Nhà vua trở về Paris. D Artagnan đi theo và sau một ngày thì nhận được mọi tin tức về Belle-Isle nhưng không biết được sự tình bí ẩn trong tảng đá nặng nề ở Locmaria là nấm mồ của Porthos anh hùng.
Người chưởng quan ngự lâm quân chỉ biết rằng hai con người dũng cảm ấy, hai người bạn mà ông đã tận lực bênh vực và đã tìm cách cứu mạng đó đã chống chọi được với cả một đạo quân mà chỉ ba người Breton trung thành phụ giúp. Ông cũng biết thêm rằng người ta có thấy từ xa một chiếc thuyền giữa biển và một con tàu Hoàng gia như con chim bé nhỏ khốn khổ đó khi nó đang sải cánh trốn chạy.
Nhưng đến đó là hết. Ngoài ra chỉ là chuyện phỏng đoán thôi.
Đó là những tin tức mơ hồ mà d Artagnan đã báo cáo lại với Louis XIV khi Nhà vua trở lại Paris cùng với cả triều đình.
Vui mừng vì đã thành công, dịu dàng và khả ái hơn từ lúc thấy mình trở nên có quyền hành hơn, ông Louis đó không lúc nào ngưng lẩn quẩn bên cửa của Tiểu thư De La Vallière.
Louis XIV vừa thức dậy dùng bữa đầu tiên thì người chưởng quan ngự lâm đến trình diện. D Artagnan mặt hơi xanh xao và có vẻ lúng túng.
Chỉ liếc mắt nhìn qua, nhà vua đã thấy có sự đổi khác trên khuôn mặt thường vui vẻ ấy. Ông hỏi:
- Thưa ngài, tôi mất một người bạn thân, ông Du Vallon, trong biến cố ở Belle-Isle.
Trong khi nói, d Artagnan liếc đôi mắt chim ưng của ông nhìn vào Louis XIV để đoán ngay ra những dấu hiệu phản ứng đầu tiên của Nhà vua, Loui XIV trả lời:
- Ta biết rồi.
D Artagnan kêu lên:
- Ngài đã biết mà ngài không nói gì với tôi hết?
- Có ích gì đâu. Ông bạn ạ, nỗi đau khổ của ông thật đáng trân trọng. Cho nên ta phải tránh né đi, d Artagnan ạ. Báo cho ông biết chuyện buồn làm cho ông đau khổ đó là tỏ ra thắng thế trước mặt ông đấy. Đúng, ta biết rằng ông Du Vallon đã bị chôn dưới các tảng đá ở Locmaria, ta biết rằng ông D Herblay đã đoạt của ta với cả thủy thủ đoàn đi Bayonne. Nhưng ta muốn ông trực tiếp tìm hiểu các biến cố ấy để cho ông thấy rằng bạn bè của ta bao giờ cũng được ta vì nể và không cho ai động đến, và đối với ta, quyền lực và cương vị đòi hỏi mọi người phải biết hy sinh.
- Nhưng thưa Hoàng thượng, vì sao ngài biết?
- Thế còn ông, làm sao ông biết?
- Do bức thư này của Aramis bây giờ đã thoát vòng nguy hiểm, viết cho tôi từ Bayonne.
- Xem đây, - Nhà vua rút từ hộc cạnh chỗ d Artagnan đứng dựa, lấy ra thư chép đúng thư của Aramis - Đây cũng là tờ thư giống như thế do Colbert chuyển cho ta tám giờ trước khi ông nhận thư ông. Ta chắc đã được phục vụ đúng mực đấy.
Người lính ngự lâm lẩm bẩm:
- Phải, Hoàng thượng đúng là con người độc nhất có số mệnh có thể thắng được số mệnh và sức mạnh của hai người bạn tốt Ngài đã sử dụng, nhưng chắc là không lạm dụng quyền lực đó phải không?
Nhà vua mỉm cười độ lượng:
- D Artagnan ạ, ta có thể sai bắt ông D Herblay ngay trên đất vua Tây Ban Nha và đem ông ấy về đây để xử tội. Phải công nhận là lúc đầu ta cũng có ý nghĩ như thế. Đó là lẽ thường thôi, d Artagnan ạ, ông ấy bây giờ đã được tự do, hãy để cho ông ấy tiếp tục được tự do.
- A, Hoàng thượng sẽ không thể nào mãi mãi độ lượng cao cả, khoan hồng như thế đối với tôi và với cả D Herblay vì ngài có nhưng cố vấn sẽ chữa cho ngài khỏi sự yếu lòng đó.
