Bố tôi ném cái bát vào tôi. Tôi yêu ông, nhưng chúng tôi không thể hiểu nhau. “Nuôi mày lớn lên chúng ta chẳng được gì. Tao thề sẽ giết mày.” Một chiếc bát bay qua phòng và lao thẳng vào mặt tôi. Trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy như ngày tận cùng của thế giới. Bố tôi, chúng tôi là ruột thịt, nhưng lại như kẻ thù. Tôi chỉ mong chúng tôi là những người xa lạ. “Ai có thể bảo được mày? Tao hỏi, ai có thể dạy được mày?” Tôi đứng yên, hờ hững, vô cảm, không có ý kháng cự hay phản ứng. Mọi thứ quanh tôi hoàn toàn đáng ghét, vô nghĩa và hai con người đã mang tôi vào thế giới này cũng không bao giờ hiểu rằng họ là cội nguồn đau khổ đầu tiên của tôi.
Ngay cả tuổi trẻ cũng không giúp được tôi.
Tôi buộc phải tin rằng tất cả những chuyện này chỉ là tạm thời, rằng mọi thứ cuối cùng sẽ ổn thỏa, tốt đẹp.
***
Cuối cùng tôi và Bạc Hà cũng gặp nhau, trên Đại lộ Tràng An. Tôi quyết định gặp anh ở đó bởi vì những ánh đèn cùng đám đông ăn mặc đẹp đẽ khiến cho không gian mang dáng vẻ thủ đô. Tôi đã hy vọng rằng một bầu không khí thường nhật sẽ xua đi sự bất ổn mà tôi mang theo. Chẳng ai trong chúng tôi còn là học sinh, vậy nên có ích gì khi bày ra một cuộc theo đuổi điệu đà? Dù có chuyện gì thì tôi vẫn muốn đối mặt với hiện thực.
Như thường lệ, tôi đến muộn. Ngày hôm trước cuộc gặp, tôi đã nhuộm tóc trở lại màu đen. Bây giờ trông nó không tự nhiên, quá đen, còn đôi mắt của tôi thì trái lại, không thể lấp lánh nổi vì đã mấy ngày ngủ ít. Tệ hơn nữa, tôi thấy áo choàng của mình còn bẩn. Sửa soạn xong rồi tôi mới nhận thấy trông mình chưa bao giờ xấu xí hơn.
Tôi gọi cho anh trước khi lên tàu và anh đang đi cùng một cô gái. “Ba chúng mình có thể đi chơi với nhau, anh sẽ giới thiệu với em một người bạn mới.” Tôi thấy choáng váng. Giới thiệu tôi với một người bạn mới? Anh ta đùa chăng? Làm thế nào một người xa lạ còn giới thiệu tôi với một người bạn mới.
“Không được,” tôi nói. “Em tới gặp anh và chỉ mình anh thôi, em không có hẹn với bất kỳ người nào khác.”
“Được rồi, được rồi, anh sẽ bảo cô ấy đi, thế nhé?”
Tôi lên tàu, cảm thấy bớt nhiệt tình. Sao tôi không dùng thời gian của mình tốt hơn, thay vì phung phí nó với những con người buồn chán, vô nghĩa? Đó là vì bản chất tôi là một kẻ tò mò. Từ hồi còn bé, tôi đã mê mẩn với việc giải câu đố và một khi đã đi đúng hướng thì tôi sẽ không dừng lại cho đến khi phân tích ra mọi khả năng và giải quyết vấn đề. Ngay cả khi đáp án không như tôi nghĩ, thậm chí ngược lại, thì thời gian bỏ ra theo đuổi chúng lúc nào cũng đáng giá. Nhưng câu chuyện tối nay có lẽ không như vậy.
Tàu tới ga Phục Hưng rất nhanh, và tôi chậm chạp xuống. Lúc đó là bảy giờ bốn mươi, có nghĩa là tôi muộn 40 phút, nhưng lại là người ít vội vã nhất trên sân ga. Tôi không muốn ra khỏi đó. Tôi ghét cái ý nghĩ phải gặp anh, tôi thiếu tự tin và có một cảm giác lạ lùng, không thể giải thích được rằng mình bị lờ đi, bị coi thường. Đó không phải là cảm giác dễ chịu. Cơn gió mạnh thổi vào khi tôi ra khỏi nhà ga, tôi nghĩ đến việc quay trở lại, nhưng lại không làm. Trò chơi đã bắt đầu, phải chơi cho hết. Tôi hít một hơi, bứt rứt đến độ nghĩ mình chắc sắp khóc.
Một người đàn ông trẻ tiến về phía tôi. “Xin chào, anh là Bạc Hà. Xuân Thụ phải không? Em để anh phải đợi lâu đấy.”
“Chào,” tôi nói, thầm ngắm anh: Không cao quá, khoảng 1m75, xương nhỏ, người gày gò, quần jean bó sát, áo khoác hiệu Converse, giày đi bộ hiệu New Balance, và một cái ba lô quá khổ của người leo núi khiến anh như người có bướu ở lưng. So với anh, trông tôi thật thảnh thơi.
