Biên Hoang Truyền Thuyết

Chương 24: Ơn tri ngộ

Yến Phi lượn lờ không mục đích khắp Biên Hoang, cố ý tránh những làng hoang đường vắng, chọn những nơi không người đặt chân đi dần về phía đông. Lúc đói hái quả dại lót lòng, lấy trời làm chăn, lấy đất làm giường, trở lại cuộc sống phiêu bạt trước đây.

Đầu óc chàng trống rỗng, chẳng nghĩ ngợi gì hết, song tự nhiên cứ đến một giờ giấc nhất định lại luyện công. Mấy ngày rồi chàng giao phong với nhiều cao thủ cũng có ích lợi, rất nhiều chỗ vi diệu tinh tế trước đây chưa thể lĩnh ngộ quán thông, bỗng trở nên thông suốt trong mấy ngày thảnh thơi nhàn nhã ấy. Nhưng có tinh tiến chút nào về Nhật Nguyệt Lệ Thiên công pháp hay không, chàng tuyệt không bận tâm, tuyệt không để ý.

Đêm ấy chàng ngồi trên một đầu núi, vầng trăng lưỡi liềm treo cao trên trời. Yến Phi cảm thấy khoan khoái, một cảm giác lạ lùng không hiểu vì sao sinh ra trong khi thân đang trong hoàn cảnh như thế này.

Chừng bốn năm dặm về phía Tây, có một cái thôn hoang vắng với khoảng năm mươi căn nhà nát, như một chứng cứ cho sự tàn phá của chiến tranh, cảnh tượng thê lương u tịch.

Chàng đang ở đâu, muốn đi đến đâu, tất cả đã trở nên không quan trọng nữa rồi, chàng đã dốc hết sức cho Thác Bạt Khuê và người Hán ở phương nam, không còn vướng bận gì nữa, chiến tranh diễn tiến đến đâu đã vượt ra ngoài phạm vi quan tâm của chàng rồi.

Cái cảnh ở Đệ Nhất Lâu nhìn Hoang nhân Hán tộc chạy nạn dường như chỉ vừa mới xảy ra, bỗng nhiên chàng ngẩn người, việc đã xảy ra lại có một cảm giác ảo mộng không thật. Cảm giác an toàn được rời xa Biên Hoang Tập, ngược lại lại khiến chàng trở lại với những cơn ác mộng tiếp diễn suốt một năm nay, trở nên lười biếng và ngại ngần không muốn nhắc đến đối với bất cứ sự việc gì. Nhưng chàng phải lựa chọn, vì bản thân, ít nhất là một phương hướng.

Nếu tiếp tục đi về hướng đông, cuối cùng lại đến bên bờ đại hải. Nghĩ tới đây lòng gợn lên, nghe nói ngoài biển có một thắng cảnh khác, nơi gần nhất là nước người lùn và đất người man di, chàng đã cảm thấy mệt mỏi vì những nỗi khổ của chiến tranh ở Trung nguyên, cớ gì mà không nghĩ cách vượt biển đi tìm một mảnh đất vui vẻ không có chiến tranh, cùng lắm thì vùi thân trong biển rộng.

Nghĩ tới đây, Yến Phi rời đỉnh núi, đi xuống dưới.

Phù Kiên thúc ngựa phi ra khỏi Đại Trại Nam Môn, phóng thẳng về phía rẻo cao ngoài trại, hai bên trái phải có các đại tướng Khất Phục Quốc Nhân, Mộ Dung Vĩnh, Ngốc Phát Ô Cô, Thư Cừ Mông Tốn, Lữ Quang, Chu Tự... theo sau là hơn một trăm thân binh tùy tùng.

Nơi xa trên Dĩnh Thủy, khói báo động bốc lên trời đêm, đó là Phong Hỏa đài gần Biên Hoang Tập nhất, dùng lửa khói truyền tin báo về Biên Hoang Tập. Quanh vùng có khoảng một trăm Phong Hỏa đài như thế, phân bố khắp tây ngạn Dĩnh Thủy, dùng để thông tin liên lạc giữa tiền tuyến và hậu phương.