- Không d Artagnan ạ, ông đã lầm khi ông cho rằng, nội các xui ta đi quá đà. Ý kiến khuyên ta nương tay với ông D Herblay là của Colbert đấy!
- Ồ! - D Artagnan kêu lên tiếng ngạc nhiên.
Nhà vua tiếp tục tỏ lòng nhân đức lạ thường.
- Còn về phần ông, ta có nhiều tin mừng báo cho ông nhưng thôi, ông chưởng quan thân mến ạ, đến lúc ta tính toán xong thì ông sẽ biết. Ta đã nói là muốn và sẽ đem lại sự nghiệp cho ông. Bây giờ nó đã thành hiện thực rồi đó.
- Muôn vàn cảm tạ Hoàng thượng. Trong khi tôi ngóng đợi. Xin Hoàng thượng lưu ý tới những con người khốn khổ từ lâu đã đứng ngoài tiền phòng mong được cầu xin ân huệ dưới chân ngài.
- Ai thế?
- Đó là những kẻ thù của Hoàng thượng.
Nhà vua ngẩng đầu lên. D Artagnan vội tiếp.
- Những người bạn thân của ông Fouquet.
- Tên là gì?
- Ông Gourville, ông Pellisson và ông Jean De La Fontaine.
Nhà vua suy nghĩ một lúc:
- Họ muốn gì?
- Tôi không biết.
- Dáng họ thế nào?
- Như người đưa đám. Họ khóc lóc.
- Cho họ vào. - Nhà vua nhíu mày nói.
D Artagnan quay người lại thật mau, giở tấm bình phong che cửa ngự phòng và kêu vọng sang phòng bên:
- Đem họ vào!
Tức khắc ba người d Artagnan nói, xuất hiện nơi cửa phòng. Trên đường đi của họ, mọi người đều lặng ngắt. Những quan chức khi thấy các bạn hữu của viên tổng giám khốn khổ đến gần, liền lùi lại như sợ lây sự thất sủng và nỗi bất hạnh của họ.
D Artagnan bước nhanh đến nắm tay những con người khốn khổ đó đang đứng lưỡng lự run rẩy trước cửa ngự phòng.
Ông dắt họ đến trước mặt Nhà vua, lúc này đã ngồi trên ghế, trước khung cửa sổ, và lấy vẻ mặt thật khôn khéo để tiếp đón những người đến cầu lụy.
Người bạn của Fouquet tiến lên trước là Pellisson. Ông ta không khóc nữa, nhưng nước mắt ông chỉ cạn là cốt để nói rõ lời khẩn cầu với Nhà vua thôi. Gourville cắn chặt môi ngưng khóc vì kính trọng Nhà vua. La Fontaine úp mặt vào chiếc khăn tay và như người chết rồi nếu người ta thỉnh thỏang không thấy hai vai ông giật lên vì tiếng nấc.
Nhà vua giữ thật đúng vẻ trịnh trọng, nét mặt không đổi sắc vẫn còn nhíu mày sau khi d Artagnan báo cho ông biết sự có mặt của những kẻ thù. Ông làm một cử chỉ có nghĩa "Nói đi" rồi cứ đứng đấy, lạnh lùng nhìn vào ba con người tuyệt vọng.
Họ lại cứ nín lặng hồi lâu, chỉ có những tiếng thở dài, những tiếng rên đau khổ, điều này khiến cho Nhà vua không phải xúc động vì thương cảm là vì mất kiên nhẫn.
Ông cất tiếng nói cụt ngủn và khô khan:
- Ông Pelleson, ông Gourville và ông…
Louis XIV không gọi tên La Fontaine (Louis tỏ ý trọng nể văn sĩ La Fontaine).
- Tôi rất không bằng lòng khi thấy các ông đến để xin tha cho một tên trọng phạm đầu tiên mà ta bắt buộc phải trừng trị. Một vị vua chỉ xót thương khi thấy những giọt nước mắt của người vô tội và những lời hối lỗi của ông Fouquet cũng như những giọt nước mắt của các bạn ông ấy, bởi vì Fouquet thì hư hỏng đến tột độ còn các ông thì phải nên sợ là đã xúc phạm ta ở đây. Cho nên, ông Pellison, ông Gourville, ông, ông… Ta xin các ông chỉ nên nói lời nào chứng tỏ rõ ràng là phải tôn trọng ý muốn của ta.