Chúng tôi đi xuống Đại lộ Tràng An, đi không có chủ định trong gió thổi khá mạnh. Tôi căng thẳng đồng thời phấn khích, cảm thấy gượng gạo, không thoải mái. Vì chúng tôi biết ít về nhau nên tôi lại nói nhiều và cười to, dù rằng nghe trống rỗng, thật sự trống rỗng. Trông anh khá hơn tôi tưởng, mặc dù tôi không thích khuôn mặt và đôi mắt của anh lắm. Chúng lờ đờ, không trong, như là nước đục, nhưng cái quần jean của anh thì rất hợp với dáng người mảnh dẻ, và cái ba lô của anh chất đầy những thứ hay ho. Về tổng thể, trông anh như nhân vật trong hoạt hình, nhưng anh có quan điểm độc đáo về mọi chuyện, một người thông minh có lợi cho bản thân. Cũng là típ tôi thích. Bề ngoài là thế.
Bốn tiếng đồng hồ sau khi gặp nhau, câu chuyện của chúng tôi không trôi chảy lắm. Tôi nghĩ chúng tôi có vấn đề về giao tiếp. Hay là cái hành lang sáng quá nên không che đậy được gì cả, tất cả cứ lồ lộ ra. Mọi thứ về anh thì xa lạ với tôi, trừ cái nhẫn bạc trên ngón tay anh, anh cứ xoay xoay nó suốt, và tôi đã đọc đâu đó trong sách rằng, đó là biểu hiện vô thức của sự bất đồng tình cảm. Câu chuyện của chúng tôi thường bị ngắt bởi những cuộc gọi đến, Bạc Hà thường thở phào, đáp lại rất nhanh rồi lại bắt đầu nói chuyện với người gọi đến.
Tôi nhớ G bảo tôi gọi điện cho anh trước khi đi gặp anh chàng này, nhưng tôi đã không gọi. Khoảng bảy giờ, cậu gọi vào máy di động của Bạc Hà. Anh đưa điện thoại cho tôi, nhưng tôi cúi xuống và không chịu cầm cho đến khi anh phải nài. Giọng nói bên kia yếu ớt, “Cậu đang ở đâu đấy?”
“Ở một hành lang?”
“Ở Bách Thịnh?”
“Không. Tầng bảy của một nhà cao tầng.”
“Vì sao không nói chuyện trong một tiệm ăn nhanh?”
Một tiệm ăn nhanh? Có lẽ G nghĩ nói chuyện ở một tiệm ăn nhanh thì an toàn hơn.
“Mình sẽ gọi cho cậu trước khi về,” tôi nói.
G cúp máy.
Tôi nhún vai.
Với cuộc nói chuyện nhọc nhằn này, lẽ ra tôi phải nói lời tạm biệt và ra về cho kịp chuyến tàu cuối, như thế tôi còn lối thoát và có thể giải thích mọi chuyện với G. Nhưng chuyện gì đã xảy ra với tôi vậy? Một cái gì từ nơi sâu thẳm đang hét lên nỗi buồn và sự miễn cưỡng, một cái gì đó ngại ngần không chịu thua. Tôi muốn đảo ngược tình thế, lấy lại tự tin và cảm xúc, và sự hiếu kỳ của tôi sẽ được chế ngự. Tôi muốn thắng anh ta. Tôi không thể bỏ về nhà lúc này.
Tôi cần liên hệ, liên hệ nhiều hơn, những mối liên hệ với cuộc đời thực.
***
Tôi nhớ hôm đó chúng tôi tìm được một khách sạn nhỏ. Dù đang bối rối nhưng Bạc Hà vẫn không quên mặc cả giá phòng và kéo nó từ sáu mươi xuống còn bốn mươi tệ. Khi nằm trên cái giường đôi trong căn phòng nhỏ xíu, ngột ngạt, nóng nực, chúng tôi mới phát hiện ra mình quên mang vài thứ. Thế là chúng tôi nằm nguyên quần áo, hai con người trước đó hai tư giờ vẫn còn chưa gặp nhau. Tim tôi trống trải và tôi dồn mọi thứ vào một góc trong đầu, nơi nó lại rơi vào hư vô. Tôi hài lòng với kết quả. Buổi sáng hôm sau, Bạc Hà dậy đúng tám giờ, anh ra khỏi giường, dáng điệu quả quyết. Anh chuẩn bị đi làm. Không có dấu hiệu gì của sự quan tâm hay dịu dàng mà tôi tưởng tượng ra. Tôi lên tàu về nhà.
Anh chẳng hề chú ý đến tôi.
***
Ngày tiếp theo, G tới văn phòng tạp chí vào giờ ăn trưa và để lại chỗ cô A vài cái đĩa CD và quyển sách mà tôi cho cậu mượn, bảo cô chuyển cho tôi. Tôi hiểu chuyện giữa chúng tôi đã hết. Tôi đã đi quá xa. Đã hơn một lần tôi suy nghĩ về phản ứng của mình vào cái ngày tôi đối mặt với bức màn ngăn cuối cùng, xem có phải tôi đã dự đoán chuyện đó và lên cả một kế hoạch. Và, khi thời điểm đến, tôi đã đáp lại thụ động, hoàn toàn không có gì chuẩn bị. Tôi để cho G đi.