Phù Kiên nghe tin có lửa khói, cảm thấy hứng khởi, lập tức xuất trại đích thân đi xem cho rõ ràng.

Toán kỵ mã cuốn lên đầu núi như một cơn lốc, Phù Kiên kềm ngựa lại. Các tướng cũng vội vàng ghì cương, dừng lại đằng sau.

Phù Kiên nhíu mày như không dám tin vào mắt mình, kinh ngạc nói: "Thọ Dương đã bị vây hãm rồi!".

Lữ Quang vội nói: "Nhờ hồng phúc của Thiên vương, Thọ Dương đánh một trận là lấy được. Kiến Khang cũng chỉ là chuyện ngày một ngày hai".

Thư Cừ Mông Tốn cười ha hả: "Bọn nhóc miền Nam gan nhỏ như gan chuột nhắt. Mông Tốn thấy, Tạ Huyền đã sợ đến mức cụp đuôi trốn khỏi Kiến Khang chạy về ổ cũ rồi".

Khất Phục Quốc Nhân không lộ vẻ cao hứng như Thư Cừ Mông Tốn và Lữ Quang, y điềm tĩnh bảo: "Khoái mã tiền phương có thể sẽ trở về trước lúc trời sáng, lúc đó chúng ta sẽ biết rõ tình hình Thọ Dương.

Phù Kiên trầm ngâm chốc lát rồi nói: "Chu khanh gia, khanh thông thạo tình hình phương nam nhất, có kiến giải và suy nghĩ gì về việc này?".

Chu Tự đang nóng lòng chờ câu đó, nghe hỏi bèn lôi đáp án đã chuẩn bị trước ra: "Hiện tại binh lực của Bắc Phủ Binh ước chừng tám vạn người, một phần mười trong số đó là kỵ binh, còn lại đều là bộ binh. Trước mắt lực lượng ấy phải phân chia đồn trú ở sáu trọng trấn vùng Giang Bắc là Thọ Dương, Hiệp Thạch, Hu Di, Hoài Âm, Đường Ấp, Lịch Dương để đề phòng quân ta vượt Hoài Hà tập kích, ngoài ra còn phải để trọng binh lưu lại Kiến Khang. Chia nhỏ tất yếu, xem ra số quân giữ Thọ Dương không được đến năm nghìn. Vì vậy khi Hồ Bân thấy lực lượng tấn công Thọ Dương đông đảo, tất cương quyết cắt bỏ, rút quân đồn trú Thọ Dương về Hiệp Thạch thành, hy vọng có thể dựa vào địa thế hiểm trở của Bát Công Sơn, dựa vào sự ngăn cách của Phì Thủy, tập trung binh lực của hai thành lại để chống đỡ".

Mộ Dung Vĩnh cười gằn: "Sách lược duy nhất ấy là vô kế khả thi, nhưng lại đúng với sự sắp xếp cao minh của chúng ta khi cho hai cánh quân đánh úp lại từ hai bên trái phải".

Phù Kiên ngửa mặt cười: "Bản lĩnh của Tạ Huyền xem chừng chỉ có vậy".

Chu Tự thầm nghĩ: "Chính các người mới trúng kế ấy", rồi thừa cơ nói: "Đợi lát nữa đây thám tử tiền tuyến hồi báo thì biết ngay nhận định của vi thần về kế sách rút lui của Hồ Bân là đúng hay sai. Vi thần còn một kiến nghị nữa, nếu Hồ Bân quả thực hành động như vi thần suy đoán, thì điều đó minh chứng cho việc lực lượng của Bắc Phủ Binh bị phân tán mỏng. Thiên Vương có thể đích thân lên trận tiền đốc sư tác chiến, làm nức lòng quân, đánh một trận mà phá được Hiệp Thạch thành, đánh thẳng đến giang biên, người Tần cũng không thể phản kích, lúc đó Kiến Khang thất thủ là chắc chắn".