Pellisson cất tiếng run rẩy trước những lời ghê gớm ấy:
- Thưa Hoàng thượng, chúng tôi đến đây là để bày tỏ tấm lòng thành kính sâu xa nhất, thành thật nhất của thần dân đối với ngài. Công lý của Hoàng thượng thật đáng sợ, mọi người ai cũng phải cúi đầu trước các lệnh truyền ra. Con người phải chịu cơn thịnh nộ của ngài, có thể là bạn của chúng tôi, nhưng lại là kẻ thù của Hoàng thượng. Chúng tôi rời bỏ hắn mà kêu khóc trước cơn thịnh nộ của Hoàng thượng.
Louis XIV dịu lòng trước giọng nói cầu khẩn, dễ tin đó, nên ngắt lời:
- Nghị viện ta còn xét xử nữa. Ta không bao giờ đánh đập mà không cân nhắc tội trạng. Công lý của ta có gươm bén nhưng cũng có cân công bình.
- Cho nên chúng tôi rất tin tưởng vào sự công bình của Hoàng thượng, và chúng tôi mong rằng khi chúng tôi xin được phép Hoàng thượng nghe những lời nói nhỏ bé của chúng tôi.
Nhà vua nghiêm giọng:
- Các ông muốn xin gì vậy?
Pellisson tiếp:
- Thưa Hoàng thượng, người bị tội có vợ và con. Chút của cải hắn có chỉ vừa đủ trả nợ nần, thế mà bà Fouquet từ lúc chồng bị bắt thì ai cũng xa lánh bỏ rơi bà. Bàn tay ngài đánh đập xin giống như tay Thượng đế. Khi Thượng đế ban lệnh cùi lở hay dịch hạch cho một gia đình thì ai cũng trốn chạy khỏi nơi đó. Thật là hiếm, nhưng đôi khi chỉ một người thầy thuốc rộng lượng bước đến ngưỡng cửa nhà đó, đi vào và hy sinh chống chọi với thần chết. Người ấy là hy vọng cuối cùng của kẻ đang đợi chết, là công cụ của lòng nhân từ trên cao. Thưa Hoàng thượng, chúng tôi chắp tay van xin ngài. Bà Fouquet không còn bạn bè, không còn người giúp đỡ, bà ta đang khóc trong căn nhà khốn khổ, vắng lặng nơi mà lúc chồng bà còn được ân sủng không biết bao người chen chúc chầu chực. Ít ra thì con người khốn khổ phải chịu cơn thịnh nộ của ngài, dù đáng tội đến đâu nữa, cũng có thể nhận được miếng bánh của ngài, để ăn với nước mắt. Còn bà Fouquet con người đã từng được hân hạnh đón mừng ngài trên bàn ăn; người vợ của viên cựu tổng giám tài chính của Hoàng thượng, bà Fouquet này không còn cả miếng bánh mà ăn!
Nhà vua mặt vẫn nghiêm trang, nhưng đôi gò má hơi đỏ và nét nhìn dần dần đã dịu lại. Ông run giọng hỏi:
- Các ông mong muốn những gì?
Pellisson càng nói càng xúc động:
- Chúng tôi đến xin Hoàng thượng cho phép chúng tôi cho bà Fouquet vay hai ngàn pistole mà khỏi bị liên lụy gì cả. Số tiền này là của các bạn bè xưa chung góp để cho người vợ goá khỏi thiếu thốn.
Nghe chữ người vợ goá của Pellisson trong lúc Fouquet còn sống, Louis XIV tái mặt đi. Sự kiêu hãnh của ông sụp đố xuống, lòng thương dâng lên từ trái tim lên đến môi. Ông thông cảm nhìn những con người đang quỳ lụy khóc lóc và nói:
- Thượng đế giận vì ta đã lẫn lộn người có tội với kẻ vô can. Nếu nghi ngờ lòng bác ái của ta đối với kẻ yếu là không biết ta. Ta chỉ đập những tên xấc xược thôi. Các ông cứ làm những gì trái tim các ông muốn bảo vệ để cứu giúp bà Fouquet. Thôi đi đi, các ông đi đi.
Chỉ còn một mình d Artagnan. Ông bước lại phía ông hoàng trẻ đang nhìn ông, mắt dò hỏi:
- Tốt, tốt, ông chủ của tôi ạ. Nếu ngài không có cái châm ngôn vẽ trên mặt trời của ngài, thì tôi xin hiến một câu, khỏi cần để cho ông Colbert dịch ra tiếng La-tinh: "Nên nhẹ tay với kẻ yếu, cứng rắn với kẻ mạnh".
Nhà vua mỉm cười bước qua phòng bên sau khi nói với d Artagnan:
- Ta cho ông nghỉ phép để lo thu xếp cho công việc của ông Du Vallon quá cố, bạn của ông đấy.