Blue & Yellow (Xanh Lam Và Vàng)

Chương 1



“Đừng lo. Rồi em sẽ thích lớp mới.”

Thầy Trần Phong nhẹ nhàng trấn an chiếc áo dài đi bên cạnh. Cả hai đều đang hướng về phía phòng học cuối hành lang. Nữ sinh đang được động viên chỉ gật nhẹ đầu. Mái tóc cột cao khiến cô cảm thấy trống trải ở phần cổ, may mắn là chiếc kính cận đã gỡ gạc lại.

Có những người vô cùng kỳ lạ. Họ luôn cần một thứ gì đó đeo trên cơ thể để khiến bản thân bớt tự ti. Ngọc Lam chính là loại người như vậy. Nếu không có kính, cô cảm thấy tự tin trong mình sẽ rơi xuống ở mức sắp chạm đáy.

“Ba, hai, một… Đến rồi!” Ngọc Lam lẩm bẩm rồi hít một hơi thật sâu, mạnh dạn bước vào cửa phòng học.

“Hôm nay chúng ta có một học sinh mới chuyển đến. Đây là Ngọc Lam, sau này sẽ là thành viên của lớp. Các em làm quen với bạn nhé.” Thầy Trần Phong tuyên bố.

Ngọc Lam im lặng. Hai bàn tay nắm chặt rồi lại buông ra cứ thế vài lần. Sự chú ý của gần bốn mươi con người trước mặt khiến cô có phần căng thẳng. Vài cặp mắt trong số đó chợt mở to, miệng kêu “A!” lên như thể vừa tìm ra điều gì thú vị lắm.

Theo thông lệ, học sinh mới chuyển đến đều sẽ có màn tự giới thiệu bản thân. Riêng thầy Trần Phong cho phép Ngọc Lam bỏ thủ tục này vì thấy tay cô học trò kia có vẻ đang run. Thầy nhìn bao quát lớp một lúc, đầu suy nghĩ nên xếp nữ sinh này vào chỗ nào ngồi mới thoả đáng.

“Em ngồi sau lớp phó, cái bạn đang cầm quyển sách kia nhé.” Thầy vừa nói, tay vừa chỉ về hướng nam sinh có đôi mắt phượng phía cuối lớp.

Ngọc Lam vâng lời, đi về chỗ ngồi đã được chỉ định. Hai dãy bàn bắt đầu tiếng xì xầm khi cô tiến đến.

“Nhìn mặt bạn mới quen lắm. Hình như thấy ở đâu rồi.”

“Tao nhớ là vụ đánh nhau quay video năm ngoái hình như có khuôn mặt hơi giống bạn này. Báo làm mờ nhưng vẫn có nét tương đồng.”

“Không chắc thì đừng phán bừa mày ơi!”

Khoảng cách từ bục giảng đến cuối lớp không xa, nhưng Ngọc Lam lại cảm thấy dài vô tận. Dù đã dự liệu trước tình huống này, chỉ là hơn một năm trôi qua mà vẫn còn người nhớ rõ sự việc đến vậy. Đây là lần thứ hai chuyển trường rồi, cô không mong sẽ tái diễn lại cảnh cũ.

“May mắn là cuối lớp thì sẽ không bị chú ý nhiều.” Cô tự an ủi mình.

Năm ngoái cũng vào thời điểm này, báo chí lên rất nhiều bài về vụ việc bạo lực học đường tại trường A. Một nhóm tám người quay và truyền tay video nữ sinh bị tát nhiều lần vào hai bên má khiến máu từ miệng chảy ra trông vô cùng kinh dị. Rất nhanh pháp luật đã can thiệp. Clip trên mạng bị gỡ xuống, các báo đăng tin cũng đã làm mờ khuôn mặt người bị đánh, thủ phạm tham gia hành hung bị đình chỉ, nạn nhân kia cũng rút học bạ. Sự việc dần chìm vào quên lãng.

Ngọc Lam nhớ lần chuyển trường trước của mình có ký ức không mấy tốt đẹp. Những câu hỏi dồn dập, những ánh mắt soi mói, những nụ cười chế giễu lẫn thương hại khiến cô mỗi ngày đều sống trong mặc cảm. Đó là lí do vì sao cô chuyển đến đây, với hi vọng mọi người hãy xem cô như một học sinh bình thường.

Dòng hồi tưởng của Ngọc Lam bị cắt ngang bởi mảnh giấy từ bàn bên chuyền qua. Bên trong là một hàng chữ nắn nót: “Chào bạn mới! Mình là Ái Vy. Tụi mình cùng giúp đỡ nhau trong học tập nha.” Nhìn sang trái, chủ nhân của mảnh giấy nhỏ là một quả đầu cắt lob cá tính đang nở nụ cười.

Tâm tình Ngọc Lam có đôi chút tốt hơn liền vẫy tay đáp lại. Có lẽ ngồi chỗ này cũng không phải một điều gì tồi tệ lắm. Nghĩ đến đây, cô hăng hái lấy sách ra để bắt đầu tiết một.

Do nhập học lúc đang giữa khoá, nên phần lớn kiến thức đều là tự ôn ở nhà. Ngọc Lam gặp chút khó khăn trong quá trình theo kịp bài giảng, chưa kể phía trước cô là một cái đầu cao che mất một phần bảng.

“Bạn gì ơi!” Cô khều khều kẻ ngồi trên.

Kẻ ngồi trên quay xuống, ném cho cô một cái nhíu mày như ra hiệu: muốn gì thì hỏi lẹ.

“Có thể ngồi dịch qua một bên hoặc thấp người xuống giúp mình được không? Bạn cao quá nên mình không thấy gì cả.”

Lời đề nghị được đáp ứng. Người phía trước lập tức dịch sang trái.

“Cảm ơn. Bạn tên gì để sau này mình còn xưng hô.” Ngọc Lam vui vẻ

Không có phản hồi.

Tưởng rằng nam sinh kia không nghe thấy lời mình nói, Ngọc Lam giựt nhẹ lưng áo phía trước mặt. Vài giây sau, một mảnh giấy từ trên chuyền xuống với nội dung ngắn gọn: “Phiền.”

Phiền? Đây là lần đầu tiên Ngọc Lam được nghe. Dù biết Việt Nam có đến tận năm mươi bốn dân tộc anh em, nhưng hiếm có hộ gia đình nào lại đặt cho con mình cái tên đặc biệt như vậy. Nhưng thôi, khai sinh ghi thế nào thì gọi vậy không nên thắc mắc. Ngọc Lam lịch sự lần hai: “Cảm ơn! Bạn Phiền” rồi chăm chú nhìn lên bục giảng.

Người ngồi trên nghe xong lấy tay day day trán, hai đầu chân mày nhíu lại sắp đụng nhau thành đôi bờ Hiền Lương.

“Hoàng! Đọc cho thầy đoạn kế tiếp.” Thầy Trần Phong đưa mắt nhìn về phía Ngọc Lam. Nam sinh trước mặt liền đứng dậy, đọc vanh vách phần bài học trong sách.

Thầy vừa gọi gì nhỉ? Hoàng? Vậy mảnh giấy ghi “phiền” nghĩa là sao nhỉ? Ngọc Lam nghĩ ngợi. Sau vài phút trầm tư, cô như được khai sáng.

Ý là bảo mình phiền?