Khất Phục Quốc Nhân liếc mắt nhìn Chu Tự: "Bộ binh của chúng ta đến Biên Hoang Tập chỉ có hơn mười vạn, những cánh khác vẫn đang hành quân, mệt mỏi không biết ngần nào mà kể. Hiện đã lấy được Thọ Dương thì Hiệp Thạch chỉ là chuyện ngày một ngày hai, xin Thiên Vương mưu định hành động về sau, không nhanh không chậm, góp gió thành bão, thống nhất thiên hạ".

Phù Kiên cười ha hả: "Nhị vị khanh gia nói đều có lý lắm, nhưng hai cánh quân tiên phong của chúng ta hợp lại đã được hai mươi vạn rồi, cho dù Bắc Phủ Binh có tập trung lại hết ở Hiệp Thạch thành thì vẫn không chịu được một đòn tấn công của chúng ta. Ý trẫm đã quyết, nếu sự thực như Chu khanh gia dự đoán, sáng mai trẫm sẽ thân dẫn hai vạn tinh kỵ lên tiền duyên, công phá Hiệp Thạch. Đêm nay các khanh phải chuẩn bị kỹ càng để hành quân".

Mọi người dạ ran. Khất Phục Quốc Nhân vốn có chủ kiến khác, nhưng cũng phải nhận thấy lấy được Hiệp Thạch là việc nằm gần trọn trong lòng bàn tay.

Chu Tự càng tăng niềm tin đối với Tạ Huyền, vì điều y đã nói đều theo chỉ thị Tạ Huyền đã biên trong thư, Tạ Huyền thậm chí đã đoán được rằng Phù Kiên nhất định sẽ trúng kế.

Phù Kiên giật cương ngựa, quay đầu phi về hướng doanh trại. Chưa bao giờ trong suốt quá trình nhằm tới mục tiêu thống nhất thiên hạ, lòng tin của y lại mãnh liệt như lúc này.

Lưu Dụ trèo lên mặt bắc đầu thành Hiệp Thạch. Ở đó có Hồ Bân, và phía trước y là Tạ Huyền, đang đứng sừng sững, nhìn ra xa quan sát động tĩnh của địch ở tây ngạn Phì Thủy mé dưới chân Bát Công sơn, tay chắp sau lưng, mình vận bộ nho phục vải trắng, tà áo phần phật trong gió lạnh, lưng đeo thanh Cửu Vận Định Âm kiếm danh nhiếp thiên hạ, dáng vẻ tự tin và kiên nghị khó tả, như thể một thiên thần giáng phàm, khiến người ta bất giác mềm lòng khâm phục và sùng kính. Đặc biệt khi nghĩ y là đại diện trên chiến trường cho đệ nhất danh sĩ Tạ An, Lưu Dụ càng cảm thấy phấn chấn.

Lưu Dụ xưa nay luôn ác cảm với đám danh môn quý tộc cao cao tại thượng, nhưng Tạ gia là ngoại lệ duy nhất, một mình Tạ Huyền cũng đã đủ khiến gã cam lòng hy sinh, huống hồ Tạ An vốn được muôn dân kính ngưỡng.

Tạ Huyền ngoảnh đầu nhìn gã. Lưu Dục giật mình xúc động, tiến lại quỳ xuống hành lễ, run giọng nói: "Tì tướng Lưu Dụ may không làm nhục sứ mệnh, đã hoàn thành nhiệm vụ Huyền soái giao cho".

Tạ Huyền nhanh như chớp lắc mình tới, nâng gã lên, còn nắm chặt lấy hai tay gã, đôi mắt có thần sáng lên dị thường, cười nói: "Hay lắm! Không thẹn là nam nhi của Đại Tấn ta! Vất vả cho ngươi rồi!".

Lần đầu tiên được tiếp xúc với Tạ Huyền gần đến thế, Lưu Dụ cảm động suýt nữa không nói nên lời, mọi nỗi mệt nhọc vì phải phi ngựa đêm ngày không nghỉ về báo cáo đã tiêu tan hết. Cặp mắt đỏ hoe, gã nói: "Huyền soái... tôi...".

