chưa biết võ công ra sao thì...
Lữ Ngọc Hồ chận nói :
- Ở trên nóc nhà mà có thể thò tay xuống bắt đúng xâu chuỗi, chỉ kể một ngón đó thôi, tôi cũng đã không bì kịp.
Thư Hương gật gật đầu :
- Đúng, ngón đó quả là hay quá.
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Còn thêm một người nữa.
Thư Hương hỏi :
- Ai? Có phải người đã tắt đèn không?
Lữ Ngọc Hồ gật đầu :
- Đúng rồi, cách ném ám khí đó quả thật là... có một không hai.
Suy nghĩ hồi lâu, Thư Hương hỏi :
- Anh nghĩ coi Vô Danh hòa thượng có phải do người ấy giết không?
Lữ Ngọc Hồ cười :
- Tôi chỉ biết là vị hòa thượng đó không phải do tôi giết.
Thư Hương nói :
- Tôi thật không hiểu nổi những người ấy không oán thù gì với mình cả, luôn cả mặt cũng chưa biết bao giờ, thế thì tại sao họ lại vu oan cho mình như thế ấy?
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Cũng chưa chắc họ nhằm vào mình, họ giết người nhưng họ lại dấu tay.
Thư Hương lại trầm ngâm :
- Anh muốn nói họ giết Vô Danh hòa thượng nhưng họ lại sợ Thiếu Lâm?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Tôi nghĩ có thể gần như thế.
Thư Hương cau mày :
- Nhưng họ là ai? Tại sao lại quyết giết Vô Danh hòa thượng?
Lữ Ngọc Hồ hỏi :
- Cô hiểu ý nghĩa ba tiếng “Thiếu Lâm Phái” hay không?
Thư Hương đáp :
- Hiểu.
Có thể nhiều người cũng hiểu biết như nàng.
Mấy trăm năm nay, trong tâm ý của giang hồ, “Thiếu Lâm Phái” biểu hiện của “Võ Lâm Chánh Tông”.
Chính vì thế mà không một ai muốn đụng chạm với họ cả.
Lữ Ngọc Hồ hỏi :
- Cô có biết địa vị của Vô Danh đại sư trong Thiếu Lâm như thế nào không?
Thư Hương đáp :
- Chắc phải là không thể thấp!
Lữ Ngọc Hồ thở ra :
- Đâu có thể nói “không thể thấp” mà thôi.
Thư Hương nói :
- Nghe kể từ Thiếu Lâm phương trượng trụ trì, còn có hai vị Hộ pháp.
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Không phải hai mà là bốn.
Thư Hương cau mặt :
- Sao?
Lữ Ngọc Hồ nói :
- Hai lớn, hai nhỏ.
Thư Hương cười :
- Anh nói làm tôi có tưởng tượng bọn Hòa thượng cũng giống như tam quan.
Lữ Ngọc Hồ cũng cười :
- Trừ Phật thì tôi không biết, tôi không biết là tại vì chưa lần nào gặp mặt, cho nên căn cứ vào hiện tại và truyền thuyết thì cũng vẫn có lớn có nhỏ như thường.
- Tôi nghe anh nói chuyện mỗi lúc càng mỗi giống một người.
Lữ Ngọc Hồ vội hỏi :
- Ai?
Thư Hương đáp :
- Một người mà anh không biết...
Nàng cắn môi không nói hết nhưng không hiểu sao nàng lại nghĩ đến tên... Đại Đầu Quỷ. Hắn bây giờ ở đâu? Không hiểu sao hắn lại mất biệt, không biết từ đây về sau nàng sẽ còn có gặp hắn không?