Tạ Huyền mỉm một nụ cười chân thành khiến người ta xúc động tận tâm can, tựa hồ đã thấu hiểu hết những cố gắng và hiểm nguy gian khó mà Lưu Dụ đã trải qua. Y tỏ ra như không có một chút khác biệt nào giữa trên và dưới, không có một khoảng cách khó vượt qua nào giữa danh gia vọng tộc với kẻ bần hàn, nắm lấy cánh tay Lưu Dụ, dắt ra một đầu thành khác.

Thân binh của y tránh sang hai bên, để tiện cho họ nói chuyện riêng.

Khi hai người đi qua bên cạnh Hồ Bân, Hồ Bân giơ tay vỗ vai Lưu Dụ, thái độ rất thân thiện hữu hảo, tỏ sự chân thành và cảm kích với người đã từng cứu mạng mình, cách cư xử so với lần đầu gặp mặt thì khác một trời một vực.

Lưu Dụ có cảm giác như giấc mộng của mình thành hiện thực, gã không còn là một chân sai vặt nhỏ nhoi nữa, mà đã tiến vào hàng ngũ cốt cán lãnh đạo của Bắc Phủ Binh, sự thăng tiến trong tương lai thực không thể tiên lượng.

Tạ Huyền dừng lại, buông gã ra, ánh mắt dõi về phía Thọ Dương.

Lưu Dụ cũng nhìn theo. Từ Đông lộ ở Bát Công sơn, lên núi vào thành, đến lúc này mới có dịp trông thấy tình hình Thọ Dương, chỉ thấy bên tây ngạn Phì Thủy doanh trại lớp lớp, đèn đuốc sáng bừng, chiếu trong ngoài thành Thọ Dương rực rỡ như ban ngày, doanh trại dựng tựa vào núi, tinh kỳ phấp phới, khí thế đỉnh thịnh.

Thành Thọ Dương hoàn toàn không có cửa, các cầu treo ở cổng thành đều đã bị bẻ gãy hết, sông hộ thành không những đã bị cắt đứt dòng chảy, mà còn bị đá cát lấp bằng, chỉ chưa đến mức phóng hỏa đốt thành mà thôi. Có thể tưởng tượng trong thành không còn một đấu lương thực nào, đừng nói gì đến binh khí cung tiễn.

Ở bên này, dưới chân Bát Công sơn có mọc lên mấy chục ụ tên, sắp cao thấp men theo thế núi, ụ thấp nhất cách Phì Thủy chỉ khoảng mấy trăm bộ, giống như một Thủ hộ thần chẹn lấy khu vực nông nhất có thể lội nước qua sông của Phì Thủy.

Địch nhân tuy có bộ dạng hùng dũng khí thế, nhưng Lưu Dụ đã rõ đối phương ngựa đói người mệt, chẳng hơi sức đâu mà ứng phó với việc qua sông tập kích của bên mình vào lúc này.

Phù Kiên không đánh mà lấy được Thọ Dương, sự tấn công phối hợp đã bị phá vỡ so với tính toán ban đầu, quân đội của Lương Thành tối ngày mai có thể vượt Hoài Hà lên đến bờ tây Lạc Giản, vì vậy Phù Dung phải đợi Lương Thành ổn định, mới bắt đầu tiến hành đại kế giáp kích đông tây Hiệp Thạch thành, chỉ nhìn từ điểm đó, Tạ Huyền đã chiếm được tiên cơ, nắm được quyền chủ động.

Tạ Huyền chắp tay sau lưng, điềm tĩnh nói: "Kẻ tỏ ra hùng mạnh vẫn để lộ chỗ yếu. Người làm vẻ yếu ngược lại vẫn hùng mạnh. Phù Dung à! Ngươi vẫn còn kém lắm".

Lưu Dụ nghe nói thế, trong lòng càng hiểu vì cớ gì mà Tạ Huyền được tôn sùng như binh pháp đại gia xuất sắc nhất Nam triều dạo gần đây, sau Tổ Địch và Hoàn Ôn. Chỉ nhìn khí độ ung dung và sự minh mẫn thấu suốt của y lúc lâm địch, là đủ biết danh

bất hư truyền. Bản thân gã cũng không ngại, có điều biết rõ tình hình của địch, có phân ra cao thấp.

Tạ Huyền nói: "Tiểu Dụ hãy kể lại tường tận từ đầu đến cuối ta hay, đừng bỏ sót một điều gì".

Yến Phi đi trên con đường nhỏ rậm cỏ dẫn đến hoang thôn, trong bụng đã định sẵn, sẽ đi vòng qua hoang thôn, rồi tiếp tục hành trình về phía đông.

Đang định rời khỏi con đường nhỏ, bỗng nhiên chàng có cảm giác lạ, bèn nhìn sang một cây to bên đường, ở trên thân cây, quãng cách mặt đất chừng một trượng, có ánh kim loại lấp lóe do phản chiếu ánh mặt trời.

Yến Phi định thần nhìn, chợt giật mình, nhảy vút lên, rút cái vật găm trên thân cây ấy ra, rồi nhảy trở xuống đất.

Yến Phi than thầm. Vật chàng lấy được chính là con dao thái rau của Bàng Nghĩa. Hiển nhiên là Bàng Nghĩa đã theo chỉ dẫn của chàng, chuyên chọn nẻo hoang rừng vắng mà trốn chạy, nhưng đến đây thì ngộ nạn, phải dùng tới con dao thái rau hộ thân, song không chém trúng mục tiêu, xem ra lành ít dữ nhiều. Cũng may quanh đây không có thi thể vết máu, vẫn còn một tia hy vọng.

Chàng giắt dao thái rau vào sau thắt lưng, đổi hướng, men theo con đường nhỏ đi vào rừng, hy vọng có thể tìm thấy ở đâu đây Bàng Nghĩa đang bị thương, chứ không phải là xác chết của y.

Lưu Dụ kể xong, im lặng đợi chỉ thị của Tạ Huyền.

Tạ Huyền chăm chú nhìn Thọ Dương, gật đầu bảo: "Tiểu Dụ làm việc tốt lắm, không phụ sự kỳ vọng của Lưu tham quân vào ngươi. Qua hành trình mà ngươi kể đó, có thể thấy ngươi phúc duyên thâm hậu, tiền đồ tương lai không thể tiên lượng. Nếu chúng ta giành thắng lợi trong trận chiến này, ta sẽ sắp xếp cho ngươi một vị trí khác trong Truyện được copy tại TruyệnFULL.vn

quân. Hiện tại ta lập tức thăng ngươi lên phó tướng, ngươi hãy tiếp tục cố gắng, hết lòng mà làm việc".

Lưu Dụ vui mừng tột độ, không chỉ vì vượt qua phiên tướng, được thăng liền hai cấp, mà còn vì Tạ Huyền đã nói rõ là sẽ tận lực đào tạo, đề bạt gã. Gã vội vàng quỳ xuống tạ ơn.

Tạ Huyền lại nâng gã lên, vui vẻ nói: "Sự tưởng thưởng này là do ngươi dùng trí tuệ và sự gan dạ của mình giành được. Trên đường về, ngươi còn thám sát rõ ràng động thái của cánh quân Lương Thành, đó là điểm mấu chốt cho thành bài của trận chiến này".

Lưu Dụ đứng vững, vẫn còn cảm giác khoan khoái bay bổng. Từ khi gia nhập Bắc Phủ Binh đến nay, gã phấn đấu không mỏi mệt, chỉ hy vọng có lúc cất mặt lên với đời, mà tất cả mọi cố gắng lúc này cuối cùng cũng đã gặt hái được thành quả tốt đẹp.

Tạ Huyền bỗng cau mày suy nghĩ, một lúc lâu sau mới hỏi: "Theo ngươi, Thác Bạt Khuê là người thế nào? Đừng phóng đại, cũng đừng vì hắn là người Hồ mà khinh rẻ bẻ bai y".

Lưu Dụ càng ngày càng nhận ra sự khác biệt giữa Tạ Huyền và những danh sĩ cao môn khác. Thói quen bình phẩm các nhân vật vẫn được duy trì từ thời Hán mạt đến nay. Danh môn Giang Tả khi phẩm bình nhân vật thường khinh rẻ xem nhẹ những người không thuộc dòng dõi, còn như đối với người Hồ, thì càng khinh thị, xem như một chủng tộc man di chưa khai hóa mà thôi. Vì vậy lời nhắc nhở của Tạ Huyền càng nhấn mạnh chỗ độc đáo ở con người ông ta.

Lưu Dụ sắp xếp lại các thông tin trong đầu rồi cung kính đáp: "Thác Bạt Khuê là một người kiến thức rất rộng, đầy đủ các điều kiện để làm một thống soái, biết nhìn xa, lại nhìn nhận rất triệt để, thấy một hiểu mười, nguyên việc Huyền soái bỏ Thọ Dương, hắn cũng hiểu được Huyền soái có tính toán gì. Một khi hắn nảy ra quyết định gì, là kiên trì đến cùng. Khuyết điểm duy nhất của hắn là quá kiêu ngạo tự phụ, nếu hắn nắm quyền lực trong tay, nhất định sẽ là một bạo chúa chuyên chế tai ngược".

Ánh mắt Tạ Huyền lộ vẻ kinh ngạc rõ rệt, chăm chú quan sát Lưu Dụ một hồi, ông ta gật đầu đáp: "Ngươi đánh giá rất toàn vẹn. Nếu trí lực ngươi không ngang ngửa với Thác Bạt Khuê, quyết không thể nhìn thấu ưu điểm và khuyết điểm của hắn như vậy được. Theo ngươi thấy, làm một thống soái cần phải có những điều kiện gì?".

Lưu Dụ thầm kêu khổ, đành phải móc hết bản lĩnh đã cất giấu xuống tận đáy hòm của mình ra để phô bày. Gã chỉ muốn nói làm thống soái là phải giống như Thứ sử đại nhân ngài đây, nhưng lại sợ Tạ Huyền cho rằng gã bợ đỡ tâng bốc, đành đáp: "Theo thiển kiến của tệ chức, thống soái là người chỉ huy và điều hành thiên quân vạn mã, nhất định phải biết mình biết ta. Trên chiến trường thiên biến vạn hóa phải biết ra quyết sách tỉnh táo, lâm nguy bất loạn, thấy sóng cả không ngã tay chèo. Trong Biên Hoang Tập, Thác Bạt Khuê đã biểu hiện được cá tính ấy, đặt biệt là trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, hắn đã hiển lộ được sự cơ trí trong ứng biến. Khi tệ chức vì cảm thấy gian nan mà muốn từ bỏ việc đưa thư cho Chu Tự đại nhân, thì đều nhờ hắn cương quyết thuyết phục, cuối cùng mới có thể hoàn thành nhiệm vụ, về sau tệ chức nhớ lại, vẫn cảm thấy tự hổ thẹn".

Tạ Huyền mỉm cười: "Ngươi đừng hổ thẹn. Đổi là ta lúc đó, cũng sẽ cân nhắc nặng nhẹ, lập tức trở về báo cáo quân tình. Từ đó đủ thấy cái trác việt bất phàm của Thác Bạt Khuê".

Rồi y ngẩng mặt nhìn trời đêm, nói tiếp: "Tộc Thác Bạt Tiên Ti kiêu dũng thiện chiến, Đại quốc tuy đã suy vong, nhưng Thác Bạt Tiên Ti vẫn còn dư thế ở miền tái ngoại. Bọn mã tặc do Thác Bạt Khuê lãnh đạo tung hoành miền tây bắc, Phù Kiên bất lực, ta cũng nghe danh đã lâu. Nếu để Thác Bạt Khuê thống nhất các bộ tộc Thác Bạt Tiên Ti, nhất định sẽ lãnh đạo họ đột khởi, trở thành một lực lượng không thể xem thường ở phương bắc".

Lưu Dụ gật đầu: "Chỉ nhìn hắn giữ mãi mối liên hệ với Mộ Dung Thùy, mà Mộ Dung Thùy cũng chấp nhận, đủ thấy người đó có chỗ bất phàm. Tuy vậy tôi dám khẳng định Mộ Dung Thùy đang dưỡng hổ di họa, Thác Bạt Khuê tuyệt không cam lòng khuất ủy dưới bất kỳ ai, cho dù là Mộ Dung Thùy đi nữa".

Tạ Huyền lại một lần nữa quan sát Lưu Dụ với ánh mắt kinh ngạc, giọng ôn hòa và thân mật, điềm tĩnh hỏi: "Còn Tiểu Dụ thì thế nào nào?".

Lưu Dụ giật mình, vội đáp: "Tệ chức chỉ luận việc xét người, không dám có ý khác".

Tạ Huyền bật cười, nhẹ nhàng nói: "Mỗi người, vào tuổi thanh xuân của mình đều nên có những ý nghĩ bạo dạn, ta cũng vậy thôi, nhưng tuổi mỗi ngày một cao, nhiều suy nghĩ không thiết thực nữa sẽ dần dần bị từ bỏ hoặc thay đổi. Hiện tại ta chỉ mong có thể phục hưng tôn thất nhà Tấn, giúp nhân dân hưởng những ngày an lạc".

Lưu Dụ thầm nhủ, đây chính là điều khiến tôi khâm phục ông, người muốn làm nên đại sự phải biết tránh câu nệ tiểu tiết và đừng giữ lòng dạ đàn bà. Như Yến Phi tuy đáng yêu đáng kính, nhưng không phải là loại tranh giành nổi thiên hạ, lại cũng không phải là người có dã tâm ấy. Người như y và Thác Bạt Khuê mới đáng đem ra để luận anh hùng.

Tạ Huyền nói: "Muôn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm. Nhân tài như ngươi đây, Tạ Huyền ta tuyệt không thể để mai một. Con đường trước mặt còn gian khổ, tối nay ngươi nghỉ ngơi cho khỏe, bắt đầu từ mai, ngươi theo liền bên ta, chịu khó học tập".

Từ sâu trong tim, Lưu Dụ nảy lòng tri ngộ sâu sắc với Tạ Huyền, nhờ sự đại lượng của Tạ Huyền, gã mới có thể giải bày những điều chân thành nhất, đối với những người khác, kể cả Tôn Vô Chung mà gã rất trân trọng, gã cũng giấu giấu giếm giếm để tránh bị người ta nhìn thấu chí hướng hoài bão của mình.

Lưu Dụ thi lễ cáo lui, Tạ Huyền đột nhiên nói với vẻ thư thái: "Tiện thì nói thôi nhé. Tiểu Dụ hãy cho ta biết, hiện tại việc ngươi muốn làm nhất là gì? Đương nhiên không phải ta hỏi đến ngủ nghê đâu nhé".

Lưu Dụ ngượng ngùng đáp: "Vẫn liên quan đến ngủ thôi. Là muốn ôm một cô thật xinh ngủ cùng".

Tạ Huyền cười phá lên. Trong lúc ấy Lưu Dụ đã vội vã theo bậc cấp đi xuống. Lúc ngang qua chỗ Hồ Bân, Hồ Bân bắt tay gã thật chặt, khiến Lưu Dụ cảm thấy tim dâng đầy ấm áp, biết mình đã giành được giao tình của vị tướng lĩnh quan trọng này, đó là một việc rất có lợi cho tương lai.

Đi hết khỏi bậc cấp đá, gã nghĩ tới Yến Phi, chiến hữu khó quên. Nhờ có chàng, gã mới có được phong quang hiện